
Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ
Âm nhạc không chỉ là nghệ thuật, mà còn là tài sản trí tuệ. Và quyền được bảo vệ, được tôn trọng, được thụ hưởng thành quả sáng tạo – chính là “nhịp điệu” sâu xa nhất mà Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) muốn nói tới trong chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2025.
Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, tối ngày 20/4/2025, tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, Cục Bản quyền tác giả đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tổ chức Chương trình giao lưu “Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ”.
Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả phát biểu Khai mạc Chương trình
Phát biểu khai mạc Chương trình, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả nhấn mạnh: chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay “Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ” đã nêu bật vai trò của âm nhạc – một ngành công nghiệp văn hóa cốt lõi trong phát triển kinh tế sáng tạo. Bên cạnh đó, thông điệp cũng nhằm tôn vinh những đóng góp của các nhà sáng tạo, nhà phát minh và doanh nhân đã vượt qua ranh giới của sự đổi mới và sáng tạo để tạo ra âm nhạc kết nối mọi người lại với nhau, khơi dậy những cảm xúc mạnh mẽ, thúc đẩy sự thay đổi và truyền cảm hứng cho một thế giới tươi đẹp.
Ông Nguyễn Minh Nhựt – Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh
phát biểu khai mạc sự kiện
Phát biểu Chương trình, ông Nguyễn Minh Nhựt – Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh cho biết: “sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa của thành phố Hồ Chí Minh. Là một trong những trung tâm văn hóa – nghệ thuật lớn của cả nước, TP. Hồ Chí Minh đang không ngừng ghi nhận những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực sáng tạo thông qua nhiều chương trình, sự kiện tiêu biểu như Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Hò Dô. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tôn vinh giá trị sáng tạo và lan tỏa thông điệp về TP Hồ Chí Minh, là thành phố của sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, xâm phạm sáng tạo của các tác giả và các bên liên quan. Chúng tôi cam kết sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời tôn trọng và phát huy các giá trị từ thành quả lao động sáng tạo”.
Chia sẻ về quá trình làm nghề, nhạc sĩ Đức Trí cho biết nhạc sĩ đã bắt đầu thực hành cái nghề âm nhạc duy nhất của mình từ rất sớm và suốt mấy chục năm qua, âm nhạc là nghề chính thống. “Chúng tôi được toàn tâm toàn ý sáng tạo, không phải lo nghĩ đến những vấn đề khác ngoài nghệ thuật. Mỗi khi người nghe click vào bài hát, thì mỗi một lần click đó đều được dẫn về trung tâm bản quyền tác giả. Chúng tôi đều được ghi nhận, có thu nhập và thực sự sống được bằng nghề” – nhạc sĩ Đức Trí cho hay.
Nhạc sĩ Hoài An và nhạc sĩ Đức Trí phát biểu tại Chương trình
Trong cuộc giao lưu, trao đổi tại Chương trình, nhạc sĩ Hoài An cho biết bên cạnh những vấn đề liên quan đến pháp lý, các tác giả và nghệ sĩ thường cảm thấy rất mong manh khi tác phẩm của họ ra đời nhưng lại không được bảo vệ đầy đủ, nghiêm ngặt. Nhạc sĩ Hoài An nhấn mạnh: “Các nhạc sĩ cần có sự an tâm về cuộc sống và công việc, để họ có thể tiếp tục sáng tạo và cống hiến cho xã hội. Nếu được đảm bảo về quyền lợi, các nghệ sĩ sẽ có cơ hội phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng sản phẩm, từ đó đóng góp tích cực vào nền văn hóa chung”.
Tại chương trình, Ban tổ chức đã vinh danh và tri ân 34 tác giả, nghệ sĩ, nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho âm nhạc Việt Nam và bản quyền; các đơn vị kinh doanh âm nhạc thực hiện tốt về bản quyền âm nhạc; tặng quà các tác giả, đại diện gia đình các tác giả, nghệ sĩ, nhạc sĩ có hoàn cảnh khó khăn, tuổi cao, sức yếu.
Trao đổi tại Chương trình, ông Phan Vũ Tuấn, trưởng văn phòng Luật sư Phan Law cho biết: Bảo vệ quyền tác giả tốt, hành lang pháp lý về bản quyền tốt sẽ đảm bảo cho những nhạc sĩ sống được bằng nghề bởi vì giá trị sáng tạo đã được đền đáp. Hiện tại với sự nỗ lực của Cục Bản quyền tác giả – cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam sẽ là cầu nối kết nối các tác giả đến với công chúng, đưa các tác phẩm âm nhạc đến với công chúng trong nước và quốc tế.
Chương trình diễn ra sôi nổi với sự xuất hiện của các ca sĩ, nhạc sĩ có tên tuổi trong nghề: NSND. Tạ Minh Tâm, ca sĩ Võ Trâm Anh, Nhạc sĩ, ca sĩ Nguyễn Đình Vũ, Nhạc sĩ Tuấn Cry, Nhà sản xuất âm nhạc Kai Đinh cùng các tiết mục đặc sắc đã cuốn hút được hàng nghìn khán giả tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Bản quyền không chỉ là vách ngăn chống vi phạm, mà còn là nhịp điệu giúp nghệ sĩ tiếp tục viết nên những tác phẩm mới. Bảo vệ quyền tác giả không chỉ là quyền lợi của nghệ sĩ, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Khi các giá trị sáng tạo được tôn trọng, nghệ sĩ sẽ tiếp tục cống hiến, mang đến những tác phẩm âm nhạc chất lượng trên trường quốc tế.
Sự kiện cuốn hút đông đảo khán giả tại phố đi bộ Nguyễn Huệ
Với cam kết hội nhập quốc tế, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện khung pháp lý nhằm bảo vệ quyền tác giả và thúc đẩy sáng tạo. Việc tổ chức Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới tại TP HCM, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước, không chỉ là sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng, mà còn là bước tiến quan trọng trong việc khẳng định thành phố đang hướng tới trở thành một trung tâm sáng tạo.
Đây là dịp để nhấn mạnh tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong việc phát triển nền công nghiệp văn hóa, đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường âm nhạc quốc tế.
Lê Hương
