Thanh niên Việt Nam tham gia phát triển công nghiệp văn hóa “Sáng tạo-Bản sắc – Độc đáo – Chuyên nghiệp – Cạnh tranh”
Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tổ chức vào tháng 12 năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cũng là lần đầu tiên Hội nghị được tổ chức với quy mô toàn quốc và được sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Có thể coi đây như là Hội nghị “Diên Hồng” về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam nhằm đưa ra các định hướng lớn và cơ chế, chính sách tháo gỡ các “rào cản, nút thắt” để phát huy các tiềm năng, lợi thế của Việt Nam trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tại Hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo đánh giá Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, trọng tâm là đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, những bài học kinh nghiệm và đề xuất phương hướng, giải pháp cụ thể phát triển công nghiệp văn hóa.
Ngày 29/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam năm 2023
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trên thế giới, các ngành công nghiệp văn hóa đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ và được xác định là yếu tố quan trọng, bền vững nhằm thu hút nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, định vị thương hiệu quốc gia. Việt Nam có tiềm năng, lợi thế lớn về nhiều mặt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại.
Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).
Giai đoạn 2018-2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm; năm 2022 thống kê có khoảng 70.321 cơ sở[1] đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hoá. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018-2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018 xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD. [2]
Công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế thể hiện là nhóm ngành có lợi thế quốc gia của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Đây là nhóm ngành có giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu tăng khá nhanh trong thời gian gần đây. Nhìn chung, các ngành công nghiệp văn hoá có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, kết hợp và phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Đầu cầu trực tuyến tại Bộ VHTTDL tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam năm 2023
Các ngành công nghiệp văn hóa là những ngành sử dụng sức sáng tạo để chuyển hóa các tài nguyên văn hóa trong đó có giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cùng với sức sáng tạo của con người và khoa học công nghệ… để tạo ra được các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có tính liên ngành với nhau, đồng thời các ngành công nghiệp văn hóa là các ngành luôn phải bắt kịp theo xu hướng phát triển trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của người dân, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang tính thị trường tạo giá trị kinh tế và tạo nguồn lực thúc đẩy các tổ chức, cá nhân không ngừng sáng tạo mới. Thế hệ trẻ – nguồn nhân lực tiềm năng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trẻ trung, năng động, có cá tính nhưng họ đang cần một bệ đỡ vững chắc để có thể đi một cách đường hoàng, đĩnh đạc.
Thanh niên Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử luôn đóng vai trò quan trọng, thể hiện tinh thần xả thân trong các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước và là lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Trong cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như trong thời kỳ tái thiết đất nước sau chiến tranh và giai đoạn đổi mới, thanh niên Việt Nam luôn phát huy truyền thống anh hùng, giữ vững tinh thần tiên phong, xung kích và sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Thanh niên Việt Nam có những phẩm chất đặc trưng nổi bật, rất đáng quý là thông minh, cần cù, hiếu học và cũng rất tiềm năng về sáng tạo, luôn là nguồn sức mạnh sáng tạo, năng động với khả năng thích ứng cao, khát vọng được cống hiến, được nghiên cứu, khám phá những cái mới với tư duy kiến tạo, hướng đến xây dựng tương lai tươi sáng hơn..
Thanh niên là lực lượng góp phần truyền bá các sản phẩm sáng tạo trong không gian mạng. Nhu cầu được tiếp cận, tìm tòi khám phá những sáng tạo mới, những nghiên cứu mới và nhu cầu giải trí, thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của các bạn trẻ luôn là rất lớn. Môi trường chủ yếu để các bạn trẻ tiếp cận và thưởng thức các tác phẩm này cũng là trên các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội. Sự lan tỏa của nội dung các sản phẩm văn hóa nghệ thuật…công nghệ số vô cùng nhanh chóng và xuyên biên giới.
Đoàn viên chi đoàn Cục Bản quyền tác giả phát biểu tại tổng kết Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL (ảnh minh họa)
Thanh niên không chỉ là đối tượng thụ hưởng các giá trị văn hóa mà còn là lực lượng tiên phong, góp phần xây dựng ngành công nghiệp văn hóa tương lai của dân tộc. Bằng những sản phẩm sáng tạo, họ kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời mở ra những hướng đi mới trong việc tiếp cận và phát triển thị trường. Thời gian qua đã có nhiều minh chứng về các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật tích cực của Việt Nam được lan tỏa đến bạn bè quốc tế như bài hát “See tình” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh thể hiện trên các nền tảng số, mạng xã hội . Thế hệ trẻ hiện nay đã góp phần truyền bá các sản phẩm sáng tạo của Việt Nam không chỉ trong nước mà trên thế giới, mang lại lợi ích về kinh tế, tinh thần cho các chủ thể thể, từ đó quảng bá văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong kỷ nguyên số hiện nay, phát triển các sản phẩm văn hóa số và các kênh truyền thông số để đưa văn hóa, nghệ thuật truyền thống đến gần hơn và nhanh hơn với khán giả trẻ là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu mà các nghệ sĩ trẻ và tổ chức đoàn cần chú trọng triển khai. Một thực tế rõ ràng là trong thời đại của các phương tiện truyền thông xã hội, sự xuất hiện của các cá nhân có tầm ảnh hưởng rộng lớn, hay còn gọi là KOL (Key Opinion Leaders), đã tác động mạnh mẽ đến cảm nhận và nhận thức của xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Những cá nhân này có ảnh hưởng sâu rộng đến cách mà công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhìn nhận các vấn đề, trong đó có văn hóa và nghệ thuật. Việc kết nối với các KOL sẽ tạo ra cầu nối quan trọng giữa các tập đoàn, doanh nghiệp lớn quan tâm đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, các thành phố sáng tạo như Sovico, Vingroup, Bitexco, giúp mang lại giá trị cho cộng đồng nghệ sĩ, nhà sản xuất nội dung và các sản phẩm văn hóa.
Thông qua những hoạt động thiết thực và cụ thể, sẽ tạo ra một thế hệ trẻ không chỉ tiêu thụ sản phẩm văn hóa một cách thông minh, sáng suốt mà còn có khả năng sáng tạo và sản xuất những sản phẩm văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, nhưng vẫn tân tiến, mới mẻ và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Thực tế cho thấy, thế hệ trẻ hiện nay đã và đang ngày càng ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc duy trì và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp thu một cách khoa học và hợp lý các giá trị văn hóa quốc tế. Với mục tiêu xây dựng một lớp người trẻ không chỉ tiêu thụ sản phẩm công nghiệp văn hóa một cách sáng suốt mà còn có khả năng sáng tạo và sản xuất những sản phẩm văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, nhưng vẫn tân tiến, mới mẻ và phù hợp với xu thế hội nhập, việc thanh niên tham gia phát triển các ngành công nghiệp văn hóa không chỉ đơn thuần là việc làm lại hoặc cải tiến những giá trị văn hóa của quá khứ. Đây còn là quá trình sáng tạo, khám phá và phát triển những điểm mới, đóng góp vào sự hình thành và phát triển nền văn hóa Việt Nam hiện đại và tương lai. Điển hình như một số hoạt động:
Ngày 19/10 tại Hà Nội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình khai mạc Diễn đàn giao lưu văn hóa nghệ thuật “Thanh niên với sắc màu văn hóa ASEAN”.
Diễn đàn được tổ chức nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa thống nhất trong đa dạng của các nước ASEAN cũng như giới thiệu về hình ảnh, đất nước con người Việt Nam tới các bạn trẻ ASEAN và quốc tế, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ.
Đồng thời, Diễn đàn cũng là cơ hội để thanh niên gặp gỡ, học hỏi và hiểu sâu hơn về văn hóa, con người và đất nước của nhau. Qua đó, không chỉ tôn vinh bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, mà còn thúc đẩy sự kết nối và đoàn kết bền vững giữa các dân tộc ASEAN. Thông qua Diễn đàn còn góp phần quảng bá hình ảnh một cộng đồng ASEAN đa dạng, giàu bản sắc, gắn kết chặt chẽ vì mục tiêu phát triển chung.
Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội đã phối hợp với Cung Thanh niên Hà Nội hình thành 5 mạng lưới câu lạc bộ sở thích sinh viên với tổng số 15.689 thành viên từ 25 trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn thành phố: Mạng lưới câu lạc bộ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (HUB Network), mạng lưới câu lạc bộ nghệ thuật và văn hóa (Art Network), mạng lưới câu lạc bộ phong cách và thời trang sinh viên (SOL Network), mạng lưới câu lạc bộ tình nguyện (Vol Network) và mạng lưới câu lạc bộ đầu tư (SIC Network). Các mạng lưới đã tổ chức nhiều sân chơi về khởi nghiệp sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật, văn hóa thu hút sinh viên, học sinh; hướng đến mục tiêu trở thành lực lượng nòng cốt để xây dựng các sản phẩm công nghiệp văn hoá chủ lực của tuổi trẻ Thủ đô trong giai đoạn tới.
Tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định lĩnh vực du lịch văn hóa là một trong các lĩnh vực phát triển trọng tâm, trọng điểm, đồng thời du lịch là ngành kinh tế tổng hợp dựa trên các sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa liên quan và các nét văn hóa đặc trưng riêng của từng địa phương.
Hiện nay, đối với ngành Du lịch Thế giới nói chung và ngành Du lịch Việt Nam nói riêng, việc phát triển bền vững được xem là yêu cầu tất yếu và bức thiết trong xu thế phát triển chung toàn cầu. Phát triển bền vững mang lại giá trị vô cùng to lớn đối với nền kinh tế cũng như cuộc sống nhân loại, trong đó có tính liên kết mật thiết đối với các ngành nghề khác nhau… góp phần vào việc bảo tồn các giá trị về văn hoá, tự nhiên, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định về chính trị ở khu vực và trên Thế giới… cũng do tác động của môi trường, biến đổi khí hậu và dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu, xu hướng du lịch của du khách, trong đó du lịch xanh, du lịch đại chúng truyền thống, du lịch sinh thái, di sản, văn hoá, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thập kỷ tới.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới, cần phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tiên phong, xung kích, sáng tạo của thanh niên với tư cách là lực lượng xã hội đông đảo, trẻ tuổi, giàu tiềm năng. Điều đó đòi hỏi Thanh niên Việt nam đặc biệt quan tâm một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặt trong tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, bản sắc, thống nhất trong đa dạng và dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Hai là, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường, xu thế của thời đại; gắn liền với quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Ba là, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đáp ứng được các yếu tố “Sáng tạo – Bản sắc – Độc đáo – Chuyên nghiệp – Lành mạnh – Cạnh tranh – Bền vững” trên nền tảng “Dân tộc – Khoa học – Đại chúng”; từng bước tạo dựng thương hiệu mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; lựa chọn và triển khai một số chính sách có tính chất đột phá; cần “Tư duy sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa để đột phá phát triển”.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đặt niềm tin yêu và kỳ vọng vào thế hệ thanh niên, những người nghệ sỹ, sáng tạo trẻ vào sự nghiệp “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và “khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò và vị trí của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, Người biểu lộ niềm tin vững chắc vào thế hệ trẻ, là lớp người “xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội” và “ trong mọi công việc, thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu “ Đâu cần, thanh niên có; việc gì khó, thanh niên làm” . Người động viên, khích lệ: “Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên xung phong đều làm cho tốt”. Các ngành công nghiệp văn hóa có triển vọng lớn, phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao là động lực mới cho sự phát triển văn hóa phù hợp với xu thế thời đại. Nhận thức chung về vai trò, vị trí của công nghiệp văn hóa đã thống nhất, điều còn lại là khẩn trương phát triển, đặc biệt là nghiên cứu cách làm phù hợp, hiệu quả để công nghiệp văn hóa phục vụ đắc lực công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ văn hóa, bản sắc dân tộc một cách thông minh, tinh tế, sâu sắc, hiệu quả không thể thiếu vai trò của của thanh niên tham gia phát triển công nghiệp văn hóa “Sáng tạo – Bản sắc – Độc đáo – Chuyên nghiệp – Cạnh tranh”
Nguyễn Dương Tùng
[1] Cơ sở hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa bao gồm: doanh nghiệp, cơ sở kinh tế cá thể, đơn vị sự nghiệp có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa
[2] Kết quả phân tích từ số liệu do Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ thống kê, Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin, Tổng cục Thống kê cung cấp.