Chủ Nhật, 08-01-2023 01:24
img

BẢO VỆ BẢN QUYỀN TÁC PHẨM – CHÌA KHÓA CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BÁO CHÍ HIỆN NAY

         Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan: “Tác phẩm báo chí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.”

          Tại Điều 3 Luật Báo chí năm 2016 quy định: “Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát thanh, truyền dẫn tới đông đảo công chúng qua các loại hình báo in, báo nói, báo viết hay báo điện tử.”

         “Tác phẩm báo chí là đơn vị cấu thành nhỏ nhất của sản phẩm báo chí, có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, gồm tin, bài được thể hiện bằng chữ viết, âm thanh hoặc hình ảnh.”

           Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện nay có 4 loại hình báo chí bao gồm: báo in, báo nói, báo viết và báo điện tử.

          Báo in là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, tranh, ảnh, thực hiện bằng phương tiện in để phát hành đến bạn đọc, gồm báo in, tạp chí in.

          Báo nói là loại hình báo chí sử dụng tiếng nói, âm thanh, được truyền dẫn, phát sóng trên các hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ khác nhau.

          Báo hình là loại hình báo chí sử dụng hình ảnh là chủ yếu, kết hợp tiếng nói, âm thanh, chữ viết, được truyền dẫn, phát sóng trên các hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ khác nhau.

           Báo điện tử là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử.

          Trong 4 loại hình báo chí thì báo in là loại hình ra đời sớm nhất, hình thức thể hiện là ở trên giấy, có hình ảnh minh họa vô cùng sống động. Báo in từng ở thời đỉnh cao hoàng kim khi chiếm vị trí lớn trong việc đưa thông tin, sự việc đến với công chúng. Có lẽ hầu hết chúng ta đều quá quen với các tờ báo nhân dân khổ lớn, ngày xưa có tờ báo để đọc đôi lúc cũng là sự xa xỉ. Vì ngày ấy công nghệ thông tin chưa phát triển, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thông tin báo đài cũng hạn chế. Nhưng ngày nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật cũng như sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin thì những loại hình báo chí khác cũng ra đời, nó có tốc độ lan truyền thông tin chóng mặt do đó độc giả có thể tiếp cận với thông tin mọi nơi mọi lúc như báo điện tử, báo truyền hình, hay báo nói. Với thể loại báo truyền hình thì các thông tin còn được chuyển tải bằng hình ảnh và âm thanh sinh động. Báo điện tử thì có tính tương tác giữa tác giả và độc giả rất cao.

           Một tác phẩm báo chí độc đáo, mới mẻ, hoàn chỉnh và được xã hội thừa nhận bao giờ cũng chứa đựng lượng thông tin có giá trị nhất, đó là tính chính xác, trung thực, tin cậy, hấp dẫn, kịp thời, có hiệu quả, nội dung tư tưởng tốt, hình thức thể hiện phù hợp và hiệu ứng xã hội cao. Mỗi người làm báo khi thể hiện tác phẩm phải bảo đảm tính trung thực. Tác phẩm báo chí hàm chứa lượng thông tin về các sự kiện, các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống một cách trọn vẹn, kịp thời, đảm bảo sự khách quan, trung thực, đúng bản chất, mang lại lợi ích thiết thực cho công chúng. Công chúng tiếp nhận tác phẩm báo chí có nhu cầu thoả mãn sự hưởng thụ cái hay về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện. Một tác phẩm báo chí càng hay bao nhiêu, sức lan toả càng lớn, nó có thể vượt qua mọi chướng ngại để đến với công chúng một cách nhanh chóng.

           Giá trị của báo chí hoàn toàn nằm ở khả năng bảo hộ quyền tác giả các tác phẩm báo chí. Mất quyền tác giả, báo chí mất người đọc, mất luôn khả năng gia tăng doanh thu quảng cáo và các cơ hội kinh doanh khác.

          Trong nền kinh tế thị trường, báo chí không chỉ là hoạt động truyền thông, hoạt động chính trị – xã hội, hoạt động văn hóa – tư tưởng, mà còn là hoạt động kinh tế. Đây là một loại hàng hoá đặc biệt mà giá trị phụ thuộc vào năng lực của người làm báo và uy tín của tờ báo. Giá trị của một bài báo, của một bức ảnh, của một video, của một chương trình truyền hình không nằm ở độ dài bài viết, độ nét của bức ảnh, thời lượng của chương trình truyền hình, mà nằm ở giá trị thông tin truyền tải, ở tính nghệ thuật và ở danh tiếng của tác giả cũng như uy tín của cơ quan báo chí.

Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí: ảnh minh họa

         Ở góc độ quyền nhân thân, báo chí là một quá trình sáng tạo tác phẩm. Tác phẩm đó sẽ được chính tác giả đặt tên, đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; tác giả có quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm. Việc thực hiện tác phẩm báo chí vừa là hoạt động có tính nhiệm vụ, vừa có tính cảm hứng cá nhân. Một mặt, nhà báo phải tuân thủ kế hoạch tuyên truyền của tòa soạn về tiến độ thực hiện, khối lượng tin bài, định hướng tuyên truyền. Mặt khác, họ được quyền chủ động làm việc theo một phong cách riêng, đặc thù riêng trên nền tảng hiểu biết pháp luật, cảm tính, phong cách và trải nghiệm cá nhân – những trải nghiệm mà đôi khi phải được trả giá bằng những thất bại, nước mắt, thiệt hại kinh tế và thậm chí cả máu của mỗi nhà báo. Do đó, việc bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí là yêu cầu tiên quyết và quan trọng để thúc đẩy quá trình sáng tạo của mỗi nhà báo. Nếu mỗi tác phẩm báo chí – là tâm huyết và sức lực của các nhà báo – có thể bị dễ dàng xâm phạm, sao chép, kinh doanh trái ý muốn của tác giả thì động lực sáng tạo của nhà báo sẽ bị triệt tiêu. Người gánh chịu thiệt hại cuối cùng chính là cả xã hội. Người dân sẽ không còn được phục vụ các tác phẩm báo chí có chất lượng, không được sự bảo vệ bằng công luận trước những việc làm sai trái.  Báo chí là phải nhìn thẳng vào sự thật, là tiếng nói trung thực và phản biện của xã hội. Vấn đề tôn trọng bản quyền tác phẩm báo chí là biểu hiện đầu tiên của sự trung thực trong nghề báo. Nếu người làm báo không có tư duy độc lập, không có sự sáng tạo nghề nghiệp, chỉ chăm chăm "xào nấu", copy tin bài của đồng nghiệp thì rất dễ bị động, bị cuốn theo sự dẫn dắt của người khác, đồng nghĩa với tự đánh mất chính mình, làm suy giảm vai trò của báo chí. Chính vì vậy, tác giả được bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

         Về mặt quyền tài sản, quyền sở hữu tác phẩm báo chí thuộc về các cơ quan báo chí đã đầu tư vật chất đề thực hiện các tác phẩm. Việc đầu tư cho sáng tạo báo chí là rất tốn kém, đặc biệt trong hoạt động sản xuất các chương trình truyền hình của các Đài phát thanh, truyền hình. Các trang thiết bị máy quay, bàn dựng, xe chuyên dụng, phát sóng…. đều rất đắt đỏ. Và các trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ cũng nhanh chóng bị khấu hao, thay thế. Vì vậy, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm báo chí độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm tới công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền trên thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Nếu sự xâm phạm không bị xử lý, dẫn đến tình trạng không tôn trọng pháp luật bản quyền thì thiệt hại cho các cơ quan báo chí là khó có thể đong đếm được.

         Trong xu thế hội nhập và phát triển, báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực báo chí cũng đã ngày càng được nâng cao hơn. Hiện có khoảng 900 cơ quan đơn vị trong lĩnh vực thông tấn báo chí với 20.000 nhà báo.

         Ngày nay, với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, báo điện tử là loại hình báo chí được sử dụng nhiều nhất. Đọc báo trên internet đã trở thành một thói quen của nhiều người dân. Những tờ báo điện tử được đánh giá là các trang báo mạng hay với khả năng cập nhật tin tức trong nước và thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mang đến cho người đọc những nội dung chính xác và có giá trị thiết thực, có lượng truy cập nhiều phải kể đến như: Tuổi Trẻ Online, Thanh Niên Online, VnExpress, VietnamNet, Dân Trí, 24h, Kênh 14, Báo Mới, Đời sống và Pháp luật. Và đây cũng chính là các tờ báo bị xâm phạm bản quyền nhiều nhất.

       Một số tờ báo điện tử lớn tại Việt Nam hiện nay

       Tốc độ và quy mô vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày càng phức tạp và tinh vi. Trên thực tế, chỉ cần một đơn vị đăng tải bài báo về một vấn đề nóng bất kỳ, ngay sau đó, không khó để tìm kiếm các bài đăng y hệt về nội dung cũng như hình ảnh trên nhiều trang tin điện tử. Thậm chí, nhiều website, fanpage còn giả thương hiệu các đơn vị báo chí chính thống để đưa những thông tin chưa được xác thực. Theo các luật sư, việc rà soát, xử lý các hành vi vi phạm bản quyền này là không dễ dàng. Đối tượng xâm phạm phần lớn là các trang thông tin 3 không: không địa chỉ, không cơ quan chủ quản và cũng không biết ai là chủ. Các trang mạng này tự ý lấy lại sản phẩm báo chí, khai thác sử dụng nhưng cơ quan báo chí không biết phải liên hệ với ai để xử lý vấn đề bản quyền.

       Chỉ cần bỏ công lướt Internet là có thể nhận thấy khá nhiều sự sao chép, khai thác này. Đấy là chưa kể những trường hợp tỏ ra "tế nhị" khi đã "xào nấu", "gia giảm" ít nhiều (như đổi tên bài viết, thay tên tác giả, cắt bớt bài, thêm chút ít nội dung được lấy từ nguồn khác…) để phát hiện ra đòi hỏi phải có sự kiểm tra, đối chiếu. Hoặc đó là hành vi sao chép nguyên văn tác phẩm báo chí; dẫn lại, trích nguồn từ cơ quan có bản quyền nhưng không xin phép; tệ nạn tạo lập các trang web không rõ nguồn gốc, các trang web giả mạo, những fanpage trên mạng xã hội giả danh là fanpage của các báo lớn gây nhầm lẫn cho bạn đọc. Thậm chí có khi vừa xuất bản một phóng sự điều tra độc quyền thì ngay sau đó đã có những trang tin tức trên mạng lấy lại và xuất bản trái phép trên trang của họ để câu view… Mặt khác, không chỉ các sản phẩm báo in, báo điện tử bị vi phạm bản quyền, mà nhiều chương trình truyền hình cũng bị xâm phạm và sử dụng trên các nền tảng khác, thậm chí bị cắt ghép, xuyên tạc với dụng ý xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan nắm bản quyền về mặt kinh tế và chính trị.

         Theo thống kê của Báo Tuổi trẻ, trong 7 năm có 350 công văn của các tổ chức, cơ quan báo chí xin khai thác lại thông tin nội dung của Báo Tuổi trẻ, chủ yếu là các trang thông tin điện tử. Thậm chí có trường hợp giả mạo cả tên miền, giả mạo thương hiệu được Báo Tuổi trẻ phát hiện và đề nghị xử lý.

         Phát biểu tại Diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí”, Phó Tổng Biên tập Báo tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh, ông Lê Xuân Trung cho biết: Cho đến nay, Báo Tuổi Trẻ bị lấy nguyên văn hơn 16.000 tác phẩm báo chí. Việc lấy lại các tác phẩm báo chí diễn ra rất phổ biến, công khai dưới nhiều hình thức như: dẫn lại, trích nguồn mà không xin phép, khai thác sử dụng trái phép mà không hề trích dẫn nguồn, dẫn đường link…. Không chỉ Báo Tuổi trẻ, nhiều báo khác cũng phải đối mặt với tình trạng này như báo Thanh Niên (gần 10.000 lần), VnExpress (gần 9.000 lần)… Cùng với vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí, còn có tình trạng vi phạm thương hiệu báo chí, Báo Tuổi trẻ đã đề nghị rút giấy phép 2 trang mạo danh báo Tuổi trẻ…

         Vi phạm bản quyền có thể đến từ những trang web có địa chỉ rõ ràng đến trang web không rõ nguồn gốc, không rõ cơ quan chủ quản, mạng xã hội. Theo Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, trung bình trong 1 tháng, Tổ bảo vệ bản quyền của Tòa báo xử lý khoảng 70 – 80 trường hợp vi phạm bản quyền.

         Việc vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí hiện để lại những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng, thương hiệu của các tờ báo, mà nguồn thu nhập từ quảng cáo của các cơ quan báo chí cũng bị ảnh hưởng, trong khi đó đối tượng xâm hại không phải đầu tư công sức mà vẫn ngang nhiên hưởng thành quả lao động của các đơn vị nắm bản quyền. 

          Theo Đài Truyền hình Việt Nam – VTV, tình hình xử lý vi phạm bản quyền của  VTV ngày càng quyết liệt, có 2 công ty đã phải bồi thường 500 triệu đồng vì tự ý khai thác phim “Bí thư Tỉnh ủy” và “Chạy án” của VTV; 2 nhà mạng lớn nhất của Việt Nam và một số cá nhân bị xử phạt 75 triệu đồng do phát “Sống chung mẹ chồng” và “Người phán xử”; Yêu cầu 3 công ty truyền thông bồi thường giá trị hơn 100 bản tin thời sự của VTV… Đặc biệt, ngay đầu năm 2020, VTV cũng xử lý một công ty truyền thông và đòi bồi thường thiệt hại gần 300 triệu đồng do tự ý khai thác chương trình của VTV trên YouTube…

         Vậy, tại sao lại có sự vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí như hiện nay? Việc sử dụng bài viết của báo khác, vốn rất dễ dàng trên các Website, đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” tại Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:

        Đầu tiên, đó là sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội, internet, tạo điều kiện rất lớn cho các hành vi sao chép, cắt xén… bài báo; giả mạo, giả danh các tờ báo diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Với khả năng của các phần mềm CMS, việc copy bài viết từ các trang tin điện tử khác để mang về website của mình một cách hoàn toàn tự động là điều khá dễ dàng. Chính sự dễ dàng đó cũng là một nhân tố thúc đẩy tình trạng “bỏ quên bản quyền” như hiện nay.

         Thử hỏi, tại sao chúng ta không bao giờ thấy việc một tờ báo giấy có uy tín đăng lại nguyên văn bài viết của một báo khác mà không được sự chấp nhận của báo đó và tác giả bài viết? Có bao giờ báo Tuổi Trẻ (giấy) lại đi đăng lại bài viết của Thanh Niên, Pháp luật và Đời sống mà không xin phép không? Câu trả lời dĩ nhiên là không. Tại sao như thế? Một là, các báo hiểu rõ rằng việc làm đó sẽ “hủy hoại” uy tín của tờ báo trong mắt độc giả và vị thế của báo trong làng báo chí như thế nào. Hai là, việc tôn trọng bản quyền đã thành một thứ luật “bất thành văn” trong giới báo giấy. Chính thứ luật bất thành văn này và ý thức về sự hiện diện của nó đã khiến các báo tự giác tuân thủ bản quyền mà không cần một sự thúc ép nào từ các văn bản luật chính thức.

          Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) từ lâu đã hưởng lợi từ các trường hợp ngoại lệ dành cho trạng thái trung lập của mình. Theo đó, các ISP chỉ phải gỡ các nội dung xâm phạm quyền tác giả nếu họ được thông báo về vi phạm đó một cách hợp lý. Người thông báo thường là chủ sở hữu quyền tác giả bị xâm phạm. Câu hỏi đặt ra là với khối lượng thông tin khổng lồ được đăng tải mỗi ngày lên internet, bằng cách nào các nghệ sỹ, nhạc sỹ, youtuber,… có thể kiểm soát được các nội dung của người khác đăng tải lên xâm phạm quyền của mình?

Một số tờ báo in hiện nay

          Thứ hai, sự chưa chặt chẽ trong các quy định luật pháp về bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí, đặc biệt là ở lĩnh vực thương mại điện tử (báo điện tử cũng là một mô hình kinh doanh thương mại điện tử). Với tư cách là một trong những quốc gia có tốc dộ phát triển internet nhanh nhất thế giới và có mục tiêu hướng đến hình thành nền kinh tế số, Việt Nam đang là người đến sau trong tiến trình hoàn thiện của luật về quyền tác giả trên internet. Mặc dù theo đề án chuyển đổi số quốc gia, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 50% doanh nghiệp  kinh doanh trên nền tảng số, khung pháp lý về bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa đầy đủ. Thông tư liên tịch 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL như đề cập chỉ có vọn vẹn tám điều khoản, trong đó chỉ có hai điều khoản quy định trực tiếp về cơ chế xử lý trách nhiệm của các ISP tại Việt Nam và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử chưa quy định rõ về trách nhiệm của ISP tại Việt Nam hiện nay.

         Bên cạnh đó, khả năng thực thi, bảo hộ bản quyền tác giả, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí chưa chặt chẽ. Các cơ quan báo chí chỉ có thể dựa vào ý thức tự giác của các đồng nghiệp, vận động tự thân.

         Thế nhưng nguyên nhân cốt lõi thật sự nằm ở ý thức và nhận thức về pháp luật của mỗi tờ báo, nói chính xác hơn là nhận thức cá nhân về việc tôn trọng bản quyền của người làm báo, phóng viên và đặc biệt là Ban biên tập, những người có toàn quyền quyết định nội dung và hướng đi của một tờ báo. Khởi đầu với VnExpress, trang báo đầu tiên ở Việt Nam chỉ có bản điện tử mà không có bản in giấy. Thành công của VnExpress đã khiến các báo điện tử sau này cảm thấy chỉ có cách tạm thời bỏ qua vấn đề bản quyền thì họ mới có thể nhanh chóng vươn lên, thu hút được đọc giả với lượng tin bài “phong phú” của mình. Mặt khác, các báo cảm thấy bị “thiệt thòi” nếu quá “cứng nhắc”, không tận dụng nguồn tài nguyên từ báo khác như các đối thủ. “Họ đã lấy tin bài của mình, tại sao mình lại không lấy tin bài của họ? Ai cũng làm thế cả.” Cái luật bất thành văn về bản quyền ở báo giấy giờ đây trở thành luật “không nói đến chuyện bản quyền” ở các báo điện tử.

         Thứ năm, sự thật là đa số độc giả xem tin tức online không quan tâm mấy đến vấn đề bản quyền. Đối với họ, chỉ cần website nào có tin tức hay đáp ứng mối quan tâm và sở thích của họ, được cập nhật thường xuyên thì họ sẽ chọn trang tin đó. Sự “khoan dung” và dễ dãi của độc giả về tính nguyên gốc của bài viết trên môi trường mạng đó cũng là một nhân tố quan trọng “khuyến khích” các báo điện tử tiếp tục tránh né vấn đề bản quyền. Về lâu dài, điều này ẩn giấu một đe dọa tiềm tàng với các báo điện tử có tiếng hiện nay: người đọc sẽ chuyển sang báo nào có lợi cho họ hơn..

         Thứ sáu, các chủ thể quyền, các tác giả, các nhà báo chưa chủ động áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

          Một nguyên nhân nữa có thể cần nhắc tới, có thể các trang tin muốn mang tất cả thông tin tại một nơi để tiện lợi cho người đọc. Cũng có lẽ đối với một trang tin điện tử mới ra đời, sẽ rất khó truy cập được những nguồn thông tin tốt. Nên cách trước mắt là vừa cố gắng tạo thế đứng của mình trong làng báo chí qua những bài viết riêng, vừa sử dụng lại bài viết từ các nguồn khác để làm phong phú trang tin của mình, nhằm thu hút bạn đọc và nhà quảng cáo. Thế nhưng không thể chỉ vì những lý do đó mà việc xài “chùa” bài viết, vốn là công sức của tác giả, là tài sản của các báo, trở thành một chuyện đương nhiên ở tất cả các báo điện tử được.

         Thứ tám, nhiều cơ quan báo chí, trang tin điện tử đã tự ý khai thác nội dung của báo bạn vì muốn tiết giảm kinh phi, vì không đủ phóng viên có năng lực thực hiện các bài viết và đôi khi cũng không nghĩ rằng việc làm của mình ảnh hưởng đến hoạt động của báo bạn. Thậm chí, nhiều người trong số họ còn cho rằng việc đăng lại bài của cơ quan báo chí khác chính là giúp phát triển cho các báo đó. Nhưng quan điểm này là sai lầm. Điều này sẽ tạo ra một sân chơi thiếu bình đẳng, thiếu trung thực.

           Tình trạng không tôn trọng bản quyền khiến các báo điện tử sẽ bị cạnh tranh dữ dội bởi nhiều báo điện tử mới. Chi phí cực kì thấp về mặt công nghệ (phần mềm CMS thậm chí miễn phí – open source, hosting quá rẻ) đã khiến việc lập một tờ báo điện tử chưa bao giờ dễ dàng như hiện nay (tất nhiên chưa tính đến việc xin giấy phép gian nan, nhưng nếu khéo léo thì đó vẫn là điều trong tầm tay). Điểm khác biệt duy nhất giữa một tờ báo lớn và một báo điện tử nhỏ chỉ nằm ở phần nội dung. Nếu như các báo mới ấy không những không tốn chi phí phát triển nội dung, mà còn tổng hợp tất cả những tin tức từ các báo khác về làm của mình, đồng thời sử dụng số tiền “tiết kiệm” được vào chiến lược marketing, thậm chí khuyến mãi để thu hút độc giả, thì các báo điện tử hiện tại sẽ lại có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh đáng ngại, làm giảm lợi nhuận quảng cáo và phân mảnh thị trường. Các phóng viên mất đi nguồn thu nhập chính đáng của mình. Nếu các báo có doanh thu cao hơn vì bản quyền không bị xâm phạm, thì tất nhiên nhuận bút và lương của phóng viên cũng được trả cao hơn. Hoặc các phóng viên, cộng tác viên có thể thỏa thuận đăng bài viết của mình cho nhiều báo, nếu báo nào muốn độc quyền đăng bài đó thì sẽ phải trả nhuận bút cao hơn.

           Báo chí, cho dù trực thuộc nhà nước hay không, cũng là doanh nghiệp sinh lợi nhuận. Bài viết chính là sản phẩm của họ, nếu sản phẩm bị “sử dụng chùa” thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu quảng cáo của báo. Đối với các báo hiện chưa có phiên bản điện tử hoặc có nhưng không nổi tiếng, thiệt thòi lại càng lớn vì họ vừa không tận dụng được bài viết của mình để sinh lợi thêm, mà còn làm lợi cho đối thủ. Các bạn nghĩ sao khi trong tương lai đa số sẽ đọc báo điện tử thay cho báo giấy? Mặc dù báo giấy sẽ không bao giờ chết, nhưng sự thiếu tôn trọng bản quyền này sẽ khiến nhiều báo nhỏ không thể tồn tại. Cạnh tranh không lành mạnh. Thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam sẽ tăng vọt trong những năm tới. Nếu không có một giải pháp hiệu quả cho vấn đề bản quyền thì các tờ báo chân chính, bỏ tiền của nhân lực để mang tin tức đến cho bạn đọc sẽ mất lợi thế cạnh tranh, trong khi những cá nhân và tổ chức không tôn trọng bản quyền lại được hưởng lợi.  

           Giải pháp nào cho công tác bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí hiện nay?

          Nhìn nhận ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm phạm bản quyền các tác phẩm báo chí, chúng ta cần chung tay, đưa ra các giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để đảm bảo công tác bảo hộ bản quyền các tác phẩm báo chí được đẩy mạnh trong thời đại công nghệ số.

         Trước hết, các cơ quan báo chí phải nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên về các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề bản quyền, từng bước chấm dứt hành vi sử dụng nội dung, hình ảnh trong các tác phẩm báo chí của đơn vị khác mà chưa xin phép. Phải hiểu rõ thì mới có thể thực hiện đúng các quy định pháp luật.

         Hai là, vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí trước hết là vấn đề dân sự, nên mỗi chủ thể quyền tác giả phải ý thức được việc tự bảo vệ quyền của mình. Mỗi toà soạn báo chí phải xem những tác phẩm báo chí là tài sản sống còn của cơ quan báo chí, giống như tài nguyên cần được khai thác, chia sẻ cùng có lợi. Phải xem bảo vệ bản quyền là vấn đề quan trọng không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị. Đồng thời tăng cường các tuyến tin, bài tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề bản quyền các tác phẩm báo chí. Mỗi cơ quan báo chí và mỗi người làm báo phải tỏ ra kiên quyết trong đấu tranh chống vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí.

        Ba là, các cơ quan báo chí cần phải cam kết mạnh mẽ không vi phạm vấn đề bản quyền của nhau. Cùng với đó phải liên kết với nhau và liên kết với các doanh nghiệp mạng cung cấp dịch vụ để thực hiện đúng quy định pháp luật về vấn đề bản quyền trên cơ sở chia sẻ quyền lợi, phát huy các thế mạnh. Các cơ quan báo chí không thể làm một mình mà cần thành lập một liên minh, trong đó các thành viên phải tôn trọng bản quyền của nhau, thực thi nghiêm Luật Sở hữu trí tuệ, bản quyền báo chí và định kỳ thống kê, công bố tình hình vi phạm cũng như chế tài liên quan. Liên minh này ngoài cơ quan báo chí cần phải có cơ quan quản lý, các doanh nghiệp công nghệ… Tuy nhiên, cho dù có liên minh thì các cơ quan báo chí cũng nên có cơ chế và giải pháp để tự bảo vệ mình trước tiên.

         Bốn là, việc sử dụng lại bài viết của các báo khác hay không hoàn toàn là do quyết định của Ban biên tập. Nếu Ban biên tập của một tờ báo nào đó nhận ra cơ hội để khẳng định uy tín cũng như tự tin vào khả năng độc lập của tờ báo mình, thì quyết định chấm dứt đăng bài viết của báo khác. Đây cũng là cách để thu hút bạn đọc, nâng cao uy tín cho tờ báo đó. Sau khi đã tự mình “làm gương”, chính lãnh đạo của tờ báo tiên phong nên lên tiếng, kêu gọi sự hợp tác của các tờ báo lớn về vấn đề tôn trọng bản quyền.

          Năm là dùng chính giải pháp công nghệ để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền và bảo vệ quyền. Theo đó cần thiết phải có những “bộ lọc” công nghệ để các đơn vị báo chí sử dụng, dựa vào đó nhanh chóng phát hiện, lưu vết và chuyển cơ quan chức năng xử lý. Bộ lọc công nghệ này có chức năng thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, khai phá dữ liệu, lưu trữ và truy vấn, ứng dụng và cảnh báo. Truyền thông công khai các biểu hiện vi phạm pháp luật Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới, buộc tuân thủ luật pháp Việt Nam về quản lý nội dung, quản lý quảng cáo.

         Sáu là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực thi, bảo hộ bản quyền tác phẩm báo chí. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới, ứng dụng công nghệ thông tin xử lý bản quyền tác phẩm báo chí, tham khảo cách thức truy vết và bảo vệ bản quyền để có thể bảo vệ tốt nhất những sản phẩm trí tuệ của mình.

         Bảy là, đề nghị bổ sung chức năng bảo vệ bản quyền báo chí vào nội dung quản lý nhà nước về báo chí. Hội Nhà báo Việt Nam cũng cần bổ sung vai trò trọng tài trong các tranh chấp về bản quyền báo chí. Điều này là để gia tăng tính hiệu quả thực thi pháp luật, vì khi bị vi phạm, việc khiếu kiện theo trình tự tố tụng là bất khả thi. Thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Việc các cơ quan báo chí liên kết cùng làm, cùng chia sẻ nguồn lực với sự trợ giúp của Nhà nước thì việc đấu tranh vi phạm bản quyền trước những thực thể đa quốc gia mới đạt được kết quả cao. Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Hội Nhà Báo đóng vai trò tích cực trong việc làm cầu nối và cả “trọng tài” để đảm bảo các tổ chức báo chí đều tuân thủ thỏa thuận bản quyền các tác phẩm báo chí.

          Tám là, bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí đến từ chính bạn đọc, trong tương lai sẽ có một lớp độc giả mới có kiến thức và ý thức rất cao về các vấn đề nhạy cảm như bản quyền. Những người này không những ủng hộ các báo có nội dung nguyên bản, mà còn có tiếng nói và sức ảnh hưởng lớn đến các thành phần độc giả khác trong xã hội, khiến họ bắt đầu có ý thức về vấn đề bản quyền hơn. Những báo điện tử đi đầu trong việc tôn trọng bản quyền sẽ “chinh phục” được trái tim của những độc giả cực kì quan trọng này. Không những vậy, uy tín của những tờ báo tiên phong này cũng sẽ được củng cố mạnh mẽ. Nếu báo nào cũng sử dụng bài viết của nhau, thì sẽ chẳng còn phong cách riêng, và do đó, cũng không còn độc giả trung thành nữa. Một tờ báo tôn trọng bản quyền cũng đồng nghĩa với việc nhất quán trong nội dung, phong cách của mình, vốn là nền tảng để xây dựng lên một lượng độc giả trung thành.

          Chín là, sự chặt chẽ trong các quy định pháp luật từ phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng là yếu tố quan trọng trong việc giải quyết dứt điểm việc xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực báo chí. Tăng mức xử phạt hành chính lên gấp 3 hoặc gấp 5 lần so với mức xử phạt hiện hành thì sẽ có tính răn đe hơn đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Cách mạng công nghệ thông tin nổi lên trong bối cảnh giá trị của luật Sở hữu trí tuệ đang bị thách thức bởi các nguyên tắc truyền thống của chính nó. Giờ đây Việt Nam đang đối mặt trực diện với vấn đề lớn nhất mà luật Sở hữu trí tuệ nói chung, phần nội dung quyền tác giả nói riêng hiện tại đang phải đối mặt: giải quyết các ngoại lệ truyền thống của luật trong bối cảnh môi trường mới và đồng thời duy trì động lực phát triển của nền kinh tế số với tư cách là quốc gia đang phát triển. Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận các giải pháp của Chỉ thị (EU) 2019 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu ngày 17/04/2019 về bản quyền và các quyền liên quan trong Thị trường Số Duy nhất và các Chỉ thị sửa đổi bổ sung 96/9/EC và 2001/29/EC theo cách thức nhẹ nhàng và linh động phù hợp với hoàn cảnh quốc gia. Các quy định về trách nhiệm của các ISP trong việc bảo vệ quyền tác giả cần được điểu chỉnh để đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội cũng như đề cao vai trò “gác cổng” của các ISP. Trong bối cảnh sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ và thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, các nhà lập pháp nên cân nhắc các vấn đề trên. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể đảm bảo được sự đa dạng và bền vững của nền kinh tế số.

         Với uy tín, cùng đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp của mình, các tòa báo hoàn toàn có khả năng đứng vững một cách độc lập và tiếp tục phục vụ tốt độc giả của mình, ngay cả khi không cần đến bài viết của báo khác. Các tòa báo hãy khẳng định vị thế của mình đến bạn đọc. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể xác lập môi trường báo chí trung thực, tôn trọng bản quyền và góp phần tăng cường vai trò chính trị, xã hội, văn hóa và kinh tế của báo chí trong sự nghiệp phát triển của đất nước, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.

Lê Hương

 

img