Thứ Sáu, 12-11-2021 06:48
img

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021

Cách đây hơn nửa thế kỷ, ở thời điểm vận mệnh đất nước một lần nữa bị đe dọa, ngày 24/11/1946, tại Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai mạc và chủ trì Hội nghị. Người đã trình bày một quan niệm giản dị nhưng mang tính nguyên lý, có ý nghĩa cơ bản và lâu dài, đó là: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Người chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành văn hóa và thông tin. Người nêu nhiệm vụ của văn hoá mới là, phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hoá xưa và nay để xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học và đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hoá nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Người kêu gọi các nhà văn hoá Việt Nam “hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng”.

Ảnh tư liệu Bác Hồ với Đoàn Ca múa nhân dân

Tròn 75 năm kể từ đó, dưới ngọn cờ của Đảng, Nhân dân ta kế thừa, phát triển và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hoá mới thấm đẫm tinh thần yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa phù hợp với đất nước và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đưa đất nước vững bước trong xu thế phát triển của nhân loại tiến bộ. Đó là sức mạnh hiện thực của văn hóa Việt Nam.

Năm nay, Hội nghị Văn hóa toàn quốc dự kiến diễn ra vào tháng 11/2021 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”; đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ; các phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về công tác văn hóa, văn nghệ; từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 – 2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao quà tại Chương trình Nghệ thuật “Bình minh đất Việt” – Khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2021

Hội nghị văn hóa toàn quốc là một diễn đàn quan trọng để lãnh đạo Đảng và Nhà nước trực tiếp lắng nghe những ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị, chia sẻ của các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ quyết tâm đồng hành với dân tộc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hội nghị là dịp cổ vũ, động viên các các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hoá, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.

Chương trình Nghệ thuật “Bình minh đất Việt” – Khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2021

Cùng với chính trị và kinh tế, văn hoá Việt Nam giữ một vai trò và vị trí trọng yếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, hiện nay sau 35 năm đổi mới toàn diện, đồng bộ, đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Yêu cầu to lớn và nhiệm vụ nặng nề đó đòi hỏi chúng ta tiếp tục hoạch định phương hướng vừa mang ý nghĩa chiến lược, vừa có ý nghĩa cấp bách nhằm xây dựng nền văn hoá Việt Nam ngang tầm công cuộc phát triển đất nước nhanh và bền vững, trong tầm nhìn tới năm 2045.

Nhà hát Lớn Hà Nội – nơi diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất năm 1946

Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp lâu dài của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng, cần phải được thực hiện một cách kiên trì, thận trọng. Việc tổ chức các hội nghị văn hóa quốc gia nhằm đóng góp các ý kiến phát triển văn hóa là hết sức cần thiết. Từ Hội nghị này, các ý kiến tâm huyết của các văn nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật sẽ được tổng hợp, là cơ sở để lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các vấn đề văn hóa nghệ thuật của đất nước. Từ đó, mang đến những giá trị cốt lõi nhằm thúc đẩy cho sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong những năm sắp tới.

Lê Hương

img