Thứ Bảy, 26-04-2025 04:26
img

Bản quyền âm nhạc trong kỷ nguyên số: Những thách thức và giải pháp

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đã và đang tạo nên những chuyển dịch sâu rộng trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu, từ sáng tạo, sản xuất đến phân phối và tiêu dùng. Tuy nhiên, song song với những cơ hội rộng mở, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức phức tạp đối với việc bảo vệ bản quyền âm nhạc, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển các nền tảng trực tuyến và trí tuệ nhân tạo. Bài viết này phân tích thực trạng pháp lý và cơ chế thực thi bản quyền âm nhạc tại Việt Nam, đồng thời đưa ra một số đề xuất nhằm xây dựng một hệ sinh thái âm nhạc sáng tạo, công bằng và bền vững trong thời đại số hóa.

  1. Bản quyền âm nhạc – chìa khóa để phát triển công nghiệp văn hóa hiện đại

Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức đang phát triển mạnh mẽ, bản quyền âm nhạc không chỉ là một chế định pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả, nghệ sĩ biểu diễn và nhà sản xuất, mà còn đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sáng tạo, đầu tư và phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Bản quyền âm nhạc chính là cầu nối giữa nghệ thuật và thị trường, giữa sáng tạo cá nhân và giá trị kinh tế.

Theo báo cáo mới nhất của Liên đoàn Công nghiệp Ghi âm Quốc tế (IFPI), doanh thu âm nhạc toàn cầu trong năm 2024 đạt 29,6 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm 2023. Trong đó, dịch vụ nghe nhạc trực tuyến chiếm hơn 69,3% tổng doanh thu, cho thấy vai trò ngày càng chi phối của môi trường số đối với ngành âm nhạc. Điều này đồng nghĩa với việc bảo vệ bản quyền không còn đơn thuần là vấn đề pháp lý truyền thống, mà trở thành điều kiện sống còn để thúc đẩy một ngành công nghiệp âm nhạc hiện đại, minh bạch và sáng tạo.

  1. Thực trạng bản quyền âm nhạc tại Việt Nam

Khung pháp lý từng bước được hoàn thiện

Tại Việt Nam, những nỗ lực xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả trong môi trường mạng đã có những bước tiến quan trọng. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, qua các lần sửa đổi vào các năm 2009, 2019 và đặc biệt là 2022, đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan trong không gian số. Chẳng hạn, việc bổ sung các điều khoản như Điều 198a về “giả định quyền”, Điều 198b về trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý các hành vi xâm phạm bản quyền trên mạng Internet.

Không những vậy, Nghị định 17/2023/NĐ-CP ban hành ngày 26/4/2023 đã cụ thể hóa các quy định của Luật, đồng thời xác định rõ nghĩa vụ của các nền tảng trung gian trong việc xử lý vi phạm bản quyền, từ tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ đến thực hiện quy trình ngăn chặn truy cập đối với nội dung vi phạm. Bên cạnh đó, khung pháp lý cũng cho phép các chủ thể quyền tự áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền lợi, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện khi cần thiết.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh các hành vi xâm phạm bản quyền ngày càng phức tạp, việc thực thi pháp luật vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, cơ quan thực thi, ISP và chính các chủ thể quyền.

Hội nhập quốc tế và cơ chế thực thi đang được củng cố

Không chỉ nỗ lực nội luật hóa các cam kết quốc tế, Việt Nam còn tích cực tham gia nhiều công ước và hiệp định song phương, đa phương có liên quan đến bản quyền. Cho đến nay, Việt Nam là thành viên của tám điều ước quốc tế quan trọng như Công ước Berne, Công ước Rome, Công ước Geneva, Công ước Brussels, Hiệp ước WCT, WPPT, Hiệp định TRIPs, và gần đây là Hiệp ước Marrakesh. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để các tác phẩm âm nhạc Việt Nam được bảo hộ ở nước ngoài, mà còn buộc Việt Nam phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyền tác giả.

Bên cạnh đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP… đã thúc đẩy cải cách thể chế, đồng thời mở rộng khả năng hợp tác trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian số.

Theo báo cáo của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), tổ chức thực hiện chức năng quản lý tập thể quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc, thành viên chính thức của CISAC – tổ chức đại diện toàn cầu cho các hiệp hội tác giả, nhà soạn nhạc và soạn lời, tính đến năm 2024, đã có hơn 6.500 tác giả trong nước ủy quyền cho VCPMC, với tổng số tiền bản quyền tác giả tác phẩm âm nhạc thu được trong năm 2024 lên tới 393 tỷ đồng, trong đó 78% đến từ lĩnh vực kỹ thuật số.

  1. Những thách thức nổi bật trong môi trường số

Trên thực tế, kỷ nguyên số vừa mở ra cơ hội lớn cho ngành âm nhạc, vừa tạo nên các nguy cơ về vi phạm bản quyền với quy mô và tính chất ngày càng tinh vi.

Một trong những thách thức lớn nhất là sự bùng nổ của các nền tảng kỹ thuật số. Mặc dù đây là những kênh phân phối quan trọng của âm nhạc hiện đại, nhưng việc định danh chủ thể quyền, cấp phép sử dụng và thu tiền bản quyền vẫn chưa được thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, các hình thức vi phạm như remix không phép, phát lại không xin phép, sử dụng giọng hát deepfake hay chèn nhạc nền không rõ nguồn gốc đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Việc thiếu các công cụ nhận diện bản quyền như Content ID, Watermarking hay Blockchain cũng khiến quá trình phát hiện và xử lý vi phạm trở nên khó khăn.

Hơn thế nữa, một bộ phận không nhỏ người dùng vẫn chưa có ý thức tôn trọng bản quyền, trong khi hệ thống xử lý khiếu nại và chế tài pháp lý chưa đủ mạnh để răn đe các hành vi xâm phạm.

  1. Kinh nghiệm quốc tế trong bảo vệ bản quyền số

Việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế là cần thiết để Việt Nam xây dựng chiến lược phù hợp. Tại Hoa Kỳ, Đạo luật DMCA đã tạo ra khung pháp lý hiệu quả, yêu cầu các nền tảng trực tuyến như Google, Facebook phải gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu từ chủ sở hữu. Chính phủ Mỹ cũng tăng cường tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ với các công ty công nghệ để ngăn chặn vi phạm.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu đã thông qua Chỉ thị Bản quyền 2019, yêu cầu các nền tảng phải triển khai hệ thống lọc nội dung tự động và khuyến khích việc cấp phép hợp pháp. Các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc thì đi đầu trong áp dụng công nghệ DRM, Digital Watermarking, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu tác phẩm âm nhạc tập trung nhằm quản lý hiệu quả trên không gian mạng.

  1. Định hướng chính sách và giải pháp cho Việt Nam

Trước hết, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi và đồng bộ hóa khung pháp lý với các điều ước quốc tế cũng như thực tiễn trong nước. Đặc biệt, Việt Nam cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của các nền tảng số, xử lý hành vi sử dụng tác phẩm do AI tạo ra, cũng như chế tài đối với các trường hợp không tuân thủ quy định gỡ bỏ nội dung vi phạm.

Tiếp theo, việc ứng dụng công nghệ là một yêu cầu cấp thiết. Các giải pháp như watermarking, hệ thống nhận dạng tự động hay blockchain có thể giúp định danh và truy vết tác phẩm hiệu quả hơn. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tác phẩm âm nhạc, kết nối với các nền tảng kỹ thuật số sẽ giúp việc thu và phân phối tiền bản quyền minh bạch hơn.

Không chỉ vậy, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế với Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới WIPO, Liên minh các nhà soạn nhạc và lời Quốc tế CISAC và các tổ chức bản quyền khu vực để chia sẻ kinh nghiệm và dữ liệu. Song hành với đó là việc nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức các chương trình tập huấn, tuyên truyền để nghệ sĩ, nhà sản xuất và công chúng hiểu rõ hơn về vai trò của bản quyền.

Hơn thế nữa, việc xử lý vi phạm cần được cải cách theo hướng nhanh chóng và hiệu quả. Các cơ quan thực thi pháp luật cần được trang bị năng lực chuyên môn, phối hợp liên ngành và ứng dụng công nghệ để theo dõi, điều tra và khởi kiện các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

  1. Kết luận

Trong kỷ nguyên số, bảo vệ bản quyền âm nhạc không chỉ là bảo vệ quyền lợi cho người sáng tạo, mà còn là nền tảng để phát triển một ngành công nghiệp âm nhạc bền vững, minh bạch và hội nhập quốc tế. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng nếu Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội từ công nghệ, hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực thực thi, thì việc xây dựng một hệ sinh thái âm nhạc công bằng và sáng tạo là điều hoàn toàn khả thi. Chỉ khi người sáng tạo có thể sống bằng chính tác phẩm của mình, thì công nghiệp văn hóa Việt Nam mới có thể lan tỏa mạnh mẽ và khẳng định vị thế trên bản đồ công nghiệp văn hóa toàn cầu.

Ths. Phạm Thị Kim Oanh

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả

Tài liệu tham khảo

  1. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (2005, sửa đổi 2009, 2019, 2022),

 https://congbao.chinhphu.vn/thuoc-tinh-van-ban-so-11-vbhn-vpqh-38786?cbid=43592

  1. Nghị định số 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 26/4/2023, Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan

https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=207842

  1. VCPMC (2024), Báo cáo hoạt động năm 2024, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
  2. IFPI (2024), Global Music Report 2024, International Federation of the Phonographic Industry.
  3. WIPO (2025), SCCR/46 – Summary and Outcomes.
  4. European Parliament (2019), Directive on Copyright in the Digital Single Market.
  5. U.S. Copyright Office, Digital Millennium Copyright Act (DMCA).
img