Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) và Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4) năm 2024
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) và Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4) năm 2024
Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách là sản phẩm văn hóa tinh thần, là kho tàng tri thức đóng vai trò rất quan trọng, là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; là người thầy vĩ đại thắp sáng trong mỗi chúng ta nguồn tri thức vô tận. Dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Có thể nói sách là những người bạn gần gũi chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn của mỗi người. Và đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết không thể thiếu của mỗi con người. Ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học, và đọc sách là một trong những phương cách để hoàn thiện nhân cách con người, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Cha ông ta đã coi việc đọc sách là một hành vi văn hóa cao đẹp. Từ đọc sách, sưu tầm sách, xây dựng tủ sách, thư viện là một phần của việc hình thành văn hóa đọc. Văn hóa đọc là một trong những nguồn năng lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Đánh giá cao tầm quan trọng của văn hóa đọc, trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại Paris (ngày 25/10 – 16/11/1995), UNESCO (Tổ chức văn hoá, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày sách và bản quyền thế giới” (World Book and Copyright Day), trong đó nêu rất rõ mục tiêu và các thành phần tham gia ngày tôn vinh những giá trị của sách và sự đóng góp của các tác giả cho sự ra đời của các tác phẩm bất hủ. Ngày này được tổ chức hàng năm tại mỗi quốc gia nhằm bảo đảm cho mọi người khám phá và thỏa mãn sở thích đọc của mình, đồng thời là dịp để tôn vinh những tác giả đã có nhiều đóng góp cho sự tiến bộ văn hóa, văn minh xã hội của nhân loại. Đây cũng là dịp thể hiện sự hợp tác, hợp lực giữa các tác giả, các nhà xuất bản, trường học, các thư viện, các cơ quan Nhà nước, công ty tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tổ chức lễ kỷ niệm về sách và các tác giả.
Ý tưởng về Ngày Sách và Bản quyền Thế giới bắt nguồn từ một phong tục truyền thống rất đẹp ở Catalonia (Tây Ban Nha): Vào ngày 23/4 hàng năm (là ngày lễ Thánh Goerge), có rất nhiều hội chợ sách và các lễ hội đường phố được tổ chức, mỗi khách hàng sẽ được tặng một bông hồng kèm theo khi mua một cuốn sách trong ngày hôm đó. Ngày 23/4 còn là ngày mà cả ba đại văn hào của thế giới Cervantes, Shakespeare và Inca Garcilaso de la Vega đều qua đời sau khi để lại cho nhân loại những kiệt tác của mọi thời đại. Ngày này cũng là ngày sinh hoặc ngày giỗ của các tác giả nổi tiếng khác Maurice Druon, K.Laxness, Vladimir Nabokov, Josep Pla and Manuel Mejía Vallejo. Chính vì vậy, UNESCO mong muốn Ngày Sách và Bản quyền Thế giới sẽ là dịp để cả thế giới tôn vinh sách và những người sáng tạo ra chúng – những người đã có những đóng góp không gì thay thế được đối với sự phát triển văn hóa nhân loại; dịp để khuyến khích tất cả mọi người, nhất là giới trẻ, khám phá niềm yêu thích đọc sách, tôn vinh văn hoá đọc.
Hưởng ứng chủ trương của UNESCO, đồng thời để khẳng định những giá trị to lớn của sách báo, hơn 10 năm qua, trên thế giới đã có trên 150 quốc gia tổ chức kỷ niệm “Ngày sách và bản quyền thế giới” với nhiều hoạt động thiết thực dưới nhiều hình thức và chủ đề phong phú khác nhau, thu hút được nhiều người tham gia, nhất là xây dựng được mối liên hệ mật thiết giữa các thư viện – nhà xuất bản – cơ quan phát hành – và bạn đọc. Có thể nói khắp nơi đã chào đón Ngày đọc sách thế giới rất nhiệt tình và sôi nổi: Ví dụ “Tặng một cuốn sách – tặng một đoá hồng” là một chiến dịch đặc biệt diễn ra ở nhiều nước trên thế giới nhằm tôn vinh ngày đọc sách thế giới (23/4). Ngoài ra còn có vô số các hoạt động thú vị liên quan đến sách được tổ chức dưới sự khởi xướng và khuyến khích của UNESCO. Đây thực sự là ngày hội của những người yêu quý sách trên khắp hành tinh. Trong khi ở châu Âu và Bắc Mỹ, vào ngày này trên khắp các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng, trên những con tem của từng lá thư đều có logo ngày hội sách thì ở châu Phi, các bạn trẻ lại tình nguyện đem sách tới cho những người có hoàn cảnh đặc biệt như người bệnh, người mù lòa và cả những người không biết chữ để đọc cho họ nghe… Điều này một lần nữa tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của sách trong đời sống con người. Đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, việc tổ chức các ngày sách và văn hóa đọc chính là minh chứng rõ ràng nhất: Sách và văn hóa đọc mãi mãi trường tồn.
Nhiều năm qua, khi Ngày Sách và Bản quyền thế giới ra đời, Việt Nam đã tích cực hưởng ứng và hiện thực hóa ngày này thông qua các hoạt động vô cùng ý nghĩa như: Triển lãm, trưng bày sách báo, triển lãm thư pháp, giao lưu tọa đàm giữa các nhà văn với bạn đọc, tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách… Bên cạnh đó còn có các hoạt động quyên góp ủng hộ sách, xây dựng tủ sách cho các địa phương khó khăn ở vùng xâu, vùng xa góp phần nuôi dưỡng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4)
Nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 284/QĐ-TTg chọn ngày 21/4 hằng năm là “Ngày Sách Việt Nam”. Điều này không chỉ thể hiện được sự hội nhập của Việt Nam với thế giới mà còn góp phần gắn kết các hoạt động được tổ chức trong nước để hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền thế giới.
Việc lấy ngày 21/4 là “Ngày Sách Việt Nam” có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Việc chọn “Ngày Sách Việt Nam” gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa văn hóa sâu sắc bởi Người không chỉ là “Anh hùng giải phóng dân tộc” mà còn là một tác giả lớn, một “nhà văn hóa kiệt xuất” được UNESCO công nhận, các tác phẩm của Người không chỉ có giá trị đối với Nhân dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận.
Năm nay, nhân kỷ niệm 10 năm Ngày Sách Việt Nam (21/4), Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4), ở Việt Nam đã tổ chức chuỗi các hoạt động với những hình thức phong phú, đa dạng và ngày càng có chiều sâu đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng; tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa các trung tâm thông tin thư viện lớn đến thư viện trường học, giữa nhà xuất bản với các cơ quan phát hành, giữa tác giả với người đọc… Qua đó không ngừng nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Lễ Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024 tại Thư viện Quốc gia
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 04/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” vào ngày 21/4 hàng năm trên phạm vi toàn quốc. Với mục đích khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức và cộng đồng; phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng, “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” năm 2023 được tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị, cùng những nội dung, hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả và sáng tạo.
“Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội; là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, nó còn góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc.
Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024 với chủ đề “Thế giới tôi đọc” tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu của sách trong đời sống xã hội; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng không chỉ giới hạn trong các tài liệu in truyền thống mà còn mở rộng trên các phương tiện nghe, nhìn, nền tảng số; đồng thời tôn vinh những người viết sách, làm sách, lưu giữ, quảng bá sách, kết nối bạn đọc trong nước và nước ngoài tạo ra những hiệu ứng tích cực xây dựng một xã hội học tập góp phần phát triển văn hóa, con người Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024 với thông điệp: “Sách hay cần bạn đọc”, “Sách quý tặng bạn”, “Tặng sách hay – Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc – Tai nghe” được tổ chức với nhiều hoạt động, hình thức đa dạng và phong phú trong suốt tháng 4/2024, trong đó trọng tâm từ ngày 21/4 đến ngày 1/5 với nhiều sự kiện.
Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của internet, nhiều bạn trẻ chia sẻ quan điểm rằng, trong thời đại công nghệ số, văn hoá đọc không nên chỉ giới hạn ở thái độ ứng xử với sách vở, mà cần hiểu là cách ứng xử với tất cả các kênh thông tin khác như việc đọc báo, đọc sách online nói chung và các bạn trẻ thu lại được gì từ các kênh đọc đó. Toàn cầu hóa nói chung, Internet nói riêng đã khiến người đọc dần từ bỏ thói quen tìm đến các nhà sách, thư viện, hay các quán café sách. Thay vào đó, họ có thể dùng các tài khoản mạng để mua các phiên bản ebook để đọc qua máy tính hoặc điện thoại thông minh (smartphone). Internet rõ ràng đã làm biến đổi thói quen và cách thức tìm kiếm, tiếp cận tri thức, giúp người đọc tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí. Trong không gian Internet, cách đọc sách cũng biến đổi. Thay vì đọc theo chiều ngang và lật qua trang, cấu trúc của sách điện tử khiến người đọc có xu hướng đọc lướt xuống phía dưới. Tóm lại, thứ cuối cùng mà việc đọc có thể mang lại là phát triển năng lực tư duy, khả năng tưởng tượng, trau dồi ngôn ngữ, kiến tạo nhân cách và phong cách sống.
Hoạt động về quyền tác giả: Ngày này cũng là ngày dành riêng cho việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức của công chúng về vấn đề bản quyền, là dịp để các luật sư, các tác giả và nhà sáng tạo thảo luận các chủ đề khác nhau về bản quyền, là cơ hội để các tổ chức đại diện tập thể và sinh viên ngành xuất bản, bản quyền tìm hiểu pháp luật về bản quyền. Năm nay, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4) và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4), Cục Bản quyền tác giả đã tổ chức chuỗi sự kiện với phong phú các hình thức, đa dạng về nội dung. Năm 2024, WIPO đã phát động chủ đề của ngày Sở hữu trí tuệ thế giới: Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo (IP and the SDGs: Building our common future with innovation and creativity). Với chủ đề do WIPO đưa ra, Cục Bản quyền tác giả đã tập trung xây dựng một chương trình tọa đàm “Bản quyền và Phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số“, triển lãm, trưng bày các tác phẩm sáng tạo của các doanh nghiệp sáng tạo nội dung số . Bên cạnh đó là phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 và Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4 và Tọa đàm Sử dụng công cụ Sở hữu trí tuệ để hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững trong trường đại học. Nhằm lan tỏa giá trị của chuỗi sự kiện, Cục Bản quyền tác giả đẩy mạnh truyền thông cho chuỗi sự kiện với nhiều hoạt động: lên tin, bài trên các trang báo điện tử lớn: VNEpress, Dân trí, Vietnamnet, 24h.com.vn, Thanh niên; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, đài truyền hình: VTV, Báo Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo Điện tử Tổ quốc, Truyền hình Quốc hội, VOV… đưa tin, bài trước, trong và sau chuỗi sự kiện nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4. Bên cạnh đó, Cục sẽ triển khai việc treo Banner, băng rôn, phướn… từ ngày 15/4 đến ngày 30/4/2024 tại 20 địa điểm của ba thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”.
Đây là chuỗi các hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam và ghi nhận những đóng góp của các tác giả, những nhà sáng tạo trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng.
Voltaire đã từng nói: “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó sang nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người”. Dù là Ngày Sách và Bản quyền thế giới hay Ngày sách Việt Nam cũng đều hướng tới một mục đích cao cả đó là “Tôn vinh sách và văn hóa đọc”. Với tinh thần đề cao tầm quan trọng của sách báo và tri thức trong đời sống, sự kiện ngày đọc sách thế giới ở Việt Nam đang trở thành một nét sinh hoạt văn hoá, văn minh của những người yêu mến sách báo cần được duy trì và quảng bá rộng hơn trong xã hội. Mỗi người hãy tự rèn luyện cho mình thói quen đọc sách hằng ngày. Sách không chỉ cho ta trí tuệ mà còn nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách để ta biết sống, biết yêu thương và cống hiến.
Lê Hương (tổng hợp)