Thứ Sáu, 06-01-2023 10:42
img

Hội nghị Tập huấn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về QTG, QLQ

Thực hiện Quyết định số 1942/QĐ-BVHTTDL ngày 17/8/2022 của
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân  tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị tập huấn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan vào ngày 15/9/2022 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đoàn Văn Việt – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Ngày 16 tháng 6 năm 2022, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT đã được thông qua với tỷ lệ 95,58%. Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2023. Nhằm tập huấn cho các cán bộ, công chức tại các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước trực tiếp làm công tác quản lý và thực thi lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan tìm hiểu và nắm bắt các chủ trương, chính sách cũng như những điểm mới về quyền tác giả, quyền liên quan tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị. Đồng thời, đây cũng là cơ hội quý giá để Bộ có thể lấy ý kiến góp ý trực tiếp của các quý vị đại biểu nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT về quyền tác giả, quyền liên quan.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, sự tồn tại và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; làm tốt công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan sẽ góp phần khuyến khích sáng tạo, thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Thứ trưởng đề nghị các cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, tích cực phối hợp với các cơ quan của các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục triển khai các Đề án, Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về tăng cường bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu khai mạc Hội nghị

Về phía địa phương, ông Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng có bài phát biểu chào mừng Hội nghị. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề cao vai trò, tầm quan trọng của bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo văn hóa nghệ thuật và thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong tiến trình hội nhập; đồng thời hoan nghênh và chào mừng các vị đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương về với thành phố Đà Lạt để tham dự Hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp phát biểu chào mừng Hội Nghị

Hội nghị với sự tham dự của gần 150 đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị bao gồm: Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tòa án nhân dân tối cao, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông… các tỉnh, thành phố trên cả nước cùng đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí.

Hội nghị nghe thuyết trình của các chuyên gia, nhà quản lý trong các lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số và công nghiệp văn hóa.

Các nội dung được giới thiệu và trình bày tại Hội nghị bao gồm: Các chính sách sửa đổi, bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan; Giới thiệu chung các nội dung sửa đổi, bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan, những điểm mới về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, về trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2022, trong đó bổ sung quy định về cơ chế thông báo – gỡ bỏ, các nội dung về xâm phạm quyền trên không gian mạng,…; Bảo hộ bản quyền tác giả trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa; Giới thiệu một số nội dung dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT về quyền tác giả, quyền liên quan.

Ông Trần Hoàng – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả điều hành Hội nghị

Theo đó, mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật SHTT là bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính đồng bộ, khả thi.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT phần quyền tác giả, quyền liên quan sửa đổi 27 điều và bổ sung 5 điều, tập trung vào 05 nhóm nội dung chính: (1) Sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về thuật ngữ, quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng, chủ sở hữu quyền liên quan; (2) Sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về giới hạn, ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan; (3) Sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; (4) Sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; (5) Sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và thực thi quyền trên môi trường số.

Bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả trả lời phỏng vấn của báo chí về điểm mới quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2022

Hội nghị cũng dành thời gian trao đổi, thảo luận và ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu về những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2022 về quyền tác giả, quyền liên quan; về nội dung dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT về quyền tác giả, quyền liên quan cũng như thực tiễn công tác quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại các địa phương.

Qua Hội nghị này, các cán bộ quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại các địa phương trên toàn quốc được tiếp nhận các quy định pháp luật mới về quyền tác giả, quyền liên quan; trao đổi, thảo luận góp ý cho việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực này, đồng thời cũng là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương, khảo sát thực tiễn về công nghiệp văn hóa dựa trên các sản phẩm sáng tạo; góp phần đưa pháp luật Sở hữu trí tuệ đi vào cuộc sống./.

Hương Nguyên

img