Thứ Sáu, 06-01-2023 09:18
img

Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả

Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, sau đây gọi là các Bên ký kết;

Với mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa các Bên;

Thừa nhận các lợi ích mà cả hai quốc gia có được từ sự bảo hộ lẫn nhau về quyền tác giả;

Đã thoả thuận như sau:

Điều 1: Định nghĩa

Đối với các mục đích của Hiệp định này:

1- Cụm từ “Việt Nam” chỉ lãnh thổ của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2- Cụm từ “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” chỉ các Bang, Quận Columbia và Khối Liên hiệp Puerto Rico và các lãnh thổ thuộc quyền tài phán của Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

3- Cụm từ “tác phẩm” chỉ tất cả các loại tác phẩm và bản ghi âm có thể được bảo hộ quyền tác giả, bất kể hình thức định hình của chúng, bao gồm cả hình thức điện tử.

Điều 2: Đối xử quốc gia

Mỗi bên ký kết, phù hợp với luật và các thủ tục của mình, sẽ dành cho các tác phẩm của những tác giả, nhà sáng tạo và nghệ sĩ là công dân hoặc người thường trú của Bên ký kết kia và cho các tác phẩm công bố lần đầu tại lãnh thổ của Bên ký kết kia sự bảo hộ quyền tác giả không kém thuận lợi hơn sự bảo hộ mà Bên đó dành cho công dân nước mình.

Điều 3: Tác phẩm được bảo hộ

1- Những tác phẩm được bảo hộ theo Hiệp định này bao gồm những tác phẩm mà một công dân hoặc người thường trú của một trong các Bên ký kết có những quyền kinh tế theo luật quyền tác giả tại lãnh thổ của Bên kia, hoặc khi những quyền nói trên thuộc về một pháp nhân do bất kỳ một công dân hoặc người thường trú nào của Bên kia kiểm soát trực tiếp, gián tiếp hoặc có quyền sở hữu đối với phần lớn cổ phần hoặc tài sản của pháp nhân, miễn là quyền sở hữu nói trên phát sinh trong vòng một năm kể từ ngày công bố lần đầu các tác phẩm đó tại một nước thành viên của một Điều ước đa phương về quyền tác giả mà một trong các Bên ký kết là thành viên tại thời điểm Hiệp định này có hiệu lực. Kiểm soát gián tiếp nghĩa là kiểm soát được thực hiện thông qua cơ sở phụ thuộc hoặc chi nhánh, bất kể cơ sở hoặc chi nhánh đó đặt tại đâu.

2- Mỗi Bên ký kết sẽ dành sự bảo hộ quy định theo Hiệp định này cho những tác phẩm của công dân hoặc người thường trú của Bên kia và cho những tác phẩm công bố lần đầu tại Bên kia trước khi Hiệp định này có hiệu lực, nếu những tác phẩm như vậy chưa thuộc về công cộng tại một trong các Bên ký kết sau khi hưởng toàn bộ thời hạn bảo hộ. Mọi việc làm của bất kỳ ai thực hiện trước khi Hiệp định này có hiệu lực sẽ không bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Do đó, pháp luật và/hoặc quy định liên quan của các Bên ký kết sẽ ấn định cụ thể việc công nhận, hưởng và thực thi quyền tác giả sẽ áp dụng cho tất cả các tác phẩm nói trên.

Điều 4: Thể thức

Không một Bên ký kết nào có thể áp đặt những thể thức, kể cả những yêu cầu về mặt công bố hoặc đăng ký, đối với việc hưởng hoặc thực hiện các quyền dành cho các tác phẩm của Bên ký kết kia.

Điều 5: Quyền tối thiểu

1- Các Bên ký kết phải đảm bảo rằng người được hưởng quyền tác giả đối với một tác phẩm sẽ có độc quyền cho phép hoặc cấm:

a. Việc sao chép một tác phẩm, sáng tạo tác phẩm khác dựa trên tác phẩm đó và phân phối bản sao của các tác phẩm đó;

b. Việc trình diễn tác phẩm trước công chúng trong trường hợp những tác phẩm văn học, âm nhạc, kịch và múa, kịch câm, phim và tác phẩm nghe nhìn; và

c. Việc trình bày các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả trước công chúng trong trường hợp tác phẩm văn học, âm nhạc, kịch, múa, kịch câm, hội hoạ, đồ hoạ, tạo hình, bao gồm cả các ảnh đơn chiếc của một bộ phim hoặc tác phẩm nghe nhìn khác.

2- Pháp luật của cả hai Bên ký kết sẽ bao gồm những quy định cụ thể hoá các quyền này.

3- Các Bên ký kết sẽ giới hạn những hạn chế và ngoại lệ đối với các quyền quy định tại khoản 1 Điều này trong phạm vi một số trường hợp đặc biệt mà những trường hợp đó không cản trở sự khai thác bình thường của tác phẩm và không ảnh hưởng bất hợp lý đến lợi ích chính đáng của người được hưởng quyền tác giả.

Điều 6: Thi hành

1- Các Bên ký kết sẽ quy định việc thi hành đầy đủ và hiệu quả quyền tác giả đối với những tác phẩm trong phạm vi lãnh thổ nước mình, bao gồm:

a. Quy định để có thể áp dụng trong phạm vi thủ tục dân sự lệnh đình chỉ tạm thời, lệnh đình chỉ vô thời hạn, việc bồi thường thiệt hại, tịch thu, phá huỷ những sản phẩm xâm phạm, các vật tư, máy móc được sử dụng chủ yếu để tạo ra chúng;

b. Quy định thủ tục tố tụng và hình phạt hình sự được áp dụng trong trường hợp đánh cắp quyền tác giả ở quy mô thương mại, bao gồm cả việc quy định phạt tiền, phạt tù đủ để răn đe, việc tịch thu, phá huỷ những sản phẩm xâm phạm, các vật tư, máy móc được sử dụng chủ yếu để tạo ra chúng; và

c. Quy định việc thi hành có hiệu quả tại biên giới, bao gồm cả việc tịch thu, phá huỷ những sản phẩm xâm phạm đang quá cảnh hoặc chuẩn bị để nhập khẩu, xuất khẩu.

2- Pháp luật của cả hai Bên ký kết sẽ bao gồm những quy định cụ thể hoá các biện pháp thi hành, thủ tục và hình phạt nói trên.

Điều 7: Giải quyết tranh chấp

Nếu có bất kỳ một tranh chấp nào xẩy ra giữa các Bên ký kết về việc giải thích hoặc thực hiện Hiệp định này, các Bên ký kết phải cố gắng giải quyết tranh chấp đó một cách hữu nghị thông qua tham khảo ý kiến và thương lượng.

Điều 8: Hợp tác

Các Bên ký kết thoả thuận hợp tác nhằm đạt mục đích chung về ngăn ngừa và xử lý việc xâm phạm quyền tác giả. Sự hợp tác này có thể bao gồm cả sự trợ giúp và hợp tác kỹ thuật khi thấy thích hợp theo các điều kiện và thể thức do các Bên ký kết thoả thuận.

Điều 9: Thực hiện nghĩa vụ

Pháp luật và quy định của cả hai Bên ký kết sẽ bao gồm những quy định cụ thể thực hiện các nghĩa vụ theo Hiệp định này.

Điều 10: Sửa đổi

Hiệp định này có thể được sửa đổi và bổ sung bất kỳ lúc nào theo thoả thuận của các Bên ký kết.

Điều 11: Hiệu lực của Hiệp định

1- Các Điều từ 1 đến 10 của Hiệp định này có hiệu lực vào thời điểm các Bên ký kết trao đổi các văn bản thông báo về việc mỗi Bên sẵn sàng đảm nhận các nghĩa vụ của Hiệp định này.

2- Mỗi Bên ký kết sẽ nỗ lực tối đa để việc trao đổi văn bản theo khoản 1 trên được thực hiện càng sớm càng tốt, trong mọi trường hợp không chậm quá sáu (6) tháng kể từ ngày hai Bên ký Hiệp định này.

3- Một trong các Bên ký kết có thể chấm dứt Hiệp định này bằng việc thông báo ý định đó trước sáu (6) tháng. Hiệp định này sẽ chấm dứt khi kết thúc thời hạn nói trên trừ khi Bên đó rút lại thông báo trước khi kết thúc thời hạn.

Để làm bằng, những người ký tên dưới đây, được uỷ quyền đầy đủ của Chính phủ của họ, đã ký Hiệp định này.

Làm thành hai bản tại Hà Nội, hôm nay ngày 27 tháng 6 năm 1997, bằng tiếng Việt và tiếng Anh, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

 

Thay mặt Chính phủ
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

 

Đã ký: Nguyễn Mạnh Cầm

Thay mặt Chính phủ
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Đã ký: Madelain AlBright

 


 

 

QUYẾT ĐỊNH

 

Số 1130/TTg ngày 26 tháng 12 năm 1997
của Thủ tướng Chính phủ

 

Về việc Phê duyệt Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả

 

Thủ tướng Chính phủ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ, ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 25 tháng 10 năm 1989;

Theo đề nghị của Bộ Văn hoá – Thông tin (các Công văn số 2476/VH- BQ ngày 2/8/1997 và số 4177/VH – BQ ngày 1/12/1997), của Bộ Tư pháp (Công văn số 531/PLQT ngày 3/12/1997) và của Bộ Ngoại giao (Công văn số 1535/NG-PLQT ngày 6/12/1997),

 

Quyết định

 

Điều 1: Phê duyệt Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả ký ngày 27/6/1997, tại Hà Nội.

Điều 2: Bộ Ngoại giao làm các thủ tục đối ngoại về việc phê duyệt Hiệp định và thông báo cho các cơ quan hữu quan của Việt Nam ngày bắt đầu có hiệu lực của Hiệp định.

 

K/T. Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng

 

Đã ký: Phạm Gia Khiêm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

CÔNG HÀM

 

Số: 01/NG-PLQT

 

Kính gửi: Bộ Ngoại giao Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

 

Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kính chào Bộ Ngoại giao Hợp chủng quốc Hoa kỳ và trân trọng thông báo rằng ngày 26 tháng 12 năm 1997 Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê duyệt “Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả”, ký tại Hà Nội ngày 27 tháng 6 năm 1997.

Công hàm này là thông báo chính thức của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý phù hợp với Điều 11 của Hiệp định. Chính phủ Việt Nam mong muốn sớm nhận được thông báo tương tự của Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ để Hiệp định trên đây có hiệu lực thi hành.

Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam một lần nữa xin gửi đến Bộ Ngoại giao Hợp chủng quốc Hoa Kỳ lời chào trân trọng.

 

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 1998

Dấu của Bộ Ngoại giao

 

 

 

 


CHỈ THỊ

 

số 04/1998/CT-TTg ngày 22 tháng 1 năm 1998
của Thủ tướng Chính phủ

 

Về các biện pháp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả

 

Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ hợp chủng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả (sau đây gọi là Hiệp định Quyền tác giả Việt Nam – Hoa Kỳ) ký ngày 27 tháng 6 năm 1997 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26 tháng 12 năm 1997 và sẽ có hiệu lực vào thời điểm các Bên ký kết trao đổi các văn bản thông báo về việc sẵn sàng đảm nhận các nghĩa vụ của Hiệp định này. Việc ký Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả là nhằm thúc đẩy quá trình bình thường hoá quan hệ kinh tế – thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, tăng cường mối quan hệ giao lưu và phát triển hợp tác văn hoá giữa 2 nước, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ.

Hiệp định quyền tác giả Việt Nam – Hoa Kỳ được ký kết và thực hiện trong bối cảnh Việt Nam đã ban hành những văn bản pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng đáp ứng những yêu cầu cần thiết trong việc bảo hộ quyền của các tác giả trong nước và nước ngoài.

Để bảo đảm việc thực hiện nghiêm chỉnh những cam kết quốc tế về bảo hộ quyền tác giả theo Hiệp định Quyền tác giả Việt Nam – Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các công việc sau đây:

1- Bộ Văn hoá – Thông tin có trách nhiệm:

– Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai việc hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả; phổ biến, giới thiệu Hiệp định Quyền tác giả Việt Nam – Hoa Kỳ; tiếp tục đàm phán với phía Mỹ về các thoả thuận hỗ trợ kỹ thuật cho việc thực hiện Hiệp định này.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp soạn thảo và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các quy định của Hiệp định này chậm nhất trước ngày 10 tháng 2 năm 1998 để kịp thời triển khai việc thực hiện Hiệp định ngay sau khi bắt đầu có hiệu lực.

– Củng cố tổ chức chuyên trách quản lý quyền tác giả; bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý trong và ngoài ngành có liên quan về lĩnh vực này.

– Phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thi hành Hiệp định; kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

2- Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Văn hoá – Thông tin và các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về quyền tác giả ở Mỹ; thu thập và xử lý các thông tin liên quan đến việc bảo vệ quyền tác giả của công dân Việt Nam tại Mỹ.

3- Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá – Thông tin và các Bộ, ngành có kế hoạch bồi dưỡng cho các cán bộ có liên quan kiến thức pháp luật về bảo hộ quyền tác giả và nghiệp vụ giải quyết các vụ, việc liên quan đến quyền tác giả.

4- Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ quyền tác giả, tổ chức kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các vụ vi phạm tại địa phương.

5- Giao Bộ Văn hoá – Thông tin hướng dẫn, đôn đốc và báo cáo kết quả việc thực hiện Chỉ thị này.

 

k/t. thủ tướng chính phủ

Phó Thủ tướng

 

Đã ký: Phạm Gia Khiêm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

THÔNG TƯ

 

số 05/1998/TT-BVHTT ngày 12 tháng 9 năm 1998
của Bộ Văn hoá – Thông tin

 

Hướng dẫn thi hành một số quy định của Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về Thiết lập quan hệ quyền tác giả

 

Thực hiện Chỉ thị số 04/1998/CT- TTg ngày 22/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Việt Nam) và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (Hoa Kỳ) về thiết lập quan hệ quyền tác giả (dưới đây gọi là Hiệp định), sau khi trao đổi, thống nhất ý kiến với Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp, Bộ Văn hoá – Thông tin hướng dẫn thi hành một số quy định của Hiệp định như sau:

1- Tác phẩm được bảo hộ

Tác phẩm quy định tại Mục 1.1, 1.3, 1.5 và 1.7 sau đây được bảo hộ tại Hoa Kỳ theo Hiệp định và pháp luật Hoa Kỳ về quyền tác giả. Tác phẩm quy định tại Mục 1.2, 1.4, 1.6 và 1.8 sau đây được bảo hộ tại Việt Nam theo Hiệp định và pháp luật Việt Nam về quyền tác giả quy định tại Chương I, Phần thứ sáu Bộ luật Dân sự và các quy định có liên quan.

1.1. Tác phẩm của tác giả là công dân Việt Nam hoặc người thường trú tại Việt Nam;

1.2. Tác phẩm của tác giả là công dân Hoa Kỳ hoặc người thường trú tại Hoa Kỳ;

1.3. Tác phẩm được công bố lần đầu tại Việt Nam của người không phải là công dân Việt Nam hoặc người không thường trú tại Việt Nam;

1.4. Tác phẩm được công bố lần đầu tại Hoa Kỳ của người không phải là công dân Hoa Kỳ hoặc người không thường trú tại Hoa Kỳ;

1.5. Tác phẩm mà một công dân Việt Nam hoặc người thường trú tại Việt Nam được hưởng những quyền kinh tế theo luật quyền tác giả tại Hoa Kỳ hoặc tác phẩm mà những quyền kinh tế thuộc về một pháp nhân do một công dân Việt Nam hoặc người thường trú tại Việt Nam kiểm soát trực tiếp, gián tiếp hoặc có quyền sở hữu đối với phần lớn cổ phần hoặc tài sản của pháp nhân đó, với điều kiện là: quyền kinh tế nói trên phát sinh trong vòng 1 năm kể từ ngày công bố lần đầu tác phẩm đó tại một nước thành viên của một điều ước đa phương về quyền tác giả và tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam là thành viên của điều ước nói trên;

1.6. Tác phẩm mà một công dân Hoa Kỳ hoặc người thường trú tại Hoa Kỳ được hưởng những quyền kinh tế theo luật quyền tác giả tại Việt Nam hoặc tác phẩm mà những quyền kinh tế thuộc về một pháp nhân do một công dân Hoa Kỳ hoặc người thường trú tại Hoa Kỳ kiểm soát trực tiếp, gián tiếp hoặc có quyền sở hữu đối với phần lớn cổ phần hoặc tài sản của pháp nhân đó, với điều kiện là: quyền kinh tế nói trên phát sinh trong vòng 1 năm kể từ ngày công bố lần đầu tác phẩm đó tại một nước thành viên của một điều ước đa phương về quyền tác giả và tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực, Hoa Kỳ là thành viên của điều ước nói trên;

1.7. Tác phẩm của tác giả là công dân Việt Nam hoặc người thường trú tại Việt Nam và các tác phẩm đã được công bố lần đầu tại Việt Nam trước khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực nhưng chưa thuộc về công cộng tại Việt Nam sau khi hưởng toàn bộ thời hạn bảo hộ.

Trường hợp thời hạn bảo hộ đối với các tác phẩm trên đây theo pháp luật Hoa Kỳ ngắn hơn thời hạn bảo hộ theo pháp luật Việt Nam, tác phẩm không được bảo hộ tại Hoa Kỳ nếu tại thời điểm Hiệp định bắt đầu có hiệu lực thời hạn bảo hộ theo pháp luật Hoa Kỳ đã kết thúc.

1.8. Tác phẩm của tác giả là công dân Hoa Kỳ hoặc người thường trú tại Hoa Kỳ và các tác phẩm đã được công bố lần đầu tại Hoa Kỳ trước khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực nhưng chưa thuộc về công cộng tại Hoa Kỳ sau khi hưởng toàn bộ thời hạn bảo hộ.

Trường hợp thời hạn bảo hộ đối với các tác phẩm trên đây theo pháp luật Việt Nam ngắn hơn thời hạn bảo hộ theo pháp luật Hoa Kỳ, tác phẩm không được bảo hộ tại Việt Nam nếu tại thời điểm Hiệp định bắt đầu có hiệu lực thời hạn theo pháp luật Việt Nam đã kết thúc.

2- Phạm vi các quyền được bảo hộ

2.1. Các quyền được bảo hộ theo Hiệp định bao gồm:

a. Các quyền tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều 5 Hiệp định.

b. Ngoài các quyền tối thiểu quy định tại điểm a nói trên, người không phải là công dân Hoa Kỳ hoặc người không thường trú tại Hoa Kỳ có tác phẩm công bố lần đầu tại Hoa Kỳ, công dân Hoa Kỳ, người thường trú tại Hoa Kỳ có tác phẩm còn được hưởng các quyền theo Hiệp định tại Việt Nam không kém thuận lợi hơn công dân Việt Nam theo pháp luật Việt Nam.

c. Ngoài các quyền tối thiểu quy định tại điểm a nói trên, người không phải là công dân Việt Nam hoặc người không thường trú tại Việt Nam có tác phẩm công bố lần đầu tại Việt Nam, công dân Việt Nam, người thường trú tại Việt Nam có tác phẩm còn được hưởng các quyền theo Hiệp định tại Hoa Kỳ không kém thuận lợi hơn công dân Hoa Kỳ theo pháp luật Hoa Kỳ.

2.2. Hạn chế và ngoại lệ

a. Sự bảo hộ đối với các tác phẩm quy định tại Mục 1.1, 1.3, 1.5 và 1.7 của Thông tư này tại Hoa Kỳ phải tuân theo các hạn chế và ngoại lệ theo Hiệp định và pháp luật Hoa Kỳ.

b. Sự bảo hộ đối với các tác phẩm quy định tại Mục 1.2, 1.4, 1.6 và 1.8 của Thông tư này tại Việt Nam phải tuân theo các hạn chế và ngoại lệ theo Hiệp định và pháp luật Việt Nam.

3- Đăng ký tác phẩm

3.1. Các tác phẩm quy định tại Mục 1.1, 1.3, 1.5 và 1.7 của Thông tư này có thể đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ phù hợp với pháp luật Hoa Kỳ.

3.2. Các tác phẩm quy định tại Mục 1.2, 1.4, 1.6 và 1.8 của Thông tư này có thể đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam.

3.3. Quyền tác giả đối với tác phẩm được bảo hộ không phụ thuộc vào việc tác phẩm đã đăng ký hoặc chưa đăng ký.

4- Ngăn ngừa và xử lý vi phạm quyền tác giả

4.1. Mọi cá nhân, pháp nhân có hoạt động liên quan đến tác phẩm quy định tại Mục 1.2, 1.4, 1.6, và 1.8 của Thông tư này tại Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Hiệp định và pháp luật Việt Nam, thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa hành vi vi phạm quyền hoặc lợi ích được bảo hộ, thương lượng hoà giải trước khi khiếu kiện trong trường hợp có vi phạm nhằm giảm thiểu thiệt hại và chi phí có thể phát sinh.

4.2. Mọi cá nhân, pháp nhân có quyền hoặc lợi ích đối với các tác phẩm quy định tại Mục 1.2, 1.4, 1.6 và 1.8 của Thông tư này được bảo hộ theo Hiệp định tại Việt Nam có quyền thực hiện các biện pháp được pháp luật Việt Nam quy định để bảo vệ quyền hoặc lợi ích của mình khi bị vi phạm tại Việt Nam.

4.3. Mọi cá nhân, pháp nhân có quyền hoặc lợi ích đối với các tác phẩm quy định tại Mục 1.1, 1.3, 1.5, và 1.7 của Thông tư này được bảo hộ theo Hiệp định tại Hoa Kỳ có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Hiệp định, các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam, pháp luật Hoa Kỳ và có quyền thực hiện các biện pháp được pháp luật Hoa Kỳ quy định để bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi bị vi phạm tại Hoa Kỳ.

4.4. Việc giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm quy định tại Mục 1.1, 1.3, 1.5, và 1.7 của Thông tư này tại Hoa Kỳ được thực hiện theo Hiệp định và pháp luật Hoa Kỳ.

4.5. Việc giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm quy định tại Mục 1.2, 1.4, 1.6, và 1.8 của Thông tư này tại Việt Nam được thực hiện theo Hiệp định và pháp luật Việt Nam.

5- Sử dụng tác phẩm sau khi Hiệp định có hiệu lực

5.1. Đối với các tác phẩm quy định tại Mục 1.2, 1.4, 1.6, và 1.8 của Thông tư này đã được phổ biến tại Việt Nam trước ngày Hiệp định bắt đầu có hiệu lực mà chưa có sự thoả thuận giữa bên sử dụng và chủ sở hữu tác phẩm, tuỳ thuộc vào loại hình tác phẩm, có thể tiếp tục được sử dụng trong một thời gian thích hợp phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế, với điều kiện là việc sử dụng đó không ảnh hưởng bất hợp lý đến lợi ích chính đáng của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.

5.2. Trừ các trường hợp hạn chế và ngoại lệ theo quy định của pháp luật Việt Nam, các cá nhân, tổ chức Việt Nam muốn sử dụng các tác phẩm quy định tại Mục 1.2, 1.4, 1.6, và 1.8 của Thông tư này phải tiến hành thương lượng và ký kết hợp đồng với các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm hoặc đại diện hợp pháp của họ. Việc ký kết hợp đồng được thực hiện theo quy định tại Mục 3, Chương I, Phần thứ sáu, Bộ luật Dân sự, Chương III, Nghị định 76/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự và các quy định có liên quan. Hợp đồng sử dụng tác phẩm và các tài liệu liên quan sẽ là cơ sở để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam xét duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của các cá nhân, tổ chức Việt Nam.

6- Tổ chức thực hiện

6.1. Cục Bản quyền tác giả có nhiệm vụ giúp Bộ Văn hoá – Thông tin tổ chức kiểm tra và giám sát việc thi hành Hiệp định; tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Hiệp định trong phạm vi cả nước; phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan khác chuẩn bị và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/1998/CT-TTg ngày 22/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư này và Kế hoạch thực hiện Hiệp định ban hành kèm theo Quyết định số 280/1998/QĐ-BVHTT ngày 27/2/1998 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin.

6.2. Thanh tra chuyên ngành văn hoá thông tin của Bộ Văn hoá – Thông tin và các Sở Văn hoá – Thông tin có nhiệm vụ giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm theo trình tự hành chính.

6.3. Các Cục, Vụ và tổ chức liên quan khác thuộc Bộ Văn hoá – Thông tin phối hợp với Cục Bản quyền tác giả hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thi hành Hiệp định trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của tổ chức mình.

6.4. Sở Văn hoá – Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, giám sát và làm báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện Hiệp định tại địa phương gửi Bộ Văn hoá – Thông tin (Cục Bản quyền tác giả).

6.5. Các quy định của Thông tư này sẽ được áp dụng kể từ ngày Hiệp định bắt đầu có hiệu lực.

6.6. Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu có khó khăn, vướng mắc, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Văn hoá – Thông tin cần thông báo kịp thời về Bộ Văn hoá – Thông tin để Bộ Văn hoá – Thông tin xem xét, xử lý.

 

Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin

Đã ký: Nguyễn Khoa Điềm

img