Thứ Tư, 04-01-2023 04:42
img

Quy chế hoạt động triển lãm mỹ thuật và Gallery

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG TRIỂN LÃM
MỸ THUẬT VÀ GALLERY

(Ban hành theo Quyết định số 03/1999/ QĐ-BVHTT
của Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin ngày 2/2/1999)

Chương I

Những quy định chung

 

Điều 1: Triển lãm mỹ thuật là một hình thức công bố, phổ biến tác phẩm mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng (gồm các loại tranh tượng, phù điêu, gốm nghệ thuật, makét trang trí nội thất, makét trang trí sân khấu, makét trang trí điện ảnh, áp phích, nghệ thuật xếp đặt và những loại hình sáng tạo mỹ thuật khác).

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tính hàng hoá tiêu dùng, sản xuất hàng loạt không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.

Điều 2: Nhà nước khuyến khích việc phổ biến rộng rãi những tác phẩm mỹ thuật có giá trị đến nhân dân.

Điều 3: Các triển lãm mỹ thuật do tổ chức, cá nhân của Việt Nam hoặc nước ngoài trưng bày tại Việt Nam, triển lãm mỹ thuật của Việt Nam đưa ra nước ngoài phải được phép của cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá thông tin theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này.

Điều 4: Tổ chức, cá nhân hoạt động Gallery phải được phép của cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá thông tin theo quy định tại Điều 12 của Quy chế này.

Điều 5: Những tác phẩm sau đây không được trưng bày hoặc mua bán:

1- Tác phẩm có nội dung:

a. Chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đoàn kết toàn dân;

b. Tuyên truyền bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng văn hoá phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;

c. Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế đối ngoại, bí mật đời tư của công dân và bí mật khác do pháp luật quy định;

d. Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của công dân.

2- Tác phẩm vi phạm luật quyền tác giả.

Điều 6: Nếu không có sự uỷ quyền của Bộ Văn hoá -Thông tin, các triển lãm do tổ chức, cá nhân của Việt Nam hoặc nước ngoài tuyển chọn tác phẩm tổ chức triển lãm ở Việt Nam hoặc đưa ra nước ngoài đều không được lấy danh nghĩa đại diện cho Mỹ thuật Việt Nam.

Chương II

Thẩm quyền cấp phép, thủ tục xin phép hoạt động triển lãm và Gallery

 

Điều 7: Thẩm quyền cấp phép triển lãm được quy định như sau

1- Bộ Văn hoá – Thông tin cấp giấy phép triển lãm mang tính quốc gia hoặc quốc tế.

Trong một số trường hợp cụ thể Bộ Văn hoá – Thông tin uỷ quyền cho Vụ Mỹ thuật cấp giấy phép.

2- Vụ Mỹ thuật cấp giấy phép

a. Triển lãm do Bộ Văn hoá – Thông tin uỷ quyền quy định tại khoản 1 Điều này.

b. Các triển lãm cá nhân, nhóm tác giả và tổ chức nước ngoài vào trưng bày tại Việt Nam; triển lãm cá nhân, nhóm tác giả và tổ chức cá nhân đưa ra nước ngoài. Trong một số trường hợp, Vụ Mỹ thuật có thể uỷ quyền cho Sở Văn hoá – Thông tin cấp giấy phép.

c. Triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, của các Hội Trung ương, cơ quan cấp Bộ và tương đương.

3- Sở Văn hoá – Thông tin cấp giấy phép

a. Triển lãm của cá nhân, nhóm triển lãm mỹ thuật tỉnh, thành phố, triển lãm mỹ thuật khu vực;

b. Triển lãm quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều này khi được Vụ Mỹ thuật uỷ quyền.

4- Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận đủ văn bản hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép phải cấp phép. Trường hợp từ chối phải có văn bản nói rõ lý do.

Điều 8: Giấy phép được cấp cho triển lãm mỹ thuật đi nước ngoài là cơ sở làm thủ tục Hải quan khi xuất khẩu tác phẩm

Điều 9:

1- Tổ chức, cá nhân muốn tổ chức triển lãm phải tuyển chọn tác phẩm, phải gửi đơn (theo mẫu in sẵn) hoặc công văn, công hàm xin phép cơ quan có thẩm quyền cấp phép quy định tại Điều 7 Quy chế này. Kèm theo đơn hoặc công hàm phải có các điều kiện sau đây:

a. Danh sách tác phẩm, tác giả, chất liệu, kích thước;

b. ảnh chụp tác phẩm sẽ triển lãm (ảnh mầu khuôn khổ 9cm x 12cm trở lên);

c. Mẫu giấy mời, nội dung lời giới thiệu bằng tiếng Việt. Nếu cần in tiếng nước ngoài phải in dưới và không lớn hơn 2 lần chữ tiếng Việt;

d. Cataloge, tờ gấp và sách mỹ thuật thể hiện nội dung triển lãm (nếu có).

2- Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, tuỳ theo đối tượng cụ thể phải thêm các điều kiện sau đây:

a. Triển lãm đưa ra nước ngoài phải có giấy mời hoặc hợp đồng, văn bản thoả thuận giữa hai bên;

b. Trường hợp những cá nhân không thuộc một tổ chức, cơ quan, đoàn thể nào muốn triển lãm, thì phải được Uỷ ban nhân dân phường, xã xác nhận địa chỉ cư trú;

c. Đối với Việt kiều, phải có xác nhận của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài;

d. Đối với người nước ngoài không thuộc một cơ quan, tổ chức, đoàn thể nào, không có đơn vị nào đứng tên tổ chức triển lãm thì phải xác nhận vào đơn vị triển lãm của Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán nước mình cư trú. Trường hợp cá nhân, tổ chức là công dân của nước chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam thì phải có xác nhận của một tổ chức quốc tế.

3- Tổ chức, cá nhân xin phép triển lãm phải nộp một khoản lệ phí theo quy định.

Điều 10: Việc thẩm định tác phẩm và cấp giấy phép do thủ trưởng cơ quan cấp phép quy định

Trường hợp cần thiết cơ quan cấp phép có thể thành lập Hội đồng tư vấn để giúp thủ trưởng cơ quan thẩm định tác phẩm. Nếu thành lập Hội đồng tư vấn thì thành phần của Hội đồng phải có 2/3 các nhà chuyên môn kỹ thuật có uy tín. Hội đồng phải có ít nhất từ 5 người trở lên.

Điều 11: Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan cấp giấy phép, nếu thấy cơ quan cấp phép trả lời chưa thoả đáng thì có quyền khiếu nại với cơ quan cấp trên của cơ quan cấp phép.

Điều 12: Gallery là nơi trưng bày, triển lãm, mua bán các tác phẩm mỹ thuật, nghệ thuật. Gallery ở địa bàn nào phải được Sở Văn hoá – Thông tin tại địa phương đó cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. Gallery phải chấp hành quy định hiện hành của Nhà nước về kinh doanh và hoạt động văn hoá.

Điều 13: Tiêu chuẩn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động Gallery.

1- Có diện tích trưng bày từ 15m2 trở lên. Có hệ thống ánh sáng, điện, nước, phương tiện chữa cháy, được Uỷ ban nhân dân phường, xã nơi hoạt động Gallery xác nhận.

2- Về nhân thân phải là người không có tiền án, tiền sự về hành vi truyền bá văn hoá phẩm xấu, không trong thời gian bị khởi tố hình sự hoặc chấp hành án hình sự.

Điều 14:

1- Tổ chức, cá nhân muốn hoạt động Gallery phải gửi đơn đến Sở Văn hoá – Thông tin tỉnh, thành phố nơi mở Gallery. Đơn phải được UBND phường, xã nơi mở Gallery xác nhận về điều kiện trưng bày quy định tại khoản 1 và 2 Điều 13 Quy chế này. Kèm theo đơn phải có:

– Văn bản xác nhận quyền sử dụng địa điểm mở Gallery;

– Bản sao hộ khẩu thường trú (đối với cá nhân);

– Quyết định thành lập Gallery (đối với tổ chức).

2- Trong thời gian 15 ngày kể từ khi nhận đủ văn bản hợp lệ, Sở Văn hoá – Thông tin sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động Gallery. Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động có giá trị trong thời hạn 1 năm.

Trường hợp không cấp giấy chứng nhận phải có văn bản nói rõ lý do.

 

Chương III

Hoạt động triển lãm

 

Điều 15: Địa điểm triển lãm phải có diện tích trưng bày từ 20m2 trở lên, có đầy đủ hệ thống ánh sáng, điện, nước, các phương tiện chữa cháy.

Điều 16: Chủ địa điểm triển lãm chỉ được nhận trưng bày những tác phẩm có trong danh sách đã được cấp giấy phép.

Các hình thức tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu triển lãm phải sử dụng chữ Việt. Nếu sử dụng chữ nước ngoài phải thể hiện ở phía dưới và không lớn hơn 2 lần chữ Việt.

Điều 17: Việc mua bán tác phẩm là do sự thoả thuận giữa tác giả, hoặc đơn vị phải được tác giả uỷ quyền với bên mua. Khi bán tác phẩm, tác giả phải nộp tỷ lệ % theo hợp đồng thoả thuận với đơn vị tổ chức triển lãm, và thuế theo quy định hiện hành.

Việc trả tiền cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm trong thời gian triển lãm (nhuận treo) là do đơn vị tổ chức triển lãm và tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm thoả thuận.

Trong quá trình trưng bày, vận chuyển, dàn dựng triển lãm, nếu tác phẩm bị hư hỏng thì tổ chức, cá nhân gây thiệt hại phải bồi thường, trường hợp tác phẩm bị mất thì phải đền bù cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm theo sự thoả thuận giữa hai bên.

 

Chương IV

Hoạt động Gallery

 

Điều 18: Khi Gallery tổ chức triển lãm phải chấp hành các quy định về triển lãm tại Quy chế này.

Điều 19: Nghiêm cấm các Gallery trưng bày, mua bán các cổ vật Nhà nước cấm buôn bán theo quy định hiện hành. Nếu buôn bán tác phẩm sao chép thì bản sao chép phải có kích thước lớn hoặc nhỏ hơn tác phẩm gốc từ 3 cm trở lên, phải giữ đúng nội dung, hình thức như tác phẩm gốc, phải có chữ ký của người chép dưới chữ ký của tác giả. Việc sao chép tác phẩm còn trong thời hạn bảo hộ theo quy định tại Luật Quyền tác giả.

Điều 20: Việc mua bán tác phẩm tại Gallery phải có sổ sách ghi chép, hoá đơn chứng từ rõ ràng, đảm bảo quyền lợi cho tác giả và người mua, khi xuất khẩu phải thực hiện những quy định về xuất khẩu văn hoá phẩm.

Điều 21: Gallery có trách nhiệm bồi thường cho tác giả khi làm mất hoặc hư hỏng tác phẩm. Mức độ bồi thường do hai bên thoả thuận.

Điều 22: Gallery phải chịu sự quản lý của các ngành chức năng theo quy định hiện hành.

 

Chương V

Điều khoản thi hành

 

Điều 23: Tổ chức, cá nhân hoạt động triển lãm, Gallery khi tổ chức triển lãm mỹ thuật trong nước hoặc triển lãm mỹ thuật ở nước ngoài phải chấp hành nghiêm chỉnh Quy chế này.

Điều 24: Tổ chức, cá nhân khi vi phạm Quy chế này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành.

Điều 25: Vụ Mỹ thuật (Bộ Văn hoá – Thông tin), Sở Văn hóa – Thông tin các tỉnh, thành phố có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

Điều 26: Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Quy chế của Bộ Văn hoá – Thông tin và Thể thao về triển lãm mỹ thuật (tranh tượng) trong và ngoài nước ban hành kèm theo Quyết định số 580/QĐ-MT ngày 11 tháng 5 năm 1992 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin và Thể thao và Văn bản của Vụ Mỹ thuật hướng dẫn thực hiện Quy chế đó hết hiệu lực kể từ ngày Quy chế này có hiệu lực.

 

K/T Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin

Thứ trưởng

Đã ký: Nguyễn Trung Kiên

img