Thứ Hai, 19-12-2022 10:17
img

Hiệp Hội Công Nghiệp Ghi Âm Việt Nam (RIAV)

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

(Quyết định số 31/2003/QD-BNV ngày 16/6/2003 Về việc cho phép thành lậpHiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam)

 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ

– Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày 20/5/1957 quy định về quyền lập hội;

– Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 5/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

– Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

– Xét đề nghị của Ban vận động thành lập Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, ý kiến của Bộ Văn hoá – Thông tin và đề nghị của Vụ trưởng Vụ tổ chức phi Chính phủ,

 

Quyết định

 

Điều 1: Cho phép thành lập Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam.

Điều 2: Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Văn hoá – Thông tin và hoạt động theo Điều lệ của Hiệp hội được Bộ Nội vụ phê duyệt.

Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam tự lo liệu kinh phí và phương tiện hoạt động.

Điều 3: Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4: Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

 

ĐIỀU LỆ HIỆP HỘI CÔNG NGHIỆP GHI ÂM VIỆT NAM

Chương I: Tên gọi, mục đích của Hiệp hội

 

Điều 1. Tên gọi

1. Tên đầy đủ là Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (trong bản Điều lệ này gọi tắt là Hiệp hội);

2. Tên giao dịch quốc tế là Recording Industry Association of Vietnam, viết tắt RIAV.

 

Điều 2. Tính chất

1. Hiệp hội là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, phi chính phủ, phi lợi nhuận của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất băng đĩa ghi âm (bao gồm các sản phẩm ghi âm, ghi hình) ở Việt Nam.

2. Hiệp hội hoạt động theo quy định của pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều lệ của Hiệp hội được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Văn hoá – Thông tin.

 

Điều 3. Mục đích hoạt động

1. Tập hợp các đơn vị sản xuất băng đĩa ghi âm vào một tổ chức Hiệp hội nhằm hợp tác, hỗ trợ nhau để thúc đẩy phát triển sản phẩm băng đĩa ghi âm, góp phần thúc đẩy sáng tạo, phổ biến các giá trị âm nhạc và các loại hình nghệ thuật dân tộc khác và tinh hoa âm nhạc thế giới tới công chúng.

2. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất đối với các chương trình băng đĩa ghi âm.

3. Hỗ trợ phát hành để đưa tác phẩm tới công chúng một cách thuận lợi.

4. Tham gia tư vấn về việc hoạch định cơ chế, chính sách về bản quyền và các chính sách liên quan đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.

5. Mở rộng hợp tác, giao lưu với các tổ chức tương ứng của các nước, quốc tế trong việc sản xuất và quản lý tập thể quyền tác giả trong lĩnh vực công nghiệp ghi âm theo quy định pháp luật.

 

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động, tư cách hoạt động, trụ sở

1. Hiệp hội được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải.

2. Hiệp hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

3. Trụ sở chính đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Chương II: Nhiệm vụ – Quyền hạn

 

Điều 5. Nhiệm vụ

1. Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quyền tác giả và công nghệ ghi âm đến các hội viên và công chúng; thông tin, tư vấn về tiến bộ của lĩnh vực công nghệ ghi âm tới các thành viên.

2. Thu thập ý kiến, nguyện vọng của hội viên để kiến nghị về việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật quyền tác giả và công nghệ ghi âm với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.”

3. “ Thực hiện việc đàm phán, quản lý các quyền nhân thân và quyền tài sản trong việc khai thác tác phẩm theo sự uỷ thác của các hội viên”

4. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên khi bị xâm hại.

5. Thực hiện các hoạt động khuyến khích sáng tạo và các hoạt động xã hội khác.

6. Tổ chức hoà giải khi có tranh chấp giữa các hội viên.

7. Hợp tác với các tổ chức tương ứng của quốc tế và các quốc gia trong việc phát triển công nghiệp ghi âm và bảo vệ quyền tác giả ở lĩnh vực này.

8. Báo cáo theo định kỳ hàng năm và đột xuất cho các cơ quan Nhà nước liên quan

 

Điều 6. Quyền hạn

1. Bảo vệ các quyền của hội viên theo quy định pháp luật.

2. Thành lập các tổ chức trực thuộc Hiệp hội theo quy định pháp luật.

3. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội thi, các khoá đào tạo, bồi dưỡng và các hoạt động khác trong lĩnh vực công nghiệp ghi âm.

4. Quan hệ hợp tác với các cơ quan và tổ chức Việt Nam liên quan.

5. Quan hệ với các tổ chức quốc tế và các quốc gia liên quan theo quy định pháp luật.

 

Chương III: Hội viên

 

Điều 7. Điều kiện trở thành hội viên

Các tổ chức, cá nhân Việt Nam đã và đang hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến các sản phẩm ghi âm thừa nhận Điều lệ của Hiệp hội và tự nguyện tham gia đều có thể trở thành hội viên chính thức của Hiệp hội.

Việc xin gia nhập Hiệp hội phải có đơn gửi Ban chấp hành Hiệp hội. Thể thức kết nạp hội viên do Ban chấp hành Hiệp hội quy định.

 

Điều 8. Các loại hội viên

Hiệp hội có các loại hội viên sau:

1. Hội viên sáng lập, bao gồm các thành viên trong Ban vận động;

2. Hội viên chính thức, bao gồm đại diện các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ghi âm;

3. Hội viên danh dự, bao gồm các nhà hoạt động văn hoá, xã hội, khoa học, quản lý có ảnh hưởng đến sự phát triển của Hiệp hội, được Ban chấp hành Hiệp hội mời;

4. Hội viên liên kết, bao gồm những tổ chức, cá nhân cùng đầu tư tài chính để thực hiện hoạt động của Hiệp hội;

5. Hội viên tán trợ, bao gồm các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tài chính và các điều kiện vật chất khác cho hoạt động của Hiệp hội.

 

Điều 9. Quyền của hội viên

1. Tham gia các hoạt động của Hiệp hội;

2. Thảo luận, biểu quyết các chương trình công tác của Hiệp hội, chất vấn và phê bình Ban chấp hành và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Hiệp hội;

3. ứng cử và bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của Hiệp hội. Các hội viên danh dư, hội viên liên kết, hội viên tán trợ không có quyền bầu cử, ứng cử và biểu quyết về công việc của Hiệp hội;

4. Được Hiệp hội hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi quyền hạn và khả năng của Hiệp hội;

5. Nhận sự ủng hộ về vật chất và tinh thần từ phía Hiệp hội và các hội viên khác trong Hiệp hội;

6. Giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm của Hiệp hội;

7. Được quyền xin ra khỏi Hiệp hội khi xét thấy không thể hoặc không muốn tiếp tục tham gia Hiệp hội. Khi xin ra khỏi Hiệp hội, hội viên phải có đơn gửi Ban chấp hành Hiệp hội.

 

Điều 10. Nghĩa vụ của hội viên

1. Tuân thủ Điều lệ của Hiệp hội;

2. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ do Hiệp hội giao;

3. Hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm giữa các hội viên để nâng cao chất lượng sản phẩm ghi âm, bảo vệ quyền tác giả;

4. Tham gia sinh hoạt Hiệp hội đều đặn và đóng hội phí đầy đủ, đúng kỳ hạn;

5. Đoàn kết, hợp tác với các hội viên khác để cùng nhau thực hiện mục đích của Hiệp hội, góp phần xây dựng Hiệp hội ngày càng vững mạnh;

6. Tuyên truyền để phát triển hội viên mới.

 

Điều 11. Chấm dứt tư cách hội viên

Tư cách hội viên sẽ chấm dứt nếu xảy ra một trong các trường hợp sau:

1. Tổ chức bị đình chỉ hoạt động, bị giải thể hay bị tuyên bố phá sản;

2. Theo quyết định của Ban chấp hành với sự nhất trí quá bán của các thành viên Ban chấp hành với những lý do sau:

–  Hội viên có hành vi hoạt động trái với pháp luật Việt Nam;

– Hội viên vi phạm Điều lệ, không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của Hội viên;

3. Có đơn xin ra khỏi Hiệp hội.

 

Chương IV: Tổ chức hoạt động của Hiệp hội

 

Điều 12. Tổ chức Hiệp hội

Tổ chức Hiệp hội gồm:

1. Hiệp hội;

2. Các Chi hội cơ sở tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

3. Các tổ chức trực thuộc do Hiệp hội thành lập theo quy định pháp luật;

4. Hội thành viên không phải là tổ chức trực thuộc.

 

Điều 13. Đại hội toàn thể

Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hiệp hội là Đại hội toàn thể của Hiệp hội. Đại hội được tiến hành thường lệ 5 năm một lần khi có đủ 2/3 số hội viên có mặt, do Ban chấp hành khoá trước triệu tập. Đại hội toàn thể có thể họp bất thường theo quyết định của Ban chấp hành hoặc theo đề nghị của hơn 1/2 số hội viên hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc bầu và bãi miễn đại biểu đi dự Đại hội do Ban chấp hành Hiệp hội quy định.

Nội dung chính của Đại hội:

– Thông qua báo cáo định kỳ, báo cáo điều hành của Ban chấp hành và quyết toán tài chính;

– Quyết định phương hướng và chương trình công tác của Hiệp hội;

– Sửa đổi Điều lệ (nếu cần);

– Bầu Ban chấp hành của Hiệp hội. Số lượng uỷ viên Ban chấp hành do Đại hội quyết định.

 

Điều 14. Ban chấp hành

Ban chấp hành gồm có:

– Chủ tịch;

– Phó Chủ tịch;

– Các uỷ viên.

Nhiệm kỳ của Ban chấp hành là 5 năm. Ban chấp hành họp mỗi năm 2 kỳ. Nghị quyết của Ban chấp hành chỉ hợp lệ khi có 2/3 số thành viên Ban chấp hành đồng ý.

 

Điều 15. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban chấp hành

1. Bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch;

2. Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết giữa 2 nhiệm kỳ Đại hội; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác hàng năm; quyết toán tài chính hàng năm;

3. Phân công các ủy viên Ban chấp hành phụ trách từng nhiệm vụ cụ thể;

4. Quyết định thành lập, giải thể các tổ chức trực thuộc;

5. Chuẩn bị nội dung văn kiện cho Đại hội tiếp theo;

6. Xét kết nạp hội viên mới, quy định mức hội phí;

7. Xét khen thưởng, kỷ luật hội viên;

8. Miễn nhiệm uỷ viên Ban chấp hành và bầu bổ sung uỷ viên Ban Chấp hành nhưng không quá 1/5 số thành viên Ban Chấp hành.

 

Điều 16. Chủ tịch Hiệp hội

– Là đại diện hợp pháp của Hiệp hội  giữa 2 nhiệm kỳ Đại hội;

– Tổ chức triển khai các Nghị quyết của Đại hội, Nghị quyết của Ban chấp hành, chương trình công tác hàng năm;

– Triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban chấp hành;

– Các Phó Chủ tịch Hiệp hội là người giúp việc cho Chủ tịch Hiệp hội để thực hiện Nghị quyết Đại hội và Nghị quyết Ban chấp hành.

 

Điều 17. Ban kiểm tra

1. Ban kiểm tra do Ban chấp hành bầu. Số lượng thành viên Ban kiểm tra do Ban chấp hành quyết định. Trưởng Ban kiểm tra là uỷ viên Ban Chấp hành.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban kiểm tra:

– Kiểm tra mọi hoạt động của Ban chấp hành và các tổ chức trực thuộc Hiệp hội;

– Kiểm tra toàn bộ hoạt động thu, chi của Hiệp hội;

– Đề xuất với Ban chấp hành về việc giải quyết các khiếu nại của hội viên.

 

Điều 18. Chi hội cơ sở

1. Chi hội cơ sở được lập tại các tỉnh, thành phố do Ban chấp hành quyết định. Mỗi Chi hội có một Chi hội Trưởng và một Chi hội Phó.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chi hội cơ sở:

– Thực hiện các Nghị quyết của Đại hội, Nghị quyết của Ban chấp hành và các nhiệm vụ do Ban chấp hành Hiệp hội giao;

– Tập hợp các ý kiến của hội viên để báo cáo Ban chấp hành Hiệp hội;

– Tổ chức sinh hoạt theo định kỳ, mỗi năm hai kỳ;

– Thu hội phí và nộp về văn phòng Hiệp hội;

– Báo cáo theo định kỳ 6 tháng, một năm và đột xuất cho Ban chấp hành Hiệp hội.

 

Điều 19. Các tổ chức trực thuộc Hiệp hội

Hiệp hội được thành lập các tổ chức trực thuộc:

– Văn phòng Hiệp hội;

– Các Ban chuyên môn;

– Cơ quan thông tin, tuyên truyền của Hiệp hội;

– Và các tổ chức khác.

Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức và hoạt động của các tổ chức trực thuộc Hiệp hội thực hiện theo quy chế do Ban chấp hành Hiệp hội quyết định và tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

 

Điều 20. Hội thành viên

Các Hội công nghiệp ghi âm tại các tỉnh, thành phố do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định thành lập, muốn trở thành thành viên của Hiệp hội phải có đơn xin gia nhập và được Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội chấp thuận.

 

Điều 21. Giải thể Hiệp hội

1. Hiệp hội tự giải thể theo quy định của pháp luật.

2. Hiệp hội buộc phải giải thể khi Hiệp hội có vi phạm nghiêm trọng ở một trong hai trường hợp sau:

a. Vi phạm pháp luật Việt Nam;

b. Hoạt động không đúng mục đích của Hiệp hội, mất đoàn kết nội bộ.

Việc giải quyết tài sản, tài chính của Hiệp hội khi giải thể được thực hiện theo quy định pháp luật

 

Chương V: Quản lý tài sản, Tài chính

 

Điều 22. Nguồn tài chính

– Hội phí;

– Các khoản đóng góp tự nguyện của hội viên;

– Các khoản đóng góp của các tổ chức trực thuộc Hiệp hội;

– Khoản trích giữ lại từ việc cấp phép sử dụng các chương trình ghi âm;

– Các khoản hỗ trợ của Nhà nước, đoàn thể, tổ chức, cá nhân trong nước;

– Các nguồn tài trợ của tổ chức quốc tế, các quốc gia, tổ chức và cá nhân nước ngoài.

 

Điều 23. Khoản chi

– Trang bị cơ sở vật chất, phương tiện tại văn phòng Hiệp hội;

– Chi phí cho hoạt động của Hiệp hội;

– Chi phí hành chính của văn phòng Hiệp hội

– Trả lương cho nhân viên văn phòng, thù lao cho cộng tác viên của Hiệp hội;

– Chi khuyến khích hoạt động sáng tạo âm nhạc, các loại hình nghệ thuật và các hoạt động xã hội khác;

– Các khoản chi khác.

Việc quản lý tài chính, tài sản được thực hiện theo quy định pháp luật và Điều lệ của Hiệp hội.

 

Chương VI: Khen thưởng, Kỷ luật

 

Điều 24. Khen thưởng

Các tổ chức trực thuộc Hiệp hội, hội viên, tổ chức và cá nhân khác có thành tích xuất sắc trong hoạt động Hiệp hội sẽ được Hiệp hội khen thưởng. Hình thức khen thưởng do Ban chấp hành Hiệp hội quy định. Hiệp hội đề nghị Nhà nước và các tổ chức khác khen thưởng.

 

Điều 25. Kỷ luật

Các tổ chức trực thuộc Hiệp hội, hội viên, vi phạm pháp luật, điều lệ và các nghị quyết của Hiệp hội sẽ bị kỷ luật. Hình thức kỷ luật do Ban chấp hành Hiệp hội quyết định.

Chương VII: Điều khoản thi hành

Điều 26. Sửa đổi điều lệ

Đại hội toàn thể có quyền sửa đổi và bổ sung Điều lệ với 2/3 số đại biểu có mặt biểu quyết tán thành. Ban chấp hành có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Điều lệ này.

Điều 27. Hiệu lực thi hành

Điều lệ gồm 7 Chương, 27 Điều đã được Đại hội toàn thể Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam thông qua ngày 15 tháng 8 năm 2003. Điều lệ này có hiệu lực kể từ khi được Bộ Nội vụ phê duyệt./.


Địa chỉ Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam:

Số 99 Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08.4042516-4042517 Fax: 84.8.4042515
Email: info@riav.org.vn

Website: http://riav.org.vn/

img