Hội thảo về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo – vai trò của bảo hộ bản quyền tác giả trong phát triển một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh,…)
Ngày 24/10, tại Thành phố Hải Phòng, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo – vai trò của bảo hộ bản quyền tác giả trong phát triển một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh).
Quang cảnh Hội thảo
Tới tham dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí: Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tham dự Hội thảo có đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; NSND Vương Duy Biên, Phó chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đại diện một số bộ, ngành, cơ quan liên quan; đại diện các cơ quan quản lý và thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan; đại diện các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch khu vực phía Bắc; đại diện một số đơn vị sự nghiệp, đại diện một số hội, hiệp hội về điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh; đại diện các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; đại diện một số chủ sở hữu quyền tác giả, các đơn vị khai thác, sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan; và một số cơ quan
truyền thông báo chí.
Đ/c Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Trần Thị Hoàng Mai thông tin: Những năm qua, cùng với những thành tựu đột phá trên lĩnh vực phát triển kinh tế, thành phố luôn chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa, chăm lo nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân; xây dựng môi trường văn hóa thành phố lành mạnh, văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Hải Phòng cũng từng bước thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp văn hóa, tạo ra những cơ hội mới thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế – xã hội, mở ra những thị trường mới cho các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo và là một trong những bước đi đột phá để Hải Phòng phát triển bền vững.
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tp.Hải Phòng
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu nghe phổ biến tổng quan các quy định mới về quyền tác giả, quyền liên quan, tiếp tục thực hiện Quyết định số 1755/2016/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời thảo luận 5 chuyên đề: Vai trò của bảo hộ bản quyền tác giả trong phát triển một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh…); tiền bản quyền đối với tác phẩm điện ảnh; tiền bản quyền đối với tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh và trong hoạt động triển lãm; tiền bản quyền đối với tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác. Hội thảo cũng trao đổi những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị và góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 21/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận một số vấn đề sau: Cơ chế khuyến khích đội ngũ văn nghệ sỹ, người sáng tạo nghệ thuật tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng tốt phục vụ công chúng; Về quy định tiền bản quyền đối với sáng tạo tác phẩm do cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu. Hiện nay cũng có quan điểm Nghị định nên quy định áp dụng theo các định mức kinh tế – kỹ thuật trong các lĩnh vực cụ thể; cũng có quan điểm cho rằng áp dụng theo định mức kinh tế – kỹ thuật là chưa bao hàm hết được công sức sáng tạo nghệ thuật của tác giả, không thể tính cơ học theo ngày công lao động hay số lượng, khối lượng nguyên liệu, vật liệu sử dụng,…; Về bố trí kinh phí ngân sách chi trả tiền bản quyền: đảm bảo hài hòa giữa kinh phí ngân sách nhà nước được cấp và chi phí dành cho các sáng tạo trong lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm.; Cần làm rõ tên chức danh sáng tạo; Mô tả nội dung công việc; căn cứ định mức tiền bản quyền theo vai trò, mức độ đóng góp của chức danh. Làm cơ sở bổ sung, sửa đổi các chức danh sáng tạo trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP.
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng khẳng định, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa luôn gắn liền với vai trò của bảo hộ bản quyền.Tuy nhiên, cơ chế như thế nào để khuyến khích đội ngũ văn nghệ sỹ, người sáng tạo nghệ thuật sáng tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng tốt phục vụ công chúng luôn là trăn trở của Đảng, Nhà nước.
Cục trưởng Trần Hoàng phát biểu tại Hội thảo
Quá trình nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP, Ban soạn thảo nhận thấy các vấn đề đặt ra có nội dung tương đối phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực từ điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghệ thuật biểu diễn và tài chính cũng như liên quan trực tiếp đến các chế độ, chính sách đãi ngộ với người làm sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển văn học nghệ thuật.
Từ đó, Cục trưởng Trần Hoàng nhấn mạnh tới sự tham gia ý kiến của các đại biểu từ góc độ chuyên môn và thực tiễn để giúp cho công tác xây dựng Nghị định được sâu sắc, chất lượng và khả thi. “Những ý kiến góp ý, đề xuất giải pháp của quý vị là cơ sở để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, tìm ra giải pháp để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về chi trả tiền bản quyền đối với sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác đúng quy định, đúng đối tượng, kịp thời, khuyến khích sáng tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ công chúng”
Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu tại Hội thảo
Tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi Nghị định 21/2015/NĐ-CP bởi Nghị định được ban hành từ gần 10 năm trước, cần phải sửa đổi để phù hợp với thực tế.
Lấy dẫn chứng từ thực tế, Thứ trưởng Hồ An Phong cho hay, trong năm 2023 Cục Bản quyền tác giả đã tiếp nhận hơn 10.000 lượt hồ sơ đăng ký bản quyền, các vụ việc tranh chấp về bản quyền ngày càng gay gắt, vì vậy, các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo mà nhất là các nhà quản lý văn hóa phải luật hoá, phải có cơ chế bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan, bảo vệ chủ sở hữu, tạo ra một môi trường sáng tạo, khuyến khích, tôn vinh sự sáng tạo, kinh doanh những sản phẩm sáng tạo.
Thứ trưởng Hồ An Phong cũng cho rằng, quản lý Nhà nước về bản quyền tác giả, về lao động nghệ thuật sáng tạo phải theo kịp xu thế của thời đại, đòi hỏi những nhà làm luật, những người làm chính sách phải luôn theo sát thực tiễn. Hội thảo chính là cơ sở để hoạch định chính sách, xây dựng những kế hoạch thực tế để thúc đẩy sáng tạo, tạo ra những thành quả mới trong kỷ nguyên mới.
Cục Bản quyền tác giả sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, tìm ra giải pháp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP tạo hành lang pháp lý về chi trả tiền bản quyền đối với sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác đúng quy định, đúng đối tượng, kịp thời, khuyến khích sáng tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ công chúng /.
Bài viết: Trọng Nghĩa – Ảnh: Hương Nguyên