Chủ Nhật, 08-01-2023 01:38
img

Hội thảo quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản

         Ngày 20 tháng 4 năm 2018, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Thư viện quốc gia tổ chức “Hội thảo quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản”. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26 tháng 4, Ngày sách và Bản quyền thế giới 23 tháng 4 và Ngày Sách Việt Nam 21 tháng 4 nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho những người tham gia sáng tác, xuất bản, phát hành, lưu giữ sách và người đọc sách, đánh giá thực trạng, đưa ra những đề xuất kiến nghị cho công tác quản lý và thực thi pháp luật pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực xuất bản.

         Hội thảo có sự tham dự của ông Bùi Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, bà Kiều Thúy Nga – Giám đốc Thư viện quốc gia, đại diện các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, các nhà xuất bản, các thư viện, công ty phát hành sách, nhà nghiên cứu và cơ quan báo chí.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Minh Hoàng

         Tại hội thảo, các đại biểu được nghe và trao đổi về các nội dung liên quan đến quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản tại Việt Nam, vấn đề bản quyền tác giả trong hoạt động thư viện, thực tiễn và khuyến nghị chính sách thực thi quyền tác giả trên môi trường Internet tại Việt Nam, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới hoạt động xuất bản.

        Luật sở hữu trí tuệ, Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan (Nghị định số 22/2018/NĐ-CP) và các văn bản có liên quan trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan là những văn bản pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội về quyền tác giả, quyền liên quan. Bên cạnh đó, Việt Nam từng bước hội nhập quốc tế thông việc tham gia và ký kết nhiều điều ước quốc tế đa phương và song phương có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan. Đầu tiên là việc ký kết Hiệp định về thiết lập quan hệ quyền tác giả giữa Việt Nam – Hoa Kỳ vào năm 1997, Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ vào năm 2000. Việt Nam tham gia các điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học vào năm 2004, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) được tham gia vào năm 2007 khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO)… Những năm gần đây, Việt Nam cũng đàm phán và ký kết một số hiệp định kinh tế thương mại tự do có nội dung cam kết về quyền tác giả, quyền liên quan. Thực thi các cam kết quốc tế, các quy định pháp luật trong nước về quyền tác giả, quyền liên quan từng bước được hoàn thiện phù hợp với nhu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn diễn ra với hình thức và mức độ khác nhau, gây thiệt hại và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sáng tạo, môi trường đầu tư, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững đất nước.

       Các hoạt động sao chụp tài liệu, số hóa tài liệu, mượn liên thư viện, phục vụ bạn đọc… trong thư viện, trong đó có thư viện số, thư viện điện tử nhằm thực hiện chức năng thu thập, lưu trữ, bảo quản và truyền bá di sản văn hóa, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của nhân dân, thì phải tuân thủ các quy định của Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Luật sở hữu trí tuệ và Nghị định số 22/2018/NĐ-CP có quy định điều kiện sao chép tác phẩm đã công bố để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu thì không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao; trường hợp sử dụng tác phẩm thuộc về công chúng… nhằm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền tác giả với lợi ích công cộng, tạo thuận lợi cho thư viện thực hiện chức năng của mình.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo.Ảnh: Minh Hoàng

        Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận các vấn đề pháp lý về quyền tác giả đặt ra đối với hoạt động của thư viện, trong đó có thư viện điện tử, thư viện số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, qua đó kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng các giới hạn, ngoại lệ quyền tác giả sử dụng trong thư viện phải đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ quyền tác giả với đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong việc tiếp cận tài liệu, thúc đẩy hoạt động thư viện, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập, phù hợp điều kiện thực tiễn của đất nước và thông lệ quốc tế.

        Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ có quy định về quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền tác giả phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp về quyền tác giả của mình. Hội thảo khuyến nghị các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm, các nhà xuất bản cần chủ động trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, trong đó có việc cung cấp tài liệu bằng chứng để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản.

        Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến thực thi các quy định của Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực xuất bản, trong đó có việc tôn trọng quyền nhân thân của tác giả; tìm hiểu ký kết hợp đồng với đúng chủ thể quyền tác giả của xuất bản phẩm tại Việt Nam nhằm tránh nguy cơ bị kiện vi phạm bản quyền xuất bản; ký kết hợp đồng xuất bản tác phẩm với tất cả đồng thừa kế hoặc người đại diện hợp pháp của các đồng thừa kế quyền tác giả đối với tác phẩm…

       Các đại biểu nhất trí về việc thực hiện các giải pháp tăng cường bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản như tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả; đẩy mạnh truyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả; sự chủ động, tích cực từ phía các nhà xuất bản trong việc áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật quyền tác giả; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quyền tác giả cùng với sự chủ động của các nhà xuất bản, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm cung cấp bằng chứng yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm về quyền tác giả./.

Thanh Tú COV 

img