Chủ Nhật, 08-01-2023 01:57
img

Chương trình đào tạo nâng cao về Quyền tác giả và quyền liên quan dành cho các nước đang phát triển

Từ ngày 01 đến ngày 14 tháng 11 năm 2015, Hội đồng Quyền tác giả Vương quốc Anh (BCC) và Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) với sự hỗ trợ của Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh (IPO) đã tổ chức Chương trình đào tạo nâng cao về quyền tác giả và quyền liên quan tại Luân Đôn, Vương Quốc Anh. Đại biểu tham dự Chương trình gồm đại diện đến từ các cơ quan Chỉnh phủ quản lý quyền tác giả và các Tổ chức quản lý tập thể tại các nước đang phát triển ở khu vực châu Á, Châu Phi, Nam Mỹ và Đông Âu. Mục đích của Chương trình nhằm tăng cường hiểu biết về các quy định pháp luật và hoạt động thực thi quyền tác giả và quyền liên quan tại Vương quốc Anh, đồng thời tạo cơ hội trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đại biểu.

Qua các chuyên đề do các giáo sư, các chuyên gia, các nhà quản lý tại các cơ quan Chính phủ và các tổ chức quản lý tập thể của Vương quốc Anh trình bày, các đại biểu tham dự đã có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu và trao đổi về các nội dung:

Đặc điểm của hệ thống pháp luật về quyền tác giả của Vương quốc Anh, những điểm tương đồng và dị biệt giữa hệ thống Luật án lệ (Common Law) và Luật châu Âu lục địa (Civil Law). Luật quyền tác giả của Anh được hình thành từ thế kỷ 16, khi công nghệ in ấn do các công ty của Nhà nước kiểm soát, Hoàng gia đã ban hành quy định những người không phải thành viên Công ty mà in ấn sách là bất hợp pháp, phải xin phép Hoàng gia để được tiến hành in sách. Đến năm 1710, Đạo luật Anne được ban hành quy định cho tác giả được hưởng độc quyền in các tác phẩm của mình, tác giả cũng có quyền chuyển giao quyền cho các nhà xuất bản. Đây được coi là Đạo luật đầu tiên về quyền tác giả và đánh dấu bước chuyển sang giai đoạn mới của lịch sử phát triển Luật quyền tác giả tại Anh. Các quy định pháp luật về quyền tác giả hiện hành nằm trong Luật Quyền tác giả, Thiết kế và Sáng chế năm 1988. Các quy định pháp luật quyền tác giả của Anh không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mà còn tác động lớn đến luật bản quyền của Hoa Kỳ, Khối Thịnh vượng chung, Liên minh châu Âu cũng như pháp luật quốc tế.

Đặc điểm và phương thức quản lý hiệu quả đối với từng loại hình tác phẩm: tác phẩm viết, tác phẩm sân khấu, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm mỹ thuật, chương trình máy tính, điện ảnh, chương trình phát sóng và buổi biểu diễn nghe nhìn cũng lần lượt được các diễn giả phân tích. Đáng chú ý, đại diện tác giả tác phẩm văn học, nhà văn Maureen Duffy, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền nhân thân và những bất cập trong các quy định pháp luật cũng như thực tiễn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học trên mạng internet.

Hệ thống tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả của Anh được coi là một trong những mô hình hiệu quả và toàn diện nhất với lịch sử lâu đời. Các nhà quản lý, điều hành làm việc trực tiếp tại các tổ chức quản lý tập thể đã trình bày chi tiết về phương thức, tổ chức, hoạt động của tổ chức mình đến các đại biểu, qua đó có thể tham khảo và học tập những cách thức hiệu quả mà các tổ chức quản lý tập thể của Anh đang thực hiện. Anh cho phép nhiều tổ chức quản lý tập thể cùng tồn tại và hoạt động trong một lĩnh vực, điều này tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tính minh bạch và nâng cao hiệu quả  của các tổ chức quản lý tập thể. Tuy nhiên, việc nhiều tổ chức cùng tham gia quản lý một loại hình quyền đòi hỏi các quy định pháp luật phải chặt chẽ và cơ chế quản lý phải rõ ràng nhằm tránh chồng chéo giữa các tổ chức.

Các diễn giả cũng giới thiệu hệ thống thực thi về quyền tác giả của Vương quốc Anh gồm nhiều đơn vị phối hợp hành động như: Cơ quan cảnh sát, Hải quan… Đồng thời nhấn mạnh vai trò và đóng góp của từng đơn vị trong hoạt động thực thi bảo hộ quyền tác giả. Vấn đề thực thi bảo hộ quyền tác giả trên mạng kỹ thuật số hiện đang là ưu tiên hàng đầu của các cơ quan chức năng tại quốc gia này. Trong mỗi tổ chức quản lý tập thể tại Anh cũng đã cố gắng thiết lập những bộ phận chuyên trách hỗ trợ thực thi trên mạng kỹ thuật số.

Hệ thống bảo hộ quyền tác giả của Anh còn được hỗ trợ đắc lực bởi hệ thống Cơ quan giải quyết tranh chấp về biểu phí và Tòa án chuyên biệt về quyền tác giả. Diễn giả là thẩm phán Tòa phúc thẩm đã trình bày và phân tích các vụ án điển hình về quyền tác giả qua đó thấy được nét đặc trưng trong các quy định pháp luật và việc áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ án về bản quyền tại Anh.

Đặc biệt, đại diện Cơ quan sở hữu trí tuệ Anh quốc đã trình bày về hoạt động xây dựng chính sách và pháp luật về bảo hộ quyền tác giả. Việc tiếp thu và phản hồi ý kiến đóng góp của các đối tượng liên quan trong quá trình xây dựng các chính sách và pháp luật về quyền tác giả có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hiện nay, Anh và cả Liên minh Châu Âu đang tiếp tục nỗ lực tiến hành cải cách và thúc đẩy hệ thống chính sách về quyền tác giả nhằm thích ứng với sự phát triển của công nghệ, một loạt các báo cáo và các quy định mới đã được ban hành.

Là một trong những quốc gia có hệ thống bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan toàn diện với quá trình phát triển lâu dài, nhưng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan của Vương quốc Anh vẫn không ngừng thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm đảm bào tối đa lợi ích của các tác giả, chủ thể quyền, đồng thời vẫn đảm bảo các quyền cơ bản như tự do tiếp cận thông tin, quyền của người khiếm thị thông qua các giới hạn và ngoại lệ quyền được quy định cụ thể trong luật, cũng như các quỹ đầu tư phát triển cho văn hóa, sáng tạo  và công chúng trên thực tế đã tạo ra cơ chế cân bằng lợi ích. Những kinh nghiệm và bài học từ hệ thống bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan của Anh quốc vô cùng hữu ích đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam./.

alt

Hoàng Hoa (COV)

 

img