Chủ Nhật, 08-01-2023 01:27
img

Bản quyền báo chí trên nền tảng mạng xã hội

       Hiện nay, đọc báo qua mạng xã hội đã trở thành một thói quen của nhiều người dân. Việc tiếp cận và hưởng thụ tin tức của họ liên quan trực tiếp đến các nhà báo, các tòa soạn báo và các cơ quan quản lý báo chí. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền báo chí trên nền tảng mạng xã hội diễn ra dưới nhiều hình thức và vô cùng phức tạp. Tình trạng các báo lấy bài của nhau hoặc lấy bài dẫn nguồn hay không dẫn nguồn diễn ra khá phổ biến tại các báo. Bên cạnh đó, các trang tin điện tử có tên miền giống với các trang báo chính thống cùng hàng ngàn trang thông tin điện tử ẩn danh.

Buổi tọa đàm Bản quyền báo chí trên nền tảng mạng xã hội tại Đài Tiếng nói Việt Nam

        Trao đổi tại buổi tọa đàm Bản quyền báo chí trên nền tảng mạng xã hội (Đài Tiếng nói Việt Nam, kênh VOV Giao thông, Diễn đàn 91), Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: khi kỷ nguyên số, mạng xã hội phát triển một mặt tạo điều kiện cho việc tiếp cận thông tin cũng như sáng tạo hay truyền bá các thông tin một cách nhanh chóng. Mặt khác, nó cũng giúp cho việc xâm phạm bản quyền dễ dàng hơn đặc biệt trong lĩnh vực báo chí. Hiện tượng các trang mạng xã hội lấy thông tin từ các báo chính thống, các trang báo điện tử lấy thông tin từ báo in mà không được sự cho phép hay trích dẫn mà không ghi chú nguồn đã làm ảnh hưởng đến sự sáng tạo cũng như hoạt động của các báo chính thống.”

       Hiện nay, theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, tác phẩm báo chí là loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Những tác phẩm báo chí theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ được bảo hộ quyền tác giả là những tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác. Các cá nhân, tổ chức khi khai thác, sử dụng tác phẩm của người khác phải xin phép và thực hiện nghĩa vụ về bản quyền trừ các trường hợp giới hạn và ngoại lệ theo quy định của pháp luật.

Một số báo in hiện nay

        Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho biết: “Thông tấn xã Việt Nam có nhiều đơn vị xuất bản, báo, tạp chí, kênh truyền hình, báo điện tử. Hiện nay, các hình thức xâm phạm bản quyền đối với các tác phẩm báo chí của Thông tấn xã Việt Nam vô cùng đa dạng, đặc biệt trên nền tảng kỹ thuật số. Điển hình như có những website lấy toàn bộ thông tin từ website đa ngữ của Thông tấn xã Việt Nam chỉ đổi tên miền mà không tốn một chút công sức hay kinh phí nào.”

         Ông Minh cho rằng, các cơ quan báo chí cần hợp sức lại để tạo một liên minh về bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí, không cho phép người khác sử dụng của mình và chính liên minh đó cũng phải cam kết thực thi bản quyền đầy đủ, không được phép lấy thông tin của các tờ báo khác trong nước cũng như quốc tế. Liên minh đó sẽ tạo nên sức mạnh lớn để bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí của các cơ quan báo chí.

Một số trang báo điện tử hiện nay

       Theo chia sẻ của đại diện VnEpress, để bảo vệ các tác phẩm báo chí, cần thực hiện 3 tiêu chí: Một là, đề nghị hệ thống các quy định luật pháp cụ thể, rõ ràng, các cơ quan quản lý quan tâm các vấn đề nội dung báo chí, có những biện pháp mạnh hơn nữa và xử lý thật nghiêm khắc các trường hợp vi phạm; hai là, kêu gọi ý thức tôn trọng bản quyền từ các đơn vị trên thị trường và sẵn sàng hợp tác với các bên có nhu cầu để họ có thể sử dụng nội dung có bản quyền; ba là, xây dựng một công cụ để theo dõi các nội dung bị sao chép vi phạm gồm có hình ảnh, nội dung bài và cũng sẵn sàng giới thiệu công cụ này cho các đơn vị báo chí phát triển nội dung khác có nhu cầu, sẵn sàng hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản quyền nói riêng và pháp luật nói chung.

          Đồng quan điểm với các ý kiến trên, bà Kim Oanh cho rằng: “các đơn vị báo chí nên cùng nhau hợp tác, kết nối lại với nhau để bảo vệ các tác phẩm của mình, lập nên một tổ chức đại diện tập thể hoặc một liên minh để bảo vệ tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm báo chí, từ đó có thể hợp tác khai thác, sử dụng hợp pháp các tác phẩm có bản quyền và bảo vệ được chính các quyền của mình. Có như vậy các tác giả, phóng viên, nhà báo mới vững tin, tạo động lực để họ sáng tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hơn nữa.

Lê Hương

 

 

img