Thứ Ba, 05-10-2021 07:34
img

Góc nhìn về quyền tác giả và trí tuệ nhân tạo (AI) tại Vương quốc Anh

Giới thiệu

Trong những năm qua, pháp luật về quyền tác giả đã có nhiều thay đổi để bắt kịp với sự phát triển của phương tiện truyền thông và công nghệ, từ báo in đến máy ghi âm cassette và internet. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo ( AI ) đặt ra những câu hỏi mới về mục đích và phạm vi bảo hộ quyền tác giả.

Quyền tác giả có liên quan đến AI theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ: một AI tạo ra tác phẩm âm nhạc bằng cách được dạy sử dụng chất liệu từ nhiều tác phẩm âm nhạc khác nhau, mà mỗi tác phẩm này được bảo hộ quyền tác giả.

Một số AI có khả năng tự động tạo ra các tác phẩm mới, bản thân chúng có thể được bảo hộ theo luật của Vương quốc Anh. Một số AI thì có khả năng tạo bản sao của các tác phẩm được bảo hộ hiện có. Khi các AI thực hiện điều này mà không được phép, quyền tác giả đã bị xâm phạm.

Mã phần mềm lập trình AI cũng được bảo hộ quyền tác giả. Sự bảo hộ này cho phép người tạo ra AI nhận được tiền bản quyền cho tác phẩm của họ và kiểm soát cách người khác có thể sử dụng tác phẩm đó.

Trong những lĩnh vực này, chưa có sự chắc chắn trong cách áp dụng pháp luật quyền tác giả. Chúng ta cần xem xét cách xử lý đối với các tác phẩm được tạo ra và sử dụng bởi các AI và liệu cách tiếp cận hiện tại có phù hợp hay không.

Bài nghiên cứu sẽ xem xét những vấn đề này. Các chuyên gia xem xét cách pháp luật xử lý việc sử dụng, lưu trữ, tạo hay xâm phạm quyền tác giả các tác phẩm bởi AI . Các chuyên gia cũng xem xét các mục tiêu chính sách của chính phủ Anh đối với AI và xem liệu có bất kỳ cơ sở nào để tạo ra một môi trường tốt hơn để phát triển và sử dụng AI hay không.

Tại sao cần bảo hộ quyền tác giả?

Có rất nhiều lý do khác nhau cho sự tồn tại của bảo hộ quyền tác giả. Ở các quốc gia theo luật thông lệ, chẳng hạn như Vương quốc Anh, quyền tác giả chủ yếu được xem như một công cụ kinh tế khuyến khích và bù đắp cho sự sáng tạo. Tại Châu Âu có truyền thống về “quyền của tác giả”. Điều này coi quyền tác giả là quyền tự nhiên của người sáng tạo, bảo hộ tác phẩm của họ như là sự thể hiện cá tính của họ. Quyền tác giả cũng giúp đảm bảo rằng các tác phẩm được phổ biến rộng rãi tới công chúng, làm phong phú thêm nền văn hóa và xã hội của chúng ta.

Cho dù nó được xem như một công cụ kinh tế hay một quyền tự nhiên, quyền tác giả đều tập trung vào sự sáng tạo của con người. Điều này được phản ánh trong phạm vi và thời hạn bảo hộ của nó. Quyền tác giả bảo hộ các tác phẩm gốc phản ánh cá tính của người tạo ra chúng. Phạm vi của nó bị giới hạn bởi các mối quan tâm của con người như quyền riêng tư, tự do ngôn luận và quyền truy cập. Và đối với nhiều tác phẩm, thời hạn bảo hộ của nó được tính theo thời gian sống của tác giả.

Nhưng quyền tác giả cũng được định hình bởi công nghệ. Nó đã phát triển để đáp ứng với âm nhạc, phim ảnh, đài phát thanh, truyền hình, máy tính và internet. Bảo hộ cho các tác phẩm do máy tính tạo ra đã được giới thiệu vào những năm 1980. Phạm vi quyền tác giả được giới hạn theo những cách cụ thể để cho phép các quy trình công nghệ hoạt động hiệu quả.

II. Việc sử dụng các tác phẩm và dữ liệu được bảo hộ quyền tác giả bởi các AI

Cách AI sử dụng dữ liệu và tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

Hệ thống AI hiện đang học từ những dữ liệu có sẵn, bao gồm các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả như sách, nhạc và ảnh. Ví dụ: Dự án The next Rembrandt đã dạy AI để phát triển một bức tranh mới theo phong cách của Danh họa Rembrandt và sử dụng dữ liệu từ 346 tác phẩm của ông; AI Quick, Draw của Google  cố gắng xác định các hình nguệch ngoạc do người dùng vẽ và đã được AI sử dụng hơn 50 triệu lần để  có thể tự cải thiện nét vẽ từ mỗi hình vẽ được đăng tải lên.

Mỗi tác phẩm được sử dụng bởi AI có thể được bảo hộ quyền tác giả. Điều này có nghĩa là cần phải có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả để sử dụng tác phẩm trừ khi áp dụng ngoại lệ về quyền tác giả. Quyền này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng một giấy phép bắt buộc, trong đó sẽ quy định ai có thể sử dụng tác phẩm, cách thức và lý do.

Có thể tránh xâm phạm quyền tác giả bằng cách sử dụng các tác phẩm được cấp phép hoặc không có quyền tác giả. Ví dụ: một AI có thể được đào tạo cách sử dụng các tác phẩm của Shakespeare, những tác phẩm không còn được bảo hộ quyền tác giả. Nhưng trừ khi một tác phẩm được cấp phép sử dụng hết thời hạn bảo hộ, không có quyền tác giả hoặc được sử dụng theo một ngoại lệ cụ thể, AI sẽ xâm phạm quyền tác giả khi sao chép nó.

Một số người cho rằng nguy cơ xâm phạm quyền tác giả hoặc các quyền liên quan khiến mọi người không thể sử dụng đầy đủ AI . Họ nói rằng AI cần được sử dụng tài liệu được bảo hộ quyền tác giả dễ dàng hơn và điều này có thể hỗ trợ việc tăng cường áp dụng công nghệ AI . Ví dụ: đánh giá độc lập về AI năm 2017 của chính phủ Anh tại Báo cáo về Phát triển ngành trí tuệ nhân tạo ở Vương quốc Anh, đã khuyến nghị cho phép khai thác văn bản và dữ liệu bằng AI , thông qua Đạo luật bản quyền thích hợp.

Những người khác cho rằng quyền tác giả và quyền liên quan không phải là trở ngại cho sự phát triển của AI . Họ lưu ý rằng các mô hình cấp phép phát triển cùng với công nghệ và ngày càng có nhiều cơ hội cho các nhà phát triển AI xin phép sử dụng các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Thay vì thực hiện các bước để hạn chế bảo hộ quyền tác giả, họ cho rằng cần tập trung vào việc đảm bảo rằng các chủ sở hữu quyền được trả tiền bản quyền khi tác phẩm của họ được sử dụng bởi AI .

Xâm phạm quyền tác giả và cơ sở dữ liệu bởi AI

Quyền tác giả bị xâm phạm khi ai đó sử dụng một phần quan trọng của tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả mà không có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Các bản sao được tạo bên trong não bộ của con người thì không xâm phạm quyền tác giả. Ví dụ, một người có thể nhớ một bài hát và hát nó trong đầu của họ mà không xâm phạm quyền tác giả trong đó. Nhưng họ sẽ xâm phạm quyền tác giả nếu họ viết ra bài hát hoặc biểu diễn nó trước công chúng mà không được phép.

Ngược lại, các bản sao được tạo trong “bộ não” của AI có thể xâm phạm quyền tác giả. Ví dụ: AI có thể lưu trữ bản sao của một bài hát trong bộ nhớ của nó. Và cũng giống như con người, AI cũng có thể xâm phạm quyền tác giả bằng cách tạo các bản sao của bài hát ra bên ngoài, biểu diễn, phân phối hoặc truyền đạt tới công chúng.

Khi quyền tác giả bị xâm phạm, chủ sở hữu quyền tác giả có quyền khởi kiện người xâm phạm. Điều này có nghĩa là khi AI xâm phạm quyền tác giả, một cá nhân hoặc pháp nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý. Người chịu trách nhiệm pháp lý thông thường là người có quyền kiểm soát hành vi xâm phạm, có khả năng ngăn chặn hành vi xâm phạm trong tương lai và có thể bồi thường cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Nếu bị AI xâm phạm quyền tác giả , người chịu trách nhiệm sẽ là người có quyền kiểm soát hành vi xâm phạm. Nếu xâm phạm xảy ra trong khi AI đang được đào tạo, thì người có quyền kiểm soát sẽ là người đào tạo AI . Nếu AI tạo ra một tác phẩm xâm phạm quyền tác giả, thì người chịu trách nhiệm pháp lý sẽ là bất kỳ ai đã thực hiện các yêu cầu cần thiết khiến AI xâm phạm quyền tác giả. Đây có thể là người vận hành AI.

Ngoại lệ đối với quyền tác giả và cơ sở dữ liệu

Đạo luật bản quyền Anh cho phép sao chép trong một số trường hợp nhất định để công nghệ hoạt động hiệu quả hơn. Ví dụ, nó cho phép thực hiện các bản sao tạm thời trong các quá trình như duyệt web và xử lý tín hiệu. Miễn là những bản sao này không tạo ra lợi nhuận thương mại một cách độc lập và cho phép sử dụng một cách hợp pháp, thì chúng sẽ không xâm phạm quyền tác giả (Điều 28A Đạo luật về kiểu dáng, quyền tác giả và bằng sáng chế năm 1988 (đã được sửa đổi) – ‘ CDPA ‘).

Đạo luật cũng cho phép sao chép trong quá trình khai thác văn bản và dữ liệu ( TDM ) để nghiên cứu nhằm mục đích thương mại. TDM là quá trình phân tích một lượng lớn văn bản tài liệu và thông tin khác để phân tích các mẫu và mối quan hệ, có thể dẫn đến những khám phá mới và nghiên cứu đổi mới. Ví dụ: nó có thể giúp các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu lâm sàng và xác định mối liên hệ giữa thuốc và tình trạng y tế (Điều 29A CDPA ).

Các ngoại lệ về quyền tác giả cho phép các hoạt động này có thể bao gồm một số bản sao do AI tạo ra , nhưng không phải tất cả chúng.

Ngoại lệ sao chép tạm thời sẽ không áp dụng cho các bản sao được AI lưu trữ vĩnh viễn . Ví dụ: một số AI lưu trữ các tập hợp công việc được sử dụng để đào tạo mạng nơ-ron của AI và cung cấp kết quả cho người dùng. Một số mạng nơ-ron của AI cũng có thể có khả năng lưu trữ các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, tương tự như cách bộ não con người ghi nhớ một bài hát hoặc bài thơ. Mặc dù nó lưu trữ thông tin ở dạng trừu tượng, miễn là mạng nơ-ron tái tạo các yếu tố sáng tạo của tác phẩm thì nó sẽ được coi là đã tạo ra một bản sao.

Các TDM ngoại lệ không cho phép lưu trữ vĩnh viễn và chỉ có thể được sử dụng cho mục đích nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại. Cũng không rõ liệu tất cả các hoạt động của AI có thể được mô tả là “khai thác dữ liệu” hay không. Vì những lý do này, một số bản sao do AI tạo ra có thể thuộc ngoại lệ TDM , nhưng với số lượng nhiều bản sao sẽ không áp dụng ngoại lệ.

Cũng cần lưu ý rằng những ngoại lệ này áp dụng đối với các bản sao được tạo ra trong một AI, chứ không phải những bản sao do nó tạo ra bên ngoài hệ thống. Ví dụ: các bản sao được sử dụng nội bộ bởi AI theo ngoại lệ TDM sẽ vẫn xâm phạm quyền tác giả nếu sau đó chúng được hệ thống xuất ra mà không có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Cơ sở dữ liệu cũng được phép sử dụng hợp lý theo quy định pháp luật và nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại. Tuy nhiên, đối với quyền tác giả, những ngoại lệ này có thể bao gồm một số hoạt động của AI, nhưng không phải tất cả.

Hệ thống quyền tác giả có nên cho phép AI sử dụng nội dung được bảo hộ dễ dàng hơn không?

Chính phủ Anh có mục tiêu hỗ trợ lĩnh vực AI. Các chuyên gia cần xem xét xem hệ thống quyền tác giả có bổ sung cho mục đích đó không hoặc những căn cứ cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi. Các chuyên gia cần xem xét liệu các ngoại lệ hiện tại có hỗ trợ lĩnh vực AI và các ngoại lệ ở mức độ nào là phù hợp để khuyến khích sử dụng và phát triển AI. Có căn cứ quy định các trường hợp ngoại lệ mới không, hay nên tìm các cách tiếp cận khác, chẳng hạn như tăng cường hỗ trợ cho việc cấp phép?

Khả năng xâm phạm quyền tác giả của các AI có thể là trở ngại lớn đối với việc sử dụng chúng. Liệu các ngoại lệ và mô hình cấp phép hiện có ở Vương quốc Anh đã đầy đủ, các trở ngại đối với việc sử dụng các tài liệu được bảo hộ quyền tác giả của các AI là rất ít và không cần một cách tiếp cận mới.

Nếu xâm phạm quyền tác giả được xác định là một trở ngại đối với sự phát triển của AI, có một lựa chọn là xem xét và mở rộng các ngoại lệ cho phép tạo bản sao trong một AI – ví dụ như cho mục đích đào tạo.

Cách tiếp cận này sẽ phù hợp với quan điểm rằng “bộ não” của AI nên được đối xử theo cách tương tự như con người. Con người không xâm phạm quyền tác giả một bài hát bằng cách ghi nhớ bài hát đó, nhưng nó có thể xâm phạm bằng cách ghi âm bài hát đó hoặc hát cho khán giả nghe. Một cách tiếp cận tương tự đối với AI sẽ tập trung vào hành vi xâm phạm bởi tài liệu do AI tạo ra, thay vì tài liệu được sử dụng nội bộ.

Một cách tiếp cận khác sẽ tìm cách mở rộng sự bảo hộ hiện có để chủ sở hữu quyền tác giả và cơ sở dữ liệu dễ dàng hơn trong việc xác định tiền bản quyền cho việc sử dụng tác phẩm của họ. Các phản hồi có thể bao gồm việc hạn chế các ngoại lệ hiện có hoặc giới thiệu các quyền mới trong dữ liệu đầu vào. Để đảm bảo rằng các biện pháp như vậy không tạo ra trở ngại mới cho người dùng AI, họ có thể kết hợp các biện pháp để tạo điều kiện cấp phép.

Câu hỏi dành cho bạn đọc?

1. Bạn có đồng ý với mô tả ở trên về cách AI có thể sử dụng các tác phẩm và cơ sở dữ liệu được bảo hộ quyền tác giả, khi nào khi xâm phạm xảy ra và áp dụng ngoại lệ nào? Có các khía cạnh kỹ thuật và pháp lý khác cần được xem xét không?

2. Có cần phải làm rõ hơn ai là người phải chịu trách nhiệm khi AI xâm phạm quyền tác giả không?

3. Có cần phải làm rõ các ngoại lệ hiện có, để tạo ra các ngoại lệ mới, hoặc thúc đẩy cấp phép, để hỗ trợ việc sử dụng các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bởi các AI không? Vui lòng trình bày rõ quan điểm?

4. Có cần cung cấp bảo hộ bổ sung cho chủ sở hữu quyền tác giả hoặc cơ sở dữ liệu có tác phẩm được sử dụng bởi AI không? Vui lòng trình bày rõ quan điểm?

Bảo hộ các tác phẩm do AI tạo ra

Mức độ tham gia của con người vào sự sáng tạo của AI

AI đã được sử dụng để tạo ra các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, bao gồm cả âm nhạc và tác phẩm nghệ thuật. Trong hầu hết các trường hợp, AI sẽ được sử dụng như một công cụ, và sự sáng tạo của con người vẫn sẽ là một phần của quá trình này. Ví dụ, Flow Machines của Sony cho phép người dùng tạo các bài hát mới dựa trên máy học về nhạc hiện có, có sử dụng tính năng liên quan đến sở thích của người dùng.

Một số người tin rằng hiện tại chưa có trường hợp nào có thể tạo ra tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả mà không có sự tham gia của con người. Một con người có khả năng tham gia vào việc đào tạo một AI . Một AI có thể học hỏi từ tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả của con người. Con người có thể chỉ đạo loại công việc do AI tạo ra – ví dụ: chọn loại bài hát mà AI sẽ tạo ra, nhạc cụ nên sử dụng, cách bài hát nên phát ra và nhịp thanh, nhịp điệu của nó.

Trong trường hợp một tác phẩm được thực hiện với sự hỗ trợ của AI nhưng liên quan đến sự sáng tạo của con người, nó sẽ được bảo hộ như bất kỳ tác phẩm nào khác. Bảo hộ quyền tác giả sẽ là bảo hộ trong phạm vi tác phẩm là “sáng tạo trí tuệ của chính con người” và chủ sở hữu đầu tiên của tác phẩm sẽ là người sáng tạo đó. Các AI trong những trường hợp này có thể chỉ đơn giản được coi là đóng vai trò như một công cụ cho phép một nghệ sĩ thể hiện sự sáng tạo của họ.

Trong các trường hợp khác, mặc dù con người có thể đã tham gia vào quá trình tạo ra một tác phẩm AI , nhưng thông tin đầu vào của họ sẽ không được coi là đủ sáng tạo để được bảo hộ quyền tác giả như một tác phẩm thông thường.

Cách pháp luật xử lý các tác phẩm do AI tạo ra

Không giống như hầu hết các quốc gia khác, Vương quốc Anh bảo hộ các tác phẩm do máy tính tạo ra không có tác giả là con người (Điều 178 CDPA ). Luật chỉ định tác giả của một tác phẩm như vậy là “người được thực hiện các thỏa thuận cần thiết cho việc tạo ra tác phẩm” (Điều 9 (3) CDPA ). Bảo hộ kéo dài trong 50 năm kể từ ngày tác phẩm được tạo ra (s12 (7) CDPA ).

Khi được đề xuất vào năm 1987, Lord Young của Graffham cho rằng đây là Đạo luật bản quyền đầu tiên trên thế giới cố gắng giải quyết cụ thể sự ra đời của trí tuệ nhân tạo. Nó được quy định rõ ràng để không chỉ bảo hộ các tác phẩm được tạo ra bằng máy tính như một “cây bút chì thông minh”. Thay vào đó, nó nhằm mục đích bảo hộ các tài liệu như bản đồ thời tiết, đầu ra từ các hệ thống chuyên gia và các tác phẩm do AI tạo ra.

Mặc dù người ta mong đợi rằng các quốc gia khác sẽ làm theo, nhưng chỉ một số ít quốc gia khác ngoài Vương quốc Anh hiện đang quy định biện pháp bảo hộ tương tự cho các tác phẩm do máy tính tạo ra.

Tính nguồn gốc và các tác phẩm do máy tính tạo ra

Kể từ khi các quy định này trở thành luật vào năm 1988, khái niệm về tính nguyên gốc đã phát triển. Điều này đã dẫn đến sự không chắc chắn về cách áp dụng điều khoản về tác phẩm do máy tính tạo ra.

Các tác phẩm văn học, kịch, âm nhạc và nghệ thuật chỉ được bảo hộ quyền tác giả nếu chúng là tác phẩm nguyên gốc. Năm 1988, “nguyên gốc” có nghĩa là một tác phẩm phải là sản phẩm của “kỹ năng, sức lao động hoặc sự đánh giá” của tác giả. Nhưng cách tiếp cận hiện nay là một tác phẩm phải là “sự sáng tạo trí tuệ của chính tác giả”. Điều này có nghĩa là nó phải là kết quả của sự lựa chọn tự do và sáng tạo của tác giả và thể hiện “dấu ấn cá nhân” của họ. Không rõ những khái niệm này có thể áp dụng cho AI hoạt động như thế nào và một số người cho rằng có thể cần một định nghĩa riêng về tính nguyên gốc.

Bằng cách xác định một con người là tác giả của tác phẩm do AI tạo ra, cách tiếp cận của Vương quốc Anh cũng tách biệt quyền tác giả và tính sáng tạo. Người tạo ra tác phẩm gốc là AI , nhưng “tác giả” theo luật là người không có bất kỳ đầu vào sáng tạo nào đối với tác phẩm đó. Điều này không thuận lợi với cách tiếp cận hiện đại về tính nguyên gốc rộng hơn trong luật quyền tác giả, nơi sự sáng tạo và quyền tác giả đi đôi với nhau.

Vì các tác phẩm do máy tính tạo ra không có “tác giả là con người”, nên có vẻ như khái niệm “đồng tác giả” không áp dụng cho các tác phẩm do con người và AI đồng sáng tạo. Do đó, có sự mơ hồ về trạng thái của các tác phẩm do AI hỗ trợ tạo ra.

Vì lý do trên, có thể cần làm rõ các điều khoản này.

Biện pháp khác để bảo hộ quyền tác giả khác cho các tác phẩm do máy tính tạo ra

Cái gọi là “tác phẩm kinh doanh” – bản ghi âm, phim, chương trình phát sóng và sắp xếp kiểu chữ – không có yêu cầu về tính nguyên gốc. Chúng thuộc về nhà sản xuất, nhà sáng tạo và nhà xuất bản, bất kể đầu vào sáng tạo của họ. Biện pháp bảo hộ này dường như áp dụng cho vật liệu do AI tạo ra mà không cần quy định cụ thể. Tuy nhiên, nó hẹp hơn so với sự bảo hộ đối với các tác phẩm gốc. Ví dụ: chủ sở hữu quyền tác giả âm nhạc có thể ngăn cản mọi sự sao chép âm nhạc của họ nhưng chủ sở hữu quyền tác giả đối với bản ghi âm chỉ có thể ngăn chặn việc sao chép bản ghi âm cụ thể đó.

Các tác phẩm do AI tạo ra có nên được bảo hộ quyền tác giả không?

Năm 1987, khi cơ quan lập pháp quy định bảo hộ các tác phẩm do AI tạo ra , Bá tước Stockton cho biết ông hy vọng điều này sẽ cho phép đầu tư trong tương lai vào AI “được thực hiện một cách tự tin”. Nhưng không rõ liệu nó đã có tác dụng này hay chưa. Vương quốc Anh vẫn là một trong số ít các quốc gia trên thế giới quy định biện pháp bảo hộ này. Đầu tư vào AI đã diễn ra ở các quốc gia khác, chẳng hạn như Hoa Kỳ – quốc gia không quy định loại hình bảo hộ này. Một số người cho rằng biện pháp bảo hộ này là không cần thiết, và những người khác cho rằng nó nên được quy định theo cách khác.

Từ quan điểm của một AI , vai trò của quyền tác giả như một động lực dường như không có nhiều ý nghĩa. Một AI không tìm cách bảo hộ biểu hiện cá nhân của mình cũng không tìm đến lợi ích tài chính cho tác phẩm của mình. Bất kể có được bảo hộ quyền tác giả, AI vẫn sẽ tạo ra nội dung.

Có vẻ như khó có thể biện minh cho việc bảo hộ các tác phẩm do AI tạo ra trên cơ sở quyền tự nhiên. Các AI còn lâu mới được coi là những cá nhân có tính cách riêng.

Cũng có thể có một lý do cơ bản hơn để phân biệt giữa các tác phẩm do con người tạo ra và AI tạo ra. Một số người cho rằng quyền tác giả nên thúc đẩy và bảo hộ sự sáng tạo của con người chứ không phải sự sáng tạo của máy móc. Theo quan điểm này, các tác phẩm do con người tạo ra nên được bảo hộ nhưng những tác phẩm do máy móc tạo ra – và có khả năng cạnh tranh với các tác phẩm do con người tạo ra – thì không được bảo hộ.

Giải quyết các vấn đề này có nghĩa là loại bỏ hoặc hạn chế bảo hộ đối với các tác phẩm do máy tính tạo ra.

Mặt khác, việc bảo hộ các tác phẩm do AI tạo ra có thể hợp lý nếu nó khuyến khích đầu tư vào AI. Đây là cơ sở ban đầu để cung cấp sự bảo hộ này. Nếu có bằng chứng cho thấy việc này đang diễn ra trong thực tế, thì việc tiếp tục bảo hộ những tác phẩm này có thể có ý nghĩa. Tùy thuộc vào các tác động kinh tế và pháp lý, có thể duy trì cách tiếp cận hiện tại hoặc quy định một hình thức bảo hộ khác.

Hiệp hội Bảo hộ Sở hữu Trí tuệ Quốc tế ( AIPPI ) – một tổ chức quốc tế thúc đẩy sự phát triển của luật sở hữu trí tuệ – gần đây đã tham vấn các thành viên của mình rằng liệu các tác phẩm do AI tạo ra có nên được bảo hộ hay không. Các phản hồi mà tổ chức này nhận là các cách tiếp cận khác nhau đối với chủ đề này. Vương quốc Anh gợi ý rằng các tác phẩm do AI tạo ra có thể được bảo hộ bởi một quyền mới, kéo dài trong 25 năm, quyền này ghi nhận sự đầu tư của các nhà phát triển AI vào công nghệ này. Nhưng những người khác lập luận rằng việc bảo hộ quyền tác giả chỉ nên xuất phát từ sự sáng tạo của con người.

Bất kể loại tác phẩm này có được bảo hộ quyền tác giả hay không thì trong tương lai khó có thể xác định được tác phẩm do con người, máy móc hay cả hai tạo ra. Do đó, có thể cần đến các giải pháp công nghệ để xác định quyền tác giả của tác phẩm và đảm bảo áp dụng đúng loại hình bảo hộ.

Câu hỏi dành cho bạn đọc:

5. Nội dung do AI tạo ra có đủ điều kiện để được bảo hộ bởi quyền tác giả hoặc quyền liên quan?

6. Nếu đủ điều kiện, sự bảo hộ này nên thực hiện theo hình thức nào, ai sẽ được hưởng lợi từ nó, và thời hạn bảo hộ nên kéo dài trong bao lâu?

7. Các vấn đề khác có cần được xem xét liên quan đến nội dung do AI tạo ra không?

Thực hiện: Đinh Nghĩa

img