Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP: khuyến khích văn nghệ sỹ sáng tạo nghệ thuật
Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác. Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ra đời năm 2015 trong bối cảnh cần thiết xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chính sách thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Những năm tiếp theo, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ nói riêng, góp phần xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa.
Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến Nghi định sửa đổi Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (ảnh minh họa)
Cục Bản quyền tác giả được giao làm đầu mối chủ trì xây dựng, báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP. Dự thảo 2 Nghị định được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để xin ý kiến góp ý tại địa chỉ https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-nghi-dinh-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-nghi-dinh-so-21-2015-nd-cp-ngay-14-thang-02-na-7100.
Nhân dịp này, Cục Bản quyền tác giả trân trọng giới thiệu Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP.
- Nội dung chính của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP
Nghị định số 21/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành năm 2015, căn cứ ban hành là Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Nghị định quy định về nhuận bút, thù lao đối với việc sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác. Nghị định số 21/2015/NĐ-CP áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và loại hình nghệ thuật biểu diễn khác bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các loại hình này mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.
Nghị định số 21/2015/NĐ-CP quy định nguyên tắc chung về chi trả cho các lĩnh vực điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và nghệ thuật biểu diễn; và chi trả đối với từng loại hình tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, tác phẩm mỹ thuật và sử dụng tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh để trưng bày, triển lãm. Đối với tác phẩm điện ảnh, việc chi trả căn cứ vào thỏa thuận giữa bên sử dụng và tác giả, chủ sở hữu quyền theo khung, tỷ lệ phần trăm (%) của chi phí sản xuất được duyệt. Đối với tác phẩm mỹ thuật, tính theo tỷ lệ phần trăm (%) giá thành tác phẩm. Trường hợp sử dụng tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh để trưng bày, triển lãm thì tính theo tỷ lệ phần trăm (%) mức lương cơ sở. Đối với tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác lựa chọn một trong hai cách tính mức tiền theo tỷ lệ phần trăm (%) mức lương cơ sở hoặc theo tỷ lệ phần trăm (%) doanh thu cuộc biểu diễn.
- Sự cần thiết xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP
Về cơ sở chính trị: Nghị quyết của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW) xác định nhiệm vụ “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa”. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định “hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra”; đồng thời cần có chính sách phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao trong đó có “công nghiệp văn hóa số”. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 01/02/2021 cũng đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là phải “hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ”. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cũng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là “xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo”. Các văn bản chỉ đạo thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng và Nhà nước ta trong việc tiếp tục hoàn thiện chế độ chính sách đối với văn nghệ sỹ, những người sáng tạo nghệ thuật.
Về cơ sở pháp lý: Hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đã có những bước phát triển, hoàn thiện, phù hợp với tình hình thực tiễn: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua năm 2022; Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan đã được Chính phủ ban hành năm 2023. Theo đó, một số nội dung tại Luật và Nghị định số 17/2023/NĐ-CP có liên quan đến Nghị định số 21/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện như: quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu; từ ngữ tiền bản quyền, tác phẩm mỹ thuật…
Các văn bản pháp luật có liên quan được sửa đổi, bổ sung trong thời gian gần đây như Luật Quản lý và sử dụng tài sản công năm 2017, sửa đổi, bổ sung năm 2022, 2023; Luật Giá năm 2023 và các văn bản quy định chi tiết Luật Giá… Do đó, việc nghiên cứu, đề xuất xác định tiền bản quyền khi sử dụng ngân sách nhà nước chi trả cho việc sáng tạo, khai thác sử dụng các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật về tài chính, các định mức kinh tế – kỹ thuật, thực tiễn bố trí kinh phí của bộ, ngành, địa phương là cần thiết.
Về tình hình thực tiễn: Quá trình tổng kết thi hành pháp luật về nhuận bút, thù lao (tiền bản quyền) đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác và lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định cho thấy một số vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành cần phải được nghiên cứu, bổ sung như thành phần sáng tạo đối với một số loại hình tác phẩm; phân chia hợp lý các mức và khung bảng chi trả để phù hợp với khả năng ngân sách của bộ, ngành, địa phương và đảm bảo phù hợp công sức đóng góp của các thành phần sáng tạo; vấn đề đưa vào khai thác, sử dụng các quyền tác giả, quyền liên quan mà Nhà nước là đại điện chủ sở hữu hoặc đại diện quản lý; việc quản lý, sử dụng khoản tiền bản quyền thu được từ khai thác, sử dụng này; việc quy định những trường hợp và đối tượng phù hợp được hưởng nhuận bút (tiền bản quyền) khuyến khích…
Những lý do trên cho thấy việc xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP là cần thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang được giao xây dựng Nghị định quy định về tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản (thay thế Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản). Dự thảo Nghị định được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và đang được cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, giải trình. Mặc dù tính chất đặc thù của các lĩnh vực là khác nhau, việc xây dựng 02 Nghị định quy định về tiền bản quyền nêu trên cần được 02 Bộ phối hợp chặt chẽ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Theo đó, cũng có ý kiến về tên gọi của Dự thảo Nghị định, đề nghị cân nhắc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 21/2015/NĐ-CP. Căn cứ vào khối lượng nội dung sửa đổi, bổ sung của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP, bảo đảm thực hiện đúng nhiệm vụ được giao và tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền để đề xuất phù hợp.
- Quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định
Cục Bản quyền tác giả là đơn vị đầu mối tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Dự thảo Nghị định.
Tháng 10 năm 2023, Cục Bản quyền tác giả tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Nghị định số 21/2015/NĐ-CP và phối hợp các đơn vị chuyên môn quản lý nhà nước về Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm tổ chức rà soát các quy định về tiền bản quyền đối với các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác để đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung các năm 2009, 2019 và 2022, Luật Điện ảnh, các nghị định quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên qua, Luật Điện ảnh (Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Nghị định số 131/2022/NĐ-CP) và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Cục Bản quyền tác giả đề xuất thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định (Quyết định số 1342/QĐ-BVHTTDL ngày 20/5/2024), tổ chức xin ý kiến các thành viên trong Ban soạn thảo và Tổ biên tập, tổ chức Hội nghị – Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Nghị định, tổ chức các buổi làm việc với Cục Điện ảnh, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm về nội dung chuyên môn quản lý nhà nước của các đơn vị, buổi làm việc với một số đơn vị nghệ thuật và tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý.
Hồ sơ Dự thảo Nghị định hiện đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (từ ngày 14/11/2024) và gửi lấy ý kiến góp ý bằng văn bản của các Bộ, ban, ngành liên quan, các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội văn học nghệ thuật, các đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản, các đối tượng liên quan khác và các chuyên gia trong lĩnh vực theo quy định.
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Cục Bản quyền tác giả sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của các bộ, ban, ngành, các đối tượng theo quy định, ý kiến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ gửi về để hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Bộ Tư pháp thẩm định; tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Nghị định trình Chính phủ.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả – Trần Hoàng phát biểu tại Hội nghị Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ (ảnh minh họa)
- Một số nội dung chính được sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo 2 Nghị định
- Về nguyên tắc trả tiền bản quyền,
Dự thảo 2 Nghị định sửa Điều 4 của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP theo hướng bổ sung trường hợp tiền bản quyền được trả khi “giao nhiệm vụ” sáng tạo tác phẩm và bổ sung trường hợp khi tác phẩm được khai thác, sử dụng thì bên khai thác, sử dụng thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 20, khoản 4 Điều 29, khoản 2 Điều 30 và khoản 2 Điều 31 của Luật Sở hữu trí tuệ; mức tiền bản quyền và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 10a Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ, “Tiền bản quyền là khoản tiền trả cho việc sáng tạo hoặc chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, bao gồm cả tiền nhuận bút, tiền thù lao”. Do đó, Điều 4 của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP cũng được đề xuất sửa theo hướng bổ sung quy định rõ việc trả tiền bản quyền tương ứng với 02 giai đoạn “sáng tạo” và “chuyển giao” (hay khai thác, sử dụng) quyền tác giả, quyền liên quan. Về việc trả tiền bản quyền khuyến khích, khi khai thác, sử dụng những tác phẩm được sáng tạo do cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu mà có lợi nhuận thì các tác giả được hưởng thêm tiền bản quyền khuyến khích theo thỏa thuận trên cơ sở lao động, đóng góp vào việc sáng tạo tác phẩm. Bổ sung khoản 6 Điều 4 quy định trường hợp Nhà nước là đại diện chủ sở hữu hoặc đại diện quản lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 42 của Luật Sở hữu trí tuệ, thì khi khai thác, sử dụng phải thực hiện theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể là sử dụng các quyền độc quyền thì phải xin phép và trả tiền bản quyền cho đại diện chủ sở hữu hoặc đại diện quản lý là cơ quan nhà nước. Số tiền thu được thì nộp về ngân sách nhà nước sau khi trừ các chi phí theo quy định. Với đề xuất bổ sung này thì cần nghiên cứu thêm các Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Giá, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản liên quan để tiếp tục hoàn thiện phương án, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Các nội dung khác có tính nguyên tắc về xác định mức tiền bản quyền, quy định về khuyến khích sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm, phân chia tiền bản quyền giữa các đồng chủ sở hữu được dẫn chiếu đến quy định tương ứng tại Luật Sở hữu trí tuệ.
- Về tiền bản quyền đối với tác phẩm điện ảnh,
Dự thảo 2 Nghị định sửa Điều 5 của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP theo hướng bỏ “phim phóng sự”, bổ sung “phim kết hợp nhiều loại hình” để phù hợp với khoản 2 Điều 3 Luật Điện ảnh năm 2022 và Nghị định số 17/2023/NĐ-CP; đồng thời, Thông tư số 05/2024/BTTTT ngày 14/6/2024 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật lĩnh vực báo chí đã có quy định về “thể loại phóng sự”.
Các chức danh sáng tạo được hưởng tiền bản quyền đối với từng thể loại phim cụ thể được rà soát, quy định phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành như Luật Điện ảnh, Nghị định số 131/2022/NĐ-CP ngày 31/12/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, Nghị định số 61/2024/NĐ-CP ngày 06/6/2024 quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”,… và tương ứng với các chuyên ngành, lĩnh vực đào tạo tại các cơ sở đào tạo về điện ảnh hiện nay.
Tại khung bảng Phim truyện, căn cứ đề xuất của các đơn vị, tổ chức chuyên môn hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, Dự thảo Nghị định có bổ sung chức danh “quay phim” có mức chi trả bằng “đạo diễn hình ảnh”; bổ sung chức danh “biên tập phim” có mức bằng ¼ mức tỷ lệ của đạo diễn do đây cũng là 02 thành phần quan trọng, đóng góp vào quá trình sáng tạo, sản xuất phim truyện; đồng thời sửa chức danh “họa sỹ” thành “họa sỹ thiết kế mỹ thuật” có mức bằng chức danh đạo diễn hình ảnh, thiết kế âm thanh; sửa chức danh “người làm hóa trang” thành “họa sỹ hóa trang, thiết kế trang phục” và giữ nguyên mức, phù hợp với các quy định của pháp luật chuyên ngành.
Tại khung bảng Phim tài liệu, phim khoa học có bổ sung chức danh “biên tập phim” bằng mức tỷ lệ của “người dựng phim” (hiện hành) và tăng mức tỷ lệ của “người dựng phim”. Đối với loại hình phim tài liệu, người dựng phim là thành phần rất quan trọng, độc lập trong việc đóng góp vào quá trình sáng tạo tác phẩm; còn biên tập phim cũng có những đóng góp nhất định cho tác phẩm, tham gia từ những khâu sản xuất ban đầu và đồng hành cùng khâu dựng phim. Tại khung bảng Phim hoạt hình có sửa chức danh “Họa sĩ chính” thành “Họa sĩ tạo hình”; “Họa sĩ dàn cảnh” thành “Họa sĩ diễn xuất”.
Đối với đề xuất bổ sung “phim kết hợp nhiều loại hình”, đây là khái niệm có từ Luật Điện ảnh, tuy nhiên không được quy định chi tiết tại Nghị định 131/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh. Tại dự thảo 2 Nghị định có đề xuất “Tiền bản quyền đối với phim kết hợp nhiều loại hình theo quy định của Luật Điện ảnh áp dụng theo tiền bản quyền đối với loại hình chính của phim”.
Dự thảo 2 Nghị định cũng quy định về vai trò đề xuất, tư vấn của “Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước” được thành lập theo Nghị định 131/2023/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Điện ảnh để giúp chủ đầu tư hoặc cơ quan quản lý dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước trong việc đánh giá, xác định quyết định áp dụng các mức theo khung bảng khuyến khích. Đối với những người thực hiện các công việc có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh mà chưa được quy định tại các khung bảng chức danh sáng tạo, tiếp thu ý kiến đề nghị quy định rõ số lượng, thành phần sáng tạo làm cơ sở xây dựng dự toán, thanh toán, Dự thảo 2 Nghị định cũng đề xuất “chi trả theo quy định về định mức kinh tế – kỹ thuật”; trường hợp “chức danh không có trong quy định về định mức kinh tế – kỹ thuật đối với sản xuất tác phẩm điện ảnh thì thực hiện thông qua hợp đồng thỏa thuận, căn cứ vào kịch bản, bối cảnh, tính chất, quy mô của tác phẩm điện ảnh”.
- Về tiền bản quyền đối với tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh được sử dụng để trưng bày, triển lãm,
Dự thảo 2 Nghị định sửa Điều 8 của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP theo hướng bổ sung khung, mức chi trả cho trưng bày, triển lãm ở quy mô “Quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh” nhằm giảm bớt mức chênh lệch tiền bản quyền trưng bày, triển lãm tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh tùy thuộc vào khả năng ngân sách của địa phương. Dự thảo 2 Nghị định cũng đề xuất bổ sung cơ sở thỏa thuận về mức tiền trưng bày tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh trong các hoạt động phi thương mại là không thấp hơn 50% của mức thấp nhất và không vượt quá mức cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 8.
- Về tiền bản quyền đối với tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác,
Dự thảo 2 Nghị định sửa Điều 10 của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP theo hướng làm rõ thêm 3 loại hình biểu diễn nghệ thuật là xiếc, tấu hài, tạp kỹ để phù hợp với Nghị định 17/2024/NĐ-CP.
Đồng thời, Dự thảo 2 Nghị định sửa Điều 12 của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP theo hướng bổ sung một số chức danh có tính hỗ trợ cho “đạo diễn” mà không có trong bảng khung tại Điều 10 của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP gồm “phó đạo diễn, đạo diễn hình ảnh, đạo diễn sân khấu,” cũng được hưởng mức tiền bằng 20% mức của “đạo diễn, tổng đạo diễn”.
Tiếp thu ý kiến đề nghị quy định rõ số lượng, thành phần sáng tạo làm cơ sở xây dựng dự toán, thanh toán tại khoản 10 Điều 12 của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP, Dự thảo 2 Nghị định sửa theo hướng quy định “Diễn viên, người biểu diễn trực tiếp, chỉ đạo thực hiện chương trình, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy âm nhạc, người biên tập chương trình nghệ thuật, người viết lời dẫn, lời bình, những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác chưa được quy định tại Điều 10 và Điều 11 Nghị định này thì được chi trả theo quy định về định mức kinh tế – kỹ thuật đối với sản xuất chương trình. Trường hợp chức danh hoặc loại hình nghệ thuật biểu diễn không có trong quy định về định mức kinh tế – kỹ thuật đối với sản xuất chương trình thì bên sử dụng tác phẩm trả tiền bản quyền thông qua hợp đồng thỏa thuận.”
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP có nội dung phức tạp, điều chỉnh trực tiếp về các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với người làm sáng tạo liên quan đến kinh phí ngân sách nhà nước và liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau về giá, tài chính, các chức danh sáng tạo nghệ thuật…, rất mong nhận được các ý kiến góp ý để có văn bản chất lượng, qua đó khuyến khích hoạt động sáng tạo, khai thác, sử dụng các tác phẩm có giá trị, góp phần thúc đẩy phát triển văn học nghệ thuật, công nghiệp văn hóa của đất nước./.
Banner Hội nghị Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ (ảnh minh họa)
Cục Bản quyền tác giả