Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC)
QUYẾT ĐỊNH CỦA TỔNG THƯ KÝ HỘI NHẠC SĨ VIỆT NAM
(Quyết định số 19/2002/QD-NS ngày 19/4/2002
Về việc thành lập Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam)
Tổng thư ký hội nhạc sĩ việt nam
– Căn cứ Quyết định số 750 & 751/NV ngày 30/12/21957 của Bộ Nội vụ cho phép Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập và hoạt động;
– Căn cứ Mục 4, Điều 2, Chương 1 của Điều lệ Hội Nhạc sĩ Việt Nam;
– Căn cứ Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 3 BCH Hội nhạc sĩ Việt Nam khoá VI;
– Căn cứ Công văn số 28/BTCCBCP-TCPCP ngày 18/4/2002 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ đồng ý để Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam;
Quyết định
Điều 1: Thành lập Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Điều 2: Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chịu sự quản lý của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có tài khoản và con dấu riêng.
Điều 3: Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tổ chức và hoạt động theo Điều lệ của Trung tâm đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam phê duyệt và tuân thủ mọi quy định của pháp luật.
Điều 4: Các ông Chánh Văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản lý và Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
ĐIỀU LỆ TRUNG TÂM BẢO VỆ QUYỀN TÁC GIẢ ÂM NHẠC VIỆT NAM
Chương I
Tên gọi – tôn chỉ – Mục đích
Điều1 : Tên gọi
1. Tên đầy đủ là Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, sau đây được gọi là Trung tâm Quyền tác giả Âm nhạc.
2. Tên viết tắt của Trung tâm là: TTQTGAN
3. Tên giao dịch quốc tế: Vietnam Center for Protection of Music Copyright.
Viết tắt là: VCPMC
Điều 2 : Tư cách
1. Trung tâm là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận. Thực hiện quản lý tập thể đối với các quyền tác giả âm nhạc được uỷ thác.
2. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có tàI khoản và con dấu riêng.
Trung tâm hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản và tự hạch toán.
3. Trung tâm chịu sự quản lý của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (HNSVN) mà đại diện là Ban Thư Ký HNSVN, hoạt động theo quy định của pháp luật và điều lệ của TT QTGAN, được sự bảo trợ của Bộ Văn Hoá Thông tin.
Điều 3 : Mục đích hoạt động
Mục đích hoạt động của Trung tâm gồm:
1. Khai thác và bảo vệ các quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc được luật pháp công nhận bảo hộ trên cơ sở: Hợp đồng uỷ thác quyền tác giả (HĐUTQTG).
2. Giúp các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hoạch định và thực hiện chính sách về quyền tác giả.
3. Giúp những người sử dụng tác phẩm được thuận lợi và đảm bảo.
4. Góp phần phát triển văn hoá âm nhạc thông qua hoạt động xã hội nghề nghiệp.
Điều 4 : Phạm vi hoạt động
Trung tâm có phạm vi hoạt động trong cả nước. Trung tâm có trụ sở tại Hà Nội và các Chi nhánh đại diện tại các địa phương.Tthực hiện quản lý tập thể đối với các quyền tác giả âm nhạc được uỷ thác.
Chương II
Nhiệm vụ và quyền hạn của Trung tâm
Điều 5 : Nhiệm vụ
1. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan hữu quan, phổ biến kịp thời đầy đủ luật pháp, chủ trương, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực bản quyền tác giả và các hoạt động của Trung tâm tới các chủ sở hữu quyền tác giả có hợp đồng uỷ thác với Trung tâm sau đây được gọi tắt là: thành viên.
2. Thực hiện quyền được thành viên uỷ thác trong lĩnh vực âm nhạc bao gồm:
– Cấp phép sử dụng, ký kết hợp đồng sử dụng.
– Thu tiền sử dụng tác phẩm theo hợp đồng.
– Phân phối (theo định kỳ ) các khoản thu được từ việc khai thác tác phẩm.
3. Hợp tác với các tổ chức bảo vệ quyền tác giả nước ngoài nhằm tranh thủ sự hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đôi bên.
4. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thành viên trước pháp luật.
5. Trung tâm có thể hỗ trợ những người không phải là thành viên trong từng trường hợp có uỷ thác cụ thể.
6. Thực hiện các hoạt động khác phù hợp với luật pháp, tôn chỉ mục đích và Điều lệ của Trung tâm.
Điều 6 : Quyền hạn
1. Trung tâm có tất cả các quyền mà chủ sở hữu đã uỷ thác theo hợp đồng.
2. Đại diện cho thành viên trong quan hệ đối ngoại, gia nhập và tham gia hoạt động của các Hiệp hội quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bản quyền tác giả theo đúng quy định của pháp luật.
3. Thành lập, hoặc giải thể những tổ chức, chi nhánh trực thuộc.
Chương III
Hợp đồng uỷ thác quyền tác giả (HĐUTQTG) – Những quy định về Uỷ thác (UT)
và được Uỷ thác quyền tác giả (ĐUTQTG).
Điều 7: Hợp đồng uỷ thác quyền tác giả
Hợp đồng uỷ thác quyền tác giả, sau đây được gọi là Hợp đồng uỷ thác và viết tắt là HĐUTQTG, là yếu tố đặc biệt để xác định tư cách thành viên, trách nhiệm và quyền lợi tương hỗ giữa Trung tâm và thành viên, là văn bản xác định cách thức và các điều kiện về việc người uỷ thác (thành viên – chủ sở hữu quyền tác giả) giao cho người được uỷ thác quản lý quyền tác giả (Trung tâm) nhằm bảo vệ quyền tác giả và hỗ trợ việc khai thác, sử dụng tác phẩm.
Điều 8 : Uỷ thác quyền tác giả
1. Việc uỷ thác phải được ký kết bằng hợp đồng.
2. Trong thời hạn của HĐUTQTG, Trung tâm quản lý, khai thác các quyền được uỷ thác và phân phối thu nhập từ tiền sử dụng tác phẩm của người uỷ thác sau khi khấu trừ các chi phí theo Quy chế.
3. Người uỷ thác có thể chỉ định người được hưởng quyền lợi thay mình và phải thông báo bằng văn bản với Trung tâm.
4. HĐUTQTG được kế thừa. Nếu có nhiều người kế thừa, phải chọn một người làm đại diện.
Điều 9 : Đảm bảo của người uỷ thác về quyền tác giả
1. Người uỷ thác phải đảm bảo là người sở hữu hợp pháp quyền tác giả mà mình chuyển giao cho Trung tâm.
3. Trung tâm có quyền yêu cầu người uỷ thác giao nộp tài liệu trong trường hợp cần thiết.
Điều 10: Thời hạn hợp đồng
1. HĐUTQTG có thời hạn 5 năm và mặc nhiên gia hạn tiếp nếu trước đó một năm người uỷ thác không có văn bản đề nghị chấm dứt HĐUTQTG.
2. Trung tâm có quyền huỷ HĐUTQTG nếu người uỷ thác bị mất hết mọi quyền tác giả uỷ thác.
Điều 11 : Phạm vi quản lý quyền tác giả
Trung tâm quản lý các quyền được uỷ thác trong phạm vi sau đây:
1. Quyền biểu diễn nơi công cộng (biểu diễn ca nhạc, chơi nhạc hoặc biểu diễn nhạc ở phòng lớn, khách sạn, sàn nhẩy, tiệm giải khát và những nơi công cộng khác).
2. Quyền phát trên sóng : trực tiếp, ghi trên sóng phát thanh truyền hình.
3. Quyền ghi âm: băng, đĩa … và các hình thức ghi âm khác.
4. Quyền sử dụng trong phim, sân khấu, video …
5. Quyền sao chép, in ấn.
6. Những quyền liên quan khác mà luật pháp cho phép.
Điều 12 : Quản lý quyền tác giả ở nước ngoài
1. Trung tâm có thể uỷ thác cho các tổ chức tương ứng ở nước ngoài để quản lý quyền tác giả uỷ thác tại các lãnh thổ đó theo quy định của luật pháp.
2. Trung tâm cũng có thể nhận uỷ thác của các tổ chức tương ứng nước ngoài, và bảo vệ quyền được uỷ thác theo đúng pháp luật.
Điều 13 : Phương thức quản lý quyền tác giả uỷ thác, quản lý tiền sử dụng tác phẩm và khoản thu khác.
1. Trung tâm thực hiện việc quản lý quyền tác giả uỷ thác phù hợp với quy định của Điều lệ này.
2. Bảo đảm đầy đủ quyền lợi về mặt tài chính của tác giả theo đúng hợp đồng uỷ thác đã thoả thuận và ký kết.
Điều 14 : Sửa đổi quy định về HĐUTQTG
1. Khi Trung tâm sửa đổi quy định về HĐUTQTG, phải công bố chính thức ngay bằng văn bản cho các thành viên.
2. Nếu người uỷ thác không đồng ý sửa đổi, có thể huỷ HĐUTQTG. Nếu trong 6 tháng từ ngày có công bố chính thức về sửa đổi mà người uỷ thác không huỷ HĐUTQTG, coi như đã đồng ý sửa đổi.
3. Việc huỷ HĐUTQTG phải thực hiện bằng văn bản.
Chương IV
Cơ cấu tổ chức của Trung tâm
Điều 15 :
1. Tổ chức Trung tâm gồm:
2. Hội đồng Quản lý (HĐQL)
3. Ban giám đốc (BGĐ)
4. Ban thanh tra (BTT)
5. Trung tâm có Hội đồng cố vấn để tư vấn cho HĐQL & BGĐ.
Điều 16: Hội đồng Quản lý:
1. Hội đồng Quản lý do Ban thư ký Hội NSVN quyết định thành lập
2. Chủ tịch HĐQL là người lãnh đạo cao nhất của Trung tâm.
3, Nhiệm vụ của Hội đồng Quản lý:
– Quyết nghị về chương trình công tác, dự toán, quyết toán hàng năm của Trung tâm.
– Quyết định cơ cấu tổ chức của Trung tâm
– Bầu 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch
– Bầu Ban thanh tra
– Giới thiệu Ban giám đốc để Ban Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam bổ nhiệm
4. HĐQL họp thường kỳ 6 tháng một lần để kiểm điểm tình hình hoạt động của Trung tâm, công tác của Ban giám đốc và các tổ chức trực thuộc, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền. HĐQL có thể họp đột xuất khi cần thiết.
5. Các quyết định của HĐQL được biểu quyết theo đa số thành viên có mặt. Nếu số phiếu ngang nhau thì Chủ tịch HĐQL là người quyết định.
Điều 17: Ban Giám đốc
1. Ban Giám đốc do HĐQL giới thiệu, Ban Thư ký Hội Nhạc sĩ VN ra quyết định bổ nhiệm.
2. Giám đốc là người đại diện của Trung tâm theo quy chế đã được Hội đồng quản lý ấn định.
3. Giám đốc là chủ tài khoản của Trung tâm
4. Giám đốc có quyền :
– Điều hành hoạt động của Trung tâm theo điều lệ
– Tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm nhân viên của Trung tâm sau khi được sự nhất trí của 2/3 thành viên Ban Giám đốc.
– Triệu tập toàn thể Ban giám đốc họp thường kỳ hoặc bất thường.
5. Các Phó giám đốc có nhiệm vụ giúp Giám đốc điều hành công việc của Trung tâm.
6. Các quyết định của BGĐ được biểu quyết theo đa số thành viên có mặt, nếu số phiếu ngang nhau thì Giám đốc là người quyết định.
Điều 18: Ban thanh tra:
1. Ban Thanh tra do HĐQL bầu ra
2. Ban Thanh tra có nhiệm vụ:
– Thanh tra về việc thực hiện Điều lệ của Trung tâm
– Thanh tra chung về tài sản, tài chính của Trung tâm và của người uỷ thác
– Thanh tra hoạt động của Ban Giám đốc
– Báo cáo với HĐQL về mọi sự cố bất thường của Trung tâm.
Chương V
Quản lý tài sản, tài chính
Điều 19 : Nguồn thu
Kinh phí hoạt động của Trung tâm gồm những nguồn thu sau đây:
– Các khoản khấu trừ % để chi phí cho hoạt động dịch vụ của Trung tâm và các tổ chức trực thuộc của Trung tâm.
– Các khoản hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong nước
– Các khoản tài trợ từ nước ngoài
Điều 20 :
Mọi khoản thu trực tiếp nhập vào tài khoản của Trung tâm.
Điều 21: Khoản chi
– Các chi phí hành chính để duy trì hoạt động của Trung tâm.
– Trả lương cho cán bộ, công nhân viên chuyên trách của Trung tâm .
– Các chi phí cần thiết khác.
Điều 22 :
– Cách thức quản lý tài sản chung: tài sản cơ bản của Trung tâm và tài sản uỷ thác do Ban Giám đốc quyết định.
Điều 23 :
Hệ thống kế toán gồm:
– Bộ phận thứ nhất: theo dõi, thực hiện việc thu chi cho hoạt động của Trung tâm.
– Bộ phận thứ hai: theo dõi, thực hiện việc thu, phân phối tiền sử dụng tác phẩm cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Điều 24:
Mọi khoản thu, chi tài chính đều được báo cáo công khai hàng năm bằng văn bản.
Chương VI
Điều 25 :
Điều lệ này bao gồm 6 chương, 25 điều đã được Ban Thư ký Hội NSVN phê duyệt; và chỉ được thay đổi khi có quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.
Điều lệ có hiệu lực kể từ ngày phê duyệt./.
Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam:
Tầng 7 – 8, số 66 Nguyễn Văn Huyên, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Tel: 84.4.3762 4718 – 84.8.3910 4643
Fax: 84.8.3910 2385