Thứ Sáu, 29-03-2024 10:25
img

Diễn đàn Bản quyền Việt Nam – Hàn Quốc năm 2024

Sáng ngày 26/3/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với Cơ quan bảo vệ Bản quyền Hàn Quốc (KCOPA) tổ chức Diễn đàn Bản quyền Việt Nam – Hàn Quốc năm 2024.


Toàn cảnh Diễn đàn Bản quyền Việt Nam – Hàn Quốc 2024

Tham dự Diễn đàn có đại diện của Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, một số cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; đại diện của Cục Bản quyền tác giả Hàn Quốc, đại diện Cơ quan bảo vệ Bản quyền Hàn Quốc; các tổ chức quản lý tập thể về quyền tác giả, quyền liên quan, các Hiệp hội, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp âm nhạc của Việt Nam và Hàn Quốc,…


Cục trưởng Trần Hoàng phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng thông tin về đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền, ông cho biết, theo số liệu khảo sát của WIPO thì tại các nước phát triển như Hoa Kỳ đóng góp này chiếm khoảng 11,99% GDP, Hàn Quốc là 9,89% GDP; các nước đang phát triển như Trung Quốc đóng góp này chiếm khoảng 7,35% GDP, Malaysia là 5,7% và Thái Lan là 4.48% GDP. Cục trưởng Trần Hoàng khẳng định Diễn đàn là cơ hội để trao đổi thông tin và kinh nghiệm về bảo hộ quyền tác giả giữa Việt Nam và Hàn Quốc, trong đó có vai trò quan trọng của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, các nhà cung cấp dịch vụ trung gian của 2 quốc gia và phát triển công nghiệp văn hóa nói chung, công nghiệp âm nhạc nói riêng, là nơi để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc trong ngành công nghiệp âm nhạc trao đổi thông tin, kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong thời gian tới.


Bà Lee Young Ah, Trưởng phòng Hợp tác thương mại văn hóa (Bộ VHTTDL Hàn Quốc)

Bà Lee Young Ah, Trưởng phòng Hợp tác thương mại văn hóa (Bộ VHTTDL Hàn Quốc) cho biết trong hơn 10 năm qua, Hàn Quốc đều đặn phối hợp với Việt Nam tổ chức các chương trình hợp tác, Diễn đàn Bản quyền thường niên, các chuyến đào tạo nâng cao năng lực tại Hàn Quốc cho các cán bộ, nhân viên của Cục Bản quyền tác giả – Bộ VHTTDL Việt Nam. Bà cho rằng hai bên có thể đồng hành trong một chặng đường dài là do hai quốc gia luôn có sự tin tưởng mạnh mẽ và ý chí sẵn sàng tiếp tục hợp tác.

Chủ tịch Cơ quan bảo vệ bản quyền Hàn Quốc Park Jung Youl

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Cơ quan bảo vệ bản quyền Hàn Quốc Park Jung Youl cho biết Diễn đàn là cơ hội quý giá để các chuyên gia về bản quyền của 2 nước cùng chia sẻ với nhau, trao đổi về sự hiểu biết về chính sách pháp luật. Ông Park Jung Youl khẳng định kỷ nguyên AI có rất nhiều vấn đề liên quan đến bản quyền đáng lưu ý và cần nhiều hơn nữa những nỗ lực của cả người sáng tạo lẫn người tiêu dùng, đặc biệt là trong những vấn đề về bản quyền.

Ông Phạm Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Quản lý và Hợp tác quốc tế về QTG, QLQ, Cục Bản quyền tác giả

Phần đầu của Diễn đàn với chủ đề “Chính sách và xu hướng bản quyền trên môi trường số” khởi động với bài phát biểu về “Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số” của ông Phạm Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Quản lý và Hợp tác quốc tế về QTG, QLQ, Cục Bản quyền tác giả. Ông Phạm Thanh Tùng đã giới thiệu tổng quan các quy định pháp luật của Việt Nam về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.


Bà Lee Ha Young, Phó trưởng phòng Hợp tác thương mại Văn hóa, Bộ VHTTDL Hàn Quốc

Bà Lee Ha Young, Phó trưởng phòng Hợp tác thương mại Văn hóa, Bộ VHTTDL Hàn Quốc đã có phần trình bày về xu hướng chính sách bản quyền của Hàn Quốc trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI). Trong đó, bà Lee đã giới thiệu về trí tuệ nhân tạo và những đối sách của Hàn Quốc đối với AI; giới thiệu tổng quan về ý tưởng Bảo tàng Bản quyền quốc gia và các tiện ích của bảo tàng; chia sẻ những nỗ lực xóa bỏ vi phạm bản quyền, cân bằng giữa việc bảo vệ và khai thác sử dụng bản quyền tại Hàn Quốc.
Trong phần thứ 2 của Diễn đàn với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác, phát triển ngành công nghiệp âm nhạc và phương án hợp tác giữa hai quốc gia”, đại diện của Hiệp hội bản quyền âm nhạc Hàn Quốc (KOMCA), ông Park Soo Ho đã chia sẻ về tình hình hoạt động của tổ chức đại diện tập thể âm nhạc Hàn Quốc và kế hoạch mở rộng quản lý song phương. Theo đó, ông Park đã giới thiệu khái quát về KOMCA và các hoạt động trên toàn cầu của KOMCA và đưa ra các giải pháp để tăng cường hợp tác, quản lý giữa các tổ chức đại diện tập thể quốc tế.


Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam (VCPMC) phát biểu tại Diễn đàn

Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã có những chia sẻ về xu hướng khai thác bản quyền âm nhạc của Việt Nam trong tương lai. Ông cho biết xu hướng tương lai chính là âm nhạc trực tuyến, vì vậy cần có các chế tài bảo vệ bản quyền tác phẩm âm nhạc trên môi trường số để có thể thúc đẩy ngành công nghiệp âm nhạc phát triển hơn nữa.

Luật sư Phan Vũ Tuấn, Đại diện Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam

Tiếp đó, Luật sư Phan Vũ Tuấn, Đại diện Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam đã có phần trình bày về trách nhiệm và nghĩa vụ phối hợp của đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) đối với các hành vi vi phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc trên môi trường mạng Internet. Luật sư đưa ra định nghĩa và giải thích rõ hơn về ISP, các trách nhiệm của ISP, đồng thời nêu lên thực trạng vi phạm bản quyền các tác phẩm âm nhạc trên môi trường số.


Ông Seong Im Kyung, Giám đốc Cơ quan sáng tạo nội dung Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCCA)

Khép lại phần 2 của Diễn đàn, ông Seong Im Kyung, Giám đốc Cơ quan sáng tạo nội dung Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCCA) đã giới thiệu tới toàn thể đại biểu về sự tăng trưởng của ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc và các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực sáng tạo nội dung giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc. Ông Seong đề xuất đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo giữa hai quốc gia với các giải pháp như xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, trao đổi, nâng cao năng lực nguồn nhân lực, tổ chức các sự kiện chung, tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ hai bên để xúc tiến hợp tác tư nhân,…

  


Các đại biểu tham gia thảo luận tại Diễn đàn

Sau phần thảo luận trao đổi, giải đáp thông tin giữa các diễn giả, cơ quan quản lý với các đại biểu có mặt tại hội trường, Diễn đàn Bản quyền Việt Nam – Hàn Quốc 2024 đã chính thức khép lại. Diễn đàn Bản quyền Việt Nam – Hàn Quốc năm 2024 đã diễn ra thành công tốt đẹp, đồng thời mang đến nhiều thông tin, cơ hội, góp phần thúc đẩy, xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp âm nhạc của hai nước.

An Phước Hạnh

img