Thứ Bảy, 09-04-2022 09:13
img

Hội thảo “Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và bình đẳng giới trong văn hoá đọc của sinh viên Việt Nam”

Nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng ngày Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam 21/4, Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 21/4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4 và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4. Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Học viện Phụ nữ Việt Nam và các bên liên quan đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và bình đẳng giới trong văn hoá đọc của sinh viên Việt Nam” dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến vào ngày 18/4/2022 tại Hà Nội.

Tham dự Hội thảo có ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả; ông Bùi Minh Cường – Quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật; bà Hoàng Thuý Quỳnh – Phó Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ; Luật sư Lê Xuân Lộc, Giám đốc Sở hữu trí tuệ, Công ty Luật TNHH T&G…cùng hơn 200 đại biểu là các giảng viên, sinh viên của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội (Học viện Phụ nữ Việt Nam, Đại học Ngoại thương, Đại học Lao động – Xã hội, Đại học Văn hoá; Học viện Thanh thiếu niên…).

Ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO đã chọn chủ đề cho Ngày Sở hữu trí tuệ năm 2022 là: “Sở hữu trí tuệ và Thế hệ trẻ: Đổi mới vì một tương lai tốt đẹp hơn”. Ông đã  nhấn mạnh vai trò của sở hữu trí tuệ đối với xã hội và ngày càng thu hút được sự quan tâm của giới trẻ, thanh niên Việt Nam, khi lực lượng thanh niên hiện nay chiếm gần ¼ dân số, là chủ nhân tương lai của đất nước luôn tiên phong trong đổi mới sáng tạo, là tác nhân tự nhiên của sự thay đổi, của những con đường dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn. Ông Đinh Hữu Phí cho biết chúng ta sẽ không thể có được những nhà sáng tạo, những doanh nhân trẻ tài ba, nếu như từ khi ngồi trên ghế giảng đường, sinh viên không chịu tìm hiểu, nghiên cứu và nghiền ngẫm tài liệu với sự hiểu biết và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Sở hữu trí tuệ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ nói riêng và kinh tế xã hội nói chung, đặc biệt với nền kinh tế tri thức mà Việt Nam và nhiều nước khác đang hướng tới.

Các chuyên gia tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết hiện nay vấn đề tôn trọng bản quyền đã được nâng cao. Các tác giả đã biết cách tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với “đứa con tinh thần” mà mình sáng tạo ra. Việc tôn trọng và bảo vệ quyền tác giả đã khuyến khích các tác giả, các chủ sở hữu quyền tác giả trong việc đầu tư, nghiên cứu sáng tạo; vừa giúp công chúng, các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên… có thể tiếp cận được các tác phẩm một cách hợp lý, đúng pháp luật, để tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới.

Trao đổi tại Hội thảo, TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng giải pháp thúc đẩy văn hóa đọc có nhạy cảm giới trong giới trẻ, trước hết người đọc, nhất là sinh viên cần chọn sách, chọn chủ đề để đọc; lưu ý các tài liệu góp phần giáo dục, thúc đẩy quyền con người, nhân phẩm con người, tôn trọng phụ nữ và các đối tượng yếu thế; tiếp nhận tối đa, sâu sắc nội dung đọc; tôn trọng người đọc sau (giữ gìn tài liệu, không ghi lên tài liệu); củng cố nội dung đọc (ghi chép, trao đổi, chia sẻ)… Đồng thời, giới trẻ cần quan tâm thúc đẩy văn hóa đọc của cá nhân, gia đình, nhà trường và cộng đồng; phát triển văn hóa đọc, đầu tư cho các thư viện, đưa tiết đọc sách, trao đổi về sách vào chương trình học ở các cấp…

TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Theo Luật sư Lê Xuân Lộc – Giám đốc Công ty Luật T&G sẽ không thể có được những nhà sáng tạo, những doanh nhân trẻ tài ba, nếu như từ khi ngồi trên ghế giảng đường, sinh viên không tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu với sự hiểu biết và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Vì thế, sinh viên cần nhận diện tài sản trí tuệ trong trường đại học như: Tài sản trí tuệ từ hoạt động dạy và học của giảng viên và sinh viên; nghiên cứu khoa học; chuyên môn, ngoại khóa khác; hợp tác với các đối tác bên ngoài trường. Ngoài ra, sinh viên cần hiểu quyền sở hữu trí tuệ tương ứng với mỗi loại tài sản nào; điều kiện bảo hộ của mỗi loại quyền; xác định tác giả và chủ sở hữu của từng loại tài sản…

Khu trưng bày sách của các Nhà xuất bản

Hội thảo này là một hoạt động nhằm khơi dậy và khuyến khích sinh viên Việt Nam tích cực nghiên cứu khoa học trên tinh thần tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và bình đẳng giới, đồng thời cũng là cơ hội để sinh viên bày tỏ quan điểm và mối quan tâm của mình đối với các lĩnh vực này./.

Lê Hương

img