Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở: Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước
Lựa chọn xây dựng môi trường văn hóa cơ sở là nhiệm vụ đột phá trong năm 2022. Từ đầu năm đến nay, ngành VHTTDL đã tổ chức chuỗi chương trình thiết thực, cụ thể hướng về cơ sở. Từ không gian Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên, Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia vừa diễn ra, đến Hội diễn Tiếng hát công nhân lao động sắp được tổ chức đầu tháng 7…, ở khắp vùng miền, người dân được chứng kiến, hòa mình trong không gian văn hóa truyền thống với những giá trị được vun đắp qua nhiều thế hệ.
Hội thi Múa không chuyên toàn quốc 2022, hoạt động do Cục VHCS tổ chức.
Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở luôn là một yêu cầu cấp thiết được đặt ra, khẳng định vai trò của văn hóa trong bồi đắp giá trị chân – thiện – mỹ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tạo dựng những môi trường đáng sống
Xác định vai trò quan trọng của xây dựng môi trường văn hóa cơ sở trong mọi hoạt động, lãnh đạo Bộ VHTTDL luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cộng đồng; gìn giữ những giá trị di sản – hạt nhân cốt lõi tạo sự gắn kết cộng đồng, thu hút du khách và phát triển du lịch…
Trong chuyến công tác tại tỉnh Phú Thọ gần đây, thưởng thức những làn điệu Hát Xoan đầy cuốn hút do các nghệ nhân phường Xoan An Thái (xã Phượng Lâu, TP Việt Trì, Phú Thọ) trình diễn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ niềm tự hào với các nghệ nhân, đồng thời bày tỏ mong muốn họ tiếp tục giữ được niềm đam mê, nhiệt huyết, qua đó góp phần gìn giữ di sản đã được UNESCO công nhận, lan tỏa nét đẹp văn hoá truyền thống đặc sắc của quê hương. “Đây là niềm tự hào riêng có của Phú Thọ”, Bộ trưởng khẳng định và cho rằng, cần có nhiều hơn các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích bảo tồn và phát huy giá trị Hát Xoan, để di sản thực sự trở thành tài sản.
Trước đó, trong chuyến công tác tại tỉnh Bắc Ninh về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đã đến thăm Trung tâm bảo tồn Tranh dân gian Đông Hồ, xem các nghệ nhân trình diễn nghề làm tranh; lắng nghe những giai điệu Quan Họ mượt mà của vùng quê Kinh Bắc. Chứng kiến những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của các nghệ nhân cũng như địa phương trong việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn các nghệ nhân tiếp tục giữ được “lửa” yêu nghề để truyền lại cho các thế hệ sau, khẳng định vị trí riêng có của dòng tranh Đông Hồ trong nền văn hóa Việt Nam. Đồng thời, Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, dân ca Quan Họ Bắc Ninh sẽ tiếp tục truyền lửa, trở thành một sản phẩm của công nghiệp văn hóa; góp phần giúp cho di sản văn hóa đặc sắc trên quê hương Kinh Bắc được gìn giữ, lan tỏa, phát huy giá trị…
Nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực đã và đang được Bộ VHTTDL triển khai hướng về cơ sở, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, hình thành những môi trường văn hóa tốt đẹp. Theo các chuyên gia văn hóa, môi trường văn hóa cơ sở được xem như “thiên nhiên” thứ hai, là vườn ươm tạo nên nhân cách văn hóa của con người từ chính mỗi cộng đồng. Môi trường văn hóa có ý nghĩa đặc biệt trong hình thành nhân cách con người; là cơ sở để tạo một xã hội tốt đẹp, hạnh phúc và đáng sống.
PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng (Viện VHNT quốc gia Việt Nam) khẳng định, môi trường văn hóa có ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bền vững của đất nước. Môi trường văn hóa lành mạnh là cơ sở để phát triển kinh tế, bình ổn xã hội, cân bằng môi trường. Môi trường văn hóa bị tổn thương sẽ làm trầm trọng thêm sự bất ổn trong xã hội, dẫn đến những hệ lụy khó lường. “Những năm gần đây, vấn đề môi trường văn hóa nhận được sự quan tâm của nhiều học giả trong và ngoài nước. Việc nhận diện nội hàm của môi trường văn hóa không chỉ thu hút các nhà nghiên cứu văn hóa, chính trị, xã hội mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của những người làm kinh tế, kinh doanh và du lịch. Môi trường văn hóa được coi là nguồn tài nguyên văn hóa, xã hội và kinh tế đặc biệt…”, theo PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng.
Không gian nghệ thuật Đờn ca tài tử, hoạt động điểm nhấn trong chuỗi chương trình hướng về cơ sở do Cục VHCS vừa tổ chức
Với đặc thù riêng, các không gian của môi trường văn hóa ở nước ta có nhiều quy mô, tính chất khác nhau. Từ môi trường văn hóa của gia đình, dòng họ, thôn, bản… đến quận, huyện, tỉnh, thành phố và cả nước. Theo địa hình, có môi trường văn hóa nông thôn, đô thị, môi trường văn hóa của các dân tộc ít người ở miền núi, hải đảo. Tất cả những môi trường văn hóa đó góp phần tạo thành môi trường văn hóa chung của đất nước. Mỗi môi trường có những đặc điểm riêng, tạo nên sắc thái vùng miền đa dạng.
Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước
PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, môi trường văn hóa Việt Nam được hình thành và phát triển hàng ngàn năm nên luôn có sự bảo lưu các yếu tố truyền thống và sự hiện diện các yếu tố mới, hiện đại. Cảnh quan văn hóa là yếu tố dễ nhận biết sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Các sinh hoạt văn hóa cũng thay đổi không ngừng, lễ hội truyền thống thay đổi về thời gian, không gian, quy mô… Các thiết chế văn hóa truyền thống được bổ sung bằng các thiết chế văn hóa hiện đại. Đáng chú ý, sự tiếp thu các ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài là tất yếu đối với hầu hết các môi trường văn hóa. Trong xu thế mở cửa, hội nhập và công nghệ số phát triển, yếu tố văn hóa nước ngoài có điều kiện tác động sâu rộng đến các loại môi trường văn hóa ở nước ta, từ các sinh hoạt văn hóa, tư tưởng đến lối sống, nếp sống của các cá nhân, gia đình, cộng đồng. Môi trường văn hóa gia đình cũng không còn nhiều gia đình đa thế hệ, trong khi các hình thức gia đình mới xuất hiện ngày càng phổ biến.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là quá trình gìn giữ, lan tỏa các giá trị, chuẩn mực văn hóa của gia đình, cộng đồng, quốc gia, tạo điều kiện cho các giá trị văn hóa tốt đẹp, nhân văn nảy nở, ngăn ngừa và loại bỏ tiêu cực, phản văn hóa không phù hợp, hoặc làm tổn hại đến các giá trị, chuẩn mực văn hóa. “Cần phát huy vai trò của các cộng đồng, nhóm cộng đồng, nơi mỗi gia đình sinh sống trong xây dựng môi trường văn hóa. Bởi môi trường văn hóa ở các địa bàn dân cư có ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành nhân cách của mỗi cá nhân cũng như sự lành mạnh của môi trường văn hóa gia đình…”, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng nêu.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của xây dựng môi trường văn hóa, môi trường văn hóa cơ sở trong đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, GS.TS Từ Thị Loan nêu, Nghị quyết 33 đã đưa ra những nội dung cơ bản, bao quát nhất của công cuộc xây dựng môi trường văn hóa, với ba môi trường văn hóa quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và hoàn thiện nhân cách con người, cũng như củng cố và phát triển văn hóa: Xây dựng môi trường văn hóa gia đình; xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường; xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, đây là những nội dung lớn mang tính định hướng cho công cuộc xây dựng môi trường văn hóa nói chung. Đối với từng không gian, môi trường văn hóa cụ thể cần phải có sự vận dụng, phát triển, mở rộng, cụ thể hóa thì mới phù hợp và tương thích.
Theo Báo Văn hóa