QUYỀN TÁC GIẢ ĐỐI VỚI TÁC PHẨM CÓ ĐỒNG TÁC GIẢ
Từ khóa: Quyền tác giả, tác giả, đồng tác giả, tác phẩm.
Ảnh minh họa
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Tác phẩm có thể do một tác giả hoặc nhiều tác giả sáng tạo ra. Khi có nhiều hơn một tác giả sáng tạo ra tác phẩm, những người này có được gọi là các đồng tác giả không và quyền tác giả đối với tác phẩm được sáng tạo bởi các đồng tác giả được quy định như thế nào. Bài viết này trình bày về đồng tác giả và quyền tác giả đối với tác phẩm có đồng tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung các năm 2009, 2019 và 2022 (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ).
- Tác giả, tác phẩm
a) Tác giả
Theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ: Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm[1]. Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác. Như vậy, tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
Định nghĩa này cho thấy, tác giả có thể là một người hoặc nhiều người trong một tổ chức, pháp nhân, nhưng tác giả không thể là bản thân tổ chức, pháp nhân đó. Tương tự như vậy, tác giả cũng không thể là một thực thể tự nhiên, mà không phải con người. Trên thế giới đã có án lệ về việc con khỉ chụp ảnh “tự sướng” khi nó có máy ảnh trong tay và tòa án không công nhận bản quyền của bức ảnh do con khỉ chụp với lý do những bức ảnh này được tạo ra không phải bởi con người.[2]
Giờ đây, các nhà khoa học đã tạo ra những cỗ máy trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence hay AI) có khả năng học tập từ các dữ liệu đầu vào và tự đưa ra các quyết định hoàn toàn độc lập hoặc theo định hướng có trước, mà không cần con người lập trình cụ thể. Do đó, để tạo ra một bài viết, bản tin, bản nhạc, bài hát, hình ảnh, tranh vẽ…, con người chỉ cần cung cấp cho AI các dữ liệu cần thiết, nó sẽ học hỏi và tự đưa ra quyết định mang tính độc lập trong quá trình sáng tạo về việc tác phẩm sẽ được tạo ra như thế nào. Trường hợp tác phẩm được tạo thành có sự hỗ trợ từ AI (AI-assisted works – ASW) với việc con người sử dụng AI như một công cụ, phương tiện nhằm hỗ trợ việc tạo nên tác phẩm thì vai trò của AI trong việc tạo thành tác phẩm đã rõ là chỉ mang tính hỗ trợ.
Đối với những sản phẩm hoàn toàn tạo bởi AI (AI-generated works – AGW), việc hình thành sản phẩm là hoàn toàn tự động, mà không có sự tham gia trực tiếp của con người thì điều chỉnh pháp lý đối với pháp luật của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay chỉ thừa nhận 2 loại chủ thể pháp luật là cá nhân và tổ chức. Do AI không phải là người và không phải là chủ thể quan hệ pháp luật, tác giả không thể là AI theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay.
b) Tác phẩm
Ảnh minh họa
Tác phẩm được định nghĩa là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào[3]. Tác phẩm được bảo hộ theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ phải thỏa mãn các yêu cầu sau:
Thứ nhất, tác phẩm được bảo hộ phải thuộc một trong các loại hình quy định tại Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:
– Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
– Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
– Tác phẩm báo chí;
– Tác phẩm âm nhạc;
– Tác phẩm sân khấu;
– Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (còn gọi là tác phẩm điện ảnh);
– Tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng;
– Tác phẩm nhiếp ảnh;
– Tác phẩm kiến trúc;
– Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
– Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
– Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Thứ hai, tác phẩm được bảo hộ phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
Trong tác phẩm thuộc các loại hình tác phẩm được bảo hộ có thể trích dẫn hợp lý tác phẩm của người khác và đáp ứng các điều kiện về trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ [4].
Như vậy, tác phẩm được bảo hộ phải thuộc một trong các loại hình quy định tại Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ và phải do tác giả trực tiếp sáng tạo ra bằng lao động trí tuệ của mình, mà không sao chép.
- Đồng tác giả
Khi tác phẩm được tạo thành có sự đóng góp của nhiều người và các đóng góp của họ có thể đồng thời, cùng lúc hoặc độc lập, vào các thời điểm khác nhau thì những người này có được coi là đồng tác giả?
Luật Sở hữu trí tuệ quy định: Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả.[5] Các đồng tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm có chung các quyền nhân thân và quyền tài sản quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm đó.[6] Nếu tác phẩm do các đồng tác giả cùng sáng tạo có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác thì có các quyền nhân thân và quyền tài sản quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ đối với phần riêng biệt đó.[7]
Khái niệm tác phẩm phái sinh trong Luật Sở hữu trí tuệ khi đề cập đến dạng tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có từ trước. Để sáng tạo ra tác phẩm phái sinh cần có tác phẩm đã được sáng tạo trước đó mà được dùng để làm tác phẩm phái sinh, vì vậy sẽ có tác giả của tác phẩm phái sinh và tác giả của tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh. Như vậy, tác phẩm phái sinh được tạo thành cần sự đóng góp sáng tạo của nhiều hơn một tác giả. Tuy nhiên, việc sáng tạo tác phẩm phái sinh trên cơ sở tác phẩm đã có từ trước, mà không trên cơ sở cùng trực tiếp sáng tạo, cùng đồng ý kết hợp tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh giữa hai tác giả này và tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh là tác phẩm độc lập, ra đời trước và được hưởng quyền tác giả, nên những người này không được coi là đồng tác giả.
Khi các cá nhân đồng thuận về việc cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm từ sự kết hợp của những đóng góp riêng để tạo nên một tổng thể thống nhất có gắn bó, kết nối với nhau và từng tác giả thực hiện phần việc của mình với ý thức rằng phần tham gia của mình góp phần tạo nên tổng thể hoàn chỉnh tác phẩm, thì những người này được gọi là đồng tác giả. Như vậy, cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm có thể diễn ra cùng thời điểm, cùng nhau sáng tạo hoặc có thể khác thời điểm, không cùng thực hiện nhưng phải đảm bảo ý định của từng tác giả trong ý định chung của cả nhóm tác giả là cùng tạo ra một tác phẩm thống nhất, hoàn chỉnh. Hơn nữa, tác phẩm tạo thành này nếu có phần nào đó có thể sử dụng độc lập, không gây ảnh hưởng đến các phần khác của tác phẩm đồng tác giả thì pháp luật quy định cho phép việc sử dụng độc lập đối với phần riêng biệt đó.
Trong trường hợp nhóm tác giả viết giáo trình gồm nhiều chương, có thể chỉ một hoặc một số người tham gia xây dựng hình thành cấu trúc giáo trình, định hình các chương, phần và nội dung trong giáo trình đó; một số người khác chỉ tham gia vào một vài chương, phần trong giáo trình, mà không tham gia vào việc xây dựng cấu trúc chương, phần, nội dung, nhưng những người này hiểu và thống nhất với cấu trúc, nội dung đó và trực tiếp thực hiện viết các chương phần được giao. Do vậy, việc viết các nội dung trong giáo trình không nhất thiết phải cùng thời điểm, cùng thực hiện để trở thành đồng tác giả của giáo trình đó.
Những người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm có vai trò đúng như tên gọi, chỉ đơn thuần mang tính hỗ trợ, góp ý, cung cấp tư liệu, mà không trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm nên không được công nhận là tác giả. Vai trò của người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm cũng không có các đặc điểm để xác định về việc cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm và với chủ ý về công sức sáng tạo của họ để cùng tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh, nên cũng không được coi là đồng tác giả. Vì vậy, pháp luật quy định người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm không phải là tác giả, đồng tác giả.[8]
Trở lại khái niệm tác giả, một chủ thể không được công nhận là tác giả thì cũng không được công nhận là một trong các đồng tác giả sáng tạo nên tác phẩm. Trường hợp tương tự về sự hỗ trợ của AI giúp con người sáng tạo tác phẩm, vai trò của AI chỉ với tính chất là công cụ trợ giúp, cung cấp tư liệu, mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành đề cập đến người hỗ trợ góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm
3. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả trong trường hợp đồng tác giả
Ảnh minh họa
a) Thời hạn bảo hộ quyền tác giả[9] theo Luật Sở hữu trí tuệ được quy định như sau:
– Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ được bảo hộ vô thời hạn.
– Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ có thời hạn bảo hộ như sau:
- Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này.
- Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết.
- b) Đối với tác phẩm đồng tác giả
– Các quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ được bảo hộ vô thời hạn.
– Các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh (các loại hình tác phẩm không tính theo đời người) thì thời hạn bảo hộ là giống nhau trong trường hợp có một tác giả hoặc nhiều tác giả, cụ thể như sau: bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này.
– Các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm đối với loại tác phẩm tính thời hạn bảo hộ theo đời người thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
- Quyền tác giả đối với tác phẩm có đồng tác giả
Quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ. Các quyền tài sản quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả; trường hợp làm tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng đến quyền nhân thân còn phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả. Đối với các trường hợp giới hạn quyền tác giả thì không phải xin phép khi sử dụng nhưng phải trả tiền bản quyền và phải thỏa mãn các điều kiện theo quy định tại Điều 26 của Luật Sở hữu trí tuệ. Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả thì khi sử dụng không phải xin phép và không phải trả tiền bản quyền, nhưng phải thỏa mãn các điều kiện theo quy định tại Điều 25 và Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ. Trường hợp tác phẩm đã kết thúc thời hạn bảo hộ thì thuộc về công chúng và mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền sử dụng tác phẩm nhưng phải tôn trọng các quyền nhân thân của tác giả.
Đối với tác phẩm có đồng tác giả, việc thực hiện các quyền nhân thân và quyền tài sản còn có một số đặc điểm riêng như sau:
– Việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận của các đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác hoặc luật khác có quy định khác.[10]
Như vậy, nếu các đồng tác giả cũng đồng thời là đồng chủ sở hữu quyền tác giả, những người này sẽ thỏa thuận với nhau về việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm. Nếu các đồng tác giả không đồng thời là đồng chủ sở hữu quyền tác giả thì các đồng tác giả thỏa thuận về việc thực hiện quyền nhân thân, các đồng chủ sở hữu quyền tác giả thỏa thuận về việc thực hiện quyền tài sản đối với tác phẩm theo quy định tại khoản 3 Điều 45 và khoản 3 Điều 47 của Luật Sở hữu trí tuệ.[11] Việc chuyển nhượng các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm có đồng chủ sở hữu phải có sự thoả thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu; trong trường hợp tác phẩm có đồng chủ sở hữu nhưng có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả có quyền chuyển nhượng quyền tác giả đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.[12] Việc chuyển quyền sử dụng quyền tác giả các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm có đồng chủ sở hữu phải có sự thoả thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu; trong trường hợp tác phẩm có đồng chủ sở hữu nhưng có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả có thể chuyển quyền sử dụng quyền tác giả đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.[13]
– Các đồng tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả không được phản đối việc cho phép khai thác, sử dụng tác phẩm theo cách thông thường và vì lợi ích chung.[14]
– Đồng chủ sở hữu quyền tác giả có thể tuyên bố bằng văn bản về việc từ bỏ quyền của mình đối với tác phẩm quy định tại khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ và thông báo cho các đồng chủ sở hữu quyền tác giả khác biết. Quyền của đồng chủ sở hữu quyền tác giả đã tuyên bố từ bỏ được tự động chuyển giao cho các đồng chủ sở hữu quyền tác giả khác.[15] Quy định về việc đồng chủ sở hữu quyền tác giả có thể từ bỏ phần quyền sở hữu của mình là phù hợp với quy định về việc một trong các chủ sở hữu chung đối với động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình tại khoản 5 Điều 218 của Bộ luật dân sự.
– Tương tự trường hợp làm tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng đến quyền nhân thân quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ (quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả) phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả; nếu sử dụng tác phẩm của các đồng tác giả để làm tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng đến quyền nhân thân của các đồng tác giả theo quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của các đồng tác giả đối với tác phẩm đó. [16]
Việc xác định có phải là đồng tác giả hay không có ý nghĩa trong việc xác định quyền tác giả dành cho người sáng tạo nên tác phẩm đó. Khi một chủ thể không được công nhận là tác giả thì cũng không được công nhận là một trong các đồng tác giả sáng tạo nên tác phẩm. Tác phẩm có đồng tác giả là tác phẩm có từ hai người trở lên cùng sáng tạo ra với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh. Việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận của các đồng tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo các nguyên tắc của Bộ luật Dân sự, trong đó có nguyên tắc về định đoạt tài sản chung và được quy định cụ thể tại các điều khoản của Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định số 17/2023/NĐ-CP.
Nguyễn Thị Ngọc Hà
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Luật Sở hữu trí tuệ (Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH ngày 08/7/2022)
- Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan
- TS. Lưu Hương Ly, Nhận diện một số vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Thực trạng và định hướng tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, Hà Nội, 2024.
- Can the monkey selfie case teach us anything about copyright law? tại https://www.wipo.int/wipo_magazine/en/2018/01/article_0007.html truy cập ngày 11/11/2024.
- Copyright and Related Rights https://www.wipo.int/export/sites/www/sme/en/documents/pdf/ip_panorama_5_learning_points.pdf
[1] Xem Điều 12a Luật Sở hữu trí tuệ.
[2] Xem Can the monkey selfie case teach us anything about copyright law? tại https://www.wipo.int/wipo_magazine/en/2018/01/article_0007.html truy cập ngày 11/11/2024
[3] Xem Khoản 7 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ.
[4] Xem Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ
[5] Xem Khoản 1 Điều 12a của Luật Sở hữu trí tuệ.
[6] Xem Khoản 1 Điều 38 của Luật Sở hữu trí tuệ.
[7] Xem Khoản 2 Điều 38 của Luật Sở hữu trí tuệ.
[8] Xem Khoản 2 Điều 12a của Luật Sở hữu trí tuệ.
[9] Xem Điều 27 của Luật Sở hữu trí tuệ.
[10] Xem khoản 3 Điều 12a của của Luật Sở hữu trí tuệ
[11] Xem Khoản 1 và Khỏan 2 Điều 16 của Nghị định số 17/2023/NĐ-CP
[12] Xem Khoản 3 Điều 45 của Luật Sở hữu trí tuệ
[13] Xem Khoản 3 Điều 47 của Luật Sở hữu trí tuệ
[14] Xem Khoản 3 Điều 16 của Nghị định số 17/2023/NĐ-CP
[15] Xem Khoản 4 Điều 16 của Nghị định số 17/2023/NĐ-CP
[16] Xem Khoản 2 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ