Thứ Sáu, 01-07-2022 12:47
img

Dòng âm nhạc hàn lâm Việt trong xây dựng thương hiệu quốc gia về văn hóa

Âm nhạc hàn lâm luôn có một vị trí quan trọng trong nền âm nhạc một quốc gia. Và xây dựng thương hiệu quốc gia từ âm nhạc hàn lâm là một đích đến đầy tự hào. Bàn thêm về việc xây dựng âm nhạc hàn lâm thành thương hiệu quốc gia, chúng tôi đã cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh.

– PV: Thưa Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh, là người được sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, nhưng cũng đồng thời được học tập và làm việc tại Pháp, vậy bà có suy nghĩ gì về việc đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia nói chung và đưa âm nhạc trở thành thương hiệu quốc gia ở Việt Nam?

+ TS. Lê Y Linh: Có một điều chắc chắn, nếu có một cơ bản tốt và một chiến lược phát triển thích đáng, thì Văn hóa là thứ có thể trở thành một trong những lĩnh vực mũi nhọn trong xây dựng thương hiệu quốc gia.

Âm nhạc, với đặc điểm về ngôn ngữ biểu hiện mang nhiều tính quốc tế, chính là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng đóng góp cho việc xây dựng thương hiệu quốc gia của văn hóa Việt Nam.

Tôi muốn tập trung vào một mảng ít được đề cập đến, đó là âm nhạc hàn lâm Việt, về những tiềm năng và đặc thù của nó trong việc đóng góp vào xây dựng thương hiệu quốc gia về văn hóa và âm nhạc.

Năm 1938, bài hát đầu tiên do một nhạc sĩ Việt Nam sáng tác trên năm dòng kẻ kiểu châu Âu được đăng trên báo. Hơn hai mươi năm sau, vào cuối những năm 1950, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam được thành lập, và sau đó, những bản giao hưởng đầu tiên của các nhà soạn nhạc Việt Nam đã ra đời. Đặc điểm lớn nhất trong dòng nhạc ấy, để có thể “mang chuông đi đánh xứ người” là tác phẩm sáng tác từ các nhạc sĩ Việt Nam. Họ đã biết chiết xuất tinh hoa của âm nhạc truyền thống Việt Nam để biểu hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc cổ điển thế giới.

Các tác phẩm của các nhà soạn nhạc Việt Nam đã góp phần làm giàu thêm khối tài sản của nền âm nhạc cổ điển thế giới. Do đó tôi cho rằng dòng âm nhạc hàn lâm Việt Nam sẽ là một bộ phận không thể thiếu để làm nên thương hiệu quốc gia, là một trong những thứ có thể khẳng định giá trị, vị thế, dấu ấn, niềm tự hào về sự ghi nhớ, ghi nhận, nhu cầu muốn được biết đến, thưởng thức trong nhận thức của cộng đồng quốc tế.

Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh (thứ 2 từ phải sang) cùng các văn nghệ sĩ giao lưu về âm nhạc

PV- Theo đánh giá của Tiến sĩ thì để đưa âm nhạc trở thành thương hiệu quốc gia chúng ta đang có những thuận lợi và khó khăn gì?

TS. Lê Y Linh: Trong hơn sáu mươi năm qua, bốn thế hệ nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, nhạc trưởng, nhà lý luận và nghiên cứu đã xây dựng các cơ sở của âm nhạc hàn lâm Việt Nam với đầy đủ một hệ sinh thái gồm: tác giả, tác phẩm, biểu diễn, nghiên cứu, đào tạo. Đây chính là điều thuận lợi của Việt Nam khi chúng ta đã có một nền âm nhạc hàn lâm với một bề dầy phát triển, số lượng tác phẩm phong phú.

Về khó khăn, thứ nhất là đội ngũ hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp hàn lâm tương đối mạnh, nhưng cho đến mươi năm trở lại đây, lứa được đào tạo tại các nước xã hội chủ nghĩa đang dần dần tới tuổi không còn làm nghề nữa. Trong thời đại hiện nay, thiếu nhi, thiếu niên có nhiều lựa chọn. Việc lựa chọn con đường khó là học hơn 15 năm nhạc cổ điển với đầu ra không có đủ đồng lương để đảm bảo đời sống gia đình là không tưởng. Tôi cũng thấy xu hướng hiện nay các gia đình cho con đi học nhạc chỉ ở một số môn như: piano, violon, guitare vì tính thực hành lớn, và cũng ngưng ở mức độ nghiệp dư. Thậm chí nếu giỏi cũng chỉ để là người biết chơi, chứ không làm nghề.

Khó khăn thứ hai là trong thời đại toàn cầu hóa và công nghệ số, âm nhạc là thứ dễ trở thành một nghệ thuật mà ranh giới giữa sự sáng tạo và kỹ thuật số dễ bị nhạt nhòa, thậm chí bị cán nát theo những lệ luật của thế giới phẳng. Giá trị được quy thành số người nghe, số lượng view (được xem, được nghe), số lượng chia sẻ, số lượng like (người thích), tức là văn hóa của số đông. Trong khi đó, chúng ta sẽ mất rất nhiều hơn thời gian và phương tiện giáo dục, truyền thông để âm nhạc hàn lâm nói chung, tác phẩm âm nhạc hàn lâm Việt Nam nói riêng trở thành một loại hình âm nhạc có một công chúng rộng rãi.

PV: Để âm nhạc trở thành thương hiệu quốc gia Việt Nam theo quan điểm của Tiến sĩ Lê Y Linh chúng ta nên bắt đầu từ đâu và như thế nào để phù hợp với tình hình hiện tại mà đem lại hiệu quả cao?

TS. Lê Y Linh: Nếu như các nhà soạn nhạc và các nghệ sĩ biểu diễn là nền tảng “bắt buộc” của sự phát triển âm nhạc hàn lâm, thì công chúng chính là nền tảng “lâu dài” của mọi bộ môn nghệ thuật, đặc biệt trong trường hợp âm nhạc hàn lâm. Tôi có nhớ tới một câu hỏi rất khó của một độc giả trẻ tham gia cuộc tọa đàm xung quanh cuốn sách Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau “Âm nhạc đỉnh cao là âm nhạc như thế nào?” và nhạc sĩ Quốc Trung có trả lời “việc âm nhạc giao hưởng là đỉnh cao của nghệ thuật âm nhạc đã là một điều hiển nhiên và được công nhận, nhưng sự biết thưởng thức nó không phải tự nhiên, mà là ai có nhu cầu tìm hiểu thì chịu khó học hỏi, sẽ nhận ra được cái hay của nó”.

Như vậy tức là công chúng cũng sẽ không ” thiệt thòi” khi bỏ công lao ra đi tìm hiểu và thích nghe nhạc giao hưởng, bởi vì việc đó đã mở rộng tầm nhìn, cung bậc cảm xúc và nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật của mỗi người. Với tôi, tôi luôn quan niệm một nền âm nhạc lớn mạnh là một nền âm nhạc có tất cả các lựa chọn, những lựa chọn ấy không quay lưng vào nhau mà quan sát nhau để học tập những phương pháp làm thành công. Một người có thể yêu thích nhạc cách mạng, nhạc hàn lâm cổ điển, hát karaoke nhạc bolero. Đi nhảy disco với rock khi có hứng và đi nghe hòa nhạc cổ điển với sự thăng hoa. Câu chuyện không phải ở chỗ bài bác một thể loại hình thức âm nhạc nào đó, câu chuyện là làm sao tăng được số người yêu thích và hiểu biết nghệ thuật âm nhạc trong công chúng.

Ảnh minh họa

Việc đưa nhạc hàn lâm rộng ra công chúng là việc khó và cần đầu tư lớn nhất về thời gian, chiến lược, và kể cả ngân sách. Bởi khi nó có công chúng vững chắc thì mới có thể phát triển một phần tự thân một cách lâu dài.

Tiếp đó, vai trò của những người làm âm nhạc là hướng dẫn thẩm mỹ công chúng. Muốn họ làm được việc đó, trước hết họ phải ý thức được vai trò của mình và có điều kiện để thực hiện vai trò ấy. Nói một cách cụ thể, để cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ có tâm trí tập trung vào sứ mệnh cao cả ấy, trước hết phải làm sao cho họ có chế độ đặc biệt không cần phải lo về ” cơm áo gạo tiền”. Chắc chắn nhiều người đều biết là đào tạo một nghệ sĩ biểu diễn cho dàn nhạc giao hưởng công khó biết bao nhiêu. Việc theo học một môn nhạc cụ cổ điển từ đó sẽ không phải là học chơi của ” con nhà có điều kiện” mà là những người có tài năng và có sự say mê cùng sức lao động bền bỉ. Còn về đào tạo các thế hệ nhà soạn nhạc tiếp nối, việc tạo điều kiện cho những người có tài, có khả năng phát triển được học tập trau dồi kiến thức và được dàn dựng tác phẩm là hai khâu không thể thiếu.

Việc mở rộng và phổ cập một cách bài bản về nghe nhạc hàn lâm nói riêng, về bổ túc trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật nói chung cho công chúng có thể được đưa vào danh sách ưu tiên trong giáo dục ở nhà trường và xã hội. Điều này ngày nay đã trở thành dễ dàng và đơn giản hơn rất nhiều so với thời chúng tôi trước đây với những phương tiện của kỹ thuật số.

Thứ ba, điều không thể thiếu là cần cổ súy và quảng bá việc chơi các tác phẩm Việt Nam trong những buổi hòa nhạc, mang đến cho công chúng một sự hiểu biết về sự tồn tại của những tác phẩm ấy. Khi đã có nghệ sĩ biểu diễn, có tác phẩm, thì rất nhiều thứ thật sự có thể làm trong tầm tay với.

PV: Việc đưa âm nhạc trở thành thương hiệu quốc gia chắc chắn phải là một lộ trình, vậy theo bà, nếu chúng ta quyết tâm thực hiện thì mất khoảng bao lâu?

TS. Lê Y Linh: Câu hỏi này là một câu khó trả lời, vì điều này tùy thuộc vào quá nhiều yếu tố. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng khi chúng ta đã xác định được mục tiêu, việc phải làm cụ thể ra sao, với những phương tiện nào, thì việc ấy cứ tuần tự thực hiện. Nếu muốn, vắn tắt chúng ta có thể tưởng tượng được là trong điều kiện tốt nhất, trong vài năm tới chúng ta đã có thể cho công chúng hiện nay biết là chúng ta có một nền âm nhạc hàn lâm Việt, cho giới chuyên môn biết là sẽ phải làm gì. Trong chục năm tới có thể đặt mục tiêu quảng bá âm nhạc hàn lâm tới nhiều tầng lớp… Vậy nên phải bắt đầu từ ngày hôm nay mới có thể có ngày mai, ngày kia, sang năm, sang thập kỷ tới.

PV: Là một Tiến sĩ âm nhạc, lại có cơ hội được tiếp cận với nhiều nền âm nhạc nổi tiếng trên thế giới, bà có thể chia sẻ vắn tắt cách làm của họ để âm nhạc trở thành thương hiệu quốc gia?

TS. Lê Y Linh: Mỗi đất nước có một đặc thù, việc tổng kết này thật khó. Tôi muốn dẫn một ví dụ mặc dù sự so sánh này là khập khiễng bởi vì so với ta, nhạc cổ điển là truyền thống văn hóa của họ. Đó là ví dụ về sự xuất hiện của trường phái lãng mạn Pháp, hay trường phái âm nhạc Nga vào thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Những trường phái này đã tạo được bản sắc và sự khác biệt bởi các tác phẩm mang đậm tính dân tộc của Nga, mang đậm tính lãng mạn của văn hóa Pháp. Ở những nước trên thế giới mà nhạc hàn lâm là truyền thống – như ở Pháp, âm nhạc hàn lâm luôn được tồn tại và tôn vinh là một nền tảng cho sự phát triển vẫn cần có các mạnh thường quân kết hợp với chính sách văn hóa quốc gia để tồn tại và phát triển.

Ở những nước khác, bước đầu quan sát của tôi, phần lớn những tiêu chí như chơi tác phẩm gì, cho công chúng nào, dấu ấn bản địa ở đâu thật ra cũng chưa thật sự đi vào khuôn khổ, hay nói cách khác, cũng chưa phải có bộ tiêu chí nào chuẩn mực. Trong điều kiện của Việt Nam, với những thuận lợi đã nêu, tôi nghĩ rằng chúng ta đã có một nền móng cơ bản đáng kính trọng. Còn việc liệu một ngày ta có thể nói tới trường phái âm nhạc Việt Nam (hàn lâm) hay không ? Cái đó phụ thuộc vào công chúng, vào những nhà chiến lược văn hóa, vào những người nhạc sĩ làm nghề. Chính ba chân đó sẽ tạo nên một chiếc kiềng vững chãi cho nền tảng phát triển của nhạc hàn lâm Việt trong tương lai.

Ước mơ của tôi là mỗi một buổi diễn, có một tác phẩm Việt Nam được chơi, không chơi toàn bộ thì trích đoạn. Kể cả khi tên của các tác phẩm sáng tác trong thời kỳ đầu có mang nhiều tính chất chiến tranh, không còn hợp với thời bình, thì ta có đánh số các tác phẩm như các tác giả cổ điển châu Âu đã làm chẳng hạn, để chúng được vang lên. Phải được vang lên thì những tác phẩm ấy không bị quên lãng mãi mãi, điều mà những người trong giới chuyên môn đã bắt đầu lo lắng và báo động từ hàng chục năm nay.

Cảm ơn Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh !

Hiền Nguyễn (Thực hiện)

Theo Báo Điện tử Tổ quốc

img