Chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực bản quyền và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ nhiệm vụ quan trọng là “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Chuyển đổi số chỉ có thể thành công nếu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Chính vì vậy, tại Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Ý nghĩa của Ngày Chuyển đổi số quốc gia
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, Việt Nam có gần 100 triệu dân và có khoảng 1 triệu người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Ngày Chuyển đổi số quốc gia có ý nghĩa vô cùng thiết thực: góp phần nâng cao nhận thức của toàn dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống nói riêng của mỗi người và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung của Đất nước. Với quan điểm chuyển đổi số để giúp giải quyết các vấn đề của cuộc sống, chuyển đổi số “vị” nhân sinh, thì tinh thần xuyên suốt là ngày nào cũng là ngày chuyển đổi số, vì cuộc sống tiếp diễn liên tục, không ngừng đặt ra những vấn đề mới. Vì thế, Ngày Chuyển đổi số quốc gia còn là ngày mà mỗi cá nhân, tổ chức dừng lại một chút để cảm nhận về quá khứ, hiện tại và tương lai; về những gì còn chưa làm được, về những gì đã làm được và về những dự định, kế hoạch phù hợp sẽ triển khai trong thời gian tới.
Qua quá trình sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, người dân sẽ được phổ cập kỹ năng số, có kỹ năng số sẽ thúc đẩy tiêu dùng số, hình thành thị trường số từ đó thúc đẩy hình thành công dân số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Cơ quan Nhà nước cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ đồng hành với người dân trong tiến trình chuyển đổi số bằng cách đồng loạt có chính sách ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số lên tới 50% giá sản phẩm, dịch vụ.
Tại Hội thảo “Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp” diễn ra ngày 9/10/2022 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, cho biết tính đến nay, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số. Theo thống kê mới nhất của Cục chuyển đổi số quốc gia cho thấy, tính đến tháng 6/2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021.
Ngày Chuyển đổi số quốc gia đánh dấu ý nghĩa của chuyển đổi số như là một phương thức phát triển mới của đất nước trong thời gian tới, mở ra những không gian mới cho sự phát triển. Chuyển đổi số không phải là thêm một việc mới, mà chuyển đổi số là thêm một cách làm mới cho những việc hiện tại.
Ảnh minh họa
Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân
Nếu coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch, và năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân là chủ đề của Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022, theo đó, các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 tập trung vào phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thúc đẩy, quảng bá toàn dân tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, làm cho người dân được thụ hưởng các kết quả do chuyển đổi số mang lại.
Chuyển đổi số quốc gia – động lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và bảo hộ bản quyền.
Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hànhđộng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong ngành văn hóa,thể thao, du lịch và gia đình; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về Ngày Chuyển đổi số với sự đa dạng vềhình thức triển khai, nội dung nhằm đảm bảo phong phú, thiết thực, phù hợp với từngcơ quan, đơn vị; ngày 03/10/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2431/QĐ-BVHTTDL về việc Ban hành Kế hoạch tuyên truyền về Ngày Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2022. Theo đó, nội dung tuyên truyền Ngày Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL năm 2022 có chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân” sẽ được triển khai trong tháng 10/2022. Cụ thể, việc tuyên truyền về Ngày Chuyển đổi số của Bộ VH,TT&DL năm 2022 được triển khai thông qua việc tổ chức lan truyền thông điệp Ngày Chuyển đổi số quốc gia trên môi trường số (các trang mạng xã hội, trang, chuyên trang, cổng thông tin điện tử); Tổ chức thông tin, tuyên truyền về Ngày Chuyển đổi số quốc gia thông qua các chuyên đề, chuyên mục, phóng sự, hội nghị, tọa đàm, trình chiếu phim tư liệu về lịch sử phát triển công nghệ thông tin Việt Nam, đưa tin về các hoạt động hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, phát huy hiệu quả của Mạng lưới chuyển đổi số cộng đồng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich trong việc tuyên truyền, hướng dẫn về Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Cùng với đó, lồng ghép hoạt động tuyên truyền với các hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội trực thuộc Bộ VHTTDL.
Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, Ngày Chuyển đổi số quốc gia với các hình thức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Với 32 nhiệm vụ cụ thể được triển khai tập trung các nội dung tạo nền tảng chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, phát triển ứng dụng, phát triển dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin mạng được đặt ra cho công tác chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch năm 2022.
Thời gian qua, chuyển đổi số đã được các doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo triển khai mạnh mẽ, tại Hội nghị “Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam – Đồng hành chuyển đổi số quốc gia”, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) nhấn mạnh chuyển đổi số tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho ngành quảng cáo. Chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ nhằm phát huy tối đa các nguồn lực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Yên nhấn mạnh, Thủ tướng phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030, trong đó sẽ phát triển nền tảng số đột phá để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Cũng như các lĩnh vực khác, chuyển đổi số trong lĩnh vực điện ảnh là một xu hướng tất yếu đòi hỏi cần có những giải pháp thúc đẩy, nhằm thương mại hóa và đặc biệt là quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra bạn bè quốc tế thông qua các tác phẩm điện ảnh. Ngày 01/7/2022, Cục trưởng Cục Điện ảnh đã ban hành quyết định số 1521/QĐ-BVHTTDL về việc triển khai thực hiện chuyển đổi số ngành điện ảnh giai đoạn 2022-2025. Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cần có những giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trông lĩnh vực điện ảnh của Việt Nam như: phát triển hệ sinh thái điện ảnh số, phát triển các nền tảng công nghệ trong lĩnh vực điện ảnh, thương mại hóa điện ảnh thông qua chuyển đổi số.
Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, để tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số năm 2023, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã đăng ký 04 nhiệm vụ/đề án, gồm: đề án quản lý số ngành công nghiệp nghệ thuật biểu diễn nhằm đáp ứng yêu cầu về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa với nội dung đầu tư xây dựng phần mềm cập nhật và thống kê dữ liệu quản lý về nghệ thuật biểu diễn; dữ liệu mạng lưới nguồn lực ngành nghệ thuật biểu diễn phục vụ công tác quản lý nhà nước lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (thông tin về nguồn lực đã được số hoá để cập nhật vào hệ thống phần mềm quản lý số); cập nhật và phát triển cơ sở dữ liệu ngành nghệ thuật biểu diễn; triển khai, nâng cấp và mở rộng hạ tầng Công nghệ thông tin nhằm đảm bảo hệ thống hạ tầng Công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm là một lĩnh vực quan trọng trong các ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam đang cố gắng phát triển trong thời gian tới. Trong nền kinh tế số, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cũng sẽ có những thay đổi cần thiết để phù hợp với bối cảnh phát triển mới. Sự thay đổi trước hết sẽ được nhận thấy trong cả 3 khâu chính là sáng tạo, phân phối và tiêu dùng của công chúng. Tại Hội thảo khoa học “Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào lĩnh vực Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm”, các đại biểu khẳng định, các sáng tạo nghệ thuật trực tiếp trên các không gian số, thậm chí có cả sự tham gia cùng sáng tạo của công chúng vào quá trình tạo ra tác phẩm sẽ ngày càng phổ biến hơn. Một nghiên cứu đã chỉ ra 3 đặc trưng cơ bản nhất của nghệ thuật mạng đó là: đa phương tiện, siêu văn bản và tương tác. Điều này cho thấy công nghệ số với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ sẽ làm thay đổi ngay từ chính khâu sáng tạo nghệ thuật, thậm chí tạo ra các tác phẩm nghệ thuật chỉ tồn tại trên không gian số.
Với sự xuất hiện của chuyển đổi số, các hoạt động trong ngành công nghiệp du lịch đã tạo ra một sự đổi mới trong cách mọi người nhận thức và nắm bắt thông tin và dịch vụ mà các đại lý du lịch cung cấp. Cụ thể, sự tồn tại và phổ biến của việc sử dụng Internet, cũng như sự phát triển phần mềm du lịch, đã xóa tan thách thức về mặt địa lý, cho phép các công ty và khách hàng tương tác với nhau chỉ qua một màn hình. Với sự hỗ trợ của quá trình số hóa, các đại lý du lịch đã tận dụng để thực hiện các giao dịch và công bố chi tiết thông tin trong từng giai đoạn của chuyến đi, cho phép khách hàng nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi chuẩn bị xuất phát. Như vậy, chuyển đổi số chắc chắn là yếu tố bắt buộc đối với các công ty du lịch muốn phát triển mạnh giữa thị trường du lịch cạnh tranh ngày nay. Tại Diễn đàn “Luồng Xanh” tổ chức ngày 18/05/2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Lê Phúc đã nhấn mạnh Chuyển đổi số tạo động lực phát triển bền vững cho ngành du lịch Việt Nam cất cánh. Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục du lịch) vừa ra mắt tài liệu “Chuyển đổi số trong ngành du lịch: Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động”. Tài liệu nhằm cung cấp thông tin tổng quan về thực trạng và các giải pháp tổng thể, các bước cần thực hiện giúp các bên liên quan dễ dàng định hướng triển khai chuyển đổi số để phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, góp phần tạo sự đồng bộ và thống nhất hành động chuyển đổi số trong toàn ngành du lịch.
Hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10/2022), Cục Bản quyền tác gia đã ban hành Công văn số 357/BQTG-VP về đăng ký nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Chuyển đổi số năm 2023. Cụ thể, theo kế hoạch, trong năm 2023, Cục Bản quyền tác giả sẽ triển khai số hóa dữ liệu đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan nhằm lưu trữ dữ liệu đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đã được cấp phép với nội dung đầu tư số hóa dữ liệu đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan qua các năm.
Cùng với đó, Cục triển khai nâng cấp phần mềm số hóa, phần mềm đăng ký kết nối với dịch vụ công của Bộ nhằm tìm hướng tới mục tiêu tìm kiếm, tra soát dữ liệu đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đã được cấp phép với nội dung đầu tư là nâng cấp phần mềm số hóa với công nghệ mới, bổ sung metadata, cho phép truy cập sử dụng qua mạng, tích hợp với phần mềm nghiệp vụ đăng ký bản quyền.
Việc nâng cấp phần mềm đăng ký kết nối dịch vụ công của Bộ giúp cho công tác quản lý và bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan được hiệu quả và chủ động hơn. Các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đăng ký tác phẩm của mình được nhanh hơn, hiệu quả hơn. Người dân có thể truy cập vào hệ thống dữ liệu để biết được một số thông tin của tác phẩm đã được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả, quyền liên quan tại Cục Bản quyền tác giả.
Hội nghị tập huấn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan tại Đà Lạt
Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đặt ra những cơ hội, tuy nhiên cũng có nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số. Ngày 17/02/2022, Việt Nam gia nhập và là thành viên của Hiệp ước về quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WCT); từ ngày 01/7/2022 là thành viên của Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WPPT). Đây là 2 Hiệp ước quốc tế bảo hộ các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được sáng tạo, lữu trữ, phổ biến và sử dụng trên mạng internet. Sự ra đời của 2 Hiệp ước trên môi trường số đã góp phần giải quyết những thách thức đặt ra bởi công nghệ kỹ thuật số hiện nay, đặc biệt là trên môi trường internet.
Ngày 16 tháng 6 năm 2022, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được thông qua với 476/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 95,58% tổng số đại biểu Quốc hội). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2023. Với 26 điều sửa đổi, bổ sung mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có các quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số như: quy định về biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, biện pháp công nghệ hữu hiệu, quy định về trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian…
Đây cũng là những hành động cụ thể để góp phần thực hiện chủ trương chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động với mục đích tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương và chính sách đã được đề ra trong Nghị quyết số 52-NQ/TW; Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Ảnh minh họa
Ngày Chuyển đổi số quốc gia không chỉ mang ý nghĩa chào mừng, tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân đã tham gia vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia, mà còn là dấu mốc để đánh giá hoạt động chuyển đổi số hằng năm. Năm 2022 là năm lần đầu tiên tổ chức các hoạt động nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”, các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 sẽ tập trung vào phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số…
Tại Hội thảo “Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp” diễn ra ngày 9/10/2022, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số cho biết, tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ- Chủ tịch Ủy ban đã nhấn mạnh chuyển đổi số tác động tới mọi người dân, nên phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực. Mọi chính sách đều hướng về người dân và doanh nghiệp. Do đó, người dân và doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Có như vậy, chuyển đổi số mới mang tính toàn dân và toàn diện, mới mang lại lợi ích thiết thực.
Ngày Chuyển đổi số quốc gia sẽ được tổ chức hằng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Lê Hương