Thứ Hai, 19-12-2022 10:10
img

Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC)

QUYẾT ĐỊNH CỦA BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

(Quyết định số 80/QD-TCHV ngày 25/8/2004 Về việc thành lập Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam)

Ban chấp hành hội nhà văn Việt Nam

– Căn cứ Quyết định số 325/NV ngày 23/4/21957 của Bộ Nội vụ cho phép Hội Nhà văn thành lập và hoạt động;

– Căn cứ Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam khoá VI (2000-2005);

– Căn cứ Công văn số 2118/BNV-TCPCP ngày 23/8/2004 của Bộ Nội vụ đồng ý để Hội Nhà văn Việt Nam thành lập Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam;

– Theo đề nghị của Ban Tổ chức Hội viên;

Quyết định

Điều I: Thành lập Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.

Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam có nhiệm vụ:

1. Phối hợp các cơ quan có thẩm quyền để xây dựng, phổ biến kịp thời đầy đủ luật pháp, chủ trương, đường lối chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực bản quyền tác giả.

2. Trên cơ sở hợp đồng giữa tác giả và Trung tâm, Trung tâm đại diện cho tác giả ký hợp đồng với bên sử dụng bản quyền, thực hiện vai trò là đầu mối tập trung thu các khoản nhuận bút, thù lao hoặc lợi cíh vật chất khác cho các tác giả là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam hoặc của các tác giả khác thông qua hợp đồng chuyển giao bản quyền.

3. Theo dõi thực thi bảo hộ quyền tác giả đã chuyển giao cho Trung tâm.

4. Hợp tác với các tổ chức bảo vệ quyền tác giả nước ngoài nhằm bảo vệ quyền lợi của các tác giả đã chuyển giao bản quyền.

5. Bảo vệ quyền lợi của tác giả chuyển giao trước các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, toà án, trọng tài và các tổ chức, cá nhân khác.

6. Thực hiện các hoạt động khác phù hợp với luật pháp và điều lệ của Trung tâm.

Điều II: Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng tại ngân hàng, hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, tự trang trải về tài chính.

Điều III: Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam hoạt động theo quy chế tổ chức hoạt động của Trung tâm được Ban chấp hành Hội Nhà văn xét duyệt.

Điều IV: Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, Văn phòng Hội Nhà văn, Ban tổ chức Hội viên, Ban tài chính thi hành Quyết định này.

 

QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM QUYỀN TÁC GIẢ VĂN HỌC VIỆT NAM

 Chương I: Các quy định chung

Điều 1. Tên gọi của Trung tâm

1. Tên gọi của Trung tâm

– Tên tiếng Việt của Trung tâm là:

Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam

2. Tên tiếng Anh của Trung tâm là:

Vietnam Literary Copyright Center

3. Tên viết tắt của Trung tâm là: “VLCC”

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích

Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam là tổ chức của Hội Nhà văn Việt Nam. Trung tâm ra đời và hoạt động nhằm mục đích thực hiện việc bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học Việt Nam của các thành viên, chủ yếu là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và những công dân Việt Nam có tác phẩm văn học sử dụng tại Việt Nam, đồng thời tuyên truyền và phổ biến kiến thức về quyền tác giả cho các tác giả văn học Việt Nam.

Điều 3. Phạm vi hoạt động, trụ sở, tư cách pháp nhân

1. Phạm vi hoạt động:

Phạm vi hoạt động của Trung tâm là cả nước. Trụ sở đặt tại Hà Nội.

2. Tư cách pháp nhân:

Trung tâm là một đơn vị trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, có tư cách pháp nhân đầy đủ; có trụ sở, có con dấu, có tài khoản tiền Việt và ngoại tệ tại các ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam.

Điều 4. Nhiệm vụ và Quyền hạn

1. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước và các Công ước quốc tế Việt Nam có tham gia về quyền tác giả văn học đến các nhà văn hội viên, các tác giả văn học và công chúng;

2. Thu thập ý kiến, nguyện vọng của hội viên để kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật quyền tác giả văn học;

3. Thực hiện các quyền do hội viên chuyển giao theo hợp đồng;

4. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên khi bị xâm hại;

5. Thực hiện các hoạt động khuyến khích sáng tạo và các hoạt động xã hội có liên quan;

6. Tổ chức hoà giải khi có tranh chấp giữa các hội viên;

7. Hợp tác với các tổ chức tương ứng của quốc tế và các quốc gia trong việc thực hiện quyền tác giả văn học;

8. Báo cáo theo định kỳ hàng năm và đột xuất cho Hội Nhà văn Việt Nam và các cơ quan Nhà nước có liên quan.

Chương II: Tổ chức và hoạt động của Trung tâm

Điều 5: Nguyên tắc hoạt động của Trung tâm

1. Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam là một đơn vị trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo và quản lý của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam thông qua Hội đồng quản lý do Ban chấp hành cử ra.

2. Trung tâm hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trảI và tuân theo các quy định của pháp luật Nhà nước, Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam và Quy chế của Trung tâm.

3. Bộ máy quản lý Trung tâm gồm: Hội đồng quản lý, Ban điều hành và các phòng chức năng.

Điều 6: Nhiệm vụ của Hội đồng quản lý

Hội đồng quản lý có nhiệm vụ giúp Ban chấp hành Hội Nhà văn và chịu trách nhiệm trước Ban chấp hành chỉ đạo, quản lý mọi mặt công tác của Trung tâm. Là cấp trực tiếp chỉ đạo Ban điều hành.

Hội đồng quản lý có nhiệm vụ: xem xét chương trình công tác hàng năm; đề xuất các công việc về tổ chức, nhân sự, bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ công tác; kiểm tra, giám sát nội dung công việc của Trung tâm.

Điều 7: Ban điều hành Trung tâm

1. Ban điều hành là cơ quan điều hành cao nhất của Trung tâm. Ban điều hành gồm một Giám đốc và các Phó Giám đốc.

2. Thành viên của Ban điều hành do Ban chấp hành Trung ương Hội Nhà văn Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Điều 8. Trách nhiệm và quyền hạn của Giám đốc

1. Giám đốc Trung tâm có trách nhiệm và quyền hạn sau:

a. Chịu trách nhiệm trước Hội Nhà văn và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về mọi mặt hoạt động của Trung tâm.

b. Đại diện cho Trung tâm để giao kết hoặc uỷ quyền giao kết các hợp đồng chuểyn giao giữa Trung tâm với các thành viên, và các hợp đồng khác.

c. Đại diện cho Trung tâm trước các cơ quan hành chính, cơ quan trọng tài và toà án trong việc thực thi các hoạt động bảo vệ quyền tác giả theo chức năng và quyền hạn của Trung tâm.

d. Tổ chức theo dõi thực hiện các Hợp đồng chuyển giao và các Hợp đồng được ký kết giữa Trung tâm và các bên thức ba khác.

e. Tuyển dụng, bổ nhiệm và bãi miễn các trưởng, phó phòng chức năng và nhân viên chuyên trách của Trung tâm, quy định trách nhiệm, mức lương và phúc lợi của các chức danh trong Trung tâm, chế độ bồi dưỡng cho các cộng tác viên của Trung tâm, sau khi đã được sự đồng ý của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

2. Các Phó Giám đốc là người điều hành các phần việc hàng ngày theo uỷ quyền của Giám đốc.

Điều 9: Các Bộ phận chuyên trách của Trung tâm

Các Bộ phận chuyên trách của Trung tâm được thành lập và quy định nhiệm vụ tuỳ theo tình hình và yêu cầu công việc, trên nguyên tắc tinh giản bộ máy, kiêm nhiệm và sử dụng cộng tác viên.

Điều 1O: Hợp đồng chuyển giao Quyền tác giả

1. Hợp đồng chuyển giao quyền tác giả giữa Trung tâm và tác giả nhằm xác định cách thức, điều kiện, phạm vi, thời hạn tác giả uỷ thác cho Trung tâm thực hiện và bảo vệ khai thác quyền tác giả. Hợp đồng chuyển giao được lập thành văn bản ký kết giữa Trung tâm và tác giả.

2. Trung tâm thực hiện quyền phân phối thu nhập nhuận bút thu được từ quá trình quản lý quyền chuyển giao, sử dụng theo một quy chế cụ thể được Ban chấp hành Hội xét duyệt.

Điều 11: Nội dung chuyển giao Quyền tác giả

Tác giả chuyển giao cho Trung tâm quản lý các quyền được uỷ thác trong các phạm vi sau đây:

1. Xuất bản tác phẩm dưới mọi hình thức (bản in, bản ghi vi tính, bản phát thanh, bản truyền hình, đăng tải trên mạng internet…).

2. Dịch, phóng tác và chuyển thể tác phẩm dưới mọi hình thức khác nhau.

Điều 12: Hợp đồng sử dụng tác phẩm

Hợp đồng sử dụng tác phẩm là thoả thuận bằng văn bản được ký kết giữa Trung tâm và tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tác phẩm dưới các hình thức khác nhau trên cơ sở hợp đồng chuyển giao giữa tác giả và Trung tâm. Trung tâm có thể chuyển giao toàn bộ hoặc một phần, sử dụng độc quyền và không độc quyền cho bên sử dụng, theo cách thức và thời hạn được quy định trong Hợp đồng sử dụng tác phẩm.

Chương III: Tài chính

Điều 13: Nguồn thu của Trung tâm

Nguồn thu của Trung tâm gồm:

– Từ trích phần trăm các hợp đồng sử dụng;

– Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước;

– Từ đóng góp của các thành viên;

– Từ hoạt động dịch vụ quyền tác giả của Trung tâm;

– Từ các khoản tài trợ của các tổ chức, cá nhân  trong và ngoàI nước.

Điều 14: Chi phí của Trung tâm

Các nguồn thu trên của Trung tâm sẽ được dùng để chi các hoạt động sau đây của Trung tâm:

– Điều hành hoạt động của Trung tâm.

– Phương tiện, trụ sở và các tiện ích phục vụ cho hoạt động của Trung tâm.

– Tiền lương, thưởng và các phúc lợi xã hội cho cán bộ, nhân viên chuyên trách của Trung tâm và các khoản thù lao cho các cộng tác viên, luật sư, tư vấn.

– Trích nộp các loại quỹ dự phòng, quỹ phúc lợi khen thưởng.

– Các chi phí khác. Được thể hiện trên sổ sách theo pháp lệnh kế toán, thống kê của Nhà nước.

Điều 15: Quản lý tài chính

1. Năm tài chính của Trung tâm bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 Dương lịch và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 Dương lịch hàng năm. Trung tâm phải báo cáo việc thu chi hàng năm theo quy định về Hội Nhà văn Việt Nam.

2. Trung tâm thực hiện quản lý thu chi tài chính theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về kế toán thống kê.

Chương IV: Các điều khoản khác

Điều 16. Giải thể

Trung tâm được giải thể theo quyết định của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

Điều 17: Tài sản của Trung tâm

Trường hợp giải thể, Trung tâm sau khi đã thanh toán các nghĩa vụ tài chính, phần còn lại sẽ thuộc về Hội Nhà văn Việt Nam.

Điều 18: Hiệu lực của Quy chế hoạt động

Quy chế hoạt động này gồm 4 Chương, 18 Điều có hiệu lực kể từ ngày được Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam phê duyệt.

 


Địa chỉ Trung tâm quyền tác giả Văn học Việt Nam :

Địa chỉ: 65 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Điện thoại: (+84.4.) 3941 1991

Email: lienhe.vlcc@gmail.com

Website: http://vlcc.vn/

img