Chủ Nhật, 08-01-2023 01:07
img

Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác không có khả năng đọc tiếp cận với các tác phẩm đã công bố

LỜI MỞ ĐẦU

Các Bên ký kết,

Xem xét nguyên tắc không phân biệt đối xử, bình đẳng trong cơ hội, tiếp cận, tham gia đầy đủ và có hiệu quả để hoà nhập xã hội đã được tuyên bố trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền của Người khuyết tật,

Lưu tâm đến những thách thức gây phương hại đến sự phát triển toàn diện của người khiếm thị hoặc người không có khả năng đọc khác, làm hạn chế quyền tự do biểu đạt bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp cận và truyền đạt thông tin và ý kiến của tất cả mọi người trên cơ sở bình đẳng với những người khác, bao gồm việc lựa chọn các hình thức liên lạc, thực hiện quyền được giáo dục và cơ hội tiến hành nghiên cứu,

Nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo vệ bản quyền như một sự khuyến khích và bù đắp đối với sáng tạo văn học, nghệ thuật và mở rộng cơ hội cho tất cả mọi người, bao gồm cả người khiếm thị hoặc người không có khả năng đọc khác, được tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng, được thưởng thức nghệ thuật và chia sẻ tiến bộ khoa học cũng như lợi ích của nó.

Nhận thức được những rào cản người khiếm thị hoặc người không có khả năng đọc khác truy cập tác phẩm đã công bố để có cơ hội bình đẳng trong xã hội, và nhu cầu nâng cao số lượng các các tác phẩm có thể truy cập cũng như cải thiện sự lưu thông của các tác phẩm đó.

Xét thấy đa số người khiếm thị hoặc người không có khả năng đọc khác sống tại các nước đang phát triển và kém phát triển.

Thừa nhận sự khác biệt về Luật Bản quyền Quốc gia, sự tác động tích cực của công nghệ thông tin và truyền thông mới đối với cuộc sống của người khiếm thị hoặc người không có khả năng đọc khác có thể được củng cố bởi một khuôn khổ pháp lý ở cấp độ quốc tế.

Thừa nhận nhiều quốc gia thành viên đã thiết lập trong luật bản quyền quốc gia các giới hạn và ngoại lệ đối với người khiếm thị, nhưng vẫn thiếu các tác phẩm có thể truy cập cho người khiếm thị hoặc người không có khả năng đọc khác vì thế đòi hỏi nỗ lực đáng kể để tạo ra bản sao có thể truy cập cho họ, và thêm vào đó việc thiếu khả năng trao đổi  qua biên giới các bản sao có thể truy cập được đòi hỏi cần phải nhân rộng những nỗ lực này.

Thừa nhận cả tầm quan trọng của các chủ sở hữu quyền trong việc làm cho tác phẩm của họ có thể truy cập đối với người khiếm thị hoặc người không có khả năng đọc khác và tầm quan trọng của các giới hạn và ngoại lệ thích hợp để tạo ra tác phẩm để những người khiếm thị có thể truy cập, đặc biệt khi thị trường không thể cung cấp.

Thừa nhận sự cần thiết phải duy trì cân bằng giữa việc bảo hộ hiệu quả các quyền của tác giả và lợi ích lớn hơn của công chúng, đặc biệt là về giáo dục, nghiên cứu và tiếp cận thông tin, và sự cân bằng đó phải tạo điều kiện cho người khiếm thị hoặc người không có khả năng đọc khác tiếp cận hiệu quả và kịp thời các tác phẩm.

Khẳng định lại nghĩa vụ của các Bên ký kết theo các điều ước quốc tế hiện hành về bảo vệ bản quyền và tầm quan trọng cũng như tính linh hoạt của phép thử ba bước đối với các quy định về giới hạn và ngoại lệ tại Điều 9 (2) Công ước Bernevề bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật và các văn kiện quốc tế khác,

Nhắc lại tầm quan trọng của các khuyến nghị trong Chương trình nghị sự phát triển, được thông qua năm 2007 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), nhằm đảm bảo rằng lưu tâm đến phát triển là một phần công việc không thể thiếu của WIPO,

Nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống bản quyền quốc tế và mong muốn hài hòa hóa các giới hạn và ngoại lệ nhằm tạo điều kiện cho người khiếm thị hoặc người không có khả năng đọc khác tiếp cận và sử dụng các tác phẩm.

Đã được thoả thuận như sau:

Điều 1 Liên quan đến các Công ước và Hiệp ước khác

Không có quy định nào trong Hiệp ước này vi phạm đến các nghĩa vụ mà các Bên ký kết có với nhau theo bất kỳ điều ước quốc tế nào, cũng như không làm phương hại đến quyền lợi mà một Bên ký kết có được trong bất kỳ điều ước quốc tế nào khác.

Điều 2 Định nghĩa

Trong phạm vi các quy định của Hiệp ước

(a) “Tác phẩm” Là tác phẩm văn học và nghệ thuật theo quy định của Điều 2(1) Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, được thể hiện bằng văn bản, ký hiệu và / hoặc hình minh họa có liên quan, dù đã được công bố hoặc công khai đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào hay chưa.

(b) “Bản sao có thể truy cập” Là bản sao của tác phẩm được thể hiện bằng một phương thức hay định dạng khác mà người thụ hưởng là người khiếm thị hoặc người không có khả năng đọc khác có thể truy cập dễ dàng và thoải mái. Bản sao có thể truy cập chỉ được sử dụng riêng cho người thụ hưởng và phải tôn trọng sự toàn vẹn của tác phẩm gốc, có thể có những thay đổi cần thiết để tạo ra định dạng khác theo nhu cầu truy cập của đối tượng thụ hưởng.

(c) “Tổ chức được ủy quyền” Tổ chức được ủy quyền là tổ chức được chính phủ cho phép hoặc công nhận chịu trách nhiệm cung cấp hoạt động giáo dục, đào tạo, giảng dạy, đọc hoặc truy cập thông tin cho người thụ hưởng trên cơ sở phi lợi nhuận. Nó cũng có thể bao gồm tổ chức chính phủ hoặc tổ chức phi lợi nhuận cung cấp các dịch vụ tương tự cho những người thụ hưởng như là một trong những hoạt động chính hoặc nghĩa vụ cơ bản của tổ chức đó.

Tổ chức được ủy quyền được thành lập và có những hoạt động sau:

i) Được thành lập để phục vụ người thụ hưởng;

ii) Phân phối và cung cấp bản sao có thể truy cập cho đối tượng thụ hưởng nhất định

iii) Ngăn chặn việc sao chép, phân phối và cung cấp bản sao trái phép; và

iv) Duy trì, sao chép những bản sao tác phẩm đang có, đảm bảo tôn trọng sự riêng tư của người thụ hưởng theo quy định của Điều 8.

Điều 3 Người thụ hưởng

Người thụ hưởng là:

(a) Người mù;

(b) Bị khiếm thị hoặc khuyết tật về cảm giác hay đọc mà không thể cải thiện chức năng thị giác cơ bản tương đương với của một người không có suy giảm hoặc khuyết tật và do đó không thể đọc các tác phẩm in cùng một mức độ như người không có suy giảm hoặc khuyết tật; hoặc

(c) Vì bất kỳ một khuyết tật thể chất nào khác không thể thực hiện hoặc điều khiển một cuốn sách, hay tập trung hoặc di chuyển mắt đến mức độ bình thường cho việc đọc,

Bất luận bất kỳ khuyết tật khác

Điều 4 Giới hạn và ngoại lệ trong Luật quốc gia đối với bản sao có thể truy cập

1. (a) Các Bên ký kết nên quy định trong luật bản quyền quốc gia mình giới hạn và ngoại lệ về quyền sao chép, quyền phân phối, và quyền truyền phát tới công chúng quy định trong Hiệp ước WCT, để tạo điều kiện cung cấp bản định dạng có thể truy cập cho người thụ hưởng. Các giới hạn hoặc ngoại lệ quy định trong pháp luật quốc gia nên cho phép những thay đổi cần thiết để tạo ra các định dạng có thể truy cậpkhác.

(b) Các Bên ký kết cũng có thể quy định giới hạn và ngoại lệ về quyền biểu diễn công cộng để tạo điều kiện cho người thụ hưởng truy cập các tác phẩm.

2. Một Bên ký kết có thể thực hiện Điều 4 (1) bằng cách quy định trong luật bản quyền quốc gia một giới hạn hoặc ngoại lệ cho tất cả các quyền được xác định tại điều này như sau:

(a) Tổ chức được ủy quyền được phép làm một bản sao có thể truy cập của một tác phẩm mà không cần chủ sở hữu quyền tác giả cho phép sao chép, nhận bản sao có thể truy cập của một tác phẩm từ một tổ chức được ủy quyền khác và cung cấp các bản sao này cho người thụ hưởng bằng bất kỳ phương tiện nào, bao gồm việc cho mượn phi thương mại hoặc bằng các phương tiện truyền thông điện tử có dây hoặc không dây và thực hiện bất kỳ bước trung gian nào để đạt được những mục tiêu đó, khi có các điều kiện sau đây:

(i) Tổ chức được ủy quyền muốn thực hiện các hoạt động này có quyền truy cập hợp pháp đối với tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm;

(ii) Tác phẩm được chuyển đổi thành một bản sao có thể truy cập, có thể bao gồm những thay đổi thông tin cần thiết khi chuyển sang định dạng có thể truy cập, nhưng không được có những thay đổi khác ngoài những thay đổi cần thiết để người thụ hưởng có thể truy cập tác phẩm;

(iii) Bản sao trong các định dạng có thể truy cập được cung cấp riêng cho người thụ hưởng sử dụng; và

(iv) Hoạt động này được thực hiện trên cơ sở phi lợi nhuận; và

(b) Nếu người thụ hưởng có quyền truy cập hợp pháp một tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm thì người thụ hưởng, hoặc người đại diện là người trông nom hoặc người chăm sóc cho người thụ hưởng, có thể làm bản sao có thể truy cập một tác phẩm để người thụ hưởng sử dụng cá nhân hoặc trợ giúp người thụ hưởng làm và sử dụng bản sao có thể truy cập.

3. Một Bên ký kết có thể thực hiện Điều 4 (1) bằng cách quy định trong luật bản quyền quốc gia mình các giới hạn hoặc ngoại lệ khác tại Điều 10 và Điều 11.

4. Một Bên ký kết có thể hạn chế những giới hạn hoặc ngoại lệ đối với các định dạng có thể truy cập đặc biệt theo Điều này chỉ áp dụng đối với các tác phẩm đã công bố, không nhằm thu lợi với các điều kiện hợp lý cho người thụ hưởng tại thị trường quốc gia mình. Bất kỳ Bên ký kết nào sử dụng Điều này sẽ phải khai báo trong thông báo gửi cho Tổng Giám đốc WIPO tại thời điểm phê chuẩn, công nhận hoặc tham gia Hiệp ước này hoặc tại bất kỳ thời điểm nào sau đó.

5. Luật pháp Quốc gia có thể quy định các trường hợp giới hạn hoặc ngoại lệ theo Điều này đối với quyền được nhận thù lao.

Điều 5 Trao đổi bản sao có thể truy cập qua biên giới

1. Các Bên ký kết phải quy định rằng nếu một bản sao có thể truy cập được thực hiện theo một ngoại lệ hoặc giới hạn hoặc theo quy định của luật pháp, thì tổ chức được ủy quyền có thể phân phối hoặc cung cấp bản sao có thể truy cập đó cho người thụ hưởng hoặc một tổ chức được ủy quyền của Bên ký kết khác.

2. Một Bên ký kết có thể thực hiện Điều 5(1) bằng cách quy định trong luật bản quyền quốc gia một ngoại lệ hoặc giới hạn như sau:

(a) Tổ chức được ủy quyền được phân phối hoặc cung cấp các bản sao có thể truy cập được dành riêng cho người thụ hưởng cho một tổ chức được ủy quyền của một Bên ký kết khác mà không cần sự chophép của chủ sở hữu quyền.

(b) Tổ chức được ủy quyền được phân phối hoặc cung cấp bản sao có thể truy cập cho người thụ hưởng của một Bên ký kết khác mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu quyền theo quy định tại Điều 2 (c).

Với điều kiện là trước khi cung cấp hoặc phân phối, tổ chức được ủy quyền gốc không biết hoặc không có căn cứ hợp lý để biết rằng các bản sao có thể truy cập sẽ được sử dụng cho các đối tượng khác ngoài người thụ hưởng

3. Bên ký kết có thể thực hiện Điều 5(1) bằng cách quy định trong luật bản quyền quốc gia các giới hạn hoặc ngoại lệ khác theo điều 5 (4), 10 và 11.4.

(a) Khi một tổ chức được ủy quyền của Bên ký kết nhận các bản sao có thể truy cập được theo Điều 5 (1) và Bên ký kết không có nghĩa vụ theo Điều 9 của Công ước Berne, điều này sẽ đảm bảo, phù hợp và thi hành với hệ thống pháp luật riêng của mình, các bản sao có thể truy cập được chỉ được phép sao chép, phân phối hoặc chuẩn bị sẵn vì lợi ích của người thụ hưởng trong thẩm quyền của Bên ký kết.

(b) Việc phân phối hoặc chuẩn bị sẵn các bản sao có thể truy cập được bởi một tổ chức được ủy quyền theo Điều 5 (1) sẽ được giới hạn thẩm quyền trừ khi Bên ký kết là một thành viên của Hiệp ước bản quyền của WIPO hoặc bằng cách hạn chế các giới hạn và ngoại lệ việc thực hiện Hiệp ước này với quyền phân phối và quyền chuẩn bị sẵn cho công chúng để trong một số trường hợp đặc biệt mà không mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây phương hại bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền.

(c) Không có quy định nào trong Điều này ảnh hưởng đến việc xác định điều gì tạo thành hành vi phân phối hoặc hành vi chuẩn bị sẵn cho công chúng.

5. Không có quy định nào trong Hiệp ước này sẽ được sử dụng để giải quyết vấn đề về việc dùng hết các quyền.

Điều 6 Nhập khẩu bản sao có thể truy cập

Trong phạm vi luật quốc gia của một Bên ký kết cho phép người đại diện người thụ hưởng, hoặc một tổ chức được ủy quyền làm bản sao có thể truy cập một tác phẩm, thì luật quốc gia của Bên ký kết đó sẽ cho phép họ nhập khẩu bản sao có thể truy cập vì lợi ích của người thụ hưởng, mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu quyền.

Điều 7 Nghĩa vụ liên quan đến biện pháp công nghệ

Bên ký kết sẽ có biện pháp truy cập tự nguyện thích hợp, hiệu quả để đảm bảo  khi họ quy định bảo vệ pháp lý đầy đủ và có các biện pháp pháp lý hiệu quả chống lại việc phá dỡ các biện pháp công nghệ hiệu quả, bảo hộ pháp lý này không ngăn cản những người thụ hưởng được hưởng từ những hạn chế và ngoại lệ được quy định trong Hiệp ước này.

Điều 8 Tôn trọng sự riêng tư

Khi thực thi các giới hạn và ngoại lệ được quy định trong Hiệp ước này, các Bên ký kết phải cố gắng để bảo vệ sự riêng tư của người thụ hưởng trên cơ sở bình đẳng với những người khác.

Điều 9 Hợp tác hỗ trợ trao đổi qua biên giới

1. Bên ký kết sẽ nỗ lực để thúc đẩy việc trao đổi qua biên giới các bản sao có thể truy cập bằng cách khuyến khích, tự nguyện chia sẻ thông tin để hỗ trợ các tổ chức được ủy quyền dễ dàng nhận biết các tổ chức được ủy quyền khác. Văn phòng quốc tế của WIPO sẽ thiết lập một điểm truy cập thông tin cho mục đích này.

2. Bên ký kết cam kết hỗ trợ các tổ chức được ủy quyền tham gia vào các hoạt động theo Điều 5 để làm thủ tục đối với thông tin có sẵn theo Điều 2 (c), hai bên thông qua việc chia sẻ thông tin giữa các tổ chức được ủy quyền và thông qua việc tạo ra thông tin có sẵn về các chính sách và thủ tục kể cả liên quan đến việc trao đổi qua biên giới bản sao có thể truy cập dành riêng cho các bên liên quan và quần chúng.

3. Văn phòng quốc tế của WIPO được mời tham dự nhằm chia sẻ thông tin, nếu có, về các hoạt động của Hiệp ước này

4. Bên ký kết nhận thức tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại trong việc hỗ trợ thực hiện mục đích và mục tiêu của Hiệp ước này.

Điều 10 Nguyên tắc chung về thi hành

1. Bên ký kết phải thông qua các biện pháp cần thiết để đảm bảo việc áp dụng Hiệp ước này.

2. Không gì có thể ngăn cản các Bên ký kết quyết định biện pháp thích hợp trong hệ thống pháp luật và thực thi của họ để thực hiện các quy định của hiệp ước này

3. Các bên ký kết có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ theo Hiệp ước này thông qua các quy định về giới hạn và ngoại lệ dành riêng cho người thụ hưởng, các giới hạn và ngoại lệ khác, hoặc kết hợp cả hai trong hệ thống pháp luật và thủ tục quốc gia mình. Nó có thể bao gồm các quyết định tư pháp, hành chính và pháp lý có lợi cho người thụ hưởng để thực hành công bằng, đáp ứng nhu cầu của người thụ hưởng phù hợp với quyền và nghĩa vụ của các Bên ký kết theo Công ước Berne, các hiệp ước quốc tế khác, và Điều 11.

Điều 11 Giao ước chung về các giới hạn và ngoại lệ

Khi thông qua các biện pháp cần thiết để đảm bảo thực hiện các quy định của Hiệp ước này, mỗi Bên ký kết có thể thực hiện các quyền và phải tuân thủ các nghĩa vụ mà Bên ký kết có theo Công ước Berne, Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ và Hiệp ước bản quyền của WIPO, bao gồm Hiệp định được diễn giải ra, do đó:

(a) Theo Điều 9(2) của Công ước Berne, một bên ký kết có thể cho phép sao chép tác phẩm trong các trường hợp đặc biệt với điều kiện việc sao chép đó không mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây phương hại bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả;

(b) Theo  Điều 13 của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ, một Bên ký kết sẽ hạn chế các giới hạn hoặc ngoại lệ đối với các độc quyền trong một số trường hợp đặc biệt nhưng không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây phương hại bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền;

(c) Theo Điều 10(1) của Hiệp ước bản quyền của WIPO, một Bên ký kết có thể quy định giới hạn hoặc ngoại lệ đối với các quyền mà các tác giả được hưởng trong một số trường hợp đặc biệt theo quy định của WCT, nhưng không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây phương hại bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả;

(d). Theo Điều 10(2) của Hiệp ước bản quyền của WIPO, một Bên ký kết sẽ hạn chế giới hạn hoặc ngoại lệ đối với các quyền trong một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Công ước Berne, nhưng không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây phương hại bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả.

Điều 12 Các giới hạn và ngoại lệ khác

1. Bên ký kết công nhận một Bên ký kết có thể bổ sung luật quốc gia của mình các giới hạn quyền tác giả và ngoại lệ khác vì lợi ích của người thụ hưởng thay vì được cung cấp bởi Hiệp ước này do có liên quan đến tình hình kinh tế, nhu cầu xã hội và văn hóa của Bên ký kết, phù hợp với quyền và nghĩa vụ quốc tế của Bên ký kết và trong trường hợp một nước chậm phát triển cần tính đến nhu cầu, quyền đặc biệt của quốc tế, nghĩa vụ và sự linh hoạt của nó.

2. Hiệp ước này không ảnh hưởng đến các giới hạn và ngoại lệ khác cho người khuyết tật được cung cấp bởi luật pháp quốc gia.

Điều 13 Hội đồng

(1) (a) Các Bên tham gia sẽ phải có một Hội đồng.

(b) Mỗi bên tham gia phải được đại diện trong Hội đồng bởi một đại biểu có thể có các đại biểu thay thế, cố vấn và chuyển gia hỗ trợ.

(c) Chi phí của mỗi phái đoàn sẽ do Bên tham gia chỉ định phái đoàn gánh chịu. Hội đồng có thể yêu cầu WIPO hỗ trợ tài chính để tạo điều kiện tham gia của Phái đoàn của Bên tham gia khi được coi là các quốc gia đang phát triển theo thực tiễn của Đại hội đồng Liên hợp quốc hay là các quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.

(2) (a) Hội đồng sẽ giải quyết các vấn đề liên quan tới duy trì và phát triển Hiệp ước này và việc áp dụng, thực hiện Hiệp ước này.

(b)   Hội đồng sẽ thực hiện chức năng được trao theo Điều 15 liên quan tới việc gia nhập của các tổ chức liên chính phủ trở thành thành viên của Hiệp ước này.

(c)    Hội đồng sẽ quyết định việc triệu tập hội nghị ngoại giao để sửa đổi, bổ sung Hiệp ước này và đưa ra hướng dẫn cần thiết cho Tổng giám đốc WIPO để chuẩn bị hội nghị ngoại giao này.

(3) (a) Mỗi Bên tham gia với tư cách một quốc gia sẽ có một phiếu biểu quyết và chỉ được biểu quyết bằng danh nghĩa của chính mình.

(b) Bất kỳ Bên tham gia nào là một tổ chức liên chính phủ đều có quyền tham gia bỏ phiếu, thay mặt cho các quốc gia thành viên với một số phiếu bằng với số quốc gia thành viên của tổ chức mình tham gia Hiệp ước. Các tổ chức liên chính phủ này sẽ không được tham gia bỏ phiếu nếu bất kỳ một quốc gia thành viên của mình thực hiện quyền bỏ phiếu của mình và ngược lại.

(4) Hội đồng sẽ họp khi được triệu tập bởi Tổng giám đốc và, nếu không có tình huống đặc biệt, sẽ vào cùng thời gian và địa điểm của phiên họp Đại hội đồng WIPO.

(5) Hội đồng sẽ cố gắng thực hiện các quyết định của mình bằng đồng thuận và xây dựng các quy chế riêng về các thủ tục, bao gồm việc triệu tập các phiên họp đặc biệt, các yêu cầu đối với số đại biểu cần thiết và, theo các quy định của Hiệp ước này, đa số tối thiểu cần thiết cho các quyết định khác nhau.

Điều 14 Văn phòng Quốc tế

Văn phòng Quốc tế của WIPO sẽ thực hiện các nhiệm vụ hành chính liên quan tới Hiệp ước này.

Điều 15 Điều kiện để trở thành một bên tham gia Hiệp ước

          (1) Bất kỳ Quốc gia thành viên nào của WIPO đều có quyền trở thành một Bên của Hiệp ước này.

(2) Hội đồng có thể quyết định chấp thuận bất kỳ tổ chức liên chính phủ nào tuyên bố rằng tổ chức mình có đủ thẩm quyền, và có điều lệ riêng ràng buộc tất cả các quốc gia thành viên của tổ chức mình và tổ chức đã được uỷ nhiệm một cách hợp lệ theo quy chế hoạt động của tổ chức mình, đối với các vấn đề được quy định trong Hiệp ước này, để trở thành một Bên của Hiệp ước này.

(3) Liên minh Châu Âu, do đã có tuyên bố được nêu ở Khoản trên tại Hội nghị Ngoại giao thông qua Hiệp ước này, có thể trở thành một Bên của Hiệp ước này.

Điều 16 Quyền và nghĩa vụ theo Hiệp ước

Trừ trường hợp Hiệp ước này có quy định khác, mỗi Bên tham gia được hưởng tất cả các quyền và thực hiện tất cả các nghĩa vụ theo Hiệp ước này.

 

Điều 17 Ký kết Hiệp ước

Hiệp ước này sẽ được mở rộng để lấy chữ ký của các Bên đủ điều kiện tại Hội nghị Ngoại giao Marrakesh sau đó tại trụ sở của WIPO trong thời gian một năm sau khi được thông qua.

Điều 18 Hiệu lực của Hiệp ước

Hiệp ước này sẽ có hiệu lực sau ba tháng, kể từ khi 20 Bên đủ điều kiện được nêu tại Điều 15 gửi hết các văn kiện phê chuẩn hay văn kiện gia nhập.

Điều 19 Ngày hiệu lực của việc trở thành thành viên của Hiệp ước

Hiệp ước này sẽ ràng buộc:

i. 20 Bên đủ điều kiện được nêu tại Điều 18, kể từ ngày Hiệp ước này có hiệu lực; 

ii. Mỗi Bên đủ điều kiện được nêu tại Điều 15, kể từ ngày hết hạn thời hạn ba tháng tính từ ngày mà Bên đó gửi văn kiện phê chuẩn hoặc văn kiện gia nhập cho Tổng giám đốc WIPO.

Điều 20 Rút khỏi Hiệp ước

Bất kỳ Bên tham gia nào đều có thể rút khỏi Hiệp ước này bằng cách thông báo cho Tổng giám đốc WIPO. Việc rút khỏi hiệp ước sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ ngày Tổng giám đốc WIPO nhận được thông báo.

Điều 21Ngôn ngữ của Hiệp ước

(1) Hiệp ước này được ký trên một bản gốc duy nhất bằng tiếng Anh, tiếng Ả-rập, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha, các bản bằng tất cả các thứ tiếng này đều có giá trị ngang nhau.

(2) Một văn bản chính thức bằng bất kỳ thứ tiếng nào ngoài các ngôn ngữ nêu tại Điều 21 mục (1) sẽ được Tổng giám đốc WIPO thảo ra theo yêu cầu của một Bên có liên quan, sau khi tham khảo tất cả các Bên liên quan khác. Trong khoản này, "Bên liên quan" nghĩa là bất kỳ quốc gia thành viên nào của WIPO mà ngôn ngữ chính thức, hoặc một trong những ngôn ngữ chính thức của quốc gia đó, được yêu cầu thảo ra, và là Liên minh Châu Âu, và bất kỳ tổ chức liên chính phủ nào khác có thể trở thành một Bên của Hiệp ước này, nếu có một trong các ngôn ngữ chính thức được yêu cầu thảo ra.

Điều 22 Lưu giữ

          Tổng giám đốc WIPO lưu giữ Hiệp ước này.

img