Thứ Sáu, 01-07-2022 12:01
img

Hiệp ước WPPT chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam

Từ ngày 01/7/2022, Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WPPT) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai và Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang

Hiệp ước WPPT là một thỏa thuận trên cơ sở Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng, đề cập đến việc bảo hộ cuộc biểu diễn và bản ghi âm trong môi trường số. Hiệp ước WPPT được ký kết tại Geneva ngày 20 tháng 12 năm 1996, mở rộng việc phê chuẩn, gia nhập cho các quốc gia thành viên của WIPO. Hiệp ước có hiệu lực sau khi được 30 quốc gia phê chuẩn vào ngày 20/5/2002 và tới nay đã có 111 quốc gia thành viên.

Hiệp ước WPPT gồm 5 chương, 33 điều, điểm nổi bật nhất của Hiệp ước là đã ghi nhận quyền của người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm trong môi trường số. Hiệp ước cũng có những điều khoản cơ bản cho việc bảo hộ quyền của hai chủ thể quyền này.

Mặc dù không quy định các quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ tuân thủ các điều khoản của Công ước Rome nhưng một số điều khoản trong Hiệp ước có dẫn chiếu đến các điều khoản của Công ước Rome. Các quyền được bảo hộ tại Hiệp ước WPPT bao gồm: quyền sao chép; quyền phân phối; quyền cho thuê; quyền truyền đạt đến công chúng bằng các phương tiện hữu tuyến hoặc vô tuyến, bao gồm cả cung cấp tới công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn; quyền nhân thân của người biểu diễn. Hiệp ước nhấn mạnh đến việc áp dụng các quy định về bảo hộ cuộc biểu diễn và bản ghi âm trong môi trường số cũng như quy định việc áp dụng các biện pháp công nghệ và thông tin quản lý quyền.

Tham gia vào Hiệp ước WPPT sẽ khuyến khích phát triển các hoạt động sáng tạo và khai thác sử dụng cuộc biểu diễn, bản ghi âm và nhằm góp phần tăng cường quản lý, thực thi bảo hộ các cuộc biểu diễn, bản ghi âm được sáng tạo, lưu trữ, phổ biến và sử dụng trên môi trường mạng Internet.

Bài viết: Đinh Nghĩa

img