Thứ Sáu, 29-06-2018 08:48
img

Luật Quyền tác giả Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Chương 1

Đối tượng và phạm vi
điều chỉnh của luật quyền tác giả

Điều

101. Định nghĩa

102. Đối tượng điều chỉnh của luật quyền tác giả: quy định chung

103. Đối tượng điều chỉnh của luật quyền tác giả: các tác phẩm hợp tuyển và phái sinh

104. Đối tượng điều chỉnh của luật quyền tác giả: quốc gia gốc

104A. Quyền tác giả đối với tác phẩm phục hồi bảo hộ quyền tác giả

105. Đối tượng điều chỉnh của luật quyền tác giả: các tác phẩm thuộc sở hữu Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

106. Các quyền độc quyền đối với tác phẩm được bảo hộ

106A. Các quyền của tác giả đối với việc nêu nguồn gốc và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm

107. Hạn chế đối với các quyền độc quyền: các sử dụng hợp lý

108. Hạn chế đối với các quyền độc quyền: tái bản bởi các viện lưu trữ và thư viện

109. Hạn chế đối với các quyền độc quyền: ảnh hưởng của việc chuyển nhượng các bản sao hoặc các bản ghi

110. Hạn chế đối với các quyền độc quyền: ngoại lệ đối với một số hoạt động trình diễn và trình bày

111. Hạn chế đối với các quyền độc quyền: phát sóng thứ cấp

112. Hạn chế đối với các quyền độc quyền: các bản ghi thử

113. Đối tượng điều chỉnh của luật quyền tác giả đối với các tác phẩm về nghệ thuật, mỹ thuật, điêu khắc

114. Phạm vi các quyền độc quyền đối với các tác phẩm âm nhạc

115. Phạm vi các quyền độc quyền đối với các tác phẩm nhạc kịch: giấy phép bắt buộc đối với việc phân phối và làm bản ghi

116. Giấy phép thoả thuận đối với các hoạt động biểu diễn công cộng thông qua hệ thống máy hát vận hành bằng tiền xu

117. Phạm vi các quyền độc quyền: sử dụng kết hợp với máy tính và hệ thống thông tin tương tự

118. Phạm vi các quyền độc quyền: vấn đề sử dụng một số tác phẩm trong phát sóng phi thương mại

119. Hạn chế các quyền độc quyền: phát sóng thứ cấp từ trạm phát trung tâm hoặc trạm chủ tới các máy thu hình cá nhân đặt tại các gia đình

120. Phạm vi các quyền độc quyền đối với các tác phẩm kiến trúc

121. Giới hạn các quyền độc quyền: tái bản cho người mù hoặc những người tàn tật khác

Điều 101: Định nghĩa

Ngoại trừ các quy định khác, các thuật ngữ và hình thức thể hiện khác của nó được sử dụng trong Điều luật này được hiểu như sau:

Tác phẩm khuyết danh” là tác phẩm mà trên các bản sao hoặc bản ghi của nó không xác định được tên của tác giả.

Tác phẩm kiến trúc” là thiết kế của một công trình xây dựng được thể hiện dưới bất kỳ một hình thái thể hiện vật chất nào bao gồm nhà, công trình xây dựng, sơ đồ, bản vẽ thiết kế. Tác phẩm loại này bao hàm cả hình dạng tổng thể cũng như việc bố trí và sắp đặt các không gian, yếu tố trong thiết kế nhưng không bao hàm các đặc điểm cá biệt đã tiêu chuẩn hoá.

Tác phẩm nghe nhìn” là tác phẩm bao gồm một loạt các hình ảnh liên tiếp có mục đích chủ yếu là đưa ra trình chiếu thông qua việc sử dụng các máy móc, thiết bị như là máy quay phim, máy chiếu phim hoặc các thiết bị điện tử khác, đồng thời với các âm thanh, nếu có, không phân biệt bản chất của vật liệu sử dụng như là phim hoặc băng mà trên đó tác phẩm được thể hiện.

Công ước Berne” là Công ước về bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật, được ký tại Berne, Thuỵ Sĩ vào ngày 9/9/1886 và tất cả các Điều khoản, các văn bản giải thích, các bản sửa đổi của Công ước đó.

Một tác phẩm là “Tác phẩm thuộc diện Công ước Berne” nếu:

(1). Đối với tác phẩm chưa công bố, một hoặc nhiều tác giả là công dân của quốc gia tham gia Công ước Berne hoặc đối với tác phẩm đã công bố, một hoặc nhiều tác giả là công dân của quốc gia tham gia Công ước Berne vào ngày công bố lần đầu;

(2). Đối với các tác phẩm đã được công bố lần đầu tại một quốc gia tham gia Công ước Berne hoặc đã được công bố đồng thời lần đầu tại một quốc gia tham gia Công ước Berne và tại một quốc gia khác không tham gia Công ước Berne;

(3). Đối với tác phẩm nghe nhìn:

(A). Nếu một hoặc nhiều tác giả là pháp nhân có trụ sở chính đặt tại một quốc gia tham gia Công ước Berne; hoặc

(B). Nếu một hoặc nhiều tác giả là cá nhân thường trú thường xuyên tại quốc gia tham gia Công ước Berne;

(4). Đối với các tác phẩm về nghệ thuật, mỹ thuật, điêu khắc gắn liền với một ngôi nhà hoặc một công trình xây dựng khác, những ngôi nhà hoặc công trình xây dựng này được xây tại một quốc gia tham gia Công ước Berne; hoặc

(5). Đối với tác phẩm kiến trúc được thể hiện trên một công trình xây dựng được xây dựng trên một quốc gia tham gia Công ước Berne.

Trong phạm vi của Đoạn (1), tác giả thường trú tại hoặc có nơi ở thường trú tại một quốc gia tham gia Công ước Berne sẽ được coi là công dân của quốc gia đó. Trong phạm vi của Đoạn (2), một tác phẩm được coi là đã được đồng thời công bố tại hai hay nhiều quốc gia nếu các ngày công bố của tác phẩm là trong vòng 30 ngày tính từ ngày công bố trước đó.

Phiên bản chuẩn‘ của tác phẩm là phiên bản được công bố tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vào bất kỳ thời điểm nào trước ngày nộp lưu chiểu mà Thư viện Quốc hội xét thấy là hoàn toàn phù hợp cho mục đích đó.

Con cái” của một người là con cháu trực hệ của họ không phân biệt trong giá thú hay ngoài giá thú và bất kỳ người con nhận nuôi hợp pháp nào của người đó.

Tác phẩm tuyển tập” là tác phẩm như các tạp chí định kỳ, các tuyển tập thơ văn, các bộ bách khoa từ điển trong đó một số người đóng góp vào đó các `tác phẩm độc lập riêng biệt được kết hợp với nhau tạo thành một tuyển tập hoàn chỉnh.

Tác phẩm biên soạn” là tác phẩm được hình thành thông qua việc tập hợp và sắp xếp các tài liệu và dữ liệu đã có được lựa chọn, kết hợp hoặc biên soạn theo cách thức mà kết quả của công việc đó về tổng thể tạo nên một tác phẩm nguyên thuỷ độc đáo hoàn chỉnh của tác giả. Thuật ngữ biên soạn bao hàm cả các tác phẩm tuyển tập.

Bản sao” là một dạng vật liệu (không phải là một bản ghi), trên đó tác phẩm được định hình bằng bất kỳ một phương tiện nào đã được biết hoặc sẽ phát triển trong tương lai và từ dạng vật liệu đó tác phẩm có thể được cảm nhận, tái bản hoặc phổ biến, hoặc là trực tiếp hoặc là với sự trợ giúp của máy móc, thiết bị. Thuật ngữ “bản sao” bao hàm dạng vật liệu, mà không phải là một bản ghi, trên đó tác phẩm được định hình lần đầu.

Chủ sở hữu quyền tác giả”, đối với bất kỳ một quyền độc quyền nào được quy định trong Luật quyền tác giả, chỉ người chủ sở hữu của quyền cụ thể đó.

Trong phạm vi của Điều 441, “quốc gia gốc” của một tác phẩm thuộc diện Công ước Berne là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ nếu:

(1).  Đối với các tác phẩm đã công bố, là tác phẩm được công bố lần đầu tại:

(A). Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

(B). Đồng thời công bố tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và một hoặc nhiều quốc gia khác tham gia Công ước Berne mà pháp luật của các quốc gia này đưa ra thời hạn bảo hộ quyền tác giả tương tự hoặc dài hơn thời hạn bảo hộ được quy định tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

(C). Đồng thời công bố tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và một quốc gia khác không tham gia Công ước Berne; hoặc

(D). Tại một quốc gia khác không tham gia Công ước Berne, và tất cả các tác giả của tác phẩm là các công dân, người thường trú hoặc có nơi ở thường trú tại, hoặc đối với một tác phẩm nghe nhìn tác giả là một pháp nhân có trụ sở chính đặt tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

(2).  Đối với các tác phẩm chưa công bố, tất cả các tác giả của tác phẩm là công dân, người thường trú hoặc có nơi ở thường trú tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, hoặc, đối với các tác phẩm nghe nhìn chưa công bố, tất cả các tác giả của tác phẩm là các pháp nhân có trụ sở chính đặt tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ; hoặc

(3).  Đối với các tác phẩm về nghệ thuật, mỹ thuật, điêu khắc gắn liền với các ngôi nhà, công trình xây dựng mà các ngôi nhà, công trình xây dựng này được xây tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Trong phạm vi của Điều 411, “quốc gia gốc” của bất kỳ một tác phẩm nào khác thuộc diện Công ước Berne không phải là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Tác phẩm “đã được sáng tạo” khi mà tác phẩm đó được định hình dưới dạng bản sao hoặc bản ghi lần đầu; đối với những tác phẩm được sáng tạo trong một khoảng thời gian, bộ phận của tác phẩm được định hình tại bất kỳ thời điểm cụ thể nào tạo nên tác phẩm thì thời điểm đó được xác định là thời điểm mà tác phẩm đã được sáng tạo và đối với các tác phẩm được sáng tạo trên những phiên bản khác nhau thì mỗi phiên bản tạo nên từng tác phẩm độc lập.

Tác phẩm phái sinh” là tác phẩm được hình thành trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có như là các tác phẩm dịch, các tác phẩm được phổ nhạc, được chuyển thể thành kịch, được tiểu thuyết hóa, được điện ảnh hoá, âm nhạc hoá, mỹ nghệ hoá, tóm tắt, tóm lược, hoặc bất kỳ hình thức nào khác mà trong đó tác phẩm có thể được cải biên, chuyển thể hoặc bổ sung. Một tác phẩm bao hàm các bản thảo đã được biên tập lại, các lời bình chú, phân tích hoặc các sửa chữa khác một về tổng thể là một tác phẩm nguyên thuỷ độc đáo hoàn chỉnh của tác giả là “tác phẩm phái sinh”.

Thiết bị, máy móc, phương pháp” là những thứ mà hiện đã được biết hoặc sẽ phát triển trong tương lai. “Truyền số” là việc truyền toàn bộ hoặc một phần dưới dạng số hoặc không tương tự khác.

Trình bày” một tác phẩm có nghĩa là trưng bày ra bản sao của tác phẩm hoặc là trực tiếp hoặc là thông qua phim ảnh, đèn chiếu, truyền hình hoặc bất kỳ phương tiện hoặc thiết bị nào hoặc, đối với các tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm nghe nhìn khác, là việc trưng bày các hình ảnh cá biệt không liên tục.

Tác phẩm được “định hình” trên một vật chất thể hiện hữu hình khi mà sự thể hiện tác phẩm trên bản sao hoặc bản ghi thông qua hoặc trên cơ sở sự cho phép của tác giả, phải hoàn toàn ổn định hoặc chắc chắn là cho phép tác phẩm được cảm nhận, tái bản hoặc phổ biến khác tới công chúng một khoảng thời gian dài hơn là một khoảng thời gian chuyển tiếp. Một tác phẩm bao gồm các âm thanh và hình ảnh hoặc cả hai mà đang được truyền, được “định hình” trong phạm vi của Điều này nếu sự định hình tác phẩm đó được thực hiện đồng thời với việc truyền sóng tác phẩm đó.

Thuật ngữ “bao gồm” hoặc “như là” chỉ mang tính minh hoạ và không bị giới hạn.

Tác phẩm đồng tác giả” là các tác phẩm được sáng tạo bởi hai hoặc nhiều tác giả với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành các phần không thể tách rời và phụ thuộc lẫn nhau trong một tổng thể hoàn chỉnh.

Tác phẩm văn học” là các tác phẩm không phải là tác phẩm nghe nhìn được diễn đạt bằng từ ngữ, số hoặc các hình thức chữ viết khác hoặc các biểu tượng số hoặc ký hiệu không phân biệt bản chất của vật liệu sử dụng như là sách, tạp chí, sổ tay, bản ghi âm, phim, băng, đĩa, thẻ ghi mà trong đó các tác phẩm được biểu hiện.

Tác phẩm điện ảnh” là các tác phẩm nghe nhìn bao gồm một loạt các hình ảnh liên quan, khi được chiếu một cách liên tục, chúng gây ấn tượng về sự chuyển động, cùng với các âm thanh, nếu có.

Trình diễn” một tác phẩm có nghĩa là ngâm, thể hiện, diễn tả, trình bày, chơi, khiêu vũ, nhập vai, hoặc là trực tiếp hoặc là thông qua các phương pháp là bất kỳ thiết bị hoặc máy móc nào hoặc, đối với các tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm nghe nhìn khác là chiếu các hình ảnh liên tiếp hoặc các âm thanh kèm theo với các hình ảnh của tác phẩm.

Bản ghi” là các vật liệu trong đó các âm thanh (không phải là các âm thanh kèm theo các tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm nghe nhìn khác) được ghi bởi bất kỳ biện pháp nào hiện đã biết hoặc sẽ phát triển trong tương lai, và từ các bản ghi này các âm thanh có thể được cảm nhận, tái bản hoặc phổ biến khác tới công chúng hoặc là trực tiếp hoặc là với sự trợ giúp của các máy móc thiết bị. Thuật ngữ “bản ghi” bao hàm cả các vật liệu mà trên đó các âm thanh được ghi lần đầu.

Tác phẩm về nghệ thuật, mỹ thuật, điêu khắc” bao hàm các tác phẩm hai và ba chiều về mỹ nghệ, mỹ thuật và mỹ thuật ứng dụng, ảnh, bản in, bản phục chế nghệ thuật, bản đồ, địa đồ, biểu đồ, đồ thị, mẫu và bản vẽ kỹ thuật, bao gồm cả sơ đồ kiến trúc. Các tác phẩm đó chỉ bao gồm các tác phẩm thủ công mỹ nghệ trong phạm vi hình thức của nó nhưng không đề cập đến khía cạnh sản xuất máy móc hoặc khuôn mẫu; kiểu dáng của các sản phẩm hữu dụng như được định nghĩa trong Điều này được coi như là một tác phẩm về nghệ thuật, mỹ thuật, điêu khắc chỉ khi nếu và chỉ trong phạm vi là những kiểu dáng đó mang đường nét về nghệ thuật, mỹ thuật, điêu khắc mà có thể phân biệt rõ ràng với, và có khả năng tồn tại một cách độc lập với khía cạnh hữu dụng của sản phẩm đó.

Tác phẩm ký danh” là các tác phẩm mà trên phiên bản hoặc trên bản ghi của tác phẩm tác giả được xác định theo một bút danh.

Công bố” là việc phân phối các bản sao hoặc bản ghi của tác phẩm tới công chúng thông qua việc bán hoặc các hình thức chuyển nhượng quyền sở hữu khác, hoặc thông qua việc cho thuê, cho mướn, cho mượn. Việc chào phân phối các phiên bản hoặc bản ghi của tác phẩm trước một nhóm người nhằm mục đích phân phối tiếp theo việc trình diễn hoặc trình bầy công cộng tác phẩm là đã cấu thành hành vi công bố. Nhưng bản thân việc trình diễn hoặc trình bày trước công chúng không cấu thành hành vi công bố.

Trình diễn hoặc trình bày tác phẩm “công cộng” có nghĩa là:

(1). Trình diễn hoặc trình bày tác phẩm tại nơi công khai cho công chúng hoặc bất kỳ nơi nào mà tại nơi đó một số lượng người lớn đáng kể ngoài phạm vi gia đình hoặc một nhóm quan hệ xã hội tham dự; hoặc

(2). Phát sóng hoặc các hình thức phổ biến khác cuộc trình diễn hoặc trưng bày tác phẩm tới nơi được quy định tại Khoản 1 hoặc tới công chúng thông qua phương thức sử dụng bất kỳ thiết bị phương pháp nào không phụ thuộc vào việc công chúng có khả năng thu được buổi trình diễn hoặc trình bày đó ở cùng một địa điểm hay tại các địa điểm khác nhau, vào cùng một thời điểm hay các thời điểm khác nhau.

Đăng ký” trong phạm vi của Điều 205(c)(2), 405, 406, 410(d), 411, 412 và 506(e) có nghĩa là việc đăng ký yêu cầu về thời hạn bảo hộ quyền tác giả cơ bản, tái hiệu lực thời hạn bảo hộ và mở rộng thời hạn bảo hộ.

Bản ghi âm” là các tác phẩm có được nhờ việc ghi âm một loạt các âm thanh âm nhạc, lời hát, và các âm thanh khác nhưng không bao gồm các âm thanh được ghi kèm theo các tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm nghe nhìn khác không phân biệt bản chất của vật liệu như là đĩa, băng hoặc các dạng bản ghi khác mà trên đó chúng được thể hiện.

Bang” bao hàm quận Columbia và khối Liên hiệp Puerto Rico, và bất kỳ vùng lãnh thổ nào mà Điều luật này được đưa ra áp dụng theo Luật của Quốc hội.

Chuyển nhượng quyền tác giả” là sự chuyển giao, cầm cố, cấp giấy phép sử dụng độc quyền hoặc bất kỳ một hình thức chuyển quyền sở hữu, sang tên, bán quyền tác giả nào khác hoặc về bất kỳ một quyền độc quyền nào khác bao hàm trong bản quyền tác phẩm không phụ thuộc vào việc các quyền này có bị hạn chế về mặt thời gian hoặc địa điểm hay không nhưng không bao gồm các giấy phép sử dụng không độc quyền.

Chương trình truyền thông” là một khối thông tin kết hợp được tạo ra nhằm mục đích duy nhất là truyền tới công chúng theo chuỗi kế tiếp hoặc từng đoạn.

Truyền” buổi trình diễn hoặc trình bày là việc phổ biến buổi trình diễn hoặc trìng bày đó thông qua bất kỳ phương tiện hoặc biện pháp nào miễn là các hình ảnh và âm thanh của nó được nhận tại một nơi khác ở phía bên kia từ nơi mà nó đã được truyền đi.

Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ” khi được sử dụng trong câu mang ý nghĩa địa lý bao hàm các Bang, Quận Columbia và khối liên hiệp Puerto Rico và các vùng lãnh thổ dưới quyền tài phán của Chính phủ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Sản phẩm hữu dụng” là một đồ vật có chức năng hữu dụng vốn có không chỉ đơn thuần là miêu tả dáng vẻ bên ngoài của sản phẩm hoặc để chuyển tải thông tin. Một đồ vật mà thông thường là một phần của sản phẩm hữu dụng thì cũng được coi là một “sản phẩm hữu dụng”.

Người vợ goá” hoặc “người chồng goá” của tác giả là vợ hoặc chồng của tác giả còn sống theo luật nơi thường trú của tác giả vào thời điểm tác giả chết, không phụ thuộc vào việc những người vợ hoặc chồng goá này đã tái kết hôn hay chưa.

Tác phẩm nghệ thuật tạo hình” là:

(1). Các bức hoạ, vẽ, bản in, điêu khắc tồn tại dưới dạng đơn bản, trong giới hạn phát hành là 200 bản hoặc ít hơn được ký và đánh số liên tiếp bởi tác giả hoặc đối với các tác phẩm điêu khắc, với nhiều phiên bản, các tác phẩm điêu khắc được chạm khắc hoặc được sao chép tới 200 bản hoặc ít hơn được đánh số liên tiếp bởi tác giả và có chữ ký hoặc ký hiệu nhận biết nào khác của tác giả; hoặc

(2). Hình ảnh chụp tĩnh vật được tạo ra chỉ nhằm mục đích triển lãm, tồn tại dưới dạng đơn bản được ký bởi tác giả hoặc trong giới hạn phát hành là 200 bản hoặc ít hơn được ký và đánh số liên tiếp bởi tác giả.

Tác phẩm nghệ thuật tạo hình” không bao hàm:

(A).

(i).  Bất kỳ một áp phích quảng cáo, bản đồ, địa cầu, đồ thị, bản vẽ kỹ thuật, biểu đồ, mẫu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm nghe nhìn khác, sách, tạp chí, báo, tập san, cơ sở dữ liệu, dịch vụ thông tin điện tử, xuất bản điện tử hoặc các hình thức xuất bản tương tự;

(ii). Bất kỳ thiết bị máy móc, quảng cáo, khuyến mại, chỉ dẫn, vật liệu làm bao bì, bao gói hoặc thùng vận chuyển;

(iii).Bất kỳ một phần hoặc bộ phận nào của các thứ nêu tại Điểm (i) hoặc (ii) trên.

(B). Bất kỳ tác phẩm nào được tạo ra trên cơ sở hợp đồng hoặc làm công; hoặc

(C). Bất kỳ tác phẩm nào không thuộc đối tượng bảo hộ theo quy định của Điều luật này.

Tác phẩm thuộc Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” là các tác phẩm được tạo ra bởi các viên chức hoặc cán bộ của Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ như một phần trong nghĩa vụ của người đó.

Tác phẩm được sáng tạo do thuê mướn” là:

(1). Những tác phẩm được sáng tạo bởi người làm công trong phạm vi nhiệm vụ của người đó; hoặc

(2). Những tác phẩm được đặt hàng hoặc được thanh toán tiền cho việc sử dụng như là một phần của tác phẩm tuyển tập, như một phần của tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm nghe nhìn khác, như là bản dịch, như là tác phẩm bổ sung, biên soạn, các tài liệu hướng dẫn, bài kiểm tra, các đáp án kiểm tra, tập bản đồ, nếu như các bên đồng ý rõ ràng bằng văn bản được ký bởi họ là tác phẩm đó được coi là tác phẩm được đặt hàng. Trong phạm vi của câu trên, “tác phẩm bổ sung” là một tác phẩm được tạo ra phục vụ cho việc xuất bản như là phần phụ thêm bổ sung vào tác phẩm được thực hiện bởi một tác giả nhằm mục đích giới thiệu, kết luận, minh hoạ, diễn giải, sửa đổi, bình luận về hoặc trợ giúp việc sử dụng các tác phẩm khác, như là lời nói đầu, lời bạt, các hình ảnh minh hoạ, bản đồ, đồ thị, bảng biểu, dòng lưu ý độc giả, phổ nhạc, đáp án kiểm tra, tiểu sử, phụ lục và phụ chương, lời chỉ dẫn, là một tác phẩm văn học, hội hoạ, tạo hình được tạo ra cho mục đích xuất bản và với mục đích sử dụng các bước chỉ dẫn có hệ thống.

Chương trình máy tính” là một tập hợp các hướng dẫn hoặc các mệnh lệnh được sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp trên máy tính nhằm mục đích mang lại một kết quả cụ thể.

Điều 102: Đối tượng điều chỉnh của Luật Quyền tác giả: quy định chung

(a). Theo quy định của Điều luật này, Luật quyền tác giả bảo hộ tác phẩm nguyên thuỷ độc đáo hoàn chỉnh của tác giả đã được định hình dưới bất kỳ một dạng vật chất thể hiện hữu hình nào hiện đã được biết hoặc sẽ được phát triển trong tương lai, mà từ các dạng vật chất  thể hiện hữu hình này tác phẩm có thể được cảm nhận, tái bản, hoặc phổ biến khác hoặc là trực tiếp hoặc là với sự trợ giúp của các máy móc thiết bị. Các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm các thể loại sau:

(1) Tác phẩm văn học;

(2) Tác phẩm âm nhạc bao hàm tác phẩm kèm theo bất kỳ một từ nào;

(3) Tác phẩm sân khấu bao hàm các tác phẩm kèm theo bất kỳ âm thanh nào;

(4) Tác phẩm kịch câm và vũ ba lê;

(5) Tác phẩm về nghệ thuật, mỹ thuật, điêu khắc;

(6) Tác phẩm điện ảnh và các tác phẩm nghe nhìn khác;

(7) Bản ghi âm, và

(8) Tác phẩm kiến trúc

(b). Trong bất kỳ trường hợp nào sự bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm nguyên thuỷ độc đáo hoàn chỉnh của tác giả không mở rộng đến các ý tưởng, các biện pháp, phương pháp, nguyên lý hoạt động, khái niệm, quy luật, phát minh, không phân biệt hình thức mà chúng được miêu tả, giải thích, minh hoạ hoặc diễn đạt trong tác phẩm đó.

Điều 103: Đối tượng điều chỉnh của Luật quyền tác giả: tác phẩm biên soạn và tác phẩm phái sinh

(a). Đối tượng bảo hộ quyền tác giả được quy định tại Điều 102 bao gồm cả các tác phẩm biên soạn và tác phẩm phái sinh, nhưng việc bảo hộ đối với một tác phẩm dựa trên sự khai thác các tư liệu đã có mà đối với chúng quyền tác giả đang tồn tại sẽ không được mở rộng đến bất kỳ phần nào của tác phẩm đó nếu trong tác phẩm này các tư liệu đã được sử dụng bất hợp pháp.

(b). Quyền tác giả đối với các tác phẩm biên soạn hoặc tác phẩm phái sinh chỉ mở rộng đến các phần đóng góp của tác giả của tác phẩm đó như là một phần độc lập với các tư liệu đã được khai thác trong tác phẩm đó, và không ảnh hưởng tới bất kỳ một quyền độc quyền nào đối với các tư liệu đã có. Quyền tác giả đối với các tác phẩm này là độc lập, không bị ảnh hưởng hoặc chi phối về phạm vi, thời hạn bảo hộ, chủ sở hữu, hoặc sự tồn tại của nó với bất kỳ sự bảo hộ quyền tác giả nào đối với các tư liệu đã có.

Điều 104: Đối tượng bảo hộ của Luật quyền tác giả: Quốc gia gốc

(a). Tác phẩm chưa công bố là tác phẩm nêu tại Điều 102 và 103 khi chưa công bố là đối tượng bảo hộ theo Điều luật này không phân biệt quốc tịch hoặc nơi cư trú của tác giả.

(b). Tác phẩm đã công bố là các tác phẩm nêu tại Điều 102 và 103 khi đã công bố thuộc đối tượng bảo hộ của Điều luật này nếu:

(1). Vào ngày công bố lần đầu, một hoặc nhiều tác giả là công dân hoặc người thường trú tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ hoặc là công dân hoặc người thường trú hoặc là người dân của một nước theo chế độ quân chủ của một quốc gia nước ngoài khác mà quốc gia này là một bên của Hiệp định về quyền tác giả mà Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng là một bên, hoặc là người không có quốc tịch bất kể người đó cư trú ở đâu; hoặc

(2). Tác phẩm được công bố lần dầu tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ hoặc tại một quốc gia nước ngoài khác vào ngày công bố lần đầu là một bên của Công ước toàn cầu về quyền tác giả; hoặc

(3). Tác phẩm được công bố lần đầu thông qua tổ chức Liên hợp quốc hoặc thông qua bất kỳ tổ chức nào của Liên hợp quốc hoặc thông qua các cơ quan của Chính phủ Mỹ; hoặc

(4). Tác phẩm là tác phẩm thuộc diện Công ước Berne; hoặc

(5). Tác phẩm được đưa vào trong phạm vi tác phẩm thuộc tuyên bố của Tổng thống. Khi mà Tổng thống thấy rằng một quốc gia nước ngoài nào đó mở rộng việc bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm tác giả là công dân hoặc người thường trú của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ hoặc đối với các tác phẩm được công bố lần đầu tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về bản chất tương tự như quốc gia nước ngoài đó dành chế độ bảo hộ cho các tác phẩm của công dân hoặc người thường trú của chính quốc gia mình và đối với các tác phẩm được công bố lần đầu tại quốc gia đó, Tổng thống có thể thông qua một bản tuyên bố mở rộng việc bảo hộ theo quy định của Điều luật này đối với các tác phẩm của một hoặc nhiều tác giả, vào ngày công bố lần đầu, là công dân hoặc người thường trú của quốc gia nước ngoài đó hoặc là người dân của quốc gia nước ngoài theo chế độ quân chủ đó và đối với các tác phẩm công bố lần đầu tại quốc gia nước ngoài đó. Tổng thống có thể sửa đổi, thay thế hoặc huỷ bỏ bất kỳ một tuyên bố nào như vậy hoặc có thể đưa ra bất kỳ một điều kiện hoặc hạn chế nào đối với việc bảo hộ theo tuyên bố đó.

(c). “Hiệu lực của Công ước Berne”. Không một quyền hoặc lợi ích nào đối với một tác phẩm đáp ứng yêu cầu bảo hộ theo Điều luật này có thể được xác định theo hoặc dựa trên các quy định của Công ước Berne hoặc các quy định của các điều ước mà Chính phủ Hoa Kỳ tham gia. Bất kỳ các quyền nào đối với tác phẩm đáp ứng yêu cầu bảo hộ theo quy định của Điều luật này nhận được bảo hộ từ Điều luật này, luật  của các bang, của Chính phủ khác hoặc hệ thống luật thông lệ, sẽ không được mở rộng hoặc không bị bó hẹp theo hoặc dựa trên các quy định của Công ước Berne hoặc các điều ước quốc tế khác mà Chính phủ Hoa Kỳ tham gia.

Điều 104A: Quyền tác giả đối với tác phẩm phục hồi

(a). Tự động bảo hộ và thời hạn bảo hộ:

(1). Thời hạn bảo hộ:

(A). Phù hợp với quy định tại Điều này, quyền tác giả tồn tại đối với tác phẩm phục hồi và phát sinh tự động vào ngày phục hồi.

(B). Bất kỳ tác phẩm nào mà quyền tác giả của tác phẩm được phục hồi theo Điều này sẽ tồn tại trong khoảng thời gian còn lại của thời hạn bảo hộ quyền tác giả mà tác phẩm này đã được cấp theo cách khác tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ nếu tác phẩm này chưa từng rơi vào lĩnh vực công cộng tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

(2). Ngoại lệ: bất kỳ tác phẩm nào mà quyền tác giả đối với tác phẩm đó đã từng được sở hữu hoặc được quản lý bởi Ban quản lý tài sản nước ngoài và đối với tác phẩm đó quyền tác giả phục hồi sẽ được sở hữu bởi Chính phủ hoặc cơ quan của Chính phủ, không phải là tác phẩm phục hồi.

(b). Sở hữu quyền tác giả phục hồi: tác phẩm phục hồi trước nhất thuộc về tác giả hoặc người nắm quyền tác giả nguyên thuỷ của tác phẩm được xác định bởi luật của quốc gia nguồn của tác phẩm.

(c). Nộp thông báo về ý định thi hành các quyền tác giả phục hồi đối với các bên uỷ thác: vào hoặc sau ngày phục hồi bất kỳ người nào sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm phục hồi hoặc quyền độc quyền thuộc quyền tác giả của tác phẩm có thể nộp tới Cục Bản quyền tác giả thông báo về ý định thi hành quyền tác giả hoặc quyền độc quyền của mình hoặc có thể gửi thông báo này trực tiếp tới các bên uỷ thác. Sự chấp thuận thông báo bởi Cục Bản quyền tác giả có hiệu lực với các bên uỷ thác nhưng sẽ không tạo ra cơ sở pháp lý của bất kỳ sự kiện nào được tuyên bố trong đó. Việc gửi tới các bên uỷ thác có hiệu lực đối với bên uỷ thác đó và bất kỳ bên uỷ thác nào khác mà thực sự biết việc gửi thông báo đó và nội dung của nó.

(d). Các biện pháp thực thi đối với sự xâm phạm các quyền tác giả phục hồi:

(1). Thi hành quyền tác giả đối với tác phẩm phục hồi không có bên uỷ thác: đối với bất kỳ bên nào không phải là bên uỷ thác, các biện pháp thực thi quy định tại Chương V của Điều luật này sẽ được áp dụng vào hoặc sau ngày sự phục hồi các quyền tác giả được phục hồi đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả được phục hồi mà được bắt đầu vào hoặc sau ngày phục hồi đó.

(2). Thi hành quyền tác giả đối với tác phẩm phục hồi không phải là bên uỷ thác: đối với bên uỷ thác, ngoại trừ nội dung quy định tại Điểm (3) và (4), các biện pháp thực thi quy định tại Chương V của Điều luật này sẽ áp dụng, đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả phục hồi vào hoặc sau ngày phục hồi quyền tác giả phục hồi nếu các yêu cầu của một trong các Đoạn sau được đáp ứng:

(A)

(i).  Chủ sở hữu quyền tác giả phục hồi (hoặc người đại diện của người đó) hoặc chủ sở hữu quyền độc quyền thuộc quyền tác giả (hoặc người đại diện của người đó) nộp tới Cục Bản quyền tác giả, trong vòng thời gian 24 tháng kể từ ngày bắt đầu phục hồi, thông báo về ý định thi hành quyền tác giả phục hồi; và

(ii).

(I). Hành vi xâm phạm bắt đầu sau khi kết thúc thời gian 12 tháng kể từ ngày công bố thông báo đó tại Cơ quan đăng ký Liên bang;

(II). Hành vi xâm phạm bắt đầu trước khi kết thúc thời gian 12 tháng quy định tại phụ Đoạn (I) và được tiếp tục sau khi kết thúc thời gian 12 tháng đó, trong trường hợp này các biện pháp thực thi chỉ áp dụng đối với sự xâm phạm xảy ra sau khi kết thúc thời gian 12 tháng đó; hoặc

(III). Bản sao hoặc bản ghi của tác phẩm mà quyền tác giả của tác phẩm đó đã được phục hồi theo Điều này được tạo ra sau khi công bố thông báo về ý định đó tại Cơ quan đăng ký Liên bang.

(B)

(i). Chủ sở hữu quyền tác giả phục hồi (hoặc người đại diện của người đó) hoặc chủ sở hữu quyền độc quyền thuộc quyền tác giả tác phẩm (hoặc người đại diện của người đó) gửi tới bên uỷ thác thông báo về ý định thi hành quyền tác giả phục hồi; và

(ii).

(I). Hành vi xâm phạm bắt đầu sau khi kết thúc thời gian 12 tháng tính từ ngày thông báo ý định này được nhận;

(II). Hành xi xâm phạm bắt đầu trước khi kết thúc thời gian 12 tháng quy định tại phụ Đoạn (I) và được tiếp tục sau khi kết thúc thời gian 12 tháng đó, trong trường hợp đó các biện pháp thực thi sẽ chỉ áp dụng đối với sự xâm phạm xảy ra sau khi kết thúc thời gian 12 tháng đó; hoặc

(III). Các bản sao hoặc bản ghi của tác phẩm mà quyền tác giả của tác phẩm được phục hồi theo Điều này được tạo ra sau khi nhận được thông báo về ý định đó.

Đối với các thông báo quy định trong cả Đoạn (A) và (B), thời gian 12 tháng được nêu trong các Đoạn đó sẽ tính từ khi việc công bố hoặc gửi thông báo sớm nhất.

(3). Các tác phẩm phái sinh hiện có:

(A). Trong trường hợp tác phẩm phái sinh mà dựa trên cơ sở một tác phẩm phục hồi và được sáng tạo:

(i). Trước ngày ban hành Luật về các Hiệp định của Vòng đàm phán Uruguay, nếu quốc gia nguồn của tác phẩm phái sinh này là quốc gia đủ điều kiện vào ngày đó, hoặc

(ii). Trước ngày gia nhập hoặc tuyên bố, nếu quốc gia nguồn của tác phẩm phái sinh là quốc gia không đủ điều kiện vào ngày ban hành, bên uỷ thác có thể tiếp tục khai thác tác phẩm đó trong thời hạn phục hồi quyền tác giả nếu bên uỷ thác này thanh toán cho chủ sở hữu quyền tác giả phục hồi sự bù đắp hợp lý cho việc quản lý quyền tác giả tác phẩm phục hồi thuộc đối tượng của biện pháp thực thi đối với sự xâm phạm nếu không có quy định tại phụ Đoạn này.

(B).  Trong trường hợp không có thoả thuận giữa các bên, khoản tiền bù đắp này sẽ được xác định theo khiếu kiện tại Toà án cấp quận của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, và sẽ phản ánh bất kỳ thiệt hại nào đối với thị trường thực tế và tiềm năng đối với giá trị của tác phẩm phục hồi từ việc tiếp tục khai thác tác phẩm này của bên uỷ thác, cũng như sự bù đắp đối với các đóng góp có liên quan của thể hiện của tác giả của tác phẩm phục hồi và bên uỷ thác đối với tác phẩm phái sinh.

(4). Khởi đầu của sự vi phạm đối với các bên uỷ thác: trong phạm vi của Điều 412, về trường hợp của các bên uỷ thác, sự xâm phạm được coi là đã bắt đầu trước lúc đăng ký khi mà các hành vi mà cấu thành nên sự vi phạm tác phẩm phục hồi thuộc đối tượng quyền tác giả đã được bắt đầu trước ngày phục hồi đó.

(e). Thông báo ý định thi hành quyền tác giả phục hồi:

(1). Thông báo về ý định được nộp tới Cục Bản quyền tác giả:

(A)

(i). Thông báo về ý định được nộp tới Cục Bản quyền tác giả để thi hành các quyền tác giả phục hồi sẽ được ký bởi chủ sở hữu quyền tác giả phục hồi hoặc chủ sở hữu của bất kỳ quyền độc quyền nào thuộc quyền tác giả tác phẩm, người nộp thông báo theo Khoản (d)(2)(A)(i) (sau đây trong đoạn này được gọi là chủ sở hữu), hoặc thông qua đại diện của chủ sở hữu, sẽ chỉ rõ tên của tác phẩm phục hồi, và sẽ bao gồm tên dịch sang tiếng Anh của tác phẩm và bất kỳ tên sửa đổi nào khác của tác phẩm của chủ sở hữu mà thông qua các tên này tác phẩm phục hồi có thể được xác định, và địa chỉ và số điện thoại liên hệ của chủ sở hữu. Nếu thông báo ký bởi đại diện, mối quan hệ đại diện phải được xác lập bằng văn bản ký bởi chủ sở hữu trước khi nộp thông báo. Cục Bản quyền tác giả có thể yêu cầu cụ thể trong quy chế các thông tin khác để được bao hàm trong thông báo, nhưng thiếu sót trong việc cung cấp thông tin này sẽ không làm mất hiệu lực của thông báo hoặc là cơ sở của việc từ chối về việc lập danh sách tác phẩm phục hồi tại Cơ quan đăng ký Liên bang.

(ii). Nếu một tác phẩm mà quyền tác giả được phục hồi không có tên thông thường, tác phẩm sẽ được mô tả trong thông báo về ý định này chi tiết tới mức đủ để xác định được tác phẩm đó.

(iii).Những lỗi hoặc sai sót nhỏ có thể được hiệu đính thông qua những thông báo tiếp theo vào bất kỳ thời điểm nào sau khi thông báo về ý định được nộp. Thông báo về sự hiệu đính đối với những lỗi hoặc sai sót nhỏ này sẽ được chấp nhận sau thời hạn quy định tại Khoản (d) (2)(A)(i). Thông báo sẽ được công bố tại Cơ quan đăng ký Liên bang theo quy định tại Đoạn (B).

(B)

(i). Cục trưởng sẽ công bố tại Cơ quan đăng ký Liên bang, bắt đầu trong thời gian không chậm hơn 4 tháng sau ngày phục hồi đối với quốc gia cụ thể, và từng 4 tháng sau đó trong khoảng thời gian 2 năm, danh sách xác định các tác phẩm phục hồi và sở hữu chủ của chúng nếu thông báo về ý định thi hành quyền tác giả được phục hồi đã được nộp.

(ii). Không hơn một bản danh sách bao gồm tất cả các thông báo về ý định thi hành sẽ được lưu giữ tại văn phòng thông tin công cộng của Cục Bản quyền tác giả và sẽ đáp ứng việc giám sát công cộng và sao chép trong giờ làm việc quy định phù hợp với Điều 705 và 708. Danh sách này cũng sẽ được công bố tại Cơ quan đăng ký Liên bang trên cơ sở hàng năm trong 2 năm đầu sau ngày áp dụng sự phục hồi.

(C). Cục trưởng được phép ấn định các khoản lệ phí hợp lý được xác định trên cơ sở chi phí của việc nhận, tiến hành các thủ tục, xác nhận và công bố thông báo về ý định thi hành quyền tác giả phục hồi và hiệu đính của thông báo.

(D)

(i). Không chậm hơn 90 ngày trước ngày Hiệp định về thương mại liên quan đến các khía cạnh sở hữu trí tuệ nêu tại Điều 101(d)(15) của Luật các Hiệp định của Vòng đàm phán Uruguay bắt đầu có hiệu lực tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Cục Bản quyền tác giả sẽ ban hành và công bố tại Cơ quan đăng ký Liên bang các quy định điều chỉnh việc nộp đơn theo Khoản này của thông báo về ý định thi hành quyền tác giả được phục hồi.

(ii). Các quy định này sẽ cho phép chủ sở hữu các quyền tác giả được phục hồi nộp đơn đồng thời cho việc đăng ký quyền tác giả được phục hồi.

(2). Thông báo về ý định được gửi tới bên uỷ thác:

(A).  Thông báo về ý định thi hành quyền tác giả được phục hồi có thể được gửi cho bên uỷ thác vào bất kỳ thời điểm nào sau ngày quyền tác giả phục hồi được phục hồi.

(B). Thông báo về ý định thi hành quyền tác giả phục hồi được gửi tới bên uỷ thác được ký bởi chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu, sẽ chỉ rõ tác phẩm được phục hồi và tác phẩm trong đó tác phẩm phục hồi được sử dụng, nếu có, chi tiết tới mức đủ để xác định chúng, và tên dịch sang tiếng Anh của tác phẩm, bất kỳ tên thay thế nào khác của tác phẩm được biết đối với chủ sở hữu thông qua đó tác phẩm có thể được xác định, việc hoặc những việc sử dụng mà chủ sở hữu phản đối, địa chỉ và số điện thoại mà bên có liên quan có thể liên hệ với chủ sở hữu. Nếu thông báo được ký bởi đại diện, quan hệ đại diện phải được xác lập bằng văn bản và được ký bởi chủ sở hữu trước khi gửi thông báo.

(3). Hiệu lực của các tài liệu tuyên bố sai: bất kỳ tài liệu tuyên bố sai nào biết là được thực hiện liên quan đến bất kỳ quyền tác giả phục hồi nào được xác định trong bất kỳ thông báo về ý định nào sẽ huỷ bỏ giá trị tất cả các khiếu kiện và đòi bồi thường nào được tiến hành dựa trên các quyền tác giả phục hồi đó.

(g). Tuyên bố phục hồi quyền tác giả: khi mà Tổng thống thấy là một nước ngoài cụ thể nào mà đối với các tác phẩm của tác giả là công dân hoặc người thường trú của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mở rộng sự bảo hộ quyền tác giả phục hồi về cơ bản tương tự như quy định tại Điều này, Tổng thống có thể thông qua một thông báo mở rộng sự bảo hộ được phục hồi theo quy định tại Điều này đối với bất kỳ tác phẩm:

(1). Mà của một hoặc nhiều tác giả, vào ngày công bố lần đầu tác phẩm, là công dân hoặc người thường trú hoặc nhà chức trách của quốc gia đó; hoặc

(2). Mà được công bố lần đầu tại quốc gia đó.

Tổng thống có thể sửa đổi, đình chỉ hoặc huỷ bỏ bất kỳ tuyên bố nào hoặc áp đặt bất kỳ điều kiện hoặc hạn chế nào đối với việc bảo hộ theo các tuyên bố đó.

(h). Định nghĩa: trong phạm vi của Điều này

(1).  Thuật ngữ “ngày tuyên bố hoặc gia nhập” có nghĩa là ngày mà trước ngày đó quốc gia nước ngoài, vào ngày mà Hiệp định WTO có hiệu lực đối với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, không phải là quốc gia tham gia Công ước Berne hoặc là một quốc gia thành viên của WTO, trở thành:

(A). Quốc gia tham gia Công ước Berne hoặc là một quốc gia thành viên của WTO; hoặc

(B). Tuỳ thuộc vào tuyên bố của Tổng thống theo Khoản (g).

(2).  “Ngày phục hồi” quyền tác giả được phục hồi là ngày sau ngày:

(A).  Mà vào ngày đó Hiệp định thương mại có liên quan tới các khía cạnh sở hữu trí tuệ nêu tại Điều 101(d)(15) của Luật về các Hiệp định của Vòng đàm phán Uruguay bắt đầu có hiệu lực tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nếu quốc gia nguồn của tác phẩm phục hồi là quốc gia tham gia Công ước Berne hoặc là một quốc gia thành viên của WTO vào ngày đó; hoặc

(B).  Mà gia nhập hoặc tuyên bố, trong trường hợp đối với bất kỳ quốc gia nguồn nào của tác phẩm phục hồi.

(3). Thuật ngữ “Quốc gia đủ điều kiện” có nghĩa là quốc gia, không phải là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mà là một quốc gia thành viên của WTO, tham gia Công ước Berne hoặc tuỳ thuộc vào tuyên bố theo Điều 104A(g).

(4). Thuật ngữ “bên uỷ thác” có nghĩa là bất kỳ người nào mà:

(A). Đối với các tác phẩm cụ thể, thực hiện các hành vi, trước khi quốc gia nguồn của tác phẩm đó trở thành một quốc gia đủ điều kiện, mà vi phạm Điều 106 nếu tác phẩm phục hồi đã thuộc đối tượng bảo hộ quyền tác giả, và, sau khi quốc gia nguồn của tác phẩm trở thành quốc gia đủ điều kiện, mà tiếp tục thực hiện các hành vi đó;

(B). Trước khi quốc gia nguồn của tác phẩm cụ thể trở thành một quốc gia đủ điều kiện, tạo ra hoặc có được một hoặc nhiều bản sao hoặc bản ghi của tác phẩm đó; hoặc

(C). Theo kết quả của việc mua bán hoặc chuyển nhượng khác tác phẩm phái sinh theo Khoản(d)(3), hoặc tài sản đáng kể của một người nêu tại Đoạn (A) hoặc (B), là người thừa kế, người được chuyển nhượng, hoặc người được cấp phép của người đó.

(5). Thuật ngữ “quyền tác giả phục hồi” có nghĩa là quyền tác giả đối với tác phẩm phục hồi theo Điều này.

(6). Thuật ngữ “tác phẩm phục hồi” có nghĩa là tác phẩm gốc của tác giả mà:

(A). Được bảo hộ theo khoản (a);

(B). Không thuộc vào lĩnh vực công cộng tại quốc gia nguồn thông qua việc kết thúc thời hạn bảo hộ;

(C). Thuộc lĩnh vực công cộng tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ do:

(i). Không tuân thủ các thể thức quy định vào bất kỳ thời điểm nào theo Luật quyền tác giả Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, kể cả sai sót tiếp nối thời hạn bảo hộ, thiếu thông báo thích hợp, hoặc sai sót tuân thủ bất kỳ yêu cầu về mặt sản xuất nào;

(ii). Không thuộc đối tượng bảo hộ đối với trường hợp bản ghi âm được ghi trước ngày 15/1/1972;

(iii). Không thuộc quốc gia đủ điều kiện.

(D).Có ít nhất 1 tác giả hoặc 1 người nắm giữ bản quyền tác phẩm vào thời điểm tác phẩm được sáng tạo là công dân hoặc người thường trú của/tại quốc gia đủ điều kiện và nếu tác phẩm đã được công bố thì được công bố lần đầu tại quốc gia đủ điều kiện và không được công bố tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ trong vòng 30 ngày tiếp theo việc công bố tại quốc gia đủ điều kiện đó.

(7). Thuật ngữ “người nắm giữ bản quyền tác tác phẩm” có nghĩa   là người:

(A). Mà, đối với bản ghi âm, định hình lần đầu bản ghi âm với sự cho phép, hoặc

(B). Mà có được các quyền từ người quy định tại Đoạn (a) thông qua phương thức chuyển nhượng hoặc thông qua luật pháp hiện hành.

(8). Thuật ngữ “quốc gia nguồn” của tác phẩm phục hồi là:

(A). Quốc gia không phải là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ;

(B). Trong trường hợp tác phẩm chưa công bố:

(i). Quốc gia đủ điều kiện mà tại quốc gia này tác giả hoặc người nắm giữ bản quyền tác phẩm là công dân hoặc người thường trú, hoặc, nếu tác phẩm phục hồi có nhiều tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, bộ phận chủ yếu các tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả là những công dân hoặc người thường trú của quốc gia đủ điều kiện; hoặc

(ii). Nếu bộ phận chủ yếu các tác giả hoặc người nắm giữ bản quyền tác phẩm không phải là người nước ngoài, quốc gia, không phải là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, mà có liên quan mật thiết đối với tác phẩm, và

(C). Trong trường hợp tác phẩm đã công bố:

(i). Quốc gia đủ điều kiện mà tại quốc gia đó tác phẩm được công bố lần đầu, hoặc

(ii). Nếu tác phẩm phục hồi được công bố cùng ngày tại hai hoặc nhiều quốc gia đủ điều kiện, quốc gia đủ điều kiện có liên quan mật thiết đối với tác phẩm.

(9). Thuật ngữ “Hiệp định WTO” và “quốc gia thành viên WTO” có nghĩa được nêu tại các thuật ngữ này tại Khoản (9) và (10) tương ứng của Điều 2 Luật các Hiệp định của Vòng đàm phán Uruguay .

Điều 105: Đối tượng bảo hộ của Luật quyền tác giả: các tác phẩm thuộc sở hữu của Chính phủ Hoa Kỳ

Bảo hộ quyền tác giả theo quy định của Điều luật này không phải lúc nào cũng sẵn sàng đối với bất kỳ tác phẩm nào thuộc sở hữu của Chính phủ Hoa Kỳ, nhưng Chính phủ Hoa Kỳ không bị ngăn cản việc nhận hoặc nắm giữ quyền tác giả chuyển nhượng cho mình thông qua chuyển giao quyền sở hữu, thừa kế hoặc các hình thức chuyển nhượng khác.

Điều 106: Các quyền độc quyền đối với các tác phẩm được bảo hộ

Tuỳ thuộc vào quy định tại các Điều từ 107 đến 120, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của Điều luật này có các quyền độc quyền được thực hiện và cho phép thực hiện các quyền sau:

(1). Tái bản tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả dưới dạng bản sao hoặc bản ghi;

(2). Sáng tạo các tác phẩm phái sinh trên cơ sở các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả;

(3). Phân phối các bản sao và bản ghi của tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả tới công chúng thông qua việc bán hoặc các hình thức chuyển nhượng quyền sở hữu khác, hoặc thông qua việc cho thuê, cho mượn, cho mướn.

(4). Đối với các tác phẩm văn học, âm nhạc, sân khấu và các tác phẩm địa chí, kịch câm, tác phẩm điện ảnh hoặc các tác phẩm nghe nhìn khác, trình diễn công khai tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả; và

(5). Đối với các tác phẩm văn học, âm nhạc, sân khấu, và các tác phẩm địa chí, kịch câm, và các tác phẩm về nghệ thuật, mỹ thuật, điêu khắc bao hàm cả những hình ảnh đơn chiếc của các tác phẩm điện ảnh hoặc các tác phẩm nghe nhìn, trình bày công khai tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.

(6).  Đối với bản ghi âm trình diễn công cộng tác phẩm được bảo hộ thông qua phương tiện truyền âm kỹ thuật số.

Điều 106A: Các quyền của tác giả đối với việc nêu nguồn gốc tác phẩm, tác giả và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm

(a). Các quyền nêu nguồn gốc tác phẩm và tác giả: tuỳ thuộc vào quy định tại Điều 107 và độc lập với các quyền độc quyền quy định tại Điều 106, tác giả của tác phẩm nghệ thuật tạo hình

(1).  Có quyền:

(A).  Nêu tên tác giả của tác phẩm; và

(B).  Ngăn cản việc sử dụng tên của mình như là tác giả của bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật tạo hình nào mà thực sự không sáng tạo ra;

(2).  Có quyền ngăn cản việc sử dụng tên của mình như là tác giả của tác phẩm nghệ thuật tạo hình trong trường hợp xuyên tạc, bóp méo hoặc cắt xén khác đối với tác phẩm mà có thể xâm hại đến danh dự uy tín của mình; và

(3).  Tuỳ thuộc vào hạn chế quy định tại Điều 113(d), có quyền:

(A). Ngăn cản bất kỳ một ý định xuyên tạc, bóp méo hoặc cắt xén nào khác đối với tác phẩm mà có thể xâm hại đến danh dự, uy tín của mình và bất kỳ một ý định xuyên tạc, bóp méo hoặc cắt xén nào khác đối với tác phẩm là vi phạm quyền này; và

(B). Ngăn cản bất kỳ một sự phá huỷ một tác phẩm đã được thừa nhận và bất kỳ một ý định hoặc lỗi vô ý do cẩu thả nào trong việc phá huỷ tác phẩm là vi phạm quyền này.

(b). Phạm vi và việc thực thi quyền: chỉ tác giả của tác phẩm nghệ thuật tạo hình có các quyền được nêu tại Khoản (a) đối với tác phẩm đó không phụ thuộc vào việc tác giả có đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả hay không. Các tác giả của tác phẩm nghệ thuật tạo hình đồng tác giả cùng có chung các quyền nêu tại Khoản (a) đối với tác phẩm đó.

(c). Ngoại lệ:

(1).  Việc sửa đổi tác phẩm nghệ thuật tạo hình do tác động của thời gian đã trôi qua hoặc do bản chất thuộc tính của vật liệu sử dụng làm tác phẩm không phải là việc xuyên tạc, bóp méo hoặc cắt xén khác quy định tại Khoản (a)(3)(A).

(2). Việc sửa đổi tác phẩm nghệ thuật tạo hình do kết quả của việc bảo tồn, hoặc của việc triển lãm trước công chúng bao hàm cả việc chiếu sáng và sắp xếp đối với tác phẩm không phải là việc xuyên tạc, bóp méo hoặc cắt xén hoặc sửa chữa khác quy định tại Khoản (a)(3) trừ phi việc sửa đổi này gây ra bởi hành vi do cẩu thả.

(3).  Các quyền quy định tại Điểm (1) và (2) của Khoản (a) sẽ không áp dụng đối với bất kỳ một sự sao chép, tái tạo, mô phỏng hoặc các hình thức sử dụng tác phẩm khác tại hoặc trong mối liên hệ với bất kỳ sản phẩm hữu dụng nào được quy định tại phụ Điểm (A) hoặc (B) về định nghĩa “tác phẩm nghệ thuật tạo hình” tại Điều 101, và bất kỳ việc sao chép, tái tạo, mô phỏng hoặc các hình thức sử dụng tác phẩm đó không phải là sự xuyên tạc, bóp méo, cắt xén hoặc sửa chữa khác quy định tại Điểm (3) Khoản (a).

(d).  Thời hạn bảo hộ đối với các quyền

(1).  Liên quan đến các tác phẩm nghệ thuật tạo hình được sáng tạo vào ngày hoặc sau ngày có hiệu lực quy định tại Điều 610(a) của Luật về các quyền đối với tác phẩm nghệ thuật tạo hình năm 1990, các quyền nói tới tại Khoản (a) sẽ kéo dài một thời hạn là cả cuộc đời của tác giả.

(2).  Liên quan đến các tác phẩm nghệ thuật tạo hình được sáng tạo trước ngày có hiệu lực quy định tại Điều 610(a) của Luật về các quyền đối với tác phẩm nghệ thuật tạo hình năm 1990, nhưng quyền sở hữu đối với tác phẩm không được tác giả chuyển nhượng cho đến ngày có hiệu lực thì các quyền quy định tại Khoản (a) sẽ cùng thuộc phạm vi với, và sẽ kết thúc thời hạn tương tự như là, các quyền quy định tại Điều 106.

(3).  Đối với các tác phẩm đồng tác giả được sáng tạo bởi hai hay nhiều tác giả, các quyền quy định tại Khoản (a) sẽ kéo dài một thời hạn là cả cuộc đời của tác giả sống cuối cùng.

(4).  Tất cả các thời hạn của các quyền quy định tại Khoản (a) sẽ tồn tại cho tới khi kết thúc năm theo lịch mà vào năm đó chúng được xác định là chấm dứt hiệu lực.

(e). Chuyển nhượng và từ bỏ quyền:

(1).  Các quyền quy định tại Khoản (a) không được chuyển nhượng nhưng có thể được từ bỏ nếu tác giả chấp thuận sự từ bỏ đó rõ ràng bằng văn bản viết, được ký bởi tác giả. Văn bản này phải chỉ rõ tác phẩm và việc sử dụng tác phẩm đó, những gì mà sự từ bỏ áp dụng, và sự từ bỏ đó chỉ áp dụng đối với tác phẩm mà việc sử dụng đã được xác định. Đối với tác phẩm đồng tác giả được tạo ra bởi hai hay nhiều tác giả, sự từ bỏ các quyền theo quy định tại Điểm này được thực hiện bởi một người trong số các tác giả đó về việc từ bỏ các quyền này là cho toàn bộ các tác giả đó.

(2).  Chủ sở hữu các quyền quy định tại Khoản (a) đối với các tác phẩm nghệ thuật tạo hình là hoàn toàn độc lập với chủ sở hữu đối với bất kỳ phiên bản nào của tác phẩm đó hoặc đối với quyền tác giả của tác phẩm đó hoặc bất kỳ quyền độc quyền nào theo quyền tác giả đối với tác phẩm đó. Chuyển nhượng quyền sở hữu đối với bất kỳ phiên bản nào của tác phẩm nghệ thuật tạo hình, hoặc của quyền tác giả hoặc bất kỳ quyền độc quyền nào đối với tác phẩm đó không tạo nên sự từ bỏ các quyền quy định tại Khoản (a). Ngoài ra, trường hợp được sự chấp thuận của tác giả bằng văn bản viết được ký bởi tác giả về sự từ bỏ các quyền quy định tại Khoản (a) đối với tác phẩm nghệ thuật tạo hình không tạo nên việc chuyển nhượng quyền sở hữu đối với bất kỳ phiên bản nào của tác phẩm đó, hoặc đối với quyền sở hữu quyền tác giả hoặc đối với bất kỳ quyền độc quyền nào theo quyền tác giả đối với tác phẩm đó.

Điều 107: Hạn chế đối với các quyền độc quyền: sử dụng hợp lý

Không trái với các quy định tại Điều 106 và 106A, sử dụng được phép một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm các hình thức sử dụng thông qua hình thức sao chép dưới dạng bản sao hoặc bản ghi hoặc bởi bất kỳ một phương thức nào được quy định trong Điều này cho mục đích bình luận, phê bình, đưa tin hoặc giảng dạy (bao hàm cả việc sử dụng nhiều bản sao cho lớp học), nghiên cứu, học tập là không vi phạm quyền tác giả. Để xác định xem liệu việc sử dụng tác phẩm trong các trường hợp cụ thể có phải là sử dụng được phép hay không cần xem xét các nhân tố sau:

(1).  Mục đích và đặc điểm của việc sử dụng, bao gồm việc sử dụng đó có tính chất thương mại không hay là chỉ nhằm mục đích giáo dục phi lợi nhuận;

(2).  Bản chất của tác phẩm được bảo hộ;

(3).  Số lượng và thực chất của phần được sử dụng trong tác phẩm được bảo hộ như là một tổng thể; và

(4). Vấn đề ảnh hưởng của việc sử dụng đó đối với tiềm năng thị trường hoặc đối với giá trị của tác phẩm được bảo hộ;

Ghi nhận là một tác phẩm chưa công bố về bản chất không ngăn cản việc tìm kiếm để sử dụng hợp lý nếu việc tìm kiếm này được thực hiện dựa trên việc xem xét tất cả các nhân tố kể trên.

Điều 108: Hạn chế của các quyền độc quyền: tái bản nhằm mục đích lưu trữ và dùng trong thư viện

(a). Không trái với quy định của Điều 106, sẽ không bị coi là hành vi vi phạm quyền tác giả đối với việc tái bản nhiều hơn một bản sao hoặc bản ghi của tác phẩm cho mục đích lưu trữ và dùng trong thư viện hoặc do bất kỳ một người làm công nào của các cơ quan này thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ của người đó, hoặc đối với việc phân phối các bản sao hoặc bản ghi đó theo các điều kiện quy định tại Khoản này, nếu:

(1). Việc tái bản hoặc phân phối đó được thực hiện không nhằm mục đích thu lợi nhuận dù trực tiếp hay gián tiếp;

(2). Sưu tập của thư viện và lưu trữ để:

(i). Phục vụ công chúng;

(ii).Không chỉ sẵn sàng phục vụ những người nghiên cứu là hội viên của tổ chức thư viện và lưu trữ hoặc các Viện là bộ phận của các tổ chức đó mà còn phục vụ cả những người khác đang làm công tác nghiên cứu trong các lĩnh vực cụ thể; và

(3). Tái bản và phân phối tác phẩm kèm theo một thông báo về vấn đề quyền tác giả;

(b). Các quyền tái bản hoặc phân phối theo quy định của Điều này áp dụng đối với bản sao hoặc bản ghi của tác phẩm chưa công bố được sao chép thành hai bản sao chuẩn chỉ nhằm mục đích lưu giữ và bảo quản hoặc để nộp cho việc sử dụng để nghiên cứu tại các tổ chức thư viện và lưu trữ khác theo các hình thức quy định tại Điểm (2) Khoản (a), nếu bản sao hoặc bản ghi được tái bản là trong bộ sưu tập hiện tại của tổ chức thư viện và lưu trữ đó.

(c). Các quyền tái bản theo quy định của Điều này áp dụng đối với bản sao và bản ghi của tác phẩm đã công bố được sao chép thành hai bản sao chuẩn chỉ để nhằm mục đích thay thế bản sao hoặc bản ghi đã bị hư hỏng, mất mát hoặc mất cắp, nếu tổ chức thư viện hoặc lưu trữ này sau nỗ lực thích đáng, đã xác định là việc chưa thực hiện sự thay thế này do không thể đạt được tại một giá hợp lý.

(d). Các quyền tái bản và phân phối theo quy định của Điều này áp dụng đối với bản sao, được tạo ra từ bộ sưu tập của tổ chức thư viện hoặc lưu trữ hoặc từ các tổ chức thư viện và lưu trữ khác theo yêu cầu của người sử dụng, không nhiều hơn một mục hoặc một phần nào khác của bộ sưu tập được bảo hộ hoặc tạp chí định kỳ, hoặc đối với một bản sao hoặc bản ghi của một phần nhỏ của bất kỳ một tác phẩm được bảo hộ nào khác, nếu:

(1). Bản sao hoặc bản ghi trở thành tài sản riêng của người sử dụng, và tổ chức thư viện và lưu trữ đã không có thông báo là bản sao hoặc bản ghi đó có thể được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài mục đích nghiên cứu, giảng dạy, học tập cá nhân; và

(2).  Tổ chức thư viện hoặc lưu trữ trình bày nổi bật khuyến cáo về quyền tác giả tại vị trí và thứ tự sắp xếp đã được chấp nhận, và nằm trong hình thức bố trí của nó theo yêu cầu của Cơ quan đăng ký bản quyền được quy định trong bản quy chế.

(e).  Các quyền tái bản và phân phối theo quy định của Điều này áp dụng đối với toàn bộ tác phẩm hoặc đối với phần chủ yếu của tác phẩm, được tạo ra từ bộ sưu tập của tổ chức thư viện hoặc lưu trữ hoặc từ các tổ chức thư viện và lưu trữ khác theo yêu cầu của người sử dụng, nếu tổ chức thư viện hoặc lưu trữ này đã xác định lần đầu, trên cơ sở sự điều tra hợp lý, là bản sao hoặc bản ghi của tác phẩm bảo hộ không thể mua được tại mức giá hợp lý, nếu:

(1). Bản sao hoặc bản ghi trở thành tài sản riêng của người sử dụng, và tổ chức thư viện và lưu trữ đã không có thông báo là bản sao hoặc bản ghi đó có thể được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài mục đích nghiên cứu, giảng dạy, học tập cá nhân; và

(2). Tổ chức thư viện hoặc lưu trữ trình bày nổi bật khuyến cáo về bản quyền tại vị trí và thứ tự sắp xếp đã được chấp nhận, và nằm trong hình thức bố trí của nó theo yêu cầu của Cơ quan đăng ký bản quyền được quy định trong bản quy chế.

(f).   Không một quy định nào trong Điều này:

(1). Sẽ được diễn giải dẫn đến trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quyền tác giả của tổ chức thư viện hoặc lưu trữ hoặc những người làm công của các tổ chức đó đối với việc không kiểm soát thiết bị sao chụp đặt tại trụ sở của tổ chức, miễn là tại nơi để các thiết bị này đặt một thông báo là việc làm bản sao là đối tượng bảo hộ của Luật quyền tác giả.

(2). Xin lỗi người sử dụng thiết bị sao chép hoặc người đã yêu cầu một bản sao hoặc bản ghi theo quy định tại Khoản(d) về trách nhiệm đối với sự vi phạm quyền tác giả cho bất kỳ hành vi đó hoặc cho bất kỳ việc sử dụng nào sau này bản sao hoặc bản ghi đó; nếu điều này vượt quá sử dụng được phép như quy định tại Điều 107;

(3). Sẽ không được diễn giải dẫn tới việc hạn chế tái bản và phân phối thông qua hình thức cho mượn một số giới hạn bản sao và đoạn trích của chương trình tin tức nghe nhìn bởi tổ chức thư viện hoặc lưu trữ, tuỳ thuộc vào Điểm (1), (2) và (3) của Khoản (a); hoặc

(4). Trong bất kỳ cách thức nào ảnh hưởng đến quyền sử dụng hợp lý như quy định tại Điều 107, hoặc bất kỳ một nghĩa vụ theo hợp đồng nào mà tổ chức thư viện hoặc lưu trữ đảm nhận vào bất kỳ thời điểm nào khi mà các tổ chức này có được bản sao hoặc bản ghi của tác phẩm trong bộ sưu tập của mình.

(g). Các quyền tái bản và phân phối theo Điều này mở rộng tới việc tái bản hoặc phân phối tách biệt và không ràng buộc bản sao hoặc bản ghi đơn của cùng một tư liệu trong các hoàn cảnh khác biệt, nhưng không mở rộng đến các trường hợp mà tổ chức thư viện hoặc lưu trữ, người làm công cho các tổ chức này:

(1). Nhận thức hoặc có lý do thực chất để tin rằng điều đó dẫn tới mối liên quan hoặc quan hệ tới việc tái bản hoặc phân phối hàng loạt các bản sao hoặc bản ghi của cùng một tư liệu, không phụ thuộc vào việc thực hiện cùng một thời kỳ hay sau một khoảng thời gian, cũng không phụ thuộc vào mục đích kết hợp sử dụng của một hoặc nhiều cá nhân hoặc cho việc sử dụng tách biệt của các cá nhân thành viên của nhóm; hoặc

(2). Thực hiện việc tái bản hoặc phân phối có hệ thống bản sao hoặc bản ghi đơn hay đa bản của tư liệu quy định tại Khoản (d): với điều kiện là không một quy định nào trong Điều khoản này cản trở tổ chức thư viện hoặc lưu trữ đối với việc tham gia vào dàn xếp giữa các thư viện với nhau mà không có mục đích hoặc hệ quả là các tổ chức thư viện hoặc lưu trữ nhận được các bản sao hoặc bản ghi đó cho việc phân phối được thực hiện như vậy lên tới một số tổng cộng mà có thể thay thế cho việc đặt mua hoặc mua những tác phẩm đó.

(h). Các quyền tái bản hoặc phân phối theo quy định của Điều này không áp dụng đối với tác phẩm âm nhạc, tác phẩm về nghệ thuật, mỹ thuật, điêu khắc, hoặc tác phẩm điện ảnh hoặc nghe nhìn khác mà không phải là các tác phẩm nghe nhìn được sử dụng trong việc đưa tin, ngoại trừ những điều đó không một hạn chế nào sẽ được áp dụng đối với các quyền được quy định tại Khoản (b) và (c), hoặc đối với các tác phẩm về nghệ thuật, mỹ thuật, điêu khắc như đã được minh hoạ, biểu đồ hoá hoặc bổ sung tương tự khác đối với tác phẩm mà các bản sao của nó đã được tái bản, phân phối theo quy định của Khoản (d) và (e).

Điều 109: Hạn chế đối với các quyền độc quyền: ảnh hưởng của việc chuyển nhượng các bản sao và bản ghi cụ thể

(a). Không trái với các quy định tại Điều 106 (a), người chủ sở hữu đối với các bản sao hoặc bản ghi cụ thể hợp pháp theo quy định của Điều luật này hoặc bất kỳ một người được uỷ quyền nào khác từ người chủ sở hữu đó không cần sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả trong việc bán hoặc định đoạt khác quyền sử dụng đối với bản sao hoặc bản ghi đó. Không trái với các quy định tại câu trên, bản sao hoặc bản ghi của các tác phẩm thuộc đối tượng quyền tác giả phục hồi theo Điều 104A mà đã được sản xuất trước ngày phục hồi quyền tác giả hoặc liên quan đến các bên uỷ thác, trước khi công bố hoặc gửi thông báo theo Điều 104A (e), có thể được bán hoặc định đoạt khác mà không có sự cho phép của chủ sở hữu của quyền tác giả phục hồi nhằm mục đích trực tiếp hoặc gián tiếp thu lợi nhuận chỉ trong thời hạn 12 tháng bắt đầu vào:

(1). Ngày công bố tại Cơ quan đăng ký Liên bang thông báo về ý định này được nộp tại Cục Bản quyền tác giả theo Điều 104A (d)(2)(A), hoặc

(2). Ngày nhận được thực tế thông báo được gửi theo Điều 104A(d)(2)(B), tuỳ thuộc vào thời điểm nào xảy ra trước.

(b).

(1).

(A). Không trái với các quy định của Khoản (a), trừ phi được sự cho phép của người chủ sở hữu quyền tác giả đối với bản ghi âm hoặc người chủ sở hữu quyền tác giả đối với chương trình máy tính (bao hàm bất kỳ băng đĩa hoặc các dạng vật chất khác chứa đựng chương trình), và đối với các bản ghi âm mà trong đó tác phẩm âm nhạc được thể hiện, không một ai là chủ sở hữu của bản ghi âm cụ thể đó cũng như bất kỳ một người chiếm hữu bản sao của chương trình máy tính (bao hàm bất kỳ băng, đĩa hoặc các dạng vật chất khác chứa đựng chương trình) có thể, cho mục đích lợi nhuận thương mại trực tiếp hoặc gián tiếp, định đoạt hoặc cho phép định đoạt đối với quyền sử dụng của các bản ghi hoặc chương trình máy tính đó (bao hàm bất kỳ băng, đĩa hoặc các dạng vật chất khác chứa đựng chương trình) thông qua việc cho thuê, cho mướn hoặc cho mượn hoặc thông qua các hành vi hoặc hoạt động khác có bản chất thuê, mướn, mượn. Không một điểm nào trong quy định trên sẽ được áp dụng đối với việc cho thuê, cho mướn, cho mượn vào mục đích phi thương mại hoặc cho các tổ chức giáo dục thư viện phi lợi nhuận. Chuyển giao quyền sử dụng một bản sao chương trình máy tính được tạo ra hợp pháp bởi tổ chức giáo dục phi lợi nhuận cho các khoá, các giảng viên và học sinh, sinh viên không cấu thành việc cho thuê, cho mướn, cho mượn cho mục đích thương mại trực tiếp hoặc gián tiếp theo quy định của Khoản này.

(B). Điều khoản này không áp dụng đối với:

(i). Chương trình máy tính được thể hiện trong một máy móc hoặc một sản phẩm và chương trình này không thể sao chép được trong khi hoạt động thông thường hoặc sử dụng máy móc hoặc sản phẩm đó;

(ii). Chương trình máy tính được thể hiện trong hoặc được sử dụng liên quan đến một chức năng xử lý vi tính hữu hạn mà được thiết kế cho mục đích chạy chương trình video trò chơi và có thể được thiết kế cho các mục đích khác.

(C). Không một quy định nào của Khoản này ảnh hưởng đến các quy định tại Chương IX của Điều luật này.

(2)

(A). Không một quy định nào của Khoản này được áp dụng đối với việc cho thuê chương trình máy tính cho mục đích phi thương mại bởi thư viện phi lợi nhuận, nếu từng bản sao của chương trình máy tính được cho thuê bởi thư viện đó đã được đóng dấu trên vỏ chương trình khuyến cáo bản quyền phù hợp với các yêu cầu mà cơ quan đăng ký bản quyền quy định trong bản quy chế.

(B). Trong vòng 3 năm kể từ ngày ban hành Luật sửa đổi về cho thuê phần mềm máy tính năm 1990, và vào các thời điểm khác sau đó mà cơ quan đăng ký xét thấy thích hợp, cơ quan đăng ký sau khi tham khảo ý kiến của các đại diện chủ sở hữu quyền tác giả và đại diện thư viện sẽ đệ trình lên Quốc hội bản báo cáo về những gì đạt được trong việc thực thi mục đích duy trì sự toàn vẹn của hệ thống quyền tác giả trong khi vẫn tạo điều kiện cho các tổ chức thư viện phi lợi nhuận khả năng hoàn thành chức năng nhiệm vụ của họ. Những bản báo cáo này sẽ tư vấn cho Quốc hội các thông tin và các khuyến nghị mà cơ quan đăng ký xét thấy cần thiết để thực hiện mục đích của Điều khoản này.

(3). Không một điều nào trong Điều khoản này ảnh hưởng tới các quy định của Luật chống độc quyền. Trong phạm vi của Điểm trên, “Luật chống độc quyền” có nghĩa như được quy định về thuật ngữ này tại Điều thứ nhất của Luật Clayton và bao hàm trong Điều 5 của Luật về Uỷ ban thương mại Liên bang tới các Điều khoản liên quan tới các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh.

(4). Bất kỳ người nào phân phối bản ghi hoặc bản sao chương trình máy tính (bao hàm bất kỳ băng, đĩa hoặc các dạng vật chất khác chứa đựng chương trình) trái với Điểm (1) là những người vi phạm quyền tác giả theo Điều 501 của Điều luật này và thuộc đối tượng của các biện pháp thực thi nêu tại Điều 502, 503, 504, 505 và 509. Các vi phạm đó không phải là các tội phạm hình sự theo Điều 506 hoặc đưa người này vào đối tượng của các hình phạt hình sự nêu tại Điều 2319 của Điều luật số 18.

(c). Không trái với các quy định của Điều 106 (5), chủ sở hữu của các bản sao được tạo ra hợp pháp theo Điều luật này, hoặc bất kỳ người nào được uỷ quyền của những người đó, không cần sự cho phép của người chủ sở hữu quyền tác giả, được quyền trưng bày bản sao đó công khai, hoặc là trực tiếp hoặc là thông qua chiếu hình nhiều hơn một hình ảnh một lúc lên các màn hình đặt tại nơi mà để bản sao.

(d). Trừ phi được phép của người chủ sở hữu quyền tác giả, đặc quyền quy định tại Khoản (a) và (c) không mở rộng đối với bất kỳ người nào có được quyền sử dụng đối với bản sao hoặc bản ghi từ người chủ sở hữu đó thông qua thuê, mướn, mượn hoặc các hình thức khác mà không có quyền sở hữu đối với chúng.

(e). Không trái với các quy định của Điều 106 (4) và 106 (5), đối với các trò chơi nghe nhìn điện tử nhằm mục đích sử dụng trong các thiết bị hoạt động bằng xu, người chủ sở hữu bản sao trò chơi đó được tạo ra hợp pháp theo Điều luật này, không cần sự cho phép của người chủ sở hữu quyền tác giả đối với trò chơi đó, được quyền trình diễn hoặc trình bày công cộng trò chơi đó trong các thiết bị hoạt động bằng xu. Ngoại lệ tại Điều khoản này sẽ không áp dụng đối với bất kỳ tác phẩm của tác giả nào thể hiện trong trò chơi nghe nhìn đó nếu người chủ sở hữu quyền tác giả của trò chơi nghe nhìn điện tử đó không đồng thời là người chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm của tác giả này.

Điều 110: Hạn chế các quyền độc quyền: một số ngoại lệ đối với quyền trình diễn hoặc trình bầy

Không trái với các quy định của Điều 106, các hành vi sau đây không phải là các hành vi vi phạm quyền tác giả:

(1). Trình diễn hoặc trình bày tác phẩm bởi các giảng viên và học sinh trong các khoá học có các hoạt động giảng dạy trực tiếp tại các tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, tại các lớp học hoặc các nơi tương tự dành cho giảng dạy, trừ phi, đối với tác phẩm điện ảnh hoặc các tác phẩm nghe nhìn khác, việc trình diễn hoặc trưng bày các hình ảnh đơn lẻ, được đưa ra thông qua một bản sao không được tạo ra hợp pháp theo Điều luật này, và người có trách nhiệm đối với việc trình diễn đó biết hoặc có lý do để tin là bản sao đó đã không được tạo ra hợp pháp.

(2). Trình diễn một tác phẩm văn học phi sân khấu hoặc tác phẩm âm nhạc hoặc trình bày một tác phẩm, thông qua hoặc trong một buổi truyền thông, nếu:

(A). Trình diễn hoặc trưng bày là một bộ phận thông thường của hệ thống các hoạt động giảng dạy của cơ quan của Chính phủ hoặc tổ chức giáo dục phi lợi nhuận; và

(B). Trình diễn hoặc trưng bày là trực tiếp có liên quan và trợ giúp thực chất đối với nội dung giảng dạy của buổi truyền thông; và

(C). Buổi truyền thông được thực hiện ưu tiên cho:

(i). Việc thu tại lớp học hoặc nơi tương tự mà thông thường được dành cho việc giảng dạy, hoặc

(ii). Việc thu bởi một người mà đối với người này buổi truyền thông là trực tiếp do người này không có khả năng hoặc trong một hoàn cảnh đặc biệt khác cản trở người này tham dự lớp học hoặc nơi tương tự thông thường là dành cho việc giảng dạy, hoặc

(iii).Việc thu bởi một nhân viên hoặc một công chức nhà nước của một cơ quan của Chính phủ như là một phần trong chức năng nhiệm vụ của họ.

(3). Trình diễn tác phẩm văn học phi sân khấu hoặc tác phẩm âm nhạc hoặc tác phẩm âm nhạc sân khấu có nội dung tín ngưỡng hoặc trình bày tác phẩm tại buổi làm lễ tại nơi thờ cúng hoặc tại các hội tín ngưỡng khác;

(4). Trình diễn tác phẩm văn học phi sân khấu hoặc tác phẩm âm nhạc khác hơn là trong một buổi truyền thông tới công chúng, không có bất kỳ một mục đích lợi nhuận thương mại trực tiếp hoặc gián tiếp nào và không có bất kỳ một sự thanh toán nào các khoản lệ phí hoặc sự bù đắp nào khác cho buổi trình diễn đối với bất kỳ một người trình diễn, người tổ chức của buổi biểu diễn đó, nếu:

(A). Không có bất kỳ một khoản phí vào cửa một cách trực tiếp hoặc gián tiếp nào;

(B). Doanh thu, sau khi trừ đi các chi phí hợp lý sản xuất buổi trình diễn được sử dụng hoàn toàn cho mục đích giáo dục, tín ngưỡng, hoặc các mục đích từ thiện khác và không phải nhằm thu tài chính cá nhân, ngoại trừ trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả đã đưa ra thông báo phản đối trình diễn theo các điều kiện sau:

(i). Thông báo này được viết bằng văn bản và được ký bởi chủ sở hữu quyền tác giả hoặc đại diện được uỷ nhiệm toàn quyền của chủ sở hữu quyền tác giả; và

(ii). Thông báo phải được đưa ra trên cơ sở trách nhiệm cá nhân đối với việc trình diễn ít nhất 7 ngày trước ngày trình diễn, và phải nói rõ lý do phản đối; và

(iii). Thông báo phải tuân thủ hình thức, nội dung và cách đưa ra thông báo theo yêu cầu của cơ quan đăng ký bản quyền được quy định trong quy chế;

(5). Cung cấp truyền sóng bao hàm trình diễn hoặc trình bày tác phẩm thông qua việc tiếp nhận công cộng truyền sóng đó trên một thiết bị thu thuộc loại thông thường được sử dụng trong các gia đình, trừ phi:

(A). Một khoản lệ phí trực tiếp đánh vào việc nhìn hoặc nghe buổi truyền, hoặc

(B). Buổi phát như vậy được thu và được truyền tiếp tới công chúng;

(6). Trình diễn một tác phẩm âm nhạc phi sân khấu bởi các cơ quan của Chính phủ hoặc tổ chức làm vườn hoặc nông nghiệp phi lợi nhuận trong các cuộc hội chợ hoặc triển lãm hàng năm được tổ chức bởi cơ quan hoặc tổ chức đó; ngoại lệ quy định tại Điều khoản này sẽ được mở rộng tới bất kỳ một nghĩa vụ nào đối với vi phạm quyền tác giả mà theo một cách nào khác xác định đối với cơ quan, tổ chức đó, theo trách nhiệm liên đới hoặc vi phạm liên đới, đối với buổi trình diễn bởi một người được nhượng độc quyền hoặc người tổ chức kinh doanh hoặc những người khác tại các hội chợ, triển lãm đó, nhưng không miễn trừ bất kỳ người nào kể trên khỏi nghĩa vụ đối với buổi trình diễn đó;

(7). Trình diễn tác phẩm âm nhạc phi sân khấu thông qua việc thành lập một nơi bán lẻ công khai đối với công chúng trên quy mô lớn không thu bất kỳ lệ phí vào cửa trực tiếp hoặc gián tiếp nào, tại nơi đó mục đích bán hàng của buổi trình diễn là để bán lẻ các bản sao và bản ghi của tác phẩm, và buổi trình diễn này không được truyền ra ngoài từ nơi mà cơ sở bán lẻ này được đặt và chỉ trong phạm vi chính nơi mà việc bán hàng được thực hiện;

(8). Trình diễn tác phẩm văn học phi sân khấu thông qua hoặc trong quá trình phát sóng được thiết kế đặc biệt và ưu tiên trực tiếp cho người mù hoặc những người tàn tật khác mà không thể đọc các tư liệu in một cách thông thường do nguyên nhân tàn tật của họ, hoặc những người điếc hoặc những người tàn tật khác mà không thể nghe các tín hiệu âm thanh kèm theo các tín hiệu hình ảnh trong một buổi truyền sóng, nếu việc trình diễn này được thực hiện không có bất kỳ một mục đích trực tiếp hoặc gián tiếp lợi nhuận thương mại nào và buổi truyền sóng của nó được thực hiện thông qua các phương tiện của:

(i). Cơ quan của Chính phủ;

(ii).Trạm truyền sóng giáo dục phi thương mại (như định nghĩa tại Điều 397 Điều luật số 47);

(iii).Trạm phát thanh trung chuyển được uỷ quyền (như định nghĩa tại 47 CFR 73.593-73.595);

(iv).Hệ thống cáp (như định nghĩa tại Điều 111(f).

(9). Trình diễn một buổi duy nhất tác phẩm văn học sân khấu đã được công bố ít nhất 10 năm trước ngày trình diễn, thông qua hoặc trong quá trình truyền sóng được thiết kế đặc biệt cho và ưu tiên trực tiếp đối với những người mù hoặc những người tàn tật khác mà không thể đọc các tài liệu in ấn thông thường do nguyên nhân tàn tật của họ, nếu việc trình diễn này được thực hiện không có bất kỳ một mục đích lợi nhuận thương mại trực tiếp hoặc gián tiếp nào và buổi truyền sóng của nó được thực hiện thông qua các phương tiện của trạm trung chuyển được phép nêu tại Khoản 8 (iii), với điều kiện là các quy định của Điều khoản này sẽ không thể áp dụng nhiều hơn một buổi trình diễn của cùng một tác phẩm bởi cùng những người biểu diễn hoặc theo sự bảo trợ của cùng một tổ chức.

(10).Không trái với Điểm (4) trên các hành vi sau đây không phải là vi phạm quyền tác giả: trình diễn tác phẩm văn học phi sân khấu hoặc tác phẩm âm nhạc trong tiến trình thực hiện các chức năng xã hội được tổ chức và được ủng hộ bởi tổ chức của những người kỳ cựu phi lợi nhuận hoặc tổ chức của những hội viên kín phi lợi nhuận mà đối với các tổ chức này công chúng thông thường không được mời dự, nhưng không bao gồm những người được mời của tổ chức, nếu doanh thu từ việc trình diễn này sau khi trừ đi chi phí sản xuất hợp lý buổi trình diễn được sử dụng hoàn toàn cho mục đích từ thiện và không nhằm đặt được các mục đích tài chính. Trong phạm vi của Điều này chức năng xã hội của bất kỳ một hội nam sinh hoặc nữ sinh trường cao đẳng hoặc đại học nào sẽ không được coi là chức năng xã hội theo quy định của Điều này trừ phi chức năng xã hội của các hội này được tổ chức chủ yếu nhằm mục đích tăng quỹ cho các mục đích từ thiện cụ thể.

Điều 111: Hạn chế đối với các quyền độc quyền: truyền sóng thứ cấp

(a). Ngoại lệ đối với một số hoạt động truyền sóng thứ cấp: truyền sóng thứ cấp buổi truyền sóng lần đầu thể hiện buổi trình diễn hoặc trình bày tác phẩm không phải là vi phạm quyền tác giả nếu:

(1). Truyền sóng thứ cấp không được thực hiện qua hệ thống cáp và hoàn toàn bao gồm việc tiếp lại các tín hiệu đã được truyền bởi trạm truyền sóng được Uỷ ban truyền thông Liên bang cấp phép trong phạm vi khu vực phủ sóng địa phương của trạm truyền sóng đó tới nhà nghỉ tư nhân hoặc nơi đặt các cơ sở đó thông qua người quản lý khách sạn, nhà nghỉ hoặc những nơi tương tự, và không một khoản lệ phí trực tiếp nào được tính đối với việc nghe nhìn buổi truyền sóng thứ cấp; hoặc

(2). Truyền sóng thứ cấp được thực hiện chủ yếu trong phạm vi và theo các điều kiện được quy định tại Khoản (2) Điều 110; hoặc

(3). Truyền sóng thứ cấp được thực hiện bởi bất kỳ người truyền tin nào không kiểm soát được trực tiếp hoặc gián tiếp nội dung hoặc lựa chọn buổi truyền sóng lần đầu và kiểm soát tiếp thu chọn lọc buổi truyền sóng thứ cấp, và các hành vi của người này đối với buổi truyền sóng thứ cấp bao gồm chủ yếu cung cấp bằng dây thép hoặc dây cáp hoặc các kênh truyền thông khác cho việc sử dụng của người khác, với điều kiện là, các quy định của Điều khoản này chỉ mở rộng đối với các hành vi của người truyền tin nói trên đối với buổi truyền sóng thứ cấp và không miễn trừ nghĩa vụ của người khác về các hành vi đối với chính buổi truyền sóng lần đầu hoặc thứ cấp của họ;

(4). Truyền sóng thứ cấp được thực hiện thông qua thiết bị vệ tinh cho việc thu tại nhà của tư nhân phù hợp với quy định của giấy phép theo Điều 119; hoặc

(5). Truyền sóng thứ cấp không được thực hiện thông qua hệ thống cáp nhưng được thực hiện thông qua các cơ quan của Chính phủ hoặc các tổ chức phi lợi nhuận khác, không có bất kỳ một mục đích lợi nhuận thương mại trực tiếp hoặc gián tiếp nào và không tính bất kỳ một khoản tiền nào đối với việc thu buổi truyền sóng thứ cấp ngoài khoản thuê bao cần thiết để thanh toán cho các chi phí thực tế và hợp lý của việc bảo trì và hoạt động của dịch vụ truyền sóng thứ cấp.

(b). Truyền sóng thứ cấp của buổi truyền sóng lần đầu tới nhóm người được kiểm soát: không trái với các quy định tại Khoản (a) và (c), truyền sóng thứ cấp tới công chúng của buổi truyền sóng lần đầu thể hiện buổi trình diễn hoặc trình bày tác phẩm là có thể bị khởi kiện như là một hành vi vi phạm theo Điều 501, và hoàn toàn thuộc đối tượng của các biện pháp thực thi quy định tại Điều 502 tới 506, và Điều 509, nếu buổi truyền sóng lần đầu không được thực hiện cho công chúng tiếp thu đối với một số người cụ thể trong công chúng, tuy nhiên, với điều kiện là truyền sóng thứ cấp đó sẽ không có khả năng bị khởi kiện nếu:

(1). Buổi truyền sóng lần đầu được thực hiện bởi trạm truyền sóng được cấp phép bởi Uỷ ban truyền thông Liên bang; và

(2). Chuyển tải các tín hiệu hàm chứa buổi truyền sóng thứ cấp được yêu cầu theo luật, quy chế hoặc sự cho phép của Uỷ ban truyền thông Liên bang; và

(3). Tín hiệu của máy truyền sóng lần đầu không bị sửa đổi hoặc thay đổi bởi máy truyền sóng thứ cấp;

(c). Truyền thông thứ cấp thông qua hệ thống cáp:

(1). Tuỳ thuộc vào các quy định của Điểm (2), (3) và (4) của Điều khoản này, buổi truyền sóng thứ cấp tới công chúng thông qua hệ thống cáp buổi truyền sóng lần đầu được thực hiện bởi trạm phát sóng được cấp phép bởi Uỷ ban truyền thông Liên bang hoặc bởi cơ quan của Chính phủ có thẩm quyền của Canada hoặc Mexico và thể hiện sự trình diễn hoặc trình bày tác phẩm sẽ là đối tượng của giấy phép bắt buộc dựa trên việc tuân thủ các yêu cầu tại Khoản (d) đối với việc truyền tải các tín hiệu hàm chứa buổi truyền sóng thứ cấp là được phép theo Luật, quy định hoặc sự cho phép của Uỷ ban truyền thông Liên bang.

(2). Không trái với các quy định của Điểm (1) Điều khoản này, cố tình hoặc tái phát buổi truyền sóng thứ cấp tới công chúng thông qua hệ thống cáp của buổi truyền sóng lần đầu được thực hiện bởi trạm truyền sóng được cấp giấy phép bởi Uỷ ban truyền thông Liên bang hoặc cơ quan của Chính phủ có thẩm quyền của Canada hoặc Mexico và bao hàm sự trình diễn hoặc trình bày tác phẩm thì có thể bị khởi kiện như là hành vi vi phạm theo Điều 501, và hoàn toàn thuộc đối tượng của các biện pháp thực thi quy định tại Điều 502 tới 506 và 509 trong những trường hợp sau:

(A). Đối với việc chuyển tải các tín hiệu hàm chứa buổi truyền sóng thứ cấp là không được phép theo Luật, quy định hoặc sự cho phép của Uỷ ban truyền thông Liên bang; hoặc

(B). Đối với hệ thống cáp đã không nộp bản quyết toán tài chính và lệ phí bản quyền theo yêu cầu tại Khoản (d).

(3). Không trái với các quy định của Điểm (1) của Điều khoản này và tuỳ thuộc vào các quy định tại Khoản (e) của Điều này, buổi truyền sóng thứ cấp tới công chúng thông qua hệ thống cáp của buổi truyền sóng lần đầu được truyền từ trạm truyền sóng được phép bởi Uỷ ban truyền thông Liên bang hoặc bởi cơ quan Chính phủ có thẩm quyền của Canada hoặc Mexico thể hiện sự trình diễn hoặc trưng bày tác phẩm có thể khởi kiện như là một hành vi vi phạm theo Điều 501 và hoàn toàn thuộc đối tượng của các biện pháp thực thi quy định tại Điều 502 tới 506 và Điều 509 và 510 nếu nội dung cụ thể của chương trình trong đó sự trình diễn hoặc trình bày tác phẩm được thể hiện, hoặc bất kỳ một quảng cáo thương mại hoặc thông báo giao thông nào được truyền thông qua máy truyền sóng lần đầu trong khi hoặc ngay trước hoặc sau việc truyền chương trình đó, được sửa đổi bằng bất kỳ cách thức chủ tâm nào qua hệ thống cáp thông qua việc thay đổi, xoá, bổ sung, ngoại trừ việc sửa chữa, xoá hoặc thay thế các quảng cáo thương mại được trình diễn thông qua các chương trình đó thực hiện trên vô tuyến quảng cáo thương mại nghiên cứu thị trường: với điều kiện là công ty nghiên cứu thị trường này đã đạt được sự đồng ý trước của nhà quảng cáo, người đã mua quảng cáo thương mại gốc, trạm truyền hình phát quảng cáo thương mại đó, và hệ thống cáp truyền buổi truyền sóng thứ cấp: và với điều kiện nữa là những sửa chữa, xoá hoặc thay thế thương mại đó không được tiến hành cho mục đích thu lợi nhuận từ lần bán hàng thương mại đó.

(4). Không trái với các quy định tại Điểm (1) của Điều khoản này, truyền sóng thứ cấp tới công chúng thông qua hệ thống cáp buổi truyền sóng lần đầu được thực hiện bởi một trạm phát sóng được cấp phép bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Canada hoặc Mexico và buổi phát này chứa đựng buổi trình diễn hoặc trình bày của một tác phẩm có thể bị khởi kiện như một hành vi vi phạm theo Điều 501 và hoàn toàn thuộc đối tượng của các biện pháp chế tài quy định tại Điều 502 tới 506 và Điều 509, nếu:

(A). Đối với các tín hiệu từ Canada, Uỷ ban của hệ thống cáp được đặt tại một nơi trên 150 dặm tính từ biên giới của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Canada đồng thời cũng được đặt tại vĩ tuyến 42 vĩ độ Nam.

(B). Đối với các tín hiệu từ Mexico, buổi truyền sóng thứ cấp được truyền thông qua hệ thống cáp mà nhận được từ buổi truyền sóng lần đầu thông qua biện pháp khác hơn là biện pháp trực tiếp chặn sóng radio được phát tự do trong không gian bởi các trạm phát sóng đó, trừ phi trước ngày 15/4/1976, các hệ thống cáp đó đã thực sự tiến hành hoặc đã được cho phép cụ thể để tiến hành thì các tín hiệu từ các trạm phát nước ngoài đó tới các hệ thống này phải tuân theo quy định của Luật, Quy định hoặc sự cho phép của Uỷ ban truyền thông Liên bang.

(d), Giấy phép bắt buộc đối với buổi truyền sóng thứ cấp thông qua hệ thống truyền cáp

(1). Hệ thống truyền cáp có truyền sóng thứ cấp là đối tượng của chế độ giấy phép bắt buộc theo Khoản (c), trên cơ sở hai lần trong một năm sẽ nộp tới cơ quan đăng ký bản quyền phù hợp với yêu cầu mà cơ quan đăng ký này sẽ quy định trong quy chế:

(A). Bảng quyết toán tài chính, bao gồm cả thu nhập của sáu tháng tiếp theo, chỉ rõ số kênh mà qua đó hệ thống cáp này thực hiện buổi truyền sóng thứ cấp tới các đối tượng tiếp sóng thường kỳ, tên và địa điểm của tất cả các trạm truyền sóng lần đầu mà các buổi truyền sóng của các trạm này đã được truyền tiếp theo thông qua hệ thống cáp, tổng số các đối tượng tiếp sóng thường kỳ, tổng số các khoản tiền được thanh toán cho hệ thống cáp trên cơ sở cung cấp dịch vụ truyền sóng thứ cấp của các trạm phát sóng lần đầu, và các số liệu khác mà cơ quan đăng ký có thể qua các thời kỳ quy định trong quy chế. Trong việc xác định tổng số đối tượng tiếp sóng và tổng số các khoản được thanh toán cho hệ thống cáp trên cơ sở dịch vụ cung cấp truyền sóng thứ cấp của các trạm truyền sóng lần đầu, hệ thống này sẽ không bao hàm các đối tượng tiếp sóng thường kỳ và các khoản tiền thanh toán thu được từ các đối tượng tiếp sóng thường kỳ thu được buổi truyền sóng thứ cấp để xem tại gia đình theo quy định tại Điều 119. Bản quyết toán này cũng phải bao hàm các báo cáo tài chính về bất kỳ chương trình tivi ngoài hệ thống nào mà đã được truyền tải thông qua hệ thống cáp toàn bộ hoặc một phần tới khu vực dịch vụ địa phương của các trạm truyền sóng lần đầu theo Luật, quy định, hoặc sự cho phép của Uỷ ban truyền thông Liên bang về việc cho phép phụ hoặc thêm vào các tín hiệu trong các trường hợp cụ thể, cùng với dòng chữ chỉ ngày, giờ, trạm phát và bao hàm trong việc tiến hành phát phụ hoặc thêm đó; và

(B). Ngoại trừ trường hợp đối với một hệ thống cáp mà tiền nhuận bút được quy định tại Điểm (C) hoặc (D), tổng số tiền lệ phí nhuận bút trong một khoảng thời gian thể hiện trên bản quyết toán được tính trên cơ sở tỷ lệ phần trăm ấn định trên tổng số doanh thu từ các đối tượng tiếp sóng thường kỳ đối với các dịch vụ cáp trong khoảng thời gian đó trên cơ sở dịch vụ cung cấp truyền sóng thứ cấp của buổi truyền sóng lần đầu của các trạm phát, như sau:

(i). 0,675 của 1 phần trăm của tổng số doanh thu đối với đặc quyền truyền sóng phụ thêm bất kỳ chương trình ngoài hệ thống nào của trạm truyền sóng lần đầu trên toàn bộ hoặc một phần tới khu vực dịch vụ địa phương của các trạm truyền sóng lần đầu đó, khoản tiền này để được áp dụng đối với tiền lệ phí đó, nếu có, có thể được thanh toán tuân theo Điểm (ii) tới (iv);

(ii). 0,675 của 1 phần trăm tổng số doanh thu đối với khoảng cách tín hiệu phát sóng lần đầu tương ứng;

(iii). 0,425 của 1 phần trăm của tổng số doanh thu đối với các khoảng cách tín hiệu phát sóng thứ cấp, thứ ba, thứ tư tương ứng và các khoảng cách tín hiệu phát sóng thứ tự tiếp theo sau đó tương ứng; và

(iv). 0,2 của 1 phần trăm tổng số doanh thu đối với khoảng cách tín hiệu phát sóng lần thứ 5 tương ứng và các khoảng cách tín hiệu phát sóng thứ tự tiếp theo sau đó tương ứng; và trong tính toán các khoản phải thanh toán theo Điểm (ii) tới (iv) trên bất kỳ tỷ lệ đối với một khoảng cách tiếp sóng tương ứng sẽ tính toán trên giá trị tỷ lệ của nó và, đối với trường hợp các hệ thống cáp được đặt một phần trong và một phần ngoài khu vực dịch vụ địa phương của các trạm  phát sóng lần đầu, tổng số doanh thu sẽ bị hạn chế trong tổng số doanh thu được phát tới các đối tượng tiếp sóng thường kỳ được đặt ngoài khu vực dịch vụ địa phương của trạm phát sóng lần đầu; và

(C). Nếu tổng số doanh thu thực tế được thanh toán bởi các đối tượng tiếp sóng thường kỳ cho một hệ thống cáp trong khoảng thời gian cung cấp dịch vụ cơ bản buổi truyền sóng thứ cấp của các trạm phát sóng lần đầu tổng số tiền lên tới 80.000$ hoặc ít hơn, tổng số doanh thu của hệ thống cáp đó trong phạm vi của Điểm này sẽ được tính thông qua việc trừ đi một khoản thu từ tổng số doanh thu thực tế vượt quá 80.000$, miễn là không một trường hợp nào tổng số doanh thu được giảm ít hơn 3.000$. Khoản lệ phí nhuận bút phải thanh toán theo Điểm này sẽ là 0,5 của 1 phần trăm không phụ thuộc vào số khoảng cách các thiết bị tín hiệu, nếu có; và

(D). Nếu tổng số doanh thu thực tế được thanh toán bởi các đối tượng tiếp sóng thường kỳ cho một hệ thống cáp đối với khoảng thời gian cung cấp dịch vụ cơ bản buổi truyền sóng thứ cấp của các trạm phát sóng lần đầu tổng số tiền nhiều hơn 80.000$ nhưng ít hơn 160.000$ thì khoản lệ phí nhuận bút phải thanh toán theo Điểm này sẽ là (i) 0,5 của 1 phần trăm tổng số doanh thu tới 80.000$; và (ii) 1 phần trăm của tổng số doanh thu vượt quá 80.000$ nhưng dưới 160.000$, không phụ thuộc vào số khoảng cách của các thiết bị tín hiệu, nếu có.

(2). Cơ quan đăng ký bản quyền sẽ nhận tất cả các khoản lệ phí này được nộp theo quy định tại Điều khoản này và, sau khi trừ đi chi phí hợp lý mà cơ quan này thu theo Điều khoản này, sẽ nộp số tiền cân đối tới Cục dự trữ Liên bang theo cách mà thư ký của Cục này hướng dẫn. Tất cả các quỹ được thành lập bởi thư ký của Cục dữ trữ Liên bang sẽ được đầu tư vào chứng khoán có lãi của Chính phủ Mỹ để phân chia sau này với sự tham gia của Thư viện Quốc hội trong trường hợp không tồn tại bất đồng về sự phân chia đó hoặc với sự tham gia của Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả trong trường hợp bất đồng về sự phân chia đó tồn tại.

(3). Phù hợp với các thủ tục quy định tại Điểm (4), các khoản lệ phí bản quyền được nộp như trên sẽ được phân chia giữa những chủ sở hữu quyền tác giả sau khi những người này yêu cầu là các tác phẩm thuộc sở hữu của họ thuộc đối tượng phát sóng thứ cấp thông qua hệ thống cáp trong khoảng thời gian nửa năm tương ứng:

(A). Bất kỳ người chủ sở hữu nào mà các tác phẩm của người này đã được đưa toàn bộ hoặc một phần vào truyền sóng thứ cấp thực hiện thông qua hệ thống cáp của một chương trình tivi ngoài hệ thống tới khu vực dịch vụ địa phương của trạm phát sóng lần đầu; và

(B). Bất kỳ người chủ sở hữu nào mà các tác phẩm của người này được đưa vào truyền sóng thứ cấp được xác định trong một bản quyết toán tài chính cụ thể nộp theo quy định tại Điểm (1)(A); và

(C). Bất kỳ người chủ sở hữu nào mà các tác phẩm của người này được đưa một phần hay toàn bộ vào một chương trình ngoài hệ thống bao gồm hoàn toàn các tín hiệu âm thanh được truyền tải thông qua hệ thống cáp tới khu vực dịch vụ địa phương của trạm phát sóng lần đầu của chương trình đó.

(4). Các khoản tiền lệ phí bản quyền thu được như vậy sẽ được phân chia theo trình tự sau:

(A). Trong tháng 7 hàng năm, bất kỳ người nào yêu cầu được hưởng các khoản lệ phí giấy phép bắt buộc đối với truyền sóng thứ cấp sẽ nộp yêu cầu này tới Thư viện Quốc hội tuân theo các yêu cầu mà Thư viện Quốc hội quy định trong quy chế. Không trái với bất kỳ quy định nào của Luật Chống độc quyền, trong phạm vi của Điểm này, những người có yêu cầu trên có thể thoả thuận giữa họ với nhau về tỷ lệ phân chia thích hợp các khoản lệ phí giấy phép bắt buộc giữa họ, có thể gộp các yêu cầu của họ lại và nộp chung chúng hoặc theo từng yêu cầu riêng, hoặc có thể chỉ định người đại diện chung để nhận các khoản thanh toán thay mặt họ.

(B). Sau ngày mùng 1 tháng 8 hàng năm, Thư viện Quốc hội, theo sự khuyến nghị của cơ quan đăng ký bản quyền sẽ xác định xem liệu có tồn tại bất đồng về việc phân chia tiền lệ phí bản quyền đó hay không. Nếu Thư viện xác định là không tồn tại bất đồng như vậy, Thư viện, sau khi trừ đi các chi phí quản lý hợp lý của cơ quan theo Điều khoản này, sẽ phân chia khoản lệ phí đó tới các chủ sở hữu quyền tác giả được quyền hưởng các khoản lệ phí đó, hoặc tới người đại diện chỉ định của họ. Nếu Thư viện thấy là có bất đồng tồn tại, Thư viện sẽ, theo quy định của Chương 8 Điều luật này, thành lập Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả để xác định sự phận chia các khoản lệ phí nhuận bút đó.

(C). Trong khi đang giải quyết bất đồng theo Điều khoản này, Thư viện Quốc hội sẽ giữ lại không cho phân chia các khoản tiền thích đáng để giải đáp các khiếu nại liên quan đến bất đồng tồn tại, nhưng phải rất thận trọng phân chia các khoản tiền khác không liên quan tới bất đồng.

(e). Truyền sóng thứ cấp không đồng thời thông qua hệ thống cáp.

(1). Không trái với các quy định của Điểm (2) Khoản (f) về việc không đồng thời truyền sóng thứ cấp thông qua hệ thống cáp, bất kỳ một buổi truyền sóng như vậy có thể bị khởi kiện như là một hành vi vi phạm theo Điều 501, và hoàn toàn thuộc đối tượng của các biện pháp thực thi quy định tại Điều 502 tới 506 và Điều 509, 510, trừ phi:

(A). Chương trình trong một băng video được truyền không quá một lần tới các đối tượng tiếp sóng thường kỳ của hệ thống truyền cáp; và

(B). Chương trình, đoạn, băng video của một tác phẩm điện ảnh được bảo hộ, bao gồm các quảng cáo thương mại trong các chương trình, đoạn, băng video của một tác phẩm điện ảnh được truyền không bị xoá hoặc sửa chữa nào; và

(C). Chủ sở hữu hoặc nhân viên của hệ thống cáp: (i) ngăn cấm nhân bản băng video khi đang thuộc quyền chiếm hữu của hệ thống, (ii) ngăn cấm nhân bản không được phép khi đang thuộc sự kiểm soát của các phương tiện tạo các băng video này cho hệ thống truyền cáp nếu hệ thống này kiểm soát hoặc sở hữu các phương tiện đó hoặc thực hiện sự phòng ngừa để ngăn cản nhân bản nếu hệ thống không sở hữu hoặc kiểm soát phương tiện đó, (iii) thực hiện sự phòng ngừa thích hợp để ngăn cản nhân bản khi các băng đó đang được nhập khẩu, và (iv) tuỳ thuộc vào Điểm (2), xoá hoặc tiêu huỷ, hoặc thực hiện việc xoá hoặc tiêu huỷ các băng video đó; và

(D). Trong vòng 45 ngày sau khi kết thúc mỗi quý theo lịch, người chủ sở hữu hoặc nhân viên của một hệ thống cáp trình bày các bằng chứng xác thực (i) đối với từng bước và sự phòng ngừa đã thực hiện để ngăn cản nhân bản băng video, và (ii) tuỳ thuộc vào Điểm (2) xoá hoặc huỷ bỏ tất cả các băng video được tạo ra hoặc được sử dụng trong quý đó; và

(E). Người chủ sở hữu hoặc nhân viên thực hiện hoặc trình bầy các bằng chứng, và những bằng chứng nhận được theo Khoản (2)(C), để đưa vào trong hồ sơ, công khai cho công chúng kiểm tra, tại các trụ sở chính của hệ thống tại cộng đồng mà truyền sóng được thực hiện hoặc tại cộng đồng gần nhất nơi mà hệ thống duy trì trụ sở; và

(F). Truyền sóng không đồng thời là truyền sóng mà hệ thống cáp được phép truyền theo Luật, và quy định, sự cho phép của Uỷ ban truyền thông Liên bang có hiệu lực vào thời điểm truyền sóng không đồng thời nếu truyền sóng này đã được thực hiện đồng thời, ngoại trừ trường hợp sẽ không được áp dụng đối với các truyền sóng tình cờ hoặc ngẫu nhiên.

(2). Nếu hệ thống cáp chuyển giao cho bất kỳ người nào băng video chương trình đã được truyền sóng không đồng thời thông qua hệ thống đó thì sự chuyển giao như vậy có thể bị khởi kiện như là một hành vi vi phạm theo Điều 501, và hoàn toàn thuộc đối tượng của các biện pháp thực thi theo quy định tại Điều 502 tới 506 và 509, ngoại trừ, một băng video đã được chuyển giao thông qua hệ thống theo một văn bản viết, hợp đồng phi lợi nhuận quy định về việc chia sẻ chi phí hợp lý của băng video đó và chuyển giao chúng, phù hợp với Điểm (1), có thể được chuyển giao bởi một hệ thống cáp tại Alaska tới một hệ thống cáp khác tại Alaska, bởi một hệ thống cáp tại Hawaii được phép thực hiện các truyền sóng không đồng thời tới một hệ thống cáp khác tại Hawaii, hoặc bởi một hệ thống cáp tại Guam, phía bắc của đảo Mariana, hoặc Trust Teritorry của đảo Thái Bình Dương tới các hệ thống cáp khác trong phạm vi của bất kỳ ba địa điểm nào kể trên nếu:

(A). Từng bản hợp đồng đó phải được công khai cho công chúng kiểm tra tại các trụ sở của các hệ thống cáp thuộc diện trên, và bản sao của hợp đồng này được nộp trong vòng 30 ngày sau ngày hợp đồng được ký kết cho cơ quan đăng ký bản quyền (cơ quan mà sẽ thực hiện việc đưa hợp đồng công khai cho công chúng kiểm tra); và

(B). Hệ thống cáp mà băng video được chuyển giao tuân thủ quy định tại Điểm ((1)(A),(B),(C)(i),(iii) và (iv), và (D) tới (F); và

(C). Hệ thống này cung cấp bản sao bằng chứng được yêu cầu để thực hiện phù hợp với Điểm(1)(D) tới từng hệ thống cáp thực hiện trước truyền sóng không đồng thời của cùng một băng video.

(3). Điều khoản này sẽ không được diễn giải để huỷ bỏ các quy định bảo hộ độc quyền của bất kỳ một thoả thuận đang tồn tại nào, hoặc bất kỳ thoả thuận nào sau đó được ký kết giữa một hệ thống cáp và một trạm phát thanh truyền hình trong khu vực mà hệ thống cáp này được đặt, hoặc với một hệ thống mà với hệ thống này trạm phát đó có liên kết.

(4). Như được sử dụng trong Điều khoản này, thuật ngữ “băng video” và các hình thức khác của nó có nghĩa là sự tái bản các chương trình âm thanh và hình ảnh hoặc chương trình phát thanh truyền hình của một trạm phát thanh truyền hình được cấp phép bởi Uỷ ban truyền thông Liên bang không phân biệt bản chất của vật liệu sử dụng là băng, phim mà trên đó sự tái bản được thể hiện.

(f). Định nghĩa: như được sử dụng trong Điều này, các thuật ngữ sau đây và các hình thức khác của nó có nghĩa là:

Truyền sóng lần đầu” có nghĩa là việc truyền sóng được thực hiện tới công chúng thông qua các thiết bị mà các tín hiệu của nó được tiếp nhận và tiếp theo được truyền thông qua dịch vụ truyền sóng thứ cấp, không phân biệt nơi hoặc thời điểm mà buổi trình diễn hoặc trình bày được truyền sóng lần đầu.

Truyền sóng thứ cấp” là truyền sóng tiếp theo truyền sóng lần đầu mà không đồng thời với buổi truyền sóng lần đầu, hoặc không đồng thời với truyền sóng lần đầu nếu thông qua một hệ thống cáp không được đặt toàn bộ hoặc một phần trong phạm vi lãnh thổ của 48 Bang, Hawaii, Liên hiệp Puerto Rico: tuy nhiên, với điều kiện là truyền sóng tiếp theo không đồng thời thông qua hệ thống cáp đặt tại Hawaii của truyền sóng lần đầu được coi là truyền sóng thứ cấp nếu máy phát các tín hiệu phát thanh truyền hình bao gồm truyền sóng tiếp theo đó được phép theo Luật và quy định hoặc được phép của Uỷ ban truyền thông Liên bang.

Hệ thống cáp” là hệ thống các phương tiện được đặt tại bất kỳ Bang, vùng lãnh thổ, khu vực hành chính đặc biệt (Trust Teritorry), hoặc thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, tiếp nhận một phần hoặc toàn bộ các tín hiệu đã được truyền hoặc chương trình phát thanh truyền hình được phát đi từ một hoặc nhiều trạm phát thanh truyền hình được cấp phép bởi Uỷ ban truyền thông Liên bang, và thực hiện truyền sóng thứ cấp những tín hiệu hoặc chương trình đó thông qua dây cáp, dây thép hoặc các kênh truyền thông khác tới thành viên thuộc đối tượng tiếp sóng thường kỳ của công chúng là những người đã trả tiền cho các dịch vụ đó. Cho mục đích quyết định khoản lệ phí bản quyền theo Khoản (d)(1), hai hoặc nhiều hệ thống cáp lân cận cộng đồng của cùng một chủ sở hữu chung hoặc kiểm soát hoặc hoạt động theo chỉ đạo từ một trụ sở chính sẽ được coi là một hệ thống.

Khu vực dịch vụ địa phương của trạm phát sóng lần đầu” đối với một trạm phát sóng truyền hình, bao gồm khu vực mà trong khu vực này trạm phát đó được quyền lặt lại các tín hiệu của trạm đang được tái phát thông qua hệ thống cáp theo các quy định của Luật, quy định hoặc sự cho phép của Uỷ ban truyền thông Liên bang có hiệu lực vào ngày 15/4/1976, hoặc đối với một trạm phát sóng truyền hình được cấp phép bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Canada hoặc Mexico, là khu vực mà trong khu vực này, trạm được quyền lặp lại các tín hiệu đang được tái truyền nếu các tín hiện đó là của các trạm phát sóng truyền hình thuộc đối tượng của Luật, quy định và sự cho phép đó. Đối với các trạm phát sóng truyền hình có tầm phủ sóng thấp hơn,theo định nghĩa của luật và quy định của Uỷ ban truyền thông Liên Bang, “Khu vực dịch vụ địa phương của trạm phát sóng lần đầu” bao gồm khu vực trong phạm vi 35 dặm xung quanh nơi đặt trạm phát đó, ngoại trừ đối với các trạm đặt tại khu vực trung tâm thống kê tiêu chuẩn mà là một trong 50 nơi dân số rộng lớn nhất của tất cả các khu vực trung tâm thống kê tiêu chuẩn (trên cơ sở cuộc điều tra dân số 10 năm một lần năm 1980 của Uỷ ban thư ký thương mại), số dặm sẽ là 20 dặm. Đối với một trạm phát sóng truyền thanh (radio), “Khu vực dịch vụ địa phương của trạm phát sóng lần đầu” bao gồm khu vực dịch vụ ban đầu của trạm phát đó theo Luật và quy định của Uỷ ban truyền thông Liên bang.

Tín hiệu tương tự từ xa” là tần số truyền tải phát sóng thứ cấp một phần hay toàn bộ của bất kỳ một chương trình truyền hình ngoài hệ thống thực hiện thông qua hệ thống cáp ngoài khu vực dịch vụ của trạm phát sóng lần đầu của chương trình đó. Nó được tính toán để chuyển giao tần số của một trạm phát tới từng hệ thống trạm phát độc lập và một phần tư tần số các chương trình của trạm phát ngoài hệ thống đó tới từng trạm phát hệ thống và các trạm phát giáo dục phi thương mại theo Luật, quy định, và sự cho phép của Uỷ ban truyền thông Liên bang. Tuy nhiên, các tần số nói trên được truyền tới các trạm phát độc lập, các hệ thống và các trạm phát giáo dục phi thương mại thuộc đối tượng của các hạn chế và ngoại lệ sau. Đối với trường hợp Luật và các quy định của Uỷ ban truyền thông Liên bang yêu cầu một hệ thống cáp bỏ qua việc phát sóng chuyển tiếp một chương trình đặc biệt và Luật, quy định này cũng đồng thời cho phép sự thay thế một chương trình khác thể hiện sự trình diễn hoặc trình bày tác phẩm thay thế vào buổi truyền sóng bị bỏ qua, hoặc đối với trường hợp Luật và quy định có hiệu lực vào ngày ban hành Điều luật này cho phép một hệ thống cáp, tại cuộc bỏ phiếu về Điều luật này, tiến hành xoá bỏ và thay thế một chương trình không được thể hiện trực tiếp hoặc để thực hiện chương trình bổ sung không được truyền sóng thông qua các trạm phát lần đầu trong phạm vi khu vực dịch vụ địa phương của các trạm này mà hệ thống cáp được đặt, không một tần số về chương trình được thay thế và bổ sung nào được truyền tải; đối với trường hợp Luật và quy định hoặc sự cho phép của Uỷ ban truyền thông Liên bang có hiệu lực vào ngày ban hành Điều luật này cho phép một hệ thống cáp, vào ngày bỏ phiếu về Điều luật này, bỏ qua việc truyền sóng truyền tiếp của một chương trình đặc biệt và Luật, quy định hoặc sự cho phép đó cũng đồng thời cho phép sự thay thế một chương trình khác thể hiện buổi trình diễn hoặc trình bày một tác phẩm thay thế vào buổi truyền sóng bị bỏ qua, trong trường hợp là chương trình thể hiện trực tiếp, tần số chuyển giao chương trình thay thế hoặc bổ sung này sẽ là tần số của trạm phát tín hiệu từ xa tương đương được nhân với một phân số mà tử số là số ngày trong năm trạm phát này thực hiện phát sóng vào đêm khuya hoặc theo quy định về chương trình đặc biệt của Uỷ ban truyền thông Liên bang, hoặc đối với trạm phát thực hiện phát sóng trên cơ sở không trọn buổi trong trường hợp các phương tiện phát sóng trọn buổi không thể thực hiện được do hệ thống cáp này thiếu các kênh có khả năng hoạt động để tiếp sóng trên cơ sở trọn buổi tất cả các tín hiệu mà trạm này được phép thực hiện, các tần số tới các trạm phát độc lập, các hệ thống và các trạm phát giáo dục phi thương mại quy định ở trên, trong trường hợp có thể, sẽ được nhân với một phân số tương đương với tỷ lệ số giờ phát sóng của trạm này thực hiện thông qua hệ thống cáp trên tổng số phát sóng của trạm phát đó.

Trạm phát sóng hệ thống” là trạm phát thanh truyền hình mà chủ sở hữu, điều hành, hoặc liên kết với một hoặc nhiều trạm phát sóng hệ thống khác tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cung cấp phủ sóng quốc gia, và trạm này phát sóng một phần cơ bản của chương trình được cung cấp bởi hệ thống các trạm phát đối với phần cơ bản mà trạm phát này phát sóng trong ngày.

Trạm phát độc lập” là trạm phát thanh truyền hình thương mại không phải là một trạm phát hệ thống.

Trạm phát giáo dục phi thương mại” là trạm phát sóng truyền hình thực hiện phát sóng giáo dục phi thương mại như được định nghĩa tại Điều 397 Điều luật số 47.

Điều 112: Hạn chế các quyền độc quyền: các bản ghi thử

(a). Không trái với các quy định tại Điều 106, và ngoại trừ các tác phẩm điện ảnh hoặc các tác phẩm nghe nhìn khác, sẽ không phải là hành vi vi phạm quyền tác giả đối với một tổ chức phát sóng được quyền truyền sóng tới công chúng buổi trình diễn hoặc trình bày tác phẩm theo giấy phép hoặc chuyển nhượng quyền tác giả hoặc theo các hạn chế các quyền độc quyền đối với các bản ghi âm được quy định tại Điều 114(a), tiến hành sao chép không nhiều hơn một bản sao hoặc một bản ghi của một chương trình truyền sóng cụ thể thể hiện buổi trình diễn hoặc trình bày nếu:

(1). Bản sao hoặc bản ghi được lưu giữ và sử dụng chỉ cho tổ chức phát sóng tạo ra nó và không một bản sao hoặc bản ghi nào khác được sao chép từ chúng; và

(2). Bản sao hoặc bản ghi được sử dụng chỉ cho tổ chức phát sóng thực hiện truyền sóng trong phạm vi khu vực dịch vụ địa phương của trạm hoặc cho mục đích lưu trữ và bảo quản; và

(3). Trừ phi được sử dụng hoàn toàn cho mục đích lưu trữ, bản sao hoặc bản ghi phải được phá huỷ trong vòng sáu tháng kể từ ngày chương trình phát sóng được truyền lần đầu tới công chúng.

(b). Không trái với các quy định tại Điều 106, sẽ không phải là hành vi vi phạm quyền tác giả đối với các cơ quan của Chính phủ hoặc các tổ chức phi lợi nhuận khác được quyền truyền buổi trình diễn hoặc trình bày tác phẩm theo Điều 112(2) hoặc theo hạn chế các quyền độc quyền đối với bản ghi âm quy định tại Điều 114(a), tiến hành sao chép không nhiều hơn 30 bản sao hoặc bản ghi của chương trình phát sóng cụ thể thể hiện buổi trình diễn hoặc trình bày đó, nếu:

(1). Không một bản sao hoặc bản ghi nào khác được sao chép từ các bản sao hoặc bản ghi được tạo ra theo Điều khoản này; và

(2). Ngoại trừ một bản sao hoặc bản ghi được sử dụng hoàn toàn cho mục đích lưu trữ, các bản sao và bản ghi còn lại đều bị hủy bỏ trong vòng 7 năm kể từ ngày chương trình truyền sóng được truyền lần đầu tới công chúng.

(c). Không trái với các quy định tại Điều 106, sẽ không phải là hành vi vi phạm quyền tác giả đối với các cơ quan của Chính phủ hoặc các tổ chức phi lợi nhuận khác thực hiện việc phân phối không nhiều hơn một bản sao hoặc bản ghi của một chương trình phát sóng thể hiện buổi trình diễn một tác phẩm sân khấu phi kịch nghệ mang mầu sắc tín ngưỡng hoặc một bản ghi âm của một tác phẩm âm nhạc cho các tổ chức phát sóng quy định tại Điểm (2) của Khoản này nếu:

(1). Không có bất kỳ một khoản lệ phí trực tiếp hoặc gián tiếp nào được tính đối với việc thực hiện hoặc phân phối bản sao hoặc bản ghi đó; và

(2). Không một bản sao hoặc bản ghi nào được sử dụng cho bất kỳ một buổi trình diễn nào ngoài việc truyền sóng một lần tới công chúng thông qua tổ chức phát sóng được quyền truyền sóng tới công chúng buổi trình diễn tác phẩm theo giấy phép hoặc chuyển nhượng quyền tác giả; và

(3). Ngoại trừ một bản sao hoặc bản ghi có thể được lưu giữ hoàn toàn cho mục đích lưu trữ, các bản sao hoặc bản ghi còn lại toàn bộ đều bị phá hủy trong vòng một năm kể từ ngày chương trình truyền sóng được truyền lần đầu tới công chúng.

(d). Không trái với các quy định tại Điều 106, sẽ không bị coi là hành vi vi phạm quyền tác giả đối với các cơ quan của Chính phủ hoặc các tổ chức phi lợi nhuận khác được quyền truyền buổi trình diễn tác phẩm theo quy định tại Điều 110(8) thực hiện sao chép không nhiều hơn 10 bản sao hoặc bản ghi thể hiện buổi trình diễn đó, hoặc cho phép sử dụng bất kỳ bản sao hoặc bản ghi sao chép bởi bất kỳ cơ quan của Chính phủ hoặc tổ chức phi lợi nhuận được quyền truyền sóng buổi trình diễn tác phẩm theo Điều 110(8) nếu:

(1). Bất kỳ một bản sao hoặc bản ghi nào được bảo quản và sử dụng chỉ bởi tổ chức tạo ra nó, hoặc bởi cơ quan của Chính phủ hoặc tổ chức phi lợi nhuận được quyền truyền buổi trình diễn tác phẩm theo Điều 110(8), và không một bản sao hoặc bản ghi nào khác được sao chép từ chúng; và

(2). Bất kỳ bản sao hoặc bản ghi được sử dụng chỉ cho việc truyền sóng được phép theo Điều 110(8), hoặc cho mục đích lưu trữ hoặc bảo quản; và

(3). Cơ quan của Chính phủ hoặc tổ chức phi lợi nhuận cho phép sự sử dụng bất kỳ bản sao hoặc bản ghi nào được tạo ra bởi bất kỳ cơ quan hoặc tổ chức nào theo Điều khoản này không tính bất kỳ một khoản lệ phí nào đối với việc sử dụng đó.

(e). Chương trình phát sóng được thể hiện trên một bản sao hoặc bản ghi thực hiện theo Điều khoản này không phải thuộc đối tượng bảo hộ như là một tác phẩm phái sinh theo quy định tại Điều luật này ngoại trừ được sự đồng ý rõ ràng của người chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm đã có được thể hiện trong chương trình đó.

Điều 113: Phạm vi các quyền độc quyền đối với các tác phẩm về nghệ thuật, mỹ thuật, điêu khắc

(a). Tuỳ thuộc vào Khoản (b) và (c) của Điều khoản này, quyền độc quyền sao chép các bản sao tác phẩm về nghệ thuật, mỹ thuật, điêu khắc đã được bảo hộ theo Điều 106 bao hàm quyền sao chép tác phẩm trong hoặc trên bất kỳ dạng sản phẩm nào, không phụ thuộc vào việc có tính hữu ích hay không.

(b). Điều luật này không dành cho, đối với người chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm mà mô phỏng thực sản phẩm hữu dụng như nó vốn có, bất kỳ các quyền lớn hơn hoặc nhỏ hơn nào liên quan tới việc tạo ra, phân phối hoặc trưng bày sản phẩm hữu dụng như đã được mô phỏng thực hơn là những quyền dành cho các tác phẩm mô phỏng thực theo quy định của pháp luật hoặc là theo Điều luật số 17 hoặc là hệ thống pháp luật của bang có hiệu lực vào ngày 31/12/1977, như đã được áp dụng và diễn giải bởi toà án trong các vụ khởi kiện đưa ra theo Điều luật này.

(c). Trong trường hợp một tác phẩm được sao chép hợp pháp trên một sản phẩm hữu dụng đã được đưa ra chào bán hoặc phân phối khác tới công chúng thì quyền tác giả sẽ không bao hàm bất kỳ một quyền nào ngăn cản việc tạo ra, phân phối hoặc trình bày tranh hoặc ảnh của những sản phẩm hữu dụng đó liên quan tới quảng cáo hoặc bình luận gắn với việc phân phối hoặc trình bày các vật dụng đó, hoặc liên quan tới các tin tức.

(d)

(1). Trong trường hợp mà:

(A). Một tác phẩm nghệ thuật tạo hình được gắn trên hoặc tạo thành một bộ phận của một công trình xây dựng theo một cách thức mà việc tách tác phẩm đó khỏi công trình này sẽ gây ra sự phá hủy, sửa đổi, cắt xén hoặc thay đổi khác tác phẩm đó như được quy định tại Điều 106A(a)(3), và

(B). Tác giả tác phẩm đồng ý gắn tác phẩm vào công trình xây dựng đó hoặc là trước ngày có hiệu lực quy định tại Điều 610(a) của Luật về các quyền đối với tác phẩm nghệ thuật tạo hình năm 1990, hoặc là bằng văn bản viết được lập vào hoặc sau ngày có hiệu lực đó được ký bởi người chủ sở hữu của công trình xây dựng và tác giả chỉ rõ là việc gắn tác phẩm có thể phải chịu sự phá huỷ, sửa đổi, cắt xén hoặc thay đổi khác tác phẩm đó bởi lý do dỡ bỏ công trình, khi đó các quyền quy định tại Điều 106A(a)(2), (3) sẽ không được áp dụng.

(2). Nếu người chủ sở hữu công trình xây dựng muốn dỡ bỏ tác phẩm nghệ thuật tạo hình mà là một bộ phận của công trình và có thể dỡ bỏ được từ công trình mà không huỷ bỏ, sửa đổi, cắt xén hoặc thay đổi khác tác phẩm như được quy định tại Điều 106A(a)(3), các quyền của tác giả theo Điểm (2), (3) của Điều 106A(a) sẽ được áp dụng, trừ phi:

(A). Người chủ sở hữu đã rất cố gắng và thiện chí mà không thành công trong việc thông báo tới tác giả ý định hành động của mình ảnh hưởng tới tác phẩm nghệ thuật tạo hình của tác giả, hoặc

(B). Người chủ sở hữu công trình xây dựng đã gửi những thông báo đó bằng văn bản viết và tác giả đã được thông báo như vậy đã không trả lời trong vòng 90 ngày sau ngày nhận được những thông báo đó, người chủ sở hữu hoặc là tự dỡ bỏ tác phẩm hoặc là thuê dỡ bỏ tác phẩm đó.

Trong phạm vi của Đoạn (A), người chủ sở hữu sẽ được coi là đã rất cố gắng và thiện chí gửi thông báo nếu người chủ sở hữu này gửi những thông báo này thông qua địa chỉ đăng ký của tác giả tại địa chỉ hiện tại mới nhất được ghi tại cơ quan đăng ký bản quyền theo Điểm (3). Nếu tác phẩm được dỡ bỏ bằng chi phí của tác giả, quyền sao chép tác phẩm đó sẽ được coi là thuộc về tác giả.

(3). Cơ quan đăng ký bản quyền sẽ thiết lập một hệ thống đăng ký nhờ đó mà bất kỳ tác giả của tác phẩm nghệ thuật tạo hình nào đã được gắn hoặc tạo thành một phần của một công trình xây dựng có thể đăng ký tên và địa chỉ với cơ quan đăng ký bản quyền. Cơ quan này cũng quy định các cách thức để những tác giả đó có thể bổ sung thông tin đã đăng ký, và các cách thức này cho phép người chủ sở hữu công trình xây dựng có thể ghi nhận với cơ quan đăng ký bản quyền bằng chứng về nỗ lực của họ trong việc tuân thủ quy định tại Điều khoản này.

Điều 114: Phạm vi các quyền độc quyền đối với các bản ghi âm

(a). Các quyền độc quyền của các chủ sở hữu quyền tác giả đối với bản ghi âm được giới hạn trong phạm vi các quyền quy định tại Điểm (1), (2), (3) và (6) Điều 106 và không bao hàm bất kỳ quyền trình diễn nào theo Điều 106(4).

(b). Quyền độc quyền của các chủ sở hữu quyền tác giả đối với bản ghi âm theo Điều 106(1) được giới hạn trong phạm vi quyền nhân bản ghi âm dưới hình thức bản ghi, hoặc các bản sao mà trực tiếp hoặc gián tiếp ghi lại các âm thanh thực tế đã được ghi trên bản ghi âm đó. Quyền độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả đối với bản ghi âm theo Điểm (2) Điều 106 được giới hạn trong phạm vi quyền sáng tạo tác phẩm phái sinh mà trong đó các âm thanh thực tế đã được ghi trên bản ghi âm đó được sắp xếp lại, được đảo lại hoặc được thay đổi theo các hình thức khác về trình tự hoặc chất lượng. Các quyền độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả đối với bản ghi âm theo Điểm (1), (2) Điều 106 sẽ không mở rộng tới việc tạo hoặc nhân bản một bản ghi âm khác mà bao gồm hoàn toàn là các âm thanh khác được ghi một cách độc lập cho dù các âm thanh này mô phỏng hoặc tương tự như những âm thanh được ghi trên bản ghi âm được bảo hộ. Các quyền độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả đối với bản ghi âm theo Điểm (1), (2) và (3) Điều 106 không áp dụng đối với các bản ghi âm bao hàm trong buổi truyền hình giáo dục và chương trình radio (như định nghĩa tại Điều 397 Điều luật số 47) được phân phối hoặc được truyền bởi hoặc thông qua các tổ chức phát thanh truyền hình công cộng (như định nghĩa tại Điều 118(g) với điều kiện là các bản sao hoặc bản ghi về các chương trình đó không được phân phối mang tính thương mại bởi hoặc thông qua các tổ chức phát thanh truyền hình này tới đại đa số công chúng.

(c). Điều này không hạn chế hoặc phương hại đến quyền độc quyền trình diễn công cộng, thông qua phương tiện là các bản ghi của bất kỳ tác phẩm nào quy định tại Điều 106(4).

(d). Hạn chế quyền độc quyền: không trái với quy định của Điều 106(6):

(1). Ngoại trừ việc truyền và tái truyền: việc trình diễn bản ghi âm công cộng thông qua các phương tiện truyền kỹ thuật số, mà không phải là một bộ phận của dịch vụ tương hỗ, không vi phạm Điều 106(6) nếu trình diễn đó là một phần của:

(A)

(i). truyền không thu tiền đặt trước (mà không phải là tái truyền);

(ii). tái truyền không thu tiền đặt trước bắt đầu được thực hiện cho công chúng thu trực tiếp của truyền trước hoặc đồng thời một cách ngẫu nhiên không thực hiện cho công chúng thu trực tiếp; hoặc

(iii). truyền sóng không thu tiền đặt trước;

(B). Tái truyền của truyền sóng không thu tiền đặt trước với điều kiện là: đối với trường hợp tái truyền của truyền sóng của một trạm phát sóng radio:

(i). truyền sóng của trạm phát sóng radio không được cố ý hoặc chủ tâm tái truyền rộng hơn phạm vi bán kính 150 dặm từ vị trí của máy truyền sóng radio, tuy nhiên:

(I). 150 dặm giới hạn theo Đoạn này sẽ không áp dụng khi mà truyền sóng không thu tiền đặt trước của một trạm phát sóng radio được cấp phép bởi Uỷ ban truyền thông Liên bang được tái truyền trên cơ sở không thu tiền đặt trước thông qua một trạm phát sóng đặt tại mặt đất, máy chuyển tiếp đặt tại mặt đất hoặc máy trung chuyển đặt tại mặt đất được cấp phép bởi Uỷ ban truyền thông Liên bang; và

(II). đối với trường hợp tái truyền có thu tiền đặt trước của tái truyền sóng không thu tiền đặt trước quy định tại phụ Đoạn (I), phạm vi bán kính 150 dặm sẽ được tính từ vị trí đặt máy của máy tái truyền sóng đó;

(ii). tái truyền của truyền sóng của một trạm phát sóng radio mà:

(I). đạt được thông qua máy tái truyền từ không trung

(II). không được xử lý điện tử bởi máy tái truyền để truyền đi những tín hiệu tách biệt và độc lập; và

(III).được tái truyền chỉ trong cộng đồng địa phương được máy tái truyền phục vụ;

(iii). truyền sóng của trạm phát sóng radio đã đang được tái truyền tới các hệ thống cáp (như định nghĩa tại Điều 111(f) thông qua một tổ chức truyền hình qua vệ tinh vào ngày 1/1/1995, và tái truyền này đã đang được tái truyền thông qua các hệ thống cáp như tín hiệu tách biệt và độc lập, và hệ thống vệ tinh có được truyền sóng của trạm phát sóng radio dưới hình thức vật lý; với điều kiện là truyền sóng đang được tái truyền có thể bao hàm chương trình của không quá một trạm phát sóng radio; hoặc

(iv). truyền sóng của một trạm phát sóng radio được thực hiện thông qua một trạm phát sóng chương trình giáo dục phi thương mại được tài trợ vào hoặc sau ngày 1/1/1995, theo Điều 396(k) của Luật truyền thông năm 1934 (47 U.S.C. 396(k) chỉ bao hàm các chương trình sóng radio văn hoá giáo dục phi thương mại và tái truyền không phụ thuộc vào việc có đồng thời hay không là tái truyền sóng không thu tiền đặt trước từ mặt đất; hoặc

(C). Truyền trở thành một trong bất kỳ thể loại sau:

(i). truyền trước hoặc đồng thời một cách ngẫu nhiên so với truyền ngoại lệ như là nguồn cung cấp được thu thông qua và sau đó tái truyền bởi máy truyền ngoại lệ: với điều kiện là những truyền sóng ngẫu nhiên này không bao hàm bất kỳ truyền sóng có thu tiền đặt trước trực tiếp cho công chúng thu;

(ii). truyền trong phạm vi cơ sở kinh doanh, giới hạn trong phạm vi trụ sở hoặc ngay quanh vùng phụ cận của cơ sở;

(iii). tái truyền thông qua bất kỳ máy tái truyền nào, bao hàm đa kênh phân phối chương trình video như được định nghĩa tại Điều 602(12) của Luật truyền thông năm 1934 (47 U.S.C. 522(12)), của truyền sóng thông qua máy truyền được cấp phép để trình diễn công cộng bản ghi âm như một bộ phận của truyền đó nếu tái truyền này là đồng thời với truyền được cấp phép và được sự cho phép của người thực hiện truyền sóng đó; hoặc

(iv). truyền trong phạm vi cơ sở kinh doanh phục vụ cho việc sử dụng trong tiến trình làm việc thông thường của cơ sở: với điều kiện là nơi tiếp nhận phục vụ cho công việc này không tái truyền đó ra ngoài trụ sở hoặc ngay quanh vùng phụ cận của cơ sở, và truyền này không mở rộng đến việc trình diễn tổng hợp bản ghi âm. Không một điểm nào của Đoạn này sẽ giới hạn phạm vi của những ngoại lệ tại Đoạn (ii).

(2). Truyền có thu tiền đặt trước: trong trường hợp truyền có thu tiền đặt trước không được ngoại trừ theo Khoản (d)(1), trình diễn bản ghi âm công cộng thông qua những phương tiện truyền âm kỹ thuật số thuộc đối tượng giấy phép luật định, phù hợp với Khoản (f) của Điều này, nếu:

(A). Truyền này không phải là một bộ phận của dịch vụ tương hỗ;

(B). Truyền này không mở rộng đến việc trình diễn tổng hợp bản ghi âm;

(C). Tổ chức truyền không tạo ra để công bố thông qua các phương thức của lịch chương trình trước hoặc thông báo trước về tên của các bản ghi âm hoặc bản ghi cụ thể bao hàm những bản ghi âm này được truyền;

(D). Ngoại trừ trường hợp truyền trong cơ sở kinh doanh, tổ chức truyền không tự động và chủ tâm tạo ra bất kỳ thiết bị nào thu truyền này để chuyển từ kênh chương trình này sang kênh chương trình khác; và

(E). Ngoại trừ như được quy định tại Điều 102(e) của Điều luật này, truyền bản ghi âm kèm theo những thông tin được mã hoá trong bản ghi âm đó, nếu có, thông qua hoặc theo sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả của bản ghi âm đó, để xác định tiêu đề của bản ghi âm đó hình ảnh của nghệ sĩ, người biểu diễn trong bản ghi âm đó, và những thông tin có liên quan, bao hàm cả những thông tin về các nốt nhạc và lời nhạc.

(3). Giấy phép cho việc truyền thông qua dịch vụ tương hỗ:

(A). Không một dịch vụ tương hỗ nào sẽ được cấp giấy phép độc quyền theo Điều 106(6) cho việc trình diễn bản ghi âm công cộng thông qua các phương tiện truyền âm kỹ thuật số trong thời hạn vượt quá 12 tháng, ngoại trừ liên quan đến giấy phép độc quyền được cấp cho dịch vụ tương hỗ bởi người cấp phép nắm giữ quyền tác giả đối với 1000 bản ghi âm hoặc ít hơn, thời hạn của giấy phép này sẽ không được vượt quá 24 tháng: tuy nhiên, với điều kiện là người được cấp phép của giấy phép độc quyền này không đạt đủ tiêu chuẩn để nhận giấy phép độc quyền nào khác cho việc trình diễn bản ghi âm đó trong thời gian 13 tháng từ khi kết thúc giấy phép độc quyền trước đó.

(B). Hạn chế quy định tại Đoạn (A) của Điểm này sẽ không áp dụng nếu:

(i). Người cấp phép đã cấp và các giấy phép đó tiếp tục có hiệu lực theo Điều 106(6) đối với việc trình diễn công cộng các bản ghi âm thông qua các phương tiện truyền âm kỹ thuật số cho ít nhất 5 dịch vụ tương hỗ khác nhau; tuy nhiên, với điều kiện là trong mỗi giấy phép này phải thuộc sở hữu của người cấp phép ít nhất 10% quyền tác giả đối với những bản ghi âm mà đã được cấp phép cho dịch vụ tương hỗ, nhưng trong mọi trường hợp phải không dưới 50 bản ghi âm; hoặc

(ii). Giấy phép độc quyền được cấp cho trình diễn công cộng tới 45 giây của bản ghi âm và mục đích duy nhất của việc trình diễn là khuyến khích sự phân phối hoặc trình diễn của bản ghi âm đó.

(C). Không trái với việc cấp giấy phép độc quyền hoặc không độc quyền về quyền trình diễn công cộng theo Điều 106(6), một dịch vụ tương hỗ sẽ có thể không trình diễn công cộng bản ghi âm trừ phi giấy phép đã được cấp cho việc trình diễn công cộng của bất kỳ tác phẩm âm nhạc được bảo hộ nào trong bản ghi âm đó, với điều kiện là giấy phép về trình diễn công cộng tác phẩm âm nhạc được bảo hộ này có thể được cấp hoặc là bởi tổ chức Hiệp hội quyền trình diễn đại diện cho chủ sở hữu quyền hoặc là bởi chính chủ sở hữu quyền tác giả.

(D). Trình diễn bản ghi âm thông qua các phương tiện tái truyền âm kỹ thuật số không vi phạm Điều 106(6) nếu:

(i). Tái truyền này là truyền của dịch vụ tương hỗ được cấp phép trình diễn công cộng bản ghi âm tới những thành phần công chúng cụ thể như là một phần của truyền đó; và

(ii). Tái truyền này đồng thời với truyền được cấp phép đó được phép của tổ chức truyền đó; và giới hạn trong thành phần công chúng cụ thể có chủ ý của dịch vụ tương hỗ là bên thu truyền sóng.

(E). Trong phạm vi của Điều này:

(i). “Người cấp phép” sẽ bao hàm tổ chức cấp phép và bất kỳ tổ chức nào theo bất kỳ tài liệu chứng nhận quyền sở hữu, quản lý hoặc kiểm soát chung nào mà sở hữu quyền tác giả đối với các bản ghi âm; và

(ii). “Hiệp hội quyền trình diễn” là hiệp hội hoặc đoàn thể mà cấp phép trình diễn công cộng những tác phẩm âm nhạc phi sân khấu nhân danh chủ sở hữu quyền tác giả, như là Hiệp hội những nhà soạn nhạc, soạn lời và xuất bản âm nhạc Mỹ, Hiệp hội phát sóng âm nhạc, và Hiệp hội SESAC.

(4). Các quyền không bị hạn chế theo cách nào khác:

(A). Ngoại trừ như được quy định rõ ràng tại Điều này, Điều này sẽ không hạn chế hoặc ảnh hưởng tới quyền độc quyền trình diễn bản ghi âm công cộng thông qua các phương tiện truyền âm kỹ thuật số theo Điều 106(6).

(B). Không một quy đinh nào trong Điều này huỷ bỏ hoặc hạn chế theo bất kỳ cách thức nào:

(i). Quyền độc quyền trình diễn công cộng tác phẩm âm nhạc, kể cả thông qua phương tiện truyền âm kỹ thuật số, theo Điều 106(4);

(ii). Các quyền độc quyền đối với bản ghi âm hoặc tác phẩm âm nhạc thể hiện trong bản ghi âm đó theo Điều 106(1), 10692) và 10693); hoặc

(iii).Bất kỳ quyền nào khác theo bất kỳ Điểm nào của Điều 106, hoặc các biện pháp thực thi quy định theo Điều luật này, như những quyền và các biện pháp thực thi tồn tại trước hoặc sau ngày ban hành Luật về quyền trình diễn kỹ thuật số bản ghi âm năm 1995.

(C). Bất kỳ hạn chế nào tại Điều này về quyền độc quyền theo Điều 106(6) chỉ áp dụng đối với quyền độc quyền quy định tại Điều 106(6) và không áp dụng đối với bất kỳ quyền độc quyền nào khác theo Điều 106. Không một quy định nào trong Điều này sẽ được diễn giải tới việc hủy bỏ, hạn chế, tác động hoặc ảnh hưởng khác theo bất kỳ cách thức nào tới thẩm quyền của chủ sở hữu quyền tác giả đối với bản ghi âm trong việc thực thi các quyền theo Điều 106(1), 106(2) và 106(3), hoặc trong việc đạt được các biện pháp thực thi quy định tại Điều luật này theo các quyền đó, như những quyền và các biện pháp thực thi tồn tại hoặc là trước hoặc là sau ngày ban hành Luật về quyền trình diễn kỹ thuật số bản ghi âm năm 1995.

(e). Uỷ quyền thoả thuận:

(1). Không trái với bất kỳ quy định nào của Luật chống độc quyền, trong các giấy phép thoả thuận luật định theo Khoản (f), bất kỳ chủ sở hữu quyền tác giả bản ghi âm hoặc bất kỳ tổ chức nào trình diễn bản ghi âm chịu sự điều chỉnh của Điều này có thể thoả thuận và chấp thuận về các tỷ lệ nhuận bút và các điều khoản và điều kiện cấp giấy phép về việc trình diễn những bản ghi âm đó và tỷ lệ phân chia các khoản lệ phí được thanh toán giữa các chủ sở hữu quyền tác giả, và có thể chỉ định các đại diện chung trên cơ sở không độc quyền để thoả thuận, chấp thuận, thanh toán hoặc nhận thanh toán.

(2). Đối với các giấy phép được cấp theo Điều 106(6), không phải là các giấy phép luật định, như là về trình diễn thông qua dịch vụ tương hỗ hoặc trình diễn vượt quá sự trình diễn tổng hợp bản ghi âm:

(A). Các chủ sở hữu quyền tác giả của những bản ghi âm chịu sự điều chỉnh của Điều này có thể chỉ định những đại diện chung hoạt động trên danh nghĩa của họ để cấp các giấy phép, nhận và miễn thanh toán nhuận bút: với điều kiện là mỗi chủ sở hữu quyền tác giả sẽ lập ra tỷ lệ nhuận bút và tài liệu về các điều kiện và điều khoản đơn phương, mà là, không trong thoả thuận, sự kết hợp hoặc phối hợp với các chủ sở hữu quyền tác giả của những bản ghi âm khác; và

(B). Các tổ chức trình diễn những bản ghi âm chịu sự điều chỉnh của Điều này có thể chỉ định những đại diện chung hoạt động trên danh nghĩa của họ để xin các giấy phép thu và thanh toán các khoản lệ phí nhuận bút: với điều kiện là mỗi tổ chức trình diễn các bản ghi âm sẽ quyết định các tỷ lệ nhuận bút và tài liệu về các điều khoản và điều kiện đơn phương, mà là, không trong thoả thuận, sự kết hợp hoặc phối hợp với các tổ chức trình diễn bản ghi âm khác.

(f). Các giấy phép đối với truyền có thu tiền đặt trước không ngoại lệ:

(1). Trong vòng 30 ngày sau khi ban hành Luật về quyền trình diễn kỹ thuật số bản ghi âm năm 1995, Thư viện Quốc hội sẽ soạn thông báo để công bố tại Cơ quan đăng ký Liên bang về sự bắt đầu của các thủ tục thoả thuận tự nguyện để xác định các điều khoản và tỷ lệ thanh toán nhuận bút hợp lý đối với các hoạt động quy định tại Khoản (d)(2) của Điều này trong khoảng thời gian bắt đầu từ ngày có hiệu lực của Luật này kết thúc vào ngày 31/12/2000. Những điều khoản và tỷ lệ này sẽ phân biệt giữa các loại dịch vụ truyền âm kỹ thuật số khác nhau trong khi hoạt động. Bất kỳ những chủ sở hữu quyền tác giả của bản ghi âm nào hoặc bất kỳ tổ chức trình diễn bản ghi âm nào chịu sự điều chỉnh của Điều này có thể đệ trình lên Thư viện Quốc hội các giấy phép bao hàm các hoạt động này liên quan tới những bản ghi âm đó. Các bên đối với từng tiến trình thoả thuận sẽ tự mình chịu các chi phí.

(2). Trong trường hợp không có thoả thuận cấp phép được thương lượng theo Điểm (1), trong vòng thời hạn 60 ngày bắt đầu 6 tháng sau khi công bố thông báo quy định tại Điểm (1), và vào lúc nộp đơn theo Điều 803(a)(1), Thư viện Quốc hội, theo quy định của Chương 8, sẽ nhóm họp Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả để xác định và công bố tại Cơ quan đăng ký Liên bang khung tỷ lệ và điều khoản mà, tuỳ thuộc vào Điểm (3), sẽ ràng buộc tất cả các chủ sở hữu quyền tác giả của bản ghi âm và các tổ chức trình diễn bản ghi âm. Cùng với mục đích quy định tại Điều 801(b)(1) trong việc lập ra các tỷ lệ và điều khoản, Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả có thể xem xét các các điều khoản và tỷ lệ trên cơ sở so sánh từng loại dịch vụ truyền âm kỹ thuật số khác nhau và các trường hợp khác nhau theo thoả thuận cấp phép tự nguyện được thương lượng như quy định tại Điểm (1). Thư viện Quốc hội cũng sẽ lập ra các yêu cầu mà thông qua đó những chủ sở hữu quyền tác giả có thể nhận được các thông báo về sử dụng các bản ghi âm của họ một cách hợp lý theo Điều này, và theo đó các báo cáo về việc sử dụng này sẽ được giữ và cung cấp bởi tổ chức trình diễn bản ghi âm.

(3). Các thoả thuận cấp phép tự nguyện được thương lượng vào bất kỳ thời điểm nào giữa một hoặc nhiều chủ sở hữu quyền tác giả của bản ghi âm và một hoặc nhiều tổ chức trình diễn bản ghi âm sẽ có hiệu lực thay cho bất kỳ quyết định nào của Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả hoặc quyết định của Thư viện Quốc hội.

(4).

(A). Công bố thông báo về việc bắt đầu các thủ tục thoả thuận cấp phép tự nguyện quy định tại Điểm (1) sẽ được lặp lại, phù hợp với quy chế mà Thư viện Quốc hội sẽ quy định:

(i). Không chậm hơn 30 ngày sau khi đơn được nộp bởi bất kỳ chủ sở hữu quyền tác giả bản ghi âm nào hoặc bởi bất kỳ tổ chức trình diễn bản ghi âm nào chịu sự điều chỉnh của Điều này chỉ rõ là loại dịch vụ truyền âm kỹ thuật số mà theo đó bản ghi âm được trình diễn hoặc sẽ trở thành hiện thực; và

(ii). Trong tuần thứ nhất của tháng 1 năm 2000 và vào các khoảng thời gian 5 năm tiếp theo sau đó.

(B)

(i). Thủ tục quy định tại Khoản (2) sẽ được lặp lại theo quy chế mà Thư viện Quốc hội sẽ quy định, vào lúc nộp đơn theo Điều 801(a)(1) trong thời hạn 60 ngày bắt đầu từ:

(I). 6 tháng sau khi công bố thông báo về việc bắt đầu các thủ tục thoả thuận tự nguyện tại Điểm (1) theo đơn quy định tại Điểm (4)(a)(i); hoặc

(II). Vào 1/7/2000 và vào các khoảng thời gian 5 năm tiếp theo sau đó.

(ii). Các thủ tục quy định tại Điểm (2) sẽ được tiến hành phù hợp với Điều 802.

(5)

(A). Bất kỳ người nào mong muốn trình diễn bản ghi âm công cộng thông qua các phương thức truyền âm có thu tiền đặt trước không thuộc ngoại lệ theo Khoản này có thể thực hiện theo quy định đó mà không vi phạm quyền độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả của bản ghi âm:

(i). Thông qua việc tuân thủ các yêu cầu của thông báo như Thư viện Quốc hội sẽ quy định trong quy chế và thông qua việc thanh toán các khoản lệ phí nhuận bút theo Khoản này; hoặc

(ii). Nếu các khoản lệ phí nhuận bút không được quy định, thông qua việc chấp thuận thanh toán các khoản lệ phí nhuận bút sẽ được xác định theo Khoản này.

(B). Bất kỳ khoản thanh toán nhuận bút nào còn nợ sẽ được thanh toán vào hoặc trước ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng mà khoản lệ phí nhuận bút được tính.

(g). Thu nhập từ truyền sóng có thu tiền đặt trước:

(1). Ngoại trừ những trường hợp truyền sóng có thu tiền đặt trước được cấp phép phù hợp với Khoản (f) của Điều này:

(A). Nghệ sĩ chính biểu diễn trong bản ghi âm đã được cấp phép cho truyền sóng có thu tiền đặt trước sẽ được quyền nhận thanh toán từ chủ sở hữu quyền tác giả của bản ghi âm theo các điều khoản của hợp đồng với nghệ sĩ; và

(B). Nghệ sĩ phụ biểu diễn trong bản ghi âm đã được cấp phép cho truyền sóng có thu tiền đặt trước được quyền nhận thanh toán từ chủ sở hữu quyền tác giả của bản ghi âm theo các điều khoản của hợp đồng áp dụng đối với nghệ sĩ phụ hoặc các thoả thuận được áp dụng khác.

(2). Chủ sở hữu quyền độc quyền theo Điều 106(6) của Điều luật này về trình diễn công cộng bản ghi âm thông qua các phương tiện truyền âm kỹ thuật số sẽ phân chia doanh thu của mình theo cách thức sau cho các nghệ sĩ được ghi âm theo cấp phép truyền trình diễn bản ghi âm có thu tiền đặt trước theo luật phù hợp với Khoản (f) của Điều này:

(A). 2,5% của doanh thu này sẽ được gửi vào một tài khoản bảo đảm được quản lý bởi một bên quản lý độc lập được chỉ định chung của chủ sở hữu quyền tác giả ghi âm và Hiệp hội nhạc sĩ Mỹ (hoặc bất kỳ tổ chức kế thừa nào) để được phân chia cho những nhạc sĩ phụ (không phụ thuộc vào việc người này có phải là thành viên của Hiệp hội nhạc sĩ Mỹ hay không) trình diễn trong các bản ghi âm đó.

(B). 2,5% của doanh thu này sẽ được gửi vào một tài khoản bảo đảm được quản lý bởi một bên quản lý độc lập được chỉ định chung của chủ sở hữu quyền tác giả và Hiệp hội các nghệ sĩ biểu diễn trên sóng phát thanh truyền hình (hoặc bất kỳ tổ chức kế thừa nào) để được phân chia cho các ca sĩ hát phụ (không phụ thuộc vào việc người này có phải là thành viên của hiệp hội các nghệ sĩ biểu diễn hay không) đã trình diễn trong bản ghi âm đó.

(C). 45% doanh thu sẽ được phân chia, trên cơ sở mỗi bản ghi âm, cho nghệ sĩ hoặc những nghệ sĩ được ghi âm chính trong bản ghi âm đó (hoặc những người chuyển nhượng các quyền đối với trình diễn của các nghệ sĩ trong bản ghi âm đó).

(h). Cấp phép cho tổ chức liên kết:

(1). Nếu chủ sở hữu quyền tác giả của bản ghi âm cấp phép cho một tổ chức liên kết quyền trình diễn công cộng bản ghi âm thông qua phương tiện truyền âm kỹ thuật số theo Điều 106(6), chủ sở hữu quyền tác giả sẽ cung cấp bản ghi âm theo Điều 106(6) theo những điều khoản và điều kiện không kém ưu đãi hơn với tất cả các tổ chức có thiện ý mà cung cấp các dịch vụ tương tự, ngoại trừ, nếu có những khác biệt quan trọng trong phạm vi yêu cầu cấp phép liên quan tới loại hình dịch vụ, các bản ghi âm cụ thể được cấp phép, tần số sử dụng, số lượng đối tượng đặt tiếp sóng thường kỳ được phục vụ, hoặc thời hạn, thì chủ sở hữu quyền tác giả có thể lập ra các điều kiện và điều khoản khác nhau đối với từng dịch vụ khác nhau.

(2). Hạn chế quy định tại Điểm (1) của Khoản này sẽ không áp dụng đối với trường hợp mà chủ sở hữu quyền tác giả của bản ghi âm cấp phép cho:

(A). Dịch vụ tương hỗ; hoặc

(B). Một tổ chức về trình diễn công cộng bản ghi âm tới 45 giây và mục đích của việc trình diễn này chỉ là khuyến khích sự phân phối và trình diễn bản ghi âm đó.

(i). Không ảnh hưởng tới nhuận bút của các tác phẩm được sử dụng: lệ phí cấp phép phải thanh toán cho việc trình diễn công cộng bản ghi âm theo Điều 106(6) sẽ không được tính đến bất kỳ thủ tục quản lý, tư pháp hoặc hành chính nào khác để đặt ra hoặc điều chỉnh nhuận bút phải thanh toán cho các chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm của họ. Mục tiêu của Quốc hội là nhuận bút phải thanh toán cho chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc về trình diễn công cộng tác phẩm của họ sẽ không bị thiệt hại trên bất kỳ phương diện nào do kết quả của các quyền được cấp theo Điều 106(6).

(j). Định nghĩa: như được sử dụng trong Điều này, các thuật ngữ có nghĩa như sau:

(1). “Tổ chức hội viên” là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực truyền âm kỹ thuật số quy định tại Điều 106(6), không phải là dịch vụ tương hỗ, trong đó người được cấp phép có phần góp vốn trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc có sở hữu lợi nhuận tới 5% hoặc hơn cổ phần được bỏ phiếu quyết định hoặc không được bỏ phiếu.

(2). Truyền “sóng” là truyền được thực hiện bởi một trạm truyền sóng đặt tại mặt đất được cấp phép như bởi Uỷ ban truyền thông Liên bang.

(3). “Truyền âm kỹ thuật số” là truyền kỹ thuật số như được định nghĩa tại Điều 101, bao hàm truyền âm của bản ghi âm. Thuật ngữ này không bao gồm truyền của bất kỳ tác phẩm nghe nhìn nào.

(4). “Dịch vụ tương hỗ” là dịch vụ cho phép thành viên của công chúng thu, theo yêu cầu, truyền của bản ghi âm cụ thể được chọn bởi hoặc trên danh nghĩa của người thu. Thẩm quyền cá nhân đối với yêu cầu các bản ghi âm cụ thể này được trình diễn cho rộng rãi công chúng thu không tạo ra dịch vụ tương hỗ. Nếu tổ chức cung cấp cả các dịch vụ tương hỗ và dịch vụ phi tương hỗ (hoặc là đồng thời hoặc là vào các thời điểm khác nhau), thành phần dịch vụ phi tương hỗ sẽ không được đối xử như một bộ phận của dịch vụ tương hỗ.

(5). Truyền “không thu tiền đặt trước” là bất kỳ truyền nào không phải là truyền thu tiền đặt trước.

(6). “Tái truyền” là truyền tiếp theo của truyền khởi đầu, và bao gồm bất kỳ tái truyền sóng tiếp theo nào nữa của cùng truyền sóng đó. Ngoại trừ như được quy định tại Điều này, truyền sóng chỉ được phân loại là “tái truyền” nếu nó là đồng thời với truyền sóng khởi đầu. Không một điểm nào trong định nghĩa này được diễn giải tới việc ngoại trừ truyền sóng mà không thoả mãn yếu tố riêng biệt được yêu cầu để phân loại truyền sóng ngoại lệ theo Điều 114(d)(1).

(7). “Truyền diễn tổng hợp bản ghi âm” là truyền trong bất kỳ thời hạn 3 giờ nào, trên một kênh cụ thể được sử dụng cho một tổ chức truyền sóng, của không quá:

(A). 3 bản ghi âm tuyển chọn khác nhau từ bất kỳ một bản ghi nào được phân phối hợp pháp cho trình diễn công cộng hoặc được bán tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nếu không quá 2 tuyển chọn đó được truyền tiếp liền nhau; hoặc

(B). 4 bản ghi âm tuyển chọn khác nhau:

(i). Của một nghệ sỹ được ghi âm chính;

(ii). Từ bất kỳ một bộ phận hoặc tuyển tập bản ghi được phân phối hợp pháp cùng nhau như một tổng thể chung cho việc trình diễn công cộng hoặc được bán tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nếu không quá 3 tuyển chọn đó được truyền tiếp liền nhau: với điều kiện là truyền các tuyển chọn này vượt quá số giới hạn quy định tại Đoạn (A) và (B) từ nhiều bản ghi đương nhiên sẽ phân loại như trình diễn tổng hợp bản ghi âm nếu chương trình của nhiều bản ghi đã không có ý định cố ý trong số giới hạn quy định tại phụ Đoạn này.

(8). Truyền “có thu tiền đặt trước” là truyền bị kiểm soát và hạn chế trong các đối tượng người thu đặc biệt, và đối với truyền này một khoản tiền được yêu cầu thanh toán hoặc chi trả khác bởi hoặc trên danh nghĩa của các đối tượng người thu này do thu truyền này hoặc toàn bộ chương trình truyền sóng bao hàm truyền này.

(9). “Truyền” bao gồm cả truyền khởi đầu và tái truyền.

Điều 115: Phạm vi các quyền độc quyền đối với các tác phẩm âm nhạc phi sân khấu: giấy phép bắt buộc đối với việc tạo và phân phối các bản ghi

Đối với các tác phẩm âm nhạc phi sân khấu, các quyền độc quyền quy định tại Điều 106(1), (3) về việc tạo và phân phối các bản ghi của các tác phẩm đó thuộc đối tượng của giấy phép bắt buộc theo các điều kiện quy định tại Điều này.

(a). Giấy phép bắt buộc phạm vi của nó:

(1). Khi một bản ghi của một tác phẩm âm nhạc phi sân khấu đã được phân phối tới công chúng tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ theo sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, bất kỳ người nào khác kể cả người tạo hoặc thực hiện phân phối bản ghi hoặc bản ghi kỹ thuật số có thể, bằng việc tuân theo các quy định của Điều này, xin được giấy phép bắt buộc để tạo và phân phối các bản ghi của tác phẩm đó. Một người chỉ có thể xin được giấy phép bắt buộc nếu mục tiêu trước nhất của người này là tạo các bản ghi để phân phối chúng tới công chúng phục vụ cho các sử dụng cá nhân, kể cả các phương tiện chuyển giao bản ghi kỹ thuật số. Một người không thể xin được giấy phép bắt buộc đối với việc sử dụng tác phẩm trong việc nhân bản bản ghi của một bản ghi âm được ghi bởi người khác, trừ phi: (i) những bản ghi âm đó được ghi một cách hợp pháp; và (ii) việc tạo ra các bản ghi được sự cho phép của người chủ sở hữu quyền tác giả của bản ghi âm đó hoặc, nếu bản ghi âm đó đã được ghi trước ngày 15/2/1972 bởi bất kỳ người nào ghi bản ghi âm đó theo một giấy phép đặc biệt từ người chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc đó hoặc theo một giấy phép bắt buộc hợp lệ về việc sử dụng tác phẩm này trong bản ghi âm.

(2). Giấy phép bắt buộc bao hàm đặc quyền cải biên âm nhạc tác phẩm trong phạm vi cần thiết để làm cho tác phẩm phù hợp với thể loại và phương pháp thể hiện của buổi biểu diễn được thực hiện, nhưng sự cải biên này sẽ không được làm thay đổi giai điệu và đặc điểm cơ bản của tác phẩm, và sẽ không thuộc đối tượng bảo hộ như là một tác phẩm phái sinh theo quy định tại Điều luật này ngoại trừ với sự đồng ý rõ ràng của người chủ sở hữu quyền tác giả.

(b). Thông báo về ý định xin giấy phép bắt buộc:

(1). Bất kỳ người nào muốn xin giấy phép bắt buộc theo quy định của Điều này sẽ, trước hoặc trong vòng 30 ngày sau ngày tạo, và trước khi phân phối bất kỳ bản ghi âm tác phẩm nào, gửi một thông báo về ý định đó tới người chủ sở hữu quyền tác giả. Nếu nơi đăng ký hoặc các nơi lưu giữ công khai khác của Cục Bản quyền tác giả không xác định được người chủ sở hữu quyền tác giả và bao hàm cả địa chỉ mà theo đó thông báo có thể được gửi thì việc nộp thông báo về ý định  này tới Cục Bản quyền tác giả là hoàn toàn cần thiết. Thông báo này sẽ phải tuân thủ về hình thức, nội dung và cách thức nộp theo yêu cầu mà cơ quan đăng ký bản quyền sẽ quy định trong quy chế.

(2). Mọi sai sót khi gửi hoặc nộp thông báo theo yêu cầu của Điểm (1) sẽ tước mất khả năng hưởng giấy phép bắt buộc và, không có giấy phép thoả thuận thì việc tạo và phân phối bản ghi có thể bị đưa ra khởi kiện như một hành vi vi phạm theo Điều 501 và hoàn toàn thuộc đối tưọng của các biện pháp thực thi quy định tại Điều 502 tới 506 và Điều 509.

(c). Nhuận bút phải thanh toán theo giấy phép bắt buộc:

(1). Để được quyền nhận nhuận bút theo giấy phép bắt buộc, người chủ sở hữu quyền tác giả  phải được xác định trong sổ đăng ký hoặc chứng nhận khác của Cục Bản quyền tác giả. Người chủ sở hữu được quyền hưởng nhuận bút đối với các bản ghi được tạo ra và phân phối sau khi được xác định như vậy, nhưng sẽ không được hoàn lại bất kỳ khoản nào từ bất kỳ bản ghi nào được tạo và phân phối trước đó.

(2). Ngoại trừ quy định tại Điểm (1) trên, nhuận bút theo giấy phép bắt buộc sẽ phải được thanh toán cho từng bản ghi được tạo ra và phân phối theo giấy phép đó. Cho mục đích này là ngoại trừ như quy định tại Điểm (3), bản ghi được coi là “đã phân phối” nếu người thực hiện giấy phép bắt buộc hoàn toàn tự nguyện và thực sự tách khỏi sự chiếm hữu đối với các bản ghi đó. Đối với từng tác phẩm thể hiện trong bản ghi, nhuận bút sẽ là hai hoặc ba phần tư hoặc là một nửa cent trên mỗi phút của thời gian chơi tác phẩm, hoặc một tỷ lệ của nó, tuỳ thuộc vào khoản nào lớn hơn.

(3).

(A). Giấy phép bắt buộc theo Điều này bao gồm quyền của người được cấp phép bắt buộc về việc phân phối hoặc cho phép phân phối bản ghi của tác phẩm âm nhạc phi sân khấu thông qua các phương tiện truyền kỹ thuật số mà cấu thành việc phổ biến bản ghi kỹ thuật số, không phân biệt truyền kỹ thuật số này cũng là trình diễn công cộng bản ghi âm theo Điều 106(6) của Điều luật này hoặc bất kỳ tác phẩm âm nhạc phi sân khấu trong bản ghi âm đó theo Điều 106(4) của Điều luật này hay không. Đối với mọi phổ biến bản ghi kỹ thuật số thông qua hoặc theo sự cho phép của người được cấp giấy phép bắt buộc:

(i). Vào hoặc trước ngày 31/12/1997, nhuận bút phải thanh toán bởi người được cấp giấy phép bắt buộc sẽ là mức nhuận bút quy định tại Điểm (2) và Chương 8 của Điều luật này; và

(ii). Vào hoặc sau ngày 1/1/1998, nhuận bút phải thanh toán bởi người được cấp phép bắt buộc sẽ là mức nhuận bút quy định tại Đoạn (B) tới Đoạn (F) và Chương 8 của Điều luật này.

(B). Không trái với bất kỳ quy định nào của Luật chống độc quyền, bất kỳ chủ sở hữu quyền tác giả nào của tác phẩm âm nhạc phi sân khấu và bất kỳ người nào được quyền có giấy phép bắt buộc theo Khoản (a)(1) có thể thoả thuận và chấp thuận về các điều khoản và tỷ lệ thanh toán nhuận bút theo Đoạn này và phần phân chia các khoản lệ phí được thanh toán giữa các chủ sở hữu quyền tác giả, và có thể chỉ định các đại diện chung để thoả thuận, chấp thuận, thanh toán hoặc nhận các khoản thanh toán nhuận bút đó. Việc uỷ quyền thoả thuận về các điều khoản và tỷ lệ thanh toán nhuận bút này bao hàm, nhưng không hạn chế, uỷ quyền thoả thuận về năm mà trong năm đó các tỷ lệ nhuận bút được quy định tại Đoạn (B) tới (F) và Chương 8 Điều luật này sẽ được tiếp tục xác định.

(C). Trong khoảng thời gian từ 30/6/1996 tới 31/12/1996, Thư viện Quốc hội sẽ đưa ra một thông báo được công bố tại Cơ quan đăng ký Liên bang sự bắt đầu của các tiến trình thoả thuận tự nguyện để xác định các điều khoản và tỷ lệ thanh toán nhuận bút hợp lý đối với các hoạt động quy định tại Đoạn (a) trong khoảng thời gian bắt đầu từ 1/1/1998 và kết thúc vào ngày có hiệu lực của các điều khoản và tỷ lệ thanh toán nhuận bút mới được lập ra theo Đoạn (C), (D) hoặc (F), hoặc ngày khác (liên quan tới chuyển giao bản ghi kỹ thuật số) mà các bên có thể chấp thuận. Các điều khoản và tỷ lệ này sẽ phân biệt giữa:

(i). Chuyển giao bản ghi kỹ thuật số mà việc tái sản xuất hoặc phân phối bản ghi là ngẫu nhiên với truyền mà tạo ra việc chuyển giao bản ghi kỹ thuật số, và

(ii). Mọi việc chuyển giao bản ghi kỹ thuật số nói chung.

Bất kỳ chủ sở hữu quyền tác giả của các tác phẩm âm nhạc phi sân khấu nào và bất kỳ người nào được quyền có giấy phép bắt buộc theo Khoản(a)(1) có thể đệ trình lên Thư viện Quốc hội các giấy phép về các hoạt động đó. Các bên đối với từng tiến trình thoả thuận sẽ tự gánh chịu các chi phí của mình.

(D). Trong trường hợp không có giấy phép thoả thuận được thương lượng theo Đoạn (B) và (C), vào lúc nộp đơn theo Điều 803(a)(1), Thư viện Quốc hội sẽ, phù hợp với Chương 8, triệu tập Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả để xác định và công bố tại Cơ quan đăng ký Liên bang Bảng tỷ lệ và các điều khoản mà, tuỳ thuộc vào Đoạn (e), sẽ ràng buộc tất cả các chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc phi sân khấu và những người được quyền có giấy phép bắt buộc theo Khoản (a)(1) trong khoảng thời gian bắt đầu từ 1/1/1998 và kết thúc vào ngày có hiệu lực của bất kỳ các điều khoản và tỷ lệ mới nào được lập ra theo Đoạn (C), (D) hoặc (F), hoặc ngày khác (liên quan đến việc truyền bản ghi) mà có thể được quyết định theo Đoạn (B) và (C). Các điều khoản và tỷ lệ này sẽ phân biệt giữa:

(i). Các chuyển giao bản ghi kỹ thuật số khác nhau mà việc tái sản xuất hoặc phân phối bản ghi là ngẫu nhiên với truyền mà tạo ra việc chuyển giao bản ghi kỹ thuật số, và

(ii). Mọi việc chuyển giao bản ghi kỹ thuật số nói chung.

Ngoài mục đích quy định tại Điều 801(b)(1), trong việc lập ra tỷ lệ và các điều khoản, Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả có thể xem xét các tỷ lệ và điều khoản các thoả thuận giấy phép tự nguyện được thương lượng theo quy định tại Đoạn (B) và (C). Các tỷ lệ nhuận bút phải thanh toán cho giấy phép bắt buộc đối với chuyển giao bản ghi kỹ thuật số theo Điều này sẽ được lập ra không chịu ảnh hưởng của tập quán và tiền lệ được đưa ra đối với khoản tiền nhuận bút phải thanh toán bởi người được cấp giấy phép bắt buộc đối với các hoạt động chuyển giao bản ghi kỹ thuật số vào hoặc trước ngày 31/12/1997. Thư viện Quốc hội sẽ cũng lập ra những yêu cầu thông qua đó chủ sở hữu quyền tác giả có thể nhận những thông báo hợp lý về việc sử dụng những tác phẩm của họ theo Điều này, và những yêu cầu mà theo đó các báo cáo về việc sử dụng đó sẽ được lưu giữ và được cung cấp bởi những người thực hiện các hoạt động chuyển giao bản ghi kỹ thuật số.

(E).

(i). Các thoả thuận cấp giấy phép tự nguyện được thương lượng vào bất kỳ thời điểm nào giữa một hoặc nhiều chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc phi sân khấu và một hoặc nhiều người được quyền có giấy phép bắt buộc theo Khoản (a)(1) sẽ có hiệu lực thay thế bất kỳ quyết định nào của Thư viện Quốc hội. Tuỳ thuộc vào phụ Đoạn (ii), các tỷ lệ nhuận bút được xác định theo Đoạn (B) và (C) hoặc (F) sẽ có hiệu lực thay thế bất kỳ tỷ lệ nhuận bút trái ngược nào quy định trong hợp đồng mà theo đó nghệ sĩ được ghi âm là tác giả của tác phẩm âm nhạc phi sân khấu cấp giấy phép theo quyền độc quyền của người này đối với tác phẩm âm  nhạc đó theo Điều 106(1) và (3) hoặc uỷ thác cho bất kỳ người nào khác cấp giấy phép đối với tác phẩm âm nhạc đó theo Điều 106(1) và (3), cho người mong muốn định hình dưới hình thức thể hiện hữu hình bản ghi âm thể hiện tác phẩm âm nhạc đó.

(ii). Câu thứ hai phụ Đoạn (i) sẽ không áp dụng đối với:

(I). Hợp đồng có hiệu lực vào hoặc trước ngày 22/6/1995 và không sửa đổi sau đó nhằm mục đích giảm tỷ lệ nhuận bút được xác định theo Đoạn (C), (D) hoặc (F) hoặc nhằm mục đích tăng số lượng tác phẩm âm nhạc trong phạm vi áp dụng của hợp đồng bởi tỷ lệ được giảm xuống đó, ngoại trừ nếu hợp đồng có hiệu lực vào hoặc trước ngày 22/6/1995, được sửa đổi sau đó nhằm mục đích tăng số tác phẩm âm nhạc trong phạm vi áp dụng của hợp đồng, bất kỳ tỷ lệ nhuận bút trái ngược nào quy định trong hợp đồng này sẽ có hiệu lực thay thế các tỷ lệ nhuận bút được xác định theo Đoạn (C), (D) hoặc (F) đối với số lượng tác phẩm âm nhạc trong phạm vi áp dụng của hợp đồng đó như vào ngày 22/6/1995, và

(II). Hợp đồng có hiệu lực sau ngày mà bản ghi âm được định hình dưới hình thức thể hiện vật chất hữu hình theo thể thức chủ ý phát hành thương mại, nếu vào thời điểm mà hợp đồng có hiệu lực, nghệ sĩ được ghi âm giữ lại quyền cấp các giấy phép về tác phẩm âm nhạc đó theo Điều 106(1) và 106(3).

(F). Các thủ tục quy định tại Đoạn (C) và (D) sẽ được lặp lại và quyết định phù hợp với quy chế mà Thư viện Quốc hội sẽ quy định, trong 5 năm tiếp theo sau năm 1997, ngoại trừ các trường hợp mà những năm đó là khác đối với các thủ tục lặp lại và quyết định này thì có thể được xác định theo Đoạn (B) và (C).

(G). Ngoại trừ như quy định tại Điều 1002(2) của Điều luật này, việc chuyển giao bản ghi kỹ thuật số được cấp phép theo Đoạn này sẽ được thực hiện kèm theo các thông tin được mã hoá trong bản ghi âm, nếu có, thông qua hoặc theo sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả của bản ghi âm đó, thông tin này xác định tiêu đề của bản ghi âm, nghệ sĩ được ghi âm chính người mà trình diễn trong bản ghi âm đó, và các thông tin có liên quan, kể cả các thông tin về các nốt nhạc và lời nhạc.

(H).

(i). Chuyển giao bản ghi kỹ thuật số bản ghi âm có thể bị khởi kiện như một hành vi vi phạm theo Điều 501, và hoàn toàn thuộc đối tượng điều chỉnh của các biện pháp thực thi quy định tại Điều 502 tới 506 và Điều 509, trừ phi:

(I).Chuyển giao bản ghi kỹ thuật số đã được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả bản ghi âm đó; và

(II). Chủ sở hữu quyền tác giả đối với bản ghi âm hoặc tổ chức thực hiện chuyển giao bản ghi kỹ thuật số đã có được giấy phép bắt buộc theo Điều này hoặc theo cách khác đã được phép của chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc về việc phân phối hoặc cho phép phân phối, thông qua các phương tiện chuyển giao bản ghi kỹ thuật số, đối với từng tác phẩm âm nhạc thể hiện trong bản ghi âm đó.

(ii). Bất kỳ căn cứ khiếu kiện theo Đoạn này sẽ thêm vào những căn cứ khiếu kiện dành cho chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc phi sân khấu theo Khoản (c)(6) và Điều 106(4) và chủ sở hữu quyền tác giả đối với bản ghi âm theo Điều 106(6).

(I). Nghĩa vụ của chủ sở hữu quyền tác giả của bản ghi âm đối với vi phạm quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc phi sân khấu thể hiện trong bản ghi âm đó sẽ được xác định theo Luật được áp dụng, ngoại trừ trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả của bản ghi âm sẽ không có nghĩa vụ về việc chuyển giao bản ghi âm kỹ thuật số của bên thứ ba nếu người chủ sở hữu quyền tác giả của bản ghi âm này không cấp phép phân phối bản ghi của tác phẩm âm nhạc phi sân khấu đó.

(J). Không điểm nào của Điều 1008 sẽ được diễn giải tới việc ngăn cản thực hiện các quyền và các biện pháp thực thi quy định tại Điểm này, Điểm (6) và Chương 5 đối với việc chuyển giao bản ghi kỹ thuật số, ngoại trừ trường hợp không có hành động nào dẫn chứng là vi phạm quyền tác giả có thể được đưa ra theo Điều luật này chống lại nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc nhà phân phối các thiết bị ghi âm kỹ thuật số, phương tiện ghi âm kỹ thuật số, thiết bị ghi âm bán dẫn hoặc phương tiện ghi âm bán dẫn, hoặc chống lại người tiêu dùng, trên cơ sở các hành vi quy định tại Điều này.

(K). Không điểm nào trong Điều này bãi bỏ hoặc hạn chế (i) quyền độc quyền về trình diễn công cộng bản ghi âm hoặc tác phẩm âm nhạc thể hiện trong bản ghi âm đó, kể cả thông qua các phương tiện truyền kỹ thuật số, theo Điều 106(4) và 106(6), (ii) ngoại trừ đối với việc cấp phép bắt buộc theo các điều kiện quy định tại Điều này, các quyền độc quyền về sản xuất và phân phối bản ghi âm và tác phẩm âm nhạc thể hiện trong bản ghi âm đó theo Điều 106(1) và 106(3), kể cả thông qua các phương tiện chuyển giao bản ghi kỹ thuật số, hoặc (iii) bất kỳ quyền nào khác theo bất kỳ quy định theo Điều luật này cũng như các quyền và các biện pháp thực thi tồn tại hoặc là trước hoặc là sau ngày ban hành Luật về quyền trình diễn kỹ thuật số bản ghi âm năm 1995.

(L). Các quy định của Điều này về các hoạt động chuyển giao bản ghi kỹ thuật số sẽ không áp dụng đối với bất kỳ truyền hoặc tái truyền ngoại lệ nào theo Điều 114(d)(1). Các ngoại lệ quy định tại Điều 114(d)(1) không mở rộng hoặc giảm các quyền của chủ sở hữu quyền tác giả theo Điều 106(1) tới (5) đối với các hoạt động truyền và tái truyền đó.

(4). Giấy phép bắt buộc theo Điều này bao hàm quyền của người tạo ra bản ghi một tác phẩm âm nhạc phi sân khấu theo Khoản (a)(1) để phân phối hoặc cho phép phân phối những bản ghi đó thông qua việc cho thuê, mướn hoặc mượn (hoặc thông qua các hành vi hoặc hành động có bản chất thuê, mướn, mượn). Ngoài ra, cũng áp dụng đối với bất kỳ khoản nhuận bút nào được thanh toán theo Điểm (2) và Chương 8 của Điều luật này, một khoản nhuận bút phải được thanh toán theo giấy phép bắt buộc đối với từng hành vi phân phối bản ghi thông qua hoặc bằng các hành vi có bản chất thuê, mướn hoặc mượn trên cơ sở hoặc theo sự cho phép của giấy phép bắt buộc. Đối với từng tác phẩm âm nhạc phi sân khấu thể hiện trong một bản ghi, nhuận bút sẽ là một phần lợi ích thu được thông qua người được cấp giấy phép bắt buộc từ từng hành vi phân phối bản ghi theo Điểm này tương đương với phần lợi ích thu được thông qua người được cấp giấy phép bắt buộc từ phạm vi phân phối bản ghi theo Điểm (2) sẽ phải thanh toán bởi người được cấp giấy phép bắt buộc theo Điểm này và theo Chương 8. Cơ quan đăng ký bản quyền sẽ ban hành quy định để thực hiện quy định tại Điểm này.

(5). Thanh toán tiền nhuận bút phải được thực hiện vào hoặc trước ngày 20 hàng tháng và sẽ bao gồm tất cả các khoản tiền nhuận bút của tháng trước đó. Tiền thanh toán mỗi tháng phải được thực hiện trên cơ sở tuyên thệ và sẽ phải tuân thủ các yêu cầu mà cơ quan đăng ký quy định trong quy chế. Cơ quan đăng ký cũng đưa ra các quy định theo đó nêu chi tiết về bản quyết toán tài chính lưu hàng năm, được xác nhận bởi một tổ chức kiểm toán, và sẽ được nộp cho từng giấy phép bắt buộc theo Điều này. Các quy định đó bao gồm cả bản quyết toán tài chính hàng tháng và hàng năm sẽ ấn định hình thức, nội dung và cách thức xác nhận về số lượng bản ghi đã tạo ra và số lượng bản ghi đã phân phối.

(6). Nếu người chủ sở hữu quyền tác giả không nhận được tiền thanh toán hàng tháng và bản quyết toán tài chính hàng tháng và hàng năm, khi đó người chủ sở hữu này có thể gửi một bản thông báo bằng văn bản tới người được cấp giấy phép bắt buộc là trừ phi các khoản tiền đó được thanh toán trong vòng 30 ngày kể từ ngày của thông báo, giấy phép bắt buộc sẽ tự động chấm dứt. Sự chấm dứt này có thể đưa ra hoặc là đối với hành vi tạo hoặc là đối với hành vi phân phối hoặc là đối với cả hai hành vi đó trên tất cả các bản ghi mà tiền nhuận bút đã không được thanh toán ra khởi kiện như một hành vi vi phạm theo Điều 501 và hoàn toàn thuộc đối tượng của các biện pháp thực thi quy định tại Điều 502 tới 506 và Điều 509.

(d). Định nghĩa: như được sử dụng trong Điều này, các thuật ngữ sau có định nghĩa như sau:

Chuyển giao bản ghi kỹ thuật số” là sự chuyển giao cá nhân vào bản ghi kỹ thuật số thông qua việc truyền kỹ thuật số bản ghi âm mà kết quả là việc tái sản xuất bản sao riêng có thể thực hiện được bởi hoặc do bất kỳ người thu truyền bản ghi của bản ghi âm đó không phụ thuộc vào việc truyền kỹ thuật số này có đồng thời là trình diễn công cộng bản ghi âm hoặc bất kỳ tác phẩm âm nhạc phi sân khấu nào được thể hiện trong bản ghi âm đó hay không. Chuyển giao bản ghi kỹ thuật số không phải là kết quả từ một thời điểm thực tế, truyền có thu tiền đặt trước phi tương hỗ bản ghi âm mà không một hành vi sao chép bản ghi âm hoặc tác phẩm âm nhạc thể hiện trong bản ghi âm đó được thực hiện từ sự khởi đầu của truyền đó cho tới khi thu chúng của người thu truyền đó nhằm mục đích tạo ra việc nghe được bản ghi âm.

Điều 116: Giấy phép thoả thuận cho các buổi trình diễn công cộng thông qua phương tiện là các máy hát vận hành bằng tiền xu

(a). Phạm vi áp dụng của Điều luật: Điều luật này áp dụng đối với các tác phẩm âm nhạc phi sân khấu được thể hiện trên một bản ghi.

(b) Giấy phép thoả thuận:

(1). Quyền thoả thuận: bất kỳ người chủ sở hữu quyền tác giả nào đối với tác phẩm mà Điều này áp dụng và bất kỳ người điều khiển máy hát vận hành bằng tiền xu nào có thể thoả thuận và chấp thuận về các điều khoản và tỷ lệ thanh toán tiền nhuận bút đối với sự trình diễn các tác phẩm và tỷ phần phân chia các khoản lệ phí được thanh toán giữa các chủ sở hữu quyền tác giả với nhau, và có thể chỉ định người đại diện chung để thoả thuận, chấp thuận, thanh toán và nhận các khoản thanh toán tiền nhuận bút.

(2). Trọng tài: các bên đối với thoả thuận, vào thời điểm mà có thể được quy định trong quy chế của Thư viện Quốc hội, có thể quyết định kết quả của thoả thuận đó thông qua trọng tài. Trọng tài sẽ được thành lập tuân thủ quy định của Điều luật số 9, trong phạm vi Điều  khoản của Điều luật đó không trái với Điều khoản này. Các bên sẽ gửi thông báo tới Thư viện Quốc hội về bất kỳ quyết định nào đạt được thông qua trọng tài và các quyết định đó, giữa các bên đối với trọng tài, sẽ định đoạt các vấn đề có liên quan.

(c). Giấy phép thoả thuận có hiệu lực cao hơn các quyết định của Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả: các thoả thuận cấp phép giữa một hoặc nhiều chủ sở hữu quyền tác giả và một hoặc nhiều người điều khiển máy hát vận hành bằng tiền xu mà đã được thương lượng theo quy định tại Khoản (b), sẽ có hiệu lực thay thế bất kỳ quyết định đang được áp dụng nào khác của Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả.

Điều 117: Hạn chế các quyền độc quyền: chương trình máy tính

Không trái với các quy định của Điều 106, sẽ không bị coi là sự vi phạm đối với người chủ sở hữu bản sao chương trình máy tính làm hoặc cho phép làm một bản sao khác hoặc nâng cấp chương trình máy tính đó nếu:

(1). Bản sao mới hoặc bản nâng cấp chương trình này được tạo ra như là một bước cơ bản để sử dụng chương trình máy tính trong một chiếc máy tính và nó không được sử dụng theo bất kỳ một cách thức nào khác, hoặc

(2). Bản sao mới hoặc bản nâng cấp chương trình này chỉ sử dụng cho mục đích lưu giữ và tất cả các bản sao sử dụng để lưu giữ sẽ bị phá huỷ trong trường hợp mà việc tiếp tục chiếm hữu chương trình này sẽ không còn là hợp lý.

Bất kỳ các bản sao chuẩn nào được tạo ra phù hợp với các quy định của Điều khoản này có thể được cho thuê, bán, hoặc các hình thức chuyển nhượng khác, cùng với bản sao chương trình mà từ bản sao đó các bản sao chuẩn được tạo ra, chỉ như một phần của việc cho thuê, bán hoặc các hình thức chuyển nhượng khác của tất cả các quyền đối với chương trình đó. Bản nâng cấp được tạo ra như vậy có thể được chuyển nhượng chỉ với sự cho phép của người chủ sở hữu quyền tác giả chương trình.

Điều 118. Phạm vi các quyền độc quyền: sử dụng các tác phẩm cụ thể trong việc phát sóng phi thương mại

(a). Các quyền độc quyền quy định tại Điều 106, đối với các tác phẩm được quy định tại Khoản (b) và các hành vi quy định tại Khoản (d), sẽ phụ thuộc vào các điều kiện và hạn chế quy định trong Điều này.

(b). Không trái với bất kỳ quy định nào của Luật chống độc quyền, bất kỳ người chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm quy định tại Khoản này và bất kỳ tổ chức phát sóng công cộng nào tương ứng, có thể thoả thuận và chấp thuận các điều khoản và tỷ lệ các khoản thanh toán giữa các chủ sở hữu quyền tác giả khác nhau, và có thể chỉ định người đại diện chung để thoả thuận, thanh toán hoặc nhận các khoản thanh toán đó.

(1). Bất kỳ người chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Khoản này hoặc bất kỳ tổ chức phát sóng công cộng nào có thể đệ trình lên Thư viện Quốc hội các giấy phép đề nghị về các hành vi liên quan tới các tác phẩm đó. Thư viện Quốc hội sẽ thụ lý chúng cũng như các thông tin thích hợp khác trên cơ sở của các đề nghị đệ trình. Thư viện Quốc hội sẽ cho phép bất kỳ bên nào có lợi ích liên quan nào đệ trình các thông tin thích hợp liên quan tới trình tự đó.

(2). Các hợp đồng cấp phép được thoả thuận tự nguyện vào bất kỳ thời điểm nào giữa một hoặc nhiều người chủ sở hữu quyền tác giả với một hoặc nhiều tổ chức phát sóng công cộng sẽ có hiệu lực thay thế bất kỳ quyết định nào của Thư viện Quốc hội, với điều kiện là các bản sao của các hợp đồng này được nộp tới Cục Bản quyền tác giả trong vòng 30 ngày thực hiện hợp đồng theo quy chế mà cơ quan đăng ký sẽ quy định.

(3). Nếu không có thoả thuận cấp phép được thương lượng theo Điểm (2), Thư viện Quốc hội, theo quy định tại Chương 8 sẽ nhóm họp Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả để quyết định và công bố tại Cơ quan đăng ký Liên bang Bảng mẫu các điều khoản và tỷ lệ mà, tuỳ thuộc vào Điểm (2), sẽ ràng buộc tất cả các chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm quy định tại Khoản này và các tổ chức phát sóng công cộng, không phụ thuộc vào việc các chủ sở hữu quyền tác giả có đệ trình đề nghị tới Thư viện Quốc hội hay không. Trong quá trình đặt ra các tỷ lệ và các điều khoản, Thư viện Quốc hội có thể xem xét các tỷ lệ này trên sự tương quan hợp lý với các trường hợp của các hợp đồng cấp phép tự nguyện như được quy định tại Điểm (2) của Khoản này. Thư viện Quốc hội cũng đặt ra các cách thức mà thông qua đó những chủ sở hữu quyền tác giả có thể nhận các thông báo hợp lý về sử dụng tác phẩm của họ theo Khoản này, và theo đó các bản ghi âm của các sử dụng đó sẽ được giữ bởi tổ chức phát sóng công cộng.

(c). Khởi đầu các thủ tục quy định tại Khoản (b) sẽ được lặp lại và được quyết định giữa 30/6 và 31/12/1997, và vào 5 năm tiếp theo sau đó, phù hợp với quy chế mà Thư viện Quốc hội sẽ quy định.

(d). Tuỳ thuộc vào các quy định chuyển tiếp của Khoản (b)(4) và đối với các Điều khoản của bất kỳ một hợp đồng cấp phép tự nguyện nào đã được thoả thuận như quy định tại Khoản (b)(2), tổ chức phát sóng công cộng, trên cơ sở tuân thủ các quy định của Điều này về các Điều khoản và tỷ lệ có thể được quy định bởi Thư viện Quốc hội theo Khoản (b)(3), có thể cam kết các hành vi sau đối với các tác phẩm âm nhạc đã công bố phi sân khấu và các tác phẩm về nghệ thuật, mỹ thuật, điêu khắc:

(1). Trình diễn hoặc trình bày tác phẩm bởi hoặc trong buổi truyền sóng được thực hiện thông qua một trạm phát sóng giáo dục phi thương mại quy định tại Khoản (g); và

(2). Sản xuất chương trình truyền sóng, sao chép bản sao hoặc bản ghi chương trình truyền sóng, và phân phối các bản sao hoặc bản ghi đó, đối với các hành vi sản xuất, sao chép hoặc phân phối được thực hiện bởi một tổ chức phi lợi nhuận hoặc một tổ chức chỉ có mục đích truyền sóng quy định tại Điểm (1); và

(3). Thực hiện sao chép bởi các cơ quan của Chính phủ hoặc bởi các tổ chức truyền sóng chương trình phi lợi nhuận đồng thời với các tổ chức quy định tại Điểm (1), và sự trình diễn hoặc trình bày nội dung của các chương trình đó theo các điều kiện quy định tại Điểm (1) của Điều 110, nhưng chỉ nếu sự sao chép đó được sử dụng cho sự trình diễn hoặc trình bày trong một thời gian không quá 7 ngày của buổi truyền sóng quy định tại Điểm (1), và sẽ bị phá huỷ trước hoặc vào khi kết thúc của thời hạn đó. Phù hợp với Điểm (2), không một người nào cung cấp bản sao của chương trình phát sóng cho các cơ quan Chính phủ, tổ chức phát sóng phi lợi nhuận theo Điểm này sẽ có bất kỳ một nghĩa vụ gì đối với sai sót của các cơ quan tổ chức đó về kết quả của việc phá huỷ các bản sao, với điều kiện là người này đã thông báo cho các cơ quan tổ chức đó yêu cầu về việc phá huỷ theo quy định của Điểm này và ngoài ra với điều kiện là chính các tổ chức này có lỗi trong việc phá huỷ các bản sao đó thì các cơ quan tổ chức đó sẽ bị coi là có vi phạm.

(e). Ngoại trừ các quy định cụ thể tại Khoản này, Điều này sẽ không áp dụng đối với các tác phẩm nào khác với các tác phẩm được quy định trong Khoản (b).

(1). Người chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học phi sân khấu và các tổ chức phát sóng, trong quá trình thoả thuận tự nguyện, có thể chấp thuận giữa họ với nhau một cách tương ứng về thời hạn và tỷ lệ thanh toán tiền nhuận bút không vi phạm trách nhiệm theo Luật chống độc quyền. Bất kỳ thời hạn và tỷ lệ thanh toán tiền nhuận bút nào sẽ có hiệu lực vào lúc nộp đơn tới Cục Bản quyền tác giả, theo quy chế mà cơ quan đăng ký sẽ quy định.

(2). Vào ngày 3/1/1980, cơ quan đăng ký bản quyền sau khi tham khảo ý kiến của các tác giả và những người chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học phi sân khấu và những người đại diện của họ, cùng với các tổ chức phát sóng công cộng và những người đại diện của họ sẽ đệ trình lên Quốc hội một báo cáo về nội dung mà các hợp đồng cấp phép tự nguyện đã đạt được liên quan đến việc sử dụng các tác phẩm văn học phi sân khấu thông qua các trạm phát sóng đó. Bản báo cáo cũng nêu lên bất kỳ vấn đề gì có thể phát sinh, và các vấn đề pháp lý hiện tại hoặc các khuyến nghị khác, nếu xác thực.

(f). Không một quy định nào trong Điều này sẽ được diễn giải đến việc cho phép, ngoài các hạn chế được phép như quy định tại Điều 707, chuyển thể sân khấu không được phép một tác phẩm âm nhạc phi sân khấu, sản xuất các chương trình truyền sóng thể hiện nội dung cơ bản của bất kỳ tuyển tập đã xuất bản nào các tác phẩm hội hoạ, điêu khắc hoặc tạo hình, hoặc sử dụng không được phép của bất kỳ phần nào của tác phẩm nghe nhìn.

(g). Như được sử dụng trong Điều này, thuật ngữ “Tổ chức phát sóng công cộng” có nghĩa là một trạm phát sóng giáo dục phi thương mại như được định nghĩa tại Điều 397 của Điều luật số 47 và bất kỳ một cơ quan hoặc tổ chức nào có mục tiêu hoạt động như quy định tại Điểm 2 Khoản (d).

Điều 119: Hạn chế các quyền độc quyền: truyền sóng thứ cấp của các trạm chủ và trạm hệ thống tới các máy thu đặt tại nhà

a). Truyền sóng thứ cấp qua vệ tinh:

(1). Trạm phát chủ: Tuỳ thuộc vào các quy định của Khoản (3), (4), và (6) của Khoản này và Điều 114(d), truyền sóng thứ cấp của buổi truyền sóng lần đầu của một trạm chủ và thể hiện sự trình diễn hoặc trình bầy một tác phẩm sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh của giấy phép luật định theo quy định của Điều này nếu truyền sóng thứ cấp được thực hiện qua vệ tinh tới công chúng phục vụ cho các máy thu cá nhân tại nhà và các vệ tinh này tính một khoản lệ phí trực tiếp hoặc gián tiếp đối với từng dịch vụ truyền sóng tới từng hộ gia đình tiếp truyền sóng thứ cấp hoặc tới các trạm phân phối đã ký kết hợp đồng với tổ chức truyền hình vệ tinh về việc trực tiếp hoặc gián tiếp chuyển tiếp sóng thứ cấp tới công chúng qua các máy thu cá nhân đặt tại nhà.

(2). Các trạm phát hệ thống:

(A). Quy định chung: Tuỳ thuộc vào các quy định tại các Đoạn (B), (C) của Điểm này và Điểm (3), (4), (5) và (6) của Điều này và Điều 114(d), truyền sóng thứ cấp được thực hiện thông qua vệ tinh truyền đến công chúng tới các máy thu cá nhân đặt tại nhà và tổ chức truyền hình vệ tinh tính một khoản lệ phí trực tiếp hoặc gián tiếp đối với từng đối tượng tiếp sóng thường kỳ thu truyền sóng thứ cấp.

(B). Truyền sóng thứ cấp tới các hộ gia đình ngoài khu vực dịch vụ: Giấy phép luật định quy định tại Đoạn (A) sẽ bị giới hạn đối với truyền sóng thứ cấp tới những người mà cư trú tại các hộ gia đình ngoài khu vực dịch vụ.

(C). Nộp danh sách những đối tượng tiếp sóng thường kỳ tới trạm phát hệ thống: Một vệ tinh thực hiện truyền sóng thứ cấp của buổi truyền sóng lần đầu được thực hiện bởi một trạm phát hệ thống theo Đoạn (A), trong vòng 90 ngày sau ngày có hiệu lực của Luật truyền sóng vệ tinh tới các máy thu đặt tại nhà năm 1988 hoặc 90 ngày sau ngày bắt đầu các truyền sóng thứ cấp đó, tuỳ thuộc vào thời điểm nào xẩy ra sau, sẽ nộp tới hệ thống mà sở hữu hoặc liên kết với trạm pháp hệ thống đó một danh sách chỉ rõ (thông qua địa chỉ khu phố bao gồm của quận và vùng) tất cả các đối tượng tiếp sóng thường kỳ mà vệ tinh này hiện tại thực hiện truyền sóng thứ cấp của buổi truyền sóng lần đầu. Và sau đó, vào ngày 15 hàng tháng, tổ chức truyền hình vệ tinh sẽ nộp tới hệ thống danh sách chỉ rõ (thông qua địa chỉ khu phố bao gồm cả quận và vùng) bất kỳ người nào đã thêm vào hoặc rút khỏi danh sách đối tượng tiếp sóng thường kỳ kể từ lần nộp cuối cùng theo đoạn này. Thông tin về các đối tượng tiếp sóng thường kỳ được nộp bởi một tổ chức truyền hình vệ tinh có thể chỉ được sử dụng cho mục đích kiểm soát sự tuân thủ Đoạn này đối với các tổ chức truyền hình vệ tinh. Các yêu cầu nộp danh sách theo đoạn này sẽ được áp dụng đối với tổ chức truyền hình vệ tinh chỉ nêú hệ thống mà đối với hệ thống này các bản danh sách này được làm để là hồ sơ nộp tới Cơ quan đăng ký bản quyền, vào hoặc sau ngày có hiệu lực của Luật truyền sóng vệ tinh tới các máy thu đặt tại nhà năm 1988, một tài liệu chỉ rõ tên và địa chỉ của người mà đối với người này các bản danh sách đã được lập. Cơ quan đăng ký sẽ duy trì sự kiểm tra công khai hồ sơ của tất cả các tài liệu này.

(3). Không tuân thủ các yêu cầu đối với việc làm báo cáo và thanh toán: Không trái với các quy định tại Điểm (1) và (2), cố ý hoặc tái phát truyền sóng thứ cấp tới công chúng thông qua vệ tinh của buổi truyền sóng lần đầu được thực hiện bởi một trạm phát chủ hoặc trạm phát hệ thống và thể hiện sự trình diễn hoặc trình bầy một tác phẩm có thể bị khởi kiện như một hành vi xâm phạm theo Điều 501, và hoàn toàn thuộc đối tượng của các biện pháp thực thi quy định tại Điều 502 tới 506 và 509 đối với các tổ chức truyền hình qua vệ tinh mà đã không nộp bản quyết toán tài chính và lệ phí bản quyền theo yêu cầu của Khoản (b) hoặc không thực hiện việc nộp các danh sách tới các hệ thống theo quy định tại Điểm (2) (C).

(4). Cố ý sửa đổi: Không trái với các quy định tại Điểm (1) và (2), truyền sóng thứ cấp tới công chúng thông qua vệ tinh truyền sóng lần đầu thực hiện bởi một trạm phát chủ hoặc một trạm phát hệ thống và thể hiện sự trình diễn hoặc trình bầy một tác phẩm có thể bị khởi kiện như một hành vi xâm phạm theo Điều 501 và hoàn toàn thuộc đối tượng của các biện pháp thực thi quy định tại Điều 502 tới 506 và 509, 510, nếu nội dung của các chương trình cụ thể đó sự trình diễn hoặc trình bầy được thể hiện hoặc bất kỳ một quảng cáo thương mại hoặc thông báo công cộng nào được truyền bởi trạm phát lần đầu; hoặc ngay trước hoặc sau sự truyền sóng của các chương trình này bằng bất kỳ cách thức nào bị cố ý sửa đổi bởi tổ chức truyền hình qua vệ tinh thông qua việc thay đổi, cắt xén, hoặc thêm hoặc được kết hợp với chương trình thu từ bất kỳ tín hiệu phát sóng nào khác.

(5). Vi phạm giới hạn khu vực theo các giấy phép bắt buộc đối với các trạm phát hệ thống:

(A). Các vi phạm cá nhân: cố ý hoặc lặp lại truyền sóng thứ cấp thông qua vệ tinh của buổi truyền sóng lần đầu được thực hiện bởi một trạm phát hệ thống và thể hiện sự trình diễn hoặc trình bầy một tác phẩm tới các đối tượng tiếp sóng thường kỳ mà không cư trú tại khu vục hộ gia đình ngoài vùng phục vụ truyền sóng có thể bị khởi kiện như một hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 501 và hoàn toàn thuộc đối tượng của các biện pháp thực thi  theo quy định tại Điều 502 tới 506 và 509, miễn là:

(i). Không một sự bồi thường thiệt hại nào sẽ được đặt ra cho các hành vi xâm phạm đó nếu tổ chức truyền hình qua vệ tinh thực hiện sửa chữa các hành vi này thông qua việc rút lại các dịch vụ đối với các đối tượng tiếp sóng thường kỳ không đủ điều kiện này; và

(ii). Bất kỳ khoản bồi thường chính thức nào sẽ không vượt quá $5 đối với đối tượng tiếp sóng thường kỳ mỗi tháng trong thời gian sự vi phạm xẩy ra.

(B). Các sự vi phạm biểu tượng phát sóng: Nếu tổ chức truyền hình qua vệ tinh thực hiện một cách cố ý hoặc hoặc lặp lại biểu tượng hoặc tập quán truyền sóng trong chuyển tải truyền sóng lần đầu được thực hiện bởi một trạm phát hệ thống và thể hiện sự trình diễn hoặc trình bầy tác phẩm, tới các đối tượng tiếp sóng thường kỳ không cư trú tại khu vực ngoài vùng phục vụ truyền sóng, sau khi tổng hợp các biện pháp thực thi quy định tại Đoạn (A) thì:

(i). Nếu biểu tượng hoặc tập quán truyền sóng đã được tiến hành trên quy mô toàn quốc, thì toàn án sẽ đưa ra phán quyết đình chỉ vĩnh viễn truyền sóng thứ cấp, thông qua tổ chức truyền hình qua vệ tinh phục vụ cho việc thu xem cá nhân tại gia đình, của truyền sóng lần đầu của bất kỳ trạm phát hệ thống lần đầu nào liên kết với trạm phát hệ thống tương tự, và toà án có thể quyết định mức bồi thường thiệt hại không vượt quá $250.000 đối với mỗi khoảng thời gian 6 tháng khi mà biểu tượng hoặc tập quán truyền sóng đó được thực hiện.

(ii). Nếu biểu tượng hoặc tập quán truyền sóng được thực hiện trên có cơ sở địa phương hoặc khu vực Toà án sẽ đưa ra một phán quyết đình chỉ vĩnh viễn  truyền sóng thứ cấp, cho việc thu xem cá nhân tại gia đình ở địa phương hoặc khu vực đó thông qua tổ chức truyền hình qua vệ tinh truyền sóng lần đầu của bất kỳ trạm phát hệ thống lần đầu nào liên kết với các trạm phát hệ thống tương tự, thì toà án có thể quyết định mức bồi thường thiệt hại không vượt quá $ 250.000 đối vối từng khoảng thời gian 6 tháng khi mà tiêu đề ký hiệu (biểu tượng) hoặc tập quán truyền sóng đã được thực hiện.

(C). Ngoại lệ đối với các đối tượng tiếp sóng trước: Đoạn (A) và (B) khi áp dụng đối với truyền sóng thứ cấp thông qua tổ chức truyền hình qua vệ tinh tới những người đã được tiếp truyền sóng thứ cấp này từ hệ thống vệ tinh đó hoặc từ một nhà phân phối trước ngày ban hành luật truyền sóng vệ tinh tới các máy thu đặt tại nhà năm 1988.

(6). Phân biệt đối xử bởi một tổ chức truyền hình qua vệ tinh: không trái với các qui định của Điểm (1), cố ý hoặc lặp lại truyền sóng thứ cấp tới công chúng thông qua một tổ chức truyền hình qua vệ tinh của truyền sóng đầu tiên thực hiện bởi một trạm chủ hoặc một trạm phát hệ thống mà thể hiện sự trình diễn hoặc  trình bầy một tác phẩm có thể bị khởi kiện như một hành vi xâm phạm theo Điều 501, và hoàn toàn thuộc đối tượng của các biện pháp thực thi qui định tại Điều 502 tới 506 và 509 nếu tổ chức truyền hình qua vệ tinh đó phân biệt đối xử bất hợp pháp chống lại một nhà phân phối  sóng.

(7). Giới hạn địa lý đối với truyền sóng thứ cấp: giấy phép bắt buộc thực hiện theo Điều này sẽ chỉ áp dụng đối với các sự truyền sóng thứ cấp tới khu vực các hộ gia đình trên phạm vi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

(b).  Giấy phép bắt buộc đối với sự truyền sóng thứ cấp cho việc thu cá nhân tại gia đình:

(1). Nộp tới cơ quan đăng ký bản quyền: Tổ chức truyền hình qua vệ tinh truyền sóng thứ cấp là đối tượng của giấy phép bắt buộc theo Điểm (a) trên cơ sở 2 lần một năm, sẽ nộp tới cơ quan đăng ký bản quyền tuân thủ theo các yêu cầu mà cơ quan này, sau khi tham khảo ý kiến của Thư viện Quốc hội, sẽ qui định.

(A). Bản quyết toán tài chính về khoảng thời gian 6 tháng trước chỉ rõ tên, địa điểm của tất cả các trạm chủ hoặc trạm phát hệ thống có các tín hiệu đã được truyền vào bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời gian đó tới các đối tượng tiếp sóng thường kỳ cho việc thu cá nhân tại các gia đình như đã qui định tại Điểm (a) (1) và (a) (2), tổng số đối tượng tiếp sóng thường kỳ đã thu sự truyền sóng đó và các số liệu khác mà Thư viện Quốc hội; và

(B). Tiền nhuận bút bản quyền cho khoảng thời gian 6 tháng được tính thông qua:

(i). Nhân tổng số đối tượng tiếp sóng thường kỳ tiếp truyền sóng thứ cấp của một trạm chủ  mỗi tháng theo lịch với 12 cents.

(ii). Nhân tổng số đối tượng tiếp sóng  truyền tiếp truyền sóng thứ cấp của một trạm phát hệ thống từng tháng theo lịch với 3 cents .

(iii). Cộng tổng số tiền được tính tại câu (i) và (ii).

(2). Đầu tư các khoản lệ phí: Cơ quan đăng ký bản quyền sẽ nhận tất cả các khoản lệ phí được nộp theo Điều này và sau khi trừ chi phí hợp lý phát sinh từ Cục Bản quyền theo Điều này (ngoài các chi phí được trừ theo Điều (4)  sẽ nộp số còn lại tại Cục dự trữ Liên bang theo cách thức mà ban thư ký của Cục này hướng dẫn. Tất cả các quỹ được lập bởi ban thư ký của cục này sẽ được đầu tư vào chứng khoán có lãi của thị trường chứng khoán để phân phối sau này với sự tham gia của Thư viện Quốc hội như đã qui định tại Điều luật này.

(3). Những người được phân phối các khoản lệ phí: Các khoản lệ phí nhuận bút được nộp theo Điểm (2), phù hợp với các thủ tục qui định tại Điểm (4) sẽ được phân phối tới các chủ sở hữu quyền tác giả có các tác phẩm được bao hàm trong truyền sóng thứ cấp cho việc thu cá nhân tại gia đình thực hiện thông qua tổ chức truyền hình qua vệ tinh trong khoảng thời gian quyết toán được áp dụng là 6 tháng và có đơn nêu yêu cầu tới Thư viện Quốc hội theo Điểm (4).

(4). Thủ tục phân phối: Các khoản chi phí nhuận bút được nộp theo Điểm (2) sẽ được phân phối theo các thủ tục sau:

(A). Nộp đơn yêu cầu đối với các khoản lệ phí: Vào tháng 7 hàng năm những người có yêu cầu về việc được hưởng các khoản lệ phí theo giấy phép bắt buộc đối với truyền sóng thứ cấp cho việc thu cá nhân tại gia đình, sẽ nộp đơn yêu cầu tới Thư viện Quốc hội phù hợp với các yêu cầu mà Thư viện sẽ qui định trong qui chế. Trong phạm vi của Điều này, bất kỳ người có yêu cầu nào có thể thảo thuận giữa họ với nhau về tỷ lệ phân chia các khoản lệ phí theo giấy phép bắt buộc, có thể kết hợp các yêu cầu của họ lại và nộp chung hoặc riêng lẻ hoặc có thể chỉ định người đại diện chung để nhận các khoản thanh toán thay mặt họ.

(B). Xác định bất đồng; phân phối: Sau ngày mùng một tháng tám hàng năm Thư viện Quốc hội sẽ xác định liệu có bất đồng tồn tại liên quan đến việc phân phối các khoản lệ phí nhuận bút hay không. Nếu Thư viện xác định là không tồn tại bất đồng như vậy thì sau khi khấu trừ đi các chi phí quản lý hợp lý theo Điểm này, cơ quan này sẽ phân phối các khoản lệ phí đó tới các chủ sở hữu quyền tác giả được quyền nhận chúng, hoặc là tới các đại diện được chỉ định của họ. Nếu Thư viện thấy là có bất đồng tồn tại thì theo qui định của Chương 8 Điều luật này, Thư viện sẽ chỉ triệu tập Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả để xác định việc phân phối các khoản lệ phí nhuận bút đó.

(C). Giữ lại các khoản lệ phí trong khi giải quyết bất đồng: Trong khi đang giải quyết bất kỳ các bước nào theo qui định tại Đoạn này, Thư viện Quốc hội sẽ giữ lại không phân phối khoản tiền để giải thích thoả đáng tất cả các khiếu nại liên quan tới bất đồng tồn tại, nhưng sẽ phải thận trọng trong việc tiến hành phân phối bất kỳ khoản tiền nào không thuộc diện bất đồng.

(c) Điều chỉnh mức lệ phí nhuận bút:

(1). Phạm vi áp dụng và mức lệ phí nhuận bút: Tỷ lệ lệ phí nhuận bút phải thanh toán theo Điểm (b) (1) (B). Sẽ có hiệu lực cho tới tháng 12/1992, trừ phi các khoản lệ phí nhuận bút được xác định theo Điểm (2), (3) và (4) của Khoản này; Sau ngày đó, lệ phí sẽ được xác định hoặc là theo các thủ tục thoả thuận tự nguyện qui định tại Điểm (2) hoặc là theo các thủ tục trọng tài bắt buộc qui định tại Điểm (3) và (4).

(2). Lệ phí được xác định thông qua thoả thuận tự nguyện:

(A). Thông báo bắt đầu các thủ tục: Vào hoặc trước ngày 1/7/1991, Thư viện Quốc hội sẽ đưa ra một thông báo, được công bố tại cơ quan đăng ký liên bang về sự bắt đầu có hiệu lực của các thủ tục thoả thuận tự nguyện cho mục đích quyết định lệ phí nhuận bút sẽ được thanh toán  bởi lệ phí vệ tinh theo Khoản (b) (1) (B).

(B). Các thoả thuận: Tổ chức truyền hình qua vệ tinh, các nhà phân phối và các chủ sở hữu quyền tác giả được quyền hưởng các khoản lệ phí nhuận bút theo Điều này sẽ thoả thuận một cách có thiện chí trong nỗ lực để đạt được một hoặc các thoả thuận tự nguyện về việc thanh toán các khoản lệ phí nhuận bút. Các tổ chức truyền hình qua vệ tinh, các nhà phân phối và các chủ sở hữu quyền tác giả có thể vào bất kỳ thời điểm nào thoả thuận và chấp thuận về mức lệ phí nhuận bút đó, và có thể chỉ định các đại diện chung để thoả thương chấp thuận việc thanh toán các khoản lệ phí đó. Nếu các bên không xác định được các đại diện chung, Thư viện Quốc hội sẽ chỉ định sau khi lấy ý kiến tham khảo của các bên đối với bước thoả thuận này. Đối với từng bước của thoả thuận, các bên tự chịu hoàn toàn các chi phí về các bước thoả thuận đó.

(C). Các thoả thuận ràng buộc các bên; nộp các thoả thuận: Các thoả thuận tự nguyện được giao kết vào bất kỳ thời điểm nào phù hợp với điểm này sẽ ràng buộc tất cả các tổ chức truyền hình qua vệ tinh, các nhà phân phối, các chủ sở hữu quyền tác giả là các bên của thoả thuận đó. Bản sao của các thoả thuận này được được nộp tới Cục Bản quyền tác giả trong vòng 30 ngày sau khi ký kết phù hợp với quy chế mà cơ quan đăng ký sẽ quy định.

(D). Thời hạn có hiệu lực của các thoả thuận: Nghĩa vụ thanh toán các khoản lệ phí nhuận bút xác định theo thoả thuận tự nguyện đã được nộp tới cơ quan đăng ký bản quyền theo quy định của Điểm này sẽ có hiệu lực vào ngày ghi trong thoả thuận và sẽ duy trì hiệu lực cho tới 31/12/1994.

(3). Mức lệ phí được xác lập thông qua trọng tài bắt buộc:

(A). Thông báo bắt đầu các thủ tục: Vào hoặc trước ngày 31/12/1991, Thư viện Quốc hội sẽ đưa ra một thông báo công bố tại cơ quan đăng ký Liên bang về việc bắt đầu các thủ tục trọng tài nhằm mục đích quyết định mức lệ phí nhuận bút hợp lý sẽ được thanh toán theo Khoản (b) (1) (B) của một tổ chức truyền hình qua vệ tinh không thuộc vào một bên của một thoả thuận tự nguyện được nộp tới Cục Bản quyền tác giả theo Điểm (2). Các bước thủ tục trọng tài này được quy định cụ thể ở Chương 8.

(B). Các nhân tố quyết định các khoản lệ phí nhuận bút: Về việc xác định các khoản lệ phí nhuận bút theo Đoạn  này, Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả được thành lập theo Chương 8 sẽ xem xét mức lệ phí trung bình phù hợp đối với một hệ thống truyền cáp về quyền truyền sóng thứ cấp tới công chúng truyền sóng lần đầu của một trạm phát sóng, giữa mức lệ phí được xác định theo bất kỳ một thoả thuận tự nguyện nào đã được nộp tại Cục Bản quyền tác giả theo quy định tại Điểm (2), và mức lệ phí đề nghị cuối cùng của các bên, trước khi tiến hành các thủ tục theo Đoạn này, đối với truyền sóng thứ cấp của một trạm phát chủ hoặc trạm phát hệ thống phục vụ cho việc thu xem cá nhân tại nhà. Mức lệ phí này cũng được tính toán nhằm đạt được các mục tiêu sau:

(i).    Nhằm tăng tối đa việc cung cấp các tác phẩm sáng tạo tới công chúng.

(ii). Tạo điều kiện cho người chủ sở hữu quyền tác giả sự đền bù xứng đáng đối với công việc sáng tạo của họ và đồng thời để cho người sử dụng quyền TG có một mức thu nhập hợp lý trong điều kiện kinh tế hiện tại.

(iii). Phản ánh được vai trò đáng kể của chủ sở hữu quyền tác giả và người sử dụng tác phẩm trong việc đưa sản phẩm tới công chúng thông qua đóng góp sáng tạo, đóng góp về công nghệ, đóng góp về vốn, chi phí, rủi ro, và đóng góp vào việc mở ra một thị trường mới về sự thể hiện sáng tạo và phương tiện truyền thông trong thông tin.

(iv). Giảm một cách tối đa bất kỳ nhân tố hủy hoại nào ảnh hưởng tới cơ cấu các ngành công nghiệp và nói chung kìm hãm các hoạt động công nghiệp.

(C). Thời hạn có hiệu lực của quyết định Ban trọng tài hoặc quyết định của Thư viện: Nghĩa vụ thanh toán các khoản lệ phí nhuận bút được xác định theo quyết định mà:

(i). Được đưa ra bởi Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả tiến hành theo thủ tục trọng tài quy định tai Điểm này và được phê chuẩn bởi Thư viện Quốc hội quy định tại Điều 802(f), hoặc

(ii). Được xác định bởi Thư viện Quốc hội theo Điều 802 (f), sẽ bắt dầu hiệu lực theo quy định tại Điều 802(g).

(D). Chủ thể thuộc đối tượng áp dụng mức lệ phí nhuận bút: Mức lệ phí nhuận bút quy định tại Đoạn (C) sẽ ràng buộc tất các các tổ chức truyền hình qua vệ tinh, các nhà phân phối, và các chủ sở hữu quyền tác giả không thuộc một trong các bên của một thoả thuận tự nguyện được nộp tới Cục Bản quyền tác giả theo Điểm (2).

(d).  Thuật ngữ: được sử dụng trong Điều này:

(1). Nhà phân phối: Thuật ngữ “nhà phân phối” có nghĩa là một pháp nhân có ký kết hợp đồng phân phối truyền sóng thứ cấp từ tổ chức truyền hình qua vệ tinh, và hoặc là theo một kênh riêng biệt hoặc là kết hợp với các chương trình khác, cung cấp truyền sóng thứ cấp hoặc là trực tiếp tới các đối tượng tiếp sóng thường kỳ riêng biệt phục vụ việc thu xem cá nhân tại nhà hoặc là gián tiếp thông qua các pháp nhân phân phối chương trình khác.

(2). Trạm phát hệ thống: Thuật ngữ “trạm phát hệ thống” có nghĩa như quy định tại Điều 111(f) của Điều luật này, và bao gồm bất kỳ trạm chung chuyển hoặc trạm chuyển tiếp vệ tinh đặt trên mặt đất nào tái phát toàn bộ hoặc phần trọng yếu của tất các các chương trình phát sóng của một trạm phát hệ thống.

(3). Trạm phát hệ thống lần đầu: Thuật ngữ “trạm phát hệ thống lần đầu” có nghĩa là trạm phát hệ thống mà phát sóng hoặc tái phát sóng dịch vụ chương trình cơ sở của một hệ thống quốc gia cụ thể.

(4). Truyền sóng lần đầu: Thuật ngữ “truyền sóng lần đầu” có nghĩa như quy định tại Điều 111(f) của Điều luật này.

(5). Thu xem tại nhà: thuật ngữ “thu xem tại nhà” có nghĩa là việc thu xem, phục vụ cho sử dụng cá nhân tại khu vực hộ gia đình thông qua phương tiện thiết bị tiếp sóng qua vệ tinh được hoạt động bởi một thành viên trong gia đình và chỉ phục vụ cho gia đình đó, truyền sóng thứ cấp được truyền thông qua một tổ chức truyền hình qua vệ tinh truyền sóng lần đầu của một trạm phát sóng truyền hình được cấp phép của Uỷ ban truyền thông Liên bang.

(6). Tổ chức truyền hình qua vệ tinh: Thuật ngữ “tổ chức truyền hình qua vệ tinh” có nghĩa là một pháp nhân mà sử dụng các thiết bị vệ tinh của mình hoặc vệ tinh dịch vụ được cấp phép bởi Uỷ ban truyền thông Liên bang, để thiết lập và điều hành kênh truyền thông cho một tới nhiều điểm phân phối các tín hiệu của một trạm truyền hình, và pháp nhân này sở hữu hoặc thuê mua thiết bị hoặc dịch vụ thông qua vệ tinh nhằm mục đích cung cấp cho một tới nhiều điểm phân phối, ngoại trừ trường hợp mà pháp nhân đó cung cấp sự phân phối này theo mức quy định của Luật truyền thông năm 1934, không phải phân phối cho việc thu xem cá nhân tại nhà.

(7). Truyền sóng thứ cấp: Thuật ngữ “truyền sóng thứ cấp” có nghĩa như quy định tại Điều 111(f) của Điều luật này.

(8). Đối tượng tiếp sóng thường kỳ: Thuật ngữ “đối tượng tiếp sóng thường kỳ” có nghĩa là các cá nhân thu truyền sóng thứ cấp để xem tại nhà thông qua phương tiện truyền sóng thứ cấp của một tổ chức truyền hình qua vệ tinh và thanh toán lệ phí cho dịch vụ đó trực tiếp hoặc gián tiếp tới tổ chức truyền hình qua vệ tinh hoặc tới nhà phân phối.

(9). Trạm phát chủ: Thuật ngữ “trạm phát chủ” có nghĩa là trạm phát sóng truyền hình không phải là một trạm phát hệ thống, được cấp phép bởi Uỷ ban truyền thông Liên bang đối với việc truyền sóng thứ cấp qua vệ tinh.

(10). Hộ gia đình ngoài vùng phục vụ: thuật ngữ “hộ gia đình ngoài vùng phục vụ” đối với một hệ thống truyền hình cụ thể, có nghĩa là hộ gia đình mà:

(A). Không thể thu được tín hiệu truyền sóng không gian cường độ loại B (như quy định của Uỷ ban truyền thông Liên bang) của một trạm phát hệ thống lần đầu liên kết với trạm phát sóng này thông qua việc sử dụng Ăng ten thu sóng đặt trên nóc nhà, và

(B). Trong vòng 90 ngày trước ngày mà hộ gia đình đặt tiếp sóng thường kỳ này lần đầu hoặc đặt tiếp việc thu xem truyền sóng thứ cấp thông qua tổ chức truyền hình qua vệ tinh của một trạm phát hệ thống liên kết với trạm phát hệ thống này, đã không đặt hệ thống truyền cáp cung cấp các tín hiệu của trạm phát hệ thống lần đầu liên kết với trạm phát hệ thống này.

(e).  Quy định đặc biệt của Điều này đối với truyền sóng thứ cấp của các trạm phát sóng thông qua vệ tinh tới công chúng: Không một quy định nào tại Điều 111 của Điều luật này hoặc quy định của bất kỳ luật nào khác (ngoài quy định của Điều luật này) sẽ được giải thích với nội dung là bất kỳ sự cho phép, miễn trừ, hoặc cấp phép nào mà theo đó truyền sóng thứ cấp thông qua vệ tinh tới các máy thu đặt tại nhà chương trình bao gồm truyền sóng lần đầu được thực hiện bởi một trạm phát sóng hệ thống có thể được tiến hành mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả các tác phẩm bao hàm trong chương trình đó.

Điều 120: Phạm vi quyền độc quyền đối với tác phẩm kiến trúc:

(a).  Các trình bầy hình ảnh được phép: Quyền tác giả đối với một tác phẩm kiến trúc mà đã được xây dựng không bao gồm quyền ngăn cấm việc tạo ra, phân phối, trình bầy tranh, hoạ, ảnh, hoặc các trình bầy hình ảnh khác của tác phẩm, nếu công trình mà trên đó biểu hiện tác phẩm được đặt trong, hoặc trong tầm nhìn từ, một nơi công cộng.

(b).  Sửa đổi và dỡ bỏ công trình xây dựng: Không trái với các quy định của Điều 106(2), chủ sở hữu công trình thể hiện một tác phẩm kiến trúc có thể, không cần sự cho phép của tác giả hoặc chủ chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm kiến trúc đó, thực hiện hoặc cho phép thực hiện sự sửa đổi đối với công trình này, và dỡ bỏ hoặc cho phép phá hủy công trình này.

Điều 121: Hạn chế quyền độc quyền: tái bản cho người mù hoặc những người tàn tật khác

(a).  Không trái với các quy định của Điều 106 và 710, sẽ không phải là hành vi xâm phạm quyền tác giả nếu một pháp nhân được phép tái bản hoặc phân phối các bản sao hoặc bản ghi của các tác phẩm đã được công bố, các tác phẩm văn học phi kịch nghệ nếu các bản sao hoặc bản ghi đã được tái bản hoặc phân phối dưới hình thức đặc biệt duy nhất là để phục vụ cho sử dụng của người mù hoặc những người tàn tật khác.

(b).

(1). Các bản sao hoặc bản ghi được áp dụng theo Điều này sẽ:

(A). Không được tái bản hoặc phân phối dưới một hình thức nào khác hơn là dưới hình thức đặc biệt duy nhất là phục vụ cho sử dụng của người mù hoặc những người tàn tật khác.

(B). Mang thông báo là bất kỳ việc tái bản hoặc phân phối dưới hình thức nào khác dưới hình thức đặc biệt là hành vi xâm phạm; và

(C). Bao gồm ký hiệu về bản quyền xác định rõ chủ sở hữu quyền tác giả và ngày công bố gốc của tác phẩm.

(2). Các quy định của Khoản này sẽ không áp dụng đối với các bài thi tiêu chuẩn hoá, kiểm tra trình độ hoặc kiểm tra thử và các tài liệu liên quan đến chúng, hoặc không áp dụng đối với chương trình máy tính, ngoại trừ một phần của chương trình này là ngôn ngữ thông dụng của con người (bao gồm cả các mô tả về tác phẩm tạo hình) và được trình bầy cho người sử dụng trong một khoá học thông thường về sử dụng chương trình máy tính đó.

(c).  Trong phạm vi điều này, thuật ngữ:

(1). “Pháp nhân được phép” có nghĩa là một tổ chức phi lợi nhuận hoặc cơ quan nhà nước có nhiệm vụ chủ yếu là cung cấp các dịch vụ đặc biệt về giáo dục, đào tạo, xoá mù chữ hoặc nhu cầu tiếp cận thông tin của người mù hoặc những người tàn tật khác;

(2). “Người mù hoặc những người tàn tật khác” có nghĩa là những cá nhân mà có đủ điều kiện hoăc người mà có thể xác định theo Luật có tên là “Luật cung cấp sách cho người mù lớn tuổi” thông qua 3/3/1931 (2 U.S.C. 135a; 46 Stat.1487) để nhận sách hoặc các ấn phẩm được sản xuất dưới hình thức đặc biệt; và

(3). “Các hình thức đặc biệt” có nghĩa là dưới hình thức chữ nổi, âm thanh, văn bản dưới dạng kỹ thuật số mà chỉ để phục vụ cho sử dụng của người mù hoặc những người khuyết tật khác.


Chương 2

Chủ sở hữu quyền tác giả
và chuyển nhượng quyền tác giả

Điều

201.     Chủ sở hữu quyền tác giả

202.     Chủ sở hữu quyền tác giả độc lập với chủ sở hữu đối tượng vật chất thể hiện của tác phẩm.

203.     Chấm dứt sự chuyển nhượng và giấy phép đã được tác giả cấp

204.     Thực hiện chuyển nhượng quyền sở hữu quyền tác giả

205.     Đăng ký chuyển nhượng các các tài liệu khác

Điều 201: Chủ sở hữu quyền tác giả

(a).  Chủ sở hữu gốc: Quyền tác giả đối với tác phẩm được bảo hộ theo Điều luật này trước hết thuộc về tác giả hoặc những tác giả của tác phẩm. Các tác giả của một tác phẩm đồng tác giả là những đồng sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm.

(b).  Tác phẩm được tạo ra do thuê mướn: đối với tác phẩm được tạo ra do thuê mướn, người sử dụng lao động hoặc những người khác mà đối với những người này tác phẩm được sáng tạo cho họ thì được coi là tác giả trong phạm vi Điều luật này, và, trừ phi các bên có thoả thuận rõ ràng khác bằng văn bản đã được ký, những người đó sở hữu tất cả các quyền thuộc quyền tác giả tác phẩm.

(c).  Tác phẩm trong một tác phẩm hợp tuyển: quyền tác giả tác phẩm của từng tác phẩm riêng biệt trong một tác phẩm hợp tuyển là độc lập với quyền tác giả tác phẩm hợp tuyển như một tổng thể, và trước hết thuộc về các tác giả của các tác phẩm riêng biệt đó. Nếu không có sự chuyển nhượng rõ ràng quyền tác giả tác phẩm hoặc bất kỳ quyền nào thuộc quyền tác giả tác phẩm, thì chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm hợp tuyển chỉ giành được quyền nhân bản và phân phối tác phẩm riêng biệt trong hợp tuyển như là một phần của tác phẩm hợp tuyển đó, bất kỳ sự sửa đổi nào tác phẩm hợp tuyển đó, và bất kỳ sự tuyển tập nào tiếp theo trong cùng một chủng loại.

(d).  Chuyển nhượng sở hữu:

(1). Chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm có thể chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần quyền tác giả thông qua bất kỳ một phương thức chuyển nhượng nào hoặc thông qua pháp luật hiện hành và có thể được di chúc lại theo ý chí hoặc được để lại như tài sản cá nhân theo luật áp dụng đối với việc hưởng di sản thừa kế không theo di chúc.

(2). Bất kỳ quyền độc quyền nào thuộc quyền tác giả tác phẩm, bao hàm bất kỳ phần chia nhỏ nào thuộc bất kỳ quyền nào quy định tại Điều 106, có thể được chuyển nhượng như theo quy định tại Điểm (1) và sở hữu chúng một cách độc lập. Chủ sở hữu bất kỳ quyền riêng biệt cụ thể nào được hưởng trong phạm vi quyền đó tất cả sự bảo hộ và các biện pháp thi hành dành cho chủ sở hữu quyền tác giả theo Điều này.

(e).  Chuyển nhượng ngoài ý muốn: Khi quyền sở hữu quyền tác giả tác phẩm của cá nhân tác giả hoặc bất kỳ quyền riêng biệt nào thuộc quyền tác giả tác phẩm, đã không được tự nguyện chuyển nhượng trước đây bởi cá nhân tác giả đó, thì không một hành vi nào của bất kỳ cơ quan nhà nước hoặc các cơ quan Chính Phủ khác nào hoặc các tổ chức nhằm mục đích giành được hoặc chiếm đoạt, chuyển nhượng, hoặc thực hiện bất kỳ quyền nào của chủ sở hữu đối với quyền tác giả tác phẩm hoặc bất kỳ quyền độc quyền nào thuộc quyền tác giả tác phẩm, sẽ có hiệu lực theo Điều luật này, ngoại trừ theo quy định tại Điều luật số 11.

Điều 202: Quyền sở hữu quyền tác giả phẩm là độc lập với quyền sở hữu đối tượng vật chất thể hiện tác phẩm:

Quyền sở hữu quyền tác giả tác phẩm, hoặc bất kỳ quyền độc quyền nào thuộc quyền tác giả tác phẩm là độc lập với quyền sở hữu bất kỳ đối tượng vật chất thể hiện nào mà trên đối tượng vật chất đó tác phẩm được thể hiện. Chuyển nhượng quyền sở hữu bất kỳ đối tượng vật chất thể hiện tác phẩm nào kể cả bản sao hoặc bản ghi mà trên các đối tượng vật chất này tác phẩm được định hình lần đầu, bản thân nó không bao hàm việc chuyển nhượng quyền sở hữu bất kỳ quyền nào đối với tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả đã thể hiện trên đối tượng vật chất đó; cũng như trong trường hợp không có thoả thuận, chuyển nhượng quyền sở hữu quyền tác giả tác phẩm hoặc bất kỳ quyền độc quyền nào thuộc quyền tác giả tác phẩm cũng không bao hàm việc chuyển nhượng các quyền sở hữu tài sản đối với bất kỳ đối tượng vật chất đã thể hiện tác phẩm nào.

Điều 203: Chấm dứt chuyển nhượng và cấp phép mà đã được tác giả thực hiện:

(a).  Điều kiện đối với sự chấm dứt: Đối với bất kỳ tác phẩm nào không phải là tác phẩm được làm do thuê mướn, chuyển nhượng hoặc cấp phép quyền độc quyền hoặc không độc quyền quyền tác giả tác phẩm hoăc bất kỳ quyền nào thuộc quyền tác giả tác phẩm được thực hiện bởi tác giả vào ngày hoặc sau ngày 1/1/1978, trừ trường hợp theo thừa kế, thuộc đối tượng chấm dứt thời hạn theo những điều kiện sau:

(1). Trong trường hợp sự cấp quyền đó được thực hiện bởi một tác giả thì việc chấm dứt sự cấp quyền này có thể có hiệu lực bởi tác giả đó hoặc nếu tác giả này chết, bởi người hoặc những người mà theo Điểm (2) của Khoản này sở hữu hoặc được hưởng quyền thực hiện quyền của mình đối với lợi ích từ sự chấm dứt của tác giả đó có tổng số trên 50%. Trong trường hợp sự cấp quyền được thực hiện bởi hai hoặc nhiều tác giả của một tác phẩm đồng tác giả, việc chấm dứt cấp quyền này có thể có hiệu lực bởi đa số tác giả đã thực hiện sự cấp quyền đó; nếu bất kỳ tác giả nào chết thì lợi ích từ sự chấm dứt của bất kỳ tác giả nào có thể được thực hiện theo phần bởi người hoặc những người mà theo Điểm (2) của Khoản này sở hữu hoặc được hưởng quyền thực hiện quyền của mình đối với lợi ích từ sự chấm dứt của tác giả đó có tổng số trên 50%.

(2). Khi một tác giả chết, lợi ích từ sự chấm dứt của tác giả được sở hữu hoặc có thể được thực hiện bởi người vợ hoặc chồng goá hoặc con cái hoặc cháu chắt của họ theo quy định sau:

(A). Người vợ hoặc chồng goá sở hữu toàn bộ lợi ích từ sự chấm dứt của tác giả đó trừ phi có bất kỳ một người con cái hoặc cháu chắt nào của tác giả còn sống, và trong trường hợp này thì người vợ hoặc chồng goá sở hữu 50 % lợi ích của tác giả;

(B). Con cái còn sống của tác giả, và con cái còn sống của những người con đã chết của tác giả sở hữu toàn bộ lợi ích từ sự chấm dứt của tác giả trừ phi có người vợ hoặc chồng goá của tác giả, và trong trường hợp này thì quyền sở hữu 50 % lợi ích của tác giả và được chia giữa họ với nhau;

(C). Các quyền của con cái và cháu chắt của tác giả trong tất cả các trường hợp được phân chia giữa họ với nhau và được thực hiện theo tỷ lệ trên cơ sở thuỳ thuộc vào số con cháu của tác giả được đại diện; phần của người con đã chết của tác giả trong lợi ích từ sự chấm dứt có thể chỉ được thực hiện thông qua hành vi của đa số người con của người đó.

(3). Sự chấm dứt cấp quyền có thể có hiệu lực vào bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời gian 5 năm bắt đầu từ cuối của năm thứ 35 kể từ ngày thực hiện sự cấp quyền đó; hoặc, nếu sự cấp quyền bao hàm của quyền công bố tác phẩm, khoảng thời gian này bắt đầu từ cuối năm thứ 35 kể từ ngày công bố tác phẩm theo sự cấp quyền hoặc bắt đầu từ cuối năm thứ 40 kể từ ngày thực hiện sự cấp quyền, tuỳ thuộc và thời hạn nào kết thúc trước.

(4). Sự chấm dứt này sẽ có hiệu lực thông qua việc gửi trước một thông báo bằng văn bản được ký bởi số người hoặc tỷ lệ người được hưởng lợi ích từ sự chấm dứt theo quy định của Điểm (1)&(2) của Khoản này hoặc thông qua các đại diện được uỷ nhiệm toàn quyền, tới người được cấp quyền hoặc những người kế vị hợp pháp của người được cấp quyền.

(A). Thông báo này sẽ tuyên bố ngày có hiệu lực của sự chấm dứt cấp quyền mà sẽ rơi vào khoảng thời gian 5 năm như quy định tại Đoạn (3) của Điểm này và thông báo này sẽ được gửi trước 10 năm nhưng không được sau 2 năm trước ngày đó. Bản sao của thông báo sẽ được đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả trước ngày có hiệu lực của sự chấm dứt như là điều kiện đối với việc có hiệu lực.

(B). Thông báo sẽ tuân theo hình thức, nội dung và cách thức gửi như những yêu cầu mà cơ quan đăng ký quyền tác giả sẽ quy định trong quy chế.

(5). Chấm dứt sự cấp quyền có thể có hiệu lực không phụ thuộc vào bất kỳ thoả thuận nào trái ngược kể cả thoả thuận về việc làm di chúc hoặc thực hiện bất kỳ một sự cấp quyền nào trong tương lai.

(b). Hiệu lực của sự chấm dứt: Vào ngày sự chấm dứt có hiệu lực, tất cả các quyền mà theo sự cấp quyền này bao hàm thông qua sự cấp quyền bị chấm dứt sẽ lại thuộc về tác giả, những tác giả và những người khác sở hữu lợi ích từ sự chấm dứt theo Điểm (1)&(2) của Khoản (a), bao hàm cả những người chủ sở hữu không cùng ký vào thông báo về sự chấm dứt theo Điểm (4) của Khoản (a), nhưng với những hạn chế sau:

(1). Tác phẩm phái sinh được sáng tạo theo sự cho phép của sự cấp quyền trước khi sự cấp quyền này chấm dứt có thể tiếp tục được sử dụng theo các Điều khoản của sự cấp quyền sau khi sự cấp quyền này chấm dứt, nhưng đặc quyền này không được mở rộng đối với việc sáng tạo các tác phẩm phái sinh khác dựa trên tác phẩm được bảo hộ bao hàm trong sự cấp quyền đó sau khi sự cấp quyền này chấm dứt.

(2). Các quyền trong tương lai sẽ trở lại theo sự chấm dứt cấp quyền bắt đầu tùy thuộc vào ngày thông báo về sự chấm dứt đã được gửi đi như quy định tại Điểm (4) của Khoản (a). Các quyền này thuộc về tác giả, những tác giả và những người khác có tên trong, và có tỷ phần lợi ích theo quy định tại Điểm (1)&(2) của Khoản này.

(3). Tuỳ thuộc vào các quy định tại Điểm (4) của Khoản này, sự cấp quyền tiếp theo, hoặc thoả thuận để thực hiện cấp quyền tiếp theo bất kỳ quyền nào bao hàm trong sự cấp quyền đã chấm dứt chỉ có hiệu lực nếu nó được ký bởi cùng một số lượng và tỷ lệ chủ sở hữu như được yêu cầu đối với việc chấm dứt cấp quyền theo Điểm (1)&(2) của Khoản (a) mà đối với những người này quyền đó thuộc về họ theo quy định của Điểm (2) của Khoản này. Sự cấp quyền tiếp theo hoặc thoả thuận để thực hiện cấp quyền tiếp theo sẽ có hiệu lực đối với tất cả những người mà đối với những người này quyền bao hàm trong sự cấp quyền thuộc về họ theo Điểm (2) của Khoản này, kể cả những người mà không cùng ký vào sự cấp quyền. Nếu bất kỳ người nào chết sau khi các quyền theo sự cấp quyền đã chấm dứt thuộc về người này thì người đại diện hợp pháp, người thừa hưởng hoặc người thừa kế theo Luật của người này sẽ đại diện cho người đó thực hiện theo quy định của Điểm này.

(4). Sự cấp quyền tiếp theo hoặc thoả thuận để thực hiện cấp quyền tiếp theo bất kỳ quyền nào bao hàm trong sự cấp quyền đã chấm dứt chỉ có hiệu lực nếu nó được thực hiện sau ngày chấm dứt có hiệu lực. Tuy nhiên, ngoại trừ thoả thuận đối với sự cấp quyền tiếp theo có thể được thực hiện giữa những người theo quy định của Điểm (3) của Khoản này và người được cấp quyền gốc hoặc những người thừa kế của người này, sau khi thông báo về sự chấm dứt đã được gửi theo quy định của Điểm (4) của Khoản (a).

(5). Chấm dứt cấp quyền theo Khoản này chỉ có hiệu lực đối với những quyền bao hàm trong sự cấp quyền đó phát sinh theo Điều luật này và không ảnh hưởng tới các quyền phát sinh theo bất kỳ Luật của liên bang, các Bang hoặc của nước nào khác.

(6). Trừ phi và cho tới khi sự chấm dứt có hiệu lực theo Điểm này việc cấp quyền, nếu không có quy định khác, tiếp tục có hiệu lực trong thời hạn bảo hộ quyền tác giả theo quy định của Điều luật này.

Điều 204: Thực hiện chuyển nhượng quyền sở hữu quyền tác giả:

(a).  Chuyển nhượng quyền sở hữu quyền tác giả ngoài các quy định khác của pháp luật hiện hành, sẽ không có hiệu lực trừ phi hợp đồng về sự chuyển nhượng hoặc biên bản ghi nhớ về sự chuyển nhượng được làm bằng văn bản và được ký bởi chủ sở hữu các quyền bao hàm trong sự chuyển nhượng đó hoặc các đại diện được uỷ quyền hợp pháp của người chủ sở hữu này.

(b).  Chứng chỉ xác nhận không phải là yêu cầu đối với việc có hiệu lực của sự chuyển nhượng nhưng là chứng cớ hiển nhiên của việc thi hành chuyển nhượng nếu:

(1). Đối với những trường hợp chuyển nhượng được thực hiện tại Hoa Kỳ, chứng chỉ được ban hành bởi một người có thẩm quyền đã tuyên thệ tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ; hoặc

(2). Đối với những trường hợp chuyển nhượng được thực hiện tại nước ngoài, chứng chỉ được ban hành bởi một công chức ngoại giao hoặc lãnh sự của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc bởi người có thẩm quyền đã tuyên thệ mà thẩm quyền này được phê chuẩn thông qua một xác nhận của công chức đó.

Điều 205: Chứng nhận chuyển nhượng và các tài liệu:

(a).  Điều kiện đối với việc chứng nhận: Bất kỳ sự chuyển nhượng quyền sở hữu quyền tác giả nào hoăc bất kỳ các tài liệu nào khác thuộc về quyền tác giả có thể được xác nhận tại Cục Bản quyền tác giả nếu các tài liệu này được nộp để xác nhận có chữ ký chuẩn của người thực hiện chuyển nhượng, hoặc nếu các tài liệu này được gửi kèm theo cam đoan hoặc công chứng rằng đó là bản sao thực của của các tài liệu đã được ký đó.

(b).  Chứng chỉ chứng nhận: Cơ quan đăng ký, sau khi nhận tài liệu như quy định tại Khoản (a) và khoản lệ phí quy định tại Điều 708, chứng nhận vào tài liệu đó và trả lại chúng cùng với chứng chỉ chứng nhận.

(c).  Chứng nhận như một thông báo hữu ích: Chứng nhận tài liệu tại Cục Bản quyền tác giả sẽ trao cho tất cả mọi người một thông báo hữu ích về sự kiện được tuyên bố trong tài liệu được chứng nhận, nhưng chỉ khi:

(1). Tài liệu và các giấy tờ kèm theo chúng đặc biệt mô tả những gì thuộc về tác phẩm, sau khi tài liệu này được đóng thêm phụ lục bởi Cục Bản quyền tác giả để có thể được tìm thấy thông qua việc tra cứu hợp lý theo tiêu đề hoặc số đăng ký tác phẩm; và

(2). Việc đăng ký được thực hiện đối với tác phẩm.

(d).  Quyền ưu tiên trong những trường hợp chuyển nhượng có xung đột: Giữa hai trường hợp chuyển nhượng có xung đột, trường hợp chuyển nhượng được thực hiện có ưu tiên trước nhất nếu trường hợp này đã được chứng nhận theo cách thức yêu cầu để đưa ra thông báo hữu ích như quy định tại Khoản (c), trong vòng một tháng sau khi thi hành việc chuyển nhượng này tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc trong vòng 2 tháng sau khi thi hành việc chuyển nhượng này ở ngoài Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, hoặc vào bất kỳ thời điểm nào trước khi chứng nhận theo cách thức yêu cầu này của chuyển nhượng sau. Ngược lại, việc chuyển nhượng sau được ưu tiên nếu được chứng nhận trước nhất theo cách thức yêu cầu này, và nếu được thực hiện một cách hữu lý, về sự đền bù thoả đáng hoặc trên cơ sở ràng buộc lời hứa trả tiền nhuận bút, và không có thông báo của việc chuyển nhượng trước.

(e).  Quyền ưu tiên trong những trường hợp xung đột chuyển nhượng quyền sở hữu và giấy phép không độc quyền: Giấy phép không độc quyền, không phụ thuộc vào việc có được chứng nhận hay không, sẽ giành được quyền ưu tiên trước trường hợp xung đột chuyển nhượng quyền sở hữu quyền tác giả nếu giấy phép này có bằng chứng là văn bản viết được ký bởi chủ sở hữu của các quyền được cấp phép hoặc đại diện được uỷ nhiệm toàn quyền của chủ sở hữu này, và nếu:

(1). Giấy phép này đã được cấp trước khi thi hành sự chuyển nhượng; hoặc

(2). Giấy phép này được cấp một cách hữu lý trước khi chứng nhận chuyển nhượng và không có thông báo về sự chuyển nhượng đó.


Chương 3

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

Điều

301.     Quyền ưu tiên đối với các Luật khác

302.     Thời hạn bảo hộ quyền tác giả: tác phẩm được sáng tạo vào hoặc sau ngày 1/1/1978

303.     Thời hạn bảo hộ quyền tác giả: tác phẩm được sáng tạo nhưng không công bố hoặc được bảo hộ trước ngày 1/1/1978

304.     Thời hạn bảo hộ quyền tác giả: các quyền tác giả còn tồn tại

305.     Thời hạn bảo hộ quyền tác giả: ngày kết thúc bảo hộ

Điều 301: Quyền ưu tiên đối với các Luật khác:

(a).  Vào hoặc sau ngày 1/1/1978, tất cả các quyền hợp pháp hoặc hợp lý mà tương đương với bất kỳ các quyền độc quyền nào thuộc phạm vi điều chỉnh chung của quyền tác giả như quy định tại Điều 106 đối với những tác phẩm của tác giả mà được định hình dưới một dạng vật chất thể hiện hữu hình và thuộc đối tượng bảo hộ quyền tác giả như quy định tại Điều 102 và 103, không phụ thuộc vào việc được sáng tạo trước hoặc sau ngày này và không phụ thuộc vào việc đã công bố hoặc chưa công bố, được điều chỉnh hoàn toàn thông qua Điều luật này. Do vậy, không một người nào được hưởng bất kỳ quyền hợp pháp hoặc hợp lý nào đối với bất kỳ tác phẩm nào theo Luật thông lệ hoặc theo Luật của bất kỳ một Bang nào.

(b).  Không một quy định nào trong Điều luật này bãi bỏ hoặc giới hạn bất kỳ một quyền hoặc biện pháp thi hành nào theo Luật thông lệ hoặc Luật của bất kỳ Bang nào đối với:

(1). Đối tượng điều chỉnh mà không thuộc đối tượng bảo hộ quyền tác giả như quy định tại Điều 102 và 103, bao gồm các tác phẩm của tác giả không được định hình dưới bất kỳ dạng vật chất thể hiện hữu hình nào; hoặc

(2). Bất kỳ một nguyên nhân khởi kiện nào phát sinh từ một cam kết nào bắt đầu trước ngày 1/1/1978.

(3). Các hành vi xâm phạm các quyền hợp pháp hoặc hợp lý mà không tương đương với bất kỳ một quyền độc quyền nào thuộc phạm vi chung của quyền tác giả như quy định tại Điều 106; hoặc

(4). Ranh giới bang và địa phương, bảo tồn lịch sử, các mã hiệu khu vực, công trình liên quan đến tác phẩm kiến trúc được bảo hộ theo Điều 102 (a)(8).

(c).  Đối với các bản ghi âm đã được ghi trước ngày 15/2/1972, bất kỳ quyền hoặc các biện pháp thực thi nào theo Luật thông lệ hoặc theo Luật của các Bang sẽ không bị bãi bỏ hoặc hạn chế theo Điều luật này cho tới ngày 15/2/2047. Các quy định về quyền ưu tiên áp dụng luật tại Khoản (a) sẽ áp dụng đối với bất kỳ các quyền hoặc các biện pháp thực thi nào thuộc bất kỳ trường hợp nào có hành vi phát sinh từ cam kết bắt đầu vào hoặc sau ngày 14/2/2047. Không trái với quy định tại Điều 303, không một bản ghi âm nào đã được ghi trước ngày 15/2/1972 sẽ phụ thuộc vào quy định về quyền tác giả theo Điều luật này trước, vào hoặc sau ngày 15/2/2047.

(d).  Không một quy định nào trong Điều luật này bãi bỏ hoặc hạn chế bất kỳ một quyền hoặc các biện pháp thực thi nào theo bất kỳ một Quy chế Liên bang nào khác.

(e).  Phạm vi quyền ưu tiên áp dụng luật Liên bang theo Điều này không có hiệu lực thông qua việc gia nhập của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ vào Công ước BERNE hoặc hoàn thành các nghĩa vụ của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ theo Công ước đó.

(f).

(1). Vào hoặc sau ngày có hiệu lực quy định tại Điều 610(a) của Luật về các quyền đối với tác phẩm nghệ thuật tạo hình năm 1990, tất cả các quyền hợp pháp hoặc hợp lý mà tương đương bất kỳ quyền nào nêu tại Điều 106A về các tác phẩm nghệ thuật tạo hình mà đối với các tác phẩm này các quyền nêu tại Điều 106A áp dụng, chỉ được điều chỉnh bởi Điều 106A và Điều 113(d) và các quy định của Điều luật này có liên quan đến các Điều đó. Do đó, không một người nào được hưởng bất kỳ quyền đó hoặc quyền tương đương đối với bất kỳ tác phẩm nghệ thuật tạo hình theo Luật thông lệ hoặc Luật của bất kỳ Bang nào.

(2). Không điều gì của Điểm (1) bãi bỏ hoặc hạn chế bất kỳ quyền hoặc các biện pháp thực thi nào theo Luật thông lệ hoặc Luật của các Bang đối với:

(A). Bất kỳ vụ việc nào mà hành vi phát sinh từ những cam kết bắt đầu trước ngày có hiệu lực quy định tại Điều 610(a) của Luật về các quyền đối với tác phẩm nghệ thuật tạo hình năm 1990;

(B). Các hành vi xâm phạm các quyền hợp pháp hoặc hợp lý nào mà không tương đương với bất kỳ quyền nào nêu tại Điều 106A về tác phẩm nghệ thuật tạo hình; hoặc

(C). Các hành vi xâm phạm các quyền hợp pháp hoặc hợp lý mà mở rộng quá cuộc đời của tác giả.

Điều 302: Thời hạn bảo hộ: các tác phẩm được sáng tạo vào hoặc sau ngày 1/1/1978.

(a).  Quy định chung: quyền tác giả đối với tác phẩm được sáng tạo vào hoặc sau ngày 1/1/1978, tồn tại từ ngày tác phẩm được sáng tạo và , ngoại trừ trường hợp quy định tại các Khoản tiếp theo, kéo dài một thời hạn là cả cuộc đời của tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết.

(b). Các tác phẩm đồng tác giả: trong trường hợp tác phẩm đồng tác giả được sáng tạo bởi hai hay nhiều tác giả mà không thuộc trường hợp sáng tạo tác phẩm do thuê mướn, quyền tác giả kéo dài một thời hạn là cả cuộc đời của tác giả cuối cùng còn sống và 50 năm sau khi tác giả còn sống cuối cùng đó chết.

(c). Tác phẩm khuyết danh, ký danh và sáng tạo do thuê mướn: đối với các tác phẩm khuyết danh, ký danh hoặc sáng tạo do thuê mướn, quyền tác giả kéo dài một thời hạn là 70 năm kể từ năm công bố lần đầu của tác phẩm, hoặc một thời hạn là 100 năm kể từ năm sáng tạo tác phẩm, tuỳ thuộc vào thời hạn nào kết thúc trước. Nếu trước khi kết thúc các thời hạn đó mà xác định được một hoặc nhiều tác giả của tác phẩm khuyết danh, ký danh được phát hiện theo tờ khai đăng ký được thực hiện đối với tác phẩm đó theo Khoản (a) hoặc (d) của Điều 408, hoặc theo hồ sơ quy định tại Điểm này, quyền tác giả đối với tác phẩm sẽ kéo dài một thời hạn theo quy định tại Khoản (a) hoặc (b), trên cơ sở cuộc đời của tác giả hoặc các tác giả đã được xác định. Bất kỳ người nào có lợi ích từ quyền tác giả đối với tác phẩm khuyết danh hoặc ký danh có thể vào bất kỳ thời điểm nào chứng nhận, trong các hồ sơ được lưu tại Cục Bản quyền tác giả cho mục đích này, một bản tuyên bố chỉ rõ một hoặc nhiều tác giả của tác phẩm; bản tuyên bố này cũng sẽ chỉ rõ người làm bản tuyên bố, phạm vi lợi ích của người này, nguồn của thông tin được ghi nhận và các tác phẩm cụ thể chịu ảnh hưởng, và sẽ phải tuân thủ theo các yêu cầu về hình thức và nội dung mà Cơ quan đăng ký quyền tác giả sẽ quy định trong quy chế.

(d).  Các ghi nhận về việc tác giả chết: Bất kỳ người nào có lợi ích trong quyền tác giả có thể vào bất kỳ thời điểm nào ghi nhận tại Cục Bản quyền tác giả một tuyên bố về ngày chết của tác giả của một tác phẩm được bảo hộ hoặc tuyên bố rằng tác giả đó vẫn còn sống vào một ngày cụ thể nào đó. Tuyên bố này sẽ chỉ rõ người làm bản tuyên bố, phạm vi lợi ích của người này và nguồn của thông tin được ghi nhận, và phải tuân thủ theo các yêu cầu về hình thức và nội dung mà Cơ quan đăng ký sẽ quy định trong quy chế. Cơ quan đăng ký sẽ lưu thông tin ghi nhận hiện tại liên quan đến cái chết của tác giả tác phẩm được bảo hộ, trên cơ sở những tuyên bố được ghi nhận này và các dữ liệu bao hàm trong bất kỳ ghi nhận nào của Cục Bản quyền tác giả hoặc các nguồn tham khảo khác, trong phạm vi mà Cơ quan đăng ký xét thấy có thể thực hiện được.

(e).  Giả định về cái chết của tác giả: sau thời hạn 70 năm kể từ năm công bố lần đầu tác phẩm hoặc thời hạn 100 năm kể từ năm sáng tạo tác phẩm, tuỳ thuộc vào thời hạn nào kết thúc trước, bất kỳ người nào mà nhận được từ Cục Bản quyền tác giả chứng chỉ xác nhận là các ghi nhận quy định tại Khoản (d) không chỉ rõ là không có một điều gì để khảng định rằng tác giả của tác phẩm đang còn sống hoặc đã chết chưa được 50 năm trước đó, thì người này được hưởng quyền lợi từ giả định là tác giả đó đã chết ít nhất là được 50 năm. Dựa vào thiện trí trên cơ sở của giả định này sẽ là cơ sở đầy đủ để biện minh trước bất kỳ một khiếu kiện vi phạm theo Điều luật này.

Điều 303: Thời hạn bảo hộ quyền tác giả: các tác phẩm đã được sáng tạo nhưng không được công bố hoặc có quyền tác giả trước ngày 1/1/1978.

Quyền tác giả đối với tác phẩm được sáng tạo trước ngày 1/1/1978, nhưng không thuộc lĩnh vực công cộng trước thời điểm này hoặc có quyền tác giả, tồn tại từ ngày 1/1/1978, và kéo dài một thời hạn quy định tại Điều 302. Tuy nhiên, trong đó không một trường hợp nào thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm đó kết thúc trước ngày 31/12/2002; và nếu tác phẩm này được công bố vào hoặc trước ngày 31/12/2002, thời hạn bảo hộ quyền tác giả sẽ không kết thúc trước ngày 31/12/2027.

Điều 304: Thời hạn bảo hộ quyền tác giả: các tác phẩm hiện có:

(a).  Quyền tác giả có thời hạn bảo hộ lần đầu vào ngày 1/1/1978:

(1).

(A). Bất kỳ quyền tác giả nào trong đó thời hạn bảo hộ lần đầu của nó tiếp tục tồn tại vào ngày 1/1/1978, sẽ kéo dài một thời hạn là 28 năm từ ngày tác phẩm đó bị chiếm hữu nguyên thuỷ.

B). Trong trường hợp:

(i). Bất kỳ tác phẩm được công bố sau khi tác giả chết nào hoặc của bất kỳ ấn phẩm định kỳ, bách khoa toàn thư, hoặc tác phẩm hợp tuyển khác mà quyền tác giả của tác phẩm này bị chiếm hữu nguyên thuỷ bởi chủ sở hữu của tác phẩm đó, hoặc

(ii). Bất kỳ tác phẩm có quyền tác giả nào thuộc về tổ chức (ngoài những người được chuyển nhượng hoặc cấp phép bởi cá nhân tác giả) hoặc thuộc về người chủ mà đối với người này tác phẩm được tạo ra do thuê mướn,

Người chủ sở hữu quyền tác giả này sẽ được hưởng sự mở rộng và nối tiếp thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm đó một thời hạn là 47 năm nữa.

(C). Đối với trường hợp bất kỳ tác phẩm có quyền tác giả nào bao hàm cả sự đóng góp của cá nhân một tác giả trong một ấn phẩm định kỳ hoặc bách khoa toàn thư hoặc tác phẩm hợp tuyển khác:

(i). Tác giả của những tác phẩm đó, nếu tác giả còn sống,

(ii). Vợ hoặc chồng goá, hoặc con cái của tác giả, vợ hoặc chồng goá của những người con không còn sống của tác giả, hoặc

(iii). Những người thực hiện di chúc của tác giả, nếu tác giả, vợ hoặc chồng goá, hoặc con cái của tác giả không còn sống, hoặc

(iv). Người có họ kế tiếp của tác giả, trong trường hợp không có di chúc,

sẽ được hưởng sự mở rộng và nối tiếp thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm đó một thời gian 47 năm nữa.

(2).

(A). Vào thời điểm kết thúc thời hạn bảo hộ quyền tác giả lần đầu đối với tác phẩm quy định tại Điểm (1)(B) của Khoản này, quyền tác giả sẽ kéo dài một thời hạn mở rộng và nối tiếp 47 năm nữa, trong trường hợp:

(i). Nếu một đơn đăng ký yêu cầu hưởng thời hạn thêm được gửi tới Cục Bản quyền tác giả trong vòng một năm trước khi kết thúc thời hạn quyền tác giả lần đầu, và yêu cầu này được đăng ký, sẽ thuộc về chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm đó, người được hưởng quyền yêu cầu nối tiếp thời hạn quyền tác giả và thời điểm đơn được gửi, hoặc

(ii). Nếu không một đơn nào được nộp hoặc yêu cầu theo đơn này không được đăng ký, vào thời điểm bắt đầu của thời hạn thêm, sẽ thuộc về người hoặc tổ chức mà đã là chủ sở hữu của quyền tác giả vào ngày cuối cùng của thời hạn quyền tác giả đầu tiên.

(B). Vào thời điểm kết thúc thời hạn quyền tác giả lần đầu đối với với tác phẩm quy định tại Điểm (1)(C) của Khoản này, quyền tác giả sẽ kéo dài một thời hạn mở rộng và nối tiếp một thời gian 47 năm nữa, trong trường hợp:

(i). Nếu một đơn đăng ký yêu cầu thời hạn thêm này đã được nộp tại Cục Bản quyền tác giả trong vòng một năm trước khi kết thúc thời hạn quyền tác giả lần đầu, và yêu cầu này được chứng nhận, vào thời điểm bắt đầu thời hạn thêm, sẽ thuộc về bất kỳ người nào được hưởng quyền theo quy định tại Điểm (1)(C) đối với việc mở rộng và nối tiếp quyền tác giả vào thời điểm đơn được nộp; hoặc

(ii). Nếu không một đơn nào được nộp hoặc yêu cầu theo đơn này đã không được đăng ký,vào điểm bắt đầu của thời hạn thêm, sẽ thuộc về bất kỳ người nào được hưởng quyền theo Điểm (1)(C) vào ngày cuối cùng của thời hạn quyền tác giả lần đầu, đối với việc mở rộng và nối tiếp quyền tác giả.

(3).

(A). Đơn đăng để ký yêu cầu mở rộng và nối tiếp thời hạn quyền tác giả đối với tác phẩm có thể được nộp tới Cục Bản quyền tác giả:

(i). Trong vòng một năm trước thời điểm kết thúc thời hạn quyền tác giả lần đầu bởi bất kỳ người nào được hưởng quyền theo quy định tại Điểm (1)(B) hoặc (C) đối với thời hạn 47 năm hưởng thêm; và

(ii). Vào bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời hạn mở rộng và nối tiếp quyền tác giả bởi bất kỳ người nào mà đối với người này thời hạn hưởng thêm thuộc về họ theo Điểm (2)(A) hoặc (B), hoặc bởi bất kỳ thừa kế hoặc người được uỷ quyền của người này, nếu đơn được nộp theo tên của người đó.

(B). Các đơn này không phải là điều kiện của việc mở rộng và nối tiếp thời hạn quyền tác giả đối với tác phẩm một thời gian 47 năm nữa.

(4).

(A). Nếu một đơn để đăng ký yêu cầu về việc mở rộng và nối tiếp thời hạn quyền tác giả đối với tác phẩm không được nộp trong vòng một năm trước thời điểm kết thúc thời hạn quyền tác giả lần đầu đối với tác phẩm, hoặc nếu yêu cầu theo đơn này đã không được đăng ký, thì một tác phẩm phái sinh được sáng tạo theo sự cho phép của một sự cấp quyền hoặc cấp phép bản quyền được thực hiện trước thời điểm kết thúc thời hạn quyền tác giả lần đầu có thể tiếp tục được sử dụng theo các điều khoản của sự cấp quyền đó trong thời hạn mở rộng và nối tiếp quyền tác giả mà không vi phạm quyền tác giả, miễn là sự sử dụng đó không mở rộng tới việc sáng tạo trong thời hạn mở rộng và nối tiếp quyền tác giả các tác phẩm phái sinh khác trên cơ sở tác phẩm có quyền tác giả bao hàm trong sự cấp phép đó.

(B). Nếu đơn để đăng ký yêu cầu mở rộng và nối tiếp thời hạn quyền tác giả đối với tác phẩm được nộp trong vòng một năm trước thời điểm kết thúc thời hạn,và yêu cầu đó được đăng ký, chứng nhận về đăng ký này sẽ tạo thành chứng cớ hiển nhiên không phải chứng minh đối với hiệu lực của quyền tác giả trong thời hạn mở rộng và nối tiếp và của các sự kiện tuyên bố trong chứng nhận. Giá trị của chứng cứ tuỳ thuộc vào các chứng nhận của đăng ký thời hạn mở rộng và nối tiếp quyền tác giả được thực hiện sau khi kết thúc thời gian một năm này sẽ thuộc phạm vi xem xét của toà án.

(b).  Quyền tác giả trong thời hạn nối tiếp và đăng ký thời hạn nối tiếp trước ngày /1/11978: thời hạn của bất kỳ quyền tác giả nào, thời hạn nối tiếp của quyền tác giả đó tồn tại vào bất kỳ thời điểm nào giữa khoảng thời gian từ 31/12/1976 tới 31/12/1977, tất cả, hoặc đối với quyền tác giả mà đăng ký thời hạn nối tiếp được thực hiện giữa khoảng thời gian từ 31/12/1976 tới 31/12/1977, tất cả, được mở rộng kéo dài một thời hạn là 75 năm kể từ ngày quyền tác giả đó được công nhận gốc.

(c). Chấm dứt sự chuyển nhượng và cấp phép trong thời hạn nối tiếp: trong trường hợp bất kỳ quyền tác giả nào tồn tại hoặc là trong thời hạn đầu tiên hoặc là trong thời hạn nối tiếp vào ngày 1/1/1978, ngoại trừ quyền tác giả đối với các tác phẩm được làm do thuê mướm, sự cấp độc quyền hoặc không độc quyền theo một chuyển nhượng hoặc cấp phép trong thời hạn nối tiếp quyền tác giả hoặc bất kỳ quyền nào theo quyền tác giả đó, được thực hiện trước 1/1/1978, bởi bất kỳ người nào được ủy nhiệm theo khoản (a)(1)(C) của Điều này, ngoại trừ trường hợp theo di chúc, thuộc đối tượng chấm dứt theo các điều kiện sau:

(1). Trong trường hợp sự cấp quyền được thực hiện bởi người hoặc những người không phải là tác giả, sự chấm dứt của sự cấp quyền này có thể có hiệu lực bởi người hoặc những người còn sống đã thực hiện sự cấp quyền đó. Trong trường hợp sự cấp quyền được thực hiện bởi một hoặc nhiều tác giả của tác phẩm, sự chấm dứt của sự cấp quyền này có thể có hiệu lực, tuỳ thuộc vào mức độ tỷ phần trong quyền sở hữu quyền tác giả trong thời hạn nối tiếp của một tác giả cụ thể, bởi người hoặc những người mà theo Điểm (2) của Khoản này sở hữu và được hưởng quyền thực thi tổng số lợi ích từ sự chấm dứt của tác giả trên 50 %.

(2). Trong trường hợp tác giả chết, lợi ích từ sự chấm dứt của tác giả được sở hữu và có thể được thực hiện bởi người vợ hoặc chồng goá, con cái hoặc cháu chắt của người này như sau:

(A). Người chồng hoặc vợ goá sở hữu toàn bộ lợi ích của tác giả từ sự chấm dứt nếu không có bất kỳ người con hoặc cháu này của tác giả còn sống; và trong trường hợp này thì người chồng hoặc vợ goá này sở hữu 50% lợi ích của tác giả;

(B). Những người con còn sống của tác giả và những người con còn sống của những người con đã chết của tác giả sở hữu toàn bộ lợi ích từ sự chấm dứt của tác giả nếu không có người chồng hoặc vợ goá của tác giả, và trong trường hợp sau này quyền sở hữu 50% lợi ích của tác giả được phân chia giữa những người này với nhau;

(C). Các quyền của những người con và cháu của tác giả trong tất cả các trường hợp được phân chia giữa họ với nhau và được thực hiện trên cơ sở tỷ lệ phù hợp với số những người con của tác giả được đại diện, phần của những người con của một người con đã chết của tác giả đối với lợi ích từ sự chấm dứt có thể chỉ được thực hiện thông qua hành vi của đa số những người con đó.

(3). Chấm dứt cấp quyền có thể có hiệu lực vào bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời gian 5 năm kể từ khi kết thúc 56 năm tính từ ngày quyền tác giả được công nhận gốc, hoặc kể từ ngày 1/1/1978, tuỳ thuộc vào thời điểm nào xẩy ra sau.

(4). Sự chấm dứt cấp quyền có thể có hiệu lực thông qua việc gửi thông báo trước bằng văn bản cho người được cấp quyền hoặc người thừa kế hợp pháp của người được cấp quyền. Trong trường hợp sự cấp quyền được thực hiện bởi một hoặc những người mà không phải là tác giả, thông báo sẽ được ký bởi tất cả những người được quyền chấm dứt sự cấp quyền theo Điểm (1) của Khoản này, hoặc bởi những đại diện được uỷ nhiệm toàn quyền của họ. Trong trường hợp sự cấp quyền được thực hiện bởi một hoặc nhiều tác giả của tác phẩm, thông báo trong phạm vi từng phần của tác giả sẽ được ký bởi tác giả hoặc đại diện được uỷ nhiệm toàn quyền của người đó hoặc nếu tác giả này chết, được ký bởi số lượng và tỷ lệ những người sở hữu lợi ích từ sự chấm dứt của tác giả đó theo yêu cầu của Điểm (1) và (2) của Khoản này, hoặc được ký bởi những người được uỷ nhiệm toàn quyền của họ.

(A). Thông báo sẽ tuyên bố ngày có hiệu lực của sự chấm dứt, ngày mà sẽ rơi vào khoảng thời gian 5 năm quy định tại Điểm (3) của Khoản này, và thông báo sẽ được gửi không dưới 2 năm hoặc trên 10 năm trước ngày đó. Bản sao của thông báo sẽ được đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả trước ngày có hiệu lực của sự chấm dứt như là điều kiện để sự chấm dứt có hiệu lực.

(B). Thông báo này phải tuân thủ theo hình thức, nội dung và trình tự gửi thông báo theo các quy định sẽ ban hành trong một quy chế.

(5). Chấm dứt cấp quyền có thể có hiệu lực không phụ thuộc vào bất kỳ thoản thuận về sự trái ngược nào, kể cả thoả thuận về việc làm di chúc hoặc thực hiện bất kỳ sự cấp quyền trong tương lai nào.

(6). Trong trường hợp sự cấp quyền được thực hiện bởi người hoặc những người không phải là tác giả, tất cả các quyền theo Điều Luật này mà được bao hàm trong sự cấp quyền bị chấm dứt, vào ngày có hiệu lực của sự chấm dứt sẽ lại thuộc về tất cả những người được hưởng quyền chấm dứt sự cấp quyền đó theo Điểm (1) của Khoản này. Trong trường hợp sự cấp quyền được thực hiện bởi một hoặc nhiều tác giả của tác phẩm, tất cả các quyền cụ thể của tác giả theo Điều luật này mà bao hàm trong sự cấp quyền bị chấm dứt, vào ngày có hiệu lực của sự chấm dứt, sẽ lại thuộc về tác giả này, hoặc nếu tác giả này đã chết, thuộc về những người sở hữu lợi ích từ sự chấm dứt theo Điểm (2) của Khoản này, kể cả những người chủ sở hữu không cùng ký thông báo về sự chấm dứt theo Điểm (4) của Khoản này, trong tất cả các trường hợp các quyền thuộc sở hữu trở lại này phụ thuộc và các hạn chế sau:

(A). Tác phẩm phái sinh được sáng tạo theo sự cho phép của một sự cấp quyền trước khi chấm dứt sự cấp quyền này có thể tiếp tục được sử dụng theo các điều kiện và điều khoản của sự cấp quyền đó sau khi chấm dứt sự cấp quyền, nhưng đặc quyền này không mở rộng tới việc sáng tạo các tác phẩm phái sinh sau khi chấm dứt sự cấp quyền các tác phẩm phái sinh khác dựa trên cơ sở các tác phẩm được  bảo hộ bao hàm trong sự cấp quyền đó.

(B). Các quyền mà trong tương lai sẽ thuộc sở hữu trở lại vào thời điểm chấm dứt sẽ được chuyển giao vào ngày thông báo về chấm dứt đã được gửi như quy định tại Điểm (4) của Khoản này.

(C). Đối với các trường hợp mà các quyền của tác giả thuộc sở hữu trở lại của hai hoặc nhiều người theo Điểm (2) của Khoản này, chúng sẽ được trao cho những người đó theo tỷ phần quy định tại Điểm đó. Do vậy, tuỳ thuộc vào quy định tại Đoạn (D), trường hợp cấp quyền tiếp theo hoặc thoả thuận thực hiện sự cấp quyền tiếp theo về phần của một tác giả cụ thể đối với bất kỳ quyền nào bao hàm trong sự cấp quyền bị chấm dứt chỉ có hiệu lực nếu nó được ký cùng một số lượng và tỷ lệ những người sở hữu như được yêu cầu về sự chấm dứt theo Điểm (2) của Khoản này, đối với với những người này quyền đó được trao theo Điểm này. Sự cấp quyền tiếp theo hoặc thoả thuận về sự cấp quyền tiếp theo này có hiệu lực đối với tất cả những người mà đối với những người này các quyền bao hàm trong sự cấp quyền tiếp theo được trao cho họ theo Đoạn này, kể cả những người không cùng ký vào sự cấp quyền tiếp theo đó. Nếu bất kỳ một người nào chết sau khi các quyền theo sự cấp quyền bị chấm dứt được trao cho người này, thì người đại diện pháp lý, người uỷ nhiệm hoặc những người thừa kế theo luật của người này đại diện cho người đó thực hiện quy định tại Đoạn này.

(D). Sự cấp quyền tiếp theo hoặc thoả thuận thực hiện cấp quyền tiếp theo về bất kỳ quyền nào bao hàm trong sự cấp quyền bị chấm dứt chỉ có hiệu lực nếu chúng được tiến hành sau ngày có hiệu lực của sự chấm dứt. Tuy nhiên, ngoại trừ thoả thuận về sự cấp quyền tiếp theo có thể được thực hiện giữa tác giả hoặc bất kỳ những người nào quy định tại câu thứ nhất của Điểm (6) của Khoản này, hoặc giữa những người quy định tại Đoạn (C) của Điểm này với người được cấp quyền gốc hoặc những người kế vị hợp pháp của người đó, sau khi thông báo chấm dứt được gửi như quy định tại Điểm (4) của Khoản này.

(E). Chấm dứt sự cấp quyền theo Khoản này chỉ có hiệu lực với những quyền bao hàm trong sự cấp quyền đó phát sinh theo Điều luật này và không có hiệu lực đối với các quyền phát sinh theo bất kỳ các Luật của Liên Bang, các Bang, hoặc nước ngoài.

(F). Trừ phi và cho tới khi sự chấm dứt có hiệu lực theo Khoản này, sự cấp quyền, nếu sự cấp quyền này không quy định khác, tiếp tục có hiệu lực trong thời hạn còn lại của thời hạn nối tiếp mở rộng quyền tác giả.

Điều 305. Thời hạn quyền tác giả: ngày kết thúc

Tất cả các thời hạn quyền tác giả quy định tại các Điều từ 302 tới 304 tính tới ngày cuối cùng của năm theo lịch mà trong năm đó các thời hạn khác nhau kết thúc.


Chương 4

Ký hiệu, nộp lưu chiểu
và đăng ký quyền tác giả

Điều

401.    Ký hiệu quyền tác giả: bản sao có thể cảm nhận thị giác

402.    Ký hiệu quyền tác giả: bản ghi của bản ghi âm

403.    Ký hiệu quyền tác giả: công bố các tác phẩm của Chính Phủ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ

404.    Ký hiệu quyền tác giả : tác phẩm trong một tác phẩm hợp tuyển

405.    Ký hiệu quyền tác giả: không có ký hiệu trên bản sao và bản ghi

406.    Ký hiệu quyền tác giả: sai sót về tên hoặc ngày trên bản sao và bản ghi

407.    Nộp bản sao hoặc bản ghi tới thư viện Quốc Hội

408.    Quy định chung về đăng ký quyền tác giả

409.    Nộp đơn đăng ký quyền tác giả

410.    Đăng ký yêu cầu và cấp chứng nhận

411.    Đăng ký và các hành vi xâm phạm

412.    Đăng ký như một điều kiện cần cho các biện pháp thực thi cụ thể chống sự vi phạm

Điều 401: Ký hiệu quyền tác giả: bản sao có thể cảm nhận thị giác:

(a). Quy định chung: khi một tác phẩm được bảo hộ theo Điều luật này được công bố tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc bất kỳ nơi nào khác theo sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, một ký hiệu về quyền tác giả như quy định tại Điều này có thể được in trên các bản sao được phân phối tới chúng mà từ các bản sao này tác phẩm có thể được cảm nhận thị giác hoặc là trực tiếp hoặc là với sự trợ giúp của máy móc hoặc thiết bị.

(b). Hình thức của ký hiệu: nếu một ký hiệu xuất hiện trên bản sao, ký hiệu này phải bao gồm 3 yếu tố sau:

(1). Biểu tượng ã (một chữ C trong vòng tròn) hoặc từ “quyền tác giả” (copyright), hoặc từ viết tắt “Bản quyền” (Copr.); và

(2). Năm công bố lần đầu tác phẩm; trong trường hợp tác phẩm hợp tuyển hoặc tác phẩm phái sinh cấu thành từ các tài liệu đã được công bố trước đó, năm của ngày công bố lần đầu của hợp tuyển hoặc tác phẩm phái sinh đó là đủ. Năm của ngày công bố có thể bỏ qua đối với các trường hợp tác phẩm về nghệ thuật, mỹ thuật, điêu khắc có kèm theo các ký hiệu văn bản, nếu có, được tái bản trên thiếp chúc mừng, bưu ảnh, đồ văn phòng, đồ trang sức, búp bê, đồ chơi, hoặc bất kỳ vật dụng nào; và

(3). Tên của chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm hoặc chữ viết tắt mà tên của người này có thể được nhận ra, hoặc nhìn chung không thể hiểu khác về việc xác định chủ sở hữu.

(c). Vị trí của ký hiệu: ký hiệu sẽ được đóng trên các bản sao theo cách thức và vị trí hợp lý để đưa ra một lưu ý khuyến cáo hợp lý về quyền tác giả. Cơ quan đăng ký sẽ quy định thông qua một quy chế mẫu, phương thức đóng và vị trí cụ thể của ký hiệu đối với từng loại hình tác phẩm để đáp ứng yêu cầu này nhưng sự cụ thể này sẽ không được coi là toàn diện.

(d). Giá trị chứng cứ của ký hiệu: nếu một ký hiệu quyền tác giả theo hình thức và vị trí quy định tại Điều này trên bản sao hoặc các bản sao đã công bố thì đối với những bản sao này, trong một vụ xâm phạm quyền tác giả có bị đơn tham gia, sau này không có cơ sở nào sẽ được viện dẫn đưa vào lời bào chữa của bên bị đơn dựa trên cơ sở không biết sự vi phạm nhằm làm giảm nhẹ sự bồi thường thiệt hại thực tế hoặc theo luật, ngoại trừ quy định tại câu cuối của Điều 504(c)(2).

Điều 402: Ký hiệu quyền tác giả: các bản ghi của các bản ghi âm

(a).  Quy định chung: khi bản ghi âm được bảo hộ theo Điều luật này được công bố tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc bất kỳ một nơi nào khác thông qua sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, một ký hiệu quyền tác giả như quy định tại Điều này có thể được in trên các bản ghi của bản ghi âm được phân phối tới công chúng.

(b).  Hình thức của ký hiệu: nếu một ký hiệu xuất hiện trên một bản ghi, nó phải bao gồm ba yếu tố sau:

(1). Biểu tượng  P (chữ P trong vòng tròn); và

(2). Năm công bố lần đầu của bản ghi âm; và

(3). Tên của chủ sở hữu quyền tác giả đối với bản ghi âm, hoặc chữ viết tắt mà tên của người này có thể được nhân biết, hoặc nhìn chung không thể hiểu khác về việc xác định chủ sở hữu; nếu nhà sản xuất bản ghi âm được nêu tên trên nhãn của bản ghi hoặc trên thùngbao gói, và nếu không có một tên nào khác xuất hiện có liên quan đến ký hiệu, tên của nhà sản xuất sẽ được coi là một phần của thông báo.

(c).  Vị trí của thông báo: thông báo sẽ được in trên bề mặt của bản ghi, hoặc trên nhãn của bản ghi hoặc thùng bao gói theo cách thức và vị trí để có thể đưa ra một lưu ý khuyến cáo hợp lý về quyền tác giả.

(d).  Giá trị chứng cứ của ký hiệu: nếu một ký hiệu quyền tác giả theo hình thức và vị trí quy định tại Điều này trên bản ghi hoặc các bản ghi đã công bố thì đối với những bản ghi này, trong một vụ xâm phạm quyền tác giả có bị đơn tham gia, sau này không có cơ sở nào sẽ được viện dẫn đưa vào lời bào chữa của bên bị đơn dựa trên cơ sở không biết sự vi phạm nhằm làm giảm nhẹ sự bồi thường thiệt hại thực tế hoặc theo luật, ngoại trừ quy định tại câu cuối của Điều 504(c)(2).

Điều 403: Ký hiệu quyền tác giả: công bố các tác phẩm của Chính Phủ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ

Điều  401(d) và 402(d) sẽ không áp dụng với các tác phẩm đã được công bố bằng các bản sao hoặc bản ghi bao gồm phần lớn của một hoặc nhiều tác phẩm của Chính Phủ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ trừ phi trong một vụ xâm phạm quyền tác giả có bị đơn tham gia, ký hiệu quyền tác giả xuất hiện trên các bản sao hoặc bản ghi đã được công bố bao hàm tuyên bố xác nhận hoặc là khẳng định hoặc là phủ định những thành phần của các bản sao hoặc bản ghi thể hiện bất kỳ tác phẩm hoặc các tác phẩm nào được bảo hộ theo Điều luật này.

Điều 404: Ký hiệu quyền tác giả: các tác phẩm trong một tác phẩm hợp tuyển

(a).  Các tác phẩm trong một tác phẩm hợp tuyển có thể mang ký hiệu quyền tác giả của riêng nó như quy định tại Điều 401 tới 403. Tuy nhiên, một ký hiệu duy nhất có thể được áp dụng đối với tác phẩm hợp tuyển như là đối với tổng thể tác phẩm là đủ để viện dẫn các quy định của các Điều 401(d) hoặc 402(d), như có thể áp dụng đối với từng tác phẩm độc lập bao hàm trong tác phẩm hợp tuyển (không gồm những quảng cáo trên danh nghĩa của những người khác không phải là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm hợp tuyển), không phân biệt vào sở hữu chủ quyền tác giả của các tác phẩm trong tác phẩm hợp tuyển và không phụ thuộc vào việc các tác phẩm này đã hoặc chưa được công bố trước đó.

(b).  Đối với các bản sao và bản ghi được phân phối tới công chúng thông qua sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả trước ngày có hiệu lực của Luật thi hành Công ước BERNE năm 1988,trên đó người được nêu tên trong ký hiệu duy nhất có thể được áp dụng đối với tác phẩm hợp tuyển như là đối với tổng thể tác phẩm không phải là chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm độc lập mà không mang ký hiệu quyền tác giả của riêng nó, trường hợp này được điều chỉnh bởi các quy định tại Điều 406(a).

Điều 405: Ký hiệu quyền tác giả: bỏ sót ký hiệu trên các bản sao hoặc bản ghi

(a).  ảnh hưởng của sự bỏ sót tới quyền tác giả: đối với các bản sao và bản ghi được phân phối tới công chúng thông qua sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả trước ngày có hiệu lực của Luật thi hành Công ước BERNE năm 1988, việc bỏ sót ký hiệu quyền tác giả quy định tại Điều 401 tới 403 trên các bản sao hoặc bản ghi đã được phân phối tới công chúng thông qua sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả không làm mất hiệu lực của quyền tác giả đối với tác phẩm nếu:

(1). Ký hiệu này bị bỏ sót trên một số lượng tương đối nhỏ các bản sao hoặc bản ghi đã được phân phối tới công chúng; hoặc

(2). Việc đăng ký tác phẩm này đã được thực hiện trước hoặc trong vòng 5 năm sau khi công bố tác phẩm mà không có ký hiệu, và nỗ lực hợp lý được tiến hành để thêm ký hiệu lên tất cả các bản sao hoặc bản ghi mà đã được phân phối tới công chúng tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ sau khi sự bỏ sót được phát hiện.

(3). Ký hiệu này đã bị bỏ sót vi phạm yêu cầu rõ ràng bằng văn bản, như một điều kiện của chủ sở hữu quyền tác giả đối với việc cho phép phân phối tới công chúng các bản sao hoặc bản ghi, là chúng phải mang ký hiệu được quy định.

(b).  ảnh hưởng của sự bỏ sót tới những người vi phạm vô ý: bất kỳ người nào xâm phạm vô ý quyền tác giả, dựa trên một bản sao hoặc bản ghi được phép mà trên chúng ký hiệu quyền tác giả đã bị bỏ sót và chúng đã được phân phối tới công chúng thông qua sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả trước ngày có hiệu lực của Luật thi hành Công ước BERNE năm 1988, không phải gánh chịu bất kỳ một nghĩa vụ nào về các khoản bồi thường thiệt hại thực tế hoặc theo Luật theo Điều 504 đối với bất kỳ hành vi xâm phạm nào xẩy ra trước khi nhận được ký hiệu chính thức mà sự đăng ký cho tác phẩm này đã được thực hiện theo Điều 408, nếu những người này chứng minh là họ bị nhầm lẫn do sự bỏ sót ký hiệu. Vụ xâm phạm trong trường hợp như vậy toà án có thể cho phép hoặc không cho phép thu hồi bất kỳ khoản lợi nhuận của người vi phạm này có thể quy kết cho sự xâm phạm đó, và có thể được hưởng việc tiếp tục công việc xâm phạm đang làm này hoặc có thể yêu cầu, như một điều kiện đối với việc được phép tiếp tục công việc xâm phạm này, là người vi phạm đó thanh toán cho chủ sở hữu quyền tác giả khoản lệ phí cấp phép hợp lý với số lượng và theo điều kiện được ấn định bởi toà án.

(c).  Dỡ bỏ ký hiệu: sự bảo hộ theo Điều luật này không bị ảnh hưởng bởi việc dỡ bỏ, phá huỷ hoặc tẩy xoá ký hiệu từ bất kỳ bản sao hoặc bản ghi nào mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Điều 406: Ký hiệu quyền tác giả: lỗi về tên và ngày công bố trên các bản sao và bản ghi:

(a).  Lỗi về tên: đối với các bản sao và bản ghi được phân phối công cộng tới công chúng thông qua sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả trước ngày có hiệu lực của Luật thi hành Công ước BERNE năm 1988, mà những người được nêu tên trong ký hiệu quyền tác giả trên bản sao hoặc bản ghi được phân phối công cộng tới công chúng thông qua sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả không phải là tên của chủ sở hữu quyền tác giả, hiệu lực và quyền sở hữu quyền tác giả không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bất kỳ người nào mà ngay tình tiến hành một công việc mà xâm phạm quyền tác giả có cơ sở bảo chữa toàn vẹn đối với bất kỳ hành vi khởi kiện nào về sự vi phạm đó nếu những người này chứng minh là mình đã bị lừa dối thông qua ký hiệu đó và tiến hành công việc đó một cách ngay thẳng theo nội dung của sự chuyển nhượng hoặc cấp phép từ người được nêu tên trong ký hiệu đó, trừ phi trước khi công việc này được tiến hành:

(1). Việc đăng ký đối với tác phẩm đã được thực hiện theo tên của người chủ sở hữu quyền tác giả; hoặc

(2). Tài liệu thi hành bởi người được nêu tên trên ký hiệu và việc chỉ ra quyền sở hữu quyền tác giả đã được đăng ký.

Người được nêu tên trong ký hiệu có nghĩa vụ thanh toán cho chủ sở hữu quyền tác giả tất các các khoản tiền nhận được từ sự chuyển nhượng hoặc cấp phép quyền tác giả theo nội dung đã được thực hiện bởi người được nêu tên trong ký hiệu này.

(b).  Lỗi về ngày: khi mà ngày theo năm trong ký hiệu trên bản sao hoặc bản ghi được phân phối trước ngày có hiệu lực của Luật thi hành Công ước BERNE năm 1988 thông qua sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả là sớm hơn năm mà trong năm đó việc công bố lần đầu tác phẩm xẩy ra, bất kỳ khoảng thời gian nào được tính từ năm công bố lần đầu theo Điều 302 là được tính từ năm ghi trong ký hiệu. Đối với ngày theo năm được nêu trong ký hiệu này là muộn hơn một năm so với năm mà trong năm đó việc công bố lần đầu xẩy ra, tác phẩm đó được coi như đã được công bố mà không có bất kỳ một thông báo nào và được điều chỉnh bởi các quy định của Điều 405.

(c).  Bỏ sót ngày và tên: đối với các bản sao hoặc bản ghi được phân phối tới công chúng trước ngày có hiệu lực của Luật thi hành Công ước BERNE năm 1988 thông qua sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả mà không có bất kỳ tên hoặc bất kỳ ngày nào mà có thể hợp lý coi là một phần của ký hiệu, tác phẩm này được coi là đã được công bố mà không có bất kỳ ký hiệu nào và được điều chỉnh bởi các quy định của Điều 405 như đã có hiệu lực vào ngày trước ngày có hiệu lực của Luật thi hành Công ước BERNE năm 1988.

Điều 407: Nộp lưu chiểu các bản sao hoặc bản ghi tới Thư viện Quốc gia:

(a).  Ngoại trừ như được quy định tại Khoản (c), và tuỳ thuộc vào các quy định tại Khoản (e), chủ sở hữu quyền tác giả hoặc quyền độc quyền xuất bản đối với một tác phẩm đã công bố tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, trong vòng 3 tháng sau ngày xuất bản đó, sẽ phải nộp:

(1). Hai phiên bản chuẩn hoàn chỉnh; hoặc

(2). Nếu tác phẩm là bản ghi âm, hai phiên bản chuẩn cùng với bất kỳ tài liệu được in hoặc có thể cảm giác bằng giác quan khác đã được công bố với phiên bản đó.

Yêu cầu nộp lưu chiểu của Khoản này cũng như việc hoàn thành các quy định tại Khoản (e) không phải là điều kiện bảo hộ quyền tác giả.

(b). Các bản sao hoặc bản ghi được yêu cầu được nộp tới Cục Bản quyền tác giả cho việc sử dụng hoặc dùng tại Thư viện Quốc hội. Cơ quan đăng ký, khi được yêu cầu bởi người nộp vào lúc thanh toán khoản lệ phí quy định tại Điều 708, sẽ cấp biên nhận về việc nộp lưu chiểu đó.

(c). Cơ quan đăng ký có thể thông qua quy chế loại bỏ bất kỳ thể loại tác phẩm nào khỏi yêu cầu nộp lưu chiểu theo Điều này, hoặc yêu cầu yêu cầu nộp chỉ một bản sao hoặc bản ghi đối với bất kỳ loại hình tác phẩm nào. Các quy định này sẽ quy định hoặc là về sự loại bỏ hoàn chỉnh khỏi yêu cầu nộp lưu chiểu tại Điều này, hoặc là về các hình thức nộp lưu chiểu ngược lại nhằm mục đích cho phép đáp ứng việc ghi nhận lưu trữ các tác phẩm mà không gây khó khăn thực tế hoặc tài chính cho người nộp, đối với cá nhân tác giả là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm hội hoạ, điêu khắc tạo hình, và (i) ít nhất 5 bản sao của tác phẩm này đã được công bố, hoặc (ii) tác phẩm này đã được công bố với sự phát hành giới hạn số lượng các bản sao, giá trị tiền của chúng có thể tạo nên sự phiền toái, không công bằng hoặc không hợp lý về kinh tế của việc nộp hai phiên bản chuẩn của tác phẩm.

(d).  Vào bất kỳ thời điểm nào sau khi công bố tác phẩm như được quy định tại Khoản (a), cơ quan đăng ký quyền tác giả có thể làm chất vấn về yêu cầu nộp lưu chiểu đối với bất kỳ người nào có nghĩa vụ thực hiện nộp lưu chiểu theo Khoản (a). Trừ phi việc nộp lưu chiểu này được thược hiện trong vòng 3 tháng sau khi chất vấn này được nhận, người hoặc những người mà chất vấn này đặt ra có nghĩa vụ:

(1). Nộp phạt không quá 250 $ đối với từng tác phẩm; và

(2). Thanh toán cho một quỹ cụ thể chỉ định của Thư viện Quốc hội tổng số tiền giá bán lẻ các bản sao hoặc bản ghi được yêu cầu, hoặc, nếu không giá bán lẻ nào được ấn định, thì giá hợp lý để Thư viện Quốc hội mua được chúng; và

(3). Thanh toán khoản phạt 2500 $, thêm vào đó đối với bất kỳ khoản phạt hoặc nghĩa vụ nào buộc phải thực hiện theo Điểm (1) và (2), nếu những người này cố tình hoặc lặp lại sai sót hoặc từ chối tuân thủ chất vấn đó.

(e).  Đối với các chương trình truyền sóng mà đã được định hình và truyền tới công chúng tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ nhưng không được công bố, cơ quan đăng ký bản quyền, sau khi tham khảo ý kiến của Thư viện Quốc hội và các tổ chức và các cơ quan hữu quan khác, lập ra quy chế điều chỉnh việc có được, thông qua việc nộp lưu chiểu hoặc các công việc khác, các bản sao hoặc bản ghi của các chương trình đó phục vụ cho việc lưu trữ của Thư việc Quốc hội.

(1). Thư viện Quốc hội sẽ được phép, theo các tiêu chuẩn và các điều kiện nêu trong quy chế này, thực hiện việc ghi trực tiếp chương trình truyền dẫn này từ buổi truyền dẫn tới công chúng và sao chép một bản sao hoặc bản ghi từ việc ghi trực tiếp đó phục vụ cho mục đích lưu trữ.

(2). Quy chế này cũng quy định tiêu chuẩn và thủ tục mà thông qua đó Cơ quan đăng ký bản quyền có thể làm chất vấn bằng văn bản đối với chủ sở hữu quyền của truyền dẫn tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ về việc nộp bản sao hoặc bản ghi của một chương trình truyền dẫn cụ thể. Việc nộp lưu chiểu này, tuỳ thuộc vào lựa chọn của chủ sở hữu quyền truyền dẫn tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, có thể được hoàn thành thông qua việc tặng, cho mượn phục vụ việc sao chép hoặc thông qua việc bán bằng giá không vượt quá chi phí sao chép và cung cấp bản sao hoặc bản ghi đó. Quy chế được lập theo Điểm này sẽ quy định khoảng thời gian hợp lý không quá 3 tháng để tuân thủ chất vấn, và sẽ cho phép mở rộng thời hạn và điều chỉnh phạm vi của chất vấn hoặc phương thức để hoàn thành chất vấn đó, để bảo đảm hợp lý trong các trường hợp đó. Cố ý không thực hiện hoặc từ chối tuân thủ các điều kiện quy định tại quy chế đó sẽ đặt chủ sở hữu quyền truyền dẫn trước nghĩa vụ về khoản tiền, không vượt quá chi phí sao chép và cung cấp bản sao hoặc bản ghi theo yêu cầu, phải được thanh toán tới quỹ cụ thể chỉ định tại Thư viện Quốc hội.

(3). Không một quy định nào trong Khoản này được giải thích đối với yêu cầu tạo hoặc chiếm hữu bất kỳ bản sao hoăc bản ghi của một chương trình truyền dẫn chưa công bố, phục vụ cho mục đích nộp lưu chiểu sự truyền dẫn chương trình mà xẩy ra trước khi nhận được chất vấn bằn văn bản cụ thể như quy định tại Điểm (2).

(4). Không một hành vi nào cam kết tuân thủ quy chế theo quy định tại Điểm (1) và (2) của Khoản này sẽ đưa đến nghĩa vụ khác nếu chỉ nhằm mục đích trợ giúp việc đạt được các bản sao hoặc bản ghi theo Khoản này.

Điều 408: Quy định chung về đăng ký quyền tác giả:

(a). Đăng ký được phép: vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn bảo hộ quyền tác giả lần đầu đang tồn tại đối với bất kỳ tác phẩm đã hoặc chưa công bố nào mà quyền tác giả đối với tác phẩm đó được bảo hộ trước ngày 1/1/1978, và trong khoảng thời gian tồn tại của bất kỳ quyền tác giả được bảo hộ vào hoặc sau ngày đó, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc bất kỳ quyền độc quyền nào đối với tác phẩm có thể đạt được yêu cầu đăng ký bản quyền thông qua việc gửi tới Cục Bản quyền tác giả hồ sơ yêu cầu nộp quy định cụ thể tại Điều này, cùng với đơn và khoản lệ phí quy định tại Điều 409 và 708. Việc đăng ký này không phải là điều kiện đối với sự bảo hộ quyền tác giả.

(b).  Hồ sơ yêu cầu nộp để đăng ký quyền tác giả: ngoại trừ quy định tại Khoản (c), các tài liệu phải nộp để đăng ký sẽ bao gồm:

(1). Đối với tác phẩm chưa công bố, một bản sao hoặc bản ghi hoàn chỉnh;

(2). Đối với tác phẩm đã công bố, hai bản sao hoặc bản ghi là phiên bản chuẩn;

(3). Đối với tác phẩm đã công bố lần đầu ngoài Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, một bản sao hoặc bản ghi như đã được công bố;

(4). Đối với một phần của một tác phẩm hợp tuyển, một bản sao hoặc bản ghi là phiên bản chuẩn của tác phẩm hợp tuyển đó.

Các bản sao hoặc bản ghi được nộp tới Thư viện Quốc hội theo Điều 407 có thể được sử dụng để hoàn thành việc nộp hồ sơ theo các quy định của Điều này nếu chúng được gửi kèm theo khoản lệ phí và đơn quy định, và kèm theo bất kỳ tài liệu xác định thêm nào khác mà cơ quan đăng ký có thể yêu cầu thông qua quy chế. Cơ quan đăng ký nêu trong quy chế việc quy định các yêu cầu mà theo đó các bản sao hoặc bản ghi được giành cho Thư viện của Quốc hội theo Khoản (e) của Điều 407, ngoài việc nộp lưu chiểu có thể được sử dụng nhằm mục đích hoàn thành việc nộp hồ sơ theo các quy định của Điều này.

(c). Phân loại quản lý và lựa chọn nộp:

(1). Cơ quan đăng ký quyền tác giả được phép phân loại thông qua quy chế các loại hình quản lý đối với các tác phẩm được đưa tới nhằm mục đích nộp lưu chiểu và đăng ký, và chất liệu của các bản sao hoặc bản ghi được nộp theo các thể loại hình khác nhau được quy định trong quy chế đó. Quy chế này cũng có thể yêu cầu hoặc cho phép đối với các loại hình cụ thể, việc nộp các tài liệu xác định thay vì các bản sao hoặc bản ghi, nộp chỉ một bản sao hoặc bản ghi thay vì hai như có thể được yêu cầu thông thường, hoặc chỉ đăng ký một lần đối với một nhóm  các tác phẩm có liên quan. Việc phân loại quản lý tác phẩm này không phải là dấu hiệu liên quan tới đối tượng của quyền tác giả hoặc các quyền độc quyền như quy định trong Điều luật này.

(2). Không trái với thẩm quyền về uỷ quyền chung được quy định tại Điểm (1), Cơ quan đăng ký quyền tác giả sẽ lập ra quy chế cụ thể hoá sự cho phép đăng ký một lần cho một nhóm các tác phẩm của cùng một cá nhân tác giả, tất cả các tác phẩm trong một tạp chí định kỳ được công bố lần đầu, kể cả các tờ báo, trong vòng thời gian 12 tháng, trên cơ sở việc nộp lưu chiểu, đơn và lệ phí đăng ký, theo các điều kiện sau:

(A). Nếu việc nộp lưu chiểu bao hàm một bản sao phát hành chuẩn hoàn chỉnh của một tạp chí, hoặc của một mục hoàn thiện trong một tờ báo, trong đó từng tác phẩm được công bố lần đầu; và

(B). Nếu đơn chỉ rõ từng tác phẩm riêng biệt, kể cả tạp chí định kỳ bao gồm tác phẩm đó và ngày công bố lần đầu của tác phẩm.

(3). Nếu chọn đăng ký nối tiếp thời hạn bảo hộ riêng biệt theo Khoản (a) của Điều 304, đăng ký nối tiếp thời hạn duy nhất có thể được thực hiện đối với một nhóm các tác phẩm của cùng một cá nhân tác giả, tất cả được công bố lần đầu như là các tác phẩm trong một tạp chí định kỳ, kể cả các tờ báo, vào thời điểm nộp đơn và lệ phí duy nhất,theo tất cả các điều kiện sau:

(A). Yêu cầu hoặc các yêu cầu đăng ký nối tiếp thời hạn, và trên cơ sở yêu cầu hoặc các yêu cầu theo Điều 304(a), là giống nhau đối với từng tác phẩm; và

(B). Tất cả các tác phẩm đều được công nhận quyền tác giả vào thời điểm công bố lần đầu của nó, hoặc là thông qua các ký hiệu và đăng ký quyền tác giả độc lập hoặc là thông qua theo ký hiệu quyền tác giả chung đối với tạp chí định kỳ là một tổng thể; và

(C). Đơn nối tiếp thời hạn và lệ phí nhận được không muộn hơn 28 năm hoặc sớm hơn 27 năm sau ngày 31/12 của năm theo lịch mà vào năm đó tất cả các tác phẩm được công bố lần đầu; và

(D). Đơn nối tiếp thời hạn chỉ rõ từng tác phẩm riêng biệt, kể cả tạp chí định kỳ bao gồm tác phẩm đó và ngày công bố lần đầu của nó.

(d).  Đính chính và mở rộng thông tin: Cơ quan đăng ký có thể lập thông qua quy chế, thủ tục hình thức đối với việc nộp đơn cho việc bổ xung đăng ký, đính chính lỗi trong đăng ký quyền tác giả hoặc để mở rộng thông tin nêu trong đăng ký. Các đơn này được gửi kèm theo khoản lệ phí quy định tại Điều 708, và xác định rõ ràng là việc đăng ký này là để đính chính và mở rộng thông tin. Thông tin bao hàm trong đăng ký bổ xung các yếu tố mới nhưng không thay thế những yếu tố mà bao hàm trong đăng ký trước đó.

(e). Bản phát hành đã được công bố của tác phẩm đã đăng ký trước đó: việc đăng ký đối với bản phát hành công bố lần đầu của tác phẩm đã được đăng ký trước đó dưới hình thức chưa công bố có thể được thực hiện mặc dù phiên bản tác phẩm như được công bố thực chất là tương tự như phiên bản tác phẩm chưa được công bố.

Điều 409: Đơn đăng ký quyền tác giả.

Đơn đăng ký quyền tác giả sẽ được làm theo mẫu được quy định bởi cơ quan đăng ký và sẽ bao gồm:

(1). Tên và địa chỉ của người nộp đơn đăng ký quyền tác giả;

(2). Trong trường hợp tác phẩm không phải là tác phẩm khuyết danh hoặc ký danh, tên và quốc tịch hoặc nơi thường trú của tác giả hoặc những tác giả, và nếu một hoặc nhiều tác giả đã chết, ngày chết của họ;

(3). Nếu tác phẩm là tác phẩm khuyết danh hoặc ký danh, quốc tịch hoặc nơi cư trú của tác giả hoặc những tác giả;

(5).  Nếu tác phẩm được làm do thuê mướn, tuyên bố về mục đích của việc thuê mướn;

(6).  Tiêu đề của tác phẩm cùng với bất kỳ những tiêu đề trước đó hoặc sửa đổi mà theo đó tác phẩm có thể được xác định;

(7).  Năm mà vào năm đó sự sáng tạo tác phẩm được hoàn thành;

(8).  Nếu tác phẩm đã được công bố, ngày và quốc gia công bố lần đầu;

(9).  Đối với các tác phẩm hợp tuyển hoặc phái sinh, một sự xác nhận về bất kỳ tác phẩm hoặc những tác phẩm hiện có nào mà tác phẩm này được xây dựng hoặc tạo thành trên các tác phẩm đó, và tuyên bố chung, tóm lược của phần đưa thêm vào bao hàm trong yêu cầu về quyền tác giả đang được đăng ký;

(10). Đối với tác phẩm đã công bố bao hàm các yếu tố cấu thành bản sao của tác phẩm theo yêu cầu quy định tại Điều 601 đối với việc được sản xuất tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, tên của những người hoặc tổ chức đã thực hiện quy trình sản xuất quy định tại Khoản (c) của Điều 601 có liêu quan đến các yếu tố cấu thành đó, và nơi mà quy trình sản xuất đó được thực hiện; và

(11). Bất kỳ thông tin nào khác mà Cơ quan đăng ký quyền tác giả quan tâm có ý nghĩa đối với sự sáng tạo hoặc xác nhận tác phẩm hoặc sự tồn tại, quyền sở hữu hoặc thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

Nếu đơn được nộp về việc mở rộng và tiếp nối thời hạn bảo hộ quy định tại Điều 304(a)(3)(A) và thời hạn đăng ký nguyên thủy đã không được thực hiện, Cơ quan đăng ký có thể yêu cầu thông tin liên quan tới việc tồn tại, sở hữu chủ, hoặc thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với thời hạn nguyên thuỷ.

Điều 410: Yêu cầu đăng ký và cấp chứng nhận.

(a).  Sau khi thẩm định, phù hợp với các quy định của Điều luật này, Cơ quan đăng ký xác định là các hồ sơ nộp xác lập đối tượng có thể được bảo hộ quyền tác giả và các yêu cầu về hình thức và pháp lý của Điều luật này đã được đáp ứng, khi đó, Cơ quan đăng ký sẽ đăng ký yêu cầu và cấp cho người nộp đơn một chứng chỉ về sự đăng ký có dấu của Cục Bản quyền tác giả. Chứng chỉ này sẽ bao hàm những thông tin nêu trong đơn cùng với số chứng nhận và ngày có hiệu lực của đăng ký.

(b).  Trong trường hợp Cơ quan đăng ký, phù hợp với các quy định của Điều luật này, quyết định là các tài liệu được nộp không xác lập đối tượng có thể được bảo hộ quyền tác giả hoặc quyết định là yêu cầu này không có hiệu lực theo bất kỳ lý do nào khác, Cơ quan đăng ký từ chối đăng ký và thông báo cho người nộp đơn bằng văn bản lý do của việc từ chối đó.

(c).  Trong bấy kỳ thủ tục tố tụng nào chứng chỉ đăng ký được cấp trước hoặc trong vòng 5 năm sau khi công bố lần đầu tác phẩm sẽ xác lập chứng cớ hiển nhiên (prima facie evidence) về giá trị pháp lý của quyền tác giả và của các sự kiện tuyên bố trong chứng chỉ đó. Giá trị chứng cứ theo chứng chỉ đăng ký cấp sau đó phụ thuộc vào phán quyết của Toà án.

(d).  Ngày có hiệu lực của đăng ký quyền tác giả sẽ là ngày mà đơn, các tài liệu nộp, và lệ phí tất cả đã được Cục Bản quyền tác giả tác giả nhận, sau khi chúng được Cơ quan đăng ký quyền tác giả hoặc Toà án có thẩm quyền xác định sau đó là có thể chấp nhận cho đăng ký.

Điều 411: Đăng ký và các khiếu kiện xâm phạm

(a).  Ngoại trừ các khiếu kiện xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm thuôc diện Công ước BERNE mà quốc gia gốc không phải là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và khiếu kiện được đưa ra đối với sự xâm phạm các quyền của tác giả theo Điều 106(a), và tuỳ thuộc vào các quy định tại khoản (b), không một khiếu kiện xâm phạm quyền tác giả đối với bất kỳ tác phẩm nào sẽ được xác lập cho tới khi đơn yêu cầu đăng ký quyền tác giả được thực hiện phù hợp với Điều luật này. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào mà tài liệu nộp, đơn và lệ phí quy định đối với việc đăng ký đã được chuyển tới Cục Bản quyền tác giả dưới hình thức phù hợp và việc đăng ký đã bị từ chối, người nộp đơn có quyền tiến hành khiếu kiện đối với sự xâm phạm nếu thông báo về việc đó được gửi tới Cơ quan đăng ký quyền tác giả cùng với bản sao của đơn kiện. Cơ quan đăng ký có thể, tuỳ theo lựa chọn của mình, trở thành một bên của vụ kiện liên quan tới vấn đề về khả năng đăng ký quyền tác giả của đơn yêu cầu thông qua việc tham dự trong vòng 60 ngày sau khi thông báo đó được gửi, nhưng lỗi của Cơ quan đăng ký trong việc trở thành một bên sẽ không tước đi thẩm quyền của Toà án trong việc quyết định vấn đề đó.

(b).  Trong trường hợp tác phẩm bao hàm âm thanh, hình ảnh hoặc cả hai, sự định hình lần đầu của tác phẩm đó được thực hiện đồng thời với việc truyền dẫn tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả có thể, hoặc là trước hoặc là sau khi định hình đó diễn ra, tiến hành khiếu kiện đối với sự xâm phạm theo Điều 501, hoàn toàn thuộc đối tượng của các biện pháp thực thi quy định tại Điều 502 tới 506 và Điều 509 và 510, nếu, phù hợp với các yêu cầu mà cơ quan đăng ký quyền tác giả sẽ quy định trong quy chế, chủ sở hữu quyền tác giả:

(1). Gửi thông báo tới người vi phạm, trước 15 ngày và chậm nhất không quá 10 ngày trước sự định hình này, chỉ rõ tác phẩm, thời gian cụ thể và nguồn của việc truyền lần đầu tác phẩm, và nêu rõ ý định bảo vệ quyền tác giả của tác phẩm; và

(2). Thực hiện đăng ký đối với tác phẩm, nếu được yêu cầu bởi Khoản (a), trong vòng ba tháng sau khi truyền lần đầu tác phẩm.

Điều 412: Đăng ký như là điều kiện cần cho các biện pháp thực thi cụ thể đối với sự xâm phạm

Bất kỳ khiếu kiện nào theo Điều luật này, ngoài khiếu kiện được đưa ra đối với sự xâm phạm các quyền của tác giả theo Điều 106(a) hoặc khiếu kiện được xác lập theo Điều 411(b), không một khoản phạt bồi thường thiệt hại theo luật hoặc lệ phí luật sư nào như được quy định tại Điều 504 và 505, sẽ được đưa ra đối với:

(1). Bất kỳ sự xâm phạm quyền tác giả nào đối với tác phẩm chưa công bố bắt đầu trước ngày có hiệu lực của việc đăng ký tác phẩm đó; hoặc

(2). Bất kỳ sự xâm phạm quyền tác giả nào bắt đầu sau khi công bố lần đầu tác phẩm và trước ngày có hiệu lực của việc đăng ký tác phẩm đó, trừ phi việc đăng ký này được thực hiện trong vòng 3 tháng sau khi công bố lần đầu tác phẩm.


Chương 5

Xâm phạm quyền tác giả
và các biện pháp thực thi

Điều

501.     Xâm phạn quyền tác giả

502.     Các biện pháp thực thi chống xâm phạm: các phương thức thực thi

503.     Các biện pháp thực thi chống xâm phạm: tịch thu và sử dụng đồ vật vi phạm

504.     Các biện pháp thực thi chống xâm phạm: bồi thường thiệt hại và các khoản lợi nhuận

505.     Các biện pháp thực thi chống xâm phạm: chi phí tố tụng và lệ phí luật sư

506.     Hình phạt hình sự

507.     Phạm vi tố tụng

508.     Thông báo nộp đơn và quyết định thụ lý

509.     Tịch thu và tiêu huỷ

510.     Các biện pháp thực thi chống lại sự sửa đổi chương trình bởi một hệ thống truyền cáp

511.     Nghĩa vụ của nhà nước, các công cụ của nhà nước, và công chức nhà nước chống xâm phạm quyền tác giả

Điều 501: Xâm phạm quyền tác giả.

(a).  Bất kỳ người nào mà xâm phạm bất kỳ quyền độc quyền nào của chủ sở hữu quyền tác giả như quy định tại các Điều 106 tới 118 hoặc của các tác giả như quy định tại Điều 106 A(a) hoặc người mà nhập khẩu các bản sao hoặc bản ghi vào Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ vi phạm Điều 602, là người vi phạm bản quyền hoặc quyền của tác giả, tuỳ trường hợp có thể. Trong phạm vi của chương này (ngoại trừ Điều 506), bất kỳ dẫn chiếu nào đến bản quyền sẽ được coi là bao hàm các quyền quy định tại Điều 106 A(a). Như được sử dụng trong Khoản này, thuật ngữ “bất kỳ người nào” bao hàm bất kỳ Bang, các cơ quan nhà nước của Bang, và công chức hoặc nhân viên nhà nước của Bang hoặc cơ quan quản lý nhà nước của Bang thực hiện nhiệm vụ của mình. Bất kỳ Bang, và bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước của Bang, công chức, nhân viên nhà nước nào sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh của các quy định của Điều luật này trong cùng phạm vi và cùng cách thức tương tự như bất kỳ tổ chức phi Chính Phủ nào.

(b).  Chủ sở hữu hợp pháp hoặc thụ hưởng quyền độc quyền theo quyền tác giả tác phẩm được hưởng quyền, tuỳ thuộc vào các yêu cầu của Điều 411, có quyền tiến hành khiếu kiện đối với bất kỳ sự vi phạm quyền cụ thể đó bị phát hiện trong khi người này sở hữu quyền đó. Toà án có thể yêu cầu người này gửi thông báo bằng văn bản về khiếu kiện đó với bản sao đơn kiện cho bất kỳ người nào, thông qua hồ sơ của Cục Bản quyền tác giả hoặc các tài liệu khác, chứng minh là có hoặc được quyền đòi lợi ích từ quyền tác giả đó, và sẽ yêu cầu là thông báo này được gửi tới bất kỳ người nào mà lợi ích của họ có khả năng bị ảnh hưởng bởi phán quyết trong vụ việc đó. Toà án có thể yêu cầu bị đơn liên quan, và cho phép can thiệp, của bất kỳ người nào có hoặc được quyền đòi lợi ích từ quyền tác giả đó.

(c).  Đối với bất kỳ truyền sóng thứ cấp nào thông qua hệ thống cáp mà bao hàm sự trình diễn hoặc trình bầy tác phẩm đều có thể khởi kiện như một hành vi xâm phạm theo Khoản (c) của Điều 111, một trạm phát sóng truyền hình nắm giữ quyền tác giả hoặc giấy phép khác đối với việc truyền sóng hoặc trình diễn cùng một phiên bản của tác phẩm đó, trong phạm vi của Khoản (b) của Điều này, sẽ được đối xử như là chủ sở hữu hợp pháp hoặc thụ hưởng nếu truyền sóng thứ cấp này xẩy ra trong phạm vi khu vực dịch vụ địa phương của trạm phát sóng đó.

(d).  Đối với bất kỳ truyền sóng thứ cấp nào thông qua một hệ thống cáp mà có thể khởi kiện như một hành vi xâm phạm theo Điều 111(c)(3), các trường hợp sau cũng sẽ liệt vào đối tượng khởi kiện: (i) truyền sóng lần đầu của một trạm truyền sóng lần đầu đã bị sửa đổi bởi hệ thống cáp này; và (ii) bất kỳ trạm pháp sóng truyền hình nào mà trong khu vực dịch vụ địa phương của trạm phát này truyền sóng thứ cấp đó xẩy ra.

(e).  Liên quan đến bất kỳ truyền sóng thứ cấp nào mà được thực hiện thông qua tổ chức truyền hình qua vệ tinh của truyền sóng lần đầu bao hàm sự trình diễn hoặc trình bầy tác phẩm và có thể khởi kiện như một hành vi xâm phạm theo Điều 119(a)(5), trạm hệ thống nắm giữ quyền tác giả hoặc các sự cấp phép khác đối với truyền sóng hoặc trình diễn cùng một phiên bản của tác phẩm đó, trong phạm vi Khoản (b), sẽ được đối xử như là chủ sở hữu hợp pháp hoặc thụ hưởng nếu truyền sóng thứ cấp này xẩy ra trong phạm vi khu vực dịch vụ địa phương của trạm phát sóng đó.

Điều 502: Các biện pháp thực thi chống vi phạm: các lệnh của Toà án.

(a).  Bất kỳ Toà án nào có thẩm quyền xét xử về kiện dân sự phát sinh theo Điều luật này, tùy thuộc vào các quy định tại Điều 1498 của Điều luật số 28, có thể ra lệnh tạm thời hoặc cuối cùng về các điều khoản và điều kiện mà có thể được coi là hợp lý để ngăn chặn hoặc ngăn ngừa xâm phạm quyền tác giả.

(b).  Bất kỳ lệnh này có thể được gửi tới bất kỳ nơi nào thuộc Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đến người có liên quan; lệnh này sẽ có hiệu lực trên toàn bộ phạm vi Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và sẽ có khả năng thi hành thông qua các thủ tục thi hành đối với việc thiếu tôn trọng quyết định của toà hoặc các trường hợp khác, bởi bất kỳ Toà án nào của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ có thẩm quyền xét xử đối với người đó. Thư ký Toà án ra lệnh, khi được yêu cầu của bất kỳ Toà án nào khác mà sự thi hành lệnh đó đã được gửi, sẽ chuyển trực tiếp tới Toà án này bản sao có xác nhận trên tất cả các trang trong hồ sơ của vụ án tại văn phòng của thư ký đó.

Điều 503: Các biện pháp thực thi chống vi phạm: tịch thu và xử lý đồ vật vi phạm.

(a).  Vào bất kỳ thời điểm nào mà vụ việc kiện theo Điều luật nào đang trong giai đoạn giải quyết, Toà án có thể ra lệnh tịch thu, dựa trên những điều kiện và điều khoản mà có thể được coi là hợp lý, tất cả các bản sao hoặc bản ghi bị kiện là đã được làm hoặc đã được sử dụng xâm phạm quyền tác giả của chủ sở hữu các quyền độc quyền, và tất các các khuôn in, khuôn đúc, khuôn cối, đầu máy, băng, phim âm bản, hoặc các đồ vật khác mà nhờ chúng các bản sao hoặc bản ghi có thể được tái bản.

(b).  Như một phần của quyết định hoặc bản án trung thẩm, Toà án có thể ra lệnh phá huỷ hoặc xử lý thích hợp khác tất cả các bản sao hoặc bản ghi bị phát hiện là đã được làm hoặc đã được sử dụng xâm phạm quyền tác giả của chủ sở hữu các quyền độc quyền, và tất cả các khuôn in, khuôn đúc, khuôn cối, đầu máy, băng, phim âm bản, hoặc các đồ vật khác mà bằng phương tiện đó các bản sao hoặc bản ghi có thể được tái bản.

Điều 504: Các biện pháp thực thi chống vi phạm: Bồi thường thiệt hại và lợi nhuận.

(a).  Quy định chung: ngoại trừ quy định khác tại Điều luật này, người xâm phạm quyền tác giả có nghĩa vụ bồi thường hoặc là:

(1). Thiệt hại thực tế của Chủ sở hữu quyền tác giả và bất kỳ khoản lợi nhuận tăng thêm nào của người xâm phạm như quy định tại Khoản (b); hoặc

(2). Thiệt hại theo luật như quy định tại Khoản (c).

(b).  Thiệt hại thực tế và các khoản lợi nhuận: chủ sở hữu quyền tác giả có quyền thu hồi những khoản thiệt hại thực tế mà mình phải chịu do hệ quả của sự xâm phạm, và bất kỳ khoản lợi nhuận nào của người vi phạm mà có thể quy kết là do sự xâm phạm và chưa được tính đến khi xác định thiệt hại thực tế. Trong việc xác định lợi nhuận của người vi phạm, chủ sở hữu quyền tác giả được yêu cầu chỉ đưa ra bằng chứng về thu nhập ròng của người vi phạm và người vi phạm được yêu cầu chứng minh các khoản chi phí có thể khấu trừ của mình và các phần lợi nhuận có thể quy kết là do các nhân tố khác không phải là từ tác phẩm được bảo hộ.

(c).  Bồi thường thiệt hại theo luật:

(1). Ngoại trừ quy định tại Điểm (2) của Khoản này, chủ sở hữu quyền tác giả có thể lựa chọn, vào bất kỳ thời điểm nào trước khi quyết định trung thẩm được đưa ra, việc đòi, thay vì các khoản thiệt hại thực tế và lợi nhuận, các khoản phạt bồi thường thiệt hại theo luật đối với tất cả sự xâm phạm bao hàm trong vụ kiện đó, đối với bất kỳ một tác phẩm nào mà về các khoản phạt bồi thường này bất kỳ một người vi phạm phải chịu trách nhiệm cá nhân hoặc bất kỳ hai hoặc nhiều người vi phạm nào phải chịu trách nhiệm liên đới và theo phần độc lập, một khoản tiền không ít hơn $500 hoặc không vượt quá $20.000 như xét xử công bằng của Toà án. Trong phạm vi của Khoản này, tất cả các phần của tác phẩm hợp tuyển hoặc tác phẩm phái sinh tạo thành một tác phẩm.

(2). Trong trường hợp mà chủ sở hữu quyền tác giả chịu trách nhiệm chứng minh và Toà án thấy là sự xâm phạm này đã thực hiện một cách cố ý, Toà án trong phán quyết của mình có thể tăng mức phạt bồi thường thiệt hại theo luật lên một khoản không vượt quá $100.000. Trong trường hợp mà người vi phạm chịu trách nhiệm chứng minh, và Toà án thấy là người vi phạm này đã không nhận thức được và không có lý do nào để xác định là các hành vi của mình cấu thành sự xâm phạm quyền tác giả, Toà án trong phán quyết của mình có thể giảm mức phạt bồi thường thiệt hại một khoản không ít hơn $200. Toà án sẽ đình chỉ các khoản bồi thường thiệt hại theo luật trong bất kỳ trường hợp nào mà người vi phạm tin là hoặc có cơ sở hợp lý để tin là việc sử dụng tác phẩm được bảo hộ của mình là sử dụng hợp lý theo Điều 107, nếu người vi phạm này là: (i) người làm công hoặc đại diện của một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, Thư Viện, cơ quan lưu trữ hoạt động trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình hoặc của tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, Thư Viện, cơ quan lưu trữ đó mà đã xâm phạm thông qua việc tái bản tác phẩm dưới dạng các bản sao hoặc bản ghi; hoặc (ii) một tổ chức phát sóng công cộng hoặc một người mà, như một phần thông thường của các hoạt động phi lợi nhuận của tổ chức phát sóng (như quy định tại Khoản (g) của Điều 118) đã xâm phạm thông qua việc trình diễn một tác phẩm văn học phi kịch nghệ đã công bố hoặc thông qua việc tái bản chương trình phát sóng bao hàm sự trình diễn tác phẩm đó.

Điều 505: Các biện pháp thực thi chống sự xâm phạm: chi phí tố tụng và lệ phí luật sư.

Trong bất kỳ vụ khởi kiện dân sự nào theo Điều luật này, Toà án trong phán quyết của mình có thể cho phép thu hồi toàn bộ chi phí bởi hoặc đối với bất kỳ bên thứ ba nào khác không phải là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc công chức của họ. Ngoại trừ quy định khác tại Điều luật này, Toà án cũng có thể quyết định khoản lệ phí luật sư hợp lý đối với bên thắng kiện như là một phần của chi phí tố tụng.

Điều 506: Các hình phạt hình sự.

(a).  Vi phạm mang tính chất hình sự: bất kỳ người nào mà xâm phạm một cách cố ý quyền tác giả phục vụ cho mục đích thu lợi nhuận thương mại hoặc giành các mục tiêu tài chính cá nhân sẽ bị phạt tù theo quy định của Điều 2319 của Điều luật số 28.

(b).  Tịch thu và tiêu huỷ: khi bất kỳ người nào bị kết án về bất kỳ sự vi phạm nào của Khoản (a), Toà án theo thẩm quyền xét xử của mình, cùng với hình phạt được quy định trong đó, sẽ ra lệnh tịch thu và tiêu huỷ hoặc xử lý khác tất cả các bản sao hoặc bản ghi vi phạm và tất cả những công cụ, phương tiện hoặc thiết bị được sử dụng trong việc sản xuất các bản sao hoặc bản ghi vi phạm đó.

(c).  Gian lận trong ký hiệu quyền tác giả: bất kỳ người nào mà, với ý định lừa dối, in trên bất kỳ đồ vật nào một ký hiệu quyền tác giả hoặc cụm từ có ý nghĩa tương tự mà người này biết sự lừa dối đó, hoặc người mà, với ý định lừa dối, phân phối tới công chúng hoặc nhập khẩu để phân phối tới công chúng bất kỳ đồ vật nào mang ký hiệu hoặc cụm từ như vậy mà người này biết sự lừa dối đó, sẽ bị phạt không vượt quá $2.500.

(d).  Gian lận trong việc xoá bỏ ký hiệu quyền tác giả: bất kỳ người nào mà, với ý định lừa dối, xoá bỏ hoặc sửa đổi bất kỳ ký hiệu quyền tác giả nào trên bản sao của một tác phẩm được bảo hộ sẽ bị phạt không vượt quá $2.500.

(e). Gian lận trong việc trình bầy: bất kỳ người nào mà biết rằng là tạo ra gian dối trong việc trình bầy về sự thật tư liệu sử dụng trong việc nộp đơn đăng ký quyền tác giả theo quy định tại Điều 409, hoặc trong bất kỳ một tuyên bố bằng văn bản nào được nộp liên quan tới đơn đăng ký đó, sẽ bị phạt không quá $2.500.

(f). Các quyền về nguồn gốc và bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm: không một quy định nào của Điều này áp dụng đối với sự xâm phạm các quyền nêu tại Điều 106 A(a).

Điều 507: Thời hiệu của việc khởi kiện:

(a).  Các thủ tục tố tụng hình sự: không một thủ tục tố tụng hình sự nào sẽ được thụ lý theo các quy định của Điều luật này trừ phi nó được bắt đầu trong vòng 3 năm sau khi nguyên nhân của sự khởi kiện phát sinh.

(b).  Các thủ tục tố tụng dân sự: không một thủ tục tố tụng dân sự nào sẽ được duy trì theo các quy định của Điều luật này trừ phi nó được bắt đầu trong vòng 3 năm sau khi kiếu nại nẩy sinh.

Điều 508: Thông báo nộp đơn và quyết định khởi kiện.

(a).  Trong vòng 1 tháng sau khi việc nộp đơn về bất kỳ việc khởi kiện nào theo Điều luật này, thư ký của các Toà án của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ sẽ gửi thông báo bằng văn bản tới Cơ quan đăng ký trong phạm vi chỉ rõ trong hồ sơ được nộp tại Toà án trình bầy các tên và địa chỉ của các bên và tên của tác phẩm, tác giả, và số đăng ký của từng tác phẩm bao hàm trong vụ kiện. Nếu có bất kỳ tác phẩm được bảo hộ nào khác sau này được đưa vào vụ kiện đó thông qua việc sửa đổi, phúc đáp hoặc kháng nghị khác, người thư ký này cũng phải gửi thông báo về việc đó tới cơ quan đăng ký trong vòng 1 tháng sau khi kháng nghị đó được nộp.

(b). Trong vòng 1 tháng sau khi quyết định hoặc phán quyết trung thẩm của vụ việc được tuyên, người thư ký của Toà án sẽ thông báo tới Cơ quan đăng ký về việc đó, gửi kèm theo thông báo bản sao của quyết định hoặc phán quyết cùng với đáng giá bằng văn bản của Toà, nếu có.

(c). Vào lúc nhận được thông báo quy định tại Điều này, Cơ quan đăng ký sẽ đưa chúng vào một mục trong công báo đăng ký của Cục Bản quyền tác giả.

Điều 509: Tịch thu và tiêu huỷ.

(a).  Tất cả các bản sao hoặc bản ghi được sản xuất, sao chép, phân phối, bán hoặc được sử dụng khác, có chủ ý sử dụng hoặc chiếm đoạt với chủ ý sử dụng vi phạm Điều 506 (a), và tất cả các khuôn in, khuôn đúc, khuôn cối, đầu máy, băng, phim âm bản, hoặc các đồ vật khác mà bằng phương tiện đó các bản sao hoặc bản ghi có thể được tái bản, và tất cả các thiết bị điện tử, kỹ thuật hoặc các công cụ khác để sản xuất, tái bản, hoặc lắp giáp các bản sao hoặc bản ghi đó có thể bị tịch thu và tiêu huỷ tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

(b).  Thủ tục có thể áp dụng đối với (i) việc tịch thu, tiêu huỷ sơ bộ và chi tiết và tịch biên tầu thuyền, xe cộ, máy móc, hành lý xách tay vi phạm luật hải quan quy định tại Điều luật số 19, (ii) việc sử dụng tầu thuyền, xe cộ, máy móc, hành lý xách tay hoặc tiền thu được từ việc bán chúng, (iii) việc tha hoặc huỷ bỏ việc tiêu huỷ, (iv) hoà giải các yêu cầu, và (v) phạt bồi thường đối với người đưa tin dẫn tới sự tiêu huỷ đó, sẽ áp dụng đối với những việc tịch thu và tiêu huỷ đã bị tuyên hoặc được coi là đã bị tuyên theo các quy định của Điều này trong phạm vi có thể được áp dụng và không mâu thuẫn với các quy định của Điều này; ngoại trừ các nghĩa vụ này bắt buộc đối với bất kỳ công chức hoặc nhân viên nào của Cục Lưu trữ hoặc bất kỳ người nào khác liên quan đến việc tịch thu và tiêu huỷ tầu thuyền, xe cộ, máy móc, hành lý xách tay theo các quy định của Luật hải quan quy định tại Điều luật số 19, nghĩa vụ đối với việc tịch thu và tiêu huỷ tất cả các đồ vật nêu tại Khoản (a) sẽ được thực hiện bởi các công chức, đại diện hoặc những người khác mà có thể được uỷ quyền hoặc chỉ định cho việc này bởi tổng biện lý (Attorney General).

Điều 510: Các biện pháp thực thi đối với việc sửa đổi chương trình bởi một hệ thống cáp.

(a).  Trong bất kỳ việc khiếu kiện nào được nộp theo Điều 111(c)(3), các biện pháp thực thi sau đây sẽ được áp dụng:

(1). Đối với vụ kiện được tiến hành bởi một bên được xác định theo Khoản (b) hoặc (c) của Điều 501, các biện phát thực thi quy định tại Điều 502 tới 505 và biện phát thực thi quy định tại Khoản (b) của Điều này ; và

(2). Đối với vụ kiện được tiến hành bởi một bên được xác định theo Khoản (d) của Điều 501, các biện pháp thực thi quy định tại Điều 502 và 505 cùng với bất kỳ thiệt hại thực tế nào phải chịu bởi bên này từ kết quả của sự xâm phạm, và biện pháp thực thi quy định tại Khoản (b) của Điều này.

(b).  Trong bất kỳ vụ khiếu kiện nào được nộp theo Điều 111(c)(3), Toà án có thể quyết định là, trong khoảng thời gian không vượt quá 30 ngày, hệ thống cáp sẽ bị tước đi lợi ích của giấy phép bắt buộc đối với một hoặc nhiều tín hiệu không gian được truyền thông qua hệ thống cáp đó.

Điều 511: Nghĩa vụ của các Bang, các cơ quan nhà nước của Bang và các công chức nhà nước các Bang đối với xâm phạm quyền tác giả.

(a).  Quy định chung: bất kỳ Bang nào, bất kỳ cơ quan nhà nước của Bang nào và bất kỳ công chức hoặc nhân viên của Bang hoặc làm việc cho Bang nào hoạt động trong chức năng nhiệm vụ chính thức của mình không được miễn khỏi vụ việc tại Toà án Liên bang bởi bất kỳ người nào kể cả các tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ, theo Luật sửa đổi lần thứ 11 Hiến pháp Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc theo bất kỳ học thuyết ưu đãi miễn trừ nào, về sự xâm phạm bất kỳ quyền độc quyền nào của chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại Điều 106 tới 119, về việc nhập khẩu bản sao hoặc bản ghi vi phạm Điều 602, hoặc về bất kỳ sự vi phạm nào theo Điều luật này.

(b).  Các biện pháp thực thi: trong vụ việc quy định tại Khoản (a) đối với sự vi phạm nêu tại Khoản đó, các biện pháp thực thi (bao gồm cả các biện pháp thực thi theo luật và Luật thông lệ) được áp dụng đối với sự vi phạm này có nội dung tương tự như các các biện pháp thực thi được áp dụng đối với sự vi phạm trong vụ kiện chống lại bất kỳ tổ chức tư nhân hoặc đoàn thể nào không phải là thuộc chính quyền Bang, cơ quan nhà nước của Bang, công chức hoặc nhân viên của Bang hoạt động trong phạm vi chức năng nhiệm vụ chính thức của mình. Các biện pháp thực thi này bao gồm tịch thu và xử lý các đồ vật vi phạm theo Điều 503, các khoản bồi thường thiệt hại thực tế và lợi nhuận và các khoản bồi thường thiệt hại theo luật quy định tại Điều 504, chi phí tố tụng và lệ phí luật sư quy định tại Điều 505, và các biện pháp thực thi quy định tại Điều 510.


Chương 6

Cc yêu cầu về sản xuất và nhập khẩu

Điều

601.     Sản xuất, nhập khẩu và phân phối các bản sao

602.     Nhập khẩu bản sao và bản ghi vi phạm

603.     Cấm nhập khẩu: thi hành và xử lý các đồ vật không được nhập khẩu.

Điều 601: ản xuất, nhập khẩu và phân phối tới công chúng các bản sao.

(a).  Trước ngày 1/7/1986, và ngoại trừ quy định tại Khoản (b), việc nhập khẩu vào hoặc phân phối tới công chúng tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ các bản sao của tác phẩm bao gồm chủ yếu là các tác phẩm văn học phi sân khấu mà được thể hiện bằng tiếng Anh và được bảo hộ theo Điều luật này bị cấm trừ phi các phần bao gồm trong tác phẩm đó đã được sản xuất tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc Canada.

(b). Quy định của Khoản (a) sẽ không áp dụng:

(1). Đối với, vào ngày mà việc nhập khẩu đó được chuyển tới hoặc việc phân phối tới công chúng tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ được thực hiện, tác giả của bất kỳ phần chủ yếu nào của tác phẩm không phải là công dân cũng không phải là người thường trú của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, hoặc nếu tác giả này là công dân của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ người này đã cư trú ngoài Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ một khoảng thời gian liên tiếp ít nhất 1 năm ngay trước ngày đó; trong trường hợp tác phẩm được làm do thuê mướn, ngoại lệ quy định tại Điểm này sẽ không áp dụng trừ phi phần cơ bản của tác phẩm được sáng tạo cho người chủ hoặc người khác mà những người này không phải là công dân hoặc người thường trú tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc công ty xí nghiệp trong nước;

(2). Đối với trường hợp Cơ quan Hải quan Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ được trình bằng một tuyên bố nhập khẩu được cấp theo dấu của Cục Bản quyền tác giả, trong trường hợp đó tổng số các bản sao không vượt quá 2.000 bản của tác phẩm sẽ được phép đưa vào; tuyên bố nhập khẩu sẽ được cấp theo yêu cầu của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được chỉ định của người đó vào thời điểm đăng ký tác phẩm này theo Điều 408 hoặc vào bất kỳ thời điểm nào sau đó;

(3). Đối với việc nhập khẩu được đưa vào theo sự cho phép hoặc cho việc sử dụng, ngoài trường học, của Chính Phủ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc của bất kỳ chính quyền Bang hoặc các cơ quan của chính quyền Bang;

(4). Đối với việc nhập khẩu, cho việc sử dụng và không bán được đưa vào:

(A). Bởi bất kỳ người nào đối với bản sao của bất kỳ tác phẩm nào vào bất kỳ thời điểm nào không quá 1 bản;

(B). Bởi bất kỳ người nào đến từ bên ngoài Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, đối với các bản sao là một bộ phận của hành lý xách tay của cá nhân người đó; hoặc

(C). Bởi Tổ chức hoạt động nhằm mục đích giáo dục, đào tạo hoặc tín ngưỡng và không nhằm đạt các mục đích cá nhân, đối với các bản sao chủ định nhằm lập nên một phần của thư viện của Tổ chức đó;

(5). Đối với các bản sao được tái bản dưới dạng ký tự nổi cho việc sử dụng của người mù; hoặc

(6). Đối với trường hợp thêm vào các bản sao được nhập khẩu theo Điểm (3) và (4) của Khoản này, không vượt quá 2.000 bản của bất kỳ bản sao nào của tác phẩm mà không được sản xuất tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc Cananda được phân phối tới công chúng tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ; hoặc

(7). Đối với trường hợp mà vào ngày khi việc nhập khẩu này được đưa vào hoặc việc phân phối tới công chúng tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ được thực hiện:

(A). Tác giả của bất kỳ phần cơ bản nào của tác phẩm là một cá nhân và nhận sự bù đắp đối với việc chuyển nhượng hoặc cấp phép quyền phân phối tác phẩm tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ; và

(B). Công bố lần đầu tác phẩm này đã được thực hiện trước đó tại một nơi ngoài Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ theo sự chuyển nhượng hoặc cấp phép được thực hiện bởi tác giả này đối với người được chuyển nhượng hoặc được cấp phép không phải là công dân hoặc người thường trú của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc công ty hoặc doanh nghiệp trong nước; và

(C). Không có bất kỳ sự công bố nào của phiên bản được phép phát hành của tác phẩm mà các bản sao của nó được sản xuất tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ; và

(D). Các bản sao được tái bản theo sự chuyển nhượng hoặc cấp phép thực hiện bởi tác giả đó hoặc bởi người được chuyển nhượng hoặc được cấp phép quyền công bố lần đầu tác phẩm nêu tại Đoạn (B), và người được chuyển nhượng hoặc được cấp phép quyền tái bản không phải là công dân hoặc người thường trú của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc công ty hoặc doanh nghiệp trong nước.

(c). Yêu cầu của Điều này về các bản sao được sản xuất tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc Canada được đáp ứng nếu:

(1). Trong trường hợp mà các bản sao được in trực tiếp từ các bản can mà đã được sắp hoặc được in trực tiếp từ các khuông in được làm từ các bản can đó, việc sắp các bản can, làm các khuôn in này được thực hiện tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc Canada; hoặc

(2). Trong trường hợp mà việc tạo khuôn in thông qua quá trình khắc kẽm hoặc khắc thạch bản là bước cuối cùng hoặc bước ngay trước bước in các bản sao, việc tạo khuôn in này đã được thực hiện tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc Canada; và

(3). Trong trường hợp việc in hoặc bước nhân bản cuối cùng khác và bất kỳ việc đóng bản sao nào được thực hiện tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc Canada.

(d).  Việc nhập khẩu hoặc phân phối các bản sao tới công chúng vi phạm Điều này không làm mất hiệu lực bảo hộ đối với các tác phẩm theo Điều luật này. Tuy nhiên, trong bất kỳ việc khởi kiện dân sự hoặc khởi tố hình sự nào đối với sự xâm phạm các quyền độc quyền về tái bản và phân phối các bản sao của tác phẩm, người vi phạm phải biện minh đầy đủ về tất các tư liệu văn học phi sân khấu bao hàm trong tác phẩm đó và bất kỳ phần nào khác của tác phẩm này mà các quyền độc quyền tái bản và phân phối các bản sao được sở hữu bởi cùng một người sở hữu các tư liệu văn học phi kịch nghệ, nếu người vi phạm chứng minh là:

(1). Các bản sao của tác phẩm đã được nhập khẩu hoặc phân phối tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ vi phạm Điều này thực hiện thông qua hoặc với sự cho phép của chủ sở hữu các quyền độc quyền đó; và

(2). Các bản sao vi phạm được sản xuất tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc Canada phù hợp với các quy định tại Khoản (c); và

(3). Sự việc xâm phạm này được bắt đầu trước ngày có hiệu lực của việc đăng ký đối với phiên bản được phép phát hành tác phẩm, các bản sao của tác phẩm đã được sản xuất phù hợp với các quy định tại Khoản (c).

(e).  Trong bất kỳ việc khiếu kiện nào đối với sự xâm phạm các quyền độc quyền về tái bản và phân phối các bản sao của tác phẩm gồm các yếu tố cấu thành bản sao được quy định tại Điều này về việc bản sao được sản xuất tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc Canada, chủ sở hữu quyền tác giả sẽ trình bầy trong đơn kiện tên của những người hoặc những tổ chức mà thực hiện quy trình sản xuất nêu tại Khoản (c) đối với các yếu tố cấu thành đó và các khuôn in mà theo quy trình sản xuất này đã thực hiện.

Điều 602: Nhập khẩu các bản sao hoặc bản ghi vi phạm.

(a).  Việc nhập khẩu vào Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, không có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo Điều luật này, các bản sao hoặc bản ghi của tác phẩm mà đã có được ngoài Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ là xâm phạm quyền độc quyền phân phối các bản sao hoặc bản ghi theo Điều 106, có thể bị khởi kiện theo Điều 501. Khoản này không áp dụng đối với:

(1). Việc nhập khẩu bản sao hoặc bản ghi theo sự cho phép hoặc cho việc sử dụng của Chính Phủ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc của bất kỳ Chính quyền Bang hoặc cơ quan chính trị của Bang nào, nhưng không bao gồm các bản sao hoặc bản ghi phục vụ cho việc sử dụng tại các trường học, hoặc các bản sao của bất kỳ tác phẩm nghe nhìn nào được nhập khẩu phục vụ cho mục đích nào khác ngoài việc sử dụng để lưu trữ;

(2). Việc nhập khẩu, cho việc sử dụng cá nhân của người nhập khẩu và không nhằm phân phối, được thực hiện bởi bất kỳ người nào đối với bản sao hoặc bản ghi của từng tác phẩm một nào không vượt quá 1 bản vào bất kỳ thời điểm nào, hoặc được thực hiện bởi bất kỳ người nào tới từ ngoài Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đối với các bản sao hoặc bản ghi tạo nên một phần của hành lý xách tay của người đó; hoặc

(3). Việc nhập khẩu được thực hiện thông qua hoặc phục vụ cho các tổ chức có mục đích hoạt động giáo dục, đào tạo hoặc tín ngưỡng và không nhằm thu lợi nhuận cá nhân, đối với bản sao của tác phẩm nghe nhìn không quá một bản chỉ dùng cho mục đích lưu trữ của tổ chức đó, và đối với các bản sao hoặc bản ghi của bất kỳ tác phẩm nào khác không quá 5 bản dùng cho mục đích lưu trữ và cho mượn của tổ chức đó, trừ phi việc nhập khẩu các bản sao hoặc bản ghi là một phần của hoạt động bao hàm trong việc tái bản hoặc phân phối có hệ thống được tiến hành bởi tổ chức đó vi phạm các quy định tại Điều 108 (g)(2).

(b).  Trong trường hợp mà việc tạo các bản sao hoặc bản ghi có thể cấu thành sự xâm phạm quyền tác giả nếu Điều luật này có thể được áp dụng, việc nhập khẩu các bản sao này sẽ bị cấm. Trong trường hợp mà các bản sao hoặc bản ghi được tạo ra hợp pháp, Cục Hải quan Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ không có thẩm quyền ngăn cản việc nhập khẩu này trừ phi các quy định của Điều 601 có thể được áp dụng. Trong các trường hợp trên, Thư ký của Cục Ngân khố được phép quy định, thông qua quy chế, các thủ tục theo đó bất kỳ người nào đòi lợi ích từ quyền tác giả đối với một tác phẩm cụ thể, vào thời điểm thanh toán khoản lệ phí quy định, có thể được hưởng quyền thông báo tới Cục Hải quan về việc nhập khẩu đồ vật mà thể hiện các bản sao hoặc bản ghi của tác phẩm.

Điều 603: Cấm nhập khẩu: thi hành và xử lý các đồ vật không được nhập khẩu

(a).  Thư ký Cục Ngân khố và Cục Bưu điện Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ sẽ riêng biệt hoặc kết hợp ban hành quy chế về thi hành các quy định của Điều luật này về cấm nhập khẩu.

(b).  Quy chế này có thể yêu cầu, như điều kiện đối với việc không cho phép nhập khẩu các đồ vật theo Điều 602, đối với:

(1). Người theo đuổi việc không cho nhập khẩu có được lệnh của Toà án cấm việc nhập khẩu các đồ vật đó; hoặc

(2). Người theo đuổi việc không cho nhập khẩu đưa ra chứng cứ, với nội dung (loại) cụ thể và phù hợp với thủ tục quy định, là quyền tác giả mà theo đó người này đòi lợi ích là hợp pháp và việc nhập khẩu này sẽ vi phạm điều cấm quy định tại Điều 602; người theo đuổi việc cấm nhập khẩu này cũng có thể được yêu cầu gửi tới các giấy tờ chứng minh đối với bất kỳ sự xâm hại mà có thể phát sinh nếu việc phong tỏa hoặc cấm nhập khẩu đồ vật có cơ sở là không được chứng minh đúng.

(c).  Các đồ vật được nhập khẩu vi phạm quy định cấm nhập khẩu của Điều luật này thuộc đối tượng tịch thu và tiêu huỷ theo cách thức tương tự như các tài sản được nhập khẩu vi phạm Luật chống hàng lậu. Các đồ vật giả sẽ bị tiêu huỷ một cách trực tiếp bởi Thư ký Cục Ngân khố hoặc Toà án, tuỳ trường hợp có thể.


Chương 7

Cục Bản quyền tác giả

Điều

701.     Cục Bản quyền tác giả: cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ chung

702.     Quy chế của Cục Bản quyền tác giả

703.     Ngày có hiệu lực của việc khởi kiện tại Cục Bản quyền tác giả

704.     Giữ và sử dụng các đồ vật được nộp tới Cục Bản quyền tác giả

705.     Sổ đăng ký của Cục Bản quyền tác giả: ghi chép, lưu trữ, giám sát công cộng và tra cứu

706.     Sao chép sổ đăng ký

707.     Các mẫu và công bố của Cục Bản quyền tác giả

708.     Lệ phí của Cục Bản quyền tác giả

709.     Chậm trễ trong việc giao nhận gây ra bởi sự gián đoạn của các dịch vụ bưu chính hoặc các dịch vụ khác

710.     Tái bản cho sử dụng của người mù và tàn tật bẩm sinh: mẫu giấy phép thoả thuận và thủ tục

Điều 701: Cục Bản quyền tác giả: cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ chung.

(a).  Tất cả các chức năng, nhiệm vụ quản lý theo Điều luật này, ngoại trừ các quy định cụ thể khác, là trách nhiệm của Cục trưởng như Cục trưởng của Cục Bản quyền tác giả thuộc Thư viện Quốc hội. Cục trưởng, cùng với các nhân viên dưới quyền và nhân viên của Cục Bản quyền tác giả sẽ được bổ nhiệm bởi Thư viện Quốc hội, và sẽ hoạt động dưới sự chỉ đạo và giám sát chung của Thư viện.

(b).  Cục trưởng sẽ đưa ra con dấu được sử dụng vào và sau ngày 1/1/1978 để xác nhận vào tất cả các tài liệu chứng nhận được cấp bởi Cục Bản quyền tác giả.

(c).  Cục trưởng sẽ làm báo cáo hàng năm trước Thư viện Quốc hội về công việc và các kết quả đạt được của Cục Bản quyền tác giả trong năm quản lý trước đó.

(d).  Ngoại trừ quy định tại Điều 706(b) và quy chế ban hành theo Điều đó, tất cả các khiếu kiện được thực hiện bởi Cục trưởng theo Điều luật này tuân theo các quy định của Luật thủ tục tố tụng hành chính 11/6/1946 đã được sửa đổi (c. 324,60 Star. 237, Điều luật số 5, Bộ luật Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, Chương 5, Mục II và Chương 7).

(e).  Cục trưởng Cục bản quyền được trả lương tại mức hệ số thanh toán hiện hành theo bảng lương chuyên viên nhà nước cấp 4 theo Điều 5315 của Điều luật số 5. Thư việc Quốc hội lập ra không quá 4 chức vụ trợ lý Cục trưởng, theo đề nghị của Cục trưởng. Thư việc Quốc hội sẽ thực hiện bổ nhiệm vào các chức vụ đó sau khi tham khảo ý kiến của Cục trưởng Cục Bản quyền. Mỗi Trợ lý Cục trưởng Cục Bản quyền được trả lương tại mức hệ số không vượt quá tối đa của mức hệ số thanh toán cơ bản hàng năm theo Bảng lương chung GS-18 theo Điều 5332 của Điều luật số 5.

Điều 702. Các quy chế của Cục Bản quyền tác giả.

Cục trưởng được phép lập ra các quy chế không mâu thuẫn với Luật về chức năng nhiệm vụ quản lý hành chính tạo nên trách nhiệm của Cục trưởng theo Điều luật này. Tất cả các quy chế lập bởi Cục trưởng theo Điều luật này thuộc diện phê chuẩn của Thư viện Quốc hội.

Điều 703: Ngày có hiệu lực của khiếu kiện tại Cục Bản quyền tác giả.

Đối với thời gian hạn chế được quy định theo Điều luật này về việc thực hiện khiếu kiện tại Cục Bản quyền tác giả, và trong trường hợp mà ngày cuối cùng của thời hạn quy định rơi vào ngày thứ bẩy, chủ nhật, ngày nghỉ lễ hoặc ngày không làm việc khác trong Quận Columbia hoặc Chính Phủ Liên bang, khiếu kiện có thể được tiến hành vào ngày làm việc tiếp theo, và có hiệu lực như là những ngày đó khi mà thời hạn này kết thúc.

Điều 704: Lưu giữ và sử dụng các đồ vật được nộp tới Cục Bản quyền tác giả.

(a). Vào lúc nộp các đồ vật tại Cục Bản quyền tác giả theo Điều 407 và 408, tất cả các bản sao hoặc bản ghi và các tài liệu xác minh, bao gồm cả các đồ vật được nộp có liên quan tới đơn yêu cầu mà đã bị từ chối đăng ký, là tài sản của Chính Phủ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

(b).  Trong trường hợp tác phẩm đã công bố, tất cả các bản sao hoặc bản ghi và các tài liệu chứng minh được nộp là thuộc Thư viện Quốc hội phục vụ cho việc sưu tập, hoặc trao đổi hoặc chuyển nhượng với bất kỳ thư viện nào khác của Thư viện Quốc hội. Trong trường hợp tác phẩm chưa công bố, Thư viện Quốc hội sẽ được quyền, theo quy chế mà Cục trưởng sẽ quy định, lựa chọn bất kỳ tài liệu nộp nào phục vụ cho việc sưu tập của Thư viện hoặc chuyển tới Viện Lưu trữ quốc gia của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc tới Trung tâm lưu trữ liên Bang, theo quy định của Điều 2901 của Điều luật số 44.

(c). Cục trưởng, đối với các thể loại tác phẩm chung và riêng, được quyền thực hiện sao chép nguyên trạng tất cả hoặc bất kỳ phần nào của tài liệu nộp theo Điều 408, và được quyền đưa sự sao chép này vào một phần của hồ sơ lưu trữ về việc đăng ký của Cục Bản quyền tác giả trước khi chuyển những tài liệu đó cho Thư viện Quốc hội theo quy định tại Khoản (b) hoặc trước khi tiêu huỷ hoặc phá bỏ khác các tài liệu đó theo quy định tại Khoản (d).

(d). Tài liện nộp không được chọn bởi Thư viện Quốc hội theo Khoản (b), hoặc các phần tài liệu chứng minh hoặc các bản sao chép của chúng sẽ được lưu giữ theo sự kiểm soát của Cục Bản quyền tác giả kể cả việc lưu giữ tại các phương tiện lưu trữ của Chính Phủ, trong thời gian lâu nhất được coi là có thể thực hiện được bởi Cục trưởng và Thư viện Quốc hội. Sau thời hạn này các tài liệu nộp sẽ chịu sự quyết định chung của Cục trưởng và Thư viện Quốc hội về việc ra lệnh tiêu huỷ chúng hoặc phá huỷ khác; nhưng trong trường hợp tác phẩm chưa công bố, không một tài liệu nộp nào sẽ bị chủ tâm hoặc chủ ý tiêu huỷ hoặc phá bỏ khác trong thời hạn bảo hộ bản quyền của tác phẩm đó trừ phi việc sao chép nguyên trạng toàn bộ tài liệu được nộp này đã được thực hiện thành một phần trong hồ sơ lưu trữ của Cục Bản quyền tác giả như quy định tại Khoản (c).

(e). Người nộp các bản sao, bản ghi hoặc các tài liệu chứng minh khác theo Điều 408, hoặc chủ sở hữu quyền tác giả của hồ sơ có thể yêu cầu duy trì, theo sự kiểm soát của Cục Bản quyền tác giả, một hoặc nhiều đồ vật hưởng toàn bộ thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm đó. Cục trưởng sẽ quy định, thông qua quy chế, các điều kiện theo đó các yêu cầu này được thực hiện và được cấp và sẽ ấn định lệ phí được tính theo Điều 708(a)(10) nếu yêu cầu được cấp.

Điều 705: Sổ đăng ký của Cục Bản quyền tác giả: ghi chép, lưu trữ, giám sát công cộng và tra cứu.

(a). Cục trưởng sẽ cấp và lưu giữ tại sổ đăng ký của Cục Bản quyền tác giả tất cả các tài liệu nộp, việc đăng ký, chứng nhận và các khiếu kiện khác được tiến hành theo Điều luật này, và sẽ thực hiện ghi chú cho tất cả hồ sơ đó.

(b). Các hồ sơ và ghi chú cũng như các đồ vật được nộp liên quan đến việc hoàn thành việc đăng ký quyền tác giả và được lưu giữ dưới sự kiểm soát của Cục Bản quyền tác giả sẽ mở rộng cho việc giám sát công cộng.

(c). Vào thời điểm yêu cầu và thanh toán lệ phí quy định tại Điều 708, Cục Bản quyền tác giả sẽ thực hiện tra cứu sổ đăng ký chung, ghi chú, các tài liệu nộp tại Cục, và sẽ cung cấp bản thông tin làm sáng tỏ các khía cạnh về bất kỳ tài liệu nộp, việc đăng ký và các văn bản chứng nhận cụ thể nào.

Điều 706: Sao chép sổ đăng ký của Cục Bản quyền tác giả.

(a). Các bản sao của bất kỳ hồ sơ, ghi chú của Cục Bản quyền tác giả có thể được thực hiện; cùng với chứng nhận đăng ký quyền tác giả và bản sao của bất kỳ hồ sơ hoặc ghi chú công khai nào có thể được cung cấp theo yêu cầu và thanh toán các khoản lệ phí được quy định tại Điều 708.

(b). Các bản sao hoặc bản ghi của các đồ vật được nộp được lưu giữ trong sự kiểm soát của Cục Bản quyền tác giả sẽ được phép hoặc được cung cấp theo các điều kiện được quy định bởi quy chế của Cục Bản quyền tác giả.

Điều 707: Hình thức và công báo của Cục Bản quyền tác giả.

(a). Danh mục hồ sơ trong đăng ký quyền tác giả: Cục trưởng sẽ biên tập và công bố công báo định kỳ danh mục tất cả các hồ sơ đăng ký quyền tác giả. Các danh mục này sẽ được chia thành các phần phù hợp với các loại hình tác phẩm khác nhau, và Cục trưởng có quyền suy xét để quyết định, trên cơ sở khả năng thực tiễn và thuận tiện, hình thức và chu kỳ xuất bản từng phần cụ thể đó.

(b). Các tài liệu khác: Cục trưởng sẽ cung cấp miễn phí theo yêu cầu, mẫu đơn đăng ký quyền tác giả và các tài liệu thông tin chung có liên quan tới chức năng của Cục Bản quyền tác giả. Cục trưởng cũng được phép cung cấp các thông tin tổng hợp, tài liệu tham khảo và các tư liệu khác mà người này cho là có giá trị đối với công chúng.

(c). Phân phối công báo: tất cả công báo của Cục Bản quyền tác giả sẽ được cung cấp cho việc sử dụng của các thư viện theo quy định tại Điều 1905 của Điều luật số 44, và, ngoại trừ cung cấp miễn phí này, công báo đó sẽ được đưa ra bán cho công chúng tại mức giá được xác định trên cơ sở chi phí in và phân phối.

Điều 708: Các khoản lệ phí của Cục Bản quyền tác giả.

(a).  Các khoản lệ phí sau đây sẽ được thanh toán cho Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả:

(1). Vào lúc nộp mỗi đơn theo quy định tại Điều 408 đối với đăng ký yêu cầu hưởng quyền tác giả hoặc đối với việc đăng ký bổ xung bao gồm cả việc cấp chứng nhận đăng ký nếu việc đăng ký được thực hiện, là 20$;

(2). Vào lúc nộp mỗi đơn đăng ký yêu cầu mở rộng thời hạn bảo hộ quyền tác giả hiện tại theo Điều 304(a), bao gồm cả việc cấp chứng nhận đăng ký nếu việc đăng ký được thực hiện, là 20$;

(3). Đối với việc cấp giấy biên nhận về các tài liệu nộp lưu chiểu theo Điều 407, là 4$;

(4). Đối với việc xác nhận, theo quy định của Điều 205, chuyển nhượng sở hữu chủ quyền tác giả hoặc các văn bản khác gồm không quá một quyền, là 20$; đối với các quyền thêm vào văn bản, 10$ đối với mỗi nhóm không vượt quá 10 quyền;

(5). Đối với việc nộp đơn, theo Điều 115(b), trình bầy nguyện vọng xin cấp giấy phép bắt buộc, là 12$;

(6). Đối với việc chứng nhận theo Điều 302(c) về tuyên bố nêu tên tác giả của tác phẩm ký danh hoặc khuyết danh, hoặc chứng nhận theo Điều 302(d) về tuyên bố liên quan đến cái chết của tác giả là 20$ đối với văn bản bao hàm không vượt quá một mục; được mỗi mục phụ thêm, là 2$;

(7). Đối với việc cấp theo Điều 706, chứng nhận đăng ký phụ thêm, là 8$;

(8). Đối với việc cấp bất kỳ chứng nhận nào khác, là 20$ đối với mỗi giờ hoặc phần của giờ sử dụng vào việc đó;

(9). Đối với làm và trả lời tra cứu theo quy định tại Điều 705 và đối với bất kỳ dịch vụ có liên quan nào, là 20$ đối với mỗi giờ hoặc phần của giờ sử dụng vào việc đó; và

(10). Đối với bất kỳ một dịch vụ đặc biệt nào cần có một khoản thời gian hoặc chi phí cơ bản, các khoản lệ phí này như Cục trưởng có thể ấn định trên cơ sở chi phí cung cấp dịch vụ đó.

Cục trưởng được phép ấn định các khoản lệ phí đối với việc làm bản sao của các hồ sơ đăng ký của Cục Bản quyền tác giả, không phụ thuộc vào việc các bản sao đó có được chứng nhận hay không, trên cơ sở chi phí của việc sao chép đó.

(b).  Vào năm 1995 dương lịch và vào từng năm thứ năm dương lịch tiếp theo, Cục trưởng, thông qua quy chế, có thể tăng các khoản lệ phí quy định tại Khoản (a) bằng tỷ lệ phần trăm thay đổi trung bình năm của năm dương lịch trước đó của chỉ số giá cả tiêu dùng công bố bởi Tổng cục thống kê lao động, trên trung bình năm của chỉ số giá cả tiêu dùng đối với năm thứ năm dương lịch trước năm mà vào năm đó việc tăng lệ phí được thực hiện.

(c). Các khoản lệ phí được quy định bởi hoặc theo Điều này được áp dụng đối với Chính Phủ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và bất kỳ cơ quan, nhân viên hoặc quan chức nào của nó, nhưng Cục trưởng có quyền suy xét để bãi bỏ các yêu cầu của Khoản này đối với các trường hợp cá biệt hoặc tác biệt bao hàm các khoản lệ phí nhỏ có liên quan.

(d). Tất cả các khoản lệ phí theo Điều này sẽ được nộp thông qua Cục trưởng tại Cục ngân khố Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và sẽ được lưu lại các khoản chi phí cần thiết hợp lý của Cục Bản quyền tác giả, Người này có thể phù hợp với các quy chế mà sẽ được quy định, hoàn trả bất kỳ khoản tiền nào được thanh toán do nhầm lẫn hoặc vượt quá mức lệ phí quy định bởi Điều này.

Điều 709: Chậm chễ trong việc giao nhận gây ra bởi sự gián đoạn của các dịch vụ bưu chính hoặc các dịch vụ khác.

Trong bất kỳ trường hợp nào mà Cục trưởng xác định, trên cơ sở các bằng chứng mà Người mà thông qua quy chế có thể yêu cầu, là tài liệu nộp lưu chiểu, đơn, lệ phí hoặc các giấy tờ khác được gửi tới Cục Bản quyền tác giả vào một ngày cụ thể có thể nhận được tại Cục Bản quyền tác giả đúng thời hạn ngoại trừ đối với sự gián đoạn hoặc chậm trễ của các dịch vụ bưu chính hoặc vận tải khác hoặc của các dịch vụ viễn thông, việc nhận được thực tế các tài liệu này tại Cục Bản quyền tác giả trong vòng một tháng sau ngày mà vào ngày đó Người này xác định là sự chậm trễ hoặc gián đoạn của các dịch vụ này đã chấm dứt, sẽ được coi là đúng thời hạn.

Điều 710: Tái bản cho sử dụng của người mù và tàn tật bẩm sinh: mẫu giấy phép thoả thuận và thủ tục.

Cục trưởng sau khi tham khảo ý kiến của Giám đốc Cục Người mù và người tàn tật bẩm sinh và các quan chức khác của Thư viện Quốc hội, sẽ lập nên thông qua quy chế mẫu và thủ tục chuẩn thông qua đó, vào thời điểm đơn về các loại hình quy định của tác phẩm văn học phi kịch nghệ được nộp để đăng ký theo Điều 408 của Điều luật này, Chủ sở hữu quyền tác giả có thể tự nguyện cấp cho Thư viện Quốc hội giấy phép tái bản tác phẩm được bảo hộ thông qua phương pháp chữ nổi hoặc biểu tượng có thể cảm nhận bằng xúc giác tương tự, hoặc lời đọc của tác phẩm đó trên bản ghi hoặc cả hai, và để phân phối các bản sao của các bản ghi này nhằm mục đích duy nhất cho sử dụng của người mù và người tàn tật bẩm sinh khác và theo các điều kiện được quy định cụ thể trong các mẫu chuẩn.


Chương 8

Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả

Điều

801.     Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả: mục đích và thành lập

802.     Thành viên và các thủ tục tại ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả.

803.     Lập và kết thúc thủ tục tố tụng Trọng tài

Điều 801: Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả: thành lập và mục đích hoạt động.

(a).  Thành lập: Thư viện Quốc hội, theo đề nghị của Cục trưởng được phép bổ nhiệm và thành lập Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả.

(b).  Mục đích: tuỳ thuộc vào các quy định của chương này, mục tiêu của Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả là:

(1). Để đưa ra quyết định liên quan đến việc điều chỉnh tỷ lệ nhuận bút quyền tác giả hợp lý như quy định tại Điều 114, 115 và 116, và đưa ra quyết định về các điều khoản và tỷ lệ thanh toán nhuận bút hợp lý như quy định tại Điều 118. Tỷ lệ áp dụng theo Điều 114, 115, và 116 sẽ được tính toán nhằm đạt được các mục tiêu sau đây:

(A). Tối đa hoá việc đưa các tác phẩm sáng tạo tới công chúng;

(B). Tạo cho chủ sở hữu quyền tác giả sự đền bù xứng đáng với tác phẩm sáng tạo của họ và người sử dụng quyền tác giả có một mức thu nhập hợp lý trong các điều kiện kinh tế hiện tại;

(C). Cân bằng vai trò có liên quan của chủ sở hữu quyền tác giả và người sử dụng quyền tác giả trong sản phẩn được cung cấp tới công chúng đối với các đóng góp sáng tạo, đóng góp công nghệ, đầu tư vốn, chi phí, rủi ro có liên quan và đóng góp trong việc mở ra một thị trường mới về sự thể hiện và phương tiện sáng tạo trong việc phổ biến tác phẩm.

(D). Giảm thiểu bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào đối với cơ cấu của các ngành công nghiệp có liên quan và đối với việc cản trở nói chung các hoạt động thực tiễn công nghiệp.

(2). Đưa ra các quyết định về việc điều chỉnh các tỷ lệ nhuận bút quyền tác giả tại Điều 111 chỉ duy nhất phù hợp với các quy định sau:

(A). Các tỷ lệ được lập theo Điều 111(d)(1)(B) có thể được điều chỉnh để cân bằng với (i) sự lạm phát hoặc giảm phát tiền tệ quốc  gia hoặc (ii) sự thay đổi trong tỷ lệ trung bình tính đối với đối tượng đặt truyền cáp thường kỳ về các dịch vụ cung cấp truyền sóng thứ cấp cơ bản để duy trì cân bằng thực tế không đổi của lệ phí nhuận bút đối với từng đối tượng đặt truyền cáp thường kỳ mà đã tồn tại vào ngày ban hành của Luật này,với điều kiện là nếu các tỷ lệ trung bình này tính đối với đối tượng đặt truyền cấp thường kỳ về dịch vụ cung cấp truyền sóng thứ cấp cơ bản đã được tính như vậy mà các tỷ lệ trung bình này vượt quá sự lạm phát tiền tệ quốc gia, không một sự thay đổi nào trong các tỷ lệ được lập theo Điều 111(d)(1)(B) sẽ được cho phép: ngoài ra với điều kiện là không một sự tăng lên trong khoản lệ phí nhuận bút này sẽ được phép trên cơ sở bất kỳ sự giảm xuống nào trong số trung bình của tín hiệu từ xa tương tự đối với từng đối tượng truyền cáp. Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả có thể xem xét tất cả các yếu tố bao hàm liên quan đến việc duy trì các mức độ thanh toán này, như một yếu tố giảm nhẹ, không phụ thuộc vào việc ngành công nghiệp truyền cáp có bị kiềm chế bởi quy định tỷ lệ thu tiền đặt trước của cơ quan có thẩm quyền từ việc tăng các tỷ lệ này đối với các dịch vụ cung cấp truyền sóng thứ cấp cơ bản.

(B). Trong trường hợp mà luật và quy định của Uỷ ban truyền thông Liên Bang được sửa đổi bất kỳ thời điểm nào sau ngày 15 tháng 4 năm 1976, để cho phép chuyển tải qua hệ thống cáp các tín hiệu sóng truyền hình phụ thêm vượt ra ngoài khu vực dịch vụ địa phương của các trạm phát sóng nguyên thủy của các tín hiệu đó, tỷ lệ nhuận bút lập ra theo Điều 111(d(1)(B) có thể được điều chỉnh nhằm bảo đảm là các tỷ lệ đối với tín hiệu từ xa tương tự phụ thêm xuất phát từ việc chuyển tải đó là hợp lý theo phương hướng thay đổi có hiệu lực thông qua sự sửa đổi này đối với luật và quy định đó. Trong việc xác định sự hợp lý của các tỷ lệ được đề nghị theo sự sửa đổi luật và quy định của Uỷ ban truyền thông Liên Bang, Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả sẽ xem xét, cùng với các nhân tố khác, ảnh hưởng về mặt kinh tế đối với chủ sở hữu quyền tác giả và người sử dụng, với điều kiện là không một sự điều chỉnh nào trong các tỷ lệ nhuận bút này sẽ được thực hiện theo Đoạn này đối với bất kỳ tín hiệu từ xa tương tự nào hoặc bộ phận của chúng được thực hiện thông qua (i) việc chuyển tải bất kỳ tín hiệu được phép nào theo luật và quy định của Uỷ ban truyền thông Liên Bang có hiệu lực và ngày 15/4/1976, hoặc việc chuyển tải tín hiệu cùng loại (đó là loại tín hiệu độc lập, hệ thống hoặc giáo dục phi thương mại) thay thế cho tín hiệu được phép này, hoặc (ii) tín hiệu truyền hình được chuyển tải lần đầu sau ngày 15/4/1976, theo luật và các quy định bị bãi bỏ cụ thể của Uỷ ban truyền thông Liên Bang như luật và quy định đã có hiệu lực vào ngày 15/4/1976.

(C). Trong trường hợp mà bất kỳ thay đổi nào trong luật và quy định của Uỷ ban truyền thông Liên Bang đối với chương trình thể thao và điểm báo độc quyền sau ngày 15/4/1976, các tỷ lệ lập ra theo Điều 111(d)(1)(B) có thể được điều chỉnh nhằm đảm bảo là các tỷ lệ này là hợp lý theo phương hướng của những sự thay đổi đối với các luật và quy định này, nhưng bất kỳ sự điều chỉnh nào thuộc loại này chỉ áp dụng đối với các tín hiệu truyền hình chịu sự điều chỉnh được chuyển tải thông qua các hệ thống đó chịu sự điều chỉnh của sự thay đổi đó.

(D). Giới hạn tổng doanh thu được lập ra theo Điều 111(d)(1)(C) và (D) sẽ được điều chỉnh để cân bằng với sự lạm pháp hoặc giảm pháp tiền tệ quốc gia hoặc những sự thay đổi trong tỷ lệ trung bình tính đối với các đối tượng đặt truyền cáp hệ thống thường kỳ về các dịch vụ cung cấp truyền sóng thứ cấp cơ bản nhằm duy trì giá trị đồng dollar thực tế không đổi của sự miễn giảm quy định tại Điều này; và tỷ lệ nhuận bút quy định tại Đoạn này sẽ không phải là đối tượng của sự điều chỉnh; và

(3). Để phân phối các khoản lệ phí nhuận bút được nộp tới cơ quan đăng ký quyền tác giả theo Điều 111, 116, 119(b) và 10003, và để quyết định, trong trường hợp có tranh chấp, sự phân phối các khoản lệ phí đó.

(c). Các quy tắc: Thư viện Quốc hội, theo đề nghị của Cơ quan đăng ký bản quyền, trước khi Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả được nhóm họp, có thể đưa ra bất kỳ quy tắc về thủ tục hoặc trình tự nào mà sẽ áp dụng đối với các thủ tục được tiến hành bởi Ban này.

(d).  Hỗ trợ hành chính của Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả: Thư viện Quốc hội, theo đề nghị của Cơ quan đăng ký bản quyền, sẽ cung cấp cho Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả các dịch vụ hành chính cần thiết liên quan tới các thủ tục theo quy định tại Chương này.

Điều 802: Thành viên và thủ tục của Ban Trọng tài nhuận bút quyền tác giả:

(a). Thành phần của Ban Trọng tài nhuận bút quyền tác giả: một Ban Trọng tài nhuận bút quyền tác giả sẽ gồm 3 trọng tài viên được chọn bởi Thư viện Quốc hội theo quy định của Khoản (b).

(b). Lựa chọn của Ban Trọng tài: trong vòng 10 ngày sau khi công bố thông báo tại Văn phòng đăng ký Liên bang về bắt đầu tiến trình trọng tài theo Điều 803, và phù hợp với các thủ tục được quy định bởi Cơ quan đăng ký bản quyền, Thư viện Quốc hội, theo đề nghị của Cơ quan đăng ký bản quyền, sẽ chọn 2 trọng tài viên từ danh sách cung cấp bởi Hiệp hội Trọng tài. Phẩm chất của các trọng tài sẽ bao gồm kinh nghiệm trong việc tiến hành các thủ tục trọng tài và khả năng quyết định và giải quyết tranh chấp, và bất kỳ phẩm chất nào khác mà Thư viện Quốc hội theo đề nghị của Cơ quan đăng ký bản quyền sẽ chấp thuận theo quy chế. Hai trọng tài viên được chọn như vậy trong vòng 10 ngày kể từ ngày họ được chọn sẽ đề cử trọng tài thứ ban từ cùng danh sách, người mà sẽ giữ vị trí là chủ tịch của các trọng tài. Nếu hai trọng tài không thoả thuận được với nhau về việc đề cử trọng tại thứ ba, Thư viện Quốc hội sẽ trực tiếp đề cử trọng tài thứ ba. Thư viện Quốc hội, trên cơ sở đề nghị của Cơ quan đăng ký bản quyền, sẽ banh hành ra quy chế về các nguyên tắc chỉ đạo mà sẽ điều chỉnh các trọng tài viên và các thủ tục tố tụng theo quy định tại Chương này.

(c). Thủ tục tố tụng trọng tài: các Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng, tuỳ thuộc vào Mục II Chương 5 của Điều luật số 5, trong việc đưa ra quyết định của mình để thực hiện các mục tiêu nêu tại Điều 801. Các Ban trọng tài sẽ hành động trên cơ sở hoàn toàn là các biên bản viết, các quyết định của Cơ quan xét sử tiền nhuận bút quyền tác giả trước đó, các quyết định của Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả trước đây và trên cơ sở các quy định của Thư viện Quốc hội theo Điều 801(c). Bất kỳ chủ sở hữu bản quyền mà đòi hưởng nhuận bút theo Điều 111, 114, 116, hoặc 119, bất kỳ người nào được quyền hưởng giấy phép bắt buộc theo Điều 114(d), bất kỳ người nào được quyền hưởng giấy phép bắt buộc theo Điều 115, hoặc bất kỳ bên có lợi ích từ quyền tác giả nào mà đòi được hưởng nhuận bút theo Điều 1006, có thể đề trình những thông tin thích hợp và các đề nghị lên các Ban Trọng tài theo các thủ tục tố tụng được áp dụng đối với Chủ sở hữu bản quyền, hoặc các bên có lợi ích từ quyền tác giả đó và bất kỳ người nào khác tham gia vào các thủ tục tố tụng trọng tài có thể đệ trình các thông tin thích hợp và các đề nghị đó tới Ban trọng tài tiến hành thủ tục đó. Trong các bước tiến hành các thủ tục tố tụng, các bên đối với tiến trình này sẽ phải chịu các chi phí tham gia tiến trình đó theo các cách thức và tỷ lệ mà Ban Trọng tài sẽ hướng dẫn. Trong từng phần tố tụng, các bên sẽ phải chịu chi phí với tỷ lệ trực tiếp đối với phần tham  gia của họ.

(d).  Thủ thục: có hiệu lực vào ngày ban hành của Luật cải tổ cơ quan xét xử nhuận bút quyền tác giả năm 1993, Thư viện Quốc hội sẽ thông qua các quy định và quy chế nêu tại Chương 3 của Điều luật số 37 của Bộ luật các quy chế Liên ban để điều chỉnh các tiến trình tố tụng theo Chương này. Các quy định và quy chế này sẽ duy trì hiệu lực trừ phi và cho tới khi Thư viện Quốc hội, trên cơ sở đề nghị của Cơ quan đăng ký bản quyền thông qua quy chế sửa đổi bổ sung theo Mục II của Chương 5 Điều luật số 5.

(e). Báo cáo tới Thư viện Quốc hội: không muộn hơn 180 ngày sau khi công bố thông báo tại Văn phòng đăng ký Liên bang về việc bắt đầu các tiến trình trọng tài, Ban Trọng tài nhuận bút quyền tác giả tiến hành tiến trình đó sẽ phải báo cáo tới Thư viện Quốc hội quyết định của mình liên quan đến mức lệ phí nhuận bút hoặc sự phân chia các khoản lệ phí nhuận bút trong trường hợp có thể có quyết định như vậy. Báo cáo này được gửi kèm theo biên bản viết và sẽ nêu các chứng cứ mà Ban trọng tài thấy là phù hợp với quyết định.

(f). Hành động của Thư viện Quốc hội: trong vòng 60 ngày sau khi nhận được thông báo của Ban Trọng tài nhuận bút quyền tác giả theo Khoản (e), Thư viện Quốc hội theo đề nghị của Cơ quan đăng ký quyền tác giả, sẽ phê chuẩn hoặc bãi bỏ quyết định của Ban Trọng tài nhuận bút quyền tác giả. Thư viện sẽ phê chuẩn quyết định của Ban Trọng tài trừ phi Thư viện thấy là quyết định đó là trái ngược hoặc mâu thuẫn với các quy định được áp dụng của Điều luật này. Nếu Thư viện bãi bỏ quyết định của Ban trọng tài, Thư viện, trước khi kết thúc thời hạn 60 ngày, và sau khi xem xét toàn bộ biên bản được lập ra trong tiến trình tố tụng trọng tài, sẽ ban hành quyết định đặt ra mức lệ phí nhuận bút và việc phân chia các khoản lệ phí đó trong trường hợp có thể có quyết định như vậy. Thư viện sẽ thực hiện việc công bố tại Văn phòng đăng ký Liên bang quyết định của Ban Trọng tài và quyết định của Thư viện (bao hàm quyết định được ban hành theo tiến trình của vụ việc). Thư viện Quốc hội cũng sẽ đưa báo cáo của Ban Trọng tài nhuận bút quyền tác giả và các biên bản kèm theo cho công chúng kiển tra và sao chép.

(g). Thủ tục phúc thẩm: bất kỳ quyết định của Thư viện Quốc hội nào theo Khoản (f) liên quan đến quyết định của Ban Trọng tài nhuận bút quyền tác giả có thể bị kháng nghị bởi bất kỳ bên thua thiệt nào mà có thể phải chịu theo quyết định đó tới toà án kháng nghị Quận Columnia trong vòng 30 ngày sau khi công bố quyết định đó tại Văn phòng đăng ký Liên bang. Nếu không có kháng nghị được đưa ra trong thời hạn 30 ngày đó, quyết định của Thư viện sẽ là quyết định cuối cùng (trung thẩm), và khoản lệ phí nhuận bút hoặc quyết định về việc phân chia các khoản lệ phí tuỳ trường hợp có thể, sẽ có hiệu lực như được nêu trong quyết định đó. Trong khi giải quyết kháng nghị theo Khoản này sẽ không giải toả các bên khỏi nghĩa vụ đối với việc thực hiện thanh toán nhuận bút theo Điều 111, 114, 115, 116, 118, 119 hoặc 1003 các bên chịu ảnh hưởng của quyết định trong kháng nghị đối với việc nộp các báo cáo tài chính và các khoản lệ phí nhuận bút quy định trong các Điều đó. Toà án này sẽ có phán quyết sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định của Thư viện chỉ khi toà thấy rằng, trên cơ sở của các báo cáo trước Thư viện, Thư viện đã hành động theo phương thức bất cẩn. Nếu toà án này sửa đổi quyết định của Thư viện, Toà án sẽ có phán quyết đối với việc đưa ra quyết định của chính Toà án đối với khoản lệ phí hoặc sự phân chia các khoản lệ phí đó và các chi phí, phán quyết về lệnh hoàn trả bất kỳ khoản lệ phí vượt quá nào, và phán quyết về lệnh thanh toán bất kỳ khoản lệ phí chưa thanh toán và lãi suất từ các khoản lệ phí chưa thanh toán đó trên cơ sở phán quyết trung thẩm của Toà. Toà án này có thể huỷ bỏ các quyết định khác của Ban Trọng tài nhuận bút quyền tác giả và chuyển vụ án tới Thư viện theo tiến trình trọng tài phù hợp với Khoản (c).

(h). Các vấn đề quản lý hành chính:

(1). Khấu trừ các chi phí từ các khoản lệ phí nhuận bút: Thư viện Quốc hội và Cơ quan đăng ký bản quyền có thể trong phạm vi không nằm ngoài quy định tại Điều luật này, khấu trừ từ các khoản lệ phí nhuận bút được nộp hoặc được thu theo Điều luật này các chi phí hợp lý mà Thư viện hoặc Cơ quan đăng ký phải chịu theo Chương này. Việc khấu trừ này có thể được thực hiện trước khi các khoản lệ phí nhuận bút được phân chia cho các chủ sở hữu quyền tác giả có yêu cầu. Nếu khoản tiền nhuận bút này không có để khấu trừ từ đó cho các chi phí của Thư viện và Cơ quan đăng ký, các cơ quan này có thể định mức chi phí hợp lý của mình trực tiếp cho các bên trên cơ sở phù hợp với chi phí cho tiến trình trọng tài thích hợp.

(2). Các vị trí yêu cầu đối với việc quản lý hành chính của việc cấp phép bắt buộc: Điều 307 của Luật về  Uỷ ban lập pháp năm 1994 sẽ không áp dụng đối với các vị trí nhân sự trong Thư viện Quốc hội được đặt ra nhằm đáp ứng mục đích thực hiện Điều 111, 114, 115, 116, 118 hoặc 119 hoặc Chương 10.

Điều 803: Lập và kết thúc thủ tục tố tụng trọng tài:

(a)

(1). Đối với các thủ tục tố tụng theo Điều 801(b)(1) liên quan đến việc điều chỉnh các tỷ lệ nhuận bút như được quy định tại Điều 114, 115, và 116, và đối với các thủ tục tố tụng theo Điểm (A) và (D) của Điều 801(b)(2), trong năm quy định trong kế hoạch nêu tại Điểm (2), (3), (4), và (5), bất kỳ người chủ sở hữu hoặc người sử dụng bản sao các tác phẩm được bảo hộ mà các tỷ lệ nhuận bút được quy định tại Điều luật này được lập bởi Cơ quan xét xử tiền nhuận bút quyền tác giả trước ngày ban hành của Luật cải tổ cơ quan xét xử nhuận bút quyền tác giả năm 1993, hoặc được lập bởi Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả sau ngày ban hành của Luật đó, có thể nộp đơn tới Thư viện Quốc hội về việc yêu cầu điều chỉnh tỷ lệ đó. Thư viện Quốc hội sẽ, theo đề nghị của Cơ quan đăng ký bản quyền, đưa ra quyết định về việc liệu người nộp đơn có lợi ích đáng kể theo tỷ lệ nhuận bút mà sự điều chỉnh được đặt ra đối với tỷ lệ đó hay không. Nếu Thư viện Quốc hội quyết định là người nộp đơn có lợi ích đáng kể theo tỷ lệ nhuận bút đó, Thư viện sẽ làm thông báo về quyết định này, với lý do của việc đưa ra quyết định đó, để công bố tại Văn phòng đăng ký Liên bang, cùng với thông báo bắt đầu các thủ tục tố tụng theo Chương này.

(2). Theo các thủ tục tố tụng tại Điều 801(b)(2)(A) và (D) đơn quy định tại Điểm (1) trên có thể được nộp trong năm 1995 và trong những năm thứ 5 tiếp theo sau đó.

(3). Theo các thủ tục tố tụng tại Điều 801 (b)(1) về việc điều chỉnh các tỷ lệ nhuận bút như được quy định tại Điều 115, đơn quy định tại Điểm (1) trên có thể được nộp trong năm 1997 và trong những năm thứ 10 tiếp theo sau đó hoặc như được quy định tại Điều 115(c)(3)(D).

(4)

A). Theo các thủ tục tố tụng tại Điều 801(b)(1) về việc điều chỉnh các tỷ lệ nhuận bút như quy định tại Điều 116, đơn quy định tại Điểm (1) trên có thể được nộp vào bất kỳ thời điểm nào trong vòng 1 năm sau khi giấy phép thoả thuận được cấp theo Điều 116 chấm dứt hoặc hết hiệu lực và không được thay thế bởi các thoả thuận tiếp theo.

(B). Nếu giấp phép thoả thuận được cấp theo Điều 116 chấm dứt hoặc hết hiệu lực và không được thay thế bởi các thoả thuận cấp  phép tương tự khác về việc cho phép sử dụng số lượng các tác phẩm âm nhạc cơ bản không nhỏ hơn số lượng tác phẩm âm nhạc được trình diễn trên máy hát vận hành bằng tiền xu trong khoảng thời gian 1 năm kết thúc vào ngày 1/3/1989, Thư viện Quốc hội sẽ, theo đơn được nộp quy định tại Điểm (1) trên trong vòng 1 năm sau khi chấm dứt hoặc hết hiệu lực, thành lập Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả. Ban trọng tài sẽ ngay lập tức lập nên tỷ lệ nhuận bút hoặc tỷ lệ đối với việc trình diễn công cộng thông qua máy hát vận hành bằng tiền xu tạm thời các tác phẩm âm nhạc phi sân khấu thể hiện trên các bản ghi thuộc đối tượng của hợp đồng thoả thuận cấp phép chấm dứt hoặc hết hiệu lực. Tỷ lệ hoặc các tỷ lệ này sẽ là tương tự như tỷ lệ hoặc các tỷ lệ cuối cùng và sẽ duy trì hiệu lực cho tới khi kết thúc tiến trình tại Ban Trọng tài, theo Điều 802, đối với việc điều chỉnh các tỷ lệ nhuận bút áp dụng đối với các tác phẩm âm nhạc đó, hoặc cho tới khi được thay thế bởi một hợp đồng thoả thuận cấp phép mới như được quy định tại Điều 116(b).

(5). Đối với các thủ tục tố tụng tại Điều 801(b)(1)về việc phán quyết các điều kiện và tỷ lệ hợp lý của việc thanh toán nhuận bút như được quy định tại Điều 114, Thư viện Quốc hội sẽ tiến hành khi và như được quy định tại Điều đó.

(b).  Đối với các thủ tục tố tụng theo Đoạn (B) hoặc (C) của Điều 801(b)(2), theo các trường hợp nêu tại một trong các Đoạn đó, bất kỳ chủ sở hữu hoặc người sử dụng tác phẩm được bảo hộ nào mà các tỷ lệ nhuận bút được quy định tại Điều 111, hoặc theo tỷ lệ được lập bởi Cơ quan xét xử tiền nhuận bút quyền tác giả hoặc Thư viện Quốc hội, có thể, trong vòng 12 tháng, nộp đơn tới Thư viện tuyên bố là mình yêu cầu điều chỉnh tỷ lệ đó. Trong trường hợp này Thư viện Quốc hội sẽ thực hiện như tại Khoản (a) của Điều này. Bất kỳ thay đổi nào trong các tỷ lệ nhuận bút được thực hiện bởi Cơ quan xét xử tiền nhuận bút quyền tác giả hoặc Thư viện Quốc hội theo Khoản này có thể được xem xét lại vào năm 1980, 1985 và trong những năm thứ 5  tiếp theo sau đó phù hợp với các quy định tại Điều 801(b)(2)(B) hoặc (C) trong trường hợp có thể.

(c).  Đối với các thủ tục tố tụng tại Điều 801(b)(1), về việc quyết định các điều kiện và tỷ lệ hợp lý của việc thanh toán nhuận bút quy định tại Điều 118, Thư viện Quốc hội sẽ thực hiện khi và như được quy định tại Điều đó.

(d).  Đối với các thủ tục tố tụng tại Điều 801(b)(3) hoặc (4) về việc phân chi các khoản lệ phí nhuận bút trong các trường hợp cụ thể theo Điều 111, 116, 119, hoặc 1007, Thư viện Quốc hội sẽ, theo xác định là có tồn tại bất đồng về việc phân chia nhuận bút, làm thông báo bắt đầu các thủ tục tố tụng theo Chương này để công bố tại Văn phòng đăng ký Liên bang.


Chương 9

Bảo hộ các sản phẩm vi mạch bán dẫn


Chương 10

Các thiết bị và phương tiện ghi âm kỹ thuật số

Điều Mục A – Định nghĩa

1001              Định nghĩa

Mục B – Kiểm soát sao chép

1002              Tổ chức kiểm soát sao chép

Mục C – Thanh toán nhuận bút

1003              Nghĩa vụ thực hiện thanh toán nhuận bút

1004              Thanh toán nhuận bút

1005              Nộp các khoản thanh toán nhuận bút và khấu trừ chi phí

1006              Quyền được hưởng thanh toán nhuận bút

1007              Các thủ tục phân chia các khoản thanh toán nhuận bút

Mục D – Cấm các hành vi vi phạm cụ thể, các biện pháp thi hành và trọng tài

1008              Cấm các hành vi vi phạm cụ thể

1009              Các biện pháp thi hành dân sự

1010              Trọng tài của các tranh chấp cụ thể.

Mục A – định nghĩa

Điều 1001: Định nghĩa

Như được sử dụng trong Chương này, các thuật ngữ có nghĩa như sau:

(1). “Bản sao ghi âm kỹ thuật số” là, sự sao chép dưới hình thức ghi âm kỹ thuật số của ban ghi âm kỹ thuật số âm nhạc, không phụ thuộc vào việc sự sao chép đó được thực hiện trực tiếp từ một bản ghi âm kỹ thuật số âm nhạc khác hoặc gián tiếp từ việc truyền bản ghi âm đó.

(2). “Thiết bị trung chuyển âm kỹ thuật số” là bất kỳ máy móc hoặc thiết bị nào mà được thiết kế đặc biệt cho việc phổ biến thông tin âm thanh kỹ thuật số và các cơ sở dữ liệu trung chuyển có liên quan tới thiết bị ghi âm kỹ thuật số thông qua thiết bị trung chuyển không chuyên nghiệp.

(3). “Thiết bị ghi âm kỹ thuật số” là bất kỳ máy móc hoặc thiết bị nào thuộc loại được phân phối phổ biến tới các cá nhân cho việc sử dụng của những cá nhân đó, không phụ thuộc vào việc có hoặc không ghép với hoặc như một phần của một số máy móc thiết bị nào khác, chức năng ghi âm kỹ thuật số của nó được thiết kế hoặc được lưu ý về mục đích chủ yếu và nó có khả năng tạo ra bản sao ghi âm kỹ thuật số cho sử dụng cá nhân, ngoại trừ:

(A). Các máy móc sản xuất chuyên nghiệp, và

(B). Các máy móc truyền lệnh, trả lời lệnh và thiết bị ghi âm khác được thiết kế và chế tạo chủ yếu cho việc tạo ra các bản ghi âm kết quả từ việc định hình các âm thanh phi âm nhạc.

(4)

(A). “Vật liệu ghi âm kỹ thuật số”là bất kỳ dạng vật chất nào dưới hình thức được phân phối phổ biến cho các cá nhân sử dụng, mà được chế tạo hoặc được sử dụng phổ biến chủ yếu nhằm mục đích tạo bản sao ghi âm kỹ thuật số thông qua việc sử dụng thiết bị ghi âm kỹ thuật số bởi những người tiêu dùng.

(B). Thuật ngữ này không bao hàm bất kỳ dạng vật chất:

(i). Mà thể hiện bản ghi âm vào thời điểm nó được phân phối lần đầu bởi nhà nhập khẩu hoặc nhà sản xuất; hoặc

(ii). Mà được chế tạo chủ yếu và được sử dụng phổ biến bởi người tiêu dùng hoặc là nhằm mục đích tạo bản sao của các tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm nghe nhìn khác hoặc là tạo bản sao của các tác phẩm văn học phi âm nhạc, kể cả các chương trình máy tính hoặc cơ sở dữ liệu.

(5)

(A). “Bản ghi âm âm nhạc kỹ thuật số” là dạng vật chất:

(i). Mà trên dạng vật chất này được ghi, dưới hình thức ghi âm kỹ thuật số, chỉ các âm thanh, và các tư liệu lời nói, hoặc lời chỉ dẫn một cách ngẫu nhiên với những âm thanh đã được ghi đó, nếu có, và

(ii). Mà từ dạng vật chất này các âm thanh và các tư liệu có thể được nhận biết, tái sản xuất, hoặc phổ biến khác hoặc là trực tiếp hoặc là với sự trợ giúp của máy móc thiết bị.

(B). “Bản ghi âm âm nhạc kỹ thuật số” không bao gồm các dạng vật chất:

(i). Mà trên dạng vật chất này các âm thanh đã được ghi bao gồm hoàn toàn là lời đọc được ghi âm, hoặc

(ii). Mà trên dạng vật chất đó một hoặc nhiều chương trình máy tính được ghi, ngoại trừ trường hợp mà bản ghi âm âm nhạc kỹ thuật số có thể gồm những lời nói hoặc lời chỉ dẫn tạo nên các âm thanh đã được ghi và các tư liệu, lời nói hoặc lời chỉ dẫn ngẫu nhiên được sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm tạo ra sự nhận biết, tái sản xuất, hoặc phổ biến các âm thanh đã được ghi và các tư liệu ngẫu nhiên đó.

(C). Trong phạm vi của Điểm này:

(i). “Lời đọc được ghi âm” là bản ghi âm trong đó được ghi chỉ một loạt những lời đọc, ngoại trừ những lời đọc có thể được kèm theo một cách ngẫu nhiên các âm thanh âm nhạc hoặc các âm thanh khác, và

(ii). Thuật ngữ “ngẫu nhiên” có nghĩa là có liên quan tới và tương đối phụ thông qua so sánh.

(6). “Phân phối” có nghĩa là bán, cho thuê hoặc chuyển nhượng sản phẩm cho người tiêu dùng tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, hoặc để bán cho thuê, chuyển nhượng sản phẩm tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ thông qua việc chuyển nhượng cuối cùng tới người tiêu dùng tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

(7). “Bên có lợi ích từ quyền tác giả” là:

(A). Chủ sở hữu quyền độc quyền quy định tại Điều 106(1) của Điều luật này về quyền nhân bản ghi âm âm nhạc kỹ thuật số mà được thể hiện trên một bản ghi âm âm nhạc kỹ thuật số hoặc một bản ghi âm âm nhạc dưới dạng vật lý khác được tạo ra hợp pháp theo Điều luật này đã được phân phối;

(B). Chủ sở hữu lợi ích hoặc về mặt pháp lý của, hoặc người mà kiểm soát quyền nhân bản dưới dạng ghi âm âm nhạc kỹ thuật số hoặc ghi âm âm nhạc dưới dạng vật lý khác tác phẩm âm nhạc mà đã được thể hiện trong  một bản ghi âm âm nhạc kỹ thuật số hoặc một bản ghi âm âm nhạc dưới dạng vật lý khác được tạo ra hợp pháp theo Điều luật này đã được phân phối;

(C). Nghệ sỹ nổi tiếng được ghi âm người mà trình diễn trong bản ghi âm đã được phân phối đó; hoặc

(D). Bất kỳ tổ chức hoặc Hiệp hội nào:

(i). Đại diện cho những người quy định tại Đoạn (A), (B) hoặc (C), hoặc

(ii). Kinh doanh các quyền được cấp phép của các tác phẩm âm nhạc đối với người sử dụng trên danh nghĩa của những nhà soạn nhạc hoặc nhà xuất bản.

(8). “Chế tạo” có nghĩa là sản xuất hoặc lắp giáp sản phẩm tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. “Nhà chế tạo” là người thực hiện chế tạo.

(9). “Nhà xuất bản âm nhạc” là  người mà có thẩm quyền cấp phép nhân bản các tác phẩm âm nhạc cụ thể trong các bản ghi âm.

(10). “Máy móc sản xuất chuyên nhiệp”là các thiết bị ghi âm mà được thiết kế, chế tạo, sản xuất, và nhằm mục đích cho việc sử dụng của các nhà ghi âm chuyên nghiệp trong việc thực hiện công việc kinh doanh hợp pháp của họ, phù hợp với những yêu cầu mà Bộ trưởng Bộ thương mại sẽ quy định trong quy chế.

(11). Thuật ngữ “sao chép hàng loạt” có nghĩa là nhân bản dưới hình thức kỹ thuật số tác phẩm âm nhạc được bảo hộ hoặc bản ghi âm thông qua việc sao chép kỹ thuật số từ bản ghi âm âm nhạc kỹ thuật số. Thuật ngữ “sao chép kỹ thuật số từ bản ghi âm âm nhạc kỹ thuật số” không bao hàm bản ghi âm âm nhạc kỹ thuật số mà đã được phân phối, theo sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ yếu thông qua việc bán cuối cùng cho người tiêu dùng.

(12). “Giá vân chuyển” của thiết bị ghi âm kỹ thuật số hoặc phương tiện ghi âm kỹ thuật số:

(A). Là, tùy thuộc vào Đoạn (B):

(i). Trong trường hợp là sản phẩm nhập khẩu, là giá trị thực tế nhập vào tại Cơ quan hải quan của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ (ngoại trừ cước chuyên trở, bảo hiểm và thuế được áp dụng khác), và

(ii). Trong trường hợp là sản phẩm trong nước, là giá vận chuyển của  Nhà chế tạo, (giá FOB của Nhà chế tạo; và ngoại trừ bất kỳ khoản thuế bán hàng trực tiếp nào hoặc các khoản thuế môn bài phải thực hiện liên quan đến việc bán hàng); và

(B). Sẽ, trong trường hợp mà người nhận vận chuyển và người vận chuyển là có quan hệ về tổ chức hoặc trong cùng một tổ chức, không kém hơn giá chuyển tay theo  nguyên tắc của các quy định được thông qua phù hợp với Điều 482 cuả Bộ luật Thuế thu nhập nội bộ năm 1986, hoặc bất kỳ quy định có liên quan nào của Điều đó.

(13). “Nhà soạn nhạc” là nhà soạn lời và soạn nhạc của tác phẩm âm nhạc cụ thể.

Mục B – kiểm soát sao chép

Điều 1002: Các tổ chức kiểm soát sao chép.

(a). Cấm nhập khẩu, chế tạo, và phân phối: không một người nào sẽ nhập khẩu, chế tạo hoặc phân phối bất kỳ thiết bị ghi âm kỹ thuật số hoặc thiết bị ghi âm kỹ thuật số nói chung mà không tuân theo:

(1). Hệ thống quản lý sao chép hàng loạt;

(2). Hệ thống mà có các đặc điểm chức năng tương tự như hệ thống quản lý sao chép hàng loạt và có các yêu cầu về quyền tác giả và thông tin về thế hệ máy được gửi, nhận và vận hành theo một cách chính xác giữa các thiết bị sử dụng hệ thống phương tiện của quy chế sao chép hàng loạt và thiết bị sử dụng hệ thống quản lý sao chép hành loạt; hoặc

(3). Bất kỳ hệ thống nào khác bị Bộ trưởng Bộ Thương mại xác nhận là cấm  sao chép hàng loạt không được phép.

(b).  Tiến trình của thủ tục kiểm tra: Bộ trưởng Bộ thương  mại sẽ lập ra thủ tục kiểm tra, theo đơn của các bên có liên quan, về hệ thống đáp ứng được các tiêu chuẩn nêu tại Khoản (a)(2).

(c).  Cấm làm sại lệch hệ thống: không một người nào nhập khẩu, chế tạo, hoặc phân phối bất kỳ thiết bị, hoặc chào bán hoặc thực hiện bất kỳ dịch vụ nào, mục đích chủ yếu hoặc ảnh hưởng của nó là tránh, bỏ qua, huỷ bỏ, làm ngừng hoạt động hoặc làm sai lệch khác bất kỳ chương trình hoặc hệ thống vi mạch mà dùng để thực hiện một phần hoặc toàn bộ hệ thống nêu tại Khoản (a).

(d).  Mã hoá thông tin trên bản ghi âm âm nhạc kỹ thuật số:

(1). Cấm mã hoá các thông tin không chính xác: không một người nào sẽ mã hoá ghi âm âm nhạc kỹ thuật số của bản ghi âm bằng thông tin không chính xác về mã phân loại, tình trạng quyền tác giả, hoặc xuất xứ tư liệu sử dụng trong bản ghi âm.

(2). Mã hoá tình trạng quyền tác giả không yêu cầu: không một điểm nào trong chương này yêu cầu bất kỳ người nào kinh doanh trong lĩnh vực nhập khẩu hoặc chế tạo bản ghi âm âm nhạc kỹ thuật số mã hoá bất kỳ ghi âm âm nhạc kỹ thuật số này về tình trạng quyền tác giả của nó.

(e).  Thông tin kèm theo truyền dưới hình thức kỹ thuật số: bất kỳ người nào truyền hoặc phổ biến khác tới công chúng bất kỳ bản ghi âm nào dưới hình thức kỹ thuật số thông tin về tình trạng quyền tác giả của bản ghi âm không bị bắt buộc theo quy định của Chương này đối với việc truyền hoặc phổ biến đó. Bất kỳ người nào mà thực hiện truyền hoặc phổ biến khác thông tin về quyền tác giả đó sẽ truyền hoặc phổ biến khác thông tin đó một cách chính xác.

Mục C – thanh toán nhuận bút

Điều 1003: Nghĩa vụ thực hiện thanh toán nhuận bút.

(a).  Cấm nhập khẩu và chế tạo: không một người nào sẽ nhập khẩu vào và phân phối, hoặc chế tạo và phân phối bất kỳ thiết bị ghi âm kỹ thuật số nào hoặc vật liệu ghi âm kỹ thuật số nào trừ phi những người này nộp thông báo quy định tại Điều này và sau này nộp các báo cáo tài chính và thanh toán các khoản tiền nhuận bút được áp dụng đối với các thiết bị hoặc vật liệu quy định tại Điều 1004.

(b).  Nộp thông báo: nhà nhập khẩu hoặc chế tạo thiết bị ghi âm kỹ thuật số hoặc vật liệu ghi âm kỹ thật số, trong giới thiệu hoặc hướng dẫn sử dụng của sản phẩm công nghệ liên quan tới sản phẩm mà nhà chế tạo hoặc nhập khẩu này đã không nộp trước đó thông báo theo Khoản này, sẽ  nộp tới Cơ quan đăng ký bản quyền thông báo về thiết bị hoặc vật liệu đó, theo mẫu và nội dung mà Cơ quan đăng ký này sẽ quy định thông qua quy chế.

(c).  Nộp báo cáo tài chính năm và quý:

(1). Tổng quan: bất kỳ nhà nhập khẩu hoặc nhà chế tạo nào mà phân phối bất kỳ thiết bị ghi âm kỹ thuật số hoặc vật liệu ghi âm kỹ thuật số nào mà được chế tạo hoặc nhập khẩu sẽ nộp tới cơ quan đăng ký quyền tác giả theo mẫu và nội dung mà cơ quan này sẽ quy định trong quy chế các báo cáo tài chính quý và năm liên quan đến việc phân phối mà Cơ quan đăng ký sẽ quy định trong quy chế.

(2). Chứng nhân, kiểm tra, và độ xác thực: các báo cáo tài chính sẽ được chứng nhận về sự chính xác bởi các quan chức có thẩm quyền hoặc lãnh đạo của nhà nhập khẩu hoặc chế tạo. Cơ quan đăng ký sẽ ban hành quy chế quy định về kiểm tra và kiểm toán các bản báo cáo tài chính đó và bảo đảm tính xác thực của thông tin bao hàm trong bản báo cáo tài chính đó. Quy chế này sẽ quy định về việc gửi bản báo cáo tài chính tới từng bên có lợi ích từ quyền tác giả.

(3). Thanh toán nhuận bút: các bản báo cáo tài chính sẽ được gửi kèm theo khoản thanh toán nhuận bút quy định tại Điều 1004.

Điều 1004: Thanh toán nhuận bút.

(a).  Thiết bị ghi âm kỹ thuật số:

(1). Số tiền thanh toán: việc được hưởng khoản thanh toán nhuận bút theo Điều 1003 đối với từng thiết bị ghi âm kỹ thuật số được nhập khẩu vào và được phân phối tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, hoặc được chế tạo và phân phối tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ sẽ là 2 % của giá vận chuyển. Chỉ người chế tạo và phân phối hoặc nhập khẩu và phân phối lần đầu mới phải thanh toán nhuận bút đối với các thiết bị đó.

(2). Vấn đề tính toán đối với các thiết bị ghi âm kỹ thuật số được phân phối với các thiết bị khác: đối với các thiết bị ghi âm kỹ thuật số được phân phối lần đầu kết hợp với một hoặc nhiều thiết bị khác hoặc là liên kết vật lý thành một đơn vị hợp nhất hoặc là các bộ phận riêng biệt, việc thanh toán nhuận bút sẽ được tính như sau:

(A). Nếu thiết bị ghi âm kỹ thuật số và các thiết bị khác là một bộ phận của một đơn vị máy liên kết vật lý hợp nhất, việc thanh toán nhuận bút sẽ được xác định trên cơ sở giá vận chuyển của tổng thể đơn vị máy đó, nhưng sẽ khấu trừ đi bất kỳ khoản thanh toán nhuận bút nào đã được thực hiện đối với bất kỳ thiết bị ghi âm kỹ thuật số nào bao gồm trong đơn vị máy đó mà không phải được phân phối lần đầu kết hợp với đơn vị máy đó.

(B). Nếu thiết bị ghi âm kỹ thuật số không phải là một bộ phận của một đơn vị máy liên kết vật lý hợp nhất và thực chất thiết bị này đã được phân phối riêng biệt vào bất kỳ thời điểm nào trong bốn quý trước, việc thanh toán nhuận bút sẽ được xác định trên cơ sở giá vận chuyển trung bình của các thiết bị này trong bốn quý đó.

(C). Nếu thiết bị ghi âm kỹ thuật số không phải là bộ phận của một đơn vị máy liên kết vật lý hợp nhất và thực chất thiết bị này đã được phân phối một cách riêng biệt vào bất kỳ thời điểm nào trong bốn quý trước việc thanh toán nhuận bút sẽ được xác định trên cơ sở giá lắp giáp phản ánh phần giá trị của thiết bị này trong sự kết hợp thành tổng thể máy.

(3). Hạn mức nhuận bút: không trái với Điểm (1) hoặc (2), khoản tiền thanh toán nhuận bút đối với từng thiết bị ghi âm kỹ thuật số sẽ không dưới 1$ và cũng không vượt quá mức nhuận bút tối đa. Mức nhuận bút tối đa sẽ là 8$ đối với 1 thiết bị, ngoại trừ trường hợp mà đơn vị máy liên kết hợp nhất bao gồm nhiều hơn 1 thiết bị ghi âm kỹ thuật số, mức nhuận bút tối đa đối với đơn vị máy này sẽ là 12$. Trong năm thứ 6 sau ngày có hiệu lực của Chương này và không quá một lần mỗi năm sau đó, bất kỳ bên có lợi ích từ quyền tác giả nào có thể nộp đơn tới Thư viện Quốc hội về việc tăng mức nhuận bút tối đa và, nếu trên 20% của các khoản thanh toán nhuận bút này là ở mức nhuận bút tối đa liên quan, Thư viện Quốc hội sẽ tăng một cách tương ứng mức nhuận bút tối đa đó nhằm mục đích có không quá 10% của các khoản thanh toán đó ở mức nhuận bút tối đa mới; tuy nhiên, số lượng tăng lên theo tỷ lệ phần trăm của mức nhuận bút tối đa trong mọi trường hợp sẽ không vượt quá tỷ lệ phần trăm tăng lên trong tỷ giá tiêu dùng trong thời kỳ xem xét đó.

(b).  Vật liệu ghi âm kỹ thuật số: thanh toán nhuận bút phải thực hiện theo Điều 1003 đối với mỗi thiết bị truyền thông kỹ thuật số được nhập khẩu vào và phân phối tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, hoặc được chế tạo và được phân phối tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ sẽ là 3% của giá vận chuyển. Chỉ những người lần đầu chế tạo và phân phối, hoặc nhập khẩu và phân phối các vật liệu đó sẽ phải thanh toán nhuận bút liên  quan đến vật liệu đó.

Điều 1005: Nộp các khoản thanh toán nhuận bút và khấu trừ chi phí.

Cơ quan đăng ký sẽ nhận tất cả các khoản tiền nhuận bút được nộp theo quy định tại Chương này và, sau khi khấu trừ đi các chi phí hợp lý mà Cục Bản quyền tác giả phải chịu theo Chương này, sẽ nộp phần sau khi khấu trừ này tại Cục Ngân khố Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ như khoản thu bù đắp theo cách thức mà Thư ký của Cục Ngân khố hướng dẫn. Tất cả các quỹ này được thành lập bởi Thư ký của Cục Ngân khố và sẽ được đầu tư vào chứng khoán sinh lợi để phân phối sau này với lãi suất theo Điều 1007. Cơ quan đăng ký có thể, theo sự suy xét của cơ quan mình, 4 năm sau khi khoá sổ bất kỳ năm nào, công khai bản báo cáo thanh toán nhuận bút trong năm đó, và có thể trình bầy tỷ mỷ các quỹ còn lại trong bản báo cáo đó và bất kỳ khoản tiền nộp nào sau này mà nếu không được coi là thuộc năm đó thì coi là thuộc năm tiếp theo năm đó.

Điều 1006: Quyền được hưởng thanh toán nhuận bút.

(a). Các bên có lợi ích từ quyền tác giả: các khoản thanh toán nhuận bút được nộp theo Điều 1005 sẽ, phù hợp với các thủ tục quy định tại Điều 1007, được phân phối tới bất kỳ bên có lợi ích từ quyền tác giả nào:

(1). Mà có tác phẩm âm nhạc hoặc bản ghi âm được:

(A). Thể hiện trong bản ghi âm âm nhạc kỹ thuật số hoặc bản ghi âm âm nhạc dưới dạng vật lý được tạo ra hợp pháp theo Điều luật này đã được phân phối,  và

(B). Được phân phối dưới hình thức bản ghi âm âm nhạc kỹ thuật số hoặc bản ghi âm âm nhạc dưới dạng vật lý hoặc được phổ biến tới công chúng dưới hình thức truyền, trong khoảng thời gian mà có sự thanh toán đó; và

(2). Người nộp đơn yêu cầu theo Điều 1007.

(b).  Phân chia khoản thanh toán nhuận bút cho các nhóm: các khoản thanh toán nhuận bút được phân chia vào hai quỹ sau:

(1). Quỹ bản ghi âm:  66 3/4 % của các khoản thanh toán nhuận bút sẽ được phân chi cho quỹ bản ghi âm. 2 5/8 % của các khoản thanh toán nhuận bút được phân chia cho quỹ bản ghi âm sẽ được chuyển vào tài khoản uỷ thác được quản lý bởi nhà quản lý độc lập được đồng chỉ định bởi các bên có lợi ích từ quyền tác giả quy định tại Điều 1001(7)(A) và Hiệp hội nhạc sỹ Hoa Kỳ (hoặc bất kỳ tổ chức thừa kế nào) để được phân phối cho các nhạc sỹ phụ (không phụ thuộc vào việc có phải là thành viên của Hiệp hội nhạc sỹ Hoa Kỳ hoặc tổ chức thừa kế hay không) người mà đã trình diễn trong bản ghi âm được phân phối tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. 1 3/8 % của các khoản thanh toán nhuận bút được phân chia cho quỹ bản ghi âm sẽ được chuyển vào tài khoản uỷ thác được quản lý bởi nhà quản lý độc lập được đồng chỉ định bởi các bên có lợi ích từ quyền tác giả quy định tại Điều 1001(7)(A) và Hiệp hội nghệ sỹ phát thanh truyền hình Hoa Kỳ (hoặc bất kỳ tổ chức thừa kế nào) để được phân phối cho các ca sỹ phụ (không phụ thuộc vào việc có phải là thành viên của Hiệp hội Nghệ sỹ phát thanh và truyền hình hoặc tổ chức thừa kế hay không) người mà đã trình diễn trong bản ghi âm được phân phối tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. 40 % của phần còn lại của các khoản thanh toán nhuận bút của quỹ bản ghi âm sẽ được phân phối tới các bên có lợi ích từ quyền tác giả quy định tại Điều 1001(7)(C), và 60 % của các khoản thanh toán nhuận bút còn lại của quỹ này sẽ được phân phối tới các bên có lợi ích từ quyền tác giả quy định tại Điều 1001(7)(A).

(2). Quỹ tác phẩm âm nhạc:

(A). 33 1/2 % của các khoản thanh toán nhuận bút sẽ được  phân chia vào quỹ tác phẩm âm nhạc để phân phối cho các bên có lợi ích từ quyền tác giả quy định tại Điều 1001(7)(B).

(B). (i). Các nhà xuất bản âm nhạc sẽ được hưởng 50 % của các khoản thanh toán nhuân bút được phân chia cho quỹ tác phẩm âm nhạc.

(ii). Các nhà soạn nhạc sẽ được hưởng 50 % của các khoản thanh toán được phân chia cho quỹ tác phẩm âm nhạc.

(c). Phân chia các khoản thanh toán nhuận bút trong nhóm: nếu tất cả các bên có lợi ích từ quyền tác giả trong một nhóm quy định tại Khoản (b) mà không thống nhất về kế hoạch đề xuất của mình đối với việc phân phối các khoản thanh toán nhuận bút trong từng nhóm, Thư viện Quốc hội triệu tập Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả, phù hợp với thủ tục quy định tại Điều 1007(c), Ban này sẽ phân chia các khoản thanh toán nhuận bút theo Điều này trên cơ sở phạm vi, trong khoảng thời gian thích hợp mà:

(1). Đối với bản ghi âm, mỗi bản ghi âm được phân phối dưới hình thức bản ghi âm âm nhạc kỹ thuật số hoặc bản ghi âm âm nhạc dưới hình thức vật lý khác; và

(2). Đối với quỹ tác phẩm âm nhạc, từng tác phẩm âm nhạc đã được phân phối dưới hình thức bản ghi âm âm nhạc kỹ thuật số hoặc bản ghi âm dưới hình thức vật lý khác hoặc được phổ biến tới công chúng thông qua truyền.

Điều 1007: Trình tự phân phối các khoản thanh toán nhuận bút.

(a).  Nộp đơn yêu cầu và thoả thuận:

(1). Nộp đơn yêu cầu: trong hai tháng đầu của hàng năm sau năm mà trong năm đó Điều này có hiệu lực, bất kỳ bên có lợi ích từ quyền tác giả theo đuổi việc nhận các khoản thanh toán nhuận bút mà các bên này được quyền hưởng theo Điều 1006 sẽ nộp tới Thư viện Quốc hội đơn đòi hưởng các khoản thanh toán được thu trong năm trước đó theo mẫu và thủ tục mà Thư viện Quốc hội sẽ quy định trong quy chế.

(2). Thoả thuận: không trái với bất kỳ quy định nào của luật chống độc quyền, trong phạm vi của Điều này các bên có lợi ích từ quyền tác giả trong từng nhóm quy định tại Điều 1006(b) có thể thoả thuận với nhau về tỷ lệ phân chia các khoản thanh toán nhuận bút, có thể gộp các yêu cầu lại và nộp chúng đồng thời hoặc nộp từng yêu cầu riêng, hoặc có thể chỉ định đại diện chung, bao hàm bất kỳ tổ chức nào quy định tại Điều 1001(7)(D), để thương lượng hoặc nhận thanh toán trên danh nghĩa mình; ngoại trừ việc không một thoả thuận nào theo Khoản này có thể thay đổi sự phân chi nhuận bút quy định tại Điều 1006(b).

(b). Phân phối các khoản thanh toán trong trường hợp không có tranh chấp: trong vòng 30 ngày sau thời hạn xác định cho việc nộp đơn yêu cầu theo quy định Khoản (a) hàng năm sau năm mà trong năm đó Điều này có hiệu lực, Thư viện Quốc hội sẽ xác định là liệu có tồn tại bất đồng liên quan đến việc phân phối các khoản thanh toán nhuận bút theo Điều 1006(c) hay không. Nếu Thư viện Quốc hội xác định là không có bất đồng tồn tại, Thư viện Quốc hội sẽ, trong vòng 30 ngày sau khi xác định đó, cho phép phân phối các khoản thanh toán nhuận bút như được nêu trong thoả thuận về việc phân phối các khoản thanh toán nhuận bút đối với các bên tham gia phù hợp với Khoản (a), sau khi khấu trừ các chi phí quản lý hợp lý theo Điều này.

(c). Giải quyết tranh chấp: nếu Thư viện Quốc hội thấy là có bất đồng tồn tại, Thư viện sẽ, theo Chương 8 của Điều luật này, triệu tập Ban trọng tài nhuận bút quyền tác giả để quyết định việc phân phối các khoản thanh toán nhuận bút đó. Trong khi đang giải quyết bất đồng theo tiến trình trọng tài này, Thư viện sẽ giữ lại không phân phối khoản tiền thích hợp để giải đáp tất cả các khiếu nại về khoản tiền mà bất đồng tồn tại, nhưng sẽ, trong phạm vi có thể được, cho phép phân phối bất kỳ khoản tiền nào mà không tồn tại bất đồng. Thư viện Quốc hội sẽ, trước khi cho phép phân phối các khoản thanh toán nhuận bút, khấu trừ chi phí quản lý hợp lý mà Thư viện đã phải gánh chịu theo Điều này.

Mục D – cấm các khiếu kiện xâm phạm,
các biện pháp thực thi, và trọng tài

Điều 1008: Cấm các khiếu kiện xâm phạm.

Không một khiếu kiện nào có thể được đưa ra theo Điều luật này với lý do xâm phạm quyền tác giả trên cơ sở chế tạo, nhập khẩu, hoặc phân phối thiết bị ghi âm kỹ thuật số, vật liệu ghi âm kỹ thuật số, thiết bị ghi âm vật lý khác, vật liệu ghi âm vật lý khác, hoặc trên cơ sở sử dụng phi thương mại của người tiêu dùng các thiết bị hoặc vật liệu đó để tạo ra bản ghi âm âm nhạc kỹ thuật số hoặc bản ghi âm âm nhạc dưới dạng vật lý khác.

Điều 1009: Các biện pháp thực thi dân sự:

(a).  Khiếu kiện dân sự: bất kỳ bên có lợi ích từ quyền tác giả nào bị xâm hại do sự vi phạm Điều 1002 hoặc Điều 1003 có thể tiến hành khiếu kiện dân sự tại các toà án cấp quận có thẩm quyền tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ chống lại bất kỳ người nào về vi phạm đó.

(b).  Các khiếu kiện dân sự khác: bất kỳ người nào bị xâm hại do sự vi phạm Chương này có thể tiến hành khiếu kiện dân sự tại các toà án cấp quận có thẩm quyền tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đối với các thiệt hại thực tế phải ngánh chịu do kết quả của sự xâm hại đó.

(c).  Thẩm quyền của Toà án: đối với khiếu kiện được tiến hành theo Khoản (a), Toà án:

(1). Có  thể đưa ra lệnh đình chỉ tạm thời hoặc đình chỉ vĩnh viễn theo những điều kiện mà toà thấy là hợp lý để ngăn chặn hoặc cản trở sự xâm phạm đó;

(2). Trong trường hợp vi phạm Điều 1002, hoặc trong trường hợp sự xâm phạm bắt nguồn từ sai sót về việc thực hiện thanh toán nhuận bút theo yêu cầu tại Điều 1003, sẽ ra quyết định bồi thường thiệt hại theo Khoản (d);

(3). Theo sự suy xét của mình có thể cho phép thu hồi các chi phí bởi hoặc đối với bất kỳ bên nào khác không phải là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và các công chức của nó; và

(4). Theo suy xét của mình có thể phạt phí luật sư hợp lý đối với bên thua kiện.

(d).  Phạt bồi thường thiệt hại:

(1). Bồi thường thiệt hại đối với sự vi phạm Điều 1002 hoặc 1003.

(A). Bồi thường thiệt hại thực tế:

(i). Trong khiếu kiện được tiến hành theo Khoản (a), nếu toà án thấy là sự vi phạm Điều 1002 hoặc 1003 đã xẩy ra, toà án sẽ cấp quyết định cho bên nguyên đơn được bồi thường thiệt hại thực tế của mình nếu bên nguyên đơn này chấp nhận khoản bồi thường thiệt hại đó vào bất kỳ thời điểm nào trước khi phán quyết chung thẩm được đưa ra.

(ii). Trong trường hợp Điều 1003, khoản bồi thường thiệt hại thực tế sẽ bao gồm các khoản thanh toán nhuận bút mà đúng ra đã phải được thanh toán theo Điều 1004 và được nộp theo Điều 1005. Trong những trường hợp này, toà án, theo suy xét của mình, có thể ra quyết định một khoản phạt phụ của không quá 50 % của khoản bồi thường thiệt hại thực tế.

(B). Bồi thường thiệt hại theo luật đối với sự vi phạm Điều 1002.

(i). Thiết bị: bên nguyên đơn có thể giành được khoản phạt bồi thường thiệt hại theo luật đối với từng sự vi phạm Điều 1002(a) hoặc (c) trong tổng số không vượt quá 2500$ đối với một thiết bị liên quan tới sự vi phạm đó hoặc đối với một thiết bị mà thông qua thiết bị này dịch vụ bị cấm tại Điều 1002(c) đã được thực hiện, như toàn án cho là phù hợp.

(ii). Bản ghi âm âm nhạc kỹ thuật số: bên nguyên đơn có thể giành được khoản phạt bồi thường thiệt hại theo luật đối với từng sự vi phạm Điều 1002(d) trong tổng số không vượt quá 25$ đối với một bản ghi âm âm nhạc kỹ thuật số liên quan đến sự vi phạm đó, như toà án cho là phù hợp.

(iii). Truyền: bên nguyên đơn có thể giành được khoản phạt bồi thường thiệt hại đối với từng hoạt động truyền sóng hoặc phổ biến mà vi phạm Điều 1002(e) trong tổng số không vượt quá 10.000$, như toà án cho là phù hợp.

(2). Lặp lại vi phạm: trong bất kỳ trường hợp nào mà toà án thấy là người đã vi phạm Điều 1002 hoặc Điều 1003 trong vòng 3 năm sau khi phán quyết chung thẩm đối với người đó về sự vi phạm tương tự khác đã được đưa ra, toà án có thể tăng mức phạt bồi thường thiệt hại tới mức không vượt quá 2 lần khoản tiền phạt mà đáng ra có thể được quyết định theo Điểm (1), như toà án thấy là phù hợp.

(3). Vi phạm Điều 1002 vô ý: toà án theo suy xét của mình có thể giảm tổng mức phạt bồi thường thiệt hại đối với người vi phạm Điều 1002 tới mức tổng số không dưới 250$ trong bất kỳ trường hợp nào mà toà án thấy là người vi phạm đã không nhận thức  và đã không có lý do gì để biết rằng hành động của mình cấu thành sự vi phạm Điều 1002.

(e).  Thanh toán bồi thường thiệt hại: bất kỳ khoản phạt bồi thường thiệt hại nào theo Khoản (d) sẽ được nộp tới cơ quan đăng ký theo Điều 1005 để phân phối tới các bên có lợi ích từ quyền tác giả tương tự như các quỹ thanh toán nhuận bút được thực hiện theo Điều 1003.

(f). Tịch thu đồ vật: vào bất kỳ thời điểm nào trong khi khiếu kiện theo Khoản (a) đang được giải quyết, toà án có thể ra lệnh tịch thu, theo điều kiện mà toà cho là hợp lý, bất kỳ thiết bị ghi âm kỹ thuật số, bản ghi âm âm nhạc kỹ thuật số, hoặc thiết bị quy định tại Điều 1002(c) mà thuộc sự kiểm soát hoặc quản lý của người bị coi là người vi phạm và thiết bị mà toà án có lý do hợp lý để tin rằng không tuân thủ, hoặc có liên quan tới sự vi phạm, Điều 1002.

(g). Bổ xung biện pháp thực thi và tiêu huỷ đồ vật: trong khiếu kiện được tiến hành theo Khoản (a), toà án có thể, như một phần của phán quyết hoặc quyết định chung thẩm xác định sự vi phạm Điều 1002, ra lệnh các biện pháp thực thi bổ xung hoặc tiêu huỷ bất kỳ thiết bị ghi âm kỹ thuật số, bản ghi âm kỹ thuật số, hoặc thiết bị quy định tại Điều 1002(c) mà:

(1). Không tuân thủ, hoặc có liên quan tới sự vi phạm, Điều 1002, và

(2). Thuộc sự quản lý hoặc kiểm soát của người vi phạm hoặc đã bị tịch thu theo Khoản (f).

Điều 1010: Trọng tài của các tranh chấp.

(a).  Phạm vi của trọng tài: trước ngày phân phối lần đầu tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ thiết bị ghi âm kỹ thuật số hoặc thiết bị ghi âm kỹ thuật số nói chung, bất kỳ bên chế tạo, nhập khẩu, hoặc phân phối các thiết bị đó và bất kỳ bên có lợi ích từ quyền tác giả nào có thể cùng nhau chấp thuận đưa ra trọng tài nhằm mục đích xác định xem liệu các thiết bị đó có thuộc đối tượng của Điều 1002 hay không, hoặc cơ sở mà thông qua đó các khoản thanh toán nhuận bút đối với các thiết bị này được thực hiện theo Điều 1003.

(b).  Bắt đầu tiến trình trọng tài: các bên chấp thuận trọng tài sẽ nộp đơn tới Thư viện Quốc hội nêu yêu cầu bắt đầu tiến trình trọng tài, Đơn này có thể bao hàm tên, trình độ của các trọng tài viên tiềm năng. Trong vòng 2 tuần sau khi nhận được đơn này, Thư viện Quốc hội sẽ làm thông báo công bố tại Cơ quan đăng ký liên bang về việc bắt đầu tiến trình trọng tài. Thông báo này sẽ bao hàm tên, trình độ của 3 trọng tài viên được chọn bởi Thư viện Quốc hội từ danh sách trọng tài viên lấy từ Hiệp hội Trọng tài Hoa Kỳ hoặc tổ chức tương tự mà Thư viện Quốc hội sẽ lựa chọn, và từ danh sách các trọng tài viên tiềm năng trong đơn của các bên. Các trọng tài viên được chọn theo Khoản này sẽ lập ra Ban Trọng tài.

(c).  Đình chỉ tiến trình tố tụng: bất kỳ khiếu kiện dân sự nào được đưa ra theo Điều 1009 đối với một bên trong tiến trình trọng tài theo Điều này sẽ, theo đơn của một trong các bên trong tiến trình trọng tài đó, bị đình chỉ cho tới khi hoàn thành tiến trình trọng tài.

(d).  Tiến trình trọng tài: Ban Trọng tài sẽ tiến hành tiến trình trọng tài về vấn đề có liên quan, phù hợp với các thủ tục mà Ban có thể thông qua. Ban Trọng tài này sẽ hành động trên cơ sở hoàn toàn bằng biên bản văn kiện tư liệu viết. Bất kỳ bên nào đối với trọng tài có thể đệ trình các thông tin và khuyến nghị liên quan tới Ban. Các bên đối với tiến trình sẽ chịu chi phí tham gia của mình theo cách thức và tỷ lệ mà Ban sẽ hướng dẫn.

(e).  Báo cáo tới Thư viện Quốc hội: không muộn hơn 60 ngày sau khi công bố thông báo theo Khoản (b) của việc bắt đầu tiến trình trọng tài, Ban trọng tài sẽ báo cáo tới Thư viện Quốc hội phán quyết của mình về việc thiết bị liên quan có thuộc đối tượng của Điều 1002 hay không, hoặc cơ sở mà thông qua đó việc thanh toán nhuận bút đối với thiết bị này được thực hiện theo Điều 1003. Báo cáo này sẽ được gửi kèm theo biên bản viết và sẽ nên rõ các cơ sở mà Ban thấy là thích hợp với phán quyết của mình.

(f). Hành động của Thư viện Quốc hội: trong vòng 60 ngày sau khi nhận được báo cáo của Ban Trọng tài theo Khoản (e), Thư viện Quốc hội sẽ phê chuẩn hoặc huỷ bỏ phán quyết của Ban. Thư viện Quốc hội sẽ phê chuẩn phán quyết của Ban trừ phi Thư viện Quốc hội thấy là phán quyết này rõ ràng là không đúng. Nếu Thư viện Quốc hội huỷ bỏ phán quyết của Ban, Thư viện Quốc hội sẽ, trước khi kết thúc thời hạn 60 ngày, và sau khi kiểm tra lại toàn bộ biên bản được tạo ra trong tiến trình trọng tài, sẽ ban hành lệnh nêu rõ quyết định của Thư viện và lý do của quyết định. Thư viện Quốc hội sẽ đưa ra phán quyết công bố tại Cơ quan đăng ký Liên Bang phán quyết của Ban Trọng tài và quyết định của Thư viện Quốc hội theo Khoản này liên quan đến phán quyết đó (bao gồm bất kỳ lệnh được ban hành nào theo câu trên).

(g).  Thủ tục phúc thẩm: bất kỳ quyết định nào của Thư viện Quốc hội theo Khoản (f) liên quan tới phán quyết của Ban trọng tài có thể bị kháng nghị, bởi bất kỳ bên nào tham gia tiến trình trọng tài, tới Toà án kháng nghị Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ khu vực quận Columbia, trong vòng 30 ngày sau khi công bố quyết định tại Cơ quan đăng ký Liên bang. Trong khi giải quyết kháng nghị theo Khoản này sẽ không đình chỉ quyết định của Thư viện Quốc hội. Toà án này sẽ có phán xử sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định của Thư viện Quốc hội chỉ nếu toà này thấy là, trên cơ sở biên bản trước Thư viện Quốc hội, Ban Trọng tài hoặc Thư viện Quốc hội đã hành động một cách thức bất cẩn. Nếu toà án này sửa đổi quyết định của Thư viện Quốc hội, toà án sẽ có phán xử để đưa ra quyết định của mình theo trình tự chung thẩm. Toà án cũng có thể huỷ bỏ quyết định của Thư viện Quốc hội và trả vụ việc lại để tiến hành tiến trình trọng tài như quy định tại Điều này.


Chương 11

Bản ghi âm
và chương trình video âm nhạc

Điều

1101       Ghi không được phép và buôn lậu bản ghi âm và chương trình Video âm nhạc

Điều 1101: Ghi không được phép và buôn lậu bản ghi âm và chương trình Video âm nhạc.

(a).  Hành vi không được phép: bất kỳ người nào không được sự đồng ý của người biển diễn hoặc những người biểu diễn liên quan:

(1). Ghi các âm thanh hoặc các âm thanh và hình ảnh của buổi trình diễn nhạc sống dưới dạng bản sao hoặc bản ghi, hoặc nhân bản các bản sao hoặc bản ghi của buổi trình diễn đó từ một bản ghi không được phép,

(2). Truyền hoặc phổ biến tới công chúng các âm thanh hoặc các âm thanh và các hình ảnh của buổi trình diễn nhạc sống, hoặc

(3). Phân phối hoặc đưa ra phân phối, bán hoặc chào bán, cho thuê hoặc mời thuê hoặc buôn bán bất kỳ bản sao hoặc bản ghi nào được ghi như quy định tại Điểm (1), không phụ thuộc vào việc ghi đó có xẩy ra tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hay không, sẽ thuộc đối tượng của các biện pháp thực thi quy định từ Điều 502 tới 509, với cùng mức độ như người vi phạm quyền tác giả.

(b).  Định nghĩa: như được sử dụng trong Điều này, thuật ngữ “buôn bán” có nghĩa là vận chuyển, chuyển nhượng hoặc định đoạt quyền sở hữu khác với bất kỳ người nào, để thu về bất kỳ thứ gì có giá trị, hoặc tạo ra hoặc có được sự kiểm soát về ý định vận chuyển, chuyển nhượng hoặc định đoạt đó.

(c).  áp dụng: Điều này sẽ áp dụng đối với bất kỳ hành vi hoặc các hành vi mà xẩy ra vào hoặc sau ngày ban hành của Luật về các Hiệp định của vòng đàm phán uruguay.

(d).  Không ưu tiên trước Luật của các Bang: không điểm nào trong Điều này có thể được diễn giải để huỷ bỏ hoặc hạn chế bất kỳ quyền hoặc các biện pháp thực thi theo Luật tiền lệ hoặc theo Luật của bất kỳ Bang nào.

Các quy định chuyển tiếp và bổ xung
của luật quyền tác giả năm 1976

Điều 102:

Luật này có bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/1978, ngoại trừ những quy định được quy định cụ thể khác tại Luật này, bao hàm các quy định của Điều thứ nhất của Luật này. Các quy định của Điều 118, 304(b), và Chương 8 của Điều luật số 17, như đã sửa đổi bởi Điều thứ nhất của Luật này , có hiệu lực khi ban hành Luật này.

Điều 103:

Luật này không quy định việc bảo hộ quyền tác giả đối với bất kỳ tác phẩm thuộc lĩnh vực công cộng trước ngày 1/1/1978. Quyền độc quyền như được quy định tại Điều 106 của Điều luật số 17 đã được sửa đổi bởi Điều thứ nhất của Luật này về sao chép tác phẩm dưới hình thức các bản ghi và quyền độc quyền về phân phối các bản ghi của tác phẩm, không mở rộng tới bất kỳ tác phẩm âm nhạc phi sân khấu nào được bảo hộ quyền tác giả trước ngày 1/7/1909.

Điều 104:

Tất cả các tuyên bố được Tổng thống ban hành theo Điều 1(e) hoặc 9(b) của Điều luật số 17 mà nó đã tồn tại vào ngày 31/12/1977, hoặc theo luật về quyền tác giả trước đây của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, sẽ tiếp tục có hiệu lực cho tới khi bị chấm dứt, huỷ bỏ, hoặc sửa đổi bởi Tổng thống.

Điều 105:

(a).

(1).Điều 505 của Điều luật số 44 được sửa đổi như sau:

“Điều 505. Bán bản sao các khuôn in.

“Nhà xuất bản in sẽ bán, theo quy chế của Uỷ ban chung về in ấn đối với những người mà có thể áp dụng, các khuôn in phụ thêm hoặc nhân bản của bản in đúc hoặc bản in mạ mà từ chúng hoạt động xuất bản của Chính phủ được in, với giá không vượt quá chi phí chế tạo, vật liệu, và tạo cho Chính phủ, cộng 10 %, và toàn bộ khoản tiền của giá này sẽ được thanh toán khi mà đơn đặt hành được nộp.”.

(2). Mục liên quan đến Điều 505 trong danh mục các điều ở đầu của Chương 5 của Điều luật số 44 được sửa đổi như sau:

“505. Bán bản sao các khuôn in.”.

(b).  Điều 2113 của Điều luật số 44 được sửa đổi như sau:

“Điều 2113. Giới hạn nghĩa vụ.

“Khi các thư từ và các sản phẩm trí tuệ khác (bao gồm các tài liệu được bảo hộ sáng chế, các tác phẩm đã công bố theo sự bảo hộ quyền tác giả, và các tác phẩm chưa công bố mà đối với chúng việc đăng ký quyền tác giả đã được thực hiện) thuộc vào sự kiểm soát hoặc chiếm hữu của tổng cục bưu chính (administrator of general service), Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hoặc các cơ quan của nó thì không có nghĩa vụ đối với sự vi phạm quyền tác giả hoặc các quyền tương tự phát sinh từ việc sử dụng tư liệu đó cho việc trưng bầy, kiểm tra, nghiên cứu, sao chép, hoặc các mục đích khác.”.

(c). Tại Điều 1498(b) của Điều luật số 28, câu “Điều 101(b) của Điều luật số 17” được sửa thành “Điều 504(c) của Điều luật số 17”.

(d).  Điều 543(a)(4) của Luật Lợi tức nội bộ năm 1954, sửa đổi, được sửa thông qua việc bỏ cụm từ (“ngoài lý do của Điều 2 hoặc 6 của luật này”).

(e).  Điều 3202(a) của Điều luật số 39 được sửa đổi thông qua việc bỏ Điểm (5). Điều 3206 của Điều luật số 39 được sửa đổi thông qua việc xoá cụm từ : “Khoản (b) và (c)” chèn vào “Khoản (b)” trong Khoản (a), và thông qua việc xoá Khoản (c). Khoản (d) của Điều 3206(d) được đánh số lại thành Khoản (c).

(f).   Khoản (a) của Điều 290(e) của Điều luật số 15 được sửa đổi thông qua việc xoá cụm “Điều 8” và chèn vào đó cụm “Điều 105”.

(g).  Điều 131 của Điều luật số 2 được sửa đổi thông qua việc xoá cụm “nộp để bảo hộ quyền tác giả” và chèn vào đó cụm “phát sinh quyền tác giả theo luật quyền tác giả,”.

Điều 106:

Trong trường hợp mà, trước ngày 1/1/1978, người đã tạo ra hợp pháp các bộ phận của phương tiện phục vụ cho việc nhân bản máy móc tác phẩm được bảo hộ theo giấy phép bắt buộc quy định tại Điều 1(e) của Điều luật số 17 đã tồn tại vào ngày 31/12/1977, những người này có thể tiếp tục tạo ra và phân phối các bộ phận thể hiện việc nhân bản máy móc tương tự mà không cần có được giấy phép bắt buộc theo các quy định của Điều 115 của Điều luật số 17 đã được sửa đổi bởi Điều 1 của Luật này. Tuy nhiên, những bộ phận mà được tạo ra vào hoặc sau ngày 1/1/1978, tạo thành bản ghi và nói cách khác là thuộc đối tượng của các quy định của Điều 115 nói trên.

Điều 107:

Trong trường hợp bất kỳ tác phẩm nào mà quyền tác giả tạm thời đối với tác phẩm đó được tiếp tục duy trì hoặc có khả năng được bảo đảm và ngày 31/12/1977 theo Điều 22 của Điều luật số 17 như đã tồn tại vào ngày đó, sự bảo hộ quyền tác giả đối với các trường hợp này được mở rộng duy trì một thời hạn hoặc các thời hạn quy định tại Điều 304 của Điều luật số 17 được sửa đổi bởi Điều 1 của Luật này.

Điều 108:

Các quy định về thông báo của các Điều 401 tới 403 của Điều luật số 17 được sửa đổi bởi Điều 1 của Luật này áp dụng đối với tất cả các bản sao hoặc bản ghi được phân phối công cộng vào hoặc sau ngày 1/1/1978. Tuy nhiên, trong trường hợp tác phẩm được công bố trước ngày 1/1/1978, phù hợp với các quy định về thông báo của Điều luật số 17 hoặc là như đã tồn tại vào ngày 31/12/1977 hoặc là như đã được sửa đổi bởi Điều 1 của Luật này, thì hoàn toàn chỉ liên quan tới các bản sao được phân phối công cộng sau ngày 31/12/1977.

Điều 109:

Việc đăng ký các yêu cầu về quyền tác giả mà đối với các yêu cầu này các yêu cầu về mặt thể thức như nộp bản sao, nộp đơn, và lệ phí đã được Cục Bản quyền tác giả nhận trước ngày 1/1/1978, và chứng nhận chuyển nhượng quyền tác giả hoặc và văn kiện khác đã được Cục Bản quyền tác giả nhận trước ngày 1/1/1978, sẽ được thực hiện phù hợp với Điều luật số  17 như đã tồn tại vào ngày 31/12/1977.

Điều 110:

Các quy định về yêu cầu và phạt của Điều 14 của Điều luật số 17 đã tồn tại vào ngày 31/12/1977 áp dụng đối với bất kỳ tác phẩm mà quyền tác giả của tác phẩm đó đã được bảo hộ thông qua việc công bố thông báo về quyền tác giả vào hoặc trước ngày đó, nhưng bất kỳ việc nộp bản sao và đăng ký nào được tiến hành sau ngày đó để đáp ứng yêu cầu theo Điều đó sẽ được thưc hiện phù hợp với các quy định của Điều 17  như được sửa đổi bởi Điều 1 của Luật này.

Điều 111: Điều 2318 của Điều luật số 18 của Bộ luật Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ được sửa đổi như sau :

“Điều 2318. Buôn bán nhãn giả đối với bản ghi, bản sao của chương trình máy tính hoặc chương trình tài liệu máy tính hoặc gói sản phẩm, và bản sao của tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm nghe nhìn khác, và buôn bán các tài liệu chương trình máy tính hoặc gói sản phẩm giả.

(a).  Người nào mà, trong các trường họp quy định tại Khoản (c) của Điều này, biết là buôn bán nhãn giả được dán hoặc được thiết kế để dán trên bản ghi,  bản sao của chương trình máy tính hoặc tài liệu hoặc gói sản phẩm của chương trình máy tính, hoặc bản sao của tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm nghe nhìn khác, và người nào mà, trong các trường hợp quy định tại Khoản (c) của Điều này, biết là buôn bán các tài liệu và gói sản phẩn giả của chương trình máy tính, sẽ bị phạt không quá 250.000$ hoặc bị phạt tù không quá 5 năm. Hoặc cả hai.

(b).  Được sử dụng trong Điều này:

(1). Thuật ngữ “nhãn giả” có nghĩa là dấu hiệu của nhãn hoặc vỏ bọc có vẻ như thật nhưng không phải là thật;

(2). Thuật ngữ “buôn bán” có nghĩa là vận chuyển, chuyển nhượng hoặc định đoạt quyền sở hữu khác với bất kỳ người nào nhằm thu lại bất kỳ giá trị nào, hoặc thực hiện hoặc đạt được sự kiểm soát về ý định vận chuyển, chuyển nhượng hoặc định đoạt đó; và

(3). Các thuật ngữ “bản sao”, “bản ghi”, “tác phẩm điện ảnh” “chương trình máy tính”, và “tác phẩm nghe nhìn khác” có nghĩa tương ứng với các thuật ngữ đó quy định tại Điều 101 (về phần định nghĩa) của Điều luật số 17.

(c).  Các trường hợp nói đến tại Khoản (a) của Điều này bao gồm:

(1). Sự việc vi phạm diễn ra thuộc vùng biển hoặc biên giới thuộc quyền tài phán của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ; hoặc trên các máy bay thuộc quyền tài phán của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ (như được định nghĩa tại Điều 101 của Luật Hàng không Liên Bang năm 1958);

(2). Thư từ hoặc các vận chuyển giữa các tiểu Bang hoặc buôn bán ngoại thương được sử dụng chủ ý sử dụng trong sự việc vi phạm;

(3). Nhãn  giả được dán hoặc được gửi kèm theo, hoặc được thiết kế để dán hoặc gửi kèm theo bản sao của chương trình máy tính được bảo hộ hoặc các  tài liệu hoặc gói sản phẩm được bản hộ của chương trình máy tính, tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm nghe nhìn khác được bảo hộ, hoặc bản ghi của bản ghi âm được bảo hộ; hoặc

(4). Các tài liệu hoặc gói sản phẩm giả của chương trình máy tính được bảo hộ.

(d).  Khi mà bất kỳ người nào mà bị kết tội là vi phạm Khoản (a), toà án trong bản tuyên án của mình, ngoài hình phạt được nêu trong bản án đó, lệnh tịch thu và tiêu huỷ hoặc định đoạt khác tất cả các nhãn giả và tất cả các đồ vật đã được dán nhãn giả đó hoặc các đồ vật có ý định dán nhãn đó.

(e).  Ngoại trừ nội dung mà trái với các quy định của Điều luật này, tất các các quy định của Điều 509,  Điều luật số 17, Bộ luật Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, được áp dụng đối với tất cả các vi phạm quy định tại Điều  (a).

Điều 2319: Vi phạm hình sự quyền tác giả:

(a).  Người nào mà vi phạm Điều 506(a) (về vi phạm hình sự) của Điều luật số 17 sẽ bị phạt như quy định tại Khoản (b) của Điều này và các hình phạt này sẽ được thêm vào với các quy định của Điều luật số 17 hoặc bất kỳ luật nào khác.

(b).  Bất kỳ người nào mà tham gia vào vụ vi phạm hình sự theo Khoản (a) của Điều này:

(1). Sẽ bị phạt tù không quá 5 năm, hoặc bị phạt một khoản tiền như quy định tại Luật này, hoặc cả hai hình phạt, nếu sự vi phạm này bao gồm việc tái nhân bản hoặc phân phối, trong bất kỳ khoảng thời gian 180 ngày nào, của ít nhất 10 bản sao hoặc bản ghi, của một hoặc nhiều tác phẩm bảo hộ, với giá trị bán lẻ trên 2.500$;

(2). Sẽ bị phạt tù không quá 10 năm, hoặc bị phạt một khoản tiền như quy định tại Điều luật này, hoặc cả hai hình phạt, nếu sự vi phạm này là lần thứ 2 hoặc sự vi phạm tiếp tục tái diễn theo Điểm (1); và

(3). Sẽ bị phạt tù không quá 1 năm, hoặc bị phạt một khoản tiền như quy định tại Điều luật này, hoặc cả hai hình phạt trong bất kỳ trường hợp nào khác.

(c).  Được sử dụng trong Điều này:

(1). Thuật ngữ “bản ghi” hoặc “bản sao” có nghĩa tương ứng quy định tại Điều 101 (về định nghĩa) của Điều luật số 17; và

(2). Thuật ngữ “nhân bản” và “phân phối” nói về quyền độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả theo Điểm (1) và (3) tương ứng của Điều 106 (về các quyền độc quyền đối với tác phẩm được bảo hộ), như được hạn chế bởi các Điều 107 tới Điều 120 của Điều luật số 17.

Điều 2319A: Ghi và buôn bán bản ghi âm và các băng videos âm nhạc của các buổi biểu diễn nhạc sống không được phép

(a).  Sự vi phạm: người nào mà không được sự đồng ý của người trình diễn hoặc những người trình diễn, biết rằng và nhằm mục đích thu lợi nhuận thương mại hoặc thu lợi cá nhân:

(1). Ghi các âm thanh hoặc các âm thanh và hình ảnh của buổi trình diễn nhạc sống trên các bản sao hoặc bản ghi, hoặc nhân bản các bản sao hoặc bản ghi của buổi trình diễn đó từ việc ghi buổi trình diễn không được phép;

(2). Truyền hoặc phổ biến khác tới công chúng các âm thanh hoặc các âm thanh và hình ảnh của buổi trình diễn nhạc sống; hoặc

(3). Phân phối hoặc đưa ra phân phối, bán hoặc chào bán, cho thuê hoặc mời thuê, hoặc buôn bán bất kỳ bản sao hoặc bản ghi đã được ghi như quy định tại Điểm (1), không phụ thuộc vào việc sự ghi đó xẩy ra tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hay không; sẽ bị phạt tù không quá 5 năm hoặc bị phạt một khoản tiền như quy định tại Điều luật này, hoặc cả hai hình phạt, hoặc nếu sự vi phạm này là lần thứ hai hoặc là tái phạm sau đó, sẽ bị phạt tù không quá 10 năm, hoặc bị phạt một khoản tiền như quy định tại Điều luật này, hoặc cả hai hình phạt.

(b).  Tịch thu và phá huỷ: khi một người bị kết tội là vi phạm Khoản (a), toà án sẽ ra lệnh tịch thu và phá huỷ bất kỳ bản sao hoặc bản ghi được tạo ra trong quá trình vi phạm đó, cũng như các khuôn đúc, khuôn in, khuôn cối, đĩa master, băng, phim âm bản mà thông qua chúng các bản sao hoặc bản ghi có thể được tạo ra. Toà án cũng có thể, theo suy xét của mình, lệnh tịch thu và phá huỷ bất kỳ các thiết bị nào mà thông qua các thiết bị này các bản sao hoặc bản ghi có thể được nhân bản, trên cơ sở xem xét đến tính chất, phạm vi, mức độ sử dụng các thiết bị này trong vụ vi phạm đó.

(c).  Tịch biên và tịch thu: nếu các bản sao hoặc bản ghi của các âm thanh hoặc các âm thanh và hình ảnh của buổi trình diễn nhạc sống được ghi ngoài Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ mà không được sự đồng ý của người trình diễn hoặc những người trình diễn trong buổi trình diễn đó, các bản sao hoặc bản ghi thuộc đối tượng tịch biên và tịch thu tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ theo quy định tương tự như các tài sản được nhập khẩu vi phạm Luật Hải quan. Thư ký của kho bạc nhà nước sẽ, trước 60 ngày sau ngày ban hành Luật về các Hiệp định của vòng đàm phán Uruguay, ban hành quy chế thực hiện khoản này, bao hàm các quy định mà thông qua đó bất kỳ người trình diễn nào có thể, vào lúc thanh toán các khoản lệ phí quy định, được hưởng quyền thông báo tới Tổng cục Hải quan Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ về việc nhập khẩu các bản sao hoặc bản ghi mà thấy là bao hàm việc ghi không được phép các âm thanh hoặc các âm thanh và hình ảnh của buổi trình diễn nhạc sống.

(d).  Định nghĩa: được sử dụng trong Điều này:

(1). Thuật ngữ “sao chép”, “ghi”, “tác phẩm âm nhạc”, “bản ghi”, “nhân bản”, “bản ghi âm” và “truyền” là các thuật ngữ theo nghĩa của Điều luật số 17; và

(2). Thuật ngữ “buôn bán” có nghĩa là vận chuyển, chuyển nhượng hoặc định đoạt quyền sở hữu khác với bất kỳ người nào, để thu về bất kỳ thứ gì có giá trị, hoặc tạo ra hoặc có được sự kiểm soát về ý định vận chuyển, chuyển nhượng hoặc định đoạt đó.

(e).  áp dụng: Điều này sẽ áp dụng đối với bất kỳ Luật hoặc những Luật nào mà phát sinh vào hoặc sau ngày ban hành Luật về các Hiệp định của vòng đàm phán Uruguay.

Điều 112:

Tất cả các vụ việc khiếu kiện mà phát sinh trước ngày 1/1/1978 sẽ được điều chỉnh thông qua Điều luật số 17 như đã tồn tại khi mà các vụ việc khiếu kiện đó phát sinh.

Điều 113:

(a).  Thư viện Quốc hội (sau đây gọi tắt là Thư viện) sẽ lập và duy trì trong Thư viện Quốc hội một thư viện với tên là Viện lưu trữ phát thanh và truyền hình Hoa Kỳ (sau đây gọi tắt là Viện). Mục tiêu của Viện này là bảo quản lâu dài bản ghi các chương trình phát thanh truyền hình là di sản của dân tộc Mỹ và cho phép xem các chương trình đó cho các nhà sử học, nhà nghiên cứu mà không khuyến khích hoặc tạo ra sự vi phạm quyền tác giả.

(1). Thư viện, sau khi tham khảo ý kiến của các tổ chức và cá nhân có liên quan, sẽ phân loại và xếp đặt trong Viện các bản sao và các bản ghi của các chương trình phát thanh truyền hình đã được truyền tới công chúng tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và các nước khác mà là các chương trình hiện tại, có tiềm năng công công hoặc lợi ích văn hoá, ý nghĩa lịch sử, giá trị nhận thức, hoặc xứng đáng bảo tồn khác, bao hàm các bản sao hoặc bản ghi của các chương trình truyền đã công bố hoặc chưa công bố:

(A). Có được theo quy định của Điều 407 và 408 của Điều luật số 17 như đã được sửa đổi bởi Điều 1 của Luật này; và

(B). Được chuyển sang từ bộ sưu tập hiện có của Thư viện Quốc hội; và

(C). Được cho hoặc trao đổi với Viện thông qua các viện lưu trữ, thư viện, tổ chức cá nhân khác; và

(D). Mua được từ chủ sở hữu của chúng.

(2). Thư viện sẽ bảo quản và công bố danh mục và phụ lục phù hợp của Bộ sưu tập của Viện, và thực hiện việc cung cấp bộ sưu tập này phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu theo các điều kiện được quy định tại Điều này.

(b).  Không trái với các quy định của Điều 106 của Điều luật số 17 đã được sửa đổi bởi Điều 1 của Luật này, Thư viện sẽ được phép đối với các chương trình truyền bao hàm bản tin hoặc các tin thu thập từ các sự kiện hiện tại theo theo lịch thường kỳ, và theo các tiêu chuẩn và điều kiện mà  Thư viện sẽ quy định trong quy chế:

(1). Sao chép việc bản ghi chương trình đó dưới hình thức vật chất hữu hình khác hoặc tương tự, nhằm mục đích lưu giữ hoặc bảo quản hoặc nhằm mục đích phân phối theo các điều kiện của Điểm (3) của Khoản này; và

(2). Biên tập mà không có sự lược bớt hoặc bất kỳ sự cắn xén nào khác, các phần của bản ghi đó theo chủ đề, và sao chép bản biên tập đó nhằm các mục đích quy định tại Điểm (1) của Khoản này; và

(3). Để phân phối các bản sao được tạo ra theo Điểm (1) hoặc (2) của Khoản này:

(A). Thông qua việc cho mượn đối với người làm công tác nghiên cứu; và

(B). Để nộp cho các viện lưu trữ hoặc các thư viện đáp ứng các yêu cầu của Điều 108(a) của Điều luật số 17 như đã được sửa đổi bởi Điều 1 của Luật này,

trong cả hai trường hợp cho sử dụng chỉ nhằm mục đích nghiên cứu và không cho sao chép hoặc trình diễn tiếp nữa.

(c).  Thư viện hoặc bất kỳ nhân viên nào của Thư viện thực hiện hoạt động được phép của Điều này sẽ không có nghĩa vụ về bất kỳ hành vi nào về việc xâm phạm quyền tác giả bị liên luỵ vào gây ra bởi bất kỳ người nào khác trừ phi Thư viện hoặc những nhân viên này biết là tham gia vào hành vi xâm phạm liên quan tới những người khác đó. Không điểm nào trong Điều này sẽ được phép diễn giải tới việc bãi bỏ hoặc hạn chế các nghĩa vụ theo Điều luật số 17 như đã được sửa đổi bởi Điều 1 của Luật này đối với bất kỳ hành vi nào không được phép trong Điều luật đó và Điều này, hoặc đối với bất kỳ hành vi nào được thực hiện bởi người mà không được phép hành động theo Điều luật đó và Điều này.

(d).  Điều này có thể được dẫn chiếu là “Luật Lưu trữ phát thanh truyền hình Hoa Kỳ”.

Điều 114:

Theo quy định tại đây được phép thành lập một quỹ mà có thể là cần thiết để thực hiện mục tiêu của luật này.

Điều 115:

Nếu bất kỳ quy định nào của Điều luật số 17 như đã được sửa đổi bởi Điều 1 của Luật này, được tuyên bố là trái với hiến pháp, giá trị pháp lý của các quy định còn lại của Điều luật đó không bị hảnh hưởng.

img