Chủ Nhật, 08-01-2023 01:39
img

Sức mạnh của báo chí trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí

Trong khuôn khổ “Dự án phát triển báo chí Việt Nam” giai đoạn 2020 – 2024, ngày 5/11/2020 tại TPHCM, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” nhằm nhận diện hoạt động bảo vệ bản quyền đối với tác phẩm báo chí hiện nay, đưa ra các kiến nghị, đề xuất các giải pháp ngăn chặn và xử lý vấn đề vi phạm bản quyền, góp phần hỗ trợ cho sự phát triển môi trường báo chí lành mạnh, tôn trọng bản quyền, nâng cao hiệu quả kinh tế báo chí.

Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Bản quyền tác giả – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo Việt Nam, cùng hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, quảng cáo trên cả nước.

 

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng cục Báo chí phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí diễn ra rất phổ biến, đa dạng, không chỉ trong nước mà phạm vi toàn cầu. Thực trạng trên không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng, nguồn thu nhập từ quảng cáo của các cơ quan báo chí mà còn nguy hại đến vấn đề an ninh mạng trên nền tảng xuyên biên giới. Theo ông Lâm, sẽ không còn cơ hội tăng nguồn thu cho các cơ quan báo chí chính thống nếu việc vi phạm bản quyền tràn lan không được kiểm soát. Ví dụ như năm 2018, thống kê từ các ngân hàng thương mại trong nước, số lượng tiền từ các tổ chức, cá nhân trong nước chuyển cho Facebook và Google là 900 triệu USD (hai nền tảng thương mại điện tử chiếm 80% thị phần quảng cáo toàn cầu hiện nay).

Trong phần trình bày “Tổng quan về quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động báo chí”, TS. Trịnh Tuấn Thành, Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả cho biết: “hiện nay, pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đã từng bước được tôn trọng và thực hiện trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu thực thi trong nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực như báo chí, xuất bản, điện ảnh, nhiếp ảnh, âm nhạc, chương trình máy tính, phát thanh, truyền hình v.v.. và trên môi trường kỹ thuật số. Tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đã ảnh hưởng tới môi trường sáng tạo, đầu tư; đặc biệt là đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm còn hạn chế; các chủ thể quyền chưa chủ động áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình”. Ông Trịnh Tuấn Thành cho rằng trước khi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, cần tiếp tục tuyên truyền ý thức tự bảo vệ bản quyền: "Chúng ta tiếp tục tăng cường truyền thông để những người có những tác phẩm, bài văn, bài báo, sự sáng tạo của mình trước hết tự ý thức bảo vệ. Sau đó, khi phát hiện vi phạm thì các nhà báo phản ánh kịp thời những cách thức, đối tượng và hình thức vi phạm".

 

TS. Trịnh Tuấn Thành, Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả phát biểu tại Diễn đàn

Tham luận của đại diện các cơ quan báo chí, trang tin điện tử đã phân tích thực trạng đồng thời đề xuất các giải pháp giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí như: Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí; Liên minh bảo vệ bản quyền báo chí, vì sao? bao giờ? Một số vi phạm bản quyền báo chí và gợi ý giải pháp, cần ký kết tôn trọng và bảo vệ bản quyền của nhau; các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp thực hiện nghiêm luật và các văn bản dưới luật về sở hữu trí tuệ và bản quyền báo chí; tăng cường công tác thông tin truyên truyền nhằm nâng cao ý thức pháp luật, thông tin về quyền sở hữu trí tuệ; tuyên truyền việc xử lý vi phạm để răn đe, trấn áp đối tượng xấu…

 

Quang cảnh Diễn đàn

Các diễn giả tại Diễn đàn đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể về việc các báo, trang tin điện tử, thậm chí các trang web dẫn nguồn, trích dẫn thông tin nhưng không có nguồn gốc, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, sự sáng tạo của các nhà báo. Vì vậy, để bảo vệ quyền tác giả, mỗi toà soạn báo chí phải xem những tác phẩm báo chí là tài sản sống còn của cơ quan báo chí, giống như tài nguyên cần được khai thác, chia sẻ cùng có lợi.

Tại phiên thảo luận bàn tròn, các đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo chí, doanh nghiệp công nghệ đã tập trung trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí, trong đó có giải pháp thành lập một liên minh hoặc hiệp hội để bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí một cách hiệu quả.

 

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu kết luận và chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến, đề xuất của các đại biểu. Để giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí, thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền tác giả, theo ông Hoàng Vĩnh Bảo: “điều quan trọng cần phải làm là các cơ quan báo chí phải nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên về các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề bản quyền”. Phải hiểu rõ thì mới có thể thực hiện đúng các quy định pháp luật và biết cách tự bảo vệ mình. “Các cơ quan báo chí phải coi việc bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời tăng cường các tuyến tin, bài tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề bản quyền các tác phẩm báo chí”.

COV

 

img