Thứ Bảy, 11-01-2025 07:11
img

BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO “Bản quyền trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học”

ThS. Phạm Thị Kim Oanh
Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả

Quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế. Vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được các quốc gia chú ý và được đặt ra tại hầu hết các diễn đàn kinh tế quốc tế. Việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia có hiệu quả sẽ khuyến khích các hoạt động sáng tạo, tạo môi trường đầu tư an toàn để thu hút các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Trong những năm qua, hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nhà nước quản lý hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan thông qua nhiều công cụ quản lý khác nhau, trong đó pháp luật được coi là công cụ quản lý quan trọng nhất.

Trong hội nhập quốc tế, đến nay, Việt Nam đã tham gia 8/9 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan, đàm phán, ký kết 02 Hiệp định song phương và 14 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do song phương, đa phương với các quốc gia, khu vực kinh tế khác nhau trên thế giới có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan. Việc ký kết và tham gia các điều ước quốc tế, hiệp định thương mại đã đưa Việt Nam lên vị thế bình đẳng, cùng có lợi với các quốc gia có nền công nghiệp bản quyền phát triển, đồng thời cũng đem đến những thách thức mà Việt Nam phải vượt qua khi thực hiện các cam kết trong hội nhập.

Trong công tác xây dựng pháp luật, thời gian qua, pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được hoàn thiện. Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã ban hành Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023. Ngày 26/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành công cuộc đổi mới với nhiều nỗ lực gia nhập các tổ chức quốc tế và ký kết các hiệp định song phương, đa phương, Luật SHTT Việt Nam là kết tinh của sự kế thừa, học hỏi các nước có nền lập pháp tiên tiến, mang nhiều tư tưởng và giá trị tiến bộ của thế giới. Trong đó, các quy định về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả cũng được tiếp thu, tham khảo có chọn lọc và cập nhật phù hợp với hoàn cảnh đất nước.

Trong quá trình hoàn thiện pháp luật, Cục Bản quyền tác giả xác định rõ mục tiêu thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ; Thi hành các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia, trong đó có các FTA mà Việt Nam tham gia gần đây như Hiệp định CPTPP năm 2018, Hiệp định EVFTA năm 2019, Hiệp ước WCT năm 2021, Hiệp ước WPPT năm 2022 và Hiệp ước Marrakesh năm 2022; Đảm bảo công tác tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trong hệ thống quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; Bảo đảm khả thi, dễ tiếp cận cũng như góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Đồng thời, trong dài hạn, chúng ta cần nhận diện các vấn đề thực tiễn, xu hướng phát triển của thế giới, yêu cầu đặt ra đối với lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng tiến bộ, khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao, các quyền tác giả, quyền liên quan được bảo vệ và thực thi hiệu quả. Nhiều vấn đề mới gắn với công nghệ, kỹ thuật đặt ra như công nghệ blockchain, AI,… cũng là bài toán chung cho các quốc gia trong vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đồng thời vẫn phải đảm bảo được một trong những nội dung cốt lõi là nguyên tắc “Cân bằng lợi ích”, vốn được thiết kế nhằm bảo vệ quyền tiếp cận và sử dụng tác phẩm của xã hội và cộng đồng, trong đó có hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Hội thảo là diễn đàn để chúng ta tiếp tục trao đổi, thảo luận sâu sắc hơn về thực trạng pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan hiện nay, kinh nghiệm trong thực thi, bảo vệ quyền cũng như kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới, từ đó định hướng việc hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam trong giai đoạn tới và đưa ra những giải pháp, đề xuất cụ thể.

Để có thể tổ chức được Hội thảo, Cục Bản quyền tác giả đã nhận được 15 báo cáo tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và các công ty, văn phòng luật sư hoạt động trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Các báo cáo tham luận đã tập trung làm rõ thực trạng cũng như đề xuất nhiều giải pháp để hoàn thiện pháp luật cũng như biện pháp thực thi các quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả nói chung, trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học nói riêng.

Với ý nghĩa đó, tại Hội thảo ngày này, các giảng viên, nhà khoa học, các quý vị đại biểu tập trung thảo luận làm sâu sắc hơn và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong bối cảnh mới hiện nay trên một số vấn đề chủ yếu sau đây:

– Thực trạng quy định pháp luật, việc thực thi quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả hiện nay, tập trung vào một số nội dung trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học;

– Thực trạng quản lý, khai thác tài sản quyền tác giả, quyền liên quan tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học;

– Kinh nghiệm quốc tế về pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan và từ các vụ việc thực tiễn liên quan đến áp dụng các quy định về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả;

– Một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả và trong quá trình triển khai thi hành trên thực tiễn;

– Đề xuất phương hướng, giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả; tăng cường năng lực quản lý, khai thác tài sản quyền tác giả, quyền liên quan trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Quang cảnh tại Hội thảo

img