Chủ Nhật, 08-01-2023 01:23
img

Hội nghị tập huấn phổ biến các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP và pháp luật Việt Nam khu vực miền Trung

Ngày 6/6/2019, tại Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị tập huấn phổ biến các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP và pháp luật Việt Nam khu vực miền Trung.

Tham dự và chủ trì Hội nghị có ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Vụ Chính sách Thương mại đa biên Bộ Công Thương; đại diện Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ thực thi của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở Văn hóa và Thể thao) khu vực miền Trung; các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng; các phòng văn hóa và thể thao thuộc thành phố Đà Nẵng; các sở ban ngành liên quan tại Đà Nẵng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết về các cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan và các dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch. Ngày 24/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP. Triển khai thi hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 701/QĐ-BVHTTDL ngày 28/02/2019 về việc triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc tổ chức Hội nghị hôm nay là trong chương trình kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến các địa phương. Ông mong rằng kết quả Hội nghị hôm nay sẽ góp phần giúp các đại biểu trong việc đề xuất chương trình kế hoạch công tác quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương phù hợp với điều kiện thực tiễn và việc thực thi cam kết quốc tế của Việt Nam.

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu khai mạc Hội nghị

                                                                                                                  Ảnh: Kiên Trung

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn các đại biểu chia sẻ, đề xuất các biện pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương, đặc biệt là trong việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan và Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực thực thi tại Việt Nam.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Vụ Chính sách Thương mại đa biên Bộ Công Thương đã giới thiệu chung về Hiệp định CPTPP, các cam kết chính của Việt Nam, những cơ hội và thách thức của Hiệp định CPTPP đối với Việt Nam, tình hình thực thi của Chính phủ và việc tận dụng cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam; trong đó tập trung giới thiệu cam kết của Việt Nam về dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch trong Hiệp định CPTPP. Theo đó, Việt Nam đã cam kết thực hiện các nghĩa vụ về dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch trong Hiệp định CPTPP, cụ thể trong các ngành dịch vụ nghe nhìn (sản xuất phim – CPC96112; phát hành phim – CPC96113; chiếu phim – CPC96121); ngành dịch vụ du lịch và các dịch vụ liên quan (dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour du lịch – CPC7471); dịch vụ giải trí, văn hóa và thể thao (dịch vụ giải trí, bao gồm nhà hát, nhạc sống và xiếc – CPC9619; kinh doanh trò chơi điện tử; công viên giải trí). Ngoài ra, Việt Nam có bảo lưu quyền áp dụng đối với phân ngành ghi âm, phân ngành sản xuất, phân phối và trình chiếu các chương trình truyền hình và tác phẩm điện ảnh thuộc ngành dịch vụ nghe nhìn; các ngành mỹ thuật và nghệ thuật biểu diễn, di sản văn hóa, truyền thông đại chúng, sản xuất và phân phối băng đĩa hình.    

Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Vụ Chính sách Thương mại đa biên Bộ Công Thương trình bày tham luận

                                                                                                                                           Ảnh: Kiên Trung

Các đại biểu cũng nghe đại diện ông Phạm Thanh Tùng, Trưởng phòng Thông tin và hợp tác quốc tế, Cục Bản quyền tác giả giới thiệu về nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP. Các cam kết của Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP được quy định tại 11 điều của mục H (Các quy định về tiêu chuẩn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan) và ở một số phần khác như mục A (Các quy định chung), mục B (Các quy định về hợp tác), mục I (Các quy định về thực thi), mục K (Các điều khoản cuối cùng). Các quy định về tiêu chuẩn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm các định nghĩa về phát sóng, truyền đạt tới công chúng, định hình, người biểu diễn, người biểu diễn, bản ghi âm, nhà sản xuất bản ghi âm; quy định về quyền sao chép, quyền truyền đạt tới công chúng, quyền phân phối; quy định về các quyền liên quan; quy định về giới hạn và ngoại lệ; quy định về chuyển giao thông qua hợp đồng; quy định về quản lý tập thể… Các quy định về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm quy định về các chế tài và thủ tục hành chính, dân sự; quy định về các biện pháp tạm thời, biện pháp biên giới; quy định về các thủ tục và chế tài hình sự…

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Kiên Trung)

Hiệp định cũng có quy định về các điều khoản về quyền tác giả, quyền liên quan được tạm hoãn thi hành, bao gồm quy định về thời hạn bảo hộ (Điều 18.63), quy định về biện pháp công nghệ (Điều 18.68), quy định về thông tin quản lý quyền (Điều 18.69), quy định về bảo hộ tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hóa và tín hiệu cáp (Điều 18.79), quy định về trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ Internet (Điều 18.81, 18.82). Về các điều khoản có thời gian chuyển tiếp trong Hiệp định CPTPP, trong thời hạn 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam có nghĩa vụ gia nhập Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm, ghi hình (WPPT) cũng như các thủ tục và chế tài hình sự đối với hành vi sao chép lậu gây thiệt hại đáng kể cho chủ thể quyền; hành vi xuất khẩu, nhập khẩu; hành vi quay phim trong rạp; thực thi mà không cần có khởi kiện của bên thứ ba hay chủ thể quyền. Nhìn chung, các cam kết của Việt Nam tại Hiệp định CPTPP về cơ bản là tương thích với Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Tại Hội nghị, ông Quản Tuấn An, Trưởng phòng Quản lý quyền tác giả, quyền liên quan giới thiệu tóm tắt các quy định pháp luật Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó tập trung giới thiệu những nội dung chính của Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Nghị định số 22/2018/NĐ-CP có 06 chương, 51 điều, quy định về một số nội dung mới: Tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có 6 điều quy định về hoạt động của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan gồm biểu mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất; thu, phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất; khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình; thông tin quản lý quyền tác giả, quyền liên quan; thực hiện chế độ báo cáo; Thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan cũng có một số thay đổi như việc bỏ quy định về đầu mối tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan tại các Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao; quy định về thời gian cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan rút ngắn còn 12 ngày; thời gian cấp lại rút ngắn còn 07 ngày; bổ sung quy định về trường hợp hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đã lắng nghe và trao đổi, thảo luận về báo cáo tình hình thực thi pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan của địa phương, trong đó có Báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng.

Hội nghị đã giúp các đại biểu có cái nhìn tổng quan và chuyên sâu về Hiệp định CPTPP, pháp luật Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan để tiếp tục nghiên cứu, áp dụng trong công việc của mình về quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch nói chung và quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng, qua đó có thể chủ động đề xuất xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với tình hình địa phương./.

Thanh Tú COV

img