Hội thảo về bản quyền trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại thành phố Hà Nội, ngày 18/10/2024
Sáng 18.10 tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả đã tổ chức Hội thảo về bản quyền trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hội thảo diễn ra dưới hình thực trực tiếp và trực tuyến. Hội thảo thu hút hơn 600 đại biểu tham dự đến từ 160 trường đại học của 40 tỉnh thành trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Phạm Thị Kim Oanh Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả khẳng định, quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế.
Bà Phạm Thị Kim Oanh Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu khai mạc Hội thảo
Cũng theo bà Phạm Thị Kim Oanh, trong những năm qua, hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nhà nước quản lý hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan thông qua nhiều công cụ quản lý khác nhau, trong đó pháp luật được coi là công cụ quản lý quan trọng nhất. Việt Nam đã, đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 trên 9 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán, ký kết 2 Hiệp định song phương và 17 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do song phương, đa phương với các quốc gia, khu vực kinh tế khác nhau trên thế giới có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan. Việc ký kết và tham gia các điều ước quốc tế, hiệp định thương mại đã đưa Việt Nam lên vị thế bình đẳng, cùng có lợi với các quốc gia có nền công nghiệp bản quyền phát triển. Đồng thời, đem đến những thách thức mà Việt Nam phải vượt qua khi thực hiện các cam kết trong hội nhập.
Phó Cục trưởng Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh: “Đồng thời, trong dài hạn, chúng ta cần nhận diện các vấn đề thực tiễn, xu hướng phát triển của thế giới, yêu cầu đặt ra đối với lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng tiến bộ, khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao, các quyền tác giả, quyền liên quan được bảo vệ và thực thi hiệu quả hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, trong sáng tạo và truyền bá tri thức. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, nhiều vấn đề mới, những cơ hội và thách thức gắn với công nghệ, kỹ thuật đặt ra như công nghệ blockchain, AI, Big Data… cũng là bài toán chung cho các quốc gia trong vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đồng thời vẫn phải đảm bảo được một trong những nội dung cốt lõi là nguyên tắc “Cân bằng lợi ích”, vốn được thiết kế nhằm bảo vệ quyền tiếp cận và sử dụng tác phẩm của xã hội và cộng đồng, trong đó có hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học”.
ThS. Phạm Thị Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thư viện, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ThS. Phạm Thị Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thư viện, Trường Đại học Luật Hà Nội đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các quy định, hướng dẫn chi tiết cho lực lượng làm công tác thực thi quyền tác giả. Thứ hai, tiếp tục nâng cao nhận thức đúng về vai trò của việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến chuyển đổi số ngành thư viện. Thứ ba, Trường, Trung tâm Công nghệ thông tin và Thư viện thực hiện tốt các biện pháp dự phòng để đảm bảo hệ thống máy chủ thư viện không bị tấn công; tăng cường bảo vệ các thiết bị, tài khoản cá nhân khi sử dụng tài nguyên thông tin số.
Th.S Trần Quang Trung, Phó Trưởng khoa Luật, Đại học Duy Tân Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo
Đề xuất giải pháp về hoạt động sao chép hiện nay tại các trường đại học, Thạc sỹ Trần Quang Trung, Phó Trưởng khoa Luật, Đại học Duy Tân Đà Nẵng cho rằng cần hoàn thiện pháp luật rõ ràng hơn đồng thời mở rộng quyền sao chép của sinh viên, học viên trong một số trường hợp cụ thể; cần thảo luận sâu hơn để xác định mức độ sử dụng ngân sách bao nhiêu trong tác phẩm để dung hòa lợi ích của người sáng tạo với nhu cầu sử dụng của công chúng; có cơ chế khai thác, sử dụng các tác phẩm khoa học (luận án, luận văn, sách tham khảo…). Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và nhu cầu kết nối thông tin toàn cầu, Thạc sỹ Trần Quang Trung cho rằng Việt Nam cần nghiên cứu và áp dụng các kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện quy định pháp luật về quyền tác giả, bao gồm việc mở rộng phạm vi bảo hộ cho các tác phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo, xác định rõ ràng quyền sở hữu đối với các tác phẩm do tổ chức và cá nhân tạo ra, cũng như ban hành các hướng dẫn cụ thể về sử dụng hợp lý các tác phẩm trong nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, ThS. Trần Quang Trung cũng đưa ý kiến về việc xem xét xây dựng, tách quyền tác giả khỏi quyền sở hữu trí tuệ để có những quy định rõ ràng, tránh gây nhầm lẫn.
Phát biểu về nội dung sử dụng hợp lý tác phẩm, bà Đỗ Thị Diện, giảng viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế cho biết, theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, Tại Điều 107, Đạo luật Bản quyền Hoa Kỳ quy định về giới hạn các độc quyền: “sử dụng hợp lý tác phẩm” đã liệt kê bốn điều kiện để Tòa án xác định một hành vi nào đó là hợp lý và không hợp lý và Nghị viện Hoa Kỳ cũng không xác định yếu tố nào là quan trọng nhất: Thứ nhất, mục đích và đặc điểm của việc sử dụng, bao gồm việc sử dụng đó có tính chất thương mại không hay là chỉ nhằm mục đích giáo dục phi lợi nhuận; thứ hai, bản chất của tác phẩm được bảo hộ; thứ ba, số lượng và thực chất của phần được sử dụng trong tác phẩm được bảo hộ như là một tổng thể; thứ tư, ảnh hưởng của việc sử dụng đó đối với tiềm năng thị trường hoặc đối với giá trị của tác phẩm được bảo hộ. Do đó, khi áp dụng các điều kiện này Tòa án cũng phải xem xét việc sử dụng ở tất các các góc độ trên một cách công bằng. Điều luật ghi nhận rằng việc sử dụng hợp lý tác phẩm được áp dụng với cả tác phẩm chưa công bố. Quy định này hoàn toàn khác với pháp luật Việt Nam, chỉ áp dụng các trường hợp ngoại lệ trong sử dụng hợp lý tác phẩm đối với những tác phẩm đã công bố.
Bà Đỗ Thị Diện, giảng viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế phát biểu trực tuyến tại Hội thảo
Bà Đỗ Thị Diện nhấn mạnh và đưa ra 3 giải pháp chính nhằm hoàn thiện pháp luật về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả: thứ nhất, pháp luật cần xác định cụ thể về “không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm” và “không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả”, và “cỏi trói” quy định liệt kê “đóng khung” tại Điều 25, 25a Luật Sở hữu trí tuệ; thứ hai, pháp luật cần quy định cách hiểu chính xác về “tính hợp lý” để sử dụng cho các nội dung của Luật sở hữu trí tuệ. Việc này có thể được thực hiện thông qua một định nghĩa cụ thể hoặc các tiêu chí xác định “tính hợp lý” mà theo bà Đỗ Thị Diện nên tham khảo Pháp luật Hoa Kỳ – một cách thức mà Hoa Kỳ đã áp dụng rất hiệu quả để xác định có hay không có hành vi sử dụng hợp lý. Đó là, để xác định “tính hợp lý” cần bao gồm: mục đích và tính chất của hành vi; bản chất của phần tác; số lượng, tỷ lệ của phần tác phẩm được sử dụng; sức ảnh hưởng của hành vi đến chủ thể quyền tác giả. Việc xác định các yếu này nên được kết hợp song song và vận dụng linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể. Thứ ba, khuyến nghị về quy định “sử dụng hợp lý” tác phẩm theo pháp luật Hoa kỳ áp dụng cho các trường hợp ngoại lệ sử dụng tác phẩm theo pháp luật Việt Nam theo bốn nguyên tắc: một là, về “mục đích và đặc điểm của việc sử dụng tác phẩm” cần hướng đến việc sử dụng chuyển hóa, tức là hướng đến mục đích thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác sản phẩm trí tuệ, phục vụ nhiều mục đích khác nhau cảu đời sống vật chất; hai là, về “bản chất của tác phẩm được bảo hộ”, yếu tố này liên quan trực tiếp đến việc tác phẩm đã được công bố hay chưa; ba là,“ảnh hưởng của việc sử dụng đó đối với tiềm năng thị trường hoặc đối với giá trị của tác phẩm được bảo hộ”; bốn là: các yếu tố ảnh hưởng tới uy tín của cá nhân, tổ chức, lẽ công bằng, đạo đức xã hội… có thể được đưa vào xem xét, tùy từng quyết định của Tòa án đối với lập luận của bị đơn.
Phùng Thị Yến, Khoa Luật, trường Đại học Ngoại thương Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Trình bày về một số kinh nghiệm dành cho Việt Nam thông qua phân tích về Pháp luật bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm khoa học của một số quốc gia như Anh hay Hoa Kỳ, TS. Phùng Thị Yến, Khoa Luật, trường Đại học Ngoại thương Hà Nội đưa ra một số ý kiến kiến nghị như sau: Nhằm đáp ứng với xu hướng phát triển của công nghệ số, Việt Nam nên cân nhắc đưa vào và công nhận yếu tố trí tuệ nhân tạo (AI), cụ thể là trong phân loại tác phẩm về chương trình máy tính, những tác phẩm tạo ra AI cũng nên được ghi nhận nhằm thể hiện xu hướng phát triển tiến bộ của pháp luật. Ngoài ra, Việt Nam có thể tham khảo thêm quy định của CDPA 1988 về vấn đề chủ sở hữu của tác phẩm được tạo ra trong quá trình lao động để sửa đổi và bổ sung theo hướng chặt chẽ, tiến bộ, toàn diện hơn về vấn đề xác định xác định tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm. Cuối cùng là cần đưa ra hướng dẫn chung về mức độ cụ thể của việc sử dụng hợp lý các tác phẩm khoa học trong vấn đề điều kiện bảo hộ quyền tác giả.
ThS. Ngô Kim Hoàng Nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin Thư viện trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh phát biểu trực tuyến tại Hội thảo
Luật Sư Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội SHTT TPHCM, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law Việt Nam
phát biểu trực tuyến tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong bối cảnh mới hiện nay trên một số vấn đề chủ yếu như: thực trạng quy định pháp luật, việc thực thi quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả hiện nay, tập trung vào một số nội dung trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học; thực trạng quản lý, khai thác tài sản quyền tác giả, quyền liên quan tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học; kinh nghiệm quốc tế về pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan và từ các vụ việc thực tiễn liên quan đến áp dụng các quy định về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả.
Đồng thời, nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả và trong quá trình triển khai thi hành trên thực tiễn; đề xuất phương hướng, giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả; tăng cường năng lực quản lý, khai thác tài sản quyền tác giả, quyền liên quan trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học./.
(Một số bài tham luận tại Hội thảo)
Lê Hương