Thứ Tư, 01-06-2022 12:13
img

Tạo sức bật cho các ngành công nghiệp văn hóa góp phần tái cơ cấu kinh tế

Việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có và còn gặp nhiều khó khăn.

Bản đồ toàn cầu đầu tiên về Công nghiệp văn hóa của UNESCO công bố năm 2017 thì ngành này có tổng doanh thu lên đến 2.250 tỷ USD (US$2,250b) và tạo ra việc làm cho 29,5 triệu lao động. Theo dữ liệu thống kê của Ngân hàng thế giới công bố năm 2019, ngành này đóng góp xấp xỉ 4,04% doanh thu toàn cầu và chiếm tỷ trọng 2,21% tổng số lao động trên thế giới. Một số quốc gia đã đạt được những thành tựu nổi bật về công nghiệp văn hóa trên thế giới như: Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Các ngành kinh tế sáng tạo, CNVH sáng tạo đã và đang trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế thế giới và điều này có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển văn hóa khi chính văn hóa là tác nhân hình thành và tạo ra giá trị cho sáng tạo.

Ảnh minh họa

Nắm băt xu thế này, ngày 08/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, theo các mục tiêu nhiệm vụ cụ thể với 12 lĩnh vực: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công, mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao trực tiếp quản lý đối với 5 ngành: Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Quảng cáo; Du lịch văn hóa.

Trên cơ sở mục tiêu đề ra phát triển các ngành CNVH trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu, phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2030 doanh thu của các ngành CNVH đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội; phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành CNVH một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu.

Theo TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, để phát triển một ngành CNVH cần 4 yếu tố, gồm: Tài năng sáng tạo, tiềm năng (vốn) văn hoá, công nghệ và kỹ năng kinh doanh.

“Việt Nam có lợi thế ở 2 yếu tố đầu tiên. Con người Việt Nam luôn được thế giới đánh giá là cần cù, sáng tạo. Tài năng của người Việt Nam được khẳng định ở nhiều lĩnh vực, từ thiên tài quân sự để vượt qua nhiều kẻ địch mạnh đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ và cả trong văn hóa nghệ thuật. Nhiều tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, thiết kế thời trang, ảnh nghệ thuật,… đã được giải cao ở các sự kiện khu vực và quốc tế”, TS. Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Mới đây nhất, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố trực tuyến Báo cáo về xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam cũng là một trong 4 quốc gia có thu nhập trung bình được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đánh giá là đang bắt kịp đà tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của thế giới.

Việt Nam có “kho” chất liệu tuyệt vời cho sáng tạo những sản phẩm văn hóa đặc sắc, vừa tôn vinh văn hóa dân tộc, vừa là nguồn lực phát triển ngành CNVH (ảnh: Lê Chung)

Với bề dày về văn hóa của 54 dân tộc được trao truyền, tiếp nối hàng ngàn năm, Việt Nam có “kho” chất liệu tuyệt vời cho sáng tạo những sản phẩm văn hóa đặc sắc, vừa tôn vinh văn hóa dân tộc, vừa là nguồn lực phát triển ngành CNVH, giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có và còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác triển khai thực hiện Chiến lược.

Theo TS.Bùi Hoài Sơn, nguyên nhân của những điểm nghẽn ấy là trước tiên là do nhận thức chưa đầy đủ. “Chúng ta ít coi các lĩnh vực như điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc… là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế. Trong khi nền kinh tế thị trường đã thấm sâu vào rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, thì văn hóa nghệ thuật vẫn còn khá rụt rè trong việc khẳng định giá trị hàng hóa của mình. Vì vậy, chúng ta cần khẳng định sản phẩm văn hóa nghệ thuật cũng là sản phẩm hàng hóa để chú ý nhiều hơn đến thị trường, phát triển khán giả, bản quyền, kỹ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu…”

Việc thiếu đầu mối đủ mạnh để định hướng phát triển CNVH, sự phối hợp công – tư, sự hỗ trợ của chính sách (địa vị pháp lý cho các doanh nghiệp sáng tạo, sử dụng đất, thuế, luật về bảo trợ và hiến tặng,…), giáo dục sáng tạo và kỹ năng kinh doanh… cũng là những rào cản khiến các ngành CNVH Việt Nam chưa thể phát triển như kỳ vọng.

Cùng quan điểm này, ông Lê Hồng Phong, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, đơn vị quản lý Nhà nước về công nghiệp văn hóa trong ngành VHTTDL cho biết, hiện nay, chúng ta chưa kịp thời áp dụng được những thành tựu của khoa học kỹ thuật để hoàn thiện hệ thống, cũng như chưa có đội ngũ công nghệ cao đáp ứng được sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo. Thị trường văn hóa đang trong giai đoạn gây dựng, do vậy không tạo được sức hút đối với các doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Ông Phong cũng khẳng định việc kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là hết sức cần thiết với mục tiêu là phát triển đồng bộ 12 ngành công nghiệp văn hóa cùng với sự tham gia có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương để tạo sự liên kết, phối hợp giữa các lĩnh vực. Bởi phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có sự gắn bó với nhau để làm nên sức mạnh tổng hợp cho không chỉ các ngành này, mà còn cả với nền kinh tế của đất nước.

Trong đó tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương theo nguyên tắc phân công rõ trách nhiệm, quyền hạn, bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp; tăng cường phân cấp trong hệ thống hành chính, đồng thời đẩy mạnh hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ.

“Cần có các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sỹ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa; hoàn thiện chính sách đặt hàng, ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”, ông Phong nêu vấn đề.

Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng, thành tựu của khoa học – kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động gắn với ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại; xác định một số sản phẩm cụ thể, chủ lực làm tiền đề phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Bởi qua thực tiễn triển khai thực hiện Chiến lược cho thấy cần tập trung vào các sản phẩm sẵn có tiềm năng và lợi thế như: lĩnh vực điện ảnh (phim sản xuất trong nước), nghệ thuật biểu diễn (một số bộ môn nghệ thuật có thế mạnh), du lịch văn hóa (du lịch ẩm thực), thời trang…

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã chỉ đạo: “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong những năm tới cần đẩy mạnh, đi vào thực chất, tổ chức thực hiện bài bản, khoa học, đặt mục tiêu và lộ trình cụ thể. Với quan điểm chọn việc, làm điểm, phải tạo dựng cho được một số sản phẩm công nghiệp văn hóa chủ lực để định danh, phát triển thương hiệu, dần dần có đóng góp vào nền kinh tế quốc dân”. Kỳ vọng, với sự quan tâm, chỉ đạo rốt ráo, trong thời gian tới, CNVH sẽ tạo ra những giá trị kinh tế lớn hơn nữa, góp phần giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng kinh tế.

Lam Thanh (theo báo Điện tử Tổ quốc)

img