Chủ Nhật, 08-01-2023 01:16
img

Ngày sách và bản quyền thế giới 23/4

Sách là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh. Có thể nói sách chính là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi vui, buồn sâu kín của mỗi con người, và đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người trên thế giới.

Đánh giá cao tầm quan trọng của văn hóa đọc, trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại Paris (ngày 25/10 – 16/11/1995), UNESCO (Tổ chức văn hoá, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày sách và bản quyền thế giới”(World Book and Copyright Day), trong đó nêu rất rõ mục tiêu và các thành phần tham gia ngày tôn vinh những giá trị của sách và sự đóng góp của các tác giả cho sự ra đời của các tác phẩm bất hủ. Ngày này được tổ chức hàng năm tại mỗi quốc gia nhằm bảo đảm cho mọi người khám phá và thỏa mãn sở thích đọc của mình, đồng thời là dịp để tôn vinh những tác giả đã có nhiều đóng góp cho sự tiến bộ văn hóa, văn minh xã hội của nhân loại, để khuyến khích tất cả mọi người, nhất là giới trẻ, khám phá niềm yêu thích đọc sách, tôn vinh văn hoá đọc. Đây cũng là dịp thể hiện sự hợp tác, hợp lực giữa các tác giả, các nhà xuất bản, trường học, các thư viện, các cơ quan Nhà nước, công ty tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tổ chức lễ kỷ niệm về sách và các tác giả.

Ý tưởng về Ngày Sách và Bản quyền Thế giới bắt nguồn từ một phong tục truyền thống rất đẹp ở Catalonia (Tây Ban Nha): Vào ngày 23/4 hàng năm (là ngày lễ Thánh Goerge), có rất nhiều hội chợ sách và các lễ hội đường phố được tổ chức, mỗi khách hàng sẽ được tặng một bông hồng kèm theo khi mua một cuốn sách trong ngày hôm đó.

 

Tượng sách cao 12m tại Berlin, tháng 4 năm 2006

Ngày 23 tháng 4 rất có ý nghĩa bởi vì đó là ngày mất của ba đại văn hào vĩ đại của thế giới như William Shakespeare, tác giả tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại, Don Quixote Miguel Cervantes và nhà sử học Tây Ban Nha Peru Inca Garcilaso de la Vega sau khi để lại cho nhân loại những kiệt tác của mọi thời đại. Ngày này cũng là ngày sinh hoặc ngày mất của các tác giả nổi tiếng khác Maurice Druon, K.Laxness, Vladimir Nabokov, Josep Pla and Manuel Mejía Vallejo. Để vinh danh những tên tuổi lớn này, UNESCO đã chọn ngày 23 tháng 4 để kỷ niệm Ngày Sách quốc tế. Ngoài ra, ngày sách quốc tế cũng đánh dấu sự tiếp cận bình đẳng với sách và kiến thức của tất cả các lĩnh vực xã hội.

Tại Anh và Ireland, Ngày Sách thế giới là một sự kiện từ thiện được tổ chức vào thứ Tư đầu tiên của tháng 3 để đảm bảo đây không phải là một kỳ nghỉ ở trường. Đây là dịp để xuất bản các ấn phẩm sách đặc biệt. Vào ngày 23 tháng 4, Vương quốc Anh được tổ chức từ thiện độc lập The Reading Agency gọi là Đêm sách thế giới.

Mỗi năm, UNESCO và 3 tổ chức quốc tế chuyên về sách là Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA), Liên đoàn Sách Quốc tế (IBF) và Liên đoàn Quốc tế các Thư viện và Hiệp hội Thư viện (IFLA) cùng chỉ định Thủ đô sách của thế giới trong khoảng thời gian một năm, kể từ ngày 23/4.         

Hư­ởng ứng chủ trư­ơng của UNESCO, đồng thời để khẳng định những giá trị to lớn của sách báo, hơn 25 năm qua, trên thế giới đã có trên 150 quốc gia tổ chức kỷ niệm “Ngày sách và bản quyền thế giới” với nhiều hoạt động thiết thực dưới nhiều hình thức và chủ đề phong phú khác nhau, thu hút được  nhiều người tham gia, nhất là  xây dựng được mối liên hệ mật thiết giữa các th­ư viện – nhà xuất bản – cơ quan phát hành – và bạn đọc. Có thể nói khắp nơi đã chào đón Ngày đọc sách thế giới rất nhiệt tình và sôi nổi: Ví dụ “Tặng một cuốn sách – tặng một đoá hồng” là một chiến dịch đặc biệt diễn ra ở nhiều nước trên thế giới nhằm tôn vinh ngày đọc sách thế giới (23-4). Ngoài ra còn có vô số các hoạt động thú vị liên quan đến sách được tổ chức dưới sự khởi xướng và khuyến khích của UNESCO; nhiều hoạt động nghệ thuật cũng được tổ chức như ca nhạc, kịch nghệ và các chương trình hội thảo. Đây thực sự là ngày hội của những người yêu quý sách trên khắp hành tinh. Cũng từ đây, ngày sách tại từng quốc gia ra đời, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc đại chúng.

 

Sách điện tử mở ra những chân trời mới hướng tới một giải pháp lâu dài

Do sự lây lan của virus Covid-19, cả thế giới đang trải qua một đại dịch, hầu hết các cơ sở giáo dục đã phải đóng cửa vì sự an toàn và an ninh của học sinh, giáo viên và nhân viên. Tuy nhiên, nhờ loại hình của sách điện tử, không chỉ giúp độc giả bảo vệ bản thân mà còn mở ra những chân trời mới hướng tới một giải pháp lâu dài. Một số công ty và tổ chức đã cố gắng giúp độc giả tham gia vào ngày sách thế giới dễ dàng hơn. Một trong số đó là Amazon, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới cho phép độc giả mua các cuốn sách dịch nổi tiếng. Những cuốn sách này được đọc trên Kindle hoặc các ứng dụng di động trên iOS/Android, giá bình thường là 5 USD/cuốn. Sau khi mua sách miễn phí, bạn sẽ được giảm giá nếu mua thêm sách nói, giảm giá xuống còn 2 USD/cuốn.

Hiện nay, tại Việt Nam, có nhiều web thư viện điện tử lớn, uy tín, toàn bộ ebook có trên các website lớn này đều có bản quyền thuộc về tác giả, như SachVui.Com, Vinabook Reader… Với thư viện sách điện tử được cung cấp trực tiếp từ các nhà xuất bản uy tín tại Việt Nam, bạn đọc có quyền yên tâm từng cuốn sách đều đã được biên tập kỹ lưỡng, nội dung được trau chuốt và được ban biên tập các nhà xuất bản liên tục sửa chữa và hiệu đính, bạn đọc sẽ không còn phải tìm từng cuốn ebook lậu không được biên tập và còn rất nhiều sạn trên các trang web có khả năng có mã độc và chép vào máy, đơn giản là vì giờ đây các thư viện điện tử lớn có đầy đủ tất cả sách cho bạn đọc. Hơn thế nữa, đọc sách có bản quyền giúp cho các tác giả và nhà xuất bản có động lực để tiếp tục sáng tác những tác phẩm hay.

Các phương tiện thông tin đại chúng cũng góp công không nhỏ, đó là việc đăng tải các bài báo giới thiệu sách, về văn hoá đọc, về bản quyền và vi phạm bản quyền… trên báo và tạp chí. Những chương trình phát thanh, truyền hình đặc biệt thuộc thể loại phỏng vấn, tranh luận, trò chơi v.vv… cũng ưu tiên cho các đề tài nêu trên.Tính sáng tạo của các nhà báo, nhà văn trẻ, nhà soạn nhạc, nhà làm phim cũng sẽ được công chúng ghi nhận và tán dương trong ngày hội đọc sách thông qua báo chí.

 

Để phong trào đọc sách đi vào hoạt động có nền nếp và ngày càng phát triển sâu rộng trong toàn xã hội, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 284/QĐ-TTg chọn ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện số 46/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, trong đó Khoản 1 Điều 30 quy định ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Điều này không chỉ thể hiện được sự hội nhập của Việt Nam với thế giới mà còn góp phần gắn kết các hoạt động được tổ chức trong nước để hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền thế giới. Các chuỗi hoạt động được tổ chức đồng loạt với những hình thức phong phú, đa dạng và ngày càng có chiều sâu đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng; tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa các trung tâm thông tin thư viện lớn đến thư viện trường học, giữa nhà xuất bản với các cơ quan phát hành, giữa tác giả với người đọc… Qua đó không ngừng nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Hoạt động về quyền tác giả: Ngày này cũng là ngày dành riêng cho việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức của công chúng trong vấn đề bản quyền, là dịp để các luật sư, các tác giả và nhà sáng tạo thảo luận các chủ đề khác nhau về bản quyền, là cơ hội để các tổ chức quản lý tập thể và sinh viên ngành xuất bản, bản quyền tìm hiểu pháp luật về bản quyền. 

 

Nhiều năm qua, khi Ngày Sách và Bản quyền thế giới ra đời, Việt Nam đã tích cực hưởng ứng và hiện thực hóa ngày này thông qua các hoạt động vô cùng ý nghĩa như: Triển lãm, trưng bày sách báo, triển lãm thư pháp, giao lưu tọa đàm giữa các nhà văn với bạn đọc, tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách, hội thảo nâng cao nhận thức về bản quyền sách… Bên cạnh đó còn có các hoạt động quyên góp ủng hộ sách, xây dựng tủ sách cho các địa phương khó khăn ở vùng xâu, vùng xa góp phần nuôi dưỡng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Voltaire đã từng nói: "Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó sang nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người". Dù là Ngày Sách và Bản quyền thế giới hay Ngày sách Việt Nam cũng đều hướng tới một mục đích cao cả đó là “Tôn vinh sách và văn hóa đọc”. Với tinh thần đề cao tầm quan trọng của sách báo và tri thức trong đời sống, sự kiện ngày đọc sách thế giới ở Việt Nam đang trở thành một nét sinh hoạt văn hoá, văn minh của những người yêu mến sách báo cần được duy trì và quảng bá rộng hơn trong xã hội. Mỗi người hãy tự rèn luyện cho mình thói quen đọc sách hằng ngày. Sách không chỉ cho ta trí tuệ mà còn nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách để ta biết sống, biết yêu thương và cống hiến.

Lê Hương (tổng hợp)

img