Thứ Hai, 01-11-2021 06:35
img

Quốc hội xem xét, cho ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 21/10/2021, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình tóm tắt về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Dự án Luật):

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Điều này đã được thể hiện trong chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay với việc Việt Nam tham gia nhiều cam kết quốc tế hướng đến việc nâng cao đáng kể mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, điển hình là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Những cam kết quốc tế này đòi hỏi việc nội luật hóa thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ.

  Quốc hội họp chiều ngày 21/10/2021, nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra
về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Việc xây dựng dự án Luật đã được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựn nội dung quyền sở hữu công nghiệp và phần chung; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng phần quyền tác giả, quyền liên quan; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng phần quyền đối với giống cây trồng. Dự án Luật đã thực hiện các bước sau: thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập; xây dựng dự thảo; tổ chức các hội nghị hội thảo, gửi công văn xin ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan; lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; thẩm định hồ sơ dự án Luật; trình Chính phủ cho ý kiến về hồ sơ dự án Luật và hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.

Về các nội dung sửa đổi, bổ sung: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó sửa đổi 80 điều, bổ sung 12 điều) và bãi bỏ 02 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm Chính sách đã được thông qua, cụ thể như sau:

– Chính sách 1: Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan.

– Chính sách 2: Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước.

– Chính sách 3: Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

– Chính sách 4: Bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

– Chính sách 5: Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ.

– Chính sách 6: Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

– Chính sách 7: Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ:

Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ và nhận thấy cơ quan soạn thảo đã tích cực, chủ động triển khai nhiều hoạt động nhằm chuẩn bị Hồ sơ Dự án Luật chất lượng, trình đúng thời hạn; trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 vẫn có hình thức phù hợp để tham vấn ý kiến các chuyên gia, tổ chức, cá nhân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để có thêm thông tin phục vụ quá trình xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật. Các tài liệu trong Hồ sơ đã đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.

Về cơ bản, nội dung của dự thảo Luật đã đáp ứng cam kết trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, nhất là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

          Về ý kiến đối với một số nội dung cụ thể về quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng cần bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật. Cụ thể tại Điều 26 và Điều 33 dự thảo quy định trường hợp không đạt được thỏa thuận về tiền bản quyền và phương thức thanh toán thì thực hiện theo quy định của Chính phủ là cần thiết. Bởi hiện nay, hiện nay đang có vướng mắc, bất cập trong việc tiếp cận, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình của số đông công chúng khi tổ chức phát sóng, tổ chức và cá nhân khai thác bản ghi âm, ghi hình không thỏa thuận được với tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất về mức tiền bản quyền chi trả. Tuy nhiên, việc “khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình” không thuộc trường hợp Nhà nước định giá theo quy định tại Điều 19, Điều 22 của Luật Giá. Do đó, để có cơ sở giao Chính phủ định giá thì cần sửa các quy định có liên quan của Luật Giá để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Một số nội dung khác về hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, về giả định quyền tác giả, quyền liên quan; về trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian cần được rà soát, chỉnh lý cho phù hợp, cụ thể, chặt chẽ hơn.

Sau khi nghe trình bày các Tờ trình và Báo cáo, Quốc hội tiến thành thảo luận tại tổ về Dự án Luật.

 

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

          Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là một trong năm dự án Luật được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp lần này. Theo chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận trực tuyến về Dự án Luật; đại diện Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.

 

 

img