Bảo hộ quyền tác giả tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng – nhìn từ khía cạnh pháp lý và thực tiễn
Thạc sĩ Phạm Thị Kim Oanh
Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển kinh tế tri thức, quyền tác giả trở thành một trong những yếu tố quan trọng của quá trình phát triển. Việc bảo hộ thích đáng và có hiệu quả quyền tác giả là một trong những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy hoạt động sáng tạo, làm giàu kho tàng tri thức, tạo môi trường đầu tư an toàn để thu hút các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Thông qua việc khuyến khích hoạt động sáng tạo và phổ biến các sáng tạo, công chúng được tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn học, nghệ thuật và khoa học.
Một số quy định pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền tác giả tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng
Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng là một trong những đối tượng bảo hộ quyền tác giả được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ[1].
Theo Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn, tác phẩm tạo hình là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục như: hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện tượng tự, tồn tại dưới dạng độc bản. Riêng đối với loại hình đồ họa, có thể được thể hiện tới phiên bản thứ 50, được đánh số thứ tự có chữ ký của tác giả. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất hàng loạt bằng tay hoặc bằng máy như: biểu trưng, hàng thủ công mỹ nghệ; hình thức thể hiện triên sản phẩm, bao bì sản phẩm.
Theo Điều 3 Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 về hoạt động mỹ thuật, tác phẩm mỹ thuật là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục, bao gồm: Hội họa (tranh sơn mài, sơn dầu, lụa, bột màu,màu nước, giấy dó và các chất liệu khác); Đồ họa (tranh khắc gỗ, khắc kim loại, khắc cao su,khắc thạch cao, in độc bản, in đá, in lưới, tranh cổ động, thiết kế đồ họa và các chất liệu khác); Điêu khắc (tượng, tượng đài, phù điêu, đài, khối biểu tượng); Nghệ thuật sắp đặt và các hình thức nghệ thuật đương đại khác (video art; sắp đặt video; sắp đặt ánh sáng; vẽ trên cơ thể người; nghệ thuật trình diễn – performance art).[2]
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả đối với tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký[3].
Tác phẩm được bảo hộ phải là bản gốc. Bản gốc tác phẩm là bản được tồn tại dưới dạng vật chất mà trên đó việc sáng tạo tác phẩm được định hình lần đầu tiên. Theo điều 736 Bộ luật Dân sự, tác giả là người sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Trường hợp có hai người hoặc nhiều người cùng sáng tạo ra tác phẩm thì những người đó là các đồng tác giả.
Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản.[4]
Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm.
Quyền nhân thân thuộc quyền tác giả bao gồm: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả.
Quyền tài sản thuộc quyền tác giả bao gồm: Sao chép tác phẩm; làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Phân phối, nhập khẩu bản gốc và bản sao tác phẩm; Truyền đạt tác phẩm đến công chúng.
Theo quy định tại điều 740 Bộ luật Dân sự, quyền nhân thân thuộc về tác giả (trừ quyền công bố). Trong trường hợp tác phẩm được sáng tạo không phải trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ hoặc hợp đồng giao việc thì quyền tài sản thuộc về tác giả. Trong trường hợp tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ hoặc hợp đồng giao việc thì quyền tài sản thuộc về cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ hoặc bên giao việc theo hợp đồng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Bên cạnh việc quy định các quyền độc quyền dành cho tác giả, chủ sở hữu quyền, nhằm cân bằng lợi ích giữa tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả với bên khai thác sử dụng và công chúng hưởng thụ, Luật Sở hữu trí tuệ cũng có những quy định về giới hạn, ngoại lệ quyền. Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ quy định đối với trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Theo đó, việc chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đã được công bố thì không phải xin phép và không phải trả nhuận bút, thù lao. Việc làm này không được ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
Quyền nhân thân thuộc quyền tác giả được bảo hộ vô thời hạn (trừ quyền công bố tác phẩm là có một thời hạn nhất định cùng với các quyền tài sản). Quyền tài sản đối với tác phẩm tạo hình là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết. Quyền tài sản đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên, đối với tác phẩm chưa được công bố trong vòng 25 năm kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là 100 năm kể từ khi tác phẩm được định hình.
Các hành vi xâm phạm quyền tác giả tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng:
Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định một loạt các hành vi bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả: Chiếm đoạt quyền tác giả; Mạo danh tác giả; Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả; Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó; Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả; Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo; Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh; Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật; trừ trường hợp ngoại lệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình; Cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm; Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình; Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các ngành văn học nghệ thuật trong đó có mỹ thuật đã có bước phát triển cả về đội ngũ sáng tác, chất lượng sáng tác, công bố tác phẩm và đặc biệt là việc mua bán các tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, sử dụng các tác phẩm trên các ấn phẩm và truyền hình… Với hành lang pháp lý về bảo hộ quyền tác giả tương đối đầy đủ, việc tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo quyền cũng đã tạo ra được những nền tảng nhận thức nhất định, qua đó nâng cao việc tuân thủ và bảo vệ quyền tác giả.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong lĩnh vực mỹ thuật, tình trạng sao chép tranh, làm tranh giả, làm tranh mạo danh…vi phạm quyền tác giả vẫn còn xảy ra.
Việc sao chép tranh chủ yếu của các tác giả nổi tiếng, các tác giả có tranh bán chạy… Ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố có không ít các cửa hàng chuyên sao chép tranh. Cũng có những trường hợp sao chép tranh của tác giả nước ngoài, ký tên mình và thậm chí còn gửi tham gia cuộc thi đạt giải, sau đó bị báo chí phát hiện lên án, tác giả đó đã bị tịch thu lại giải thưởng và có trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quyền tác giả.
Thực tế cho thấy, có những câu hỏi đã được đặt ra, liệu việc đạo ý tưởng hay sao chép phong cách của một tác phẩm mỹ thuật thì có được xem là vi phạm bản quyền mỹ thuật hay không? Theo Luật Sở hữu trí tuệ, sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử. Quyền tác giả bảo hộ hình thức thể hiện, không bảo hộ ý tưởng. Khi các ý tưởng sáng tạo được tác giả thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định thì được nhà nước bảo hộ. Để phân định có hay không việc sao chép một tác phẩm mỹ thuật là một việc không dễ và trong nhiều trường hợp cần phải có ý kiến của các chuyên gia, hội đồng thẩm định.
Việc mạo danh tác giả cũng xảy ra nhiều. Dựa trên đặc trưng bút pháp của các tác giả nổi tiếng để vẽ tranh có cùng phong cách và ký tên tác giả nổi tiếng đó để bán được tranh với giá cao cũng là một hành vi vi phạm quyền tác giả.
Việc cá nhân, tổ chức dựa trên tác phẩm của người khác và chuyển đổi chất liệu tác phẩm, ví dụ một số cơ sở sản xuất thủ công chuyển đổi tranh sơn dầu, sơn mài, tranh khắc gỗ của các tác giả thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như tranh ghép lá, tranh đá quý, tranh thêu … là việc làm tác phẩm phái sinh. Việc này cần phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm gốc.
Đối với tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng, đồ họa cũng xảy ra tình trạng cá nhân, tổ chức sử dụng các tác phẩm điêu khắc nhỏ, đồ gốm, đồ sơn mài, tranh khắc … để đưa vào sản xuất hàng loạt mà không xin phép tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả và không trả nhuận bút cho tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả.
Bảo vệ quyền tác giả tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng:
Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan có mức xử phạt đối hành vi vi phạm quyền tác giả cao nhất là 250 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm, 500 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm.
Điều 171a Bộ Luật hình sự quy định hình phạt đối với hành vi sao chép, phân phối với quy mô thương mại, hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm.
Theo quy định của pháp luật, chủ thể quyền tác giả có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền của mình: Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả; Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền tác giả phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định pháp luật; Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Ý thức được vấn đề bảo vệ quyền tác giả, nhiều tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đã chủ động trong việc đi đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
Đăng ký quyền tác giả là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nộp đơn và hồ sơ kèm theo (sau đây gọi chung là đơn) cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả. Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả. Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại. Đây chính là một lợi thế cho các tác giả khi đi đăng ký quyền tác giả, đồng thời thông tin liên quan đến tác phẩm đăng ký quyền tác giả được đưa lên website Quyền tác giả Việt Nam, các cá nhân, tổ chức khi cần khai thác sử dụng tác phẩm có thể tìm hiểu thông tin ban đầu từ đây.
Quy trình thủ tục đăng ký quyền tác giả đã được quy định cụ thể tại Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn. Quy trình này cũng được công bố trên website Quyền tác giả Việt Nam, địa chỉ http://www.cov.gov.vn
Theo số liệu đăng ký bản quyền của 5 năm trở lại đây, số lượng đăng ký tác phẩm tạo hình và mỹ thuật ứng dụng chiếm gần 40 % số tác phẩm đến đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả. Tuy nhiên, chủ yếu là loại hình mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm tạo hình chỉ chiếm khoảng trên 3%. Riêng năm 2013, có 347 tác phẩm tạo hình đăng ký chiếm 7,04%; 1610 tác phẩm mỹ thuật ứng dụng chiếm 32,67%/trên tổng 4928 tác phẩm đăng ký.
Để việc bảo hộ quyền tác giả tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng có hiệu quả, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quyền tác giả, cần phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và tôn trọng quyền tác giả, tôn trọng các sáng tạo trí tuệ. Hiểu, tôn trọng bản quyền chính là lương tâm, trách nhiệm, thể hiện lòng tự trọng và cũng là danh dự của người khai thác, sử dụng tác phẩm.
Tóm lại, quyền tác giả tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng được tôn trọng, người sáng tạo được nhận lợi ích tương xứng khi tác phẩm của họ được sử dụng sẽ là động lực kinh tế khiến tác giả sáng tạo ra nhiều tác phẩm hơn, có chất lượng cao hơn. Để việc bảo hộ quyền tác giả tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng có hiệu quả, cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống cơ quan quản lý, thực thi, các hội nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng cũng như của toàn xã hội./.
[1]Điều 14 khoản 1 điểm g Luật Sở hữu trí tuệ [2]Điều 3 Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 [3]Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ [4]Điều 36 Luật Sở hữu trí tuệ