Chủ Nhật, 03-03-2024 11:02
img

Để văn hóa thực sự trở thành ngành công nghiệp phát triển – Bài 2: Hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm công nghiệp không khói hàng đầu cả nước

Hà Nội là thành phố hội tụ đầy đủ tiềm năng, cơ hội để trở thành một thành phố sáng tạo của Việt Nam và các nước trong khu vực. Phát triển công nghiệp văn hóa chính là con đường để văn hóa Thủ đô tham gia cạnh tranh trên thị trường văn hóa quốc tế, tăng cường sức mạnh tổng hợp nội sinh của đất nước, trở thành “quyền lực mềm” có vai trò không thể thay thế. Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo đột phá trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Ảnh Hồng Hà

Tạo cơ chế để đột phá

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, để xác định rõ những tiềm năng, khó khăn, thách thức trong phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội đã thực hiện bài bản, thận trọng, tạo nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của lĩnh vực.

Ngày 22/2/2022 được đánh giá là dấu mốc quan trọng đối với lĩnh vực công nghiệp văn hóa thủ đô khi Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Thông qua việc ban hành Nghị quyết, có thể khẳng định, Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô là quan trọng như thế nào.

Điều này cũng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô trong phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa ngàn năm, đồng thời đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nghị quyết số 09-NQ/TU là những chỉ dẫn đầu tiên thể hiện rõ nét nhất mong muốn, quyết tâm, ý chí và hàng loạt giải pháp thúc đẩy nguồn lực văn hóa tiềm năng của Thủ đô. Đáng chú ý, Thành ủy Hà Nội xác định phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô.

“Là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp ít nhất 8-10% GRDP kinh tế Thủ đô” – ông Nguyễn Văn Phong chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội xác định đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển.

Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cộng đồng sáng tạo đều có chung nhận định rằng, Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa của Thành ủy Hà Nội là chủ trương trúng và đúng trong bối cảnh hiện nay, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Hà Nội, với xu thế chung của thế giới; cụ thể hóa thương hiệu “Thành phố sáng tạo” đã được UNESCO công nhận.

Theo TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, thế mạnh của Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa chính là “vốn” di sản văn hóa vừa giàu có, vừa đa dạng. Hà Nội còn là nơi tập trung nhiều người tài giỏi, sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

  1. Lê Thị Minh Lý cho rằng, bằng việc ban hành Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa, Thủ đô đã có thêm những cơ chế chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, quan tâm đến đầu tư cho di sản văn hóa, tiềm năng của công nghiệp văn hóa. Trong tương lai, Hà Nội được kỳ vọng sẽ trở thành miền đất, thị trường lý tưởng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là sản phẩm giáo dục văn hóa dựa trên di sản.

Đánh thức di sản

Năm 2019, sau 20 năm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng, Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

Sự kiện này giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế, là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực, nhất là khai thác, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người thành nguồn “sức mạnh mềm” đảm bảo cho việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô.

Sau 4 năm gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đang từng bước khẳng định thương hiệu “Thành phố sáng tạo” với vị thế tiên phong, sáng tạo, khả năng hội nhập xu hướng kinh tế sáng tạo quốc tế.

Từ năm 2019 đến 2023, nhiều hoạt động trình diễn văn hóa sôi nổi, độc đáo của các không gian sáng tạo Hà Nội đã được tổ chức, như không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, không gian bích họa phố Phùng Hưng, không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn… được sử dụng thành nơi tổ chức các hoạt động sáng tạo, kết nối cộng đồng, góp phần làm cho người dân thêm yêu thành phố, khơi dậy những năng lượng sáng tạo tích cực, góp phần định hình thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Đặc biệt, năm 2023 được đánh giá là một năm “bùng nổ” của Hà Nội với hàng loạt các thành tựu trong xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa mang nhiều dấu ấn, lan tỏa tới nhiều địa phương về cách làm, mô hình hay, hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, trong năm 2023, Hà Nội đã tổ chức hơn 2.000 sự kiện, hoạt động, đón khoảng 24 triệu lượt khách du lịch, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của Thủ đô. Hà Nội đang tiến tới đạt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của cả nước.

Sau 3 năm tổ chức, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra với quy mô lớn ở nhiều địa điểm, với sự góp sức, chung tay của cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà sáng tạo, huy động nhiều loại hình sáng tạo như: Thiết kế, thời trang, biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc…

Năm 2023 đánh dấu hoạt động hiệu quả, sôi động của các lễ hội văn hóa, âm nhạc, du lịch như: Lễ hội Áo dài, lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa, Born Pink World Tour, lễ hội Thu Hà Nội…, góp phần lan tỏa hình ảnh Thủ đô năng động, sáng tạo, an toàn, mến khách và còn cho thấy tiềm năng lớn để Hà Nội trở thành trung tâm biểu diễn nghệ thuật của cả nước, có sức hút lớn….

Lễ hội đã “đánh thức” những di sản công nghiệp có tuổi thọ 100 năm tưởng như “ngủ quên” thành địa điểm văn hóa hấp dẫn: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu. Sau 12 ngày tổ chức, lễ hội thu hút 200.000 lượt người tham dự, đông nhất đối với một lễ hội văn hóa tại Hà Nội kể từ sau dịch Covid-19.

Thông qua Lễ hội không chỉ nhằm mang lại cho công chúng Hà Nội, khách du lịch trong và ngoài nước các sản phẩm văn hóa, du lịch chất lượng mà còn góp phần khẳng định năng lực tổ chức, sáng tạo không ngừng của thành phố Hà Nội đang từng bước góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Chia sẻ cảm xúc khi dự lễ hội lần này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “Lễ hội đã thực sự gây ấn tượng mạnh trong cộng đồng sáng tạo không chỉ ở Hà Nội, Việt Nam mà cả ở cả khu vực và trên thế giới. Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta lại thấy tinh thần sáng tạo ấy mạnh mẽ và truyền cảm hứng đến như vậy. Đặc biệt hơn nữa là không khí và tinh thần ấy xuất phát từ chính cộng đồng, cá nhân nghệ sĩ và người dân. Như thế, một lần nữa, quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyên vọng của Nhân dân và thực tiễn của cuộc sống”.

Tìm hướng đi mới cho du lịch văn hóa

Trong bức tranh tổng thể với gam màu tươi sáng về phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, du lịch văn hóa tạo sức bật khi trong năm 2023, nhiều sản phẩm du lịch gắn với văn hóa được ra mắt. Qua đó cũng thể hiện rõ nét Hà Nội đã định hình được hướng đi trong phát triển du lịch văn hóa, một trong 12 ngành của công nghiệp văn hóa được Chính phủ xác định.

Điển hình, Hà Nội xây dựng chuỗi sản phẩm khai thác giá trị các di tích, di sản, làng nghề truyền thống; công bố 15 sản phẩm du lịch đêm – trở thành địa phương đi đầu trong phát triển du lịch đêm; xây dựng sản phẩm du lịch golf để thu hút dòng khách cao cấp chi tiêu cao, lưu trú dài ngày tại Hà Nội…

Cuối tháng 12/2023, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức đoàn khảo sát hơn 60 doanh nghiệp lữ hành, phần đông là lữ hành Inbound (đón khách quốc tế), thực hiện xây dựng 2 tuyến du lịch mới có tên “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long”, gồm: Trung tâm Hà Nội – Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên và tuyến trung tâm Hà Nội – Thanh Oai – Ứng Hòa – Mỹ Đức.

Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) Phan Huy Cường cho biết, đây là hai tuyến du lịch kết nối nhiều điểm ở ngoại thành, nhằm xây dựng sản phẩm mới cho du lịch Hà Nội trong năm 2024, góp phần thu hút du khách lưu trú và chi tiêu nhiều hơn khi đến Hà Nội.

Bên cạnh các điểm đến truyền thống, nhiều địa chỉ du lịch mới ở ngoại thành Hà Nội đang được người nước ngoài tìm kiếm như: Làng tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), làng dệt tơ tằm, tơ sen Phùng Xá (Mỹ Đức)…

Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, nhiều đoàn khách quốc tế có xu hướng lưu trú tại Hà Nội 3-5 ngày, thậm chí có những đoàn khách lưu trú 7 ngày. Thực tế này thể hiện bằng doanh thu khi tổng thu từ khách du lịch năm 2023 ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022. Được biết, trong tổng số 24 triệu lượt khách đến Hà Nội năm 2023 có 4 triệu lượt khách quốc tế, trong đó có 2,82 triệu lượt khách quốc tế lưu trú, tăng 266,7% so với năm 2022 .

Có thể khẳng định, những nỗ lực của Hà Nội trong thời gian qua đã cho thấy quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị thành phố nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa, cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao.

Quá trình phát triển công nghiệp văn hóa là cả chặng đường dài. Để thành công, cần có sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc, đồng lòng của người dân. Tuy vậy, nếu nhìn một cách tích cực, có thể kỳ vọng rằng những dấu ấn đạt được trong năm 2023 ở nhiều lĩnh vực sẽ là “đòn bẩy” để công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển hiệu quả, sáng tạo hơn trong năm 2024, từ đó góp phần hiện thực hóa chiến lược mà Nghị quyết số 09-NQ/TU đề ra, từng bước khẳng định là ngọn cờ tiên phong của cả nước trong phát triển công nghiệp văn hóa./.

Các chuyên gia cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà Thăng Long – Hà Nội được coi là “Thành phố di sản” với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, đặc sắc, nổi bật nhất cả nước. Đây là nơi hiện diện đầy đủ các loại hình di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, với hàng trăm di sản được vinh danh ở nhiều cấp độ, trong đó có 2 di sản được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Hội Gióng ở đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), đền Sóc (huyện Sóc Sơn) và 1 Di sản tư liệu thế giới là 82 bia tiến sĩ Triều Lê – Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám… Đây cũng là một nguồn lực nội sinh lớn để ngành công nghiệp “không khói” của Hà Nội phát triển.

Hoàng Hà – Theo Báo Điện tử tổ quốc

 

img