Thứ Ba, 15-10-2024 02:22
img

Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Thành phố Cần Thơ

Sáng 27/9, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho đại diện các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một số Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương, các cơ quan, đơn vị, một số hiệp hội, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu
khai mạc tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, những năm qua, Việt Nam đã tích cực chủ động trong quá trình hội nhập quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan thể hiện qua việc tham gia vào nhiều hiệp ước quốc tế quan trọng, hiệp định thương mại tự do và liên tục hoàn thiện hệ thống pháp luật như sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay hành lang pháp lý mang tính quốc tế về bản quyền của Việt Nam gần như đã đáp ứng đầy đủ các cam kết trên thế giới. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý trong nước cũng đã được hoàn thiện cụ thể như, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/ 2023. Song song với đó, ngày 26/4/2023, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

“Thông qua Hội nghị, chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra các giải pháp thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo tinh thần của Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam và Chỉ thị số 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, hướng tới mục tiêu xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước”- bà Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ
phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ cho biết: Cùng với phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân ngày càng cao, đòi hỏi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nói chung, và công tác quản lý, thực thi bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng, cần phải được nâng cao về chất lượng nội dung, đổi mới hình thức thực hiện. Từ đó, góp phần đa dạng hóa các phương thức thể hiện, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Thời gian qua, công tác quản lý, thực thi bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan tại nước ta luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, xem đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam; đồng thời, chỉ đạo ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật được bảo vệ chặt chẽ hơn. Ông Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh: “Qua thời gian triển khai thực hiện, các văn bản quy phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đã góp phần tạo động lực mạnh mẽ trong việc động viên, khích lệ tinh thần sáng tạo, cống hiến cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng bước đưa phong trào văn hóa và các cuộc giao lưu, liên hoan, hội diễn, trưng bày, triển lãm ảnh nghệ thuật, mỹ thuật ngày càng phát triển rộng rãi, phong phú, đa dạng và có chất lượng”.

Quang cảnh Hội nghị

Theo Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh, hiện nay ở nước ta các hành lang pháp lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đã ngày càng hoàn thiện, vì vậy quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền từng bước được bảo hộ. Song, nhìn nhận từ thực tế, bà Phạm Thị Kim Oanh cho rằng, thời gian qua dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thực thi, nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong một số lĩnh vực âm nhạc, văn học, điện ảnh, chương trình máy tính, bản ghi âm, ghi hình… đặc biệt là trên môi trường số vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp. Theo bà Kim Oanh, công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và trong môi trường kỹ thuật số nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với đó là việc đầu tư về nguồn nhân lực tại trung ương và địa phương, đầu tư nguồn lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực thi, đấu tranh phòng ngừa và chống hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên qua chưa tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới.

Ông Hoàng Long Huy, trưởng phòng Quản lý Công nghiệp văn hóa, Cục Bản quyền tác giả phát biểu tại Hội nghị

Với các nhiệm vụ và giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới, ông Hoàng Long Huy, trưởng phòng Quản lý Công nghiệp văn hóa, Cục Bản quyền tác giả đã nêu ra: Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Song song với đó là khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh. Theo ông Hoàng Long Huy, làm công nghiệp văn hóa cần có tư duy sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa để đột phá phát triển, đảm bảo khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đa dạng, liên kết đa ngành, đa lĩnh vực và đáp ứng được các yếu tố: Sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh, bền vững.

Hội nghị cũng đã cùng nhau trao đổi, đánh giá thực trạng về hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam, xác định cụ thể các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thi hành và xử lý hành vi này. Từ đó đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc quản lý và thực thi pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan. Để nâng cao vai trò và đẩy mạnh công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là việc thực thi xử lý vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan bằng biện pháp hành chính trong giai đoạn hiện nay, các đại biểu cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan để đáp ứng sự phát triển công nghệ và điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như các đòi hỏi từ các cam kết quốc tế. Đặc biệt, các cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra và có những hình thức xử phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe. Cùng với đó, các chủ sở hữu quyền phải phải nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ quyền, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp công nghệ và thông tin quản lý quyền để bảo vệ các quyền của mình và chủ động trong việc yêu cầu xử lý xâm phạm khi có hành vi xâm phạm quyền của mình.

Thông qua Hội nghị, các cán bộ quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên toàn quốc tiếp nhận các quy định pháp luật mới về quyền tác giả, quyền liên quan; trao đổi, thảo luận góp ý cho việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực này. Đây cũng là cơ hội để các địa phương chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan; góp phần đưa pháp luật Sở hữu trí tuệ đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa./.

Lê Hương

 

 

 

img