Chủ Nhật, 08-01-2023 01:41
img

Hội nghị tập huấn thực thi quyền tác giả, quyền liên quan

Ngày 03/11/2020 tại Hà Nội và ngày 05/11/2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Cục Bản quyền tác giả, Liên minh phần mềm doanh nghiệp, Công ty Truyền hình số vệ tinh Việt Nam K+ tổ chức Hội nghị tập huấn thực thi quyền tác giả, quyền liên quan cho thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và công an một số địa phương.

 

Ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị Tập huấn, ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ giữa các cơ quan hành chính với nhau, giữa các cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp, giữa các cơ quan tư pháp với nhau, giữa các cơ quan trung ương và địa phương và nhằm giải quyết tốt các nhiệm vụ, vụ việc phức tạp, nhạy cảm và có tính chất liên ngành, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký kết Chương trình phối hợp hành động phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn III (2019-2023). Ông Phạm Cao Thái nhấn mạnh, thanh tra các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng cơ quan công an cần chủ động cập nhật hoạt động thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính và chương trình phát sóng.

Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho rằng: “Trong tiến trình hội nhập quốc tế, vấn đề bảo hộ quyền tác giả ngày càng được quan tâm, chú trọng. Vấn đề thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng, quyền sở hữu trí tuệ nói chung đã và đang đặt ra tại hầu hết các diễn đàn, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Hoàn thiện quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng thực thi cam kết CPTPP và EVFTA. Việc thực thi, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào việc khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của quốc gia. Để có được kết quả này, hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ là một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên”. Các đại biểu tham dự đã được nghe giới thiệu về nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong CPTPP và EVFTA, việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng cam kết quốc tế. Nội dung cam kết về thủ tục và chế tài hình sự đối với các hành vi sao chép lậu gây thiệt hại đáng kể cho chủ thể quyền; hành vi xuất, nhập khẩu; hành vi quay phim trong rạp; thực thi mà không cần có khởi kiện của bên thứ ba hay chủ thể quyền trong Hiệp định CPTPP có thời hạn chuyển tiếp là 3 năm kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Để đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, bà Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh cần tập trung triển khai các nội dung sau: rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền gia nhập Hiệp ước của WIPO về bảo hộ quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước của WIPO về bảo hộ cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT); đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan; đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thực thi; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý xâm phạm, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phát hiện xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả thuyết trình tại Hội nghị

Trình bày về “Quyền của các tổ chức phát sóng trong hoạt động kinh doanh du lịch”, bà Phạm Thanh Thủy, Trưởng phòng Chống vi phạm Bản quyền – Công ty Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV K+) đã nêu ra bốn hình thức vi phạm quyền của tổ chức phát sóng điển hình trong hoạt động du lịch như: sử dụng thiết bị trình chiếu kết nối internet cùng bộ chuyển đổi khuếch đại tín hiệu HDMI port HDCP để chiếu tại các quán bar, bãi biển; sử dụng bộ Headend khách sạn có kết nối internet cùng bộ chia tín hiệu truyền hình, chiếu tại các phòng nghỉ khách sạn; sử dụng bộ Headend khách sạn từ một thiết bị K+ cùng bộ chia tín hiệu truyền hình để chiếu tại các phòng nghỉ khách sạn; sử dụng bộ Headend khách sạn từ một nguồn phát sóng của bên thứ 3 cùng bộ chia tín hiệu truyền hình để chiếu tại các phòng nghỉ khách sạn. Theo bà Thanh Thủy cần có sự hỗ trợ lớn từ phía các cơ quan quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng chương trình phát sóng, đảm bảo quyền của tổ chức phát sóng được thực hiện.

Bà Phạm Thanh Thủy, Trưởng phòng Chống vi phạm Bản quyền – Công ty Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV K+) thuyết trình tại Hội nghị

Tại Hội nghị tập huấn, đại diện các công ty phần mềm máy tính đã giới thiệu hệ thống phần mềm, các hình thức giấy phép sử dụng phần mềm; cách nhận biết, phương pháp thu thập bằng chứng vi phạm bản quyền chương trình máy tính. Theo đó, các công ty phần mềm đã hướng dẫn, thao tác cách thức phát hiện phần mềm không có bản quyền được cài đặt trong máy tính/laptop/máy chủ.

Hội nghị tập huấn thực thi quyền tác giả, quyền liên quan góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tôn trọng quyền tác giả, quyền liên quan. Mang tới những giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm bản quyền. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu quyền và đảm bảo quyền được tiếp cận, thụ hưởng của công chúng. Đây một hoạt động thiết thực, hiệu quả và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa của quốc gia.

Lê Hương

img