Thứ Tư, 01-12-2021 06:01
img

Đoàn công tác của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khảo sát thực tiễn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ

Chiều ngày 25/11/2021, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Đoàn công tác khảo sát, làm việc với Bộ VHTTDL về thực tiễn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ thời gian qua, phục vụ quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021-2022, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội được giao nhiệm vụ chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (dự án Luật). Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 19/10/2021 đến ngày 13/11/2021, dự án Luật đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Căn cứ Kế hoạch tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, chiều ngày 25/11/2021, Đoàn công tác, khảo sát do Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức đã có buổi làm việc với Bộ VHTTDL về thực tiễn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ và nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong dự án Luật.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu chào mừng Đoàn công tác của Ủy ban Pháp luật

          Tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn công tác có: Ông Đồng Ngọc Ba – Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Trưởng đoàn); Ông Đặng Xuân Phương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; một số công chức Vụ Pháp luật – Văn phòng Quốc hội và đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ – cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật. Phía Bộ VHTTDL có: Thứ trưởng Đoàn Văn Việt; đại diện các đơn vị: Cục Bản quyền tác giả, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch, Tài chính, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Điện ảnh, Văn phòng Bộ.

Ông Đồng Ngọc Ba – Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo khái quát về tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, tập trung vào công tác xây dựng thể chế, đại diện Cục Bản quyền tác giả trình bày: Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được hoàn thiện, từ Pháp lệnh bảo hộ Quyền tác giả năm 1994, Bộ luật dân sự năm 1995 cho đến Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019, Nghị định, Thông tư liên tịch, Thông tư được ban hành.

Về nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đang được trình Quốc hội xem xét, Bộ VHTTDL chủ trì đề xuất sửa đổi 25 điều, bổ sung 5 điều. Một số nội dung nhận được ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội được trao đổi, thảo luận làm rõ tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết, được sự phân công của Ban soạn thảo dự án Luật, Bộ VHTTDL đã rất chủ động, tích cực trong xây dựng, hoàn thiện dự thảo nội dung phần quyền tác giả, quyền liên quan, phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan liên quan trong suốt quá trình xây dựng dự án Luật, đặc biệt là công tác tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp cho dự thảo. Luật Sở hữu trí tuệ là một luật khó, chuyên môn sâu, chịu tác động của nhiều điều ước, cam kết quốc tế. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật để có chuẩn bị tốt nhất, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh buổi làm việc

Ông Đồng Ngọc Ba, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện cho Đoàn công tác ghi nhận những nội dung trao đổi, trình bày tại buổi làm việc về thực tiễn công tác quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan cũng như những ý kiến thảo luận rất chuyên môn, hữu ích về dự thảo Luật. Theo chương trình Kế hoạch, Đoàn công tác sẽ khảo sát thực tiễn một số đơn vị, tổ chức là đại diện cho bên tác giả, chủ sở hữu quyền, bên khai thác, sử dụng. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội mong nhận được sự đồng hành, phối hợp từ phía Bộ VHTTDL trong quá trình khảo sát và triển khai các kế hoạch tiếp theo, phục vụ cho việc tiếp thu, chỉnh lý
dự án Luật./.

          Hương Nguyên

img