Thứ Ba, 05-11-2024 11:29
img

Một số nội dung về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh

Quyền tác giả là nói đến quyền đối với những sáng tạo như văn thơ, âm nhạc, hội hoạ, phim ảnh và điêu khắc cũng như các tác phẩm dựa trên công nghệ như chương trình máy tính và dữ liệu điện tử. Nói cách khác, đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học (còn được gọi là tác phẩm). Dạng khác dựa trên các tác phẩm đã có để tạo thành như dịch thuật, chuyển thể từ văn học sang kịch, làm tuyển tập, hợp tuyển… cũng được coi là tác phẩm, gọi là tác phẩm phái sinh. Vậy thuật ngữ tác phẩm phái sinh được hiểu như thế nào và được bảo hộ ra sao. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày về một số nội dung pháp lý về tác phẩm phái sinh và bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh.

  1. Tác phẩm phái sinh

Trước khi tìm hiểu về tác phẩm phái sinh, chúng ta cần làm rõ về thuật ngữ tác phẩm.

Thuật ngữ “Các tác phẩm văn học và nghệ thuật“, theo Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (sau đây gọi là Công ước Berne), bao gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật, bất kỳ được biểu hiện theo phương thức hay dưới hình thức nào; sau đó Công ước Berne liệt kê và không giới hạn một loạt tác phẩm như sách, tập in nhỏ và các bản viết khác, các bài giảng, bài phát biểu, bài thuyết giáo và các tác phẩm cùng loại; các tác phẩm kịch, hay nhạc kịch, các tác phẩm hoạt cảnh và kịch câm, các bản nhạc có lời hay không lời, các tác phẩm điện ảnh trong đó có các tác phẩm tương đồng được thể hiện bằng một quy trình tương tự quy trình điện ảnh, các tác phẩm đồ họa, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, bản khắc, thạch bản; các tác phẩm nhiếp ảnh trong đó có các tác phẩm tương đồng được thể hiện bằng một quy trình tương tự quy trình nhiếp ảnh; các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, minh họa, địa đồ, đồ án, bản phác họa và các tác phẩm thể hiện không gian ba chiều liên quan đến địa lý, địa hình, kiến trúc hay khoa học. Thời điểm Công ước Berne ra đời chưa xuất hiện các khái niệm pháp lý liên quan đến các tác phẩm loại dựa vào công nghệ. Đến Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (sau đây gọi là Hiệp định TRIPs) thì tác phẩm dựa vào công nghệ như chương trình máy tính được công nhận và bảo hộ.

Thuật ngữ “tác phẩm”, theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022 (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ), được hiểu là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.[1] Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm: Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; Tác phẩm báo chí; Tác phẩm âm nhạc; Tác phẩm sân khấu; Tác phẩm điện ảnh; Tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng; Tác phẩm nhiếp ảnh; Tác phẩm kiến trúc; Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học; Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.[2] Thuật ngữ tác phẩm và phân chia các loại hình tác phẩm tại Luật Sở hữu trí tuệ đã bao gồm sáng tạo về văn học, nghệ thuật cũng như sáng tạo trong khoa học, công nghệ.

Thuật ngữ “Tác phẩm phái sinh” được hiểu là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác.[3] Như vậy, tác phẩm phái sinh trước tiên là tác phẩm và thuộc một trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có. Các dạng tác phẩm phái sinh như: Tác phẩm dịch là tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của tác phẩm được dịch. Tác phẩm phóng tác là tác phẩm mô phỏng theo nội dung của tác phẩm được phóng tác, có thể được chuyển từ thể loại này sang thể loại khác hoặc sửa đổi trong cùng một thể loại, bao gồm cả sửa đổi bố cục tác phẩm để làm cho tác phẩm phù hợp với điều kiện khác nhau của việc khai thác, sử dụng. Tác phẩm biên soạn là tác phẩm được soạn ra từ một phần hoặc toàn bộ các tác phẩm đã có theo chủ đề nhất định và có thể có bình luận, đánh giá. Tác phẩm chú giải là tác phẩm được sáng tạo từ việc làm rõ nghĩa và nội dung một số từ, câu hoặc sự kiện, điển tích, địa danh nêu tại tác phẩm được chú giải. Tác phẩm tuyển chọn là tác phẩm được chọn lọc từ các tác phẩm đã có của một hoặc nhiều tác giả theo thời gian hoặc chủ đề nhất định, bao gồm cả tác phẩm tuyển tập, hợp tuyển. Tác phẩm cải biên là tác phẩm được soạn lại, viết lại, chuyển soạn lại hoặc thay đổi hình thức diễn đạt khác với tác phẩm được dùng để cải biên theo mục đích, yêu cầu nhất định trong trường hợp cụ thể. Tác phẩm chuyển thể là tác phẩm được chuyển từ loại hình này sang loại hình khác hoặc tác phẩm được thể hiện bằng thủ pháp nghệ thuật khác với tác phẩm được chuyển thể trong cùng một loại hình.[4]

Công ước Berne sử dụng từ ngữ “các tác phẩm phái sinh” [5] khi đề cập đến dạng tác phẩm “được bảo hộ như tác phẩm gốc mà không làm phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc” gồm “các tác phẩm dịch, mô phỏng, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác từ một tác phẩm văn học nghệ thuật” và sử dụng từ ngữ “các tuyển tập” [6] khi đề cập đến tuyển tập các tác phẩm văn học nghệ thuật như bộ bách khoa toàn thư và các hợp tuyển mà việc lựa chọn và sắp xếp các nội dung có tính sáng tạo, được bảo hộ như tác phẩm, mà không làm ảnh hưởng đến quyền tác giả của mỗi tác phẩm cấu thành bộ phận của tuyển tập. Công ước đã đề cập đến hai dạng: có sự thay đổi trong chính tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh và không làm thay đổi tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

Như vậy, khái niệm tác phẩm phái sinh theo Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm hai hình thức: Các dạng dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể từ một tác phẩm đã có để tạo thành tác phẩm mới và các dạng tuyển chọn, tuyển tập, hợp tuyển mà việc lựa chọn và sắp xếp nội dung có tính sáng tạo thuộc tác phẩm phái sinh.

  1. Một số nội dung về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh

Luật Sở hữu trí tuệ quy định “Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh”.[7]

Quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Các quyền nhân thân, ngoại trừ quyền công bố, có đặc điểm là luôn thuộc về tác giả, được bảo hộ vô thời hạn và không thể chuyển giao. Các quyền tài sản có đặc điểm là có thể chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác và được bảo hộ có thời hạn. Tác phẩm phái sinh là tác phẩm thuộc các loại hình tác phẩm được bảo hộ theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ. Cũng như các loại hình tác phẩm được bảo hộ, tác phẩm phái sinh phải do chính tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác. Vì vậy, các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả làm tác phẩm phái sinh được bảo hộ. Do một số đặc điểm đặc thù của tác phẩm phái sinh, bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh có một số đặc điểm riêng biệt sau:

Làm tác phẩm phái sinh thuộc một trong số các quyền tài sản thuộc quyền tác giả đối với tác phẩm. Đây là quyền do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện; vì vậy, tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng quyền làm tác phẩm phái sinh này phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả. Khi quyền làm tác phẩm phái sinh vẫn thuộc về tác giả, chưa chuyển giao cho cá nhân, tổ chức nào thì hoàn toàn thống nhất với quyền nhân thân của tác giả về bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả theo quy định tại Khoản 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, khi quyền làm tác phẩm phái sinh được chuyển giao cho cá nhân, tổ chức khác và họ thực hiện quyền này thì có hay không nguy cơ ảnh hưởng tới quyền nhân thân của tác giả có tác phẩm được sử dụng để làm tác phẩm phái sinh về sửa đổi, cắt xén gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả và việc này nguy cơ xảy ra đối với dạng tác phẩm phái sinh như phóng tác, cải biên và các chuyển thể khác của tác phẩm văn học nghệ thuật để tạo nên tác phẩm mới. Để giải quyết vấn đề đó, tại khoản 2 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định về trường hợp làm tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng đến quyền nhân thân sửa đổi, cắt xén gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả còn phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả. Như vậy, cá nhân, tổ chức khác mà không phải tác giả của tác phẩm khi làm tác phẩm phái sinh, đặc biệt là các dạng phóng tác, cải biên, chuyển thể cần lưu ý và xin phép nếu thấy cần thiết để tránh nguy cơ việc sửa đổi, cắt xén gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả của tác phẩm được sử dụng để phóng tác, cải biên, chuyển thể.

 Về đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng đối với chính tác phẩm phái sinh và tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh: Quyền được nêu tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm được áp dụng đối với tác phẩm phái sinh và tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh. Khi công bố, sử dụng tác phẩm phái sinh phải nêu tên thật hoặc bút danh tác giả của tác phẩm được dùng làm tác phẩm phái sinh.[8] Như vậy là khi tác phẩm phái sinh được công bố, sử dụng thì cần thiết phải nêu đồng thời tên tác giả của tác phẩm phái sinh và tên tác giả của tác phẩm được dùng làm tác phẩm phái sinh.

Về đặt tên cho tác phẩm: Đặt tên cho tác phẩm thuộc quyền nhân thân thuộc về tác giả, không thể chuyển giao. Tác giả của tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh (tác phẩm dịch) có quyền đặt tên cho tác phẩm của mình. Hoạt động dịch thuật, về bản chất là việc chuyển đổi, giải nghĩa từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, giúp người đọc, người nghe hiểu thông điệp mà tác giả (của tác phẩm được dùng để dịch) muốn truyền tải mà vẫn đảm bảo được độ chính xác của nội dung tác phẩm, phong cách của tác giả. Vì vậy yêu cầu chung đối với tác phẩm dịch là phải truyền tải được chính xác, đầy đủ, khách quan, chân thực nội dung, cảm xúc mà tác giả của tác phẩm được dùng để dịch mong muốn truyền tải tới người đọc, người nghe. Do đó, việc đặt tên của tác phẩm dịch không được đặt tên khác về nội dung, ý nghĩa với tác phẩm được dùng để dịch. Vì vậy khoản 1 Điều 14 của Nghị định số 17/2023/NĐ-CP đã quy định: Quyền đặt tên cho tác phẩm không áp dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Để tránh hành vi vi phạm quy định về giới hạn quyền sở hữu trí tuệ khi chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác về tên gọi của tác phẩm, khoản 1 Điều 14 của Nghị định số 17/2023/NĐ-CP có quy định về việc đặt tên cho tác phẩm dịch không được vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.[9]

Tác phẩm phái sinh là tác phẩm thuộc các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo pháp luật về sở hữu trí tuệ. Tác phẩm phái sinh có đặc điểm là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có và việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh khi tác phẩm phái sinh không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh. Vì vậy bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm có một số đặc điểm riêng biệt mà tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, bên khai thác sử dụng cần lưu ý thực hiện theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ./.

Nguyễn Thị Ngọc Hà

Cục Bản quyền tác giả

[1] Xem Khoản 7 Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ

[2] Xem Khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ

[3] Xem Khoản 8 Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ

[4] Xem Điều 7 của Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan

[5] Xem khoản 3 Điều 2 Công ước Berne “Các tác phẩm dịch, mô phỏng, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác từ một tác phẩm văn học nghệ thuật đều được bảo hộ như các tác phẩm gốc mà không phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc

[6] Xem khoản 5 Điều 2 Công ước Berne “Các tuyển tập các tác phẩm văn học nghệ thuật, chẳng hạn như các bộ bách khoa từ điển và các hợp tuyển, nhờ phương pháp chọn lọc và kết cấu tư liệu mà tạo thành một sáng tạo trí tuệ, cũng được bảo hộ như một tác phẩm mà không phương hại đến quyền tác giả của các tác phẩm tạo nên các hợp tuyển này.

[7] Xem Khoản 2 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ

[8] Xem Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP

[9] Xem Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP

img