Chủ Nhật, 08-01-2023 01:35
img

Hội thảo về Thực thi quyền tác giả, quyền liên quan

Thực hiện Chương trình hợp tác về quyền tác giả, quyền liên quan giữa Cục Bản quyền tác giả Nhật Bản và Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Cơ quan văn hóa Nhật Bản và Hiệp hội phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản cùng phối hợp tổ chức Hội thảo về “Thực thi quyền tác giả, quyền liên quan” tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 12/01/2017.

Tham dự Hội thảo có đại diện các Cục, Vụ, các cơ quan quản lý, thực thi thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; một số nhà nghiên cứu, giảng dạy pháp luật tại một số trường đại học; cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng; một số văn phòng luật sư và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí tại Việt Nam và các chuyên gia đến từ Nhật Bản.

alt

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết: Trong những năm qua, các cam kết tại các điều ước quốc tế (3 Hiệp định song phương và 5 Điều ước Quốc tế Đa phương) đang có hiệu lực tại Việt Nam đã và đang từng bước được thực hiện có kết quả, bảo vệ được quyền tác giả, quyền liên quan của tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài. Tuy nhiên, hoạt động thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam đang còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực với các hình thức và mức độ vi phạm khác nhau, đặc biệt là trên môi trường số, Internet. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của mình, Việt Nam cần sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan, các tổ chức quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan trong việc từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đủ để thực thi tại quốc gia và trong hội nhập quốc tế.

Thông qua ba Chuyên đề chính tại Hội thảo: Giới thiệu Hệ thống pháp luật – quản lý – thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam; Sơ lược về Hệ thống quyền tác giả tại Nhật Bản; Những xâm phạm trực tuyến và các biện pháp đối phó ở Nhật Bản, các nhà quản lý, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và các cơ quan tổ chức liên quan có cơ hội cùng các chuyên gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp cụ thể.

          Bên cạnh việc giới thiệu về Hệ thống pháp luật, các Hiệp định, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ông Phạm Thanh Tùng, Trưởng phòng Thông tin và Hợp tác Quốc tế còn giới thiệu khái quát về hệ thống quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh việc cần bổ sung, điều chỉnh kịp thời các quan hệ pháp luật mới và phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó có việc tách Luật về quyền tác giả, quyền liên quan ra khỏi Luật Sở hữu trí tuệ.

alt

Với tôn chỉ, “Bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan là một phần thiết yếu trong việc nuôi dưỡng sự sáng tạo và đổi mới ở con người” (từ WIPO ấn bản số 450), ông Noda Akihiko Phó trưởng Phòng Hợp tác quốc tế Cục Bản quyền tác giả Nhật Bản cho hay: Nhật Bản là quốc gia rất chú trọng việc thúc đẩy phát triển văn hoá nên đã hình thành hệ thống quyền tác giả từ rất sớm và đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Nhiều văn bản luật được Nhật Bản ban hành cho phù hợp theo từng giai đoạn và sửa đổi gần như hàng năm dựa trên các thay đổi và nhu cầu của xã hội và các hiệp ước quốc tế.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, các loại hình tác phẩm đều có thể tồn tại trên môi trường kỹ thuật số, Internet, mạng xã hội…. Qua internet và các công nghệ khác của "thời đại số", người ta dễ dàng sao chép và phổ biến tác phẩm dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin mà nổi bật nhất là Internet, tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang diễn ra hết sức phổ biến và phức tạp, ảnh hường lớn đến quyền, lợi ích đồng thời cản trở sự sáng tạo của các tác giả. Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Tanaka Koichi, Giám đốc sản xuất, Ban hợp đồng và bản quyền, Đài truyền hình Fuji đã trao đổi thêm về các ví dụ thực tế về xâm phạm bản quyền đối với các nội dung phát sóng truyền hình và các giải pháp đối phó với vấn nạn xâm phạm bản quyền của Đài truyền hình Fuji tại Nhật Bản

Ông Wataber Kiyotaka, Trưởng phòng Hiệp hội phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc nỗ lực ứng phó với nạn vi phạm bản quyền và xúc tiến phân phối nội dung có bản quyền: dán nhãn bản quyền; liên kết thực hiện luật bản quyền; tố cáo những cửa hàng buôn bán ấn phẩm lậu đặc biệt chuyên về các sản phẩm; biện pháp chống phát tán bất hợp pháp. Ông cũng nêu các biện pháp phát hiện, phòng chống và xử lý các vi phạm trên môi trường Internet : lọc website vi phạm; yêu cầu dừng hiển thị kết quả tìm kiếm trên Google; yêu cầu dừng đăng quảng cáo; kết nối kinh doanh; đồng thời liên kết với các cơ quan Chính phủ và cơ quan đoàn thể liên quan trong và ngoài nước trong nỗ lực phòng chống vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Bên cạnh những biện pháp phòng chống, Nhật bản cũng rất chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về quyền tác giả, quyền liên quan thông qua tổ chức Hội thảo và các khóa đào tạo, tổ chức sự kiện hướng tới người tiêu dùng…

Tại phần thảo luận chung, đại biểu và các chuyên gia đến từ Nhật Bản đã thảo luận sôi nổi các chuyên đề xoay quanh việc phát hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, kinh nghiệm từ Nhật Bản trong việc ứng phó với các vấn đề trên; cách thức bảo vệ các tác phẩm có bản quyền của Việt Nam tại Nhật Bản;…

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Bùi Nguyên Hùng hy vọng với sự tham gia đóng góp nhiệt tình, tâm huyết của các đại biểu, các chuyên gia đến từ Nhật Bản, chúng ta sẽ thu được những kinh nghiệm, giải pháp thiết thực nhằm phát triển công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong thời gian tới.

alt

Công Anh

img