Thứ Sáu, 25-04-2025 06:18

Nhiều gợi mở sáng tạo, nhiều đề xuất, kiến nghị có tính thực tiễn cao tại Tọa đàm “Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc” – Chào mừng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 năm 2025
Ngày 20/4/2025, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tổ chức chương trình “Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc” nhằm giúp các bên liên quan trao đổi, nêu ra thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm phát triển thị trường âm nhạc trong nước và quốc tế. Chủ trì Tọa đàm, đồng chí Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL, NSND Nguyễn Xuân Bắc, Cục trưởng Cục nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VHTTDL và bà Trần Thị Phương Lan, Vụ trưởng Vụ Văn hoá, Văn nghệ, Ban Tuyên giáo – Dân vận Trung ương.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng phát biểu khai mạc Tọa đàm (Ảnh COV)
Khai mạc Tọa đàm, Cục trưởng Trần Hoàng cho biết, đây là lần đầu tiên Cục Bản quyền tác giả phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đối thoại mở với các nhà sản xuất, các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Thông qua Tọa đàm để nắm bắt được thực trạng khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục, đồng thời định hướng xây dựng các sự kiện âm nhạc có quy mô, giá trị văn hóa, kinh tế và xây dựng các sản phẩm âm nhạc chất lượng cao, định hướng xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

NSND Nguyễn Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, đồng chủ trì Tọa đàm (Ảnh COV)
Tại buổi Tọa đàm, Ban Tổ chức đã nhận được 17 lượt ý kiến phát biểu của đại diện các doanh nghiệp, các nhà sản xuất âm nhạc, đại diện các Hội, hiệp hội liên quan: Yeah 1, Nam Việt Media, Vietfest, Tiktok Việt Nam, BH Media, Phan Law, Hue Symphony, Space Speakers, Metus Viet Nam, Hiệp hội công nghiệp ghi âm, Hội Nhạc sỹ, Hiệp hội Quảng cáo…

CEO Châu Le – Giám đốc sản xuất chương trình Hue Symphony (Ảnh COV)
Các đại biểu đã chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc cản trở sự phát triển của ngành âm nhạc cả về rào cản cơ chế, pháp lý và đề xuất xuất những chính sách, đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về cấp phép tổ chức sự kiện; nhiều chính sách thuế và tài chính thiếu rõ ràng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo phát biểu (Ảnh COV)
Bên cạnh đó, vấn đề bảo hộ bản quyền, xây dựng thương hiệu và phát triển các sản phẩm âm nhạc chất lượng cao có khả năng thương mại hóa, công nghiệp hoá vẫn còn nhiều bất cập.

Ông Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam (Ảnh COV)
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong phát hành và khai thác sản phẩm âm nhạc, đồng thời đề xuất cơ chế hợp tác công tư, thu hút đầu tư nước ngoài và kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành nhằm phát triển công nghiệp âm nhạc một cách bền vững. Ngoài ra, việc tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn và chuyên sâu dành cho đội ngũ làm nghề cũng được đánh giá là cần thiết để nâng cao năng lực tổ chức sự kiện, biểu diễn nghệ thuật, từ đó xây dựng thị trường âm nhạc chuyên nghiệp hơn.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng Giám đốc Tik Tok Việt Nam (Ảnh COV)
Cũng trong buổi Tọa đàm, một số doanh nghiệp cũng đề xuất chính sách ưu đãi thuế cho các nhà sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo nội dung, mở thêm các mã ngành mới như ngành livestream là một ngành kinh doanh chính thức để thuận tiện thực hiện nghĩa vụ thuế….

Ông Phạm Minh Toàn – CT HĐQT VietFest (Ảnh COV)
Kết thúc Tọa đàm, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, đồng chí Trần Hoàng cho biết sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến của các đại biểu để tham mưu cho Bộ VHTTDL, Chính phủ, các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, các cơ chế, chính sách. Cục trưởng đánh giá, một số kiến nghị của các đại biểu như chính sách thuế phù hợp, nhất là về thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất khẩu sản phẩm văn hóa online; các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện cho tổ chức sự kiện nghệ thuật về địa điểm, an ninh, phòng cháy chữa cháy cho các chương trình lớn; Thúc đẩy truyền thông tạo thói quen trả phí cho các sản phẩm nghệ thuật cả online và trực tiếp, trong đó có vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ, tạo cơ chế khuyến khích người dân trả tiền cho sản phẩm nghệ thuật là những mong muốn, nguyện vọng hết sức chính đáng của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, các nhà sáng tạo. Bên cạnh tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự, Cục trưởng Cục Bản quyền cũng nhấn mạnh các nhà sản xuất, nhà sáng tạo cần chủ động tăng cường quảng bá sản phẩm âm nhạc để thúc đẩy tiêu dùng trong và ngoài nước; cần có nhạc sĩ sáng tác hay và nghệ sĩ truyền tải tốt; khuyến khích phát triển những sản phẩm âm nhạc kết hợp hiện đại và truyền thống; thúc đẩy sự liên kết giữa các bên: nhà sản xuất, kỹ thuật viên, ca sĩ, nhạc sĩ; thực hiện cạnh tranh lành mạnh để phát triển sản phẩm mới, tránh triệt tiêu lẫn nhau; chú trọng đào tạo ngắn và dài hạn, phát hiện tài năng trẻ, đẩy mạnh sử dụng nền tảng số để truyền dạy, chia sẻ kiến thức và đào tạo các thế hệ kế cận và đặc biệt cần truyền thông nâng cao nhận thức, bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan để tự bảo vệ quyền và lợi chính đáng cho chính các chủ thể sáng tạo./.

Các đại biểu dự Tọa đàm chụp hình lưu niệm (Ảnh COV)
COV
