Thứ Hai, 10-04-2023 04:47
img

Hội nghị tổng kết Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan khu vực phía Bắc

Ngày 07/4/2023, tại Thành phố Hà Nội, được sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Bản quyền tác giả tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan khu vực phía Bắc.
Toàn cảnh Hội nghị
Chủ trì Hội nghị gồm có: Ông Trần Hoàng – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Ông Hà Văn Lâu – Phó Chánh Thanh tra Bộ và Bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả.
Trên 120 đại biểu đã về dự Hội nghị, đại diện cho các bộ, ngành (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam); một số đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các Sở Văn hóa và Thể thao/ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khu vực phía Bắc; một số nhà xuất bản, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, hội, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, văn phòng luật sư;…
Ông Trần Hoàng phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết: Sau 10 năm thi hành Nghị định số 131/2013/NĐ-CP, 23 năm kể từ khi ban hành điều khoản xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đã có những thay đổi. Việt Nam đã tham gia một loạt các điều ước quốc tế song phương, khu vực và đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có Hiệp định CPTPP và EVFTA; 02 điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới là WCT, WPPT. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2022. Do đó, cần thiết có sự nhìn nhận, đánh giá về những gì đã làm được, những gì chưa làm được để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cách thức tổ chức thực hiện, phù hợp với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng sự thay đổi, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.
Tiếp theo thành công của Hội nghị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 131/2013/NĐ-CP tại Thành phố Hà Nội dành cho khu vực phía Bắc để các đơn vị bộ, ngành, địa phương, các tổ chức liên quan có cơ hội trao đổi, thảo luận, ý kiến chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến hoạt động trong thời gian qua, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.
Lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả và Thanh tra Bộ VHTTDL điều hành Hội nghị
Hội nghị được nghe Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh trình bày Dự thảo Báo cáo tổng kết việc thi hành Nghị định số 131/2013/NĐ-CP; các báo cáo tham luận đến từ đại diện Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Công ty Luật Tầm nhìn và Liên danh, Công ty Luật Bross và cộng sự.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 có hiệu lực từ 01/01/2023 đã sửa đổi, bổ sung các điều: Điều 7 về giới hạn quyền sở hữu trí tuệ, Điều 28  về hành vi xâm phạm quyền tác giả, Điều 35 về hành vi xâm phạm quyền liên quan, Điều 56 về tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, Điều 198b về trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian,… Do đó, nhiều hành vi mới cần được quy định thành hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan như: về giới hạn, ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan, về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, về trách nhiệm của tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan, về giám định quyền tác giả, quyền liên quan… Nghị định số 131/2013/NĐ-CP cũng chưa có quy định về trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính, dẫn đến việc triển khai có lúc còn thiếu đồng bộ, hiệu quả.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu có những trao đổi, chia sẻ về tình hình thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương: Công tác thanh tra, kiểm tra còn gặp khó khăn do lực lượng mỏng, phạm vi lĩnh vực phụ trách rộng, thường xuyên thay đổi nhân sự; lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan là lĩnh vực khó, chuyên sâu nên đôi khi còn chưa rõ trong việc áp dụng pháp luật.
Trong hoạt động cấp phép biểu diễn nghệ thuật, một số đại biểu nhận định rằng hiện nay còn có tình trạng các đơn vị tổ chức biểu diễn thờ ơ, trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ bản quyền với tác giả, chủ sở hữu; cá biệt có đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật thiếu hợp tác, dẫn đến vụ việc bị kéo dài, vi phạm khó giải quyết dứt điểm và phải chuyển sang giải quyết dân sự.  Thành phần hồ sơ đề nghị cấp phép biểu diễn nghệ thuật (quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP) không có văn bản cam kết của đơn vị tổ chức thực hiện nghĩa vụ bản quyền.
Các đại biểu tham dự và thảo luận tại Hội nghị
Các đại biểu cũng nhất trí sự cần thiết tổng kết thi hành và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131/2013/NĐ-CP đối với một số nội dung cơ bản như: Hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức xử phạt; mức phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt;… để đảm bảo khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành, đảm bảo tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm.
Bế mạc Hội nghị, Ban tổ chức trân trọng cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu, thiết thực của các đại biểu tham dự, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Báo cáo tổng kết việc thi hành Nghị định số 131/2013/NĐ-CP và tham mưu các cấp có thẩm quyền nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, thay thế cho Nghị định số 131/2013/NĐ-CP hiện hành./.
Hương Nguyên
img