Chủ Nhật, 03-03-2024 05:01
img

Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được tổ chức tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bởi nó có nhiều giá trị nhân văn nổi trội đối với đời sống tôn giáo, tín ngưỡng và nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo những giá trị văn hóa khác cho công chúng.

Tọa đàm khoa học “Giải pháp nâng tầm Lễ hội Quán Thế Âm – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” do Sở Văn hóa – Thể thao TP. Đà Nẵng tổ chức mới đây đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý; từ đó có định hướng tốt hơn trong công tác tổ chức lễ hội, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn trong những năm tiếp theo.

Đầu tư hơn về nội dung, hình thức, quy mô

PGS.TS Ngô Văn Minh – Ủy viên Thường vụ Hội Di sản Văn hóa TP. Đà Nẵng cho rằng, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn là tài sản quý giá do cộng đồng Phật giáo và nhân dân địa phương sáng tạo ra, mang giá trị văn hóa tâm linh; giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, giải trí và giá trị cố kết cộng đồng.

Theo PGS.TS Ngô Văn Minh, cần đầu tư hơn nữa về cả nội dung lẫn hình thức, quy mô để nâng tầm Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu tâm linh và thụ hưởng nhiều giá trị văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân.

Cụ thể, mặt nội dung của lễ phải được biểu đạt bằng nhiều cách hơn nhằm tăng tính thiêng của phần lễ, mang lại nhiều cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng cho cộng đồng.

“Bên cạnh đó, cần đầu tư nhiều hơn cho tính đặc sắc của lễ hội để lễ hội có nét đặc sắc của tín ngưỡng dân gian, kể nhiều câu chuyện văn hóa của địa phương, qua đó quảng bá những thương hiệu của địa phương như hàng thủ công mỹ nghệ và ẩm thực truyền thống. Một khi có nhiều sự khác biệt, có nhiều giá trị đặc sắc thì lễ hội sẽ càng hấp dẫn, càng thu hút nhiều du khách”, PGS.TS Ngô Văn Minh nói.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn thu hút sự tham gia của hàng nghìn người, gồm cộng đồng phật tử theo đạo Phật, cộng đồng nhân dân địa phương, cùng đông đảo du khách trong và ngoài nước.

PGS.TS Ngô Văn Minh còn nhắc đến việc đầu tư sự mới mẻ cho các hoạt động văn hóa – nghệ thuật đi kèm, chẳng hạn có nhiều trò chơi, hoạt cảnh, hoạt động thể thao thu hút sự tham gia của cộng đồng.

Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Ngô Văn Minh, cần giải quyết đúng mối quan hệ giữa lễ và hội. Lễ hội gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Nhưng lễ và hội không phải là hai thực thể riêng biệt mà nằm trong tính tổng thể của lễ hội, trong đó nghi lễ giữ vai trò gốc rễ.

“Cần tránh việc đề cao thái quá các hoạt động vui chơi giải trí đến mức lấn át hẳn nội dung của lễ. Lễ hội cũng là cơ hội để phát triển kinh tế. Song, cần tránh thái quá về mục tiêu kinh tế, thương mại hóa đến mức không coi trọng phát huy giá trị văn hóa của lễ hội. Một khi giá trị văn hóa tâm linh, văn hóa truyền thống được phát huy; nhu cầu thỏa mãn đời sống tâm linh và sáng tạo, hưởng thụ giá trị văn hóa được đáp ứng thì sẽ có đông đảo du khách đến với lễ hội”, PGS.TS Ngô Văn Minh lý giải.

Xây dựng Bảo tàng sinh thái văn hóa Ngũ Hành Sơn

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật TP. Đà Nẵng nêu đậm nét hình tượng Quán Thế Âm trong văn học, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc và các loại hình nghệ thuật khác.

Từ đó, ông Tiếng đưa ra những đề xuất cụ thể trong việc lưu giữ và phổ biến, trình diễn loại hình văn học – nghệ thuật có thể làm sâu sắc thêm hoạt động Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn trong tương lai.

Chẳng hạn, chùa Quán Thế Âm và Ban tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn sưu tầm và đưa vào Thư viện Vạn Hạnh cũng như thư viện của các nhà trường, phòng đọc sách của các nhà chùa trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) một số ấn phẩm liên quan đến Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.

Có thể tổ chức diễn ngâm một số trích đoạn trong hai truyện thơ Nôm Quan Âm Nam Hải (nhân vật nữ chính là Diệu Hiền) và Quan Âm Thị Kính (nhân vật nữ chính là Thị Kính) trong Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn… Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đà Nẵng hướng đến việc sưu tập và trưng bày sách cổ liên quan đến các truyện thơ Nôm về Đức Quán Thế  Âm Bồ tát.

Về nghệ thuật biểu diễn, Ban tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn có thể tổ chức chiếu phim về Quán Thế Âm Bồ tát (như phim truyện Thị Kính của Hãng phim truyện Việt Nam…); hoặc phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP. Đà Nẵng và Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức biểu diễn vở tuồng Thị Kính, Thị Màu.

“Một loại hình nghệ thuật rất gần với hình ảnh Quán Thế Âm Bồ tát là điêu khắc với nhiều chất liệu như gỗ, đá… cũng là thế mạnh của người dân Ngũ Hành Sơn. Nên chăng tổ chức hằng năm hoặc hai năm/lần các cuộc thi tạc tượng Phật Bà Quán Thế Âm trong Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn. Đặc biệt, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo cần đẩy mạnh việc sưu tập và trưng bày các tượng cổ Quán Thế Âm Bồ Tát, nhất là các tượng Quán Thế Âm thiên nhãn thiên thủ (ưu tiên các tượng do nghệ nhân làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước tạo tác) và cả các bức tranh vẽ Phật Bà Quán Thế Âm…”, ông Bùi Văn Tiếng nêu.

Theo PGS.TS Ngô Văn Minh, cần đầu tư hơn nữa về cả nội dung lẫn hình thức, quy mô để nâng tầm Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu tâm linh và thụ hưởng nhiều giá trị văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân.

Với tham luận “Góc nhìn lý thuyết văn hóa sinh thái cho việc nâng tầm Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn”, TS. Huỳnh Vĩnh Phúc – Viện Hàn lâm Khoa học – Xã hội vùng Nam Bộ kiến nghị về việc xây dựng và bảo vệ hệ sinh thái văn hóa để nâng tầm lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn.

TS. Huỳnh Vĩnh Phúc đề xuất xây dựng Bảo tàng sinh thái văn hóa Ngũ Hành Sơn, làm cho lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn thể hiện những tư duy mới về giá trị, cập nhật quan điểm và tinh thần tổ chức lễ hội tiếp cận với giá trị văn hóa sinh thái đang được đề cao trên thế giới, từ đó đưa tầm vóc của lễ hội vươn tới giá trị toàn cầu.

Bảo tàng sinh thái văn hóa Ngũ Hành Sơn nhắm đến khôi phục và phát huy di sản văn hóa phi vật thể (truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, truyện kể, trò chơi dân gian, lễ hội, lễ nghi, phong tục, v.v…) ở Ngũ Hành Sơn, bằng cách thực hiện  các biện pháp bảo vệ hiệu quả di sản văn hóa bao gồm: ngôn ngữ là phương tiện truyền tải di sản văn hóa phi vật thể; nghệ thuật biểu diễn; phong tục xã hội, nghi thức, lễ hội; kiến thức, tập quán về thiên nhiên; kỹ năng thủ công  truyền thống và các không gian văn hóa liên quan đến truyền thống (đình chùa, nhà thờ, v.v…).

Mở rộng không gian lễ hội

Nhà nghiên cứu Hồ Xuân Tịnh – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP. Đà Nẵng cho rằng, không gian Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn hiện nay chỉ trong phạm vi khu vực Non Nước. Với quy mô tổ chức và số lượng khách tham quan, tín đồ Phật giáo đi hành hương rất đông thì không gian tổ chức lễ hội quá tải. Vì vậy, nên tổ chức riêng phần nghi lễ Phật giáo trong không gian chùa; mở rộng không gian các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian… ra cả vùng Ngũ Hành Sơn, kéo dài theo vệt ven biển đến núi Sơn Trà để thuận tiện cho du khách tham quan và tham gia các hoạt động.

Quan Âm Phật đài ở chùa Linh Ứng Sơn Trà là địa điểm cần được kết nối với không gian lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn. Quan Âm Phật đài này không chỉ là một tác phẩm điêu khắc hoàn mỹ, hoành tráng trong không gian núi biển hùng vĩ, mà còn thể hiện được các phẩm hạnh từ – bi – hỷ – xả – bác ái – vị tha của Quán Thế Âm Bồ Tát.

Cũng theo ông Hồ Xuân Tịnh, một trong những vấn đề đặt ra cho công tác bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể của các dân tộc ở Việt Nam hiện nay là phải tổ chức lễ hội vừa thể hiện được truyền thống văn hóa của dân tộc, vừa phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Lễ hội phải thực sự góp phần làm phong phú cho đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc, đồng thời hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Khi phát huy, khai thác giá trị di sản để phát triển du lịch, ai cũng mong muốn du khách đến với di sản ngày càng nhiều. Tuy nhiên, nhiều du khách tập trung  ở một địa điểm, cùng một lúc, thì sẽ dẫn đến quá tải đối với di tích. Do vậy, cần có sự kết nối các di sản trong khu vực lân cận để tránh quá tải cho một vài điểm di sản quá đông khách.

“Việc kết nối các di sản ở các tỉnh, thành phố khác nhau không hề đơn giản. Trong liên kết phát triển kinh tế, bên cạnh sự hợp tác luôn có sự cạnh tranh, địa phương nào cũng muốn mình được hưởng lợi nhiều nhất. Vậy nên, khi kết nối các lễ hội để phát triển du lịch địa phương, điều quan trọng nhất là phải tạo cho sản phẩm du lịch của địa phương mình có chất lượng tốt nhất, có sức thu hút mạnh mẽ đối với du khách. Cùng với đó là tích cực hợp tác trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, hỗ trợ nhau trong hệ thống truyền thông, quảng cáo ở các địa phương…”, ông Tịnh nói.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn thường diễn ra trong ba ngày 17, 18 và 19/2 âm lịch, trong đó ngày 19 là lễ chính thức.

Lễ hội gồm các nghi lễ: Lễ khai kinh, thượng phan – thượng kỳ; Lễ rước ánh sáng; Lễ pháp đàn Quán Thế Âm, thuyết giảng Đạo pháp và tổ chức các khóa tu tập; Chính lễ (Lễ vía Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, Lễ rước tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, Lễ hóa trang Quán Thế Âm Bồ Tát và Lễ tạ pháp đàn hoa đăng).

Đan xen với các nghi lễ Phật giáo còn có nghi lễ truyền thống của nhân dân địa phương như: Lễ tế Xuân; Lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân công chúa và Lễ tế Thạch nghệ Tổ Sư nghề điêu khắc đá Non Nước Ngũ Hành Sơn.

Lễ hội thu hút sự tham gia của hàng nghìn người, gồm cộng đồng phật tử theo đạo Phật, cộng đồng nhân dân địa phương, cùng đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Đầu năm 2021, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2024, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 26/3 đến 29/3 (ngày 17 đến 20/2 âm lịch).

Theo Đức Hoàng –  Báo Điện tử Tổ quốc

 

img