Chủ Nhật, 08-01-2023 01:30
img

Về vấn đề Tổ chức quản lý tập thể

Về tổ chức quản lý tập thể và việc hình thành hệ thống quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan là vấn đề còn mới mẻ và phức tạp đối với Việt Nam. Chúng ta đã từng bước hình thành được hệ thống thực thi tự bảo vệ quyền. Hoạt động của các tổ chức quản lý tập thể đang vượt qua nhiều thử thách, đồng thời cũng tranh thủ cơ hội để vươn lên khẳng định mình. Bài viết này góp phần lý giải căn nguyên, chiều hướng phát triển, vai trò và tính chất của tổ chức quản lý tập thể.

Nguồn gốc và sự phát triển:

Trên khắp thế giới, quyền của những người sáng tạo được công nhận là quyền cá nhân quy định tại Điều 27 Tuyên ngôn nhân quyền, ngày 10/12/1948. Theo Công ước Berne thì nó là các quyền độc quyền của tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.

Hệ thống luật án lệ với bước phát triển đầu tiên về bản quyền bắt nguồn từ phán quyết của Toà án Anh Quốc, về đặc quyền in ấn. Năm 1710, Nữ hoàng Anh Anne đã tạo ra bước ngoặt cơ bản ở việc trao quyền in ấn tác phẩm cho tác giả của nó. Cùng với hệ thống luật án lệ, hệ thống luật thành văn với nhiều xuất xứ, nhưng mốc lịch sử quan trọng nhất nảy sinh ra vấn đề bản quyền bắt nguồn từ cuộc cách mạng Pháp năm 1789. Với cách tiếp cận từ các quyền tự nhiên, quyền đối với tác phẩm được coi là loại quyền “đặc biệt” của các cá nhân là tác giả của tác phẩm, được sáng tạo từ lao động của tư duy. Nó là quyền sở hữu riêng tư và thiêng liêng đối với tác phẩm.

Ngày nay, trên khắp thế giới, các quyền của những người sáng tạo như nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ đã được luật pháp quốc gia bảo hộ. Để điều chỉnh mối quan hệ toàn cầu về lĩnh vực này, Công ước Berne đã được công bố vào năm 1886, hiện có 162 quốc gia thành viên. Với các nội dung cơ bản về quyền tinh thần và quyền kinh tế, luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế đã có sự đồng nhất. Trong đó các quyền kinh tế là quyền độc quyền của tác giả. Tác giả tự mình thực hiện hoặc cho phép người khác sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền trong một thời hạn; chuyển giao quyền sở hữu một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản cho người khác.

Các quyền của tác giả được pháp luật thừa nhận, mỗi cá nhân tác giả phải tự quản lý lấy các quyền của mình; khai thác nó để đạt được các lợi ích kinh tế, bù đắp các tiêu hao trong quá trình sáng tạo, đồng thời tiếp tục đầu tư cho hoạt động sáng tạo ra các giá trị văn học, nghệ thuật và khoa học mới phục vụ nhu cầu đa dạng, phong phú của xã hội loài người.

Tuy nhiên lịch sử đã tìm ra “lối đi” cho việc quản lý quyền. Điều này được xác nhận từ kinh nghiệm lịch sử, kể cả trong điều kiện các sáng tạo là sản phẩm đa phương tiện, cùng những tiến bộ mới đang được áp dụng rộng rãi là công nghệ số. Thay vì tác giả tự quản lý quyền của mình – quản lý cá nhân – trong nhiều trường hợp là không hiệu quả bằng quản lý tập thể. Nhu cầu nhanh chóng tiếp cận tác phẩm để sử dụng, nhu cầu sử dụng tác phẩm ở nhiều hình thức khác nhau là đòi hỏi thực tế. Trong khi việc tiếp cận với tác giả không phải là bất kỳ thời gian và địa điểm nào. Mặt khác với tư cách là người sáng tạo, tác giả cần ưu tiên đầu tư thời gian vật chất, kể cả địa điểm thuận lợi cho lao động tư duy của mình. Vì vậy, sự khai thông và thay thế cho quản lý cá nhân bằng quản lý tập thể là cách thức thoả đáng. Sự xuất hiện của giải pháp có lợi cho cả người sáng tạo và nhà sử dụng, cũng như nhu cầu của công chúng về việc được hưởng thụ sớm các tác phẩm là lời giải của những mâu thuẫn. “Quản lý tập thể” là kinh nghiệm lịch sử của nhân loại, bắt nguồn từ các nước phát triển, đã mở đường để đạt được sự hài hoà về lợi ích trong quan hệ giữa Người sáng tạo – Nhà sử dụng – Công chúng hưởng thụ.

SACD là Tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả đầu tiên được ra đời vào năm 1777 tại Pháp, sau các “trận chiến pháp lý” chống lại các Nhà hát. Hơn 50 năm sau, các nhà văn trong đó có Honoro De Balzac, Alexandre Dumas, Victor Hugo cũng làm những việc tương tự và đi đến thành lập SGDL vào năm 1837. Tuy nhiên chỉ đến khi một vụ kiện của các nhà soạn nhạc và một số nhà văn vào 1847, về việc hoà nhạc tại quán cà phê ở Paris không trả tiền sử dụng, trong khi vẫn thu tiền bán cà phê, đó là một sự bất hợp lý rõ ràng. Họ đưa ra quyết định không trả tiền cà phê khi không được thanh toán tiền sử dụng âm nhạc. Kết quả, các nhạc sĩ và nhà văn đã thắng lợi. Từ đó, người ta nhận thức ra rằng, bản thân các cá nhân không thể kiểm soát đước các quyền của mình. Vì vậy, đã dẫn đến việc ra đời tổ chức tập thể và hoàn thiện hơn vào năm 1850 với tên gọi là SACEM. Đến cuối thế kỷ XIX và những thập niên đầu thế kỷ XX, các tổ chức tương tự được ra đời như CISAC, IFRRO, FICM, FIA, AIDAA , v.v… Tại các quốc gia cũng hình thành các tổ chức quản lý tập thể có lịch sử lâu đời và tên tuổi như GEMA của Đức, ASCAP của Mỹ, PRS của Anh, SUSA của Thuỵ Sỹ, v.v… Theo kinh nghiệm đó, tại Việt Nam VPCMC, VLCC, RIAV đã được nhà nước cho phép ra đời và hoạt động vào những năm đầu của thế kỷ XXI.

Tổ chức và hoạt động:

Kinh nghiệm của các quốc gia khẳng định rằng, tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có vị trí quan trọng trong hệ thống thực thi và có vai trò đặc biệt trong hoạt động tự bảo vệ quyền lợi của các chủ thể quyền. Nó là tổ chức phi Chính phủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Hội viên, hoạt động không vì mục đích sinh lợi. Thông qua hợp đồng uỷ thác của những người có quyền, tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện các hoạt động cấp giấy phép sử dụng, khai thác tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng, thu tiền sử dụng và phân phối cho những người có quyền lợi theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức. Với hoạt động đó, tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan là cầu nối giữa các nhà sáng tạo là Hội viên với các tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm; tạo thuận lợi cho việc sử dụng, khai thác có hiệu quả các quyền của Hội viên.

Theo tổng kết của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, hiện có một số mô hình tổ chức quản lý tập thể tại các quốc gia. Mô hình các tổ chức quản lý tập thể “truyền thống”, hoạt động theo nguyên tắc thay mặt các thành viên đã uỷ thác quyền thực hiện đàm phán, thoả thuận về điều kiện sử dụng và cấp phép sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng; thu tiền sử dụng và phân phối lại cho các thành viên. Theo mô hình này, các thành viên không trực tiếp tham gia vào quá trình đàm phán, thu và phân phối tiền sử dụng, nhưng được hưởng lợi từ việc phân phối lại của tổ chức quản lý tập thể. Mô hình tổ chức quản lý tập thể là trung tâm cấp phép sử dụng. Theo mô hình này, việc đàm phán cấp phép phải tuân thủ theo điều kiện do hội viên quy định, kể cả mức tiền sử dụng. Khác với mô hình truyền thống, hội viên thuộc mô hình này vẫn tham gia vào việc đưa ra các điều kiện sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng của mình trong quá trình đàm phán. Tổ chức đại diện tập thể loại này đóng vai trò là đại lý cho các chủ sở hữu là hội viên. Mô hình tổ chức quản lý tập thể “một cửa” là một loại liên hiệp các tổ chức quản lý tập thể riêng rẽ. Mô hình này tập trung việc cấp phép sử dụng từ các nguồn dữ liệu về tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng của các tổ chứa quản lý tập thể khác nhau. Nó tỏ ra ưu việt hơn, vì hoạt động cấp phép tập trung vào một đầu mối, công việc sẽ thuận lợi, nhanh chóng và dễ dàng cho bên sử dụng. Mặt khác, nó còn đáp ứng yêu cầu mới về việc ngày càng có nhiều sản phẩm đa phương tiện được sáng tạo, bao gồm những sản phẩm có hoặc do nhiều tác phẩm tạo thành. Khuynh hướng lập ra các tổ chức quản lý tập thể theo mô hình này hiện đang phát triển tại các quốc gia, Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu, thử nghiệm.

Biểu giá để đàm phàn với các tổ chức, cá nhân sử dụng do các tổ chức quản lý tập thể xây dựng phù hợp với các hình thức sử dụng khác nhau và điều kiện tính kinh tế, văn hoá, xã hội. Mỗi quốc gia có cách quản lý khác nhau về biểu giá. Có quốc gia, Nhà nước không can thiệp vào biểu giá, tức việc xây dựng và đưa biểu giá ra để đàm phán tuỳ thuộc vào chính tổ chức quản lý tập thể. Có quốc gia yêu cầu tổ chức quản lý tập thể báo cáo biểu giá cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện. Cũng có quốc gia đưa ra quyết định chấp nhận biểu giá do cơ quản quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trình. Dù quản lý theo cách thức nào, thì việc xây dựng và thực hiện đám phán theo biểu giá vẫn thuộc quyền chủ động của các tổ chức quản lý tập thể, vì các quan hệ quyền tác giả, quyền liên quan là quan hệ tài sản của công dân và pháp nhân, được điều chỉnh bởi ngành luật dân sự. Việc thu và phân phối tiền sử dụng đều được thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch ở các tổ chức quản lý tập thể thuộc mọi quốc gia trên thế giới. Các tổ chức này được sử dụng một khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng số tiền thu được từ việc sử dụng, để chi phí hành chính cho bộ máy văn phòng. Tỷ lệ này do Hội viên quyết định, nó sẽ được giảm dần để phân phối lại cho các hội viên khi số tiền tuyệt đối thu được tăng lên.

Về hệ thống tổ chức quản lý tập thể ở Việt Nam:

Từ những năm 80 của thế kỷ XX, CISAC, IFPI đã đến Việt Nam để truyền bá những kiến thức cơ bản về quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan. Năm 2002 vào tháng 4, trong hai ngày 22 và 23, WIPO đã phối hợp với Việt Nam tổ chức Hội thảo về hoạt động của tổ chức rất đặc biệt này. Chuyên gia của WIPO, do WIPO mời đến từ các quốc gia phát triển, các quốc gia trong khu vực có đặc điểm tương đồng với Việt Nam, đã giới thiệu pháp luật quốc tế, pháp luật quốc gia và kinh nghiệm thực thi. Nhiều hội thảo kế tiếp chuyên sâu, nâng cao ở từng lĩnh vực quản lý đã được tổ chức. Các mô hình tổ chức quản lý tập thể, hoạt động quản trị văn phòng, việc đàm phán cấp phép, thu và phân phối tiền sử dụng, kỹ năng thao tác các nghiệp và sưu tầm chứng cứ để đấu tranh đòi quyền lợi, các biểu giá thu, mẫu hợp đồng sử dụng, các vụ tranh chấp điển hình trên thế giới đã được các chuyên gia giàu kinh nghiệm truyền đạt, phân tích, lý giải trước các đối tượng tham dự. Việt Nam đã tổ chức nhiều đoàn nghiên cứu, khảo sát về cơ chế, chính sách, pháp luật, kinh nghiệm thực thi tại các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đức, Áo, Hà Lan, Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Thuỵ Sĩ, v.v…Đồng thời với việc trang bị kiến thức, các tổ chức quốc tế và một số quốc gia đã hỗ trợ tài chính cho những hoạt động ban đầu của tố chức quản lý tập thể Việt Nam.

Tiếp thu kiến thức kinh nghiệm quốc tế với cơ sở pháp lý là hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan từng bước được hình thành, hoàn thiện; Việt Nam từng bước tham gia các Công ước quốc tế; nhu cầu về việc tổ chức ra đời để hoạt động quản lý tập thể đã trở nên bức thiết, đặc biệt đối với lĩnh vực âm nhạc. Vì vậy, với sự đỡ đầu của Bộ Văn hoá – Thông tin nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các công việc liên quan đến chuẩn bị các văn kiện thành lập hoạt động đã được xúc tiến. Cơ sở pháp lý cho việc ra đời tổ chức phi Chính phủ đã được quy định tại Sắc lệnh số 102/SL-R400, ngày 20 tháng 05 năm 1957 và Nghị định số 88/2003 NĐ-CP, ngày 30 tháng 7 năm 2003, sau này là quy định tại Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 41 Nghị định 100/2006 NĐ-CP, ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ.

Từ các cơ sở pháp lý trên, Việt Nam đã lần lượt cho ra đời ba tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan để giải quyết các bức xúc về việc tự quản lý quyền cá nhân. Hệ thống thực thi mới, với mô hình quản lý tập thể lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam được đánh dấu ở sự xuất hiện của VCPMC vào ngày 19/04/2002, sau nhiều nỗ lực vận động thành lập và sau đó là sự ra đời của RIAV ngày 16/06/2003, của VLCC ngày 25/08/2004. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đóng vai trò “bà đỡ” cho sự ra đời, đồng thời thực hiện chức năng quản lý và hỗ trợ hoạt động của hệ thống này. Là lĩnh vực hoạt động chưa có tiền lệ, vì vậy các tổ chức quản lý tập thể trên phải đối mặt với biết bao thách thức, từ nhận thức chung của xã hội đến hiểu biết và việc thực hiện nghĩa vụ pháp lý khi sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng thuộc quyền tác giả, quyền liên quan. Đồng thời các tổ chức này cũng tiếp nhận được kinh nghiệm quốc tế quan trọng. Cơ hội bỏ qua các bước mò mẫm để tiếp cận trực tiếp với cách thức quản trị đã trở thành kinh nghiệm quý rút ra từ lịch sử, đã được các tổ chức quản lý tập thể Việt Nam đón nhận. Theo xu hướng này, Việt Nam phải xây dựng một đội ngũ chuyên trách, hoạt động chuyên nghiệp để thực hiện các công việc xây dựng và quản lý kho dữ liệu, đàm phán cấp phép sử dụng, phân phối tiền cho hội viên. Hiện các tổ chức quản lý tập thể đang từng bước phát huy và khẳng định vai trò không thể thiếu của mình đối với các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan.

Hệ thống quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam, với 3 tổ chức trên được ra đời và hoạt động theo mô hình tổ chức quản lý tập thể “truyền thống”. Với những kết quả thu được ở việc thử nghiệm về mô hình quản lý tập thể trong các năm qua, rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức đã có nguyện vọng uỷ thác quyền cho các tổ chức quản lý tập thể tương ứng. Một số hội văn học nghệ thuật cũng đã thể hiện ý chí của mình trong việc xin ra đời để hoạt động quản lý tập thể đối với loại hình tác phẩm, do lao động sáng tạo của hội viên thuộc hội tạo ra. Hiện có hai khả năng cho việc hình thành tổ chức quản lý tập thể. Một là, các hội văn học nghệ thuật còn lại, xin thành lập tổ chức quản lý tập thể đối với các sản phẩm sáng tạo của hội viên hội mình. Hai là, thành lập một tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan đối với các loại hình tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng còn lại. Mô hình này là “sân chơi chung” cho các văn nghệ sĩ, trí thức có nhu cầu uỷ thác quyền. Nhưng, chỉ những loại hình tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng mà việc tự quản lý quyền cá nhân tỏ ra không hiệu quả, và nhu cầu được sử dụng nhanh, thuận lợi từ phía các tổ chức, cá nhân đang là đòi hỏi bức thiết mới nên tham gia uỷ thác quyền. Mặt khác, tại Việt Nam các sản phẩm đa phương tiện, bao gồm sản phẩm có hoặc do nhiều tác phẩm tạo thành đã được sáng tạo rất nhiều, môi trường kỹ thuật số đã được hình thành tạo cơ hội cho hoạt động sáng tạo, lưu giữ, phân phối sản phẩm tới công chúng, để họ tự lựa chọn bất kỳ thời gian và địa điểm tiếp cận là một đặc điểm tình hình cần đến vai trò của một tổ chức quản lý tập thể tập trung. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch luôn tạo điều kiện và hỗ trợ cho việc ra đời và hoạt động của các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, đồng thời sẽ giám sát hoạt động của các tổ chức này theo quy định pháp luật.

img