Hệ thống hành chính
1. Chính phủ:
Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về bảo hộ quyền tác giả trong phạm vi cả nước.
(Xem thông tin chi tiết về Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Chính phủ tại đây)
2.Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch:
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là cơ quan của Chính phủ, chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, có nhiệm vụ và quyền hạn:
– Xây dựng các chủ trương, chính sách về bảo hộ quyền tác giả.
– Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Uỷ ban thường vụ quốc hội, Quốc hội ban hành văn bản pháp luật về bảo hộ quyền tác giả.
– Thực hiện hoặc phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
– Thực hiện hoặc phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm quyền tác giả theo thẩm quyền.
– Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền tác giả.
(Xem thông tin chi tiết về Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại đây)
3. Cục Bản quyền tác giả:
Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm giúp Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý Nhà nước về quyền tác giả, có chức năng, nhiệm vụ:
– Soạn thảo dự án luật, pháp luật, nghị định, văn bản pháp quy khác về bảo hộ quyền tác giả; cấp và thu hồi Giấy Chứng nhận quyền tác giả, Giấy phép hoạt động nghiệp vụ dịch vụ bản quyền tác giả;
– Hướng dẫn Sở Văn hoá thông tin thực hiện quản lý Nhà nước về quyền tác giả tại địa phương;
– Tổ chức, thực hiện việc hợp tác với nước ngoài, các tổ chức quốc tế về quyền tác giả;
– Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả và thực hiện hoạt động thông tin về bảo hộ quyền tác giả; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về quyền tác giả cho các cán bộ có liên quan ở Trung ương và địa phương.
4. Thanh tra chuyên ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch:
Chức năng của thanh tra chuyên ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong việc xử lý các vụ tranh chấp vi phạm quyền tác giả:
– Thanh tra chuyên ngành văn hoá – thông tin thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm xử lý, giải quyết các vụ tranh chấp, vi phạm quyền tác giả.
– Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm khi bị cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền của mình đều có thể yêu cầu thanh tra chuyên ngành văn hoá – thông tin xử lý, giải quyết.
– Thanh tra chuyên ngành văn hoá – thông tin có quyền quyết định xử phạt hành chính theo thẩm quyền.
5. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh:
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật bảo hộ quyền tác giả tại địa phương.
6. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch:
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện pháp luật bảo hộ quyền tác giả tại địa phương.
7. Các Bộ, ngành khác:
7.1. Cơ quan Hải quan:
Tổng cục Hải quan là cơ quan trực thuộc Bộ tài chính, giúp Bộ trưởng Bộ tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về hải quan, thực thi pháp luật hải quan trong phạm vi cả nước.
Chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam có quyền đề nghị cơ quan hải quan tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu mà mình có căn cứ cho rằng có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
(Xem thông tin chi tiết về Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Tổng cục Hải quan tại đây)
7.2. Cơ quan Quản lý thị trường:
1. Cục Quản lý thị trường và các Chi cục Quản lý thị trường cần tập trung kiểm tra, xử lý hàng giả nhập lậu từ nước ngoài vào nước ta đang bày bán trên thị trường, đặc biệt là hàng vi phạm nhãn hiệu hàng hoá,vi phạm về chất lượng, các loại bao bì , nhãn mác in ấn từ nước ngoài nhập lậu, các loại hàng hoá in, sao trái phép lưu thông trên thị trường.
2. Đối với các hàng hoá vi phạm về bản quyền, kiểu dáng công nghiệp, xuất xứ hàng hoá, đây là vấn đề phức tạp, mới mẻ đối với lực lượng Quản lý thị trường, có quan hệ rất lớn đến đầu ra của sản xuất, lưu thông hàng hoá và cần được xử lý tận gốc.
– Chỉ có Cục Quản lý thị trường và Chi cục Quản lý thị trường mới có quyền ra quyết định kiểm tra, xử lý các vụ việc về lĩnh vực này sau khi đã điều tra, xác minh các tình tiết vi phạm, đề ra giải pháp phù hợp.
– Các vụ việc hàng giả xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nếu có yếu tố nước ngoài chủ sở hữu là người nước ngoài hoặc hàng hoá là hàng nhập khẩu chính thống từ nước ngoài vào Việt Nam đang được bày bán rộng khắp các cửa hàng trong nước thì các Chi cục xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Thương mại trước khi ra quyết định kiểm tra, xử lý để có sự thống nhất chung trong toàn lực lượng.
7.3. Cảnh sát kinh tế:
Lực lượng Cảnh sát nhân dân chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ trật tự công cộng ; phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật và kiến nghị các biện pháp loại trừ những nguyên nhân, điều kiện đó.
Lực lượng Cảnh sát nhân dân thực hiện việc xử phạt hành chính đối với các vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra của Lực lượng Cảnh sát nhân dân tiến hành theo các hoạt động điều tra và đề nghị truy tố người phạm tội theo quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
7.4. An ninh văn hoá:
Lực lượng An ninh nhân dân tổ chức và thực hiện việc bảo vệ bí mật Nhà nước, an ninh biên giới, an ninh các khu vực xung yếu về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh các cơ sở khoa học – kỹ thuật; quản lý công tác an ninh trong thông tin liên lạc; quản lý việc thực hiện quy chế xuất cảnh, nhập cảnh, quy chế đối với người nước ngoài cư trú, làm việc ở Việt Nam.
7.5. Bộ đội biên phòng:
Bộ đội biên phòng có nhiệm vụ trực tiếp và phối hợp với các đơn vị khác của lực lượng vũ trang nhân dân, các ngành chức năng của Nhà nước đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vũ khí, chất cháy, chất nổ, chất độc hại, ma tuý, văn hoá phẩm độc hại, hàng hoá cấm xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới trên đất liền, các hải đảo, vùng biển theo quy định của pháp luật