Chủ Nhật, 08-01-2023 01:10
img

Hội nghị trực tuyến giữa Vương Quốc Anh và các nước ASEAN về thực thi bản quyền trên môi trường số

Chiều ngày 29 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Cục Bản quyền tác giả đã diễn ra Hội nghị trực tuyến giữa Vương Quốc Anh và các nước ASEAN về thực thi bản quyền trên môi trường số. Hội nghị được tổ chức trên nền tảng trực tuyến Livestorm, bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Cục Bản quyền tác giả có sự tham dự của bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả và đại diện các phòng chuyên môn thuộc Cục Bản quyền tác giả. Hội nghị tập trung thảo luận về tình hình vi phạm bản quyền trên môi trường số và thực thi bản quyền trên môi trường số hiện nay ở Vương quốc Anh và các quốc gia khu vực Đông Nam Á –ASEAN với 6 nội dung chính sau: 1) sự tương tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trong việc chống vi phạm bản quyền kỹ thuật số; 2) phương pháp tiếp cận của Vương quốc Anh đối với vi phạm bản quyền trên môi trường kỹ thuật số; 3) vi phạm bản quyền truyền hình, thể thao và phim; 4) vi phạm bản quyền âm nhạc trực tuyến; 5) chặn trang web bằng biện pháp tư pháp và biện pháp hành chính của 3 quốc gia Đông Nam Á: Indonesia, Malaysia, Singapore và 6) vai trò của công nghệ trong việc tăng cường thực thi bản quyền trên môi trường số.

Quang cảnh Hội nghị 

Theo ông Phillip Davies, Giám đốc Nhóm Đối tác Chống vi phạm bản quyền Vương Quốc Anh (Sky), thực trạng vi phạm bản quyền kỹ thuật số là phổ biến nhất hiện nay, bản chất của hành vi vi phạm đã thay đổi qua nhiều năm khi công nghệ phát triển, hơn 80% vi phạm bản quyền là vi phạm trực tuyến. Sky và PIPCU sẽ cùng nhau tích cực thực hiện các bước để ngăn chặn những hành vi vi phạm bản quyền. Mối quan hệ với các Ngân hàng, Visa, MasterCard & PayPal là chìa khóa thành công trong việc bảo vệ người tiêu dùng khỏi rủi ro vi phạm bản quyền và khỏi gian lận buôn bán trong lĩnh vực sáng tạo. Sky, PIPCU và IPO tại Vương quốc Anh tin rằng mối quan hệ hợp tác mở rộng của PIPCU từ người tiêu dùng sang chuỗi thanh toán bằng cách sử dụng dữ liệu mua hàng thử nghiệm sẽ có hiệu quả trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền.

Các cán bộ Cục Bản quyền tác giả tại Hội nghị 

Về phương pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền trên môi trường kỹ thuật số của Vương quốc Anh, ông Dave Lowe, Trưởng phòng Nâng cao Năng lực và Thực thi, Cơ quan Sở hữu Trí tuệ Vương quốc Anh (IPO) khẳng định, cần xác định vị trí trong chuỗi cung và cầu các khu vực có thể làm việc cùng nhau: tư nhân, công cộng và cơ quan thực thi pháp luật của Vương quốc Anh để giảm cơ hội cho tội phạm khai thác các luồng bất hợp pháp; tập trung vào các thương nhân bán buôn trong các thiết bị truyền trực tuyến bất hợp pháp; tạo ra các mỗi quan hệ và hỗ trợ các mối quan hệ làm việc chặt chẽ với nhau giữa các cơ quan, lĩnh vực và khu vực pháp lý khác nhau; thúc đẩy lợi ích của việc tôn trọng sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền nói riêng cho tất cả mọi người.

Thực trạng vi phạm bản quyền truyền hình, thể thao và phim tại Vương Quốc Anh rất báo động. Theo ông Eddy Leviten, Giám đốc điều hành Liên đoàn Chống Trộm cắp Bản quyền (FACT) cho biết, FACT đã phát triển và thay đổi cùng với sự thay đổi của các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, FACT cung cấp các dịch vụ đặt trước như IP bảo vệ, điều tra các gian lận trên mạng, pháp y, chứng nhận bảo mật và thẩm định. FACT có đội ngũ nhân viên tay nghề cao bao gồm các cựu cảnh sát, nhà phân tích tình báo, nhà điều tra và giám định pháp y. FACT điều tra tất cả các hình thức tiêu thụ nội dung bất hợp pháp và nếu cần thiết sẽ có hành động chống lại những hành vi vi phạm; FACT điều tra kỹ lưỡng và công khai – tất cả đều theo tiêu chuẩn cao nhất do cảnh sát Vương quốc Anh và Chính phủ Vương quốc Anh đề ra. FACT tiếp cận nhiều mặt đối với các tội phạm SHTT và đã thành công trong các vụ kiện dân sự và truy tố hình sự về tội phạm SHTT.

Thuyết trình tại Hội nghị trực tuyến, bà Jenny Wong, Giám đốc khu vực APAC (Hiệp hội Công nghiệp ghi âm quốc tế – IFPI) cho biết, IFPI là tiếng nói của ngành công nghiệp ghi âm trên toàn thế giới, đại diện lợi ích cho 1300 công ty thu âm trên toàn cầu. Bà Jenny Wong nhấn mạnh, để ngành công nghiệp ghi âm phát triển cần có các yếu tố sau: bản ghi có giá trị về âm nhạc, kinh tế, văn hóa, chất lượng đáp ứng nhu cầu của công chúng; khung pháp lý rõ ràng, đầy đủ, bảo đảm thực hiện; bảo đảm lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền và biện pháp pháp lý đủ mạnh khi có vi phạm xảy ra.

Về việc sử dụng các biện pháp tư pháp và hành chính trong việc chặn các trang web vi phạm bản quyền, ông Neil Gane, Tổng giám đốc Liên minh chống vi phạm bản quyền của Hiệp hội Công nghiệp Video Châu Á (CAP) đã liệt kê 3 quốc gia Đông Nam Á điển hình cho hoạt động này: Indonesia, Malaysia và Singapore. Từ năm 2016 -2019, mức độ vi phạm bản quyền trên môi trường internet tiếp tục tăng lên bất chấp các biện pháp chặn các trang web vi phạm. Ở Indonesia, từ năm năm 2015 đến tháng 1 năm 2019, có 1094 trang web bị chặn, trung bình khoảng 270 trang web bị chặn mỗi năm. Từ năm 2016 đến tháng 01 năm 2019, ở Malaysia, có 322 trang web bị chặn, Singapore là 170 trang web bị chặn. CAP thành lập Liên minh Video Indonesia (VCI). Tại Indonesia, để thực thi các quyền sở hữu trí tuệ, KOMINFO sẽ hợp tác với Liên minh chống vi phạm bản quyền (CAP) và Tổng cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Pháp luật và Nhân quyền. Hiện nay, Indonesia đang dẫn đầu thị trường về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy tăng trưởng các dịch vụ hợp pháp ở Đông Nam Á.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả gửi lời cảm ơn tới Ban Tổ chức, các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong việc thực thi bản quyền trên môi trường số của Vương quốc Anh và các quốc gia khu vực Đông Nam Á – ASEAN. Đây là cơ hội tốt để các quốc gia học hỏi kinh nghiệm từ các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết vấn đề xâm phạm bản quyền trên môi trường số của Vương Quốc Anh và một số quốc gia Đông Nam Á. Bà Phạm Thị Kim Oanh hy vọng với sự phát triển của công nghệ, các quốc gia trên thế giới nói chung và đặc biệt là khu vực Đông Nam Á sẽ hợp tác, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong việc tăng cường thực thi bản quyền trên môi trường số.

Lê Hương

img