Thứ Tư, 04-01-2023 02:40
img

Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật

Trong những năm qua, chính sách bảo hộ quyền tác giả, trong đó có chính sách bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm tạo hình (mỹ thuật) tại Việt Nam đã phát huy hiệu quả tích cực. Sự ra đời của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan tới ba đối tượng của Sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền tác giả, đã tương thích với các điều ước quốc tế, tương thích với các chuẩn mực bảo hộ của các nước trên thế giới. Bộ luật dân sự, bộ luật hình sự và nhiều luật chuyên ngành khác cũng có các quy định liên quan tới quyền tác giả đối với tác phẩm tạo hình, tùy theo tính chất và phạm vi điều chỉnh của mỗi luật.

Cụ thể, theo Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm tạo hình là loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Quyền tác giả đối với tác phẩm tạo hình bao gồm quyền nhân thân (Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả) quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ và quyền tài sản (Làm tác phẩm phái sinh; Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Sao chép tác phẩm; Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác) quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ thì tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả (tác phẩm tạo hình không thuộc các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ và các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao quy định tại Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ).

Theo điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm tạo hình có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả qua đời.

Có nhiều hành vi xâm phạm quyền tác giả như sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, làm và bán tác phẩm mà chữ ký tác giả bị giả mạo hay mạo danh tác giả, chiếm đoạt quyền tác giả v.v… (Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ).

Chủ sở hữu quyền tác giả có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình: Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình (theo Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ).

Như vậy, hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính (Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan) hoặc hình sự (Điều 225 Bộ luật hình sự 2015).

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ với mục tiêu đáp ứng các nghĩa vụ của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thanh viên và giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn sau hơn 20 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ. Về lâu dài, chúng ta có thể nghiên cứu để quy định về quyền bán lại tác phẩm tạo hình.

Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật thì việc tuyên truyền, phổ biến về quyền tác giả, quyền liên quan cũng có một vai trò quan trọng. Việc tuyên truyền, phổ biến về quyền tác giả, quyền liên quan không chỉ giúp cho các chủ sở hữu quyền có thể tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình mà còn giúp những người muốn sử dụng tác phẩm dễ dàng hơn trong việc thực hiện các thủ tục xin phép sử dụng và trả tiền bản quyền. Ngoài ra, công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan cũng cần được tăng cường, đẩy mạnh. Để làm được điều này phải có sự chung sức của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chủ thể quyền.

An Phước Hạnh

img