Chủ Nhật, 08-01-2023 01:10
img

Hội nghị tập huấn phổ biến các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP và pháp luật Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 12 tháng 9 năm 2019, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị tập huấn phổ biến các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP và pháp luật Việt Nam (khu vực miền Nam). Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả; về phía Bộ Công Thương có bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và đàm phán thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên; về phía Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh có ông Phạm Văn Dũng, Phó Chánh thanh tra Sở; về phía các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở Văn hóa và Thể thao) có các Lãnh đạo Sở, Thanh tra Sở, Phòng Quản lý nghiệp vụ; riêng Thành phố Hồ Chí Minh có các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao, các Phòng nghiệp vụ văn hóa, các sở ban ngành có liên quan và một số cơ quan báo chí.

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả chủ trì Hội nghị. 

Ảnh: Thanh Tùng

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị khu vực miền Nam, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, ngày 24 tháng 01 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Triển khai Quyết định số 121/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28 tháng 02 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 701/QĐ-BVHTTDL triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thực hiện Kế hoạch công tác được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, ngày 12 tháng 4 năm 2019 tại thành phố Hà Nội và ngày 06 tháng 6 năm 2019 tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tổ chức Hội nghị tập huấn phổ biến các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP và pháp luật Việt Nam khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung. Ông mong rằng thông qua Hội nghị, các đại biểu sẽ có được những thông tin hữu ích, tăng cường kết nối các cơ quan quản lý và thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan giữa trung ương và địa phương và giữa các địa phương với nhau, từ đó giúp cho việc đề xuất có hiệu quả các chính sách quản lý thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương, trước những thách thức và cơ hội về thực thi pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan theo cam kết của Việt Nam tại Hiệp định CPTPP và trong kỷ nguyên số và Internet.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và đàm phán thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương trình bày tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng

Trong bài giới thiệu về Hiệp định CPTPP, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và đàm phán thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, đã có 7 nước phê chuẩn Hiệp định CPTPP, bao gồm Mê-hi-cô, Nhật Bản, Xinh-ga-po, Niu Di-Lân, Ca-na-đa, Ốt-xtrây-lia và Việt Nam. Về tình hình thực hiện Hiệp định CPTPP giữa các nước, ngày 19 tháng 01 năm 2019 tại Nhật Bản đã tổ chức Phiên họp Hội đồng CPTPP lần 1, với kết quả: Thông qua Tuyên bố chung và 3 Quyết định về cơ chế hoạt động, gia nhập thành viên mới và quy trình thủ tục liên quan tới SSDS và Bộ quy tắc ứng xử của Trọng tài viên liên quan tới ISDS. Dự kiến ngày 7-9 tháng 10 năm 2019 diễn ra Phiên họp Hội đồng CPTPP lần 2 và các ủy ban tại Niu Di-lân.

Tập trung giới thiệu cam kết của Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ về dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch trong Hiệp định CPTPP, bà Nguyễn Thị Lan Phương cho biết cụ thể về cam kết trong các ngành dịch vụ nghe nhìn, dịch vụ du lịch và các dịch vụ liên quan, dịch vụ giải trí, văn hóa và thể thao; về bảo lưu quyền áp dụng đối với phân ngành ghi âm, phân ngành sản xuất, phân phối và trình chiếu các chương trình truyền hình và tác phẩm điện ảnh thuộc ngành dịch vụ nghe nhìn; các ngành mỹ thuật và nghệ thuật biểu diễn, di sản văn hóa, truyền thông đại chúng, sản xuất và phân phối băng đĩa hình. Thực thi Hiệp định CPTPP vừa là cơ hội và thách thức đối với Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam tiến hành cải cách thể chế, sửa đổi văn bản pháp luật để phù hợp với Hiệp định CPTPP (dự kiến sửa 7 Luật, hàng chục Nghị định và tiếp tục rà soát hệ thống văn bản pháp luật, trong đó có sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ), áp dụng trực tiếp nhiều cam kết, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư, thay đổi tư duy xây dựng và thực thi luật ở cấp trung ương và địa phương. Một trong những thách thức trong thực thi đối với cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương là phải hiểu đúng và hiểu rõ cam kết để thực thi có hiệu quả, minh bạch và khách quan.

  Tại Hội nghị, ông Phạm Thanh Tùng, Trưởng phòng Thông tin và hợp tác quốc tế, Cục Bản quyền tác giả giới thiệu các nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP. Các điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan mà Việt Nam là thành viên bao gồm Hiệp định về thiết lập quan hệ quyền tác giả giữa Việt Nam – Hoa Kỳ (năm 1998), Hiệp định về  bảo hộ sở hữu trí tuệ Việt Nam – Thụy Sỹ (năm 2000), Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (năm 2001), Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học (năm 2004), Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) (năm 2007 khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới – WTO)… Các điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan mà Việt Nam chưa tham gia bao gồm Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (WCT), Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT), Hiệp ước Bắc Kinh về cuộc biểu diễn nghe nhìn, Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác không có khả năng đọc tiếp cận với các tác phẩm đã công bố. Những năm gần đây, Việt Nam cũng đàm phán và ký kết một số hiệp định kinh tế thương mại tự do có nội dung cam kết về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có Hiệp định CPTPP.

Quang cảnh Hội nghị  .Ảnh: Thanh Tùng

Về nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP được quy định tại Chương 18, bao gồm: mục H (Các quy định về tiêu chuẩn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan – 11 điều) và các phần khác có một số quy định về quyền tác giả, quyền liên quan (mục A, mục B, mục I, mục K).

Về kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Quyết định số 701/QĐ-BVHTTDL bao gồm các hoạt động chính như sau: Tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định CPTPP; Công tác xây dựng pháp luật, thể chế, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ phần quyền tác giả, quyền liên quan (năm 2022) và gia nhập hai điều ước quốc tế là Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (WCT), Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT) (năm 2022); Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực, trong đó có Đào tạo cán bộ và Xây dựng hệ thống phát hiện, xử lý vi phạm trên môi trường mạng.

Ông Hoàng Long Huy, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp văn hóa, Cục Bản quyền tác giả có bài trình bày về hệ thống pháp luật – quản lý – thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam, trong đó tập trung giới thiệu về Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Nghị định số 22/2018/NĐ-CP gồm 06 chương, 51 điều, quy định về một số nội dung mới: Tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có 6 điều quy định về hoạt động của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan gồm biểu mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất; thu, phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất; khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình; thông tin quản lý quyền tác giả, quyền liên quan; thực hiện chế độ báo cáo; Thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan cũng có một số thay đổi như việc bỏ quy định về đầu mối tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan tại các Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao; quy định về thời gian cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan rút ngắn còn 12 ngày; thời gian cấp lại rút ngắn còn 07 ngày; bổ sung quy định về trường hợp hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan. Nghị định số 22/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 4 năm 2018, thay thế Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 85/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Ông Phạm Văn Dũng, Phó Chánh thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại Hội nghị         Ảnh: Thanh Tùng

Báo cáo tham luận của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh do ông Phạm Văn Dũng, Phó Chánh thanh tra Sở trình bày về công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Ông Phạm Văn Dũng cho biết thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế – văn hóa lớn của cả nước, ở đây tập trung một số lượng lớn các đơn vị tổ chức nghệ thuật chuyên nghiệp và sản xuất phát hành băng đĩa. Do tình hình thực tế hiện nay đang có xu hướng giải trí dịch chuyển khỏi kênh truyền thống đang phát triển mạnh mẽ, giải trí theo phương thức tải và xem trực tuyến trên mạng Internet là nhiều nhất. Do đó băng đĩa không còn là sản phẩm sản xuất chính nên vấn nạn băng đĩa lậu hầu như không còn trên thị trường. Bên cạnh các đơn vị kinh doanh có chức năng tổ chức biểu diễn, sản xuất băng đĩa, karaoke…. đã và đang thực hiện tốt nghĩa vụ về quyền tác giả, quyền liên quan khi khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình tác phẩm, cuộc biểu diễn tác phẩm âm nhạc, vẫn còn tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan còn gặp khó khăn, trong đó có nguyên nhân về nhận thức pháp luật còn hạn chế của một số tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh có sử dụng âm nhạc và còn tổ chức, cá nhân bất chấp pháp luật, chạy theo lợi nhuận bất chính mà xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan. Các đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa – xã hội thành phố, Đội kiểm tra liên ngành văn hóa – xã hội 24 quận, huyện, Tổ kiểm tra liên ngành văn hóa – xã hội và Đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở Văn hóa và Thể thao tiến hành kiểm tra, kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh nhà hàng, quán cà phê – bar, quán karaoke, vũ trường, cơ sở lưu trú, dịch vụ thu âm, kinh doanh, sản xuất băng đĩa… có vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Các đại biểu đánh giá cao kết quả Hội nghị đã cung cấp các thông tin bổ ích về Hiệp định CPTPP nói chung, các cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch và trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng, kế hoạch triển khai thực hiện CPTPP của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó có lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, áp dụng trong công việc của mình, làm tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa./.

Ngọc Hà COV

img