Thứ Sáu, 03-09-2021 01:33
img

Các quốc gia thành viên của WIPO xem xét Chương trình Biên niên kỷ 2022/23 về Công việc và Ngân sách

Geneva, ngày 12 tháng 7 năm 2021

PR/2021/879

Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang đã trình bày về tầm nhìn của Tổ chức trong nửa thập kỷ tới, đồng thời dự kiến ​​tình hình tài chính ngắn hạn và công bố những nỗ lực mới để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ (IP) và công việc của WIPO, giúp thế giới phục hồi từ đại dịch COVID-19.

Trong hai bài trình bày với các đại biểu tại Ủy ban Chương trình và Ngân sách của WIPO (PBC), ông Tang đã đề xuất ngân sách hai năm đầu tiên của Ban Lãnh đạo mới kể từ khi đảm nhận vai trò Tổng giám đốc vào ngày 1 tháng 10 năm 2020 và cung cấp chi tiết về Kế hoạch Chiến lược Trung hạn (MTSP) của Ban Lãnh đạo mới trong giai đoạn 2022-2026.

Ông Tang cho biết công việc của WIPO sẽ góp phần đổi mới và sáng tạo thế giới, tất cả đều được hỗ trợ bởi sở hữu trí tuệ và vì lợi ích của tất cả mọi người. Ông nói: “Theo tầm nhìn này, sở hữu trí tuệ là một công cụ mạnh mẽ cho mọi quốc gia để tạo việc làm, thu hút đầu tư, hỗ trợ tăng trưởng doanh nghiệp, nâng cao cộng đồng và cuối cùng là phát triển các nền kinh tế năng động và xã hội sôi động.

Ông Daren Tang, Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)

“Công việc của WIPO là hỗ trợ tất cả các Quốc gia thành viên và đặc biệt là mang lại lợi ích của sở hữu trí tuệ cho các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nhất… chúng tôi đang chuyển hướng sang một mô hình phát triển theo định hướng tác động, chúng tôi muốn đi sâu vào thực tế và tham gia với các cơ sở, để giúp các nhà đổi mới, người sáng tạo, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cộng đồng và những người khác sử dụng sở hữu trí tuệ mà trước đó họ chưa được phục vụ tốt từ hệ sinh thái sở hữu trí tuệ”, ông Tang nói.

Ngân sách đề xuất

Trong ngân sách đề xuất cho hai năm 2022-2023, ông Tang đề xuất tăng chi tiêu 3% (tổng cộng là 790,8 triệu franc Thụy Sĩ) trong khi dự báo doanh thu tăng 8% (951,8 triệu franc Thụy Sĩ).

Tổng Giám đốc cho biết hầu hết các khoản tăng chi tiêu sẽ tập trung vào việc tiếp tục chuyển đổi kỹ thuật số của WIPO, cũng như đảm bảo rằng cơ sở hạ tầng và dịch vụ rộng lớn hơn của Tổ chức vẫn được cung cấp nguồn lực thích hợp. Việc số hóa sẽ đi kèm với những thay đổi trong cách thức hoạt động của WIPO, bao gồm tập trung vào việc trao quyền cho nhân viên, hợp tác nội bộ tốt hơn và tạo ra một văn hóa làm việc năng động hơn. Điều này cũng bao gồm việc tăng 4,5% chi tiêu phát triển, chiếm 18,5% tổng ngân sách.

Ủy ban Chương trình và Ngân sách của WIPO, dưới sự chủ trì của Đại sứ Sabri Bachtobji, Đại diện thường trực của Phái đoàn Tunisia của Liên hợp quốc tại Geneva, sẽ tiến hành buổi họp đầu tiên về chương trình làm việc và các ngân sách đề xuất. Ủy ban sẽ họp lại vào tháng 9 để quyết định việc thông qua chương trình làm việc và ngân sách cho hai năm 2022/23. Đại Hội đồng WIPO họp từ ngày 4 đến ngày 8 tháng 10 năm 2021.

Kế hoạch Chiến lược Trung hạn

Ngoài việc xem xét chương trình làm việc và ngân sách, Ủy ban Chương trình và Ngân sách của WIPO đã được mời để ghi chú lại về Kế hoạch Chiến lược Trung hạn.

Bên cạnh việc nêu rõ tầm nhìn, sở hữu trí tuệ là một công cụ mạnh mẽ cho mọi quốc gia để tạo việc làm, thu hút đầu tư, hỗ trợ tăng trưởng doanh nghiệp, nâng cao cộng đồng và cuối cùng là phát triển các nền kinh tế năng động và xã hội sôi động, Ban lãnh đạo Kế hoạch Chiến lược Trung hạn tuyên bố rằng Tổ chức sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực truyền thống có thế mạnh – với tư cách là cơ quan thiết lập quy chuẩn và tiêu chuẩn quốc tế về sở hữu trí tuệ và trong việc cung cấp các dịch vụ sở hữu trí tuệ toàn cầu.

Kế hoạch vượt ra khỏi các khía cạnh kỹ thuật và pháp lý của sở hữu trí tuệ để đưa sở hữu trí tuệ đến với người dân và làm cho họ hiểu sở hữu trí tuệ là một phần của khát vọng, hành trình và cuộc sống của họ.

“Chúng ta không những chỉ tham vấn với các chuyên gia và các chuyên viên mà còn phải tương tác với mọi người ở khắp mọi nơi, cho phép họ thấy sở hữu trí tuệ phù hợp với họ như thế nào và có thể được sử dụng như một công cụ để đưa sự đổi mới, ý tưởng và sự sáng tạo của họ ra thế giới. Ông Tang cho biết, chúng tôi sẽ xây dựng các kỹ năng sở hữu trí tuệ thực tế và đẩy mạnh công việc của mình để hỗ trợ những người đổi mới, các nhà sáng tạo, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và cộng đồng.

“Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng thanh niên, phụ nữ, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và những doanh nghiệp khác chưa được phục vụ tốt bởi hệ sinh thái sở hữu trí tuệ giờ đây cũng là những đối tượng mà chúng tôi tập trung. Và chúng tôi sẽ nhân đôi công việc của mình với các bên liên quan và các đối tác trong đại gia đình Liên Hợp Quốc và các cơ quan quốc tế khác để tăng cường phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề toàn cầu”.

Hỗ trợ và các dịch vụ liên quan đến COVID-19 của WIPO

Tổng Giám đốc đã công bố một gói các dịch vụ và biện pháp được thiết kế để hỗ trợ các quốc gia thành viên khi họ vượt qua đại dịch và phục hồi lại.

“WIPO cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ các Quốc gia Thành viên khi các quốc gia giải quyết đại dịch và lập kế hoạch phục hồi sau COVID-19. Chúng tôi nhận ra rằng việc xây dựng trở lại một cách toàn diện và bền vững là ưu tiên của các chính phủ trên toàn thế giới và đổi mới và sáng tạo sẽ đóng vai trò quan trọng” ông nói.

Gói này bao gồm năm lĩnh vực quan trọng mà WIPO có kinh nghiệm và chuyên môn: Hỗ trợ Chính sách và Lập pháp; Hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực; Hỗ trợ đổi mới và chuyển giao công nghệ; Hỗ trợ về Tài nguyên Kiến thức và Hỗ trợ Giải quyết Tranh chấp sở hữu trí tuệ.

Đồng thời WIPO sẽ tiếp tục hợp tác ba bên với Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới. Bộ ba cơ quan sẽ nỗ lực đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật và các sáng kiến ​​nâng cao năng lực, với hội thảo ba bên đầu tiên về chuyển giao công nghệ và cấp phép, dự kiến ​​tổ chức trước tháng 10 năm nay.

Trong phần kết luận, ông Tang cho biết “Bất chấp những thách thức trong 16 tháng qua, các nền tảng vững chắc của WIPO vẫn còn nguyên vẹn. Vì điều này, tôi muốn ghi nhận và tri ân các đồng nghiệp của tôi và những người đi trước của chúng tôi. Trong hai năm tới, chúng tôi đề xuất duy trì cách tiếp cận tài chính cân bằng và phù hợp này, đồng thời tập trung vào việc đảm bảo rằng sở hữu trí tuệ sẽ giúp chúng ta đáp ứng những thách thức toàn cầu mà chúng ta phải đối mặt, có tác động tích cực đến cuộc sống của mọi người trên toàn thế giới và hỗ trợ tăng trưởng và phát triển trong tất cả các Quốc gia Thành viên.”

Hạnh An dịch theo WIPO

img